Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 24, 2023

KHÚC HẠ - Thơ Tịnh Bình



                        Nhà thơ Tịnh Bình

 
KHÚC HẠ
 
Nợ quê vi vút sáo diều
Người đi bỏ lại đồng chiều chân mây
Thầm lời rơm rạ mờ cay
Làm sao quên được những ngày còn thơ
 
Nợ mùa hạ cũ dại khờ
Khắc riêng nỗi nhớ vô bờ hồn nhiên
Tan trường bướm trắng luyên thuyên
Mùa thi cuối với bao niềm ước mong
 
Xốn xang mây hạ tầng không
Bằng lăng nghiêng tím phượng hồng ấp e
Ve trưa hay khúc nhạc hè
Cầm lòng không đặng mây nhòe lệ mưa...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - KHÚC HẠ - Thơ Tịnh Bình

THÔI ĐÀNH XA NHAU - Nhạc Nguyên Bích - Thơ Quách Như Nguyệt - Ca sĩ Duyên Quỳnh

READ MORE - THÔI ĐÀNH XA NHAU - Nhạc Nguyên Bích - Thơ Quách Như Nguyệt - Ca sĩ Duyên Quỳnh

EM VỀ NGANG NGÕ CŨ NGÀY XƯA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng


Em về ngang ngõ cũ ngày xưa


Có một bữa em về ngang phố cũ

Gió vu vơ lồng lộng ở trên đầu

Hàng phượng vỹ, tơ non mùa chớm nụ

Trên con đường, năm tháng đã hằn sâu

                      *

Một tuổi nào lơ ngơ nhìn lá đổ

Trong tàn chiều, ve ngân tiếng ganh đua

Biết bây giờ, có còn ai giữ hộ

Giây phút bâng khuâng của buổi giao mùa

                      *

Con đường cũ, xem chừng như lạ lẫm

Góc phố này, ai đó đã xoay lưng

Chiều ký ức đang loang mờ sâu đậm

Ngõ cũ thân quen, rối bước ngập ngừng

                      *

Mây cuối núi, đang trở chiều nằng nặng

Phố mới lên đèn, xuân sắc trẻ trung

Rơi đâu mất, một cái nhìn sâu lắng

Từ độ người đi, xa cách nghìn trùng …

                      *

Ngày đã cạn trên đường em trở lại

Cứ chần chừ bên ngõ cũ năm xưa

Còn nguyên đó, một quãng đời gấp gãy

Và nỗi niềm riêng, em tự dối lừa …



Cơn giông theo bước em về


Thon thả gió, qua đồi cát trắng 

Dịu dàng xoa từng vết chân em

Chiều đan trãi nỗi buồn tĩnh lặng

Người xưa cảnh cũ, có còn quen

                      * 

Trên sóng cát ngang lưng chừng gió

Nắng hoàng hôn lấp lánh khơi xa

Thơ thẩn bước, má hây hây đỏ

Đường này xưa, dấu tuổi ngọc ngà

                       *

Tiếng bìm bịp kêu chiều nước lớn

Đổ vọng ra từ phía chân đồi

Gió cuốn cánh lông chông lởn vởn

Quẩn quanh từ ngày tháng xa xôi

                      *

Làn khói mỏng, đầu làng thấp thoáng

Nghe cay nồng bếp lữa ngày xưa

Chốn cũ, có một người đành đoạn

Giã biệt chiều, bên mái hiên thưa

                      *

Năm tháng chất chồng trên sóng cát

Lớp lớp đời, rối dấu nặng lòng

Mây tứ xứ cuối trời phiêu dạt

Chợt thẩn thờ, òa vỡ cơn giông …




Đêm ngúng nguẩy, một vòng tay bổi hổi


Ngắc ngứ rơi một tiếng thở dài

Trên con ngõ nhỏ loanh hoanh, góc hiên nhà mờ tối



Tiếng thì thầm, lời đoan hứa đắm say

Một khoảng lặng quanh co trong cái nhìn trân trối

Hình như có điều gì đang sắp tỏ bày…




Bóng tối ở đâu, khi nào chúng cũng giống nhau


Chỉ có ánh sáng, sắc màu là mỗi nơi, mỗi khác

Của phi nghĩa, chắc chắn là của con đường lầm lạc


Nghe báo đài, loan tin xử lý chuyện tham ô

Chuyện ở đâu, thời nào cũng có

Trọn vẹn một niềm tin, đừng suy luận hồ đồ


Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - EM VỀ NGANG NGÕ CŨ NGÀY XƯA - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

MƠ HOAN - Cảm nhận của MacDung về bài thơ ĐUỐI MỘNG của TT-Thanh Trước

 


Mơ Hoan


ĐUỐI MỘNG

 

Đêm trần tục… 

Ta say tình hư ảo 

Mơ nụ yêu 

Khao khát 

Giọt thiên đường 

Trong nỗi nhớ cuồng si 

Hồn điên loạn 

Ta trầm mình 

Đuối mộng 

Giữa ngàn hương… 


21.11.2022 

TT-Thanh Trước


Trần gian vốn lắm thú vui! Điều này chắc chắn mọi người phải thừa nhận nếu đem so sánh với thiên đường vốn không có người về để kể lại… Như thế, chỉ độc nhất cõi tục mới có thú vui diễn ra với muôn hình vạn trạng và nhất là trong… thơ!

Các danh sĩ ngày xưa vốn lấy rượu làm thú vui ngẫu hứng lúc đề thơ. Thế là rượu, thơ như cặp phạm trù xuất hiện thường xuyên trong văn học cổ kim và hiện nay rất nhiều biến tấu bắt đầu bằng cơn Say…

Say có nhiều cách, nhiều cung bậc… Cõi Thiền vốn giữ nghiêm luật ngũ giới nên lấy trăng hoa làm bạn từ đó khởi nguồn cho những: Say trăng. Say hoa. Say Mây và Gió… Tức nhiên những thiền sư bước vào cửa Phật đã lánh xa cõi tục vì vậy lạc thú nhân gian bị chi phối bởi giới luật. Nhà sư thì không thể lấy rượu làm say cho dù là cả trong tưởng thức lúc đề thơ và càng chẳng thể nào Say Tình như thú vui thế tục thường diễn ra như một bản năng của loài người từ lúc khai nguyên nhằm duy trì nòi giống đến tận ngày nay…

Thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa có Tế Điên Hòa Thượng, khi giác ngộ đạo pháp, thích uống rượu, ăn thịt chó nhưng tuyệt nhiên chỉ để lại cho hậu thế lời kệ chứ chưa thấy đề bút theo cách bầu rượu túi thơ như các kẻ sĩ thế tục. Dù là người xé rào, đưa ra cách tu tập giác ngộ chân lý giải thoát gần với cuộc sống hơn, nhưng vị thiền sư nổi tiếng này cũng chưa vượt rào sắc giới! Vậy trông mong gì Tế Điên Hòa Thượng… say tình…!? Say Tình chỉ có trong tục giới và khi khoa học công nhận lạc thú ái tình là bản năng thì nó trở thành khoa học nghiên cứu đem vào giảng dạy trong học đường. Đó là giáo dục giới tính!

Không biết Say Tình xuất hiện từ cái mốc nào trong văn học Việt Nam nhưng người phụ nữ đầu tiên, mạnh mẽ, dám bộc lộ ham muốn xác thịt một cách khéo léo phải nhắc đến chính là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Từ đó đó khơi mào cho một dòng thơ ngày nay được gọi tên: Tà Thi

Giấc mơ đúng ra phải chia thành hai loại: Một mơ Ảo. Và một mơ Thực.

Mơ Ảo là giấc mơ con người chưa từng trải nghiệm, bỗng nhiên nó xuất hiện vào giấc ngủ tạo ra hình ảnh, động thái hoàn toàn bất ngờ khi chủ thể chưa từng nghĩ đến trong hoạt động đời sống.

Riêng Mơ Thực lại khác. Một giấc mơ nhớ những điều từng trải nghiệm đã mất đi, với khoảng thời gian nào đó trong đời sống thực và hồi ức hiện về tạo thêm tình tiết, tái hiện vào giấc ngủ theo cách: ngày nghĩ sao đêm chiêm bao thấy vậy! Thế là kịch bản hoàn tất. Chủ thể được thỏa mãn cơn nhớ và say trong một giấc mơ hoàn hảo… Điều này rất thú vị lúc con người lạc vào giấc mơ phá vỡ được ức chế trong cõi Thực, khi hằng ngày sự Nhớ cứ nhắc nhở, thúc giục bản năng khó nguôi ngoai…

Đứng trước một rừng hoa thật khó lựa chọn bông hoa nào đẹp nhất! Nói về Tà Thi văn học tiền hiện đại xuất hiện rất nhiều trên cộng đồng mạng với các tác phẩm thơ rất thuyết phục. Để thống kê hết những tác giả nổi bật là điều không thể và càng khó có một ban giám khảo nào được số đông công nhận đứng ra lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho thể loại Tà Thi. Người viết không dám mạo muội làm người lựa chọn thi phẩm hay mà chỉ giới thiệu một trong những bài thơ vô tình bắt gặp trong biển bạc rừng vàng, trên hành trình theo đuổi tình yêu văn học như nhiều khách yêu thơ đang thể hiện ngày nay…

Nói về Văn Chương xưa nay có rất nhiều kiến giải tốn khá hao giấy mực. Ngày nay giấy rừng mực biển, thông qua Word con người có thể phá vỡ mọi vách ngăn ý thức để trình bày ý tưởng cá nhân cho dù có trái khoáy khó nghe! Vậy để thêm màu thêm sắc cho văn học, tôi thử lạm bàn về hai từ Văn Chương, nếu có “khó nghe” xin bạn đọc rộng lòng bỏ quá cho…

Từ Văn Chương được ghép nghĩa bởi hai từ Hán-Việt: Văn & Chương

Văn (文): Theo tự điển Hán-Nôm xưa nay chính là những “nét vằn” hiện lên chất liệu nào đó. Nói dễ hiểu, chính là những thiết kế hoa văn tạo đẹp trên nhiều loại chất liệu.

Chương (章): Là viết thành bài, thành chương theo một cách trật tự mạch lạc.

Xét từ nghĩa gốc này, rõ ràng thú chơi văn chương vốn tao nhã và cũng biết kén khách. Nếu nói dùng con chữ để tạo hình tượng đẹp đẽ trên trang giấy theo cách mạch lạc nhất, rõ ràng đã nói đến khả năng mỗi cá nhân khi theo đuổi mộng văn chương. Và khi xác định Văn là những nét trang trí làm đẹp thì tiêu chí ban đầu đã đề cao tính nhân văn. 

Nói đến nhân văn là tránh dung tục, tạo nên những hình mẫu đẹp cho nhiều người học hỏi noi theo. Điều này rất khác với tư tưởng cho rằng nếu cưỡng cầu né tránh, không dám dung tục là đạo đức giả, rởm đời v.v…

Văn xuôi có nhân vật. Để khắc họa tính cách nhân vật thô tục, trong lời thoại khó tránh dung tục. Nhưng thơ hầu như không có nhân vật trừ trường thi hoặc trường ca. Vậy, nếu thơ dung tục tức khó tránh cách nhìn kỳ thị của nhiều bạn đọc vẫn giữ truyền thống phong tục tập quán của ông bà xưa nay – nhất là phái nữ.

Với cách gọi mới ngày nay, thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương được xếp vào loại Tà Thi. Hồ Xuân Hương đương thời chắc gây ra không ít tranh cãi khi phá bỏ hầu hết những định kiến dành cho phái nữ. Nào công dung ngôn hạnh, tứ đức tam tòng… nữ thi sĩ coi chẳng ra gì. Thơ Hồ Xuân Hương được các học giả trước đây đánh giá với cách sử dụng ngôn ngữ “toạc móng heo” và tha hồ dung tục. Nhưng… không phải ai cũng nghĩ vậy…

Điểm qua một số bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, như: Đánh Đu. Vịnh Cái Quạt. Quả Mít… Nếu căn cứ vào thực cảnh, một đứa trẻ thích khám phá sự vật, noi theo lời thơ đi tìm hiểu, rõ ràng thi sĩ Hồ Xuân Hương miêu tả rất đúng sự vật nhưng điều “kỳ lạ” lại dành cho người đã từng trải qua lạc thú ái tình! Nói theo cách thiền tông: Tâm có ma sẽ thấy ma… là vậy!

Vậy nói về thơ Hồ Xuân Hương nét độc đáo chính là thực cảnh hoàn hảo nhưng Mơ Thực lại sống động lạ lùng. Chính điều này làm nên nét đẹp của thể loại Tà Thi…

Bây giờ quay lại bài Đuối Mộng của tác giả Titi Dang – Thanh Trước.

Hai câu mở đầu:

“Đêm trần tục…

Ta say tình hư ảo…”

Tác giả đã giới thiệu thực cảnh báo trước một giấc mộng say tình không có thật. Bởi vì mộng không thể nào là thật khi ta thoát ảo trở về với đời thực.

Mọi việc sáng tỏ hơn với ba câu tiếp theo:

Mơ nụ yêu 

Khao khát 

Giọt thiên đường…”

Thực ra bài thơ đến đây gom gọn chỉ hai câu nhưng tác giả trình bày biến tấu cách viết thành năm, để tạo ấn tượng thông qua nhịp điệu…

Ba câu thơ này gây chú ý, bắt người đọc phải chậm lại ngay chỗ “Giọt thiên đường…” khiến mỗi khách thưởng thức có hai lựa chọn: Một là “mộng ảo”. Hai là “mộng thực”… Nhưng dù chọn cách nào đi nữa khách thơ cũng bâng khuâng với ý ẩn tác giả cố tình gieo vào lòng người đọc!

Nếu trinh nguyên thơ dại, mổ xẻ, tìm tòi, cái kết quả “lý tưởng” cho ra một giấc “mộng ảo” thì “Giọt thiên đường” ở đây được xem như giọt lệ hạnh phúc trong cơn mơ hoan lạc ái tình nhưng đối tượng cũng không rõ đã “từng quen” hoặc chỉ gặp “thoáng qua” rồi tơ tưởng đem vào giấc ngủ để… Mơ!?

Còn người từng trải nghiệm hạnh phúc hoan lạc lại tha hồ thả rong trí tưởng vào cơn “mộng thực” có trời mới biết “Giọt thiên đường” này sẽ về đâu… theo cách cảm nhận tác phẩm thơ Quả Mít của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vậy!!!

Bài thơ Đuối Mộng của tác giả Titi Dang nếu trình bày theo mẫu mực chỉ có bốn câu, xem ra rất đơn giản nhưng với một điểm nhấn khiến người đọc ngỡ ngàng không biết xếp nó vào thể loại thơ tình như trăm ngàn bài thơ khác hay lại là Tà Thi!?

Cuối cùng để cảm nhận Đuối Mộng, mỗi độc giả đều có chức năng thiêng liêng được đánh giá theo cách riêng mình. Và dù bằng góc độ nào thì tính Văn Chương trong tác phẩm cũng thể hiện rõ ràng được tác giả gieo vào lòng người đọc nhưng có Ma hay không cần phải xem lại tùy người…

       

                                                                       VL – 16.4.2023

                                                                              MacDung

macdungvh@gmail.com

P/s: Đôi dòng cảm nhận cùng tác giả - một người bạn văn học mà tôi có duyên tương tác đã lâu và đôi khi cả hai cùng hướng về nhau với một nghi vấn: Ma hay Người…




READ MORE - MƠ HOAN - Cảm nhận của MacDung về bài thơ ĐUỐI MỘNG của TT-Thanh Trước