|
Tác giả Chế Cẩm Đình. |
MỘT CHUYẾN ĐI NAM HÀN
Chế Cẩm Đình
Tôi đến Nam Hàn lần đầu vào sớm nay. Từ ô cửa sổ máy bay từ trên cao nhìn xuống trong buổi tờ mờ sáng đã thấy những hòn lục đảo quần lại với nhau như đàn cá heo tung tăng bơi lội trên biển, lại một vài chú như cố bỏ đàn bơi ra xa mang theo khát vọng vươn lên hàng đầu nhân loại của dân tộc sinh sống trên xứ sở này.
Sân bay quốc tế Incheon rộng lớn và hiện đại chào đón tôi cùng nhiều hành khách khác một cách thân thiện bằng những đoạn âm thanh tiếng Việt hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh. Ra khỏi phi trường là đã bắt gặp ngay những rặng cây đặc trưng của xứ ôn đới như thông, tùng, kim ngân mọc từng chụm lớn trên các mỏm đồi, hoặc dọc theo các ghềnh đá hai bên đường vào thành phố. Hơi khí trời mùa thu thoang thoảng lạnh với người xứ nóng, nhưng cảm giác khoan khoái dễ chịu, chỉ cần bọc thêm một lớp áo gió mỏng là vừa ổn.
Trước khi vào trung tâm Incheon, tôi có việc phải đi qua quận ngoại thành Gimpo thăm người quen. Đường đi chạy dọc theo hành lang ranh giới liên Triều hơn hai chục cây số. Suốt hành lang ấy, dù đi sát rìa biển, băng đồng hay leo đèo dốc thì dãy hàng rào kiên cố đoạn bằng bê tông, đoạn lưới kim loại trên phủ thép gai cuộn bám theo chắn sát không cho ai lấy một băng qua. Mà thâm nhập được thì có khi phải chịu sự trừng phạt bởi những họng súng đen ngòm chĩa xuống từ các tháp canh trên những cao điểm bố trí theo hành lang ấy. Ngồi trên xe phóng tầm mắt qua vùng phía bắc liền kề mà xa xôi về ý thức hệ ấy, tôi không khỏi rùng mình nghĩ đến thảm cảnh người dân Triều Tiên phải sống dưới những luật lệ hà khắc được ban ra từ ba đời cai trị của nhà họ Kim độc đoán kia.
Xong việc, tôi quay vào trung tâm thành phố bằng một con đường khác. Hai bên đường cơ man nào là những nhà máy công nghiệp cỡ vừa với diện tích chỉ tầm 1 ha gọn ghẽ, nghe nói đang làm ăn rất hiệu quả vì cơ chế khuyến khích phát triển kính tế tư nhân vừa và nhỏ của chính phủ Hàn Quốc sau thời kỳ tập trung cho các Chaebol. Xen lẫn giữa các nhà máy là những tấm đồng lúa mạch be bé ruộm vàng chờ thu hoạch, hoặc những khung màng nhà kính nông nghiệp nuôi trồng rau củ quả phục vụ cộng đồng tại chổ. Cũng có mấy ruộng lúa đã gặt xong, chỉ còn lại những cuộn rơm đánh tròn bằng máy quấn bọc trắng toát như những cuộn băng keo khổng lồ vất lăn lóc trên đồng.
Incheon là thành phố lấn biển nên quỹ đất rất hiếm. Ngoài một ít nhà dân có từ lâu đời nằm cheo leo trên những con đồi thì toàn bộ kiến trúc dân sự còn lại trong thành phố là nhà chung cư cao tầng, phải đến hàng ngàn tòa tháp bố trí san sát trong những khu phức hợp dân sinh. Tuy vậy, kiến trúc của mỗi căn hộ đều có cửa sổ và ban công ba bề rất quang đãng, đảm bảo đầy đủ gió và ánh nắng cho cả nhà, không khác nhà biệt thự dưới mặt đất là bao.
Chỉ mới đầu thu, nên những tàng cây trên phố hãy còn chưa thay hẳn màu áo. Vườn cây lá phong dưới mấy chân đồi chỉ mới đỏ mặt e thẹn như má hồng giai nhân xứ Hàn, chứ chưa dám đỏ rực như khi vào giữa thu. Hàng cây ngô đồng dọc theo con đường băng qua công viên đã bắt đầu rứt lẻ tẻ vài ba chiếc lá, chừng như đợi chờ rừng ngân hạnh kề bên đang chuyển màu cam sang hẳn vàng tươi rực rỡ thì ồ ạt trút lá làm cho mùa thu xào xạc hơn. Đằng kia, rặng liễu ven hồ bán nguyệt khép nép rủ cành xuống tận mặt nước xanh trong vắt in bóng trời. Chỉ thiếu vài đôi uyên ương bơi lội dưới hồ là thượng đế trên trời cũng phải ghen với cảnh sắc chốn này.
Vì thời tiết đẹp hay vì văn hóa mà sao người Incheon thật dễ mến. Trong quầy tiện lợi, nhà hàng hay quán cà phê, những nhân viên phục vụ luôn miệng chào khách với những nụ cười tươi rói kèm theo cái gật đầu nhẹ với người đồng lứa, hoặc cúi đầu với ngưới lớn hơn. Ngoài đường phố hay trong sân trường trung học hàng không Inha, từng nhóm bạn vui đùa nhẹ nhàng cùng nhau, cười nói hân hoan, hoặc chụp chung với nhau vài tấm hình đăng lên mạng xã hội làm kỷ niệm. Trên ghế đá công viên, từng đôi tình nhân khoác nhẹ vai nhau một cách tình cảm, thấy các cô gái làm điệu với các chàng trai của mình một cách rất tự nhiên và đáng yêu. Các em gái trung học thì tung tăng đi học trên hè phố, mang vẻ tươi vui trong những bộ đồng phục học đường rất dễ thương, theo sau là những em trai đồng lứa trông chững chạc hơn tuổi học trò, nhưng khuôn mặt thì mang vẻ hiền lành và trong sáng lắm.
Đường phố Incheon ngập tràn xe hơi và biển quảng cáo. Xe hơi chạy trên đường như mắc cửi, nối đuôi nhau đỗ dọc theo lề phố kéo dài hàng ki lô mét không ngứt. Trong sân các tòa nhà lớn không có chỗ trống nào được chừa ra, trên các con dốc của các khu dân cư cũng vậy, xe hơi cắn đuôi nhau theo từng dãy trên triền dốc hoặc vắt vẻo nằm chờ ở những mỏm cao. Quảng cáo thì thật đủ kiểu biển bảng vuông có tròn có, đủ kích cỡ lớn bé, màu sắc xanh, trắng, hồng, cam, đỏ, vàng, dương đủ cả. Tuy nhiều là vậy nhưng tuyệt nhiên không có một dòng chữ tiếng nước ngoài, kể cả đại chúng như tiếng Anh. Tôi hỏi vì sao, thì anh bạn sống lâu ở đây trả lời người Nam Hàn rất tự tôn dân tộc, nên không muốn giao tiếp bằng ngôn ngữ khác trên đất nước mình. Khi màn đêm chưa kịp buông xuống là thành phố đã chìm ngập hoàn toàn giữa một rừng đèn màu lấp lánh phát ra từ các biển quảng cáo để đua sắc. Mới hay, mức độ cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh tại các thành phố lớn ở đất nước phát triển như thế nào.
Đi lại trên đường, thấy phố xá ở đây gần giống phố xá bên quê nhà. Tuy hiện đại và sạch sẽ hơn nhưng hình hài và hồn vía phố phường không khác là bao. Cũng từng dãy shop mặt tiền kinh doanh đủ loại hàng hóa liền kề nhau theo con phố. Vỉa hè cũng chia vạch đi bộ, cũng cột điện, hàng cây, nhà chờ xe buýt với sinh viên, công chức chờ đón xe về sau một ngày học tập hay làm việc. Có lẽ người Hàn chịu ảnh hưởng từ người Mỹ như miền Nam ta vậy, nên thấy hao hao chăng? Còn nhiều nơi nữa tôi sẽ đến trong dịp đi này. Daegu, Seoul chắc là có nhiều điều mới mẽ đang chờ đón tôi phía trước!
Sau một ngày lang thang khắp Incheon, tôi bắt xe đến Daegu cách đó về phía nam hơn ba trăm cây số. Chiếc xe bus tôi đi là cỡ lớn, nhưng bên trong chỉ bố trí mỗi hàng ghế ba người với lối đi nên rất rộng rãi thoải mái cho chuyến đi dài. Nói là xa nhưng với đường sá giao thông ở đây thì xe chỉ đi ba tiếng, tức bình quân một trăm cây số mỗi giờ. Trên chặng đường ấy, chừng như các đô thị lớn, đô thị nhỏ nối liền với nhau, chẳng mấy khi thấy một khoảng không gian tự nhiên thiếu bóng dáng cơ sở hạ tầng hiện đại. Đâu đâu cũng nhà cửa cao tầng rợp trời, phố xá náo nhiệt với đèn điện sáng choang không ngủ. Một đất nước thật sung túc và tràn đầy năng lượng.
Daegu là thành phố công nghiệp khá lớn ở Hàn Quốc. Khác với ở Gimpo chỉ có những cụm công nghiệp nhỏ, ở đây từng khu công nghiệp được quy hoạch theo ngành nghề sản xuất chính như khu công nghiệp chuyên về nguyên vật liệu phụ trợ công nghiệp xây dựng, công nghiệp điện tử và cả công nghiệp xe hơi ... Mỗi khu đều có một biểu tượng bằng đá hoặc kim loại lớn dựng ở đầu lối vào, như khu công nghiệp kính thì biểu tượng là cặp mắt kính to đùng đeo trên khuôn mặt khổng lồ dựng ở cổng chào. Ở Hàn Quốc, mỗi vùng công nghiệp tập trung mạnh vào một nhóm ngành nghề sản xuất nhất định như Pohang nổi tiếng về sắt và thép; Ulsan thì chuyên về ô tô, đóng tàu thủy và hóa dầu; Chanwon có công nghiệp nặng; và vùng Pusan chuyên về ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu, thương mại và hải cảng. Việc tập trung như vậy có SỰ TÍNH TOÁN CHÍNH PHỦ HÀN QUỐC TRONG QUY HOẠCH PHÂN VÙNG CÔNG NGHIỆP, làm thế nào để có lợi về mặt quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đồng thời tối đa hóa chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào và hàng hóa xuất ra của doanh nghiệp.
Hàn Quốc từ lâu đã trở thành nền kinh tế nằm trong top 10 thế giới, và ở châu Á họ chỉ kém mỗi Nhật Bản về mức độ hiện đại hóa công nghiệp. Trong khi hãng Toyota của Nhật đang đau đầu với sự sụt giảm doanh số xe hơi trên toàn cầu thì Hyundai của Hàn lại tăng tốc khủng khiếp trên các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á, thậm chí là họ đã bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc với chính sách giá cả hợp lý bên cạnh chất lượng không thua kém bất cứ hãng xe nào của Nhật hay phương Tây. Mấy ai biết được, để những chiếc xe hơi Hyundai lăn bánh khắp thế giới ngày hôm nay, thì lúc trước vào những năm 1988 - 1989 hãng này phải mua công nghệ và bản quyền xe hơi từ Mishubishi là một hãng công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Không chỉ Hyundai, mà các tập đoàn kinh tế khác như Kia (đã sát nhập vào Hyundai), Daewoo, Rhino, Asia, LG và cả Samsung đều mua công nghệ như vậy từ đất nước mặt trời mọc, tức là những gì chưa làm được thì họ chấp nhận mua về để học hỏi và phát triển. Điển hình như Samsung và LG dường như đã đánh bại các đối thủ tên tuổi hàng đầu thế giới của Nhật Bản trong ngành công nghiệp điện tử như Sony, Panasonic, Toshiba hay Sharp. Ngày nay, trên toàn thế giới không ai không biết đến các dòng điện thoại Samsung đang nổi đình nổi đám luôn khiến cho người khổng lồ Apple với các dòng Iphone phải xất bất chạy đua nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Cạnh tranh là động lực tốt nhất cho sự phát triển. Để các doanh nghiệp xứ Hàn thịnh vượng như ngày nay, ngoài khoanh vùng công nghiệp hợp lý như nói trên thì chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách hỗ trợ tối đa cho mọi loại hình doanh nghiệp không phân biệt lớn nhỏ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, tránh việc cá lớn nuốt cá bé dẫn đến tình trạng độc quyền làm cho doanh nghiệp trì trệ không phát triển lên mức cao hơn và khi đó người tiêu dùng phải trả chi phí cao cho hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ như trong ngành viễn thông của Hàn Quốc có các ông lớn là LG +, SKT, Olleh, KTF và SK Telecom thì chính phủ bắt buộc các nhà mạng đại gia này phải cho các doanh nghiệp nhỏ thuê lại băng thông đường truyền để cung ứng dịch vụ mạng cho người tiêu dùng. Như vậy, chi phí kinh doanh mạng của các doanh nghiệp nhỏ trội lên vì phải thuê lại dịch vụ nhưng họ có cơ cấu kinh doanh gọn nhẹ, linh hoạt, lại không phải đầu tư cho hạ tầng băng thông nên họ vẫn có thể cạnh tranh với những ông lớn nói trên, chính là người nhượng lại dịch vụ cho mình.
Bên cạnh chính sách chống độc quyền đó, chính phủ còn có chủ trương mở ra những khu vực bán hàng chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp để hàng hóa của họ không bị lấn át bởi các thương hiệu lớn, được người tiêu dùng chú ý hơn. Cũng ở đất nước này, tại các thành phố lớn luôn có một tòa nhà dành cho bất cứ ai có một ý tưởng kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ nào muốn khởi nghiệp. Người có ý tưởng cứ tới đó trình bày, thì sẽ được tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn và tương tác, thậm chí là giúp chế tạo sản phẩm mẫu từ ý tưởng của cá nhân muốn khởi nghiệp và sau cùng triển lãm ra ngoài để người tiêu dùng thử nghiệm và đánh giá. Nếu nhận được phản hồi tích cực thì họ sẽ hỗ trợ phát triển kinh doanh cho cá nhân đó, tất nhiên là kèm theo chứng nhận bản quyền sản phẩm để không bị sao chép ý tưởng bởi cá nhân hoặc doanh nghiệp khác.
Từ nội địa ra châu lục rồi vươn lên hàng đầu thế giới, rõ ràng ngoài chính sách hỗ trợ hợp lý của chính phủ thì các doanh nghiệp Hàn Quốc phải có một triết lý kinh doanh tốt, chứ không thể phát triển một cách tự phát như phần đông các doanh nghiệp ở nước ta. Doanh nghiệp bên này dù lớn hay nhỏ thì yếu tố TRIẾT LÝ KINH DOANH đều luôn được coi trọng ở mức độ cao nhất. Không nhất thời vì chạy theo một cơ hội hay sự phát triển nóng mà phá vỡ giá trị cốt lõi đặt ra từ đầu. Người phương Tây phát triển nhờ các phương pháp quản trị mang tính đo lường để phân tích và cải tiến năng suất, người Nhật thì nổi tiếng với tính quy trình cao độ trong sản xuất nhằm tối ưu nguồn lực và thời gian như lý thuyết của Kaizen, thì người Hàn biết kết hợp cả hai yếu tố đó kèm theo việc chú trọng tối đa đến yếu tố CON NGƯỜI. Bên cạnh viễn cảnh mong muốn phát triển trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực họ kinh doanh, thì sứ mệnh là làm cho mọi thành viên trong doanh nghiệp luôn được vui vẻ, khỏe mạnh và yêu thích công việc của mình. Người lao động luôn được nâng niu, coi trọng nên trong sơ đồ tổ chức nhân sự của các doanh nghiệp Hàn Quốc thì nhân viên được xếp cấp cao ở trên cùng, bên dưới là các cấp quản lý trực tiếp là cuối cùng mới đến vị trí của giám đốc. Biển đề bên ngoài phòng làm việc của giám đốc là PHÒNG ĐỒNG CẢM, tức là giám đốc luôn phải lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ mọi người lao động khi họ vào làm việc. Nói thêm một chút về biển đề tên phòng, nơi họp hành được đặt tên là PHÒNG ĐỒNG LÒNG, thể hiện sự đoàn kết của toàn bộ thành viên trong tổ chức. Khu vực phát triển và kiểm tra chất lượng sản phẩm thì đề biển PHÒNG TIN TƯỞNG, cũng là một trong những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tuyệt đối chất lượng sản phẩm cung ứng cho khách hàng vì sự tồn vong của mình thông qua việc tin tưởng nhân viên trong phòng đó luôn vì doanh nghiệp mà làm tốt nhiệm vụ của mình.
Để biến doanh nghiệp trở thành nơi làm việc được yêu thích thì các công ty, xí nghiệp nơi đây thường có một khu vực ĐỘNG VIÊN, ở đó có sự vinh danh các cá nhân, phòng ban có kết quả làm việc tốt hoặc có đóng góp ý tưởng cải tiến cho tổ chức. Một ai đó được giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoặc là vấn đề cá nhân bởi một người khác thì có thể viết lời cảm ơn trên những thiếp màu rồi đính lên bảng, hoặc để thêm lên bục gỗ bên cạnh một bó hoa tươi nho nhỏ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với sự giúp đỡ đó một cách thực lòng. Phụ nữ thì càng được trân trọng hơn, họ có phòng nghỉ ca với tấm biển bên ngoài là hình họa người phụ nữ đang cười đùa vui vẻ bên hình một chàng trai đang nhăn nhó vì rất muốn xông vào nhưng cấn phải dòng chữ "Không phải nơi của quý ông". Ngoài ra, để phía trước công ty có đính biển chứng nhận "NƠI LÀM VIỆC YÊU THÍCH CỦA PHỤ NỮ" do một tổ chức nữ quyền có uy tín cấp thì công ty phải có thêm các chính sách về phúc lợi, thai sản tốt cho chị em và được đánh giá, phản hồi tích cực từ nữ lao động trong đơn vị đó.
Tương tự, hiệu chương "XÍ NGHIỆP XANH" đính trước cổng hay in trên bao bì sản phẩm giúp cho cộng đồng hoặc người tiêu dùng biết đây là doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn về môi trường, bao gồm nơi làm việc an toàn, vệ sinh và không xả thải chất độc hại ra bên ngoài. Vào thăm nhà xưởng sản xuất công nghiệp thấy mọi thứ ngay ngắn gọn gàng và sạch sẽ không một cọng rác hay vết bẩn. Dòng sông Kumho trong xanh chảy êm đềm qua thành phố công nghiệp Daegu minh chứng cho việc tuân thủ triệt để phát luật về môi trường của các xí nghiệp nơi đây vì một sự phát triển bền vững cho cả cộng đồng.
Những doanh nghiệp Hàn Quốc thường khởi nghiệp từ một người hoặc một vài người trong một gia đình, họ phát triển doanh nghiệp rồi truyền lại cho con cái. Người chủ công ty rất chú trọng đến việc đào tạo người kế thừa mình ngay trong tổ chức, thường là bố trí cho con vị trí trợ lý hoặc phó giám đốc khi con cái học hành xong. Người này thực tập quán xuyến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, lo đưa đón khách hàng đến giao dịch. Chính anh ta tự tay mở cửa ra vào, phục vụ cà phê bánh trái cho cuộc gặp, cũng là người trình bày với khách về lịch sử quá trình hình thành và phát triển, các cột mốc doanh số đạt được, những ai đang là đối tác chủ chốt, lợi thế của sản phẩm hay dịch vụ của mình là gì với khách hàng. Sau cùng là dẫn khách đi thăm các nhà xưởng, các công đoạn sản xuất của xí nghiệp. Sau cùng mới mời khách trở lại phòng làm việc bàn thảo chuyện làm ăn với giám đốc thường là bố của mình. Quá trình rèn luyện đó sẽ giúp cho thế hệ sau kế thừa một cách vững vàng cơ nghiệp của cha mẹ để lại, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững lâu dài. Tất thảy những đều nêu ra ở phần này chưa thể hiện đầy đủ được nguồn cơn sự phát triển hùng mạnh của các doanh nghiệp của đất nước này, nhưng cũng đã khái quát được triết lý kinh doanh chính của người Hàn là nền tảng cho sự phát triển của họ.
Từ Daegu tôi trở về Seoul trên chuyến tàu cao tốc hết sức tiện nghi. Sàn tàu sạch sẽ, ghế ngồi rộng rãi bọc nhung êm ái, cửa sổ kính trong veo cho phép chụp ảnh thật rõ khung cảnh dọc đường, và khi cần ngủ thì chỉ kéo nhẹ tấm lưới xuống là ngăn được ánh sáng chiếu vào. Trên tàu cũng có xe bán hàng rong đẩy từ toa này sang toa kia phục vụ hành khách. Người bán hàng mặc đồng phục nhân viên đẩy cửa kéo xe vào chắp sát hai tay dọc thân mình cúi chào hành khách trong toa một cách lịch sự và xin phép mời mua hàng. Khách có nhu cầu ăn quà, uống nước ngọt hay cà phê thì mua dùng chứ không bị chèo kéo, trả bằng tiền mặt hoặc cà thẻ được kết nối online qua băng thông 5G nên dù tàu di chuyển với tốc độ gần 300km/h thì lệnh thanh toán vẫn được thực hiện. Đúng là dịch vụ viễn thông quá tốt cho mọi hoạt động kinh tế của đất nước này.
Seoul một buổi chiều thật đẹp. Nắng mùa thu óng vàng như rót mật vào những bức tường kính khổng lồ đủ màu sắc của các tòa cao ốc hiện đại san sát vào nhau. Đường phố chính thì rộng lớn và quang đãng, không có lấy một dãi băng rôn hay khẩu hiệu được treo lên. Những hàng cây ôn đới cặp theo hai bên hè đường, hoặc những vườn cây lớn dưới chân các tòa tháp tạo từng mảng không gian xanh hài hòa với các công trình kiến trúc hiện đại. Trên hè phố là những dòng người nườm nượp sải bước. Ai nấy đều ăn mặc tươm tất đẹp đẽ, dù là đi làm về hay bắt đầu đi chơi cuối tuần. Người Hàn thì thời trang có tiếng qua các bộ phim truyền hình thâu tóm mọi cảm xúc của các mẹ các chị bên nhà. Các cô gái trang điểm khuôn mặt rất kỹ với cặp môi tô son đỏ rói, gò má thoa phấn hồng nhạt trên nền làn da trắng mịn hơi bóng, kẻ mày ngang hơi đậm và dùng macrame làm mi đen dài với mí mắt đánh chì biếc. Họ diện đầm hoặc váy với tất chân sáng, mặc áo thun dài tay khoác thêm lớp áo len mỏng hơi ngược tông trông thanh nhã. Con trai thì vuốt keo tóc gọn gàng, áo sơ mi kiểu với quần âu bó, lai quần chỉ ngang mắt cá trông hơi cũn cỡn nhưng cực sành điệu với đôi giày tây da bóng màu sáng hoặc chỉ hơi sậm nhìn rất mode. Từng đôi trai gái choàng tay thân mật đi bên nhau không khác mấy hình ảnh trong các bộ phim tình yêu chiếu trên ti vi. Người lớn tuổi thì mặc vét hoặc áo ấm, áo len sậm màu, quần âu xếp ly đứng lịch sự, nam giới hay phụ nữ đều vậy, hoàn toàn không thấy việc ăn mặc lôi thôi lếch thếch ở bất cứ ai, ngoại trừ một vài người vô gia cư trên phố. Việc ăn mặc đẹp của người Hàn thể hiện SỰ TÔN TRỌNG BẢN THÂN VÀ XÃ HỘI, là một chỉ dấu NHÂN VĂN của đất nước này. Thời trang tạo ra tâm lý tự tin hoàn toàn với bản thân, và trong một hoạt cảnh như thế này, tôi thấy họ hoàn toàn ngập tràn trong tươi vui và hạnh phúc.
Chiều cuối tuần cũng là lúc lực lượng cảnh sát Seoul phải làm việc vất vả. Hàng đoàn xe chở cảnh sát đỗ kéo dài trên phố. Từng đoàn cảnh sát viên đổ quân xuống phố và di chuyển trật tự với công cụ hỗ trợ như khiên kính chắn đạn, dùi cui đến các địa điểm công cộng như sân nhà ga, công viên và quảng trường. Nhiệm vụ của họ là giữ gìn trật tự những nơi có đám đông biểu tình, nhóm truyền giáo hoạt động hoặc tổ chức đảng phái tuyên truyền sách lược chính trị của đảng mình trong khuôn khổ pháp luật. Cảnh sát chỉ là người làm công vụ ăn lương từ tiền thuế của người dân nên họ hoàn toàn phải bảo vệ tiếng nói, quan điểm và lợi ích của nhân dân chứ không được ngăn cản, đối xử thô bạo hay đàn áp. Ngay trước tháp chuông cổng Tín thành phía bắc Seoul còn có một điểm tôn vinh một người bị cảnh sát bắn chết hồi năm ngoái trong một vụ biểu tình phản đối chính sách nông nghiệp và lao động lên đến hơn mười nghìn người. Việc bắn chết người này là do đoàn biểu tình đã cố ý tấn công vào cảnh sát, vượt qua giới hạn của sự an toàn của một cuộc xuống đường theo khuôn khổ pháp luật. Ở đó người ta đặt nhiều hoa tươi dưới chân các tấm bảng cao chừng mét rưỡi dựng lên mô tả sự hi sinh của ông này trong sự kiện biểu tình và để dán những lời cảm tưởng về nhân vật này ghi trên những miếng giấy nhỏ đủ màu của những người ngưỡng mộ có cùng lý tưởng với ông ấy. Điều này hoàn toàn chưa thấy ở những đất nước mà chính quyền và nhân dân đang đứng về hai phía. Cảnh sát ở bất cứ nơi đâu cũng chỉ lo làm nhiệm vụ của mình, họ hết sức thân thiện và luôn luôn hỗ trợ bất kỳ một yêu cầu nào của bất cứ ai cần chỉ dẫn hay sự giúp đỡ. Bạn có thể chụp hình với họ thoải mái, trao đổi hay nói chuyện thân tình với họ nếu muốn. Họ hoàn toàn không gây ra ác cảm hay lo sợ đối với người dân nên TÂM LÝ XÃ HỘI HẾT SỨC CỞI MỞ VÀ AN TOÀN, là một điều tốt đẹp của cuộc sống con người.
Cuối ngày tôi đi thăm Cung điện Hoàng gia Gyeongbok, một trong những thắng cảnh lịch sử quan trọng bậc nhất đất nước này. Trên các ngả đường của các con phố cổ gần chung quanh người đi bộ nườm nượp hướng về phía cung điện để thăm quan hoặc tham gia vào ngày hội duy trì văn hóa truyền thống mỗi hai tuần một lần vào tối thứ bảy. Từng nhóm cô gái trẻ bước đi xúng xính trong bộ trang phục Hanbok truyền thống mang đậm tính cổ truyền trông thật thích thú. Những bộ áo này được sáng tạo trên nền chất liệu vải lụa, satin và vải thô, xen lẫn hình in hoặc thêu hoa khéo léo và tỉ mỉ. Vải được nhuộm màu tự nhiên hoàn toàn, có 5 màu sắc được ưa chuộng trong thiết kế trang phục Hanbok là đỏ, xanh da trời, vàng, đen và trắng theo triết lý âm dương và ngũ hành của phương Đông. Không chỉ các cô gái mới vận đồ Hanbok mà các chàng trai song hành cũng xống áo mũ đai truyền thống tạo thành những cặp đôi duyên dáng đáng yêu vô cùng. Để vào trong điện phải đi qua Cảnh Phúc cung tương tự như cửa Ngọ Môn ở Huế. Nơi đây được bố trí một hệ thống đèn điện chiếu hắt lên tháp mái màu ngọc lục bảo đẹp lung linh. Khung vì kèo đỡ tấm mái đồ sộ thay vì chạm trổ điêu khắc cầu kỳ nhưng đơn màu như ở các công trình cổ ở Việt Nam thì người Cao Ly xưa lại sơn nền màu xanh chai và trang trí họa tiết bằng các màu trong ngũ sắc thật bắt mắt nhưng vẫn đảm bảo tính thâm nghiêm của nơi vua quan làm việc và sinh sống. Linh vật Haechi trong mình lân mặt hổ là vị thần công lý và bảo hộ chống lại lửa được đặt ngay cổng thành để nuốt lửa tà khí lăn xuống từ ngọn núi Hanam trước kinh thành. Vào ngay sau cổng là thấy ngay những dãy nhà ngang dọc nguyên là các quan viện xưa phân theo chức năng. Sau khoảng sân triều là đến Tử cấm thành mà thật đáng tiếc là tôi không vào trong được vì phải xếp hàng cỡ hai tiếng trong điều kiện thời gian không có nhiều. Cổ cung ở Hán thành đã tô vẽ cho hoa đô tráng lệ bực nhất thế giới này thêm phần kiều diễm, thay vì phải xếp lại vai trò lịch sử của mình như chính các vị vua quyền lực từng cư ngụ ở đó.
CÙNG VỚI VIỆC BẢO TỒN MỌI GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP, người Hàn Quốc rất TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO. Trên đại lộ trung tâm Seoul có hai tượng đài đặt hai đầu quảng trường biểu tượng cho đại cuộc chống giặc ngoại xâm và giúp phát triển đất nước. Phía trước là tượng vị thuỷ sư thống chế Lý Thuấn Thuần, một vị tướng giỏi nhất lịch sử Triều Tiên đã có công lớn trong cuộc chiến kháng Nhật thời kỳ 1592 - 1598. Tượng đài thứ hai vị vua anh minh nhất trong triều đại Choson tên là Sejong (Thế Tông) mà hậu thế Triều Tiên vẫn gọi ông ta là Daiwang (Đại Vương). Tượng vua ngồi ngự triều trên một chiếc ngai lớn, hai tay đang mở một cuốn sách, mắt nhìn thẳng ra phía trước như vẫn đang suy nghĩ tìm kiếm thêm cách thức làm cho đất nước hùng mạnh hơn. Ông chính là vị vua đã sáng tạo ra bộ chữ Hangeul nổi tiếng giúp cho người Triều Tiên biết đọc biết viết tiếng nói của mình, không còn phải dùng Hán tự. Năm 1997 bộ chữ này đã vượt qua mọi bộ chữ cái trên thế giới, bao gồm cả ký tự Latin để trở thành bộ chữ cái đầu tiên được công nhận là di sản ghi nhận tư liệu ký ức của thế giới của Unesco bên cạnh sự đánh giá đây là bộ chữ khoa học nhất và là một trong những thành tựu bực nhất mà nhân loại đã tạo ra từ các khoa trường đại học khoa học xã hội danh tiếng thế giới. Vua Sejong là Phật tử thuần thành, ham đọc sách vở và thương yêu dân chúng. Ông luôn tìm kiếm các giải pháp hoặc đưa ra các chính sách sát với thực tiễn vì quyền lợi của muôn dân theo quan điểm nhân dân là mặt trời của quân chủ, thay vì vua là mặt trời của thiên hạ. Đây có lẽ là quan điểm tiến bộ nhất trong các nước Á đông vào thời đó, cũng như chủ trương phát triển học vấn, nghệ thuật và khoa học cho đất nước.
Seoul có hệ thống đô thị ngầm rất rộng lớn và hiện đại, bao gồm cả huyết mạch giao thông như tàu điện ngầm và các khu kinh doanh mua sắm. Bên dưới tượng đài vua Sejong là hệ thống nhà sách Art Book khổng lồ đông nghịt độc giả. Người Hàn Quốc CHÚ TRỌNG HỌC THUẬT và luôn tìm cách NÂNG CAO HÀM LƯỢNG CHẤT XÁM cho mọi người. Nền tảng phát triển của xã hội không cách nào khác là được TRANG BỊ BẰNG TRI THỨC. Từng dãy kệ sách đủ loại kéo dài hàng trăm mét ngang dọc như một tiểu thành phố nườm nượp khách đang lựa sách. Chổ bàn đọc cũng kín mít hàng trăm chổ ngồi với mọi lứa tuổi, từ em bé xem sách abc đến người lớn tuổi đọc sách kỹ thuật hay kinh tế. Thật là một không gian văn hóa đáng mơ ước đối với dân tộc mình. Mà không chỉ có hệ thống siêu thị sách hiện đại, ngay trong phố cổ vẫn có những hàng sách quy mô nhỏ hơn, hoặc trên hè phố các đại lộ lớn vẫn bắt gặp những xe lam bán sách với thùng hàng phía sau mở ra thành một cửa hàng sách di động, chuyên bán sách củ. Cho dù ngày nay hệ thống Internet phát triển như thế nào đi nữa thì SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC SÁCH vẫn là một chỉ dấu cho sự thành công của một dân tộc như đất nước Hàn Quốc với vai trò làm giàu tri thức cho xã hội.
“Kỳ tích Baden - Baden” là một thắng lợi ngoạn mục của Seoul vào thời khắc 23h45’ ngày 30 tháng 9 năm 1981 trước hàng loạt các thành phố tên tuổi khác trên toàn thế giới trong cuộc đua tranh quyết liệt giành quyền đăng cai Thế vận hội – Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh tổ chức sau đó 7 năm. Seoul 1988 với chủ đề “Hòa hợp và tiến bộ” đã làm cho toàn thế giới bất ngờ và khâm phục về sự phát triển sự phát triển thần kỳ của đất nước Hàn Quốc. Từ một đống hoang tàn đổ nát sau nội chiến liên Triều 1950 – 1953 và trong điều kiện hai miền dân tộc còn chia cắt thì chỉ hơn 3 thập kỷ sau, Nam Hàn đã vươn lên trở thành con hổ châu Á và bản thân Seoul trở thành một thành phố hiện đại sánh ngang với những Tokyo, Paris, London hay New York. Kỳ tích Baden – Baden và Thế vận hội Seoul 1988 thể hiện rõ QUYẾT TÂM VÀ KHAO KHÁT VƯƠN LÊN tầm thế giới của toàn thể nhân dân và đất nước Hàn Quốc. Khi đã xác quyết mục tiêu thì họ đã NỖ LỰC LÀM VIỆC trong mọi điều kiện để đi đến thành công.
“Đường phố muôn màu sao thiếu em”, đi giữa Seoul hoa lệ với một người tình trong tiết thu e chẳng có điều gì lãng mạn hơn, đùa vui một chút. Người Hàn Quốc có gu thẩm mỹ và cảm quan màu sắc tốt. Bất cứ công trình công cộng hay dân dụng nào cũng phải đảm bảo yếu tố mỹ thuật mang tính cộng đồng. Đặc biệt là VIỆC SỬ DỤNG MÀU SẮC TRONG KIẾN TRÚC, BẢNG CHỈ DẪN GIAO THÔNG HAY BIỂN QUẢNG CÁO ĐỀU MANG TÍNH BIỂU THỊ RẤT CAO, nhìn rất hiện đại. Trong các siêu thị hay cửa hàng người ta tối ưu việc ứng dụng màu sắc để trang trí, phân chia các khu vực hay lốc kệ bán hàng hết sức bắt mắt và dễ phân biệt nhóm hàng. Các tông màu nóng lạnh, các phổ màu ngũ hành được phối với nhau hợp lý kết hợp với nền ánh sáng của điện đèn khắp mọi nơi làm cho cả thành phố như một đài hoa rực rỡ về đêm.
Samsung với chiết tự là 3 ngôi sao có ý nghĩa vĩnh cửu mang theo mong muốn vươn ra toàn cầu của người sáng lập Lee Byung Chull, thì ngày nay những màn hình tivi, những chiếc điều hòa hay tủ lạnh có logo nền xanh mực với dòng chữ trắng này đã ngập tràn mọi siêu thị điện máy trên thế giới, bên cạnh sự đình đám của các dòng điện thoại smartphone Galaxy, S và Note được cả thế giới tin dùng mang lại doanh số hàng chục tỉ Mỹ kim mỗi năm. LG mang hoài bão chất lượng và tính thực tế cũng đã trở thành nhà cung cấp điện tử, hóa chất và mỹ phẩm hàng đầu thế giới. Hyundai mang tinh thần hiện đại hóa, Kia là khởi Á với khát vọng người Hàn Quốc hay người Á châu cũng có thể phát triển không thua kém phương Tây và họ đã cùng nhau làm được điều đó khi mà những chiếc xe hơi cỡ nhỏ, xe tải nặng hay xe bus cao cấp có logo hình chữ H hơi xéo sẽ tiếp tục lăn bánh đến mọi ngóc ngách trên hành tinh này, đóng vai trò người tiên phong phá vỡ mọi ranh giới mậu biên cho hàng hóa xứ Hàn đi khắp năm châu bốn biển.
Nền giáo dục ở đất nước này cũng áp lực như ở Việt Nam nhưng mang tính thực học. Tức là học sinh bằng mọi giá đua tranh vào các trường đại học danh tiếng hoặc trường trung cấp thao khả năng của mình. Sinh viên ra trường không bao giờ thất nghiệp hay phải làm việc trái ngành học do định hướng tuyển sinh số lượng sinh viên vào từng ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội được Bộ giáo dục và chính phủ Hàn Quốc làm rất tốt. Hệ thống giáo dục sau phổ thông của họ đào tạo ra nhân lực làm việc được ngay sau khi rời ghế nhà trường chứ doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Do đó, mọi ước muốn của phụ huynh hay học sinh xứ Hàn là phải đặt chân vào một trường đã chọn sau kỳ thi vào đại học, trung cấp thường niên. Cũng thần tín như ta, trước mỗi kỳ thì thì các thí sinh dắt nhau đi xem bói ở các lều tướng số đầy rẫy trên các hè phố dọc theo công viên hay văn miếu. Và cũng như ở Việt Nam, sĩ tử bên này trước ngày thi thì ăn nhiều kẹo bởi từ “kẹo” chiết tự từ chữ “dính” mang ý nghĩa như chữ “đậu, đỗ” bên mình.
Phần cuối, tôi đưa ra lời cảnh báo cho mọi người, trong đó có bản thân tôi về việc SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG TRONG XÃ HỘI. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nên lực lượng lao động còn trẻ, còn tạo ra được giá trị kinh tế cao nhưng thời kỳ này nhanh chóng trôi qua sau chừng 10 đến 15 năm nữa. Khi đó các doanh nghiệp không sẵn lòng lưu cữu người lao động lớn tuổi để tuyển vào lực lượng lao động trẻ có năng suất cao hơn thì những người lớn tuổi đi về đâu khi mà suốt mười mấy năm lao động của họ không tạo ra được giá trị tích lũy đủ lo cho phần tuổi đời còn lại của mình?! Thân hữu ra đường ở Việt Nam đều thấy lái xe taxi rất trẻ, vào các nơi công cộng thấy lễ tân rất trẻ, vào cửa hàng, siêu thị lại thấy toàn nhân viên trẻ mà lẽ ra lực lượng này lẽ ra cần được bố trí hay lựa chọn vào những công việc đòi hỏi đầu óc hoặc hiệu suất cao. Thì ở Hàn Quốc, tất cả lực lượng lao động không cần quá khỏe mạnh hoặc chất xám thì đều sử dụng người lớn tuổi, cả nam lẫn nữ. Như vậy, những người già vẫn có thu nhập tốt để tự lo cho bản thân mà hoàn toàn không tạo ra một gánh nặng cho con cháu hoặc xã hội. Và ngay từ bây giờ, chúng ta nên bắt đầu thay đổi suy nghĩ, thậm chí là tác động vào chính sách cấu trúc tuổi tác theo ngành nghề lao động để tránh nguy cơ nền kinh tế sụp đổ vì phải gánh vác mấy chục triệu người lớn tuổi trong một hai thập niên tới, vĩ thanh!
Chế Cẩm Đình