Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 17, 2015

SÀI GÒN MÙA HOA ĐIỆP VÀNG, MÙA HẠ Ở SÀI GÒN - thơ Huy Uyên




Sài-Gòn mùa hoa điệp vàng

Những con đường Sài-Gòn đầy hoa túy-điệp
trên cao sáng vòm cây rực vàng
kể từ em đi mấy mùa tưởng tiếc
mùa hạ và hai người
đứng lặng gốc bằng-lăng.

Hàng cây xanh màu phố Nguyễn-thị-Minh-Khai
mưa hoa chạy dưới trời trở gió
Nắng kịp lên phố người đắm say
em ngẫn ngơ nhìn hoa điệp nở.

Những bông hoa trải chân em bước
lao xao tiếng ai bên thềm
mây cũng xanh màu trong vắt
hồ chiều đầy trong hai mắt em.

Ký ức xao trôi kỷ-niệm xưa
đậu mãi tim người không nói
Sài-Gòn những buổi đi về
vàng một màu tơ trời ngũ sắc.

Em hỏi tôi chừng nào hoa điệp nở
Sài-Gòn không mùa xuân-hạ-thu-đông
tháng ba mưa theo tháng sáu
tặng đời nhau kín những mối tình.

Mùa hoa ấy để rồi xa em
hoa Sài-Gòn thôi vàng thêm nữa
quanh tôi chạy mãi đi tìm
đôi mắt lá răm chở trời đầy gió

Sài-Gòn gởi về em nỗi nhớ
hoa điệp thôi vàng từ độ xa nhau.

                        Huy Uyên



Mùa hạ ở Sài-Gòn

Lời ca đêm về theo trăng tròn khuyết
lòng chừng chùng nhịp tơ vương
ở lại với người đôi mắt
hương trôi theo chiều sắc dạ-lý-hương.

Trong cơn mưa mùa hạ em về
khúc xanh xao chợt buồn quá đỗi
thôi tình là giấc mơ trôi
đứng cuối phố
trông bước người xao xuyến mãi.

Có lạnh lòng đêm khuya quán vắng
bỏ lại tình năm tháng lỡ làng
ly rượu chờ đợi ai sao cay đắng
không hết chiều đi rồi mùa hạ kịp theo sang.

Những bông trà-mi đêm ngủ bồi hồi
nhà ai bên sông hắt đèn bên cửa sổ
những ngày xưa lặng lẽ cuối  trời
bên người quắt quay nỗi nhớ.

Sài-Gòn mùa hạ vội vàng qua đêm nay
sân ga vắng tàu về im lặng
dĩ vảng treo cao, trời và sương mây
bỏ lại nghĩa-trang-lòng
đìu hiu nở chi hoài hoa dại trắng.

Bên kia Thủ-Thiêm trời thả gió
mênh mang nhớ người
trong đêm bước hoài lầm lũi
em trở về khâm liệm tình tôi.

Thôi ai đi theo một trời lá đỏ
Sài-Gòn và mùa hạ về
Pennsyl có nhớ.

                              Huy Uyên


READ MORE - SÀI GÒN MÙA HOA ĐIỆP VÀNG, MÙA HẠ Ở SÀI GÒN - thơ Huy Uyên

THỜI GIAN NHƯ CỘI RỄ - thơ Trúc Thanh Tâm





THỜI GIAN NHƯ CỘI RỄ

      - Gởi Trương Thị Thanh Tâm (Mỹ Tho)

Mắt em ẩn hàng mi mời gọi
Môi hôn nhau trời đất cũng nặng tình
Biển thì thầm, sông trở mình êm ả
Sông hẹn về với biển trăm năm!

Thời gian như cội rễ
Tình yêu là nhựa luyện trong cây
Cắn môi nhau một dòng mật ngọt
Chảy vào nhau đường máu diệu kỳ!

Cái khắc khoải của tia chớp mắt
Đọng lòng nhau biết mấy sắc hương
Nhiều tình cờ làm sao quên được
Phải lòng nhau ta tự trói thêm!

Nếu giây phút thời gian dừng lại
Trên đời nầy biết bao chuyện em ơi
Nếu khoảnh khắc trái đất ngừng chuyển động
Thì tình yêu không thể tách rời!

Rõ ràng là xa lạ
Lại cứ hoài tất cả cho nhau
Và muốn trái tim ta như chính đời em vậy
Nhưng chắc gì, em hiểu hết được đâu!

                               TRÚC THANH TÂM
                                       (Châu Đốc)
READ MORE - THỜI GIAN NHƯ CỘI RỄ - thơ Trúc Thanh Tâm

KHI NÀO EM SẼ QUÊN TÔI - thơ Mặc Phương Tử



KHI NÀO
EM SẼ QUÊN TÔI


Cái thuở tinh khôi đường lộng gió.
Chung niềm ước vọng ý cao bay.
Tôi – Em, từ độ trăng cài mộng
Mơ giữa đường trăng, mộng vẫn gầy!

Rộn rã
Những bước đầu đời cây trẩy lá
Hoa thôi khô, thôi rụng,
cõi hoang đường…!
Mảnh vườn cũ
thôi xơ xác chuyện thê lương
Bao diễm ảo sẽ thay màu phế tích.

Rồi tôi-em, ta-người hừng hực sống
Rồi cùng nhau đi vào nẽo hoang vu
Cái thực bây giờ, là mộng của mai sau
Lời gạt gẫm …
Nỗi niềm buồn thế kỷ.

Quờ quạng bóng chiều thiên lý
Lời khan níu vết đêm tàn
Em ơi! sầu mộng thời gian
Khi chưa ráo lệ cho ngàn nỗi đau !

Bến đời Thực-Mộng ra sao ?
Để bây giờ đẫm sắc màu bể dâu
Đất trời còn có trăng sao
Tôi – em lại có niềm đau viễn trình.

Cung đường mơ ước ngày xưa ấy
Em có còn chăng, tình cũ xa xăm ?
Ta khập khễnh qua bóng chiều…chợt thấy !
Một đường băng thế kỷ âm thầm.

Nếu mai nầy
Ta có nghĩ gì nhau nhỉ !
Thì xin nghĩ cái chung, là trước hết
Cho nghĩa sống, để không bao giờ chết
Ngập ngụa sắc màu mây nước
Chênh vênh giấc mộng quan san
Có thấy gì đâu, ảo tưởng đá vàng.
Khi nát lệ, còn chi mộng ước.!

Những cơn trốt qua đi
Trầy suớt cả tâm hồn
Huyệt chưa đào
Đời đã sửa soạn mồ chôn
Đâu đó… thiên lý tình chợt nghẻn.

Nếu mai nầy
Đời lên thêm trang sử
Cung đường thuở ấy ráo sương khuya
Khăn gói người đi,
Dìu dập kẻ về
Hướng ta đến là mặt trời đích thực.

Bây giờ dẫu nữa… mai sau nữa,
Chắc hẳn,
Thôi em, chuyện thế đời !
Trẩy lá để cành ươm nụ biếc
Bình minh sau khoảnh khắc đêm trôi,
Có còn đâu tình lạc giọng cuối phương trời…
Và khi nào em sẽ quên tôi ?

Lousiana, tháng 2, 2015
MẶC PHƯƠNG TỬ


















READ MORE - KHI NÀO EM SẼ QUÊN TÔI - thơ Mặc Phương Tử

TÌNH LÀ CHIÊM BAO - thơ Ngưng Thu

Tác giả Ngưng Thu


TÌNH LÀ CHIÊM BAO

Lòng tôi cũng thật chiêm bao, mơ chi ngày biển thôi gào, sóng dim, ngọn lau lách đứng im lìm chắc là cơn gió lặng thinh dỗi hờn.

Cánh buồm chạm phía chiều đơn, màu đông xa, ngõ hương chừng xuân sang, nắng từ hôm mưa sang ngang, cỏ cây biết nói, đôi hàng lệ khô.

Tôi - tên hoạ sỹ hồ đồ, vẽ đôi mắt ướt thả vô nắng chiều. Muốn sang họ bắc cầu kiều*, còn tôi chỉ biết muốn yêu. Tình bằng...

Ôm gió rồi lại ôm trăng, nghe nhành trúc với mụt măng thở dài, trên trời mây trắng mãi bay, mặc tôi ngồi với đêm này và mai...

Tô son vào vết tàn phai, dệt thơ đáy mắt cho hoài cơn mê, lòng tôi một cõi đi về**, con đường định mệnh sơn khê tỏ tường.

Chỉ là thương nên vấn vương, rằng yêu ai những đêm trường mơ hoa, sông tìm biển, sông chảy ra, tình tôi sao mãi cứ là chiêm bao.

*Ca dao
** TCS
NGƯNG THU


READ MORE - TÌNH LÀ CHIÊM BAO - thơ Ngưng Thu

NHỮNG BÀI NHẠC XUÂN TÔI YÊU MẾN - tản văn của Nguyễn Đặng Mừng


Nguyễn Đặng Mừng
NHỮNG BÀI NHẠC XUÂN TÔI YÊU MẾN

Nhạc sĩ La Hối


Không biết bản Nhạc Xuân Và Tuổi trẻ của La Hối có phải là bản nhạc xuân đầu tiên viết  theo tân nhạc không, nhưng đây là bản nhạc xuân tôi được nghe đầu tiên trong đời với thầy giáo của mình, Thầy Sinh. Thầy có cây đàn mandoline cũ kỹ, và thường mang đến lớp vừa đàn hát cho học sinh nghe. “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. lòng đắm say bao nguồn vui sống…” Thầy nghiêng qua lại cái “đầu dầu” láng mượt, và say sưa hát mỗi độ xuân về. Người nghệ sĩ thầy giáo làng quê nghèo ấy đã gieo vào hồn tôi những nốt nhạc hoa, rất xuân thì, mà mãi sau này tôi không quên được. Nhất là đoạn điệp khúc, rộn rã, thúc dục và quyến rũ: “Vui sướng đi cho đời tươi sáng. Vui sướng đi cho lòng thêm tươi. Ta hát ca đón mừng xuân mới. Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái…”. Giai điệu dồn dập, say sưa như đất trời chỉ còn xuân, chỉ mùa xuân và tuổi trẻ. Và chúng tôi mang theo tuổi xuân ấy vào đời.  Và đời nhiều khi không như mùa xuân, không tươi như tuổi trẻ.  Có lúc buồn đến tái lòng,  vô vọng, những lúc đó tôi thèm hát vô cùng bài nhạc xuân của La Hối. Sau này tôi nghe nhiều bản nhạc xuân nữa, có bài yêu thương say đắm, có bài ai hoài nỗi nhớ, có bài rỗn rãng vũ khí chiến tranh và mùi thuốc súng, nhưng chưa có bài nào Xuân đến thế. Thầy Sinh nay đã ngoài bảy mươi, tóc thầy trò đều đã bạc, nhưng mỗi lần gặp nhau ngày xuân vẫn hát: “Ngày thắm tươi…”. *
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về…” ( nhạc Phạm Duy)

Năm đó tôi học lớp 10. Trong chương trình văn nghệ tết, một bạn nữ sinh  tập cho chúng tôi hợp ca bài này. Với tuổi đời non trẻ chúng tôi chưa hiểu lắm về bài “Xuân Ca”. Những lời nhạc đầy triết lý nhân sinh với mùa xuân đã đánh vào lòng chúng tôi những dấu hỏi.: Mùa xuân và tình yêu, hay cả hai chỉ là một.  Chúng tôi hát và hoang mang, nhưng thích. “Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ. Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ”. Trong mơ hồ, chúng tôi mơ màng như hiểu  ra tình yêu của  cha mẹ đã đẻ ra mùa xuân là chúng tôi, và chúng tôi làm cho mối tình cha mẹ thắm nồng sắc xuân.  Những dấu hỏi, từ bản nhạc đã nở hoa trong hồn chúng tôi. Và chúng tôi biết về tình yêu đôi lứa từ đó.

Chúng tôi đã đi qua nhiều mùa xuân, có khi tràn trề hạnh phúc, cũng rất nhiều khi cheo leo trên đỉnh cuộc đời. Để rồi: “Xuân lên cao, chóp xuân tôi nhìn xuống sâu…” . Để ý niệm ra rằng đời người lên xuống là lẽ thường tình. Đau khổ và hạnh phúc thay nhau làm ta thất vọng và hy vọng, về một mùa xuân phía trước: ““Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu”.  Hoài  vọng của loài người là trường sinh bất tử. Giàu nghèo, sang hèn đều mơ về hạnh phúc vĩnh hằng,  là mùa xuân. Điệp khúc bản nhạc như kêu lên, gào lên chới với: “ Xuân xuân ơi, xuân hỡi  xuân ơi…”. Như nhắc với loài người rằng mùa xuân và hạnh phúc muôn đời ở phía trước. Loài người ơi, hãy đi tìm sẽ gặp mùa xuân.

Thời mới lớn bài hát Xuân Này Con Không về của Trịnh Lâm Ngân khá phổ biến nhưng tôi không thích lắm. Có lẽ do hồi đó chúng tôi cho những bản nhạc bolero là sến, là rẻ tiền. Tháng 5/1975, trong thời gian chờ tìm phương tiện về quê, những ngày rảnh rỗi tôi thường lân la đến làm quen với những anh bộ đội miền Bắc. Khi đã thân tình các anh thường đề nghị tôi hát bài “Xuân Này Con Không Về”. “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương”.  Những đôi mắt người lính gốc nông dân đồng bằng Bắc bộ trong chiến thắng mà sao như chực khóc. Có người quay mặt đi dấu xúc động. Họ đề nghị tôi hát lại nhiều lần và đọc chậm để họ chép. Chắc nhiều mùa xuân rồi họ chưa về với gia đình người thân. Giấc mơ lớn nhất của người lính là hòa bình.  Sau những trận đánh đẫm máu là những khoảnh khắc yên lặng đến nao lòng, người lính nhìn về phía quê nhà xa lắc mà  thương mà nhớ những mùa xuân xưa: “Ôi nhớ năm nào thuở trời yên vui. Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi”. Cũng như tôi, mỗi lần xuân về ở cao nguyên lạnh lẽo, ở một tiền đồn nào đó lại quay quắt nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ em: “Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”. Cho hay, âm nhạc không có biên giới, chiến tuyến, nó hòa hợp ngay trong lòng mỗi người mà hôm qua là kẻ thù của nhau. Và chính các anh bộ đội làm tôi rung động với giai điệu mà trước đó dù tôi nghe nhiều lần vẫn không cảm được. Có một anh bảo, “ Thằng Ngụy nó làm nhạc cũng hay quá, nhỉ”. Và cùng cười với nhau trong nước mắt.
“Mùa Xuân Đầu Tiên”  sau ngày thống nhất tôi ở miền quê làm ruộng cùng bà con bạn bè, có người mấy chục năm mới gặp lại. “Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa”(*). Mơ ước của những nhạc sĩ tài hoa như Văn Cao, Phạm Duy một thời đã thành hiện thực. Có thanh bình nhưng âm nhạc chưa mấy thanh bình. Sáng chiều đâu đó trên các loa phát thanh công cộng vẫn hát những bản nhạc thời bom đạn chiến tranh.

Một hôm, từ loa phát thanh công cộng tôi đã nghe được một giai điệu valse hiền lành thắm thiết, ngập ngừng e dè nói về ngày xuân sum họp, bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về.

Nếu ước mơ của Phạm Duy về ngày thanh bình bằng giai điệu nhanh, rộn rã ” Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh, trẻ già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm cùng mùi khói rơm quen thuộc”(*), thì Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao lại thâm trầm, u uất:
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.

 Phạm Duy hát về hạnh phúc bằng nụ cười, trái lại những “giọt hạnh phúc valse” của Văn Cao như ứa ra nước mắt, mang mang nỗi buồn sâu kín. Mấy mươi năm im lặng, nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã đem về cho chúng ta mùa xuân đầu tiên,  bằng giai điệu long lanh một nỗi - buồn - sang - trọng, như đời ông.
    
(*)  Khi Tôi Về, nhạc và lời Phạm Duy.
                                                                                       NĐM





READ MORE - NHỮNG BÀI NHẠC XUÂN TÔI YÊU MẾN - tản văn của Nguyễn Đặng Mừng

NIỆM KHÚC MƯA XUÂN - thơ Ngưng Thu



Ngưng Thu

NIỆM KHÚC MƯA XUÂN

Chuyển trời ... mưa, mưa lạnh, gió thoảng mái hiên buồn,
Ta ngồi nhai nỗi nhớ, mây trên trời mây luông.
Khoả vào lòng mênh mông, chút tâm tư giá buốt,
Vách không chừng não nuột, từng kỉ âm vọng về.

Đông vào hồn thiết thê, giấc mơ đưa vẵng tiếng,
Vườn sau con chiền chiện cất lời say hương tình.
Mùa xuân bỗng giật mình, nụ hoàng hoa chớm nở.
Ừ! thì ra mưa nhớ. Ừ! thì là mưa xuân.

Có chi mà bâng khuâng, có chi mà thê thiết,
Vạt nắng nào có biết màu mưa làm nên thơ,
Hạt mưa làm cơn mơ êm đềm ru khoảng mộng.
Cánh đồng thơ lồng lộng, hồn thơ vào phiêu du.

Đất trời nhớ mùa thu, lá say chiều lá hát,
Khúc yêu thương dào dạt, thả hồn cơn mưa chiều.
Ta nhớ người ta yêu mùa xưa nghe lá rụng...
Phím dương cầm bung tiếng gọi mùa thu quay về.

Mưa vào hồn đắm mê, ta say chiều ta nhớ...
Hạt mưa ơi cứ ngỡ, lạc vào niềm riêng ta.
Mưa vào hồn thiết tha, mưa vào hồn câm nín ...
Cơn mưa nào an tịnh, cho ta vào cơn mưa...


                                                     NT
READ MORE - NIỆM KHÚC MƯA XUÂN - thơ Ngưng Thu

BÊN KHE NƯỚC CHÈ, ĐÊM KIM LONG UỐNG RƯỢU CÙNG BẠN CŨ, CUỐI NĂM Ở SÔNG HỒNG - thơ Võ Văn Hoa

                                     


                                     BÊN KHE NƯỚC CHÈ

                                    Hoang dã một thời lau lách
                                    Người về Thượng Đạo xa xôi
                                    Bên khe Nước Chè róc rách
                                    Tôi ngồi tôi nghĩ thằng tôi

                                    Lặn lội tìm nguồn năm tháng
                                    Vỡ ra giọng tiếng ru hời
                                    Tôi gặp đất đai thầm lặng
                                    Cho đời cây lá xanh tươi

                                    Bên khe Nước Chè tuôn rơi
                                    Phố thị giờ mọc như nấm
                                    Gặp em hiền như cô Tấm
                                    Thoáng như chợt hé môi cười

                                    Để tôi nhiều đêm trăn trở
                                    Về ai " như bát nước đầy "...



                                    ĐÊM KIM LONG
                                    UỐNG RƯỢU CÙNG BẠN CŨ

                                    Ừ mấy thuở gặp nhau trên đất bạn
                                    Rượu - làng - Vân - của - Quảng- Trị - là - đây
                                    Nào cạn chén, tạc thù hai đứa
                                    Đêm Kim Long, rồng vàng xuống cùng say.

                                    Thương thằng bạn tư duy gì nhiều thế !
                                    Tuổi ba mươi mà tóc ngả màu chiều
                                    Tay chai sạn xoay trần cho cuộc sống
                                    Vẫn tin yêu, ôm hoài bão rất nhiều .

                                    Cùng Lý Bạch, cùng Lưu Linh nghiêng ngã
                                    Thức trắng đêm, gan ruột cứ phơi bày
                                    Rượu ngon quá, có bạn hiền, tất cả ...
                                    Đêm Kim Long, Kim Long, Kim Long ...



                                     CUỐI NĂM
                                     Ở SÔNG HỒNG

                                    Đi qua đất nước một vòng
                                    Cuối năm mình gặp sông Hồng trên tay
                                    Niềm mơ từ bấy đến nay
                                    Đỏ dòng cảm xúc, chân mày chung chiêng.

                                                                              Võ Văn Hoa





READ MORE - BÊN KHE NƯỚC CHÈ, ĐÊM KIM LONG UỐNG RƯỢU CÙNG BẠN CŨ, CUỐI NĂM Ở SÔNG HỒNG - thơ Võ Văn Hoa

HÁT ANH NGHE TÌNH KHÚC XUÂN VỀ - thơ Ngưng Thu















Ngưng Thu

HÁT ANH NGHE TÌNH KHÚC XUÂN VỀ

Anh ạ
muốn hát anh nghe
mà lời thơ chưa kết nhạc
muốn trao anh niềm khao khát
bóng chiều bỏng rát cơn mê.

Anh ạ
em mơ thu về
ru anh khúc tình ca mới
cớ sao khoảnh chiều mong đợi
ánh tà dương đổ hoang vu.

Anh ạ
đời là mơ du?
cớ sao tình mình da diết
không dưng những chiều tha thiết
ngập ngàn cơn sóng yêu thương.

Anh ạ
ngày đi vô thường
trang thơ em còn bỏ dỡ
mùa sang buốt từng nỗi nhớ
đông chừng se cuộn tình ai.

Anh ạ
dẫu lá thu phai
dẫu lời thơ chưa thành nhạc
chiều nay em ngồi em hát
tặng anh tình khúc trăng thề.

Anh ạ
có nghe xuân về ...

NT


READ MORE - HÁT ANH NGHE TÌNH KHÚC XUÂN VỀ - thơ Ngưng Thu

XUÂN XƯA, TÌNH KHỜ - thơ Phạm Phan Hòa

Tác giả Phạm Phan Hòa


Phạm Phan Hòa
 (Quảng Nam)

Xuân Xưa

                 Tặng TM (Thúy ngày xưa)

Em về thay áo ngày mưa
Vội đi nắng cũ lưa thưa bên trời
Xuân sang một cánh ngàn khơi
Ém mong tìm bạn cuối đời yêu thương
Hoa Xuân thoang thoảng mùi hương
Ta hoài ngây ngất nghê thường Xuân xưa
                                               
Xuân 2015
                   

Tình Khờ

Bất chợt nắng xưa ngày Đông
Bỗng dưng chiều một khúc sông lặng ngừng
Mùa Thu lá trút lưng chừng
Thương em ngày ấy, ngập ngừng bước chân
Bất chợt hồn nhè nhẹ lâng
Thiếu em - ngày với bâng khuâng đợi chờ
Sao yêu mỏi mong ngày thơ
Ngày sau thương mãi khạo khờ trong em
                       

Tháng 3/2015
READ MORE - XUÂN XƯA, TÌNH KHỜ - thơ Phạm Phan Hòa

ỒN ÀO ĐÊM ĐÀ NẴNG - Châu Thạch



ỒN ÀO
ĐÊM ĐÀ NẴNG                     
Châu Thạch

Thành phố đắm mình trong giấc đêm
Hàn Giang uốn khúc chảy êm đềm
Cầu Rồng yên lặng nằm suy tưởng
Tất cả đang say giấc ngủ mềm.

Bổng đâu tiếng trống đập vang rền
Tiếng nhạc xập xình vang vọng lên
Như ngàn tiếng đạn bay trong gió
Hoảng hốt, nhà ai tốc chiếu mền.

À ra tiếng động chốn ăn chơi
Ở chốn lầu cao vọng khắp nơi
Không tường, không vách ngăn âm lại
Cứ để âm thanh động bốn trời.

Đất nước bình yên đã rất lâu
Đêm về bình tịnh suốt canh thâu
Anh công nhân ngủ nằm yên giấc
Cụ lão say mơ mộng gối đầu.

Nay luật an dân để ở đâu
Từng đêm sấm sét vọng trên đầu
Tai người quyền chức nghe hay điếc?
Còn để cho dân thức trắng sao? ./.
                                    
                               CT


READ MORE - ỒN ÀO ĐÊM ĐÀ NẴNG - Châu Thạch

NHẤT THỐNG SƠN HÀ ĐẠI CÁO - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba




NHẤT THỐNG SƠN HÀ ĐẠI CÁO 

Tiểu dẫn: Trộm nghĩ Đại Nam Thực lục ghi chép công đức của Thế Tổ Cao hoàng đế là quá đầy đủ. Tuy nhiên, có được một áng văn chương để tóm lược khá sinh động và sâu sắc công nghiệp muôn đời của Đức Cao Hoàng, đó cũng là việc nên làm, trước để tỏ lòng biết ơn tiên tổ, sau để lưu lại cho các thế hệ sau tiện đọc. Đó là lý do mà kẻ hậu học vốn là miêu duệ của Ngài viết bài cáo này.

Trẫm thường nghe:

Thừa Thiên Mệnh tất làm vua;
Cứu Lương Dân thời được nước.
Gẫm mới hay, đạo lý ấy trăm năm phù kẻ nghĩa nhân;
Suy thì thấy, hoá công kia muôn kiếp hộ người đảm lược.
Nay mừng ngôi cửu tộ vững vàng;
Vẫn nhớ thuở tẩu bôn xuôi ngược.
Giòng huyết thống đã đành dạ hiếu, xông pha chốn mũi tên hòn đạn, nào tiếc máu xương;
Phận truy tuỳ cam giữ chữ trung, lăn lộn nơi suối độc rừng thiêng, cũng liều sức vóc.
Lệnh thông tri bách tính, dẫu người còn kẻ mất, cho dân binh thấy rõ công huân;
Ban đại cáo nhất văn, khắp âm dưới dương trên, để tông tộc chung chia hoạ phúc

Nhớ năm xưa,

Tránh quyền thần, Tiên Chúa1 vào Thuận Hoá, mở trời Nam xây dựng sơn hà;
Thêm thổ địa, Sãi Vương2 lấy Mô Xoài, bỏ phương Bắc khước từ phong sắc2.
Võ thì có Hữu Tiến, Hữu Dật,… công lao đời mãi sáng thanh bi;
Văn thì là Phúc Kiều, Duy Từ,… tên tuổi sử còn lưu thực lục.
Khai khẩn đồng hoang núi thẳm, mồ hôi nước mắt kể biết mấy sông;
Giao phong pháo nổ luỹ tan, xương cốt máu me đổ tràn từng cuộc.
Hơn bốn mươi năm Bắc Nam nội chiến, kìa Bố Chánh còn lưu vết đạn, kỳ được thua nghĩ bấy đau thương;
Qua sáu, bảy đợt Trịnh Nguyễn phân tranh, nọ Luỹ Thầy vẫn rõ dấu gươm, trường thắng bại thấy thừa tức bực.
Đến Hiền Vương3 can qua tạm dứt, Trịnh Tạc đành thu quân cam hận, dòng Linh Giang chia lãnh phận trong ngoài;
Tiếp Quốc Chúa4 cương giới rộng thêm, Mạc Cửu đà qui thuận xưng thần, đất Hà Tiên thành địa đầu gấm vóc.
Biên Hoà, Gia Định lưu dân vào lập nghiệp, rộn ràng chợ búa sát san;
Châu Đốc, Tân Châu nông binh đến khẩn hoang, nhộn nhịp xóm làng đông đúc.
Công nghiệp bao đời đã tỏ, ân uy văn võ chỉnh tề;
Xa thư một cõi thành riêng, ấm trạch quan dân sung túc.
Đúc Nguyễn ấn5 lưu tôn truyền tử, sáng lạn triều nghi;
Xưng Võ vương6 định phận chính danh, rỡ ràng uy lực.
Những tưởng dân an quốc thái, như lời sấm Trạng, vạn đại dung thân7;
Nào hay ấu chúa lộng thần, tựa tích sử Nam,8 nhất thời vong quốc.

Nghĩ mà giận,

Trương Phúc Loan gian tham, loạn quyền ép chúa, gây nhiễu nhương trăm họ tai nàn;
Hoàng Ngũ Phúc điêu toa, thừa thế vượt sông, chiếm dinh phủ một triều tan tác.
Định vương Thuần bôn đào Gia Định, chiêu binh hầu khôi phục giang sơn;
Hoàng tôn Dương cố thủ Quảng Nam, thất thế trúng âm mưu khấu tặc.
Đất phương Nam lại anh hùng tụ nghĩa, kìa kìa đoàn lữ Tứ Nhân;9
Cõi miền Trung thêm thảo đảng tung hoành, nọ nọ đệ huynh Biện Nhạc.
Lữ cùng Huệ thực đà quá dữ, thuỷ bộ hãm vây Gia Định, chưa mấy hồi thành lỡ binh tan;
Vương với Tôn10 ơi bấy thảm thương, quân tướng rút tận Long Xuyên, chẳng bao chốc thân lìa hồn lạc.

Nghĩ mà xem,

Cơ nghiệp bao đời để lại, lẽ nào không dạ giữ gìn;
Công huân các chúa còn đây, đâu dễ đành tâm bỏ mặc.
Từ Thổ Chu trở về báo hận, cường địch nào ngăn được thế Hiếu Quân11;
Đến Gia Định thu lại địa bàn, chư tướng quyết vinh phong người Nhiếp Quốc.12
Đã mấy phen thần tiên phù hộ, xưa đỡ dạ bòn bon đất Quảng,13 nay nước ngọt biển cả dâng vua14;
Thêm bao lượt linh vật cứu nguy, lúc nâng trâu cá sấu sông Vàm,15 khi kỳ đà đầu thuyền cản bước.16
Thế chẳng phải Trời cao chọn kẻ chăn dân;
Nên mới cho Đất hiểm rèn người trừ giặc.
Gian lao không xiết kể, rừng hoang đảo vắng hang sâu;
Đói khổ có thiếu gì, cơm hẩm bần chua mắm ruốc.
Ngẫm thời bỉ vận, thoạt Côn Lôn rồi Gia Định, các ngươi bụng hẳn chưa quên;
Nhớ thuở sa cơ, nay Phú Quốc mai Xiêm La, riêng Trẫm lòng còn xót buốt.
Gan thay giặc Huệ năm lần17 tiến đánh, binh hùm tướng cọp, hoá ra hữu lực vô công;
Giỏi thật binh Nam ba đợt18 trả đòn, gươm ngắn giáo dài, nào kém trí mưu thao lược.
Bọn Nguyễn Lữ cong giò tuôn chạy, cơn khiếp run suy sụp lòng binh;
Chúa Bắc Bình nhắm mắt lìa đời, nỗi sợ hãi còn lưu câu trối.19
Thế Quang Toản càng ngày càng núng, quan tướng vương thần tranh quyền đoạt vị,20 chẳng nề bách tính nguy an;
Triều Tây Sơn mỗi phút mỗi tàn, bá tôn huynh đệ xáo thịt nồi da,21 chi kể tình thâm cốt nhục.
Lũ Nhạc Bảo thành Quy Nhơn thọ tử,21 ngai Trung Ương giềng đứt mối tiêu;
Bọn Diệu Dũng đồng An Cựu tranh hùng,20 phe Cảnh Thịnh tơ vò gút thắt.
Dân khát thái bình như con khát sữa, khản đặc tiếng kêu;
Nước trông minh chủ tựa hạn trông mưa, đỏ ong con mắt.

Thế nên,

Đại nghiệp công thành;
Giang sơn thống nhất.
Kẻ quy hàng kìa Đốc Sở, Văn Tham, kìa Văn Trương, Lê Chất,… treo tấm gương sáng loà ngọn đuốc, nên phò chân chúa, minh vương;
Người trung nghĩa nào Phước Mân, Văn Tiếp, nào Võ Tánh, Tùng Châu,… xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, đâu sợ hoả thần, độc dược.22
Dưới trướng Trẫm, danh thần mưu sĩ nào nhớ hết tên;
Theo cờ Nam, hào kiệt anh tài sao kê đủ mặt.
Cờ nhân nghĩa23 rợp trời nam bắc, binh ta mỗi lúc mỗi đông;
Quân điếu phạt24 vang rộn đông tây, thế địch càng ngày càng ngặt
Trận Cửa Eo, Quang Toản tan binh bại tẩu, vua tôi một lũ tả tơi;
Thành Nghệ An, Diệu Xuân25 thúc giáp phúc tâm,26 quan tướng mấy thằng xơ xác.
Thừa thế lũ tràn thác đổ, binh triều đánh đâu thắng đó, tiến chiếm Thanh Hoá, Sơn Nam;
Kinh hồn cung rớt đao rơi, giặc nguỵ chui nọ lủi kia, chạy dồn Hải Dương, Kinh Bắc.
Vượt Nhị Hà mắt hoa óc bủn, tham sống sợ chết, bọn Cảnh Thịnh buông giáo qui hàng;
Đến Phượng Nhãn gối mỏi chân run, kiệt sức cùng đường, bầy Thuỳ Tú27 trở gươm tự sát.
Năm Tân Dậu an dân Thuận Hoá, binh như thần nương ngọn gió trời;23
Đến Nhâm Tuất thu phục Thăng Long, giặc tựa chuột sắp tràn mặt đất.

Mừng thay,

Can qua đã tận, càn khôn hạo khí đầy trời;
Loạn lạc qua rồi, nhật nguyệt quang minh toả sắc.
Bù cay đắng hai mươi lăm năm chinh chiến, nằm gai nếm mật, dựng nên cơ nghiệp ngàn thu.
Thoả khát khao chín đời tiên chúa ước mơ, ngày nấu đêm nung, dựng riêng thái bình một nước.
Tiệc khao công thoả lòng tướng sĩ, chuyện đời báo đáp, nêu gương lành cho trăm cõi nhuần ân;
Lễ hiến phù28 tỏ rạng vương uy, sự thế trả vay, nghiêm phép nướcđể muôn nhà khiếp phục.
Này Nam Vang nọ Vạn Tượng, vui mấy bên hoà hiếu lân bang;
Từ Cà Mau đến Nam Quan, đẹp một dãi cẩm hoa xã tắc.
Cơ thạnh trị mất rồi lại có, nay chốn chốn vầy đời hoan lạc, chư khanh hãy phấn chí kiên tâm;
Nền thái bình khổ hết sang vui, để nơi nơi vang tiếng âu ca, các ngươi ráng tận trung nỗ lực.
Cầu tổ tông mãi che chở dài lâu;
Mong bách tính luôn giữ gìn vững chắc.
Nay đại cáo tứ phương
Hãy thanh tâm nhất độc.29

Khâm thử.

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba cung soạn.

(Dựa theo Đại Nam thực lục của Nguyễn triều Quốc Sử quán và Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim) - Mùa Xuân Tân Mão (2011)



Điện Minh Thành, nơi thờ Hoàng Đế Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu

Chú thích:

1. Tiên Chúa: Thái Tổ Hoàng Đế huý Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn thứ 1. Ngài đã tránh mưu hại của Trịnh Kiểm bằng cách xin vào trấn thủ Thuận Hoá.
2.  Sãi Vương: Hy Tông Hoàng Đế huý Nguyễn Phúc Nguyên, vị chúa Nguyễn thứ 2. Ngài đã lập dinh điền ở Mô Xoài gần Bà Rịa và dùng kế của Đào Duy Từ trả lại sắc phong của vua Lê.
3. Hiền Vương: Thái Tông Hoàng Đế huý Nguyễn Phúc Tần, vị chúa Nguyễn thứ 4. Năm Nhâm Tý (1762) đã đẩy lui được trận chiến cuối cùng trong 07 lần giao tranh với họ Trịnh, kết thúc cuộc Nam Bắc phân tranh.
4. Quốc Chúa: Minh Vương huý Nguyễn Phúc Chu, vị chúa Nguyễn thứ 6.
5. Minh Vương cho đúc ấn “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” làm ấn truyền quốc, được dùng cho đến đời Thế Tổ Gia Long.
6. Năm Giáp Tý (1744) vị chúa Nguyễn thứ 8 Nguyễn Phúc Khoát xưng Võ Vương, cho đúc Quốc Tỷ và dựng tông miếu.
7.  Theo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Tiên Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá lập sơn hà thì sẽ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
8.  Lê Hoàn cướp ngôi của Đinh Vệ Vương (6 tuổi), Lý Công Uẩn giành ngôi của con Lê Long Đỉnh (còn nhỏ), Thái sư Trần Thủ Độ cướp ngôi của Lý Chiêu Hoàng (8 tuổi), Hồ Quý Ly cướp ngôi của Trần Thiếu Đế (3 tuổi),…
9.  Tứ Nhân tức Mạc Thiên Tứ và Đỗ Thành Nhân.
10.Vương với Tôn tức Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, vị chúa Nguyễn thứ 9 và Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương bị giặc bắt giết tại Long Xuyên.
11. Đoàn quân mặc áo tang do Thế Tổ Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm Gia Định, trả thù cho Định Vương và Hoàng tôn Dương.
12. Cuối năm Đinh Dậu (1777) sau khi chiếm lại Gia Định, chư tướng tôn Đức Thế Tổ lên làm Đại nguyên suý, Nhiếp quốc chính. Lúc này Ngài mới 17 tuổi.
13. Khi lưu lạc ở Quảng Nam, vua Gia Long đã ăn trái bòn bon chống đói. Ngày nay trái bòn bon vẫn còn vết lõm, tương truyền là dấu móng tay của Ngài.
14. Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. lênh đênh trên biển nhiều ngày, hết cả nước ngọt. Nhàvua mới khấn trời, chợt thấy dưới bể có dòng nước ngọt, múc uống mới khỏi chết khát.
15. Năm 1783 Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, Ngài phải cỡi trâu qua sông Vàm Cỏ (Lật Giang). Nước chảy xiết, cuốn trâu đi. May thay một con cá sấu lớn nổi lên, nâng con trâu đưa Ngài sang sông.
16. Khi Nguyễn Phúc Ánh định đem quân thuỷ ra biển thì một con kỳ đà cản trước mũi thuyền. Nhờ thế nên ông mới thoát khỏi bẫy giăng của thuỷ quân Tây Sơn ngoài khơi.
17. Nguyễn Huệ đã 05 lần đánh Gia Định để diệt quân của Nguyễn Vương Ánh.
18. Nguyễn Phúc Ánh đã 03 lần đánh Quy Nhơn để trả đòn.
19. Trước khi mất, Nguyễn Huệ trăn trối rằng “Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đến Vĩnh đô (Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Không thế thì quân Gia Định lại, bọn ngươi không có đất mà chôn đấy.”
20. Võ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu đánh Võ Văn Dũng, Quang Toản giết Lê Trung, Nguyễn Văn Huấn…
21. Quang Toản bức tử bác mình là Nguyễn Nhạc, và về sau giết anh họ Nguyễn Quang Bảo, con Nguyễn Nhạc.
22. Ngô Tùng Châu uống thuốc độc, Võ Tánh tự thiêu tại Quy Nhơn để tử thủ giữ chân quân chủ lực của Tây Sơn, hòng giúp Nguyễn Phúc Ánh thừa cơ chiếm Phú Xuân.
23. Dân chúng chán ngán triều Quang Toản hủ bại, mong mỏi Nguyễn Vương Ánh trừ bạo nên có câu hát “Lạy Trời cho cả gió nồm/ Để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra”
24. Quân điếu phạt: Thương xót mà ra quân trị bọn có tội, dẹp giặc cứu lương dân.
25. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.
26.Thúc giáp phúc tâm: Bó áo giáp, đổi lòng hàng địch.
27. Nguyễn Quang Thuỳ và Đô đốc Tú.
28. Vua Gia Long hành hình Quang Toản và anh em của Toản cùng các bầy tôi Tây Sơn như Bùi Thị Xuân. Ông còn quật mộ Thái Đức, Quang Trung để trả thù việc Nguyễn Huệ trước đó quật mộ các Chúa Nguyễn qua câu nói “Trẫm vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu”
29. Thanh tâm nhất độc: Lắng lòng mà đọc một lần.





Trích từ tập sách
TÂM THÀNH LỄ BẠC
Cáo Phú Hịch Văn Tế Văn Bia
Tác giả: Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
(Tác giả gởi tặng)

READ MORE - NHẤT THỐNG SƠN HÀ ĐẠI CÁO - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba