Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 19, 2017

CHÙM THƠ VÀO HẠ - Hải Thụy

Tác giả Hải Thụy



MƯA HẠ

Giêng hai qua - hạ vàng tươi nỗi nhớ
Con đường quen ngập trắng áo và mây
Vòng xe quay hoa mắt - người năm cũ
Đã bao lần phượng trổ vắng nơi này

Ghế đá xanh rêu - gợi vòm ký ức
Mắt nâu tả ngạn... phiêu dạt nơi mô
Cà phê một mình - chừ nghe mặn đắng
Vầng trăng chiều treo nhánh cây khô

Bốn mươi năm dư - mùa trở gió
Chuyến tàu đêm hai đứa lạc mất nhau
Kẻ phương nao ta dặm dài rong ruổi
Biệt xứ tây nguyên nặng gánh cơ cầu

Mộng hai mươi đành chôn đất đỏ
Ấp ủ bao điều vùi gốc cây xanh
Ngày cố nguôi vơi từng chung rượu nhỏ
Lòng tự dặn lòng - rồi sẽ về thăm

***

Gối sóng sông Hương - giấc mơ đã toại
Bên cầu xưa tiếc chẳng vẹn thề
Làn tóc ai bay bềnh bồng gió ngược...
Tức tưởi ngậm ngùi - trầm khản tiếng ve!

HẢI THỤY

Tản mạn
HẠ KHÁT

Ruộng cao đợi lũ nguồn xuống núi
Hàng tre cong ướm hỏi dòng sông
Con nước hờn dùng dằng không chảy
Mộng hồn đêm - sấm chớp lên giông

Người có về mang cơn gió mát
Quạt ru ta năm tháng bỏng chờ
Tình yêu nào môi không khao khát
Vòng tay ôm... khớp mối đường tơ

Thánh đường quê chuông ngân chủ nhật
Câu kinh lòng rạng bóng phương xa
Mùa phượng hồng - ve trầm tiếng hát
Vô cớ gì mắt đỏ màu hoa...

Chiều hạ thấp mây giăng muôn nẻo
Cánh cò nghiêng - trắng khúc reo ca
Ta buồn châm từng ly rượu nhỏ
Rót xuống đời - mưa giọt mơ qua...!

HẢI THỤY


KÝ ỨC HẠ

Tháng 4 hồng chùm hoa phượng sớm
Nỗi buồn ve vội tấu khúc dạo đầu
Mây hay áo - bồng bềnh như sóng lụa
Kí ức đêm lặng dõi ánh ngàn sao

Theo thuyền trăng ta về thăm cửa lớp
Áo học trò trang trắng mộng thơ ngây
Ai còn nhớ chàng trai vàng tóc nắng
Thời đi học chẳng cặp sách cầm tay

Thường trốn tiết cùng bạn bè đây đó
Ham rong chơi đồi suối - biển sông
Tháng năm hơn bốn mươi mùa hạ đỏ
Nay trở về nhặt bóng những con đường

Làn gió thoảng xạc xào... lời gọi khẽ
Ngỡ tiếng người bạn gái mắt nâu xưa
Từng bước thầm dưới ánh đèn vàng vọt
Tự nhiên trời sấm chớp đổ cơn mưa

***
Khu phố quen bây giờ nghe lạc lõng
Lòng không dưng bỗng luống ngậm ngùi!


HẢI THỤY

Nguồn: Google +
READ MORE - CHÙM THƠ VÀO HẠ - Hải Thụy

NHỮNG TÊN LÀNG CÓ TỪ “KẺ” TRONG VÙNG HẢI LĂNG - Nguyễn Văn Hiền

Nhà thờ Giáo xứ Kẻ Văn. Ảnh từ trang web của  Giáo xứ Kẻ Văn.



Từ thời khai sơn lập làng cho đến các đời chúa Nguyễn và sau nầy là Triều Nguyễn, một số làng lân cận trong vùng thuộc Huyện Hải Lăng bao gồm Tổng Câu Hoan và Tổng An Thơ có tên bắt đầu bằng từ Kẻ.

Khi tôi lớn lên đã nghe người dân trong vùng gọi đến tiếng Kẻ như chợ Kẻ Diên thuộc xã Hải Thọ, làng Kẻ Lạng Thuộc xã Hải Sơn, làng Kẻ Văn thuộc xã Hải Văn nay là xã Hải Tân, làng Kẻ Vịnh thuộc xã Hải Kinh nay là Hải Hòa và làng Kẻ Phù thuộc xã Phong Bình bên kia bờ sông Ô Lâu tỉnh Thừa Thiên.

Chợ Kẻ Diên ở Diên Sanh là một nơi giao thương buôn bán và trao đổi hàng hóa với nhau trong vùng nên rất sầm uất. Sách Ô Châu Cận Lục của dịch dã Dương Văn An mô tả là một xã có Hố sen rất đẹp, hải sản rất nhiều. Tôi thường hay đi với Mẹ ra chợ. Năm tôi 13 tuổi, hồi đó học trường Mẫu Tâm, lúc thi hết bậc tiểu học đều phải tập trung thi ở trường Hải Thọ, đã thấy nơi này là một xã giàu có phố xá, cửa hiệu buôn bán lớn và đã có bến xe đi về Huế.

Từ Diên Sanh đi vào phía Nam qua bờ nam sông là xã Hải Chánh có chợ Mỹ Chánh thuộc làng Mỹ Chánh và Hội kỳ (hai làng này không có chử Kẻ). Chợ Hải Chánh buôn bán rất lớn, đông vào buổi sáng, hầu hết người dân hai bên mạn sông Ô Lâu từ thượng nguồn về tận Làng Rào giao thương trao đổi hàng hóa từ mờ sáng đến gần trưa mới bải chợ để về họp chợ buổi chiều của các làng có chợ.

Chợ Kẻ Lạng ở làng Lương Điền xã Hải Sơn họp chợ buổi chiều (còn gọi là chợ hôm Lạng) và sản vật có tiếng là chột nưa.  Hôì đó, ở ngay chợ có bến đò đưa ngang qua làng Mỹ Xuyên thuộc xã Phong Hòa rồi đi lên Mỷ Chánh nên chợ làng ở đây mới có câu ca của dân trong vùng: nhất thuốc Phù Lai, nhì khoai Tân Trường, ba nưa Kẻ Lạng, bốn sắn càng Câu Nhi. Chợ Kẻ Lạng hiện nay không còn đông nữa. Đi men theo bờ sông Ô Lâu về đến đầu làng Câu Nhi là đò ba bến, ở đây có chợ Câu Nhi (làng này không có chử Kẻ). Đò đưa từ chợ Câu nhi qua làng Lương Điền rồi từ Lương Điền qua làng Mỹ Xuyên, cứ đưa đi đưa về ba bến như thế nên gọi là đò ba bến. Chợ Câu Nhi chỉ buôn bán nhỏ trong làng và một số bà con các làng gần đó qua lại trao đổi hàng hóa. Ở đây có nguồn cá sông của các vạn chài đến bán nên cá rất tươi, đặc biệt có sắn Càng rất ngon được mô tả là đặc sản làng Câu Nhi.

Đi hết làng Câu nhi là đến làng Văn Quỹ còn có tên gọi là làng Kẻ Văn. Chợ Kẻ Văn ở đầu làng. Khi tôi lớn lên thì đã có chợ và nghe mẹ tôi kể lại trong thời kháng chiến bà con trong các làng lân cận gọi là chợ kháng chiến, hàng hóa cũng nhiều, một số nhà giàu làm nhà kiên cố và buôn bán hàng tạp hóa. Hiệu thuốc bắc của ông Lý Quãng Phù người làng Câu Nhi và Thuốc Tây của ông Phò (ông người gốc làng Ưu Điềm) chữa bệnh cho tất cả bà con ở các làng lân cận. Quầy hàng của ông bà Sỷ Lạc khá lớn. Có bến cho ghe thuyền của người dân các nơi đến neo đậu để giao thương buôn bán. Ngoài nghề làm nông ra, nghề truyền thống của dân làng là nghề chằm nón lá. Trong làng cũng có nhiều người đi đưa nón lá đi bán các chợ như chợ Cầu, Chợ Phiên Cam Lộ, chợ Sòng, chợ Quãng Trị, chợ Sãi và đưa các loại hàng hóa đặc sản khác về trao đổi cho bà con trong làng. Đi về hơn một km là làng Kẻ Vịnh nay là làng Hưng Nhơn, ở đây chỉ làm nghề nông vì nơi đây ruộng trưa rất nhiều, ngoài ra còn thêm nghề chăn nuôi và nghề cá.

Bên kia bờ sông là chợ Ưu Điềm có bến xe, mỗi ngày hai chuyến đi vô ra thành phố Huế. Chợ ưu Điềm rất sầm uất, có phố xá và nhiều hàng hóa rất có tiếng ở trong vùng. Đi về phía đông khoảng 2km là làng Phò Trạch có chợ Kẻ Phù, chợ này giao thương buôn bán cũng khá lớn từ các làng Vân Trình, Phú Nông, Lương Mai, Phù Lai, Thanh Hương, Đại Lược ... Làng Kẻ Phù có nghề truyền thống là đan đệm vì ở đây các bàu, trằm, và một số ruộng sâu ngày xưa dân làng trồng cây lác là vật liệu để sản xuất đệm, có một đình chợ  để giao thương buôn bán. Nghề trồng lác và sản xuất các loại sản phẩm như đệm, bao đệm, và một số đồ gia dụng khác. Có lẽ nghề nầy được người dân ở đây đưa từ ngoài Bắc lúc di dân vào đây khoãng thế kỷ XV mang theo giống và nghề này vào để sinh sống, nghề gia truyền hiện nay cũng còn một số gia đình đang lưu truyền và sản xuất.

Vào thập niên 1960, trong ngôn ngữ  thường ngày, người dân vùng Ô Lâu vẫn dùng những tên làng Kẻ Vịnh, Kẻ Lạng, Kẻ Phù… Họ thường nói: Hôm qua tui đi chợ Kẻ Lạng mua chột nưa. Năm ni bác có mần lúa rọng su làng Kẻ Vịnh hay khôông? Tuy nhiên, nay rất ít người nhắc đến. Tên làng Kẻ Diên rất may vẫn còn nhớ được nhờ bài ca dao nổi tiếng “Đi chợ kẻ Diên” và tên làng Kẻ Văn hiện nay vẫn còn được biết đến nhờ gắn với tên Giáo xứ Kẻ Văn.

Nhìn lại một số xã mà theo sách Ô Châu Cận Lục ghi lại như Văn Quỹ,Vĩnh Hưng, Diên Sanh, Phò Trạch thì đã có đầy đủ trong sách, riêng Xã Hải Sơn có Chợ Kẻ Lạng thì không có trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, như vậy làng Lương Điền thuộc xã Hải Sơn, làng Mỹ Chánh và làng Hội Kỳ thuộc xã Hải Chánh được thành lập từ thế kỷ nào?



Qua phân tích trên, chúng tôi xin bạn đọc cần tìm hiểu về những làng có chử Kẻ nêu trên được đặt tên làng (Kẻ) từ thế kỉ của Triều đại nào và chử Kẻ có truyền thuyết như thế nào.

Nguyễn Văn Hiền 
(Làng Văn Quỹ, xã Hải Văn nay là xã Hải Tân, Quảng Trị)



TÓM TẮT TÀI LIỆU DO PHAN DUY KHA TỔNG HỢP
(Nguồn: Họ Phạm Việt Nam: hophamvietnam.org)

Nghiên cứu địa danh các làng xã cổ xưa của người Việt, ta thấy tên nhiều làng có từ "Kẻ". Thí dụ, ngay tại Hà Nội có Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo... Có một điều chung nhất trong tất cả các làng mang tên kẻ này, đó đều là những làng cổ. Theo ý nghĩa của ngôn từ Việt cổ, có thể hiểu từ kẻ ở đây chỉ một cụm dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Thí dụ, Kẻ Noi = Người (ở làng) Noi; Kẻ Mọc = Người (ở làng) Mọc; Kẻ Bưởi = Người (ở làng) Bưởi... Để đơn giản, người ta hiểu: Kẻ Noi = làng Noi; Kẻ Mọc = làng Mọc; Kẻ Bưởi = làng Bưởi... Như vậy, ở đây kẻ được đồng nhất với làng.

Những vùng làng có tên Kẻ được tập trung vào ba trung tâm chính:

1. / Trung tâm núi Hồng - sông Lam (phía nam Nghệ An, phía bắc Hà Tĩnh ) Ở đây có những huyện mà số làng tên Kẻ chiếm đến 2/3 (tức hơn 60%) tổng số các làng, như huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) có nhiều làng Kẻ.

2. /  Trung tâm Đông Sơn (Thanh Hóa): Gồm các huyện nằm ven chân núi và vùng đồng bằng sông Mã, sông Chu như: Đông Sơn, Thiệu Yên, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Nông Cống. Các làng Kẻ làm thành một vệt liên tục từ Kẻ Don (Vĩnh Lộc) xuống Kẻ Đàng (Thiệu Yên).

3. / Trung tâm Việt Trì - Phong Châu: Đây là trung tâm của thời kỳ các vua Hùng. Những làng mang tên Kẻ ở đây phân bố ven theo chân núi Ba Vì, Tam Đảo và dọc theo châu thổ sông Hồng từ Phong Châu, Việt Trì xuống đến phạm vi thủ đô Hà Nội. Các huyện Phong Châu, Thanh Sơn, Sông Thao, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Lạc, Mê Linh (Vĩnh Phúc), Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) đều có nhiều làng Kẻ. . Đền Hùng ở cạnh một làng mang tên Kẻ: Kẻ Khống (Chu Hóa, Phong Châu); Cổ Loa là Kẻ Chủ; quê hương của người anh hùng Thánh Gióng là Kẻ Đổng (Phù Đổng, Gia Lâm). Toàn bộ vùng Kẻ ở khu vực này tạo thành một hình tam giác, lệch về góc đông nam.

Ngay kinh đô Văn Lang của các vua Hùng có thể cũng chỉ là một Làng Lớn (Làng Cả - Kẻ Cả) mà thôi.

Có thể nói: những kẻ, bản, mường đó là những tập hợp cư dân, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

READ MORE - NHỮNG TÊN LÀNG CÓ TỪ “KẺ” TRONG VÙNG HẢI LĂNG - Nguyễn Văn Hiền

THƠ TÌNH THỨ BẢY - Nguyễn Đức Tùng



THƠ TÌNH THỨ BẢY
NGUYỄN ĐỨC TÙNG

NẾU EM HÔN ANH

Nếu em hôn anh thì hôn bên trái
Phía mặt trời lên trong chiếc khăn tay
Nếu em hôn anh đừng hôn bên phải
Phía con đường ngày đó có mưa bay
Nếu em hôn anh chỉ vì thương hại
Hãy hôn hai bên như trận mưa rào
Sáng quay đi khóc cùng gương lược
Tối hôn thầm lên phía có chiêm bao

NĐT


GẶP CÔ HÀNG
TRONG CHỢ ĐÔNG BA

Muốn mua giùm em một thứ
Mà không mua được thứ gì
Hàng em lụa là nhung gấm
Anh già son phấn làm chi
Câu chào mỏng mảnh khói sương
Lời thưa long lanh vạt áo
Anh qua chợ đời huyên náo
Lau hoài không hết mùi hương

NĐT


MẶT TRỜI LẶN XUỐNG 
Ở CALIFORNIA

Anh không thể lấy em
Xin em đừng giận
Nhưng anh có thể nhỏ lại
Lăn dài trên lá sen
Ngày mai anh không thể chết
Nhưng có thể biến mất
Như bụi mù trên đường
Bên bờ rào tử đinh hương
Anh tìm được một vật
Đã cắt đứt tình yêu chúng ta

Nguyễn Đức Tùng

Nguồn: FB Tùng Nguyên


READ MORE - THƠ TÌNH THỨ BẢY - Nguyễn Đức Tùng

TÌNH YÊU TUỔI NHỎ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm



TÌNH YÊU TUỔI NHỎ

Em yêu anh bằng trái tim son sắt
Cho thật nhiều, tình thắm giữ trăm năm
Yêu một lần hình bóng cũ xa xăm
Tình ngây thơ, dấu yêu xưa sống lại

Trong tình yêu anh sẽ là mãi mãi
Em giữ cho mình, hạnh phúc đơn sơ
Gom hết yêu thương gối mộng đợi chờ
Năm tháng qua đi, hương yêu còn lại

Em vẫn muốn thơ tình riêng cho em
Tiếng lòng anh thổn thức nhớ không quên
Một thuở có nhau thơ tình dệt mộng
Ân tình lai láng như nước triều lên

Thơ cũng không làm sao nói hết lời
Ánh mắt nụ cười, thôi anh cũng đủ
Một trời thương nhớ gởi mãi cho nhau
Hãy nắm bàn tay, giữ mãi thủy chung

Cho trăm năm thương nhớ một vô cùng
Và kỷ niệm sẽ nằm nguyên trong đó
Em sẽ chờ anh, tình yêu tuổi nhỏ
Bằng đam mê, bằng sức sống đêm nào.

             Trương Thị Thanh Tâm
                       Mỹ Tho

          tinhnho1053@yahoo.com.vn
READ MORE - TÌNH YÊU TUỔI NHỎ - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

BẮT ĐẦU NGÀY THÁNG… - Thơ Lê Mai




BẮT ĐẦU NGÀY THÁNG…
(Từ 10 h thứ Bảy ngày 13 tháng Năm 2017….)


Hò hẹn mãi…
         rồi cũng đến một ngày gió mưa vần vũ
Em đến thăm anh
Nhìn em, tôi uất giận trời
Nhưng sao giận lại bồi hồi lâng lâng.
Bắt đầu ngày tháng bâng khuâng….

LÊ MAI

<lemai703hn@gmail.com>
READ MORE - BẮT ĐẦU NGÀY THÁNG… - Thơ Lê Mai

HÈ VỀ NHỚ CÔ - Thơ Hoàng Thế Bình



HÈ VỀ NHỚ  CÔ

Nhìn phượng đỏ tôi nhớ về cô giáo
Tiếng ve sầu rộn rã nắng xanh cao

***
Nhớ trường xưa tuổi nhỏ áo tươi màu
Ôm hoa đẹp đến trường dâng cô giáo
Tôi cứ ngỡ như đàn chim về tổ
Như sóng biển dập dờn quanh đảo nhỏ
Như ai về sau năm tháng xa quê
Bên bạn bè tôi vui đến say mê
Như được thả hồn mình trong nắng đỏ
Tạm xa cô, tà áo dài thương nhớ
Để hè sang vui khổ với quê nghèo

 ***
Tôi lớn lên rồi bịn rịn một chiều
Cùng bè bạn lên đường đi chiến đấu
Chặng hành quân gặp em là cô giáo
Tà áo dài sao yêu quá đi thôi
Hái chùm thơ hò hẹn gửi em tôi
Mà năm tháng chẳng cho người gặp lại
Thương trái tim bao đêm dài thầm gọi
Nhưng đạn bom tàn bạo đã chia rời

***
Nay tôi về thăm lại tuổi thơ tôi
Mái trường xưa hình bóng cũ đâu rồi
Sao xúc động nhớ một thời khăn đỏ
Vẫn đâu đây tà áo dài ngày đó
Tiếng ve sầu như mãi gọi cô ơi
Cánh phượng hồng như có bóng em tôi.

T.P Vinh 5/2017
HOÀNG THẾ BÌNH

<binhhoang340@gmail.com>       
READ MORE - HÈ VỀ NHỚ CÔ - Thơ Hoàng Thế Bình

VÒNG VÈO - Thơ Trần Mai Ngân





VÒNG VÈO

Vòng vèo nên đã lạc đường
Ngã ba bên đó phố phường vắng tôi
Dừng mà như thể xa xôi
Đã đi muôn nẻo là thôi chẳng về

Vòng vèo tâm lạc bến mê
Con sông trăm ngả chưa hề cạn em
Kéo cho khoảng cách xa thêm
Là ta bỏ lại hương đêm mất người

Vòng vèo rơi hẳn nụ cười
Của ngày tháng cũ xa rời thành tâm
Ơn người đã bỏ trăm năm
Trái tim ấp ủ lặng thầm vết thương...

                           Trần Mai Ngân

READ MORE - VÒNG VÈO - Thơ Trần Mai Ngân