Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 15, 2013

NỖI LÒNG MỘT NHÀ BÁO BỊ… ĐỤC BỎ TÊN MÌNH KHỎI BÀI THƠ NỔI TIẾNG - Ngọc Long

Lê Bá Dương
Sông Thạch Hãn của mùa hè Đỏ lửa trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã ôm vào lòng mình hàng vạn chiến sỹ lứa tuổi 20.

Suốt gần 40 năm qua sau ngày giải phóng, hàng năm có một người lính vẫn lầm lụi vài ba lần về đây mua gom hoa, nhang thắp và thả xuống dòng sông, nơi ôm ấp hàng vạn linh hồn liệt sỹ đang gối mây trời yên giấc. Người lính đó là Cựu chiến binh (CCB), Nhà báo Lê Bá Dương.

Sau một lần thả hoa, đang thả hồn hoài niệm những ngày khói lửa, từng gương mặt đồng đội hiện về trong tâm trí, như thần giao cách cảm với hương hồn đồng đội, tâm trí nhà báo vụt lóe lên bốn câu thơ.

Sau này có dịp ngồi bình tâm lại và trò chuyện cùng bạn bè, bốn câu thơ “thô” đã được trình bày trang trọng lại và nhanh chóng nổi tiếng, trở thành những vần thơ “thần” đối với cả người sống và anh linh người đã khuất.

Bài thơ đó mang tựa đề “Lời Người Bên Sông” của tác giả Lê Bá Dương, phóng viên thường trú của báo Văn hóa Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm.

Bài thơ vốn nổi tiếng bởi có rất nhiều dị  bản, và bởi được nhiều nhạc sỹ, văn sỹ phóng tác, phổ nhạc. Giờ đây, bài thơ lại làm nóng các trang mạng và công chúng khắp nơi về việc vi phạm tác quyền và xúc phạm giá trị tâm linh của bài thơ.

Từ  năm 2009, vốn nhờ sự vận động, kết nối của chính Nhà báo Lê Bá Dương, người ta đã quyên góp xây dựng lên hai bến thả hoa ở bờ Bắc và Nam sông Thạch Hãn. Đồng thời trên đó, họ cũng đã dựng lên hai tấm bia có khắc bốn câu thơ tâm linh kể trên. Một điều phi lý đến khó hiểu là người ta đã…đục bỏ tên tác giả ra khỏi bài thơ và thay vào đó bằng một…đóa hoa sen.

Sự  việc mặc dù đã tồn tại gần 4 năm qua nhưng mãi tới những ngày đầu tháng 6 mới đây, báo chí mới có dịp đăng một bài viết về việc này. Do bài thơ đã được nhiều người biết đến nên sự việc nhanh chóng trở thành đề tài nóng khiến nhiều độc giả quan tâm và hoài nghi việc làm phi lý kể trên.
  

Tấm bia khắc bài thơ bên bờ Nam với bố cục thể lục bát: Ảnh chụp 2010


Bài thơ vốn được xem là tiếng lòng của những người còn sống và cả những người đã nằm dưới đáy sông hay sườn núi, con khe. Các cựu binh còn sống mỗi khi lẩm nhẩm bài thơ thì những hình ảnh khốc liệt, đau thương lại hiện về như chuyện mới hôm qua khiến mắt họ lại nhòa lệ. Với những người đã mãi mãi hòa tan vào đất, nước Quảng Trị thì bài thơ như lời nhắn nhủ của họ gửi tới đồng đội, đồng bào; tới các thế hệ Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau về một con sông đầy bi hùng, oanh liệt. Vì vậy, bất cứ một sơ suất nào trong việc sử dụng bài thơ đều khiến cả người sống và người đã hy sinh cảm thấy bị xúc phạm.

Như đã nêu trong bài viết trước đây về vấn đề này, việc đục bỏ tên tác giả là do những người có trách nhiệm cho rằng, bài thơ của Lê Bá Dương đã trở thành thơ…nhân dân (?), một khái niệm chưa từng tồn tại - kể cả với Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Sau khi vấn đề được công luận quan tâm, nhiều bạn đọc địa phương đã đến tận nơi kiểm chứng và phát hiện thêm nhiều sai sót như chất liệu đá khắc bài thơ không tốt; chữ khắc không đủ sâu, rõ; sơn chữ dễ bay màu; bố cục bài thơ khắc mỗi nơi mỗi kiểu; dùng từ không đúng nguyên bản bài thơ…

Tại sao việc khắc bài thơ vẫn tồn tại suốt hơn ba năm qua mặc dù vừa thể hiện sự ngang nhiên vi phạm luật bản quyền – không để tên tác giả, vừa thể hiện sự cẩu thả - xem thường các giá trị tâm linh truyền thống?

Qua trao đổi với người thân, bạn bè, đồng đội của Nhà  báo Lê Bá Dương, chúng tôi được biết một sự thật buồn lòng. Suốt mấy năm qua, ông vẫn trăn trở và đắn đo về việc này.

Một mặt, nếu lên tiếng về bài thơ, có nghĩa là ông đòi quyền lợi cá nhân mình. Trong khi, bao nhiêu năm ngược xuôi Nam, Bắc, lo các việc ân nghĩa cho thân nhân Liệt sỹ, cho đồng đội, cho đồng bào Quảng Trị, ông chưa từng so đo thiệt hơn. Hơn nữa, ông không đành lòng lên tiếng về bài thơ khiến ít nhiều làm tổn hại đến thanh danh của mảnh đất mà ông xem như là quê hương thứ hai của mình.

Mặt khác, ông thấy rõ việc khắc bài thơ với nhiều sai sót là một việc làm xúc phạm tới các Liệt sỹ, các CCB mà ông là một cá thể đại diện. Hơn cả là việc làm này rồi sẽ lọt vào mắt của du khách thập phương trong – ngoài nước, các cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước có dịp qua đây, các cựu chiến binh về đây thăm lại chiến trường xưa. Nếu không lên tiếng thì chính ông cũng cảm thấy chưa phải với những vong linh đồng đội của mình.

Dù vậy, hàng năm, ngoài việc luôn hoàn thành nhiệm vụ của một Nhà báo, CCB Lê Bá Dương vẫn chuyên cần thực hiện các hoạt động tri ân đồng bào Quảng Trị và đồng đội một thời trận mạc. Những việc làm của ông đã được hưởng ứng và nhân rộng, hình thành nên các chuyến hành hương với sự tham dự của hàng trăm CCB trong cả nước như hành hương Ấm rừng Đồng đội, Mang Quê hương vào cho Đồng đội, Đưa Đồng đội về với Quê hương...Nhiều phóng viên của các báo trong cả nước tham dự các chuyến hành hương này cũng đã có những tư liệu quý giá để viết lên các bài viết phong phú về đề tài lịch sử.

Tới đây là ngày báo chí Việt Nam, Nhà báo Lê Bá Dương đã luôn luôn duy trì và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Báo chí cách mạng, vừa hoàn thành nhiệm vụ của một nhà báo, vừa nêu cao gương sáng trong việc tổ chức, thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Quần chúng nhân dân và lực lượng báo chí cần có tiếng nói đề xuất đến những người có trách nhiệm ở Quảng Trị trong việc sửa sang lại tấm bia khắc bài thơ và bổ sung tên bài thơ, tên tác giả. Việc làm này ngoài ý nghĩa tôn trọng pháp luật (quyền tác giả - tác phẩm) hay giá trị tâm linh của bài thơ thì còn mang ý nghĩa tri ân công lao một Nhà báo đã luôn hết sức với nhiệm vụ và hết lòng với đồng bào, đồng đội.


Ngọc Long
lnguyen647@gmail.com


BÀI LIÊN QUAN
VỀ BÀI THƠ LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG
READ MORE - NỖI LÒNG MỘT NHÀ BÁO BỊ… ĐỤC BỎ TÊN MÌNH KHỎI BÀI THƠ NỔI TIẾNG - Ngọc Long

THUYỀN MƠ - thơ Hương Xưa


Riêng tặng Hoàng Duyên (Huế).                       

Trong mộng, anh mơ giữa dòng sông                        
Thuyền em lơi lã trôi theo dòng                        
Ánh trăng mờ ão ôi tha thiết                        
Tiếng nhịp tim nào đứng lặng chong                                       

Trong mộng anh mơ dáng hình em                                       
Lưa thưa vạt áo trắng như trong                                      
Ánh trăng xuyên thấy vùng cao ngất                                      
Một nữa non bồng một nữa không                          

Sông Hương đêm lạnh trở về khuya
Tiếng hát đê mê sao não nề                         
Từ khi anh bỏ nơi  thương nhớ                         
Ra đi biền biệt  chưa trở về                          
Đêm mơ, ngày nhớ người em nhỏ                         
Bây giờ em có còn nhớ  không?                             

Vỹ Dạ đêm trăng tiếng thở dài                                  
Anh nghe như tiếng khóc cũa “Sầu ai “                                  
“Sầu ai” em nói từ buổi ấy                                  
Em buồn em nhớ em đợi hoài                                  
Đợi đến khi nào hàng cau nhỏ
Lớn cao trổ ngọn, trái buồng sai....
                                           
Thế rồi, đò em bỏ dòng sông                             
Bò đò, bỏ cả chuyện trong lòng                             
Em theo người khác qua xứ khác                             
Để lại con đò anh chờ mong.                                                                  

HƯƠNG XƯA                                                                 

(L.H.)
READ MORE - THUYỀN MƠ - thơ Hương Xưa

NHỚ QUẢN LONG - thơ Nguyễn An Bình



Anh sẽ về thăm quê Quản Long
Miền Năm Căn nắng ấm mưa hồng
Có Cà Mau sống thời lưu lạc
Chút kỷ niệm buồn đẹp khói sương.


Để phù sa đắp bồi thương nhớ
Chiếc áo bà ba lộng giữa trời
Nơi đó tràm xanh vươn biển lớn
Cá tôm ong mật rộn niềm vui.


Ông Đốc có buồn như dạo cũ
Cái Tàu con nước lững lờ trôi
Năm Căn nghe nhớ tình thôn nữ
Xuôi ngược lòng tôi cách biệt rồi.


Anh nhớ Tân Hưng anh nhớ nàng
Người con gái đẹp của Viên An
Tóc bay thơm lúa nhà quê ấy
Gót nhỏ, bà ba gái miệt vườn.


Năm năm anh trở về Ông Đốc
Xứ Quản còn không của thuở nào
Đâu áo bà ba thời mới lớn
Biết ở phương nào để tìm nhau?


Viên An ghi khắc thời lang bạt
Đất Quản mờ xa hình bóng người
Cuộc chiến bao giờ thôi chia cách
Để ân tình nầy khỏi chia đôi.

Nguyễn An Bình


READ MORE - NHỚ QUẢN LONG - thơ Nguyễn An Bình

KHÔNG - TƯƠNG TƯ - thơ Thế Lộc


KHÔNG

Ta đi trong vô thức
Gặp em chiều vô tâm

Lá hoa rơi thì thầm
Giữa vô thường trời đất

Sư già đi gieo mật
Trong vô ngã nhân duyên

Bước chân cõi ưu phiền
Trong vô chung của giới

Từng đêm nghe vời vợi
Nhân quả một kiếp tằm.


TƯƠNG TƯ

Cho tôi gởi nửa linh hồn
Theo em mượn lại nụ hôn đầu đời
Em mang đi cả tình tôi
Bơ vơ tôi đứng giữa trời tương tư
Em đi không lời tạ từ
Sầu đông trụi lá buồn dư đất trời
Em đi như cuộc rong chơi
Tình tôi vụn vở nghẹn lời oán than
Nụ hôn đầu tôi cưu mang
Em quên đi hết sang ngang theo chồng
Xuân này em đã qua sông
Tôi quay quắt nhớ nụ hồng năm xưa .


THẾ LỘC
READ MORE - KHÔNG - TƯƠNG TƯ - thơ Thế Lộc

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: GIAO MÙA THƯƠNG NHỚ - Nguyễn Thanh Bá họa thơ Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt và Thi Trà


DẤU THỜI GIAN

Phượng đỏ rực màu tắm nắng trưa
Gọi hè ve khản tiếng đong đưa
Rời trường ôm nỗi buồn man mác
Xa lớp mang tâm trạng ngẩn ngơ
Kẻ vội vàng đi tìm chốn cũ
Người ung dung ở bám thành xưa
Bấy lâu biền biệt mong tin nhạn
Chợt nối đường dây buổi cuối mùa

                Hạ Thái Trần Quốc Phiệt


Họa:
GIAO MÙA THƯƠNG NHỚ

Phượng hồng khoe thắm nắng ban trưa
Thoang thoảng hương đồng theo gió đưa
Thương thuở học trò còn bé bỏng
Nhớ thời tuổi dại quá  ngu ngơ
Đường xưa còn đó ngôi trường cũ
Lối nhỏ đâu rồi chúng bạn xưa ?
Từ buổi chia tay trăm lối rẻ
Buồn dâng mỗi độ gió giao mùa.

                             Nguyễn Thanh Bá



MÙA SANG   

Nghe chim tu hú gọi mùa sang
Chùm vải trên cây đã chín vàng
Áo rét Nàng Bân đành gói lại
Khăn quàng Thổ cẩm chẳng thèm mang
Cúc cu chim gáy buồn xa vắng
Cuốc cuốc quyên buông nỗi đoạn tràng
Nhạc điệu thời gian da diết tấu
Mùa đi mùa đến tựa sang trang.

                                            Thi Trà

Họa:
NGẠI ĐIỂM TRANG

Phượng vĩ chưa tàn thu vội sang
Hàng cây hong nắng lá ươm vàng
Bao ngày tháng cũ vui  chưa trọn
Một nỗi niềm riêng sầu đã mang
Dẫu biết tình đời thôi kết hợp
Mà sao thương nhớ cứ xâu tràng
Người đi cách biệt bao sông núi
Ta khép lòng mình ngại điể trang .


                            Nguyễn Thanh Bá
READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: GIAO MÙA THƯƠNG NHỚ - Nguyễn Thanh Bá họa thơ Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt và Thi Trà

THƯƠNG THÂN - Trần Thị Quỳnh Hoa họa thơ Trần Ngộ



THƯƠNG THÂN
(Kính hoạ NHỚ BẠN của Trần Ngộ)

Thân đơn dong ruổi dặm đường trường
Xoải cánh chim ngàn bạt bốn phương
Lặng ngắm mây mờ giăng đỉnh núi
Thầm mơ nắng ấm trải quê vườn
Vì sông nhân thế đầy gai bụi
Nên gót tang bồng nặng gió sương
Dẫu áo thời gian phai mấy lớp
Vẫn mong chốn ấy được an cường.

TTQH



Bài xướng: NHỚ BẠN

Bè bạn ngày xưa học một trường
Bây giờ trôi dạt khắp ngàn phương
Người vô Đồng Tháp đeo cày ruộng
Kẻ ở Tây Ninh bám cuốc vườn
Chân lấm áo sờn trưa dãi nắng
Tay bùn quần nám sáng dầm sương
Kìa ai xiêu lạc nơi thành thị
Buôn bán làm ăn cảnh phú cường


TRẦN NGỘ
READ MORE - THƯƠNG THÂN - Trần Thị Quỳnh Hoa họa thơ Trần Ngộ

MỘT THỜI ÁO TRẮNG (Ba người bạn) - Đinh Thị Hiệp

Nguyễn Thị Thanh Thu và Đinh Thị Hiệp
 tại buổi họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng Q. Trị
tại Bình Thuận 10/3/2013



Giọng ca của cô Châu cất lên trong trẻo, cũng không phá đi sự ồn ào của tiệc đám cưới, tôi chú ý lắng nghe từng lời bài ca quá quen thuộc:

“Hai năm ôm mộng
Tình ta đã già.
Hai năm tình chạy
Em mỏi chân chưa …”

Tôi còn nhớ khá rõ lời và điệu nhạc của bài hát này, nhạc sĩ không chuyên hồi đó là cậu học trò, mà chị họ tôi gọi là BNPH. Cô Châu là vợ của ông Nguyễn L. là trưởng CA thị xã La Gi, ông một thời cũng là học trò dưới mái trường Cam Lộ, Cam Mỹ.

“Theo đoàn lưu dân” người dân Quảng Trị trước năm 1975 theo các Cha xứ vào đây sinh sống. Nghe nói dân Động Đền đa số theo cha Nam, còn dân Đông Hà thì đi theo cha Hoan. Tôi ở xa về, ghé thăm bà con vào những ngày giáp Tết đầu mùa xuân 1975. Tôi cùng leo lên dốc cao đến trường Cam Lộ xem thầy trò dựng Hội trại. Dốc Trung Giang khá cao, lên đến đỉnh thì thoai thoải hơn, từ dốc nhìn xuống thấy  cảnh biển hình vòng cung, ở xa tít tắp dưới kia. Mặt biển xanh thẳm một màu, có quãng bị che khuất bởi những khu nhà cao thấp ở thị trấn La Gi và biết bao là vòm cây. Nhà cách nhà là những lô đất rộng đến  một, hai sào. Vườn cây là những cây mít nhẫy nhượt mọc lên xanh tốt trên miền đất mới màu mỡ bao bọc lấy ngôi nhà lá hoặc nhà gỗ ở chính giữa. Đây coi như là vùng đất hứa của người dân Quảng Trị vào lập nghiệp. Đất mới khai hoang màu đỏ pha hứa hẹn những mùa bội thu khoai sắn.

Chị họ giới thiệu với tôi hai người bạn thân của chị, mà cả trường hay gọi là tam ca: Duyên (Du Uyên), Ngọc Lan, Huệ (Trắng). Nhìn họ có vẻ khắn khít, đi đâu cũng có nhau. Dưới hàng cây xanh của sân trường, ba chị đang dợt lại bài hát của anh bạn mới sáng tác, đó là những nỗi lòng của anh PH trải vào trong đó về cô học trò anh thầm yêu. Ai cũng thích hát nhạc của anh Ph vì lời lẽ rất dễ thương:

“Hai năm ôm mộng
Tình ta đã già…”

Tôi cũng không hỏi ai là người được anh PH gởi gắm tình cảm vào trong bài hát, chỉ nghe chị Huệ của tôi hết lời ca ngợi anh. (Sau này, anh cùng gia đình hồi cư về Quảng Trị; vùng đất này không thể níu kéo được bước chân, họ tìm về lại trên mảnh đất quê cha ruột thịt)

Ngày Tết sắp đến, tôi giã từ các anh chị ở miền đông Nam bộ này để về lại miền Nam, nơi tôi đang sinh sống. Tôi kịp thoáng nhìn thấy các thầy, trong đó có thầy Lê Mậu Duy, thầy Nguyễn Hiền mà sau này về đây tôi mới biết đến.

Bến xe lam ở trước mặt chợ, nay là chợ Cam Bình, đã ghi lại trong tâm hồn tôi một vài kỉ niệm vui nho nhỏ khi tôi chia tay để ra ngã tư đón xe về nhà. 

Ngày hôm nay, tôi không là cô bé ngày nào mới 16 tuổi, tập tễnh những bước đi vào đời, để tâm hồn mình bay bổng lên với tình yêu trong sáng, thơ ngây tuổi học trò. Tôi không phải ngước nhìn một cách ngưỡng mộ về chị họ tôi và hai người bạn gái. Tôi đã biết nhiều về tình bạn của họ thời áo dài trắng cắp sách đến trường trên đồi cao kia. Con đường đi học ngày qua ngày không êm ả, bằng phẳng như ở chốn thị thành nhưng là một con dốc cao, lối đi về cũng lắm mối tình thơ mộng. Tam ca áo trắng thời ấy cứ thế cất lên tiếng ca trong veo, thánh thót để ca ngợi cuộc sống như những con chim non luôn ca ngợi bầu trời tự do, đẹp đẽ. Đặc biệt chị Huệ Trắng có giọng ca trời phú, thật cao vút, nhất là khi chị hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn hoặc Phạm Duy.

Chị Duyên- sau này tôi gặp lại chị trong bệnh viện Hàm Tân, chị là cô y tá dễ thương trong chiếc áo blu trắng. Bẳng đi một thời gian dài, tôi không gặp chị. Cho đến một ngày đầu năm học 2003-2004, tôi về làm việc tại trường mới ngay giữa trung tâm thị xã. Một hôm, tình cờ, tôi trông thấy chị ở một ngôi nhà gần trường. Tôi mừng rỡ vô cùng, vội vàng ghé nhà thăm chị. Ngôi nhà của chị xây theo kiểu cổ, nhà xây có gác lửng, khu vườn nhiều cây cối bao quanh. Một ngôi nhà vườn ở khu vực dân cư đông đúc nhưng cuộc sống hai vợ chồng rất bình lặng, đều là những người về hưu sống ẩn dật, chăm chút cho ngôi nhà và vườn cây quanh nhà. Vườn nhà chị có cả những bụi chuối đang trổ buồng mọc trên bờ ao bông súng đang nở hoa, có những nụ hoa màu hồng phấn lấp ló  như cứ muốn vươn lên khỏi mặt nước. Có những lúc, khi bắt đầu một ngày làm việc tại trường, khi mở cửa sổ ra; từ ô cửa tôi nhìn thấy chị và hai chị em cứ vẫy tay chào nhau. Tôi có thói quen cứ mở cửa sổ là nhìn qua bức tường, mong được nhìn thấy chị. Hai vợ chồng đã chăm cho bụi hoa tím mau leo lên giàn, để che ánh nắng mặt trời chói chang buổi sáng, nên một khi bụi cây đã leo lên hết cái giàn kia, tỏa bóng  râm mát cho một khoảng sân trước nhà chị, thì tôi chỉ còn thấy thấp thoáng bóng hai vợ chồng ngồi trước ban công nhà vào mỗi buổi sớm mai. 

Chị Ngọc Lan- một nhân vật đáng yêu, giọng nói bao giờ cũng nhẹ nhàng dễ mến. Vào một ngày đầu tháng 9, lớp lớp người về dự họp mít tinh ở sân vận động Hàm Tân; nhà chị lại có chuyện đau buồn, người chị kế của chị là Mộng Hà đã tự tìm đến cái chết. Cái chết của chị khiến mọi người thương xót một cô gái trẻ đẹp. Mẹ chị cũng bị bệnh, thần kinh không ổn. Anh em nhà chị sau này bỏ xứ, theo nhau đi làm ăn nơi khác. Tôi từng nghe về cuộc sống của chị, chị có một đời chồng và đã li dị, chị lấy một người đàn ông khác tính tình cũng thất thường. Cuộc đời chị lắm gian truân; người ta thường nói hồng nhan bạc phận là thế. Có lần, tôi lên dự đám cưới cháu ở Sùng Nhơn, một vùng đất xa xôi, tận cùng của tỉnh Bình Thuận, gần giáp với tỉnh Lâm Đồng. Xế trưa, thay về tôi đi về đường Lạc Tánh mà sáng nay tôi đã đi qua, tôi lại cùng các anh chị bà con chạy về đường Đa Kai để ra Phương Lâm, Định Quán ra quốc lộ 1A. Chúng tôi dừng chân ghé lại quán café của chị Ngọc Lan. Tôi thấy người chồng của chị đúng như tôi đã hình dung, mặt mày thô kệch, râu tóc dài trông có vẻ quái dị. Sau này, tôi nghe tin vợ chồng chị lại bỏ nhau, chị đi làm xa để nuôi con ăn học. Một tối, bất ngờ chị gọi điện cho tôi, kể về việc chị hiện đang làm bồi cho một nhà nghỉ, khách sạn nào đó ở Võ Đắc, Ông Đồn nhưng chịu không nổi sự hà khắc của bà chủ chị lên Sài Gòn lại tiếp tục kiếm việc làm khác. Tôi không thể tin nổi một cô gái mảnh mai ngày nào giờ phải lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế. Giờ này chị đang làm tại một cơ sở nuôi trẻ ở quận 7, chị làm việc và được ở lại vô cùng thuận tiện cho chị. Mong cuộc sống của chị cứ bình yên như thế để chị còn tiếp tục nuôi cho hai đứa con trai ăn học nên người.

Nhân vật thứ ba tôi sẽ đề cập đến là chị họ tôi, chị Huệ Trắng, biệt danh này được đặt cho chị từ những ngày đi học ở dưới ngôi trường trên đồi cao gió hú kia. Những tháng ngày sau giải phóng, việc tập tành văn nghệ, ca hát là cái thú vui của chị. Ban ngày lao động trên nương vườn, tối đến sinh hoạt đoàn thanh niên. Lời ca tiếng hát xua đi mọi gian khổ, tạo niềm vui sống cho chị cũng như cho mọi người. Tiếng hát vẫn cao vút giữa bầu trời trập trùng, chị vẫn vô tư khi lội qua suối, cùng các em lên nương rẩy, nhà chị theo người ta làm những vụ bắp, những vụ mùa trồng khoai, sắn như nhà tôi vậy. May mắn Ông trời thương dân nghèo, những năm này chưa ai phải chết đói, vùng đất mới còn có những bãi trồng dưa hấu; bờ biển Cam Bình đầy tôm cá đủ sức che chở, nuôi biết bao con người xứ Quảng Trị, Bình Long. Giọng hót của những chú chim trên bầu trời kia chưa chắc đã thánh thót bằng chị, nhất là bài: “cô gái vót chông” chị lấy hơi, tiếng ca ngân dài chưa muốn dứt. Về sau, chị có gia đình sớm, bỏ cuộc vui…chị chuyển lên ở Xuân Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu. Cuộc đời chị gắn chặt với chồng con, lại là nương mì và những vườn tiêu xanh um. Các con chị giờ khôn lớn, kể như chị cũng an phận với cuộc sống gia đình. Giờ này, giọng ca của cô gái trẻ ngày nào có còn vươn xa, bay xa theo thời gian nữa không?

Tam ca ngày nào bên nhau, đem lại những khúc hát vào đời ca ngợi tuổi hồn nhiên, thuở áo trắng học trò này đâu còn gần gũi bên nhau. Mỗi người đi mỗi phương trời, mỗi người có một hoàn cảnh sống riêng. Nếu có một lúc nào đó, các chị gặp gỡ nhau, nghe lại những ca khúc đầu đời của anh BNPH thì chắc sẽ gợi nhớ nhiều đến kỉ niệm thời đi học, những ngày tháng bên nhau cùng học hành cùng vui chơi dưới mái trường đơn sơ, bình dị.

“…Con đường còn dài em ơi
Nẻo đường còn nhiều phôi pha
Nếu mà đời có khổ đau
Đừng trách gì nhau ơi đời”


                                                  Chiều thứ sáu, 14-6-1013
                                                                 Đinh Thị Hiệp
                                                                 (Bình Thuận)
READ MORE - MỘT THỜI ÁO TRẮNG (Ba người bạn) - Đinh Thị Hiệp

TRONG MƠ - Vĩnh Hoàng họa thơ Trần Bình


Họa thơ “Lạ lùng” của Trần Bình
TRONG MƠ

Đêm qua mơ thấy bóng em
Nhớ sao, quay quắt, dáng quen ban đầu
Hình như tóc đã thay màu
Cuộc trần vất vã, cơ cầu ai hay

Ôm choàng tay nắm chặt tay
Hồn như lãng đãng mộng ngày ngoạn du
Một thời tình thắm xa xưa
Bỗng dưng thoạt mất, nghe chua chát lòng

Dang tay bứt mối tơ hồng
Đời chia hai ngã, nhạt nồng quặn đau
Không còn duyên phận với nhau
Ôm sầu trôi nỗi, nhạt màu kiếp hoa

Ông trời buộc vậy thế a
Thôi đành bất lực, tưởng là trò chơi
Cuộc tình định mệnh của tôi
Thuyền xa bến cũ, biển trời ngu ngơ

Vì tôi nặng nghiệp yêu thơ
Đa tình lãng mạn, thẩn thờ khi yêu
Tơ rung khúc nhạc mỷ miều
Tiếng ngân trăng rụng, gió chiều vẫn vơ ./.

Vĩnh Hoàng



LẠ LÙNG

Lạ lùng chưa! Tôi nhớ em
Như là cái tuổi mới quen thưở đầu
Mà nay sương tóc phai màu
Nỗi niềm năm tháng dãi dầu nào hay
Lạ lùng tay nắm bàn tay
Tôi như tìm lại cái ngày mộng du
Em không là của ngày xưa
Mà tim tôi đập nhịp tơ nhịp lòng
Hồng nhan đã bạc má hồng
Truân chuyên một kiếp vợ chồng phận đau
Còn chi nữa để cho nhau
Thuyền quyên ván lật nát nhàu đời hoa
Chao ôi duyên phận thế a
Để em xoay vật ta bà mà chơi
Em làm tôi xấu hổ tôi
Sân si chau chút để rồi ... ngẫn ngơ
Ông trời bắt tội làm thơ
Cho quen người đẹp, cho khờ khạo yêu
Lơ ngơ lạc chốn mỹ miều
Quàng xiên bút mực mấy điều vu vơ ./. 

Trần Bình


READ MORE - TRONG MƠ - Vĩnh Hoàng họa thơ Trần Bình

Vọng cổ TRỞ LẠI QUÊ XƯA - Trúc Thanh Tâm


         LÝ CÁI MƠN

      Rồi bao năm lòng ta thương nhớ, nhớ lắm quê xưa. Chút tình nắng mưa cùng nhau. Dáng mây bay qua đồng lúa chín, tiếng ru hiền hòa. Bầu trời đêm tỏa ngàn ánh sao. Ánh mắt em nhìn anh, như nói lời ca ngợi tình yêu...

      VỌNG CỔ

      1. Đất mẹ ta ơi, hai mùa mưa nắng, đàn cò trắng chao nghiêng, chiều giăng mây tơ mỏng, sông chở phù sa bên lở bên bồi...

      Từ dạo chiến tranh anh đã xa rồi. Nơi những vườn cây cha trồng trĩu trái và ngôi trường thuở nhỏ của đôi ta (-).

      Nay trở lại quê xưa, bao thân thương cũng chia tứ tán, anh nghe trong anh man mác nỗi buồn. Gió rì rào trên đồng lúa vàng tươm, chim về đâu khi ráng chiều rưng rức tắt.

      2. Nồi cơm sôi, nóc nhà lên sợi khói, con gái dễ thương như hoa mướp hoa cà. Nón lá che nghiêng tóc xõa hẹn hò. Nhớ việc ngày mùa mở hội lúc hừng đông, áo bà ba mẹ đều tay cấy, cha quần phèn nhổ mạ từng công (-).

      Giờ quê mình như một chấm son, xin trang trải thành màu hồng đất mẹ. Cuộc sống đi lên rất cần nhân nghĩa, nhưng hạnh phúc con người không thể thiếu tình yêu.

      NGÂM THƠ

      Rượu ân tình xin uống với trăm năm
      Cho nhịp đập trái tim thêm gần gũi
      Cây lấn biển theo phù sa bồi mãi
      Cảm ơn đời và hạt nắng trần gian.

      VỌNG CỔ

      5-   Đưa em về lại quãng trời thơ ấu, mồ mả bà con từ dạo chiến tranh, chiếc cầu khỉ và con mương nhỏ, ơi đất quê ta đâu cũng có linh hồn...  Hãy về bên nhau cho ấm mãi cội nguồn. Anh nhớ lúc hồn em xanh màu lá, mắt thanh bình thuở ấy đẹp chiêm bao (-). 
           
      Khi tình yêu còn những mặn nồng, em đừng khóc cho lòng anh thêm chua xót, và em cần biết để làm người mong đợi, khi có người thương đi giữ nước non nhà.

      6-   Cơm trắng đậm đà sau buổi vần công, nước dừa ngọt lịm mát lòng trưa nắng nóng. Thương biết bao nhiêu tình làng nghĩa xóm cùng tiếng nói cười của trẻ râm ran.

      Ai gọi ai giữa đêm trăng êm ả hay tiếng đời rất khẽ với riêng ta. Hỡi em yêu, còn thương mưa nhớ nắng, thuở mùa xuân hoa bướm chẳng muộn phiền (-).

      Thời gian dấu chấm hững hờ
      Đâu màu mắt tháng giêng xưa gió lùa
      Lên trời sợi khói vu vơ
      Ta yêu nhau biết mấy mùa tàn phai !


     TRÚC THANH TÂM
READ MORE - Vọng cổ TRỞ LẠI QUÊ XƯA - Trúc Thanh Tâm

MỘT GÓC SÂN TRƯỜNG - thơ Nguyễn An Bình



Năm năm trời trôi qua
Đâu hay dòng nước cuốn
Những ước mơ thật xa
Theo nắng vàng rơi xuống. 

Hôm nay người ra đi
Giữa hai mùa lá rụng
Đâu nghe gió thầm thì
Trên hàng dương xanh ngắt. 



Như gốc bàng trước sân
Đã nhiều năm thay lá
Ngôi trường sống nhiều năm
Ra đi – sao nhớ quá. 

Nhìn hàng điệp mới trồng
Còn xanh tươi màu lá
Biết bao giờ đơm bông
Đỏ rực trời mùa hạ? 

Cô giáo hiền tôi ơi
Ra đi đừng buồn nhé!
Ngày mai hai phương trời
Sầu đâu vương rất nhẹ. 

Có bao giờ trở lại
Ngang qua cổng trường xưa
Nhìn hang cây năm ngoái
Nhớ gì, trong cơn mưa? 

Những đêm đèn dầu thắp
Soạn giáo án ngày mai
Bàn tay lần trang sách
Nghĩ gì, cho tương lai? 

Lá xanh còn trên cành
Thương lá vàng rụng xuống
Hạt sương còn long lanh
Thương cỏ đùa gió cuốn. 

Mai đây bụi mù trời
Theo đường xa vô tận
Còn quấn quít chân người
Thương hoài người muôn thuở. 

Đời ta như cánh gió
Trải cho đời bao dung
Như hạt sương trên cỏ
E ấp môi thơm nồng. 

Gửi bạn chút nắng vàng
Trong sân trường tháng chín
Nghe tiếng trống trường tan
Mà nghe lòng bịn rịn. 

Tạm biệt nhau bạn nhé
Sao thấy lòng bùi ngùi
Ở đâu rồi cũng thế
Chỉ là cánh bèo trôi. 

Gửi bạn lời chúc lành
Giữa dòng đời trăn trở
Ngày mai tống biệt hành
Nghe lòng rưng chút nhớ. 

10/9/1980 
Những ngày rời Thạnh phú-Mỹ Xuyên
Nguyễn An Bình
READ MORE - MỘT GÓC SÂN TRƯỜNG - thơ Nguyễn An Bình

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Hồ Trọng Trí họa thơ Thi Trà, Ngô Văn Cư, Thương Yến Tử, Nguyễn An Bình, Điền Đăng, Lê Đình Lộng Chương

Hồ Trọng Trí

Họa y đề thơ “Mùa sang” của Thi Trà:
MÙA SANG

Lưng trời mây bạc báo thu sang
Lác đác trên cây lá úa vàng
Dậu cúc đơm hoa hương thắm đượm
Nhạn đàn lìa xứ dạ mang mang
Giọng quyên hiên vắng niềm xa xót
Nhịp mõ canh khuya chốn đạo tràng
Tiếng vọng thời gian ai có thấu
Nỗi lòng thục nữ lệ đài trang


Họa y đề thơ “Tự trào” của  Ngô Văn Cư:
TỰ TRÀO

Tháng ngày nát rượu lão say mèm
Lạng quạng đi đường ngó bộ hem
Liếc xéo gái tơ còn vọng tưởng
Nhìn nghiêng bà góa vẫn thòm thèm
Ở nhà ngại vợ mồm ra rả
Ra xóm lo già mắt nhấp nhem
Cuộc sống còn bao điều thú vị
Tiếc rằng phong cách tớ lèm nhèm


Họa thơ “Thương về kỷ niệm” của  Thương Yến Tử:
MÀU KỶ NIỆM  

Nhàn nhạt hiên chiều ánh nắng loang
Lưng trời hoàng hạc rẽ mây ngàn
Nhớ thương tuổi ngọc lời quyên giục
Luyến tiếc hè xưa huyết phượng mang
Một thuở hoa niên tình vụng dại
Bây giờ bóng xế mộng phai tàn
Tha phương hướng vọng về nguồn cội
Kỷ niệm vơi đầy chốn thế gian


Họa thơ “Gửi em gửi một bài thơ” của Nguyễn An Bình:
TẶNG EM TẶNG MỐI TÌNH THƠ

Sương khuya sương lạnh bùi ngùi
Người đi người cũng nào nguôi đau buồn
Lá vàng lá đổ theo luôn
Men sầu men dậy men luồn buồng tim
Tìm em tìm dấu lông chim
Anh trông anh đợi mùa nghiêng võ vàng
Lệ buồn lệ ứa mấy hàng?
Như sông như suối ngập tràn sau mưa
Tặng em tặng mối tình thơ
Trải mưa trải nắng bạc phơ tóc đời
Trăng tà trăng lặn sau đồi
Anh ngơ anh ngẫn tựa người lãng du
Bao năm bao tuổi tù mù
Thương em thương mãi cho dù biệt nhau
Yêu em yêu tự buổi đầu
Anh xa anh dấu nỗi sầu buốt tim


Họa thơ “Dài trông bóng cũ” của Điền Đăng nhân dịp kỷ niêm ngày mất của Thi lão ĐIỀN ĐĂNG
NHỚ CỐ THI LÃO ĐIỀN ĐĂNG

Vĩnh biệt thi huynh tự bấy giờ
Làng thơ vắng bặt mấy cung tơ
Vần thơ tuyệt cú không còn rót
Quán hẹn cà phê hết ngóng chờ
Thi hữu bốn phương mong nhớ Cụ
Thi đàn mấy độ mộng chờ thơ
“Dài trông bóng cũ” bao thương mến
Cầu nguyện giác linh vượt bến bờ



Họa thơ “Đêm trăng cảm tác” của Lê Đình Lộng Chương
ĐÊM TRĂNG CẢM TÁC

Ánh trăng bàng bạc chiếu tầng không
Mặc khách neo thuyền cạnh bến sông
Khắc khoải canh thâu niềm u uẩn
Cảm hoài nhân thế nỗi chờ mong
Sương khuya buông nhẹ lên bờ cỏ
Trăng xế tỏa lan xuống cánh đồng
Trong sớm chèo ai khua động nước
Khiến dòng sông mộng vỡ vầng trăng



Hồ Trọng Trí
Kim Long, BRVT
Đ/t: 01667332652    
READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Hồ Trọng Trí họa thơ Thi Trà, Ngô Văn Cư, Thương Yến Tử, Nguyễn An Bình, Điền Đăng, Lê Đình Lộng Chương