Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 27, 2013

Thơ Nguyễn An Bình - VỀ PHONG ĐIỀN - VỀ CẦN THƠ ...



VỀ PHONG ĐIỀN

Ở đó ngày xưa cũng thật buồn
Mấy năm mùa lá đã phai hương
Và bông lúa chín vàng mơ ước
Biết có còn không để nhớ thương?

Thu đến Trà Niền say giấc ngủ
Qua cầu bước nhỏ dáng xanh xao
Đường xưa thơm ngát mùi bông bưởi
Có chút hương yêu của thuở nào?

Bây giờ Cầu Nhiếm cũng suy tư
Ngày đó mù sa có ước gì?
Một thoáng hồn anh chìm gió bụi
Mắt em buồn như tiễn xuân đi.

Phong Điền có mấy dòng nước ngược
Là mấy tình yêu anh gởi em
Năm tháng cũng còn tìm bến đỗ
Thì anh còn mộng bóng tiền duyên.

Anh về Phong Điền về Vàm Nhon
Qua ngã Cái Răng để nỗi buồn
Bằng chuyến xe lam chiều nắng hạ
Ân tình như sống dậy dòng sông.

Cho lá sầu riêng đón bước chân
Vườn xưa rộ nở dáng thanh bình
Lúa mới trĩu cành hương vị cũ
Tiếng hò lồng lộng dưới trăng thanh.

Phong Điền Vàm Xáng và Xà No
Đường đất còn thương thuở học trò
Em đẹp như ngày anh mới đến
Bà ba áo trắng nét nhà quê.

Tháng 7-1973
Đăng trên TIA SÁNG, 1974




VỀ CẦN THƠ
NHỚ MƯA ĐÊM ĐƯỜNG LIÊN TỈNH


Nhớ làm sao con đường liên tỉnh nhỏ
Có bụi bay khi nắng ngập ngày về
Có mưa đêm rơi buồn trên lá cỏ
Phố trầm mình trong giấc ngủ u mê.

Mái tóc nhỏ anh thương – tình cũng nhỏ
Lời chim xưa vang hót tận thiên đường
Anh thơ dại ngập ngừng không dám ngỏ
Chút niềm riêng len lén dấu trong tim.

Về Cần Thơ đêm nghe mưa trở giấc
Nhìn qua song mà buồn rũ lạ thường
Đèn mù sương - trắng đời chưa dám tới
Anh nghe trời trở lạnh lúc tàn đông.

Nhìn sao rụng trong đêm mơ huyền hoặc
Môi ngọt nồng thơ dại nụ tầm xuân
Anh tự hỏi có gì trong ánh mắt
Màu mắt em đẩm ướt giọt sương đêm.

Nhớ làm sao mưa đêm trên phố lạ
Chút yêu đương vương vấn mãi trong đời
Đường liên tỉnh mai nầy xa hun hút
Gởi hồn theo mây trắng bốn phương trời.

Lập đông 1973

NGUYỄN AN BÌNH
luongmanh2106@gmail.com
READ MORE - Thơ Nguyễn An Bình - VỀ PHONG ĐIỀN - VỀ CẦN THƠ ...

KHÔNG CỨ TỰ TRÓI NHAU - KHÔNG THỂ CHẾT NHỮNG CON NGƯỜI THỰC CHẤT - ẤM MÃI LỜI RU - thơ Trúc Thanh Tâm

Nguyễn Thị Trà Giang và Trúc Thanh Tâm. 
Ảnh từ Phong Điệp (phongdiep.net)


 KHÔNG CỨ TỰ TRÓI NHAU

    Tôi chợt nghĩ ra rằng
    Mình bây giờ đang sống
    Trong xã hội trớ trêu, gian lận
    Mọi thứ trên đời đều có thể bán, mua
    Ai bắt mình phải làm những điều trái ngược
    Khi cuộc sống là hạnh phúc, tự do
    Nhưng phải cần
    Đặt vào đó những đường biên
    Cho lương tâm
    Có từng ô bảng cấm
    Sao cứ hoài xin lỗi lẫn nhau
    Khi tự mình lệch hướng
    Đừng nói hoài hai tiếng ăn năn !

    Mới mẻ gì
    Khi tự mình thay áo
    Sự thật gì
    Những lời nói khen, chê
    Người lớn thích trẻ thơ
    Bởi học hoài những thật thà của nó
    Trẻ con không tráo trở
    Người lớn học được khôn
    Nên đánh đổ lương tâm không ngần ngại !

    Tôi bây giờ đã nghĩ
    Mình sống thật, dễ không
    Hãy hoan hô bao tấm lòng dũng cảm
    Những chân chính con tim
    Khi họ chưa bao giờ nản
    Vẫn vươn tới cuộc đời
    Và, không cứ tự trói nhau !
    TRÚC THANH TÂM

KHÔNG THỂ CHẾT
NHỮNG CON NGƯỜI THỰC CHẤT

    Không thể thiếu những cội nguồn dân tộc
    Không thể thiếu chất nhựa trong cây
    Không thể thiếu những con tim và khối óc
    Đã đấu tranh, nuôi dưỡng thế hệ nầy !

    Không thể để vườn hoa đầy cỏ dại
    Không thể để tàn cây che nắng mặt trời
    Phải sống với cuộc đời bằng tuổi trẻ
    Cho nụ cười nở mãi những bờ môi !

    Không thể thiếu những tình yêu nồng cháy
    Không thể thiếu tình người dù hạnh phúc, thương đau
    Không thể ví cuộc đời như tặng phẩm
    Đem trưng bày và biếu xén lẫn nhau !

    Không thể thiếu lòng nhân và chất xám
    Hãy yêu người như thuở mới yêu nhau
    Không thể chết những con người thực chất
    Cho bây giờ và cho cả mai sau !    
    TRÚC THANH TÂM
    (Châu Đốc)   


      ẤM MÃI LỜI RU

     Giữ trong đời cái chân chất yêu thương
     Như gió chiều quê ôm lời ru mát rượi
     Mẹ ta đó bộn bề trăm nỗi
     Áo sờn vai nuôi ta lớn nên người  


     Tôi vào đời lời ru mãi trong tôi
     Thêm nghị lực trên bước đường đi tới
     Tôi xa xứ mang lời ru chan chứa
     Chợt bùi ngùi nhớ dáng mẹ già nua  !

     Lời mẹ ru đâu dễ phôi pha
     Dẫu vết cắt thời gian làm tim tôi rỉ máu
     Lời mẹ ru vượt ngàn giông bão
     Đưa ta qua bến ấm cuộc đời  !

     Dẫn ta vào thời thơ ấu rong chơi
     Để bay đến khoảng trời xanh mơ ước
     Lời mẹ ru đồng lúa hương bát ngát
     Tôi say sưa tắm mát nước sông đầy  !

     Chiếc cầu tre, vườn trái, cánh cò bay
     Yêu biết mấy làng quê, chiều vương sợi khói
     Men lối nhỏ vào đời, tôi chưa mỏi
     Mỗi bước chân như dán chặt lời ru  !

     Đất nước ta qua hết cuộc mây mù
     Đêm trăng sáng, giọng hò ai dìu dặt
     Câu vọng cổ muồi tai ngây ngất
     Không gian chìm trong nỗi nhớ chơi vơi  !

     Tôi nên người, nhớ mãi thuở nằm nôi
     Dòng sữa mẹ chạy đều trong cơ thể
     Hạnh phúc nhất khi mình còn mẹ
     Được nghe lời trìu mến của cha  !

     Yêu quê hương, tình xứ sở, ruột rà
     Bên ngôi trường nhỏ vang vang lời trẻ
     Tôi nhìn lại tuổi thơ mình để nhớ
     Lời ru buồn vượt mãi với thời gian  !

     Quê mẹ Bạc Liêu, 1974
     TTT

READ MORE - KHÔNG CỨ TỰ TRÓI NHAU - KHÔNG THỂ CHẾT NHỮNG CON NGƯỜI THỰC CHẤT - ẤM MÃI LỜI RU - thơ Trúc Thanh Tâm

PHỤNG MAO TẾ MỸ LÀ GÌ ? - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba






Tìm hiểu một câu đối hay của Đông Các học sĩ Đinh Hồng Phiên


1. Trong bài  báo “Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên, tác giả khởi thảo “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”1, tác giả Đinh Văn Niêm? (Niên) có nhắc đến một số câu đối hay của cụ Hồng Phiên. Cụ quả là một nho sĩ ưu tú thông kim bác cổ, xứng đáng được hai vị vua đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh mạng giao cho nhiều trọng trách như đi sứ, giám thị trường thi, soạn định thể thức cáo văn, sắc văn, sơ thảo “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”,….

Cũng theo bài báo trên, cụ Đinh Hồng Phiên sinh năm 1764 tại làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).


Ông đậu Hương Cống thứ hai, khoa thi Quý Mão, Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông. Khoa này Nguyễn Du Tiên Điền đậu sinh đồ. Năm 1787, đi thi Hội ông Phiên đậu Tam trường trúng cách (ngang Phó bảng thời Nguyễn). Ông được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê. Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã vời ông ra làm quan với triều Nguyễn. Năm Gia Long thứ 14 (1815) ông được vua bổ Đốc học Quảng Nam, Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) ông được bổ Đông Các  học sĩ2, sung vào đoàn đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc. Ông có tập thơ Hán Cao Tổ và một số câu đối truyền lại đến nay.

Đến thời vua Minh Mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình. Nhiều năm làm giám thị các kỳ thi Hương Trường thi Quảng Đức, Sơn Nam của Triều Nguyễn. Đinh Hồng Phiên có con trai là Đinh Văn Phác đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ tại kỳ thi Hội năm Nhâm Ngọ, Minh Mệnh thứ 3 (1822). Nhưng quan trọng nhất là chức “soạn định thể thức cáo văn, sắc văn”- chức này đã giúp cho Đinh Hồng Phiên có điều kiện để soạn cho vua Minh Mạng Ngọc Phổ bài “Đế hệ thi” và 10 bài “Phiên hệ thi”, được vua “châu phê”.

 2. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập phần việc giới thiệu và giải nghĩa của tác giả Đinh Văn Niên về một câu đối rất hay của Đinh học sĩ. Đó là câu:

Yến dực duy mưu khê thuỷ viễn
Phụng mao thế mỹ cẩm sơn cao.

Dịch nghĩa của ông Niên:

Tử tôn nối nghiệp khê vàng thắm
Khoa hoạn nhiều đời núi gấm cao.  

Thứ nhất, câu đối trên chép sai đến 02 chữ, hai chữ này lại nằm trong thành ngữ được dùng nhiều ngày trước. Từ đó, việc này dẫn tới dịch sai nghĩa câu đối trên. Đúng ra nó phải là:

Yến dực di mưu khê thuỷ viễn
Phụng mao tế mỹ cẩm sơn cao.

Thứ hai, theo thiển nghĩ của tôi, nó thiếu nguyên tác chữ Hán, một trở ngại lớn cho độc giả hiểu hơn về tài hoa của cụ. Vả lại, từ Hán Việt đồng âm rất nhiều. Thiếu nguyên tác sẽ không giúp người đọc nhận ra đâu là đúng, đâu là sai. Xin ghi lại nguyên tác như sau:

      
      

Thứ ba, phần giải nghĩa đi quá xa với nguyên tác. Không rõ dựa vào đâu mà tác giả lại dịch “yến dực di mưu” là “tử tôn nối nghiệp”, “khê thuỷ viễn” là “khê vàng thắm”, “phụng mao tế mỹ” là “khoa hoạn nhiều đời”?

3. Theo sự  tìm hiểu của tôi  thì:

a. “Yến dực di mưu” theo tự điển Thiều Chửu là “người ta mưu tính cho đàn (đời) sau (tr.510). Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: yến: chim én, dực: cánh, di: để lại, mưu: mưu kế. Con chim én nó sè cánh ra ấp con, hình ảnh tượng trưng cho việc ông cha che chở, mưu tính công này việc nọ cho con cháu.

b. Theo tự điển trực tuyến, zdict.net giải thích,   (Yến dực di mưu):  子。后 打算。(Nguyên chỉ Chu Vũ Vương mưu cập kỳ tôn nhi an phủ kỳ tử. Hậu phiếm chỉ vị hậu tự tác hảo đả toán = Nguyên chỉ việc Chu Vũ Vương bàn mưu tính việc cho cháu để an lòng con của mình. Về sau chỉ chung chung việc vì con cháu đời sau mà an bài kế sách hay.)

c. Phụng mao tế mỹ” là một thành ngữ khá thông dụng vào thời Nguyễn.Trong các đồ thờ tại nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ tại Thanh Lương, Hương Xuân, Thừa Thiên Huế có cái dĩa “Phụng mao tế mỹ” (H.2) do cụ đặt làm ký kiểu vào năm Mậu Thìn (1848) đời Tự Đức. Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: phụng: chim phượng, mao: lông, tế: càng, mỹ: đẹp
d. Cũng theo tự điển trực tuyến, zdict.net giải thích,  (Phụng mao tế mỹ):                   大。旧    以称          弟。(Tỉ dụ hậu kế giả năng dữ tiền nhân đích nghiệp tích tề mỹ nhi phát dương quang đại. Cựu thời đa dụng dĩ xưng tụng hiền lương phụ huynh hữu ưu tú tử đệ  = Ám chỉ việc người đời sau có khả năng tạo nên nghiệp tích tốt đẹp sánh người đời trước rồi từ đó phát dương ngày càng xán lạn. Thời trước, cụm từ này được dùng nhiều để khen tặng các bậc phụ huynh giỏi giang lương thiện có được con cháu ưu tú.)

Vậy suy ra câu đối trên nên hiểu như sau:

Yến dực di mưu khê thuỷ viễn: Tổ tiên lo cho con cháu đời sau như nước khe từ xa chảy về (nuôi giòng sông ở hạ lưu), ý nói đời trước lo cho đời sau.

Phụng mao tế mỹ cẩm sơn cao: Con cháu tạo công nghiệp sáng lạn, làm rạng rỡ tổ tiên như núi gấm ngày càng cao, ý nói đời sau làm rạng danh đời trước.

Câu đối này treo trong nhà thờ gia tộc vô cùng phù hợp, vừa ca tụng công lao của ông cha vừa nhắc nhở bổn phận của con cháu. Chúng ta ai cũng là con cháu của các thế hệ trước, và rồi trở thành ông cha của các thế hệ sau. Vậy các điều trên, “yến dực di mưu” và “phụng mao tế mỹ” là bổn phận của tất cả chúng ta.

4. Sau khi viết bài này, tình cờ tôi biết được hai chuyện có liên quan đến các thành ngữ trên:

a. Tai nhà thờ họ Đinh thuộc làng Kế Võ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có câu đối cũng dùng cặp thành ngữ trên:

 (Yến dực di mưu quan thế đức)
  (Phụng mao tế mỹ chấn gia thanh)

Tạm dịch: - Nhìn vào phước đức của gia đình hiện nay ta biết sự an bài của ông cha cho đời sau.
- Làm rạng tiếng tăm của gia tộc ấy do nỗ lực của con cháu biết phát dương quang đại công nghiệp của cha ông.

b. Tại phủ thờ Ngọc Sơn Công chúa, đường Nguyễn Chí Thanh, Tp Huế (tức nhà ở hiện nay của nhà Huế học Phan Thuận An) có một bức hoành phi cổ thếp vàng, điêu khắc rất đẹp có chạm hai chữ “Tế Mỹ”. Nếu ta hiểu được như trên thì “Tế mỹ” là nói tắt của thành ngữ “Phụng mao tế mỹ” đã bàn kỹ ở phần trước của bài viết này

Theo ông An, bức hoành phi này do cụ Trần Đình Bá (1867 - 1933), Tổng đốc Nghệ An và Hà Tĩnh tặng vào năm Khải Định thứ 6 khi phủ Ngọc Sơn lạc thành. Tổng đốc Trần Đình Bá và Phò mã Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn (chồng của công chúa Ngọc Sơn) vừa là đồng liêu, vừa là sui gia với nhau, cho nên mới có món quà mừng tân gia quý báu như thế.

5. Không rõ còn ở đâu sử dụng cặp thành ngữ trên.  Đọc câu đối trên, tôi không khỏi tự xét lấy mình. Thế hệ chúng tôi đã làm rạng danh tiền nhân tiên tổ chưa, đã an bài tốt đẹp cho con cháu mai sau chưa hay chỉ để lại vô số bề bộn nợ nần?

Nghĩ mà không khỏi chạnh lòng.

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba – Tháng 01.2013

Chú thích: 1. Tập san Nghiên cứu Huế, Tháng 8.2012, tr.444

2. Đông Các học sĩ là hàm quan văn, chánh tứ phẩm theo quan chế đời Gia Long. Nó khác với điện hàm Đông Các điện Đại học sĩ, hàm quan văn chánh nhất phẩm,  là một trong Tứ trụ triều đình. (Theo Tự điển Nhà Nguyễn của Võ Hương An, tr.202)

  * Đã đăng ở báo VHPG số 173 tháng 3/2013.

READ MORE - PHỤNG MAO TẾ MỸ LÀ GÌ ? - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

TƯỞNG NHỚ DIỆU HỒ - Xướng họa của Lê Ngọc Kha và 23 thi hữu: Trần Đạo Đông, Hồ Sĩ Trân, Hồ Thị Tú Quỳnh, Đỗ Tư Nhơn, Huyền Cầu Trần Minh Châu, Nguyễn Vô Cùng, Linh Đàn, Ngô Công Ðô, Ngô Văn Giai, Lý Hiểu, Kim Hoa, Trần Thị Phi Hồng, Trần Lệ Khánh, Phan Khâm, Trần Kim, Tỉnh Lạc, Trà Kim Long, Lê Bá Lộc, Lê Ngọc Phái, Nguyễn Văn Quang, Ngọc Tuyết, Quế Sơn Du Tử, Nguyễn Ngô Xá

Nữ sĩ Diệu Hồ (1944-2008)

Để kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 5 của cố Nữ sĩ Diệu Hồ, anh Lê Ngọc Phái sưu tầm và gởi đến VNQT 1 bài xướng và 23 bài họa, là những giòng lệ của gia đình và bạn bè bày tõ lòng thương tiếc một người thân yêu, người bạn nữ tài hoa nhưng vắn số. Bốn bài họa đầu là của những người thân trong gia đình, những bài họa còn lại được sắp theo thứ tự ABC của tên tác giả.


Lỡ cuộc hẹn

Tưởng nhớ thi hữu Diệu Hồ từ trần lúc 5 giờ chiều ngày 9 tháng 5 năm 2008 tại New Jersey, Hoa Kỳ.
         
Bài xướng Lê Ngọc Kha

Vé tàu mua sẵn đợi ngày qua
Cùng bạn đi tham dự hội nhà*
Ảm đạm mưa chiều giăng ngõ trúc
Bâng khuâng gió hạ gãy cành hoa
Jersey nức nở dòng châu đổ
Texas* đau thương giọt lệ nhòa
Lỡ cuộc hẹn hò buồn giã biệt
Diệu ơi... đâu nữa, đã đi xa!!!

*Hội ngộ liên trường tỉnh Quảng Trị.
*(New) Jersey: (phiên âm 2 chữ Việt), nơi gia đình Diệu Hồ nương nấu.
*Texas: (phiên âm 2 chữ Việt) nơi tổ chức họp mặt liên trường Quảng Trị ngày 4 đến ngày tháng 7 năm 2008.

1.
Xót xa
Bài họa Đông Phong Trần Đạo Ðông 
(Phu quân của cố nữ sĩ Diệu Hồ)

Ba bảy năm rồi thấm thoát qua
Âm dương đôi ngả ngẩn ngơ nhà
Chôn nhau cắt rốn, rời quê mẹ
Rẽ nghé tan đàn, rũ gấm hoa .
Cười nói ngọt ngào chưa trọn vẹn
Buồn vui hẩm hút khó phai nhòa
Than ôi! Kiếp tạm đành ly biệt
Biển nhớ rừng sầu nỗi xót xa!!!


2.
Vĩnh biệt em tôi
Bài họa Hồ Sĩ Trân
(Anh ruột của cố Nữ sĩ Diệu Hồ)

Cuộc đời một thoáng đã đi qua
Vĩnh biệt em tôi ở tại nhà
Xướng họa vần thơ về tiểu hạn
Lời kinh cầu nguyện tỏa ngàn hoa
Luân hồi nghiệp chướng đời hư ảo
Tử biệt sinh ly giọt lệ nhòa
Kính lạy Ðức Di Ðà tiếp độ
Vĩnh hằng nước Phật sẽ không xa.
                         

3.      
Khóc chị
Bài họa Hồ Thị Tú Quỳnh
(Em ruột của cố Nữ sĩ Diệu Hồ)

Ngang trời sét đánh sáng hôm qua
Tin chị mất đi dậy cả nhà
Khoa bảng chí bền trên đất Mỹ
Văn chương hồn hậu giữa trời Hoa
Gẫm thân bọt nước đời cơn mộng
Thương mẹ đèn khuya ánh mắt nhòa
Cố nén buồn đau lòng thổn thức
Thuyền về nẻo ấy đã trôi xa.


4.      
Lỡ hẹn ngày về
Bài họa Đỗ Tư Nhơn
(Phu quân của Hồ Thị Tú Quỳnh, thay lời em gái Lệ Thanh)

Một vì sao rụng tối hôm qua
Tin chị ra đi, thảng thốt nhà!
Hẹn mẹ ngày về, mùa báo hiếu
Đón em tháng tới, chốn phồn hoa
Vô thường. Chị đã … người thiên cổ!
Bi luỵ, em sao mãi lệ nhoà!
Gởi lại vần thơ, bao mến cảm
Nhẹ nhàng chị đến cảnh trời xa!


5.
Tình bạn
Bài họa Huyền Cầu Trần Minh Châu

Quen nhau đã mấy chục năm qua
Từ buổi nhiễu nhương non nước nhà
Đành phải chia lìa quê đất mẹ
Nên nhờ nương nấu chốn “Cờ Hoa”
Ân tình thuở trước luôn sâu đậm
Nhân nghĩa giờ đây khó nhạt nhòa
Hội ngộ đồng hương vừa mới gặp
Nay còn đâu nữa! bạn ngàn xa…


6.
Tưởng tiếc chị Diệu Hồ
Bài họa Nguyễn Vô Cùng

Bàng hoàng tin mới nhận chiều qua
Chị đã đi, không trở lại nhà
Bỏ cả vườn trần giăng nghiệp chướng
Tìm về cõi tịnh ngát liên hoa
Nhân tình ấm lạnh làn sương thoảng
Thế sự hơn thua bọt sóng nhòa
Tưởng tiếc thi nhân, cầu giải thoát
Di Đà tâm niệm chẳng rời xa.


7.
Tưởng nhớ thi hữu Diệu Hồ
Bài họa Linh Đàn

Bên trời tưởng nhớ những ngày qua
Thương khách ly hương chạnh nỗi nhà
Khối mộng in sâu hồn cố cựu
Dòng thơ còn đậm nét tài hoa
Tâm tư non nước càng xao xuyến
Ký ức thời gian chẳng nhạt nhòa
Tiễn một người thơ - nhìn cánh hạc
Trông về đất mẹ bóng vời xa.
      

8.
Tiếc nhớ chị Diệu Hồ
Bài họa Ngô Công Ðô

Nghe tin người mất mới hôm qua
Bỏ cả chồng con, bỏ cửa nhà
Cõi thế xa rời mùi tục lụy
Non bồng tìm đến sắc hương hoa
Thi nhân vắng bóng lòng thương tiếc
Nghĩa bạn từ ly lệ nhạt nhòa
Một kiếp phù sinh đời mấy nẻo
Người chưa gặp mặt vội chia xa.


9.
Vần thơ tiễn biệt
Bài họa Ngô Văn Giai

Xin đốt nến hương lòng tưởng niệm cố Nữ sĩ Diệu Hồ (1942-2008)

Bài thơ chị gửi, nhận hôm qua
Mong ước ngày xuân trở lại nhà
Hẹn mẹ về thăm quê nội ngoại
Đưa em du lịch xứ “Cờ Hoa”
Hung tin…! Chị mất lòng buồn thảm
Tiễn một người xa, lệ đổ nhòa
Âm hưởng thi nhân còn phảng phất
Hồn thơ nữ sĩ vọng gần xa.
 

10.
Tưởng nhớ
Bài họa Lý Hiểu                       

Như là giấc mộng thoáng trôi qua
Từ tạ nhân gian, vĩnh biệt nhà
Thanh thản bạn về trời tịnh độ
Vô ưu hồn hiện đóa liên hoa
Hòa thơ  hoài niệm trầm hương đượm
Nhỏ lệ tiếc thương nét chữ nhòa
Áo trắng trường xưa giờ hội ngộ
Bông hồng tưởng nhớ bạn hiền xa.
                         
     
11.
Lỡ cuộc hẹn
Bài họa Kim Hoa

Bỏ thơ bỏ bạn bỏ hôm qua
Để bóng buồn hiu đổ trước nhà
Trường vắng tiếng cô thương bục giảng
Nhà không người ngọc lạnh phòng hoa
Huê Kỳ đã tiếc vì sao lạc
Quảng Trị thêm đau chiếc bóng nhòa
Vời vợi âm dương hai ngả biệt
Lặng thầm mắt lệ nhớ muôn xa.
     

12.                 
Vĩnh biệt chị Diệu
Bài họa Trần Thị Phi Hồng

Thứ bảy, nghe tin chị tối qua
Ra đi khuất bóng ở căn nhà
Hắt hiu tơ liễu theo mây gió
Ủ rũ ngọn đèn đổi sắc hoa
Thân hữu xứ người sầu lắng đọng
Tâm tư kỷ niệm khó phai nhòa
Chưa tròn cuộc hẹn đành ly cách
Vĩnh biệt chị rồi, ôi xót xa!


13.
Kính viếng nữ sĩ Diệu Hồ
Bài họa Trần Lệ Khánh

Mong đón Diệu Hồ nữ sĩ qua
Duyên thơ tình bạn ngát khung nhà
Chợt nghe hồn liễu vui phương Phật
Buồn thắp tâm nhang viếng phách hoa
Thương bậc đài trang tim lặng nhịp
Tiếc người mặc khách lệ dâng nhòa
Năm vần xướng họa cầu đang nối
Gặp gỡ chưa từng – vội cách xa?!!!



14.
Thắp nén hương
Bài họa Phan Khâm

Vĩnh biệt chị Diệu Hồ
        
Ơi hỡi, người thân đã bước qua
Về nơi miên viễn khác quê nhà
Suối vàng cô quạnh, vàng con suối
Hoa tím thẫn thờ, tím cội hoa
Hội ngộ mất đi cành phượng thắm
Biệt ly còn mãi lệ mưa nhòa
Nén hương : Xin họa bài thơ “Lỡ
cuộc hẹn” Diệu Hồ, dạ xót xa.


15.
Gởi chị Diệu Hồ
Bài họa Trần Kim
        
Biết được chị Hồ năm tháng qua
Ước ao gặp mặt ở quê nhà
Xót xa thương tiếc tài thi phú
Ray rứt buồn đau phận kiếp hoa
Xướng họa vần thơ thêm gắn bó
Giao lưu tình bạn khó phai nhòa
Cầu cho hồn chị về nơi ấy
Thanh thản đời đời ở cõi xa.
          
16.
Vĩnh biệt nữ sĩ Diệu Hồ
Bài họa Tỉnh Lạc

Quá nửa cuộc đời đã vượt qua
Ly hương thuở ấy biệt quê nhà
Sầu vương ngấn lệ phai màu lá
Chan chứa giọt buồn nhạt sắc hoa
Ðất lạ đôi lần lòng tiếc nhớ
Quê xưa mấy lượt dạ chưa nhòa
Văn chương Nước Ðất Ðông Hà đấy
Nấm cỏ ngậm ngùi - nấm cỏ xa. 



17.
Lỡ cuộc hẹn
Bài họa Trà Kim Long

Trần gian cuối cuộc mới đi qua
Sao vội quay lưng trở lại nhà
Thầm tiếc vườn xưa cây rũ lá
Lặng thương chốn cũ nhụy tàn hoa
Dòng thơ nét chữ còn lai láng
Bục giảng hình cô khó nhạt nhòa
Tuy hiểu đời không lưu giữ được
Vẫn buồn biết mấy lúc người xa.

18.
Hung tin
Bài họa Lê Bá Lộc

Hung tin nhận được tối hôm qua
Hoảng hốt đi ngay đến tận nhà
Trăng lặn sao mờ thương dáng ngọc
Hương tàn khói lạnh tiếc loài hoa
Trăm năm cõi thế cơn hư ảo
Một cuộc trần ai hạt bụi nhòa
Phật Tổ từ bi ơn cứu độ
Tây phương cực lạc có đâu xa.


19.
Lỡ cuộc hẹn
Bài họa Lê Ngọc Phái

Kính dâng hương hồn chị Diệu Hồ

“Bơ vơ theo dấu người thiên cổ
Hoang lạnh chỉ còn sông nước thôi.”
(Lạc lối Đào Nguyên – Diệu Hồ)

Tin buồn chị mất sáng hôm qua
Đau xót biết bao với xứ nhà
Cuộc hẹn tha hương tìm cõi mộng
Đường về cố lý lạc rừng hoa
Nhớ trời Cam phủ hồn tê tái
Khóc bạn Đường thi bóng nhạt nhòa
Theo dấu người xưa vào vạn cổ
Dòng sông hoang lạnh mãi trôi xa.                                                     


20.
Thương tiếc chị Diệu Hồ
Bài họa Nguyễn Văn Quang

Đời người chi khác bóng câu qua!
Tử biệt, sinh ly, xót nỗi nhà!
Quê mẹ một thời tươi phẩm hạnh
Xứ người phút chốc lịm hồn hoa!
Nghĩa tình bằng hữu còn in đậm
Duyên nợ văn chương chẳng xóa nhòa
Đốt nén hương lòng xin bái biệt
Nguyện hồn siêu thoát cõi trời xa!.       


21.
Chút tình thơ kính tưởng
Bài họa Ngọc Tuyết

Bao lần chị đã họa thơ qua
“Tự tại tươi vui…” vẫn nhớ nhà
Tứ nhảy hồn nhiên vô tận tứ
Hoa cười khúc khích tuyệt trần hoa
Lắng đời chiêm nghiệm tâm an lạc
Nhìn kiếp phù du mắt nhạt nhòa
Nữ sĩ tìm về nơi gió lặng
Chút tình thơ kính tưởng người xa.

“Tự tại tươi vui…” trong bài thơ Thiền của Diệu Hồ                                                                                 họa bài xướng Tự Tại của Ngọc Tuyết


22.
Thương tiếc nữ sĩ Diệu Hồ
Bài họa Quế Sơn Du Tử

Sướng khổ vui buồn đã trải qua
Giờ đây ly biệt chốn quê nhà
Văn chương để lại nơi trần thế
Thể phách đi về lối cỏ hoa
Dặm khách nỗi lòng càng quyến luyến
Câu thơ tâm sự khó phai nhòa
Nước non cách trở tình thi hữu
Mượn bút thay lời viếng chị xa.


23.
Tưởng niệm chị Diệu Hồ
Bài họa Nguyễn Ngô Xá

Cuộc đời rồi lại cũng đi qua
Điểm hẹn phương tây lộng mái nhà
Nắng sớm xôn xao rung lá biếc
Mưa chiều hoang lạnh phủ hồn hoa
Dư âm mãi gọi con tim động
Ảo ảnh còn vương mắt lệ nhòa
Xin rải thơ êm đềm nhẹ bước
Tinh hoa khóc lẻ một người xa.
READ MORE - TƯỞNG NHỚ DIỆU HỒ - Xướng họa của Lê Ngọc Kha và 23 thi hữu: Trần Đạo Đông, Hồ Sĩ Trân, Hồ Thị Tú Quỳnh, Đỗ Tư Nhơn, Huyền Cầu Trần Minh Châu, Nguyễn Vô Cùng, Linh Đàn, Ngô Công Ðô, Ngô Văn Giai, Lý Hiểu, Kim Hoa, Trần Thị Phi Hồng, Trần Lệ Khánh, Phan Khâm, Trần Kim, Tỉnh Lạc, Trà Kim Long, Lê Bá Lộc, Lê Ngọc Phái, Nguyễn Văn Quang, Ngọc Tuyết, Quế Sơn Du Tử, Nguyễn Ngô Xá