Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 22, 2021

THẰNG LUẬT - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn



Thằng  Luật

 

 Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn 

                 

       Từ sân bay Đồng Hới, xe bon bon chuyển bánh. Ngồi trên xe, mọi người lặng yên nhìn nhau bằng  ánh mắt vui mừng sắp được đến nơi an toàn. Nhưng ai cũng hồi hộp, thấp thỏm về cuộc sống của họ trong thời gian cách ly sắp đến.                    

 Khu cách ly là  Trường Cao đẳng Luật miền Trung nằm trên khu đồi rộng ở thành phố Đồng Hới, là nơi đón con em công nhân Quảng Bình gồm phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê.

Mọi người lần lượt xuống xe, cất tiếng thở phào khoan khoái sau  chặng đường dài. Tư trang, đồ dùng cá nhân được các anh chị trong Ban quản lý khu cách ly hướng dẫn sắp xếp về phòng. 

 Mấy ngày trôi qua mọi sinh hoạt nơi khu cách ly hầu như ổn định, chỉ có nhân viên Y tế là tất bật với công việc xét nghiệm, theo dõi. Các nhân viên bảo vệ, phục vụ thường xuyên túc trực đáp ứng yêu cầu của mọi người trong khu cách ly.

Sắp đến ngày sinh bụng Đào sệ xuống, nước ối đã vỡ. Cô điều dưỡng hộ sinh đến khám và thông báo cho Đào chuẩn bị các đồ dùng cần thiết và tâm lý cho cuộc “vượt cạn” sắp đến. 

       Trong phòng đẻ làm tạm, Bác sỹ, Điều dưỡng hộ sinh đã chuẩn bị mọi phương án. Mới sinh con so nên Đào lo lắng, hơn nữa không có người nhà động viên, chồng cũng không được tiếp xúc nên thiếu đi một bờ vai để dựa lúc này. Lỡ có việc gì… Trên bàn đẻ, Đào gồng mình rên khẽ chịu đựng.

 Lúc đứa bé cất tiếng chào đời thì Đào cũng ngất xỉu trong đau đớn, mệt mõi. Khi cô tỉnh lại, ngắm nhìn đứa con nằm cạnh bên, miệng nhóp nhép đòi sữa lòng Đào thấy vui sướng và tràn ngập niềm hạnh phúc.

 

                         *

 Ông mặt trời nhô cao trút những vạt nắng cuối hè như chảo lửa xuống mặt đất, những ngọn gió nam sót lại cuộn lên  đồi cũng là lúc đoàn xe đưa những người trong khu cách ly trở về quê.

Đào bế con xuống xe, người nhà ùa ra mừng rỡ. Hùng lúi húi xách đồ, mồ hôi nhễ nhại, trên khuôn mặt xương xương lún phún bộ ria mép chưa cạo cúi đầu chào. Bà ngoại nhìn chằm chặp thằng cháu đỏ hỏn đang thiu thiu trên tay mẹ, nói nựng: 

- Thiệt in thằng cha mi, giống nhà ai quai nhà nấy.

          Khi mọi người đã yên giấc, thằng cu ngáy đều, Đào mới có thời gian thư thái ngắm nhìn đứa con sau bao gian nan, vất vả. Ký ức những tháng ngày qua hiện về.

 

                               * 

          Đào có mái tóc đen nhánh, đôi mắt bồ câu to tròn, hàng lông mi cong vút tạo nên cảm giác long lanh và thu hút. Đôi chân thon dài và nhất là cái mông tròn lẳn, ngúng nguẩy. Con trai đứa nào thấy cũng muốn nheo mắt đưa tình. Ngày  đang đi học mấy chàng trong lớp khi nào cũng chọc ghẹo, tán tỉnh. Thi tốt nghiệp xong Đào đang chờ giấy báo Đại học thì Covid bùng phát. 

           Trong số bạn trai, An là đứa thường quan tâm chăm sóc Đào. Nước da trắng, đôi mắt sáng, hình  dáng thể thao cân đối, An luôn tự tin khi đi bên Đào. Mỗi lần An nói chuyện Đào như muốn hớp lấy từng lời, đôi mắt lúng liếng, mặt ửng hồng. Thỉnh thoảng An mua cho Đào chiếc khăn, tấm  áo làm quà. Sự tự tin ngày càng ra mặt, An luôn tự đắc: “ đẹp trai không bằng chai mặt”,  mình thì có cả hai.     

          Mỗi tối, An thường rủ Đào ra chơi bãi ngô ven sông. Ngô đang độ trổ cờ nên tốt ngập đầu không ai nhìn thấy. Trời tối, bãi ngô đen thẫm một màu. Thỉnh thoảng ngọn gió cuộn lên mang theo hơi nước dưới sông man mác. Đào xích lại gần, đầu chạm vào bờ vai An. Chỉ chờ vậy, An nhẹ nhàng cúi đầu  xuống gần hơn, gần hơn bờ môi chạm bờ môi nóng hổi. Bàn tay An lần mò vạt áo. “Đừng anh, đừng làm thế. Em sợ”. An nhỏ nhẹ: “Không sao đâu em. Rồi sẽ ổn mà”. Đôi môi của cô đón lấy những nụ hôn tới tấp của An, run rẩy, mắt ngắm nghiền tận hưởng những giây phút ngất ngây của tuổi dậy thì. Đào vừa sợ muốn giữ tay An lại, vừa thấy như có ma lực nào đó xúi dục. Cảm giác cơ thể đê mê như không  phải là của mình nữa, mặc cho An làm gì thì làm. Mọi thao tác của An mau lẹ, từng trải. Tấm thân nõn nà của Đào dưới ánh trăng non trắng lung linh như ánh trăng đang chiếu xuống lòng sông yên lặng. Một giây yên lặng, cây cỏ yên lặng, dòng sông yên lặng, chỉ nghe tiếng hai con tim rộn lên khi sắp bước vào cuộc yêu. 

          Tất cả những việc làm của An không qua được mắt thằng Hùng. Đêm nào nó cũng rình trong vạt ngô theo dõi, dòm ngó. Khi  An và Đào chuẩn bị lâm trận, Hùng thả con chó ra. Con chó thấy có người lạ  ào tới sủa oang. Mấy con chim lợn ngái ngủ bay vù cất tiếng eng éc. Đào giật thót mình bừng tỉnh đứng dậy mặc vội áo quần. An ngước mắt nhìn thân hình lõa lồ của Đào dưới ánh trăng cảm giác hụt hẫng. Hai đứa lầm lũi ra về không ai nói câu nào.

          Hùng cùng xóm với Đào. Thưở còn nhỏ, Hùng chơi thân với Đào lắm. Những trò chơi mua bán, chồng vợ ngày nào cũng diễn ra. Chơi chán, chúng kềnh ra gác chân bên nhau nằm ngủ. Nhà nghèo, Hùng không được học lên như các bạn, ở nhà làm việc giúp mẹ. Hùng ít giao du bạn bè. Thấy chúng nó đi học vui chơi Hùng thèm lắm. Có nhiều bữa Hùng ra đứng đầu ngõ để được ngắm nhìn tấm thân kiều diễm của Đào tung tăng sau mỗi buổi tan trường. Kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ cứ ùa về làm Hùng lặng buồn. 

          Trăng thượng tuần lên muộn, màn đêm lờ mờ một màu bàng bạc. Thỉnh thoảng những ngọn gió xào xạc lá ngô làm cho Đào thấy lành lạnh. Đào đi đi lại lại, tay bứt mấy chiếc lá  bên vạt ngô miệng lẩm bẩm: “Lạ! Sao không thấy An. Mọi ngày chàng ra đây sớm ngồi đợi cơ mà”.  Đào chần chừ muốn về, một mình ở đây sợ lắm. Sợ ma thì ít, sợ bị bắt cóc thì nhiều. Nghe đâu, xóm bên có bọn đểu thường hay bắt con gái nơi hoang vắng như thế này. Thời gian cứ chầm chậm trôi,  Đào sốt ruột cứ ngoái cổ trông vời vào khoảng không. Đang mông lung với những suy nghĩ  thì phía sau một vòng tay đã ôm chặt eo của Đào. Đào vui vẽ cất tiếng: “Bắt đền cho em đi. Làm người ta chờ đến héo ruột”.  Quay người lại Đào hốt hoảng, giật mình. Bóng đen mặt trùm chiếc mũ len, áo quần đen  nặng mùi mồ hôi. Đào há hốc mồm định hét lên, nhưng bóng đen đã kịp nhét trái ngô non vào và bế xuống vạt ngô. Hắn lột mũ, rút trái ngô trong miệng Đào hôn lấy hôn để lên môi, lên má, rồi đỗ ập lên người Đào.  Hơi thở phì phò của hai tiếng người cùng phát ra trong đêm thanh vắng nghe như tiếng trâu kéo gỗ. Khi cái việc làm đồi bại đến hồi kết, tiếng xe máy ngày càng gần, tên đồi bại mặc vội quần, cầm áo bỏ đi. 

          An nhìn quanh quất không thấy Đào. Trong đám ngô có tiếng rên rỉ, tiếng gọi yếu ớt của Đào. An vạch luống ngô đi xuống, một đám ngô nhàu nát dưới ánh trăng vỡ vụn như trận chiến vừa xảy ra. An bật đèn pin điện thoại, cỏi trói, mặc quần, quấn chiếc áo lên người Đào, rồi cúi nhặt chiếc mũ len lên, nhìn kỹ một lúc hắn lẩm bẩm: “Thằng Hùng”. An rồ máy đưa Đào  về trong nỗi hậm hực, bực tức.

                                        

 * 

 

Thấy con chán cơm, gân xanh gân vàng nổi đầy cổ, miệng nôn thốc, nôn tháo mẹ Đào hiểu ra nhìn con mắng nhiếc:

          - Mày có chửa với thằng nào, nói mau để tau cho hắn một trận. Con gái gì mà lưng quần giữ không chặt nữa. Giờ để bụng to lên chẳng ma nào đến nhận, tao thấy xấu hổ với làng xóm. Cầm chiếc nón quạt lấy quạt để, không chờ Đào trả lời bà nói tiếp: - Hay là  thằng  An xóm bên, cái thằng ngày nào cũng lẽo đẽo sau lưng. Để tau qua nói mẹ hắn đem trầu cau sang tau cho luôn. Bố mày mà về thì ông đập chết là chắc. 

          Đào chạy vội vào buồng, nước mắt lưng tròng. Nghe mẹ nói những lời nặng nề, cay nghiệt lòng Đào thấy buồn, lo lắng. Đã mấy lần định buộc bụng để đừng ai thấy Đào nghén. Nhưng Đào nghĩ, đằng nào cũng đã xấu rồi, không sợ nữa, làm sao để  con  phát triển bình thường là được. Mà không phải như mẹ nghĩ đâu, Đào chẳng biết nói với ai nỗi lòng của cô lúc này, có ai tin cho cô. Nhiều khi cô muốn tự tử cho khuất mắt kẻo đi đâu cũng nghe người làng xì xào, bêu rếu. 

          Từ ngày bụng Đào lùm lùm to, hình bóng An cứ hiện về trong nỗi nhớ mong của Đào. Cơn ác mộng luôn chập chờn trong giấc ngủ.  Giá như lúc này có An đến động viên để cho Đào dịu đi nỗi đau khổ trong lòng. Cô cứ mong, nhưng An vẫn biệt vô âm tín. 

Bố Đào là Bác sỹ bệnh viện, đã mấy tháng nay ông theo Đoàn công tác hỗ trợ dập dịch ở các tỉnh phía Nam trong đợt cao điểm. Rồi bố về, biết chuyện bố không mắng không đòn như lời mẹ, bố chỉ buồn. Đến bên Đào ông nhẹ nhàng: 

         - Bố rất thương cảm cho hoàn cảnh éo le của con lúc này. Sự đã rồi không ai muốn thế. Giờ con tính sao? Con đang còn trẻ, tương lai đang ở phía trước. Hay là…

          Bố chưa nói hết câu, Đào vội chen vào: 

          - Dạ! Con biết bố muốn nói gì rồi. Thôi! Dù sao đứa con trong bụng cũng là con của con, cháu ngoại của bố. Đừng bỏ nó đi mà tội nghiệp. Con thấy nhiều người làm chuyện thất đức chối bỏ giọt máu của mình nhẫn tâm lắm. Con còn trẻ, chưa có điều kiện thì mong bố mẹ chấp nhận giúp đỡ con là được.

     - Bố nghĩ  thằng Hùng là đứa thật thà, tốt tính. Ngày còn bé con với nó cũng chơi thân với nhau. Bố Hùng là bộ đội Biên phòng đã hy sinh trong một trận bão lũ  để cứu bố và Đoàn Y tế tỉnh lên công tác vùng biên.  Ơn nghĩa này bố chưa trả được. Hay là… 

- Thôi! Bố đừng nói gì nữa. Hãy để cho con yên. 

 Từ ngày bụng Đào lùm lùm to, Hùng lo lắng, bồn chồn không yên. Ngày nào cũng đến trước cống nhà Đào nghe ngóng.  Một hôm, đang kiểng chân bên hàng rào nhòm vào,  bố Đào đi ra nhẹ nhàng nắm tay Hùng  vào nhà,  Hùng lầm lũi bước theo. 

     Khi có cả nhà ông đằng hắng lên giọng:

     - Bây giờ anh Hùng có gì muốn nói, nói rõ cho cả nhà nghe. Sao anh lại làm việc đồi bại này, để Đào phải chịu bao đau khổ tổn thương, mất mát thể xác và tinh thần. Anh phải chịu trách nhiệm trước gia đình và pháp luật.           

Hít một hơi dài, lấy hết sức can đảm với giọng run run Hùng ấp úng: 

- Dạ thưa! Cho cháu xin lỗi hai bác và em Đào. Dạ! Dạ cháu yêu Đào thật lòng mà không biết làm sao. Cháu biết thằng An là thằng đểu, hắn chỉ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của Đào. Nghe đâu hắn đã có người yêu là con gái của sếp to trên tỉnh. Cháu làm vậy cũng là không cho hắn cướp Đào của cháu, làm hại Đào. Hơi cúi đầu giọng ngượng ngịu như con rể tương lai về nhà vợ: - Rồi con sẽ chăm sóc cho Đào và đứa con con trong bụng. Con sẽ chịu khó làm lụng để hai mẹ con khỏi vất vả.

 Thời gian trôi qua cũng làm cho Đào nguôi ngoai. Cái bụng ngày càng to, Đào thôi không thấy ghét Hùng nữa. Bố nói đúng, Hùng thật thà siêng năng. Những lời nói ra là thật. Nghe theo lời bố mẹ, Đào lấy chồng. 

 

Thành phố Sài Gòn hoa lệ. Đường phố nhộn nhịp như bức tranh hối hả trong cuộc sống công nghiệp. Những tòa nhà chọc trời lung linh ánh điện. Hai vợ chồng Đào như nai tơ ngơ ngác, choáng ngợp trước khung cảnh lạ lẫm của thành phố. Mọi thứ thật mơ hồ, xa lạ. Trời đang mưa. Hai người lang thang trên lề đường. Hùng tìm đến địa chỉ người quen mà bố đã giới thiệu.

 Đào được nhận vào học thợ may, Hùng  vào làm bảo vệ xí nghiệp may trong thành phố. Có thu nhập, cuộc sống hai người tạm ổn định. Thỉnh thoảng hai vợ chồng nhận được tiền, gạo… do bố mẹ  gửi vào nên phần nào cũng giải quyết khó khăn. Từng ngày, từng ngày họ góp nhặt những giây phút hạnh phúc bên nhau để quên đi mặc cảm của quá khứ.

 Một ngày đi làm về, Hùng lo lắng nói với vợ: 

- Tình hình căng lắm. Covid bùng phát khắp cả thành phố rồi, biết tính sao đây. Em coi đi mua hàng thiết yếu để dự trữ, anh thấy nhiều người ùn ùn đến các nhà hàng, siêu thị mua bán náo nhiệt lắm. Nghe đâu vùng mình sắp phong tỏa rồi. 

 Rồi lệnh phong tỏa cũng được ban bố trong thành phố. Trên các ngã đường khu nhà trọ nơi vợ chồng Đào ở cũng đã lập chốt để kiểm soát người qua lại. Đã mấy tháng nay, hai vợ chồng Đào không nhận được tiếp tế từ gia đình, xí nghiệp cách ly không có việc làm nên không có lương, mọi sinh hoạt ăn uống của hai người cũng như khu xóm trọ dựa vào sự lo toan của chính quyền, sự từ thiện của các tổ chức trong xã hội. Cái bụng lúc nào cũng sôi lên vì ăn mỳ tôm hết tuần này qua tuần khác, xót  ruột, thèm rau. Căn phòng trọ hơn chục mét vuông với bốn bức tường nóng hầm hập. Các ngã đường vắng lạnh như “chùa Bà Đanh”.

 Hùng thì thầm bàn với vợ: 

- Anh tính thế này, vợ chồng mình trốn dịch về quê thôi. Ở đây không chết vì dịch cũng chết đói. Đào mệt mõi nhìn chồng: 

- Tùy anh làm gì được thì làm.

      Chưa đầy bốn giờ sáng, Hùng chở Đào đến chốt xin đưa vợ đi Bệnh viện để sinh. Trên xe, Đào ôm bụng kêu rên tưởng chừng như sắp vỡ bầu đến nơi. Cán bộ gác chốt chưa biết giải quyết thế nào thì Hùng đã rồ máy lao đi.  Được một quảng dừng lại, Hùng nói: “Thoát qua chốt phía trên, chúng mình chạy khỏi thành phố, sau đó thuê xe ra Đồng Nai, ở đó hiện chưa phong tỏa, ta lên tàu hỏa ra quê”.

 Khi đến chốt phía trên,  lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan, Hùng nói: 

- Vợ tôi sắp sinh rồi, giấy tờ không kịp mang theo. Các anh giải quyết linh hoạt cho chúng tôi đi kẻo không kịp. Cán bộ chốt nói: 

- Bây giờ anh quay về lấy giấy tờ, nếu đúng qui định, chúng tôi cho qua, còn vợ anh, xe chúng tôi sẽ đưa đến bệnh viện giúp. Nếu anh nói không đúng, chúng tôi sẽ giải quyết theo pháp luật. Chỉ nghe vậy mặt Hùng đã tái xanh:

 - Dạ thôi! Cho hai vợ chồng tôi quay lại, chúng tôi tự lo được.

      Hôm sau, mới bảnh mắt đã nghe mọi người truyền tin: Tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức hai chuyến bay để đón công nhân bao gồm phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi có người nhà đi kèm từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê để tránh dịch. Sống rồi! Thế là được về quê rồi. Hùng ôm Đào hét lên sung sướng. 

                      * 

Tình hình Covid đã dịu xuống, một số nơi đang được nới lỏng giãn cách, thực hiện Chỉ thị 15, 19 của Thủ tướng Chính phủ. Vợ chồng Đào sắm mâm cơm tổ chức lễ cúng Mụ cho con, mong sao các Bà Mụ, Đức Ông ban phước lành may mắn cho nó.

 Khi cả nhà quây quần, bố Đào dõng dạc:

- Nhân tiện hôm nay ta đặt tên cho cháu, theo bố nên đặt tên cho cháu là Luật - Nguyễn Trường Luật. Nhìn mọi người một lượt ông giải thích thêm: - Trường có nghĩa là trường kỳ chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ  đề vượt qua dịch bệnh Covid, xây dựng cuộc sống tốt đẹp; Luật ý khuyên nó sau này lớn lên sống và làm việc theo pháp luât; Trường Luật còn là kỷ niệm nơi sinh ra nó. Mọi người thấy thế nào, nhất trí thì vỗ tay. Một tràng pháo tay nổ vang  giòn  giã.

Thằng Luật đang rúc vú mẹ quay ra nhoẽn miệng cười. Một nụ cười hồn nhiên thơm mùi sữa trên đôi môi hồng. Nhìn đứa cháu bụ bẫm, trắng trẻo đáng yêu bà nội âu yếm: 

- Cu Luật của nội đã nghe rồi đấy. Sống phải có luật lệ chứ đừng như cha mày đấy nhé. Hùng bẽn lẽn chen vào: 

 - Mẹ cứ nói quá! Có thế bây giờ mới có thằng Luật đó thôi.  

Cả nhà nhìn nhau vui vẻ, cười nói rộn ràng, không biết thằng Luật có hiểu gì không nhưng  nó cũng nhìn mọi người rồi quẩy tay, đạp chân có vẽ sung sướng lắm.

                                                                   N.Đ.D

Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Quảng Bình


READ MORE - THẰNG LUẬT - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn