Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 7, 2013

GIỚI THIỆU TẬP THƠ "NGỌC" của nhà thơ HẠNH PHƯƠNG - Mang Viên Long

Trích từ NGỌC 
- tập thơ của HẠNH PHƯƠNG.
NXB Thanh Niên,
Hà Nội, 2010













N G Ọ C là một bản trường thi dài 99 khúc ngũ ngôn tứ tuyệt, vừa được nhà thơ Hạnh Phương cho ấn hành vào quý II năm 2010. 
          
Với một tập thơ nho nhỏ xinh xắn (khổ 12 X 20 cm) có tên là NGỌC sáng giữa nền xanh mầu da trời, lồng trong khung mầu xanh đậm - đã tạo được cảm giác tươi mát, tinh khiết, rất "thơ" cho người đọc.   
        
Trên nền tảng của tư tưởng Phật Giáo đã được tiếp nhận một cách nhuần nhị, sâu sắc-nhà thơ đã chắc lọc qua tâm thức liễu ngộ trong nhiều năm tháng của đời sống khổ đau và thao thức - những lời Phật dạy, những cốt tủy của kinh tạng, bẳng xúc cảm rất riêng, bằng niềm tin không thối chuyễn, và nhất là - bằng sự giác ngộ đã được thực nghiệm, để kết thành từng viên NGỌC...     
     
Hạnh Phương đã góp nhặt được 99 viên NGỌC ngời sáng-thành một tràng chuỗi pháp nhũ mầu nhiệm, thành kính  dâng hiến cho người.Theo tinh thần nhà Phật - đây là một việc làm thiết thực để cúng dường chư Phật. ("diệu âm hiến cúng Phật / trái tim tình nở hoa" (01) ) Có thể xem NGỌC, là một "thi luận" quy tụ nhiều lời kinh Phật, qua lăng kính cuộc sống của một nghệ sĩ Phật tử thuần thành, đã có quá trình tu học và làm Phật sự gần suốt cuộc đời.   
       
Do đó, NGỌC là một kết tinh tài hoa của tấm lòng thuần khiết, chan hòa với tình đời lẽ Đạo - là sự rộng mở của trái tim, và sự phát tiết đơm hoa  trí tuê của một nghệ sĩ chân chính, luôn nhạy cảm với mọi đổi thay quanh mình, cho dù đó chỉ là "những hạt sương như ngọc / đậu trên lá cỏ thi" (08)/ hay "nửa khuya nghe lá thở" (10).  
       
Hạnh Phương đã đọc Kinh bằng xúc cảm của trái tim thuần khiết của một nhà thơ, ghi lại sự thấu đạt lẽ mầu cũng vói tâm hồn một nhà thơ - do đó, 99 khúc ngũ ngôn đã len nhẹ, thám đẫm vào hồn người đọc một cách tự nhên, như nhiên-miên man như một dòng suối.:

          "Ngọc trời xanh khéo đúc 

           Thành hạt lệ nụ cười    

          Tình yêu người phó chúc   

           Xanh ngàn lá non tươi "             
  
           (02)

          Và từ dạo ấy:

         "Đá kết tinh nên Ngọc  

          Ngọc khéo đúc nên người      

          Bờ vai dài suối tóc    

          Mươn mướt dòng thơ khơi..."        
    

          (03)   

         "Những hạt sương như Ngọc       

         Đậu trên lá cỏ thi      

         Chở trời trong như lọc      

          Ánh ánh ngời lưu ly"              

        ( 08)


Với niềm xác tín vững chãi, với tâm yên tịnh từ hòa - Nhà thơ đã nhìn ngoại cảnh với ánh mắt an nhiên qua thấu kính pháp Phật - rất sâu sắc:

         "Quê hương mình diễm lệ       

          Thần kinh trầm mặc thế      

           Ôi lá ngọc cành vàng      

           Mặc bao mùa dâu bể "               
    
          (12)


Nhà thơ đã tâm sự - cũng là ghi dấu một thực nghiêm máu thịt qua bao  tháng năm đắm mình trong biển pháp - để mài giũa, kết tinh nên những viên Ngọc "muôn thuở rằm tròn xinh" :

         "Vắt cạn máu tim mình     

          Châu ngọc ngân lóng lánh     

          Nguyệt trong, viền thiền ảnh     

          Muôn thuở rằm tròn xinh"               

         (21)


           Và một kinh nghiệm trong quá trình thâm nhập Phật pháp tưởng giản dị - nhưng là một trong những lời khuyến dạy tha thiết của Đức Phật, để mỗi người tụ mình tìm thấy "viên ngọc quý" đã  sẵn  có trong ta từ bao đời - đó là Phật tính (hay tự tánh/ chơn như/ bản lai diện mục/) đã bị đám mây đen vô minh, hay bùn nhơ ngũ trược đeo bám - không cho hiển lộ: - để mãi mãi gánh chịu khổ đau trong vạn kiếp sinh tử luân hồi:

        "Ngọc không trau, không giũa    

          Ai biết Ngọc quang huy    

          Lá không xanh mướt lụa    

          Ai biết hồn kim chi?"              

          (24)


           
Khi Ngọc đã sáng - tâm đã khai, tuệ đã giác - thì:

        "Tự thân Thơ là Ngọc     

          Người Ngọc giữa trang thơ     

          Bốn mùa ân mưa móc    

          Chân như đẹp mỗi tờ"                

         (31)


            
Nếu ngược lại - mãi trôi lăn trong dòng thác cuồng nộ tham đắm của đời sống mà:

        "Đem đời mình cá cược       

          Vào túy tửu cuồng ca       

          Hỏi làm sao hiểu được      

          Tiếng oanh vàng thiết tha?"                

          (52) 

           
Đức Phật đã bao lần khuyến dạy "hãy tự  mình thắp đuốc lên mà đi", "Tự mình làm chỗ nương tựa cho mình chứ người khác làm sao nương tựa được? Tự mình khéo tu tập mới đạt được đến chỗ nương tựa nhiệm mầu" (PC 160/ Phẫm Attavaggo). Ngọc (78) nhà thơ cũng đã khẳng định lại : 
       

        "Tự mình trau giũa mình      

          Tự mình, tự đẹp xinh     

          Tự mình cùng cát bụi      

          Mừng đoàn tụ trùng sinh"

          
Từ ý nghĩa thâm thúy của lời dạy trên, người đọc nhớ lại nhiều lời dạy của chư Tổ nhằm khai thị cho người học Đạo nhận ra "bản lai diện mục" của chính mình - để  sớm được kiến Tánh - ngộ Đạo:  "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh-tât cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành"/ bởi vì - trong mỗi chúng ta, ai ai cũng  sẵn  có "viên ngọc quý" ấy trong người cả; chẳng cần tìm cầu viễn vông đãu xa?


         "Vượt non cao vực sâu      

          Tìm Ngọc, Ngọc nơi đâu        

          Về nhà ngồi tĩnh lại      

          Lóng lánh mình minh châu!"                

          (96)

          
Đọc hết 99 khúc hát trong "thi luận/ trường thi" Ngọc, có một điều không thể tránh khỏi được - đó là, theo "Lời Vào Thơ" (trang đầu) thì bài trường thi này đã được nhà thơ hoàn thành chỉ trong 24 giờ; do vậy - có "vài viên Ngọc" chưa được toàn bích, ngời sáng đúng mực - nó bị ràng buộc bởi kinh điển mà chưa thoát ra khỏi sự hạn chế để hòa nhập cùng sự mênh mang của cảm xúc tự nhiên.        

Trong lời "Cảm Đề", Tỳ Kheo Chơn Thiện đã tâm sự: " (...) Chúng tôi đã hình dung nhà thơ Trụ Vũ và nhà thơ Hạnh Phương đang đong đưa võng bên dòng suối thực tại là để thường nghe tiếng hát diệu âm; chiếc võng ấy là sự an tịnh của tâm thức; dòng suối ấy là toàn cõi hiện tượng giới này. Tiếng hát ấy hôm nay đã được ghi lại trong 100 vần thơ Ngọc (...) ".  Và nhà thơ Trụ Vũ trong "Lời Vào Thơ" cho "Ngọc" đã nhắc lại lời người xưa: "Thi trung tự hữu nhan như ngọc" - nhưng riêng tôi, muốn được "tâm tình" đôi điều với Ngọc -bởi vì, chính nhờ tiếng hát về diệu âm, diệu nghĩa, diệu lý, diệu hữu... của nàng thơ Ngọc mà tôi cũng đã có được phút giây an tịnh, hạnh phúc tuyệt vời!         

Lập Tâm tịnh thất

Mùa Phật đản 2554

Huệ Thành-MANG VIÊN LONG



Hạnh Phương gởi đăng từ: hkbhanhphuong47@yahoo.com.vn

READ MORE - GIỚI THIỆU TẬP THƠ "NGỌC" của nhà thơ HẠNH PHƯƠNG - Mang Viên Long

KHI ... - thơ Châu Thạch


1.                  

Khi tổ chim rơi khỏi cành rúng động
Thì nỗi đau run rẩy  lòng cây
Khi cây cao đổ xuống vực sâu nầy
Thì nỗi đau vọng vào lòng núi


Và khi lửa thiêu rừng cháy rụi
Thì nỗi đau lan tỏa lên mây
Và khi mây hóa nước xuống một ngày
Thì nỗi đau sẽ  tràn về nhân loại.


Khi nhân loại ngập trong vùng nước mắt
Thì khóc than cứ gọi mãi lên trời
Và khi trời không lên tiếng trả lời
Thì nhân loại đấm ngực mình tự trách. 


2.                     

Khi bầy cá chết phơi trên mặt nước
Là dòng sông ô nhiễm khởi đầu
Rồi ngư ông sẽ buông bỏ cần câu
Và ngư phủ gác mái chèo lên bến.


Lúa sẽ bị ngâm mình trong nước bẩn
Và rau xanh mang chất độc trên thân
Giếng trong vườn phảng phất một mùi tanh
Người sẽ uống và ăn mầm gây bệnh.


Ngay lúc đó lũ tà thần vụt đến
Qua tà nhân môi giới quỷ và người
Giá bùa mê thuốc lú tợ tôm tươi
Và đền miếu ngút ngàn hương với khói.


Hãy cứ tống chất  ô dơ vào cõi...! 


Châu Thạch


READ MORE - KHI ... - thơ Châu Thạch

HOÀI HƯƠNG - thơ xướng họa - Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt và thi hữu


HOÀI  HƯƠNG           

Bài xướng Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Sống ở trời tây nhớ cõi đông
Dằn thâm ký ức thấm sâu lòng
Tiếng ca vang vọng chiều thôn dã
Khúc hát ru êm bãi cỏ bồng
Lóng lánh sương mai, lời dế khản
Lâng lâng nắng hạ, tiếng ve trong
Vọng về cố quận thương ngày cũ
Thử hỏi rằng ai có vậy không !


XÓT  XA

Bài họa Văn kế Thế

Trời tây se lạnh buổi tàn đông
Nhớ đến quê hương thấy chạnh lòng
Nhớ cánh diều chiều trời bát ngát
Nhớ con thuyền bến nước bềnh bồng
Nhớ vầng trăng tỏ thêm mơ mộng
Nhớ áng mây mờ lúc nắng trong
Thương nhớ nhớ thương ôi đất mẹ!
Nỗi lòng Hạ Thái xót xa không?



HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Nguyễn Vô Cùng

Bên trời gom chút nắng ngày đông
Chẳng đủ cho ai sưởi ấm lòng
Một nỗi quê nhà thêm tiếc nhớ
Bao năm đất lạ mãi phiêu bồng
Vườn xưa vẫn đẹp, trăng mờ tỏ
Bến cũ còn thơ, nước đục trong?
Sao thấy cơn buồn như rạn vỡ
Để mình hiu quạnh giữa chiều không



HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Phùng Trần-Trần Quế Sơn

Nhìn về cố quốc tận trời đông
Thao thức năm canh nhớ ngập lòng
Đất mẹ rừng vàng xinh thắng cảnh
Quê cha biển bạc đẹp non bồng
Giang sơn ba cõi mong tươi sáng
Quốc Tổ bốn nghìn giữ đẹp trong
Văn hiến thấm sâu dòng Lạc Việt
Cháu con bồi đắp chẳng ai không!

Illinois; Apr-03-2011



HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Hoàng Đằng

Bên đoài ngồi nhớ tận bên đông
Thao thức hàng đêm rối cõi lòng
Sống ở tha phương ... hình dõi ngóng
Nghĩ về cố quận ... bóng đèo bồng
Vẳng nghe tiếng cuốc mờ mi ướt
Mãi hát khúc quê khản giọng trong
Bên nớ bên ni chung một bọc
Người răng ta rứa sao mà không?




HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Trương văn Lũy

Tưởng chừng đang đứng giữa trời đông
Én liệng qua sân chạnh nỗi lòng
Nhớ sớm quê cha mây ấp ủ
Thương chiều đất mẹ nước bềnh bồng
Cầu tre lắc lẽo cô thôn nữ
Nón lá nghiêng hình bóng rọi trong
Trăn trở mấy vần thơ xướng họa
Trả lời câu hỏi - nhớ sao không!



HOÀI  CẢM

Bài họa Quang Tuyết

Mưa về tháng hạ nhớ ngày đông
Cho kẻ xa quê bỗng nhói lòng
Nhớ bóng mẹ già thân bạt gió
Thương thân con trẻ kiếp phiêu bồng
Phận đời chìm nổi bao dòng đục
Kiếp số thăng trầm mấy bến trong
Tỉnh giấc nửa chừng ôm gối mỏng
Ngoảnh nhìn đã đến phút hư không



NGẬM NGÙI SẮC KHÔNG

Bài họa Đoàn Chinh Nam

Tình xưa, cảnh cũ, một chiều đông
Mưa gió thê lương, nghẹn tiếng lòng
Kẻ ở phôi pha mầu bích phát
Người đi tan tác mộng phiêu bồng
Thuyền lưu lạc mấy dòng trong đục
Bến đợi chờ bao thuở đục trong
Hiu hắt nhìn nhau thương kỷ niệm
Ngậm ngùi khoảnh khắc sắc hòa không


HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Tâm Giao

Ngàn cây trụi lá rét mùa đông
Nhung nhớ dâng lên ngập cõi lòng
Thân thế nửa đời còn bảng lảng
Sinh cơ trọn kiếp vẫn phiêu bồng
Tháng năm đằng đẵng mờ hư ảo
Tâm sự mịt mùng lẫn đục trong
Ai biết lòng ai hoài nhớ lắm
Ngóng về cố quận vẫn mù không!

(4/4/2011)



HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Lê Ngọc Kha

Thấm thoắt nay đà mấy lập đông
Hoài hương canh cánh vẫn bên lòng
Nhìn về quá khứ bao trôi nổi
Nghĩ đến tương lai bấy bập bồng
Đàn cá cong đuôi vờn nước đục
Bầy chim nghiêng cánh níu trời trong
Gió chiều mây tím bay lờ lững
Nhung nhớ tràn đầy ngập cửa không.



HOÀI  HƯƠNG

Bài họa Trần Văn Hạng

Ngàn trùng cách trở nhớ trời đông
Ký ức in sâu tận đáy lòng
Lất phất mưa phùn nơi xứ Quảng
Hanh hao nắng mới chốn non Bồng
Thương về một thuở thời thơ ấu
Nhớ lại bao ngày tuổi trắng trong
Môt cõi trời thương nơi đất khách
Mơ hoài cố quận bạn hay không?



HOÀI  CẢM

Bài họa Đoàn Ngọc Kiều Nga

Sao cũng trời đông cũng biển đông
Mà đây mưa nắng hắt hiu lòng
Trông trăng chạnh nhớ mùa trăng loạn
Hong tóc ngùi thương tuổi tóc bồng
Hồi ức mênh mang chiều gió lặng
Còi tầu da diết sáng trời trong
Tháng năm mộng ước dần phiêu bạt
Tình vẫn u hoài chuyện sắc không

Boston, April 5, 2011.



THƯƠNG QUÊ HƯƠNG

Bài họa Lê Bá Lộc

Thương quê gía lạnh những ngày đông
Chạnh nhớ năm xưa buốt quặn lòng
Tí tách đêm về mưa rả rich
Đìu hiu ngày đến gió bềnh bồng
Mừng vui mỗi bữa tô cơm trắng
Chán ngán từng khi chén cháo trong
Tất bật vai gầy đôi gánh nặng
Vì con mẹ chịu cảnh phòng không

Pine-Hill, April 6-2011



ĐỘC  ẨM

Bàì họa Thái Huy

Chiều xuống mình riêng lạnh gió đông
Nhìn mây lơ lửng xuyến xao lòng
Lối xưa đã khuất hàng tre ngọc
Bạn cũ còn đâu suối tóc bồng
Mong mãi không thông thuyền mắc cạn
Đợi hoài chẳng thấy nước lên trong
Tay chèo đã mỏi vì giống bão
Tu sạch cơn say, ngả cốc không!

4-7-11



HOÀI  NIỆM          

Bài họa Võ Thị Nguyên

Xuân hạ thu rồi lại đến đông
Bao nhiêu kỷ niệm giữ trong lòng
Bùi ngùi câu hát thời niên thiếu
Quay quắt khúc ru thuở mẹ bồng
Phố thị hè về hoa đỏ thắm
Sông quê thu đến nước xanh trong
Nhớ thương - hoài niệm - mênh mông ý
Người có tấm lòng - chẳng dễ không!

 8/4/2011


Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt biên tập
READ MORE - HOÀI HƯƠNG - thơ xướng họa - Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt và thi hữu

HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG - chùm thơ Trúc Thanh Tâm


   1- LỤC BÁT SÀI GÒN 

   Sài Gòn của gió và em
   Của chiều nắng mật, phố quen lạ đời

   Sài Gòn của những nụ cười
   Của đêm tình tự, sáng ngời tài hoa

   Sài Gòn của tuổi thơ ta
   Của nhân nghĩa, chốn phù hoa, đua đòi

   Sài Gòn của tuổi hai mươi
   Của người sau, sống thật người ngày xưa!

            
  2- CÁI THẬT, ĐIỀU KHÔNG LẦM LẪN
                                  
              Tặng Anh Nghiễm, Thụy, Xuân
                
   Sài Gòn, tôi về nắng trưa
   Cầu Chữ Y, nỗi buồn gió táp
   Cái đầu tiên mà tôi bắt gặp
   Là sự nhỏ nhoi, nỗi khổ riêng mình!

   Đèn Sài Gòn ngọn đỏ, ngọn xanh
   Đâu đủ sáng cho mình mơ ước
   Mưa, là cái khôn tắm mát
   Nhưng con người, đôi lúc lại sợ mưa!

   Mắt, bị che chiếc lá sái mùa
   Đường thẳng cứ lờ mờ, quanh quẩn
   Tôi thấy bước chân mình khá nặng
   Mang trên vai một túi nghiệp văn chương!

   Bạn bè, ly rượu tứ phương
   Ở quán cóc, góc vỉa hè tận hưởng
   Là sự thật, là tận cùng ham muốn
   Là trái tim còn nét thật con người  !

                 
   3- EM XA TA, MẮT LỆ ƯỚT SÀI GÒN

Nắng di tản, đám mây đen ùa tới
Ta tạt vào quán lá cạnh đường xa
Cô chủ quán cũng hồng hồng đôi má
Ta thấy mình sống lại tuổi hăm ba!

Cũng quán lá, phải lòng cô gái Huế
Gia Định mưa, ta uống cốc xây chừng
Điếu capstan khói tan vào mộng
Ta nhớ đời, một vạt tóc ôm lưng!

Giờ muốn quên mà không quên được
Sáng đầy khói bụi, tối mưa nỉ non
Ngày ấy bên nhau vàng trăng mật
Em xa ta, mắt lệ ướt Sài Gòn!

Đời quanh quẩn trên từng cây số
Bến thời gian còn in dấu tàn phai
Hết chiến tranh mà chưa hết giặc
Trận giặc tình ta đánh cả đời trai  !


  4- GIỌT MÁU VIỆT NAM

   Buổi sáng qua đường gặp người ăn xin
   Việt Nam đau thương, Việt Nam tội tình
   Thế kỷ hai mươi, con người tranh sống
   Thành phố Sài Gòn mọc nhiều building!

   Chiến cuộc kéo dài, người bỏ nhau đi
   Đứa trẻ không cha lúc mới chào đời
   Nước mắt mẹ rơi, nồi da xáo thịt
   Những dòng sông buồn có những thây trôi!

   Ta khóc cho người, ta khóc cho ta
   Khóc cho Việt Nam hận tủi chan hòa
   Em hãy lớn khôn để mà hiểu rõ
   Cuộc đời không ngoài hình thức đám ma!

   Đói rách vẫn còn triền miên đó em
   Hãy nhớ nghe em đừng có sai lầm
   Dù cho người đời bon chen đến mấy
   Xin nhớ một điều, linh hồn Việt Nam!

   Xa xí phẩm nào rẻ như máu xương
   Em hãy về đốt một nén hương
   Cho người đã chết và đang chết
   Giọt máu Việt Nam định nghĩa chiến trường!

   Sài Gòn 1970

               
   5- CHUYỆN NHƯ ĐÙA

    Ta đã chết mà như không chết
    Hồn vẫn còn quanh quẩn trần gian
    Bởi địa ngục không còn chỗ trống
    Và phía kia, khóa cửa thiên đàng!

    Nghĩ mà thương những thằng bạc số
    Sống trên đời chẳng có xác thân
    Nghĩ mà tủi những lời hoa mỹ
    Núp sau lưng mua bán quỷ thần!

    Ta trở lại căn nhà từ biệt
    Người thân vui, hồn cũng đỡ buồn
    Vừa chạy được lá bùa hóa kiếp
    Ghé Sài Gòn, ăn mì gõ đêm hôm!

    Ở mọi miền, chợ đêm đâu cũng có
    Chỗ bán thức ăn, chỗ bán nước, tuyệt vời
    Đèn lấp lánh treo đời phù phiếm
    Ta thấy mình sét đánh một lằn roi!

    Chốn nhộn nhịp và những nơi mạt rệp
    Cũng đèn dầu, cũng đấu đá, nhà xiu
    Ba, bảy chục năm may mà còn sống
    Nghe quốc gọi bầy, bìm bịp lại kêu!

    Ta đã biết đời là bến tạm
    Bốn ngàn năm, gang tấc có gì xa
    Những xác chết đã giữ yên bờ cõi
    Hồn hóa thành cầu nối tới Trường Sa!

    Trăng hí hởn thả mình trên biển
    Nào biết nỗi đau khi sóng vỡ tràn bờ
    Ngủ một giấc cho thấy còn sáng suốt
    Biết bạn, biết thù, biết rõ những ngu ngơ!

    Sáng ra chợ, lựa vĩa hè gió mát
    Trải chiếu ra, bày bán thuốc trường sinh
    Khui một chai thuốc sâu cực mạnh
    Ực một hơi, chẳng chút rùng mình!

    Người chung quanh, ồ lên nhăn mặt
    Sao ông ngu, uống thứ chết người
    Tôi đã uống thuốc trường sinh trước đó
    Chứng tỏ mình bán thật thuốc hay  !

    Người ủng hộ ngày càng đông đúc
    Như tôm tươi, mặc sức đếm tiền
    Chỉ những kẻ trên đời sợ sống
    Mới mua giùm thằng quãng cáo thuốc tiên  !

    TRÚC THANH TÂM

    (Châu Đốc)
READ MORE - HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

CHUYỆN LỠ LÀNG - thơ Vĩnh Hoàng












Thơ luật Đường, thể Lộc Lư


Chớ trách duyên xưa đã lỡ làng
Lạnh lùng tuyết phủ cả không gian
Ai đem tình trắng trùm lên mộng
Để trái tim hồng vỡ nát tan
Nếu biết lòng người nhiều uẩn khúc
Thì đừng khăng khít khó từ nan
Bây giờ thôi hết câu ân nghĩa
Chẳng biết vì sao chuyện của nàng?

*

Cuộc tình trắc trở bởi vương mang
Chớ trách duyên xưa đã lỡ làng
Nghịch cảnh cuộc đời người phụ khó
Thuận theo số phận kẻ giàu sang
Chia Uyên rẽ Thúy vì ham muốn
Ngăn Chức chờ Ngưu đã sẵn sàng
Ơi hỡi ông Tơ sao tội rứa?
Thương cho đôi trẻ lệ hai hàng.

*

Ly biệt từ đây dạ ngổn ngang
Cuộc tình ngày ấy giở sang trang
Thôi chôn kỷ niệm vào quên lãng
Chớ trách duyên xưa đã lỡ làng
Hãy để thời gian ươm mộng thắm
Cho lòng thư thái dệt tơ vàng
Trăm năm dẫu có phai màu nhớ
Thì vết lòng đau vẫn phũ phàng

*

Từ thuyền tách bến gió đưa sang
Em đã cùng ai bước vội vàng
Pháo đỏ rượu hồng say hạnh phúc
Mái nghèo lòng lạnh nát tan hoang
Thôi đành quên hết lời thề ước
Chớ trách duyên xưa đã lỡ làng
Anh hiểu cho em đừng hờn dỗi
Ôi tình chỉ đẹp lúc ly tan.

*

Ai đã gieo chi chuyện trái ngang
Cho tình đau khổ kiếp hồng nhan
Dấn thân vùi dập cơn mưa gió
Lại chịu chê cười miệng thế gian
Tham phú phụ bần lời thế thái
Bỏ duyên vì nợ ý khuyên can
Nghĩa nhân đời vẫn câu tâm niệm
Chớ trách duyên xưa đã lỡ làng.
   
Vĩnh Hoàng
Quê quán: Cam Lộ, Quảng Trị
vinhhoang441@yahoo.com.vn

Tác giả biên tập
READ MORE - CHUYỆN LỠ LÀNG - thơ Vĩnh Hoàng