Hồi ký
Đã cuối tháng chạp mà nắng còn như đổ lửa. Nắng mùa khô ở Lào thật khó chịu, lúc thì nóng nực, lúc thì lất phất mấy ngọn gió khô khốc.
Ở quê tôi, chắc đang vào tiết mưa phùn gió bấc, trời se se lạnh. Ngọn gió cuối đông rùng mình rủ hết những chiếc lá vàng sót lại. Trên cành, những chiếc lộc non xinh xinh đang nhú ra chuấn bị đón xuân. Chắc mẹ còn cấy vội mấy sào ruộng khoán cho kịp chợ Tết, bố loay hoay chẻ lạt, hái lá dong chuẩn bị gói bánh chưng, mấy đứa em háo hức quần áo mới…
Xung quanh doanh trại bộ đội được vệ sinh sạch sẻ. Trước cổng, những câu biểu ngữ đón xuân căng lên khiêm nhường. Lá cờ Tổ quốc tươi thắm đang phần phật tung bay làm vui thêm không khí Tết của các chiến sĩ xa nhà.
Phiên họp đột xuất của Tiểu đoàn bộ kết thúc trong không khí vui vẻ. Đồng chí tiểu đoàn trưởng kết luận:
- Được sự nhất trí của Trung đoàn, Tiểu đoàn chúng ta sẽ cho một số đồng chí có thành tích xuất sắc được nghỉ phép về quê ăn Tết. Tiếng vỗ tay rào rào xen lẫn tiếng nói, tiếng cười. Phá vỡ không khí ồn ào, ông tiểu đoàn trưởng “e hèm” lên giọng: - Đó là những đồng chí có thành tích xuất sắc trong công tác, không quản mưa nắng bám trụ trên công trường, để làm xong cầu trước thời hạn. Riêng Tiểu đoàn bộ gồm các đồng chí sau…
Thằng Sói - bạn cùng nhập ngũ - ngồi cạnh tôi nói chen ngang:
- Thế là thằng Đại đợt này không có danh sách được về rồi! Chiến sĩ “nuôi quân xuất sắc” làm sao bì được “ lính công trường” !
Cắt lời Sói, ông tiểu đoàn trưởng nói:
- Riêng đồng chí Đại, mặc dầu đạt “Chiến sĩ xuất sắc” nhưng vì tính chất công việc nên ở lại phục vụ Tết cho đơn vị. Có gì tôi trao đổi sau!
Vậy là tôi không có danh sách về Tết trong đợt này. Bao nhiêu dự định đều tiêu tan. Nào là mua cho mẹ cân mì chính, mua cho chị cái áo phông đỏ, đôi dép tông về cho em, cho bố gói thuốc lá thơm, thế mà giờ đây… Lòng tôi như có cái gì đó nghèn nghẹn.
*
Do công tác tích cực nên ở Đại đội làm cầu, tôi được điều về làm quản lý bếp ăn Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 38. Công việc làm quản lý thật đơn điệu: Xuất lương thực phẩm cho anh nuôi, ghi chép chi tiêu trong ngày, quyết toán lương phụ cấp tháng cho anh em đơn vị.
Thấy tình hình ăn uống của anh em thất thường, thức ăn không đủ ngon. Những món ăn hằng ngày là cá khô, rau rừng, mắm tôm, cá hộp. Các ngày lễ mới có bữa thịt tươi. Thỉnh thoảng, anh em đem lờ ra sông Sê Pôn thả, may sao có con cá choạc cải thiện. Cơm thừa nhiều, lãng phí. Để cải thiện bếp ăn, tôi đề xuất với thủ trưởng cho phép tôi và hai đồng chí nuôi quân ngoài công việc thường ngày chúng tôi sẽ chăn nuôi lợn, gà và trồng rau màu. Được thủ trưởng cho phép, các bộ phận ủng hộ, tôi và hai đồng đội bắt tay vào việc. Chúng tôi làm chuồng trại, cuốc đất, vào bản mua lợn, gà giống. Với vốn hiểu biết trong sách vở và kinh nghiệm qua thực tế mấy năm dạy học, tôi áp dụng vào việc chăn nuôi lợn, gà, trồng rau cải, bầu bí, trồng chuối… Thằng Sói tuy hay dậy muộn, lười nghĩ nhưng được cái nó siêng năng tích cực lắm. Phân công việc gì nó cũng hoàn thành tốt. Đơn vị có thêm thực phẩm ngon, bữa ăn được cải thiện, sức khỏe của anh em có phần tăng lên rõ rệt. Thỉnh thoảng tôi và anh em nuôi quân còn đi lấy măng rừng, phơi khô dự trữ. Tôi được anh em đơn vị tín nhiệm bình chọn là “Chiến sĩ nuôi quân xuất sắc”.
*
Theo kế hoạch, tôi cũng theo xe “lên đường” về nước trong dịp này. Nhưng không phải về quê ăn Tết mà về chợ Đông Hà mua một số thực phẩm, gia vị chuẩn bị cho đơn vị đón Tết; đồng thời ghé Đăc K’rông - Hậu cứ của Trung đoàn - bắt mấy con bò, lợn được Trung đoàn cấp Tết cho Tiểu đoàn.
Đúng 7 giờ 30 phút, xe chở các chiến sĩ về phép Tết lên đường. Chiếc xe tải chẳng có ghế ngồi. Mọi người đu bám tay vào mấy cọc sắt trần xe. Xe lắc lư, thỉnh thoảng qua ổ gà, xuống dốc, xe phanh đột ngột làm mọi người dúi dụi vào nhau. Đường nhiều chỗ làm chưa xong bụi cuốn lên mù mịt.
11giờ trưa, xe về đến Đông Hà, mọi người ra bến tàu để mua vé về quê. Đồng chí quân lực Trung đoàn dặn dò:
- Các đồng chí về quê ăn Tết vui nhé, cho mình gửi lời chúc Tết đến gia đình. Nhớ trả phép đúng hạn. Riêng đồng chí Đại về Trạm sư đoàn nghỉ, rồi đi mua thực phẩm, đợi anh em lên Đăc K’rông, hai ngày sau quay lại.
Hai ngày, thế là mình có điều kiện tranh thủ “trốn” về nhà. Từ Đông Hà về quê chỉ 80 km, đi xe đò đến tối cũng về nhà, rồi vào cũng kịp, còn thực phẩm, gia vị, về nhà mua thoải mái.
Đợi mua vé xe hơn một tiếng, nhờ được ưu tiên bộ đội đi công tác. Một chị xếp hàng sau vừa đến lượt thì hết vé. Tay xách đồ, tay bế cháu nhỏ đang ngủ gà ngủ gật trong khổ sở. Tôi hỏi:
- Chị về đâu vậy?
- Về Đồng Hới chú à! Đợi mua vé hai ngày rồi mà khách nhiều quá, xe chạy Tết không đủ, mẹ con tui khổ ghê!
Cầm tờ vé trên tay, lòng phân vân, không về thì tiếc lắm, mà thấy cảnh chị ấy tội quá. Thôi! Đành lòng giúp chị ấy về quê coi như lấy phúc vậy.
- Thôi! Chị cứ cầm vé của em đây mà về. Có gì em mua rồi về sau.
- Không được mô chú! Chú cứ về đi, chị chịu khó chờ, biết mần răng được!
Nói mãi rồi chị cũng cầm vé, mừng quá chạy lên xe cho kịp. Tôi thẫn thờ mấy phút, quên bẵng hỏi tên chị.
Hai ngày trôi qua, xe đơn vị cũng vừa về đến. Tôi cùng mấy anh em đơn vị sắp xếp hàng hóa gọn gàng, cẩn thận kẻo sợ mấy con bò giẫm đạp.
Xe chạy bon bon trên đoạn đường mới làm. Gió vi vu mơn man ùa vào ca bin, lòng thấy nhẹ nhõm, tôi cất lên bài hát: «Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây» . Bỗng phía trước có tín hiệu cho xe dừng. Lại ông tướng nào muốn gây sự đây? Không phải, đó là xe của Sư đoàn bộ đi Đông Hà, bị thủng lốp xin cứu trợ. Thế là, hì hà hì hục, mấy anh em tháo, lắp… mất mấy tiếng.
Về đến Tiểu đoàn bộ thì trời nhá nhem. Mấy anh em lại khuân hàng, dắt bò, lợn xuống xe rồi tranh thủ cấp hàng Tết cho các đại đội. Dắt con bò buộc vào gốc cây, tôi gọi thằng Sói:
- Này, cậu chăm sóc con bò «tử tế» nhé, mình đói bụng kiếm cái gì ăn đã! Thằng Sói “ừ” rồi đi nhanh xuống bếp dọn cơm cho mấy người cùng ăn.
Sáng mai ngủ dậy, tôi ra chỗ buộc con bò. Quái lạ! Không thấy bò đâu cả. Hôm qua mình buộc cẩn thận, còn dặn thằng Sói cho nó ăn kia mà. Giờ không biết nó đi đâu, hay là mất cắp?
Tôi gọi thằng Sói, hai đứa đi tìm quanh quất. Chẳng thấy. Tôi hỏi:
- Thế hôm qua cậu có cho nó ăn uống gì không? Thằng Sói ư hử:
- Tớ quên mất, ham nghe đài đọc truyện Thủy Hử! Bây giờ tính sao đây?
Tôi và nó lên báo cáo thủ trưởng. Thủ tướng mắng cho một trận té tát :
- Chỉ việc buộc con bò mà cũng không xong! Các cậu biết hôm nay là ngày hai mươi mấy tết không? Tôi nhìn nó, nó nhìn tôi. Hai mươi chín tết rồi đó. Rồi nó xin lỗi thủ trưởng do nó gây nên vụ này.
Đơn vị tổ chức đi tìm. Té ra «cu cậu» đói và khát nên bứt dây ra bờ suối uống nước, bị vướng vào gốc cây. Hai đứa mừng quá ra gỡ dây và dắt về.
Rồi ai vào việc nấy. Người làm thịt bò, làm lợn, người gói bánh… Không khí thật rộn ràng vui vẻ.
Đêm ba mươi Tết, đơn vị tổ chức hái hoa dân chủ. Những bài thơ, bài hát về mùa xuân rộn rã vang lên trong không khí đón giao thừa. Sau đó anh em quây quần bên chiếc Rađiô lắng nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước.
Sáng Mồng một Tết. Mọi người tập trung về hội trường đông đủ để nhận nhiệm vụ. Mặc dù làm quản lý nhưng tôi được phân công phụ trách trang trí hội trường vì có năng khiếu cắt, vẽ. Việc bếp núc giao cho thằng Sói phụ trách cùng với bộ phận hậu cần.
Trên bục sân khấu hội trường, chân dung Bác Hồ đặt ngay ngắn dưới Quốc kỳ đỏ thắm. Ở giữa phông màn nổi bật câu khẩu hiệu: «Chúc Mừng Năm Mới – Xuân Quý Hợi, 1983». Phông chữ mềm mại như đang bay múa trong gió. Cành đào, cành mai tự tạo bằng cây rừng, hoa làm bằng giấy màu ngũ sắc, cũng gần như thật, được đặt đối xứng hai bên cánh gà. Sau vách hội trường là câu khẩu hiệu: «Mừng Đảng, mừng xuân, đồng khởi ra quân, lập công thắng lợi». Đang phân vân chưa biết treo mấy giò phong lan ở đâu thì thằng Sói hớt hải chạy lên:
- Nguy rồi, nguy rồi Đại ơi!
- Cái gì, nguy cái gì ? Tôi hỏi
- Nồi cơm bị khê rồi!
Quái ! Trong kế hoạch có nấu cơm đâu? Thằng Sói nói: “Thủ trưởng bảo có mấy cân gạo Tám Xoan, nấu mời khách kẻo bạn Lào họ ăn nếp quen rồi, bây giờ nấu cơm để đổi món”.
- Thôi ! Cậu yên tâm. Ra thay nồi cơm, vào chỗ Trưởng ban hậu cần nói với anh ấy nhượng lại số gạo Tám Xoan, hôm qua vợ anh ấy có gửi làm quà, đang còn thơm lừng đó. Làm nhanh lên kẻo không kịp! Nó mừng quýnh, không kịp cảm ơn rồi chạy vụt đi.
Đến 10 giờ trưa, mọi việc đâu vào đấy. Mâm cỗ vừa dọn lên thì đoàn khách của Bản Đông cũng vừa đến. Những câu chào hỏi của khách và chủ vui nhộn trong khung cảnh nghiêm trang, ấm cúng. Ông trưởng bản bắt tay mọi người, miệng luôn nở nụ cười : “ Xăm-bai-đi, xăm-bai-đi (xin chào)!” Chúng tôi cũng nhiệt tình đáp lễ :“Khop chay, khop chay (cảm ơn) !”.
Tiểu đoàn trưởng thay mặt anh em đơn vị tuyên bố lí do và chúc tết mọi người. Không khí tết thật vui vẻ, nồng ấm. Có chút hơi men, tiếng cụng ly chúc Tết, tiếng cười nói như có phần rôm rả hơn. Một cái tết tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa tình đồng đội, tình quốc tế cao cả. Sau bữa tiệc là tiết mục văn nghệ tự diễn. Không có đàn, trống anh em lấy soong nồi, bát đũa khua nhịp. Tiếng leng keng, loong coong rộn rã giữa ban trưa dội vào vách núi, ai cũng thấy như mình đang tết ở quê nhà.
*
Vậy mà, đã hơn 30 năm trôi qua. Mỗi khi gặp lại nhau, chúng tôi luôn nhắc về kỷ niệm cái Tết trên đất bạn Lào; tình cảm về đời lính, tình cảm bộ đội với người dân Lào vẫn còn in đậm trong ký ức của chúng tôi.
Tết năm nay, thằng Sói dẫn con, cháu nó về nhà tôi ăn Tết. Bên mâm cỗ, hai gia đình quây quần đoàn tụ vui vẻ. Hai đứa chúng tôi ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ trong những năm tháng binh nghiệp cho các con nghe. Nó nhắc lại chuyện nồi cơm khê, chuyện con bò sổng dây… một cách say sưa. Rồi nó trầm ngâm :
- Tớ kể chuyện những ngày quân ngũ, chuyện Tết trên đất bạn Lào cho các con nghe. Chúng nó hồn nhiên hỏi lại: “Bố không kể chuyện cổ tích đấy chứ ?”.
Nói đến đây, thằng Sói cao giọng :
- À ! Phải rồi, cậu phải viết, viết về những người lính Trường Sơn, những ngày vất vả, thiếu thốn, cơm chưa đủ no, chăn chưa đủ ấm; rồi những cơn sốt rừng đến vàng cả mắt… vậy mà bộ đội ta đã làm nên con đường tình nghĩa Việt – Lào; viết về kỷ niệm Tết ngày xưa, nếu không bọn trẻ bây giờ nó không biết chúng mình đã gian khổ như thế nào để chúng nó mới có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.
Ngoài đường, những đoàn người áo quần đủ sắc màu đi trẩy hội đầu xuân vang tiếng nói, cười rộn rã. Trời rắc nhẹ những hạt mưa bụi trên cành đào càng làm tăng thêm vẻ đẹp long lanh của cái tết thanh bình.
Xuân Mậu Tuất 2018
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Quảng Bình