Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 24, 2020

NỐI MỘT TRANG THƠ - Thơ Đỗ Huy Sanh




NỐI MỘT TRANG THƠ

1
Quảng Trị ơi tôi đã về đây
Nghe máu chảy trong tim mình xao xuyến
Nhớ thuở ấy ra đi mà bịn rịn
Lửa - Đỏ- Mùa - Hè cháy cả tuổi thơ tôi !

Lửa đỏ mùa hè thiêu rụi những niềm vui
Những bài học dở dang và những lời hẹn ước. . .
Trước sân nhà ai lòng tôi rạo rực
Gần bên em - bỗng hóa mộng tao phùng !

Gần bên em mà xa cách muôn trùng
Làn hương ấy tóc bay còn gửi lại
Ngày cứ trôi ai hững hờ nhớ mãi
Một cái bắt tay, một bức tường ngăn ?

Tôi nhìn đêm và cứ mãi ăn năn
Em suýt ngã khi vội vàng xuống phố
Nhà tôi nhà em là hai con ngõ
Cạnh bên nhau chưa kịp nói câu gì !

Chạy dọc mùa hè là những phân ly
Không phải phượng đâu mà chỉ là hoa lửa
Một - chín - bảy - hai hàng nghìn hoa nhỏ
Vội úa tàn không kịp nở thành hoa !

2
Quảng Trị ơi, tôi đã về qua
Trần Hưng Đạo con phố dài thương nhớ
Lương Giang, Tùng Sơn, Tao Đàn mở cửa (1)
Mỗi buổi chiều tan học ghé vào xem.

Sách vở thuở nào giờ lũng đoạn con tim
Chữ nghĩa bước ra lủng cà lủng củng
Lời tôi nói có con đường làm chứng
Lạ lẫm rồi những góc phố thân quen !

Tôi bước đi mắt vẫn cứ trông tìm
Hình bóng cũ của một thời áo trắng
Nhưng tất cả quanh tôi là im vắng
Em về đâu tha thướt của năm nào ?

Quay một vòng quá khứ đuổi theo sau
Số nhà Mười Hai con đường Lê Thái Tổ
Nhà hàng xóm đâu rồi tôi lần chần đứng ngó
“Cô hàng xóm ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong” (2)

Hiện tại ném vào tôi con mắt lạnh lùng
Của kín cổng cao tường - bốn mươi năm cách biệt
Có gì đâu, chỉ nỗi buồn da diết
Tôi bây giờ là khách - lạ - quê - hương !

3
Bạn bè tôi cũng mỗi đứa một phương
Sông Thạch Hãn chảy hoài trong huyết quản
Ly cà phê nhìn sông xanh tản mạn
Cứ trôi - đi - chảy - mãi những tâm tình !

Ôi một thời Quảng Trị quá lung linh
Lay động mãi trong hồn tôi nỗi nhớ
Tôi lại đi trên đường Lê Thái Tổ
Đến Nguyễn Hoàng để nối một trang thơ !

                                            Đỗ Huy Sanh

…..

(1) Tên các hiệu sách ở thị xã Quảng Trị, đều nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
(2) Thơ Nguyễn Bính :
“Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”.
           (Trích trong bài Xuân Về)

READ MORE - NỐI MỘT TRANG THƠ - Thơ Đỗ Huy Sanh

ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” CỦA KHA TIỆM LY - Ngã Du Tử


    


ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” CỦA KHA TIỆM LY
                                                                       Ngã Du Tử

Trung tuần tháng 4 /2016 nhà thơ, nhà văn Kha Tiệm Ly vừa hoàn thành tác phẩm XÓM CÔ HỒN do NXB Hội nhà văn ấn hành với quyết định xuất bản số 158/QĐ-NXBHNV ngày 01/2/2016 nộp lưu chiểu tháng 4/2016. Khi biết thông tin nầy hầu như những anh em văn nghệ tự do rất vui vì sự nổ lực của anh được đền bù xứng đáng, (1000 quyển đặt mua trong vòng 15 ngày).

Nhà thơ, nhà văn nghèo như anh Kha Tiệm Ly nếu không có anh em ủng hộ có lẽ khó mà khai sinh được tác phẩm mình dù anh rất muốn cho ra đời một tác phẩm văn để đủ bộ sưu tập cho chính mình là “đa tài năng trong làng văn”, đâu phải như các hội viên hội nhà văn của nhà nước chỉ cần thông báo và gửi bản thảo để xuất bản lên hội là nhà nước cấp ngay kinh phí (có khi tác giả cũng bỏ thêm cho tác phẩm mình bắt mắt)

        Nhà thơ Ngã Du Tử và nhà văn Kha Tiệm Ly

Vừa rồi nhân anh em gặp nhau tại nhà anh Du Phong ở Long Thành, Đồng Nai anh có tặng tôi tác phẩm nầy rất trân trọng, Tôi viết vài dòng để kỷ niệm với anh, mặc dù tôi và anh rất thâm tình chi giao đã từng đông, bắc, nam du, rong chơi trong cõi giang hồ văn nghệ tứ chiến.

Viết văn không phải thế mạnh của anh Kha Tiệm Ly, độc giả và anh em văn nghệ trong cũng như ngoài nước biết nhiều tới Kha Tiệm Ly là những bài thơ được lồng vào tư tưởng, vừa hí lộng vừa đùa giỡn với bản thân, vừa khôi hài mà ý nhị, cốt lõi cười đời, cười quan tham, cười những kẻ có danh vị mà nhân cách quá tệ hại không bì được với gói xôi, chén mắm, không có chút lương tri, lương năng, lương tâm và đặc biệt anh luôn gìn giữ tiết tháo của một kẻ sĩ thời đại, của bậc chính danh không chịu luồn cúi trước bỉ ổi trò đời dâu bể nầy, điều nầy tôi và anh đồng quan điểm và tôi rất nể phục anh, Sở trường của anh là phú và văn tế, những bài phú trứ danh đã trước bạ tên tuổi trên thi văn đàn lừng lẫy trong và ngoài nước, có thể nói nhất nhì Việt Nam như Hoàng Sa nộ khí phú, Hoàng Sa Tiếu Ngạo Phú, Điểm Mặt Quân Thù Phú, Trường Sa Tâm Thư Phú v.v và những bài văn tế như Văn Tế Tham Quan, văn hành…

Tuy không phải sở trường như phú hay văn tế, thế nhưng nhờ giọng văn anh đậm chất giản dị mà thực thà của Nam bộ tính, không bóng bẩy chẳng cầu kỳ, cũng chẳng khúc mắc triết lý sâu xa, chỉ khôi hài nhẹ nhàng, hí lộng chừng mực nên ai đọc cũng hiểu, tố chất ngôn ngữ mặn mòi của phương ngữ Nam bộ không lẫn vào đâu được, Đặc biệt trong XÓM CÔ HỒN nầy có 9 chuyện truyền kỳ, mang lối văn cổ điển của thời trước ở thế kỷ 18, 19 và đầu bán thế kỷ 20, Văn truyền kỳ là loại văn mang yếu tố hoang đường, mục đích dẫn dắt người đọc chiêm nghiệm và nghiền ngẫm trong xã hội thưc tại để làm sáng tỏ một vấn đề hầu giúp người đọc thấy rõ trắng đen, vàng thau của thực thể đang là.

Thời nầy hầu như không thấy tác giả Việt nào viết kiểu nầy, phải chăng anh là người còn sót lại của thể loại nầy một thời, tuy nhiên đọc hết chuyện ta thấy có tố chất của nhân văn, phê phán rất rõ ràng.

Ngoài 9 truyện truyền kỳ ấy ra hầu như 10 chuyện còn lại là thể loại khác tùy thời tùy lúc mà người đọc sẽ có cảm tưởng như được đánh động nhiều mặt trước một xã hội đầy nhiễu nhương thực tại cùng khắp mà anh đang dự phần, Nếu như XÓM CÔ HỒN là truyện ngắn chủ lực để anh lấy làm tiêu đề chung cho tác phẩm văn của mình thì không thấy gì là cô hồn cả, chẳng qua người bình dân thấy có miếu thờ cô hồn nên gọi vậy, riết rồi thành quen đây là tố chất của nam bộ, thấy là đặt tên miễn dễ nhớ dễ phân biệt là được, từ cô Thủy mở phòng Karaoke bia ôm cho đến ông Cao nhà văn nghèo, Tư ba gác, Sáu thợ hồ, bà Hai cho thuê nhà… tuy họ ít học ăn nói bộc trực hơi lỗ mảng, bỗng chảng chẳng văn chương nhưng đầy chất chữ tình, chữ nghĩa với láng giềng, họ đối đải với nhau rất đề huề trong cách cư xử làng xã, xóm làng. Ông đặt vấn đề ở chỗ tuy họ rất nghèo, ít học nhưng hiểu ra nghĩa lý của con người còn hơn lắm kẻ áo quần bảnh bao, sang giàu nhưng giả nhân, giả nghĩa thấy danh, thấy lợi là làm bất biết nghĩa nhân đạo lý “Cũng vì chữ lợi mà mầy ca tụng phường vô sỉ, mập mờ đen trắng thị phi.” * và anh cũng cho rằng như thế ấy là tội lỗi “Mầy đã vô tình bôi nhoà ý thức, làm lệch đường nhận định của kẻ hậu sinh. Xét ra cũng là tội ác!” *

Và mỗi truyện một vẻ, mỗi nhân vật lại phản ảnh một nét riêng mà đời sống này đã hiển hiện hết, ví dụ như trong truyện “Đậu cô lang” một câu chuyện mang tính chất liêu trai, và hoang đường song thông qua nhân vật “người anh hùng đã mất là Tô tướng quân” ở miếu để Đậu cô lang hiểu thêm nghĩa lý ở đời thực để sống cho ra sống chết cho ra chết trong cõi hồng trần mà mình có hân hạnh dự phần “ Điều đáng nói là sống như thế nào , và chết ra làm sao mới là chuyện đáng lưu tâm, “dù là kẻ dân quèn quần bô áo vải, hay là bậc thượng lưu mũ rộng giày cao cũng không ngoại lệ. Dù là vua, là công hầu khanh tướng mà khi sống, coi dân như kẻ tôi đòi, tha hồ bóc lột, vét từ hạt thóc củ khoai, rỉa từ cọng xương miếng tuỷ; với công khố thì tìm đủ mưu ma chước quỉ để bòn rút cho đầy túi tham không đáy. Những kẻ ấy dù sống, nhưng có khác gì loài sâu bọ, có đáng là người?” * hay là “Bọn chúng còn sống ngày nào thì càng khổ cho lê dân bá tánh ngày ấy,có chi vinh dự?” * hoặc như bọn thầy thuốc trí thức giả danh vô lương tâm chỉ biết làm tiền trên thân xác người bệnh hình như họ chỉ là kẻ không có tình đồng loại con người dù mang hình tướng người “Đó chẳng phải là đám trên thế gian được mọi người quý trọng, được tán dương là “lương y như từ mẫu” đó sao? … “thay vì đem y thuật cao minh của mình để cứu người với tấm lòng nhân ái thì công đức biết bao nhiêu! Đàng nầy chúng lại lấy sở trường của mình để moi tiền con bệnh không cần biết số tiền ấy là do con bệnh bán đất bán nhà…” *

Còn những người viết lách thì sao? Thời nào cũng vậy, kẻ chính danh thì thắp đuốc mà đi tìm chưa chắc họ ra cọng tác bởi họ trân trọng nhân cách của mình, họ tự chịu trách nhiệm với ngòi bút thiêng liêng, trong mảnh đất văn chương kỳ ảo vô biên, nhưng cực kỳ khó chịu, chỉ có kẻ hạ đẳng làm vài câu thơ chưa đúng niêm luật, nhờ người nầy sửa sang lại nhờ người khác chạy chọt mục đích cuối là cũng vào được tận hội nầy hè kia, ôi thôi anh đều một mực phê phán trong thời đại nhiễu nhương hỗn loạn mà anh đang sống;

“Không rành luật đối, cũng xưng mầy đó ta đây,
Chẳng sạch vần gieo, cũng vô hội nầy hội nọ!
Thơ in vài tập, bán chẳng ai mua, mà chừng như đội đá vá trời,
Văn viết đôi bài, mời không ai đọc, mà đã vội khua môi múa mỏ!”
                                                                 (Văn “hành”)

Hoặc như trong tác phẩm XÓM CÔ HỒN nầy thì “… Nếu chẳng phải đành bẻ cong ngòi bút để tán dương phường vô lại, hay kể cả kẻ thù chiếm lấn biên cương? Đó là phường bồi bút! Hoặc ngoan ngoãn cúi đầu viết theo vương lịnh. Đó là hạng bút nô tài!” * nếu như người viết văn chương mang tính cách của kẻ sĩ thì hãy tự thân viết với cảm xúc thật của mình để mang đến cho đời dù chưa phải là kỳ trầm hương bát ngát cũng hổ tương cùng đời sống mà làm nên những lợi lạc cho đời. “Kẻ sĩ chân chính luôn đắn đo từng ý tưởng, để khỏi muộn màng khi xuống bút, giống như tên bật khi khỏi dây cung, làm sao bắt lại? Văn chương cũng không thuần là thứ để kẻ sĩ gởi gắm tâm tư; càng không phải để mua vui trong buổi trà dư tửu hậu mà phải có chủ đích hẳn hoi. Dù chẳng là hùng binh nhưng cũng phải góp phần đánh đuổi giặc thù, dù chẳng phải gươm thiêng nhưng cũng phải chung vai đập tan cường quyền, bạo lực” *

Và còn nhiều truyện trong XÓM CÔ HỒN mỗi truyện mang một sắc màu, một hình thái mà trong đời sống đều hiển hiện dù thế nào thì với anh viết cho nhân gian mang chất liệu của truyền kỳ hay hiện thực đều sẻ chia một thông điệp rõ ràng về tính chất của luân lý và đạo đức ngõ hầu vun đắp thêm cho nền đạo lý đã suy đồi đang được cảnh báo trên các phương tiện trong xã hội hiện tại.

Với anh làm thơ, viết văn, hay viết phú hoặc văn tế đều có trách nhiệm rất đáng được trân trong bởi quan niệm của anh rất rõ ràng “… Người nghệ sĩ luôn đổ tâm huyết vào tác phẩm của mình, dù tác phẩm ấy chỉ để thưởng thức bên chung trà chén rượu, huống chi là một tác phẩm để đời! Người nghệ sĩ có lòng tự trọng, cũng không thể vì quyền lực hay chén cơm manh áo mà chấm bút phóng bừa xem tác phẩm là phương tiện đạt tới vinh hoa, mà bất chấp búa rìu dư luận! Thảo dân một đời cầm bút, kinh tởm sự đê hèn của những kẻ tự xưng là thi sĩ, văn nhân, mà lại quì mọp mình để uốn cong ngòi bút hầu cầu hưởng lợi lộc nhất thời mà lưu tiếng xấu trăm năm”

*

Vì vậy, tôi cũng hân hạnh giới thiệu với các bạn văn chương hãy tìm đọc XÓM CÔ HỒN của tác giả Kha Tiệm Ly, hy vọng các bạn sẽ tìm được lời hay ý đẹp nếu các bạn có công đãi cát tìm vàng trong mảnh đất văn chương mà Kha Tiệm Ly là người đang gieo và gặt trên mảnh đất thơ mộng đầy sắc màu lung linh của thời đại.

                                                   Sài Gòn, mạnh hạ 2016
                                                            Ngã Du Tử  
….       
                                                                
* Những câu trong “ ” là của nhà văn Kha Tiệm Ly

READ MORE - ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” CỦA KHA TIỆM LY - Ngã Du Tử

KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ - Hoàng Đằng


 
         Tác giả Hoàng Đằng


KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ
(Bài viết này như lời thăm hỏi của tôi gởi vào trong ấy)
                                                                 Hoàng Đằng

Tháng 4/1974, tôi là nhà giáo thuộc sở học chánh Quảng Trị “theo đoàn lưu dân” vào khẩn hoang lập ấp ở khu Láng Gòn tỉnh Bình Tuy.
Tôi trình diện Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy để mong được bố trí dạy ở một trường nào đó thuận tiện.

Chuyện không ngờ: Tôi gặp thầy Nguyễn Như Lộc, chánh sự vụ sở.
Thầy Lộc tốt nghiệp ĐHSP Huế ban Pháp văn hè 1961 (khoá 2 ĐHSP Huế đào tạo GSTHĐ2C). Ra trường, thầy nhận việc ở trường trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hoà - tỉnh Phú Yên. Được ít lâu, thầy xin đổi về trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị để gần nhà là Huế. Sau đó, thầy được cử về Thừa Thiên làm hiệu trưởng trường trung học đệ 2 cấp Quảng Phước (Sịa) - huyện Quảng Điền.
Không biết do cơ duyên nào mà thầy đến Bình Tuy để đứng đầu Sở Học Chánh.

Trước đây, ở lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, ngành giáo dục cấp tỉnh còn rời rạc.
Ở cấp tiểu học, các trường tiểu học trực thuộc ty tiểu học vụ, đứng đầu có trưởng ty.
Ở cấp trung học, các trường trung học công lập hoạt động độc lập và trực thuộc nha trung học, bộ giáo dục.
Đến năm 1973, Sở Học Chánh được thành lập quản lý luôn cả cấp tiểu học và trung học.
Đầu năm 1973, ở hầu hết các tỉnh, cơ cấu sở học chánh đã hình thành, tương đối hoàn chỉnh, trong khi đó, ở tỉnh Bình Tuy, có rắc rối chi đó mà sở học chánh thành hình muộn hơn – hình như đầu năm 1974, và đến tháng 4/1974, nhân sự cũng chưa đầy đủ.

Thầy Nguyễn Như Lộc vượt cả ngàn cây số vào đây, nhận chức chánh sự vụ, hình như cũng chỉ là bước đệm thôi. Nghe nói, thầy đang chờ học bổng gì đó để đi Pháp, học tiếp.
Gặp tôi, nhận ra người quen – cùng từng đồng nghiệp tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, thầy Nguyễn Như Lộc mừng lắm; thầy bố trí tôi vào ban thanh tra và đứng đầu ban thanh tra của sở.
Ban thanh tra lúc đó, ngoài tôi ra, còn gồm 1 thanh tra trung học là thầy Lê Văn Quang, hiệu trưởng trường trung học Cam Lộ Quảng Trị vào được tiến cử lên và 4 thanh tra tiểu học gồm 3 thanh tra tiểu học của ty tiểu học cũ là thầy Lê Ngọc Quý, thầy Nguyễn Văn Môn, thầy Trần Quan Sách thêm thầy Nguyễn Văn Duân, thanh tra tiểu học từ Quảng Trị vào.

Điều kiện làm thanh tra trung học là (1) phải đủ 30 tuổi, (2) làm hiệu trưởng ít nhất 2 năm. Cả hai điều kiện tôi không đáp ứng, tôi mới làm hiệu trưởng Triệu Phong một năm, còn về tuổi, đến tháng 10, tôi mới tròn 30. Không có người sẵn, thầy cho lập hồ sơ tiến cử gởi về bộ Giáo Dục, bộ cử tôi làm Quyền Thanh Tra.
Làm thanh tra vào dịp hè, tôi ngồi chơi xơi nước. May là lúc bấy giờ, các vị nhân sĩ Quảng Trị đang vận động mở trường trung học công lập ở khu Láng Gòn; thầy Nguyễn Như Lộc giao tôi lo thủ tục.

Bộ Giáo Dục ra nghị định mở trường Nguyễn Phúc Chu – một trường công lập có từ lớp 6 đến lớp 12 tại khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn,
Thời ấy, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà chỉ cho mở trường trung học tỉnh hạt – một hình thức công lập nhưng tỉnh phải đài thọ ngân sách. Việc mở trường công lập Nguyễn Phúc Chu là một biệt lệ, một sự ưu ái.

Tôi xin rời sở lên trường để gần gũi các con, thầy Lộc chấp nhận liền. Ước muốn chân thành của tôi là sẽ ở trường mãi mãi, giảng huấn cũng được, giữ chức gì đó trong ban giám hiệu cũng được. Vậy mà không!

Đầu năm 1975, Việt Nam Cộng Hoà cải tổ guồng máy hành chánh cấp tỉnh, Sở học chánh đổi thành ty văn hoá giáo dục và thanh niên gộp sở học chánh và ty thanh niên làm một. Chánh sự vụ sở học chánh giữ chức trưởng ty, trưởng ty thanh niên giữ chức phó ty phụ trách thanh niên, còn một phó ty phụ trách văn hoá giáo dục chưa có.

Xin nói thêm để người bây giờ hiểu: “Văn hoá” trong ty văn hoá giáo dục và thanh niên không có hoạt động nào hết, vì cấp bộ có quản lý ngành bảo tồn, bảo tàng mang tên bộ văn hoá giáo dục và thanh niên, nên cấp ty cũng giữ lại cho đủ từ; còn “thanh niên” chỉ có hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt học đường.

Thật ra, ở sở học chánh đã có 2 phụ tá chánh sự vụ: một phụ trách hành chánh tài chánh do thầy Hoàng Đức Thạc, nguyên giáo sư Quốc Học Huế do thầy Nguyễn Như Lộc rủ đi theo, tiến cử và một là phụ tá học vụ do thầy Nguyễn Văn Trang, trước đó là trưởng ty tiểu học vụ giữ. 
Không biết sao thầy Hoàng Đức Thạc, nhân dịp này, xin thuyên chuyển về Sài Gòn, còn thầy Nguyễn Văn Trang xin thuyên chuyển qua giữ chức hiệu trưởng trung học Bình Tuy thay thế thầy Vũ Đán Bình đang chờ bàn giao; thầy Nguyễn Văn Trang lấy cớ chưa đi động viên, làm phó ty – chức vụ ít quan trọng – sẽ có lệnh gọi, còn hiệu trưởng thì không.

Khi lập sở học chánh, ở các tỉnh khác, vị hiệu trưởng trường trung học ở tỉnh lên làm chánh sự vụ; ở Bình Tuy, đáng lẽ thầy Vũ Đán Bình lên làm chánh sự vụ, vậy mà không, lại phải bàn giao chức hiệu trưởng; tôi không biết lý do.

Thầy Nguyễn Như Lộc gọi tôi về, thầy nói rất tình cảm:
- Mình vào đây, nhìn lui nhìn tới không biết đề cử ai làm phó ty phụ trách mảng giáo dục, thôi Đằng về giúp mình một tay, anh em làm việc gần gũi nhau cho vui.

Thầy Nguyễn Như Lộc hơn tôi về tuổi tác, về thâm niên nghề nghiệp, về ngạch trật. Trong công việc, tôi xưng hô với thầy là “tôi” và “ông chánh sở”, chứ trong đời thường, tôi xưng hô với thầy là “em” và “anh”.
Thầy đem tình cảm nói với tôi vậy, thật ra, đấy cũng là lệnh, tôi chấp hành, nhận chức phó ty từ đầu tháng 2/1975.
Hy vọng với chức phó ty, sau một thời gian ngắn, tôi dễ dàng xin đổi về Sài Gòn để mấy đứa con có cơ hội tiến xa trên đường học vấn, còn bản thân tôi sẽ ghi danh học cao học.

Tuy nhiên, chuyện đời không phải khi nào muốn là được.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4/1975, chiến sự đã rộn ràng, thầy Nguyễn Như Lộc đi công tác ở bộ, lâu ngày không về được vì mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) chận đường. Chính quyền tỉnh Bình Tuy cử thầy Vũ Đán Bình, hiệu trưởng trung học Bình Tuy cũ đã giao việc, nhưng chưa được chỉ định nhiệm sở làm xử lý thường vụ trưởng ty để điều hành công việc.

Trớ trêu là không biết vì sao tỉnh cử mà bộ không chịu, hai bên trao đổi qua về sao đó, kết quả là tỉnh huỷ sự vụ lệnh của thầy Vũ Đán Bình, ký sự vụ lệnh mới cử tôi làm xử lý thường vụ trưởng ty văn hoá giáo dục và thanh niên.

Sự vụ lệnh ký này 17/4/1975, tống đạt đến tôi ngày 18/4/1975. Quân giải phóng sắp sửa vào Phan Thiết, cách đó khoảng hơn 50 km; nhân viên văn phòng ty một số di tản, một số ở nhà không tới làm việc nữa và tôi cũng ở nhà luôn.
Đêm 22 rạng 23/4/1975, quân giải phóng chiếm tỉnh lỵ Bình Tuy. Tôi từ giã nghề dạy học …

                                                  Hoàng Đằng
                                                    23/4/2020
                               (Mồng Một tháng Tư năm Canh Tý)

READ MORE - KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ - Hoàng Đằng

BÔNG HỒNG XANH - Trần Đức Phổ dịch thơ Rudyard Kipling


Trần Đức Phổ
Bông Hồng Xanh
Thơ dịch

Hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng
Tôi hái trao tặng người thương
Vô tình nàng chê chẳng nhận
Đòi màu xanh biếc hoa hường!

Lang thang nửa vòng trái đất
Chẳng đâu mọc thứ hoa này
Hỏi tìm nửa vòng trái đất
Chỉ toàn cười mỉa, chua cay

Trở về trong mùa đông lạnh
Người yêu thơ dại qua đời
Nhìn nàng trút hơi thở cuối,
Tử thần cướp đóa hồng tôi!

Có lẽ bên kia thế giới
Nàng tìm thấy được niềm vui
Riêng tôi chân tình chẳng đổi
Hồng đỏ. hồng trắng tuyệt vời!

Nguyên tác: Blue Roses
By Rudyard Kipling

Roses red and roses white
Plucked I for my love's delight.
She would none of all my posies--
Bade me gather her blue roses.

Half the world I wandered through,
Seeking where such flowers grew.
Half the world unto my quest
Answered me with laugh and jest.

Home I came at wintertide,
But my silly love had died,
Seeking with her latest breath
Roses from the arms of Death.

It may be beyond the grave
She shall find what she would have.
Mine was but an idle quest--
Roses white and red are best
READ MORE - BÔNG HỒNG XANH - Trần Đức Phổ dịch thơ Rudyard Kipling