Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 3, 2018

ĐẤT NƯỚC - ANH VÀ EM - Thơ Trần Mai Ngân



ĐẤT NƯỚC - ANH VÀ EM

Có những ngày Đất và Nước thật buồn...như hôm nay, như bây giờ...

Đất cằn khô không còn mầu mỡ
Những vạt rừng cây chết hoang vu
Thay màu xanh bằng vàng úa thiên thu
Để mất dấu hẹn hò nhau thăm thẳm

Con sông cạn lặng lờ mệt nhọc
Chảy về đâu, nguồn cội ai tìm
Biển chết rồi, không tiếng - lặng im
Và hò hẹn đã cong nỗi nhớ

Đất và Nước của ta muôn thuở
Cho mọi người, cho cả em- anh
Một tình yêu bất tận màu xanh
Của trời đất, của sông, của biển...

Xin nguyện cầu, ước xin linh hiển
Đất nước vui- đôi lứa lại kề
Để cùng nhau nối lại lời thề
Em và anh - Tình yêu đất nước.

                        Trần Mai Ngân

READ MORE - ĐẤT NƯỚC - ANH VÀ EM - Thơ Trần Mai Ngân

NÚT ẤN LỊCH SỬ - Thơ Lang Trương


         
                Nhà thơ Lang Trương


NÚT ẤN LỊCH SỬ

Tổ quốc lâm nguy !
Sơn Hà nguy biến !
Sóng ba đào trào ngược khí hờn căm.

Cắt thịt da mình nuôi hổ đói 99 năm
Ngày dân tộc bị diệt vong đang tới
Là kẻ sĩ, không lẽ khoanh tay ngồi đợi
Con cháu mình lầm lũi kiếp vong nô ?

Gương ông cha, áo vải cờ đào
20 vạn quân Thanh, chỉ 5 ngày quét sạch
Bản tuyên ngôn rành rành lưu sử sách
“ Nam quốc sơn hà nam đế cư ”.

Máu xương nào còn đỏ bản địa dư
Từng mảnh giang san xuống tay tùng xẻo
Những khuôn mặt mỡ màng, những tâm hồn dặt dẹo
Chẳng máu xương nào thỏa mãn dạ sài lang.

Hồn ta bay khắp đất Việt trời Nam
Đâu cũng thấy giống sài lang phương Bắc
Từng tấc đất xéo quằn trong tay giặc
Từng tấc đất tủi hờn thấm đỏ máu cha ông.

Mục Nam Quan đâu hỡi, có còn không ?
Lũ phản quốc muôn đời bia miệng thế
Hoàng Sa, Gạc Ma máu tràn dâng ngập bể
Sóng ba đào trào ngược khí hờn căm.

Có lẽ nào dâng đất mẹ 100 năm
Mở rộng cửa đón loài quỷ dữ
Có kẻ rắp ranh thành tội đồ lịch sử
Nỗi nhục này muôn kiếp chẳng phôi pha.

Hồn ta bay trên khắp nẻo sơn hà
Đâu cũng thấy những vết thương rỉ máu
Những mảnh đời tang thương, những ánh nhìn đau đáu
Về đâu ?
Hồn Lạc Việt về đâu ?

Cắt thịt mình sao lại không đau
Máu đã chảy, cả tấm thân quằn quại
Cá chết trắng bờ, xác trôi kín bãi
Giang sơn gấm vóc, còn không ?

Hồn ta bay theo tiếng gọi non sông
Tiếng gào thét không cam đời nô lệ
Một trăm năm, một ngàn năm sau hoặc lâu hơn thế
Nỗi nhục ngày này, muôn kiếp chẳng phôi pha.

                                                      Lang Trương

READ MORE - NÚT ẤN LỊCH SỬ - Thơ Lang Trương

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ" - Đoàn Đức, Lê Mậu Minh, Đào Văn Nhẫn, Đỗ Tư Nhơn, Tống Văn Thụy, Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Hạnh

     


LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH 
"ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ"


Thoạt đầu Lê Mậu Minh khởi xướng và yêu cầu tất cả các bạn viết bài cho đặc san về khối lớp 1960-1967 của trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và lấy tên là Hoa Bất Tử. Tôi lúng túng làm một bài thơ gởi cho Mậu Minh đăng, thì vợ tôi chê dở. Hai tháng vẫn không viết được một chữ nào, trong khi đó các bạn tôi đều viết xong để gởi đăng, tôi lo lắng vì đến hạn mà vẫn chưa xong. Bạn Nguyễn Thắng ở Huế cá với Nguyễn Đình Hạnh ở Đông Hà 10 triệu đồng rằng tôi viết không tới hai trang giấy A4. Đình Hạnh điện thoại nói với tôi: “Hồi xưa bạn học ban C văn chương, sinh ngữ mà nay không viết được chữ nào để Thắng cười à. Hãy giúp mình thắng cá độ đi”. Tôi liền ngồi viết một mạch về thầy Trần Thương Bá, được 34 trang viết tay A4. Ban biên tập gồm Lê Mậu Minh, Nguyễn Văn Quang… khi duyệt bài thì bảo rằng: “Không đăng được vì quá dài, mà cắt ngắn thì không nỡ”. Hơn nữa, đã có anh Đỗ Tư Nhơn viết về thầy Bá nên Ban Biên tập đề nghị tôi nên viết về thầy cô cấp II. Tôi tự ái trả lời: “Thế thì tôi sẽ viết luôn một loạt bài về quý thầy cô, các bạn muốn đăng sao thì đăng”. Nói là làm, tôi viết liên tục về bảy thầy cô. Sau khi đọc xong các bạn khuyên tôi không nên đăng vào tập san chung nữa mà in riêng thành một tập dành tặng cho quý thầy cô, các bạn cùng lớp và cho cả chính tôi. Trong quá trình viết, tôi nhận được rất nhiều niềm vui trong đó có sự động viên của hiền nội tôi - Cao Thị Thanh Nhàn, công đánh máy của con gái và con dâu tôi (dù tôi biết các cháu đôi lúc cũng thấy phiền vì sự lẩm cẩm của ba chúng), cũng không quên ơn cô Thoa – một người bạn vui tính – đã đánh máy cho tôi khi các con tôi bận. Tôi chắc sẽ không quên vẻ mặt nhăn nhó của Đào Văn Nhẫn khi phải đọc và sửa lỗi các trang viết qua email, tranh cãi về trích dịch tiếng Pháp từ nguyên tác dù đây là ký ức chứ không phải tôi dịch hay sáng tác. Còn Nguyễn Đình Hạnh thì hứa mà chỉ sửa sơ lược phần thi ca trong bài. Đỗ Tư Nghĩa thì lười. Nguyễn Văn Quang, Tống Văn Thụy thì tế nhị, cả nể. Nguyễn Thắng thì bận rộn khám bệnh, Nguyễn Văn Hóa chịu khó đọc lại các bản nguyên tác Hán - Nôm để sửa, không những về từ ngữ, dấu chấm phẩy mà còn lo cả phần kiểm duyệt (Đúng là nguyên thầy giáo chuyên văn kiêm giám đốc nhà in!). Riêng cảm ơn Nguyễn Trường Thi, học trò cũ của tôi, đã giúp đính chính những thiếu sót, thêm vào một số nguồn có liên quan đến Anh ngữ và về thầy Gary Carkin, trình bày vi tính, dàn trang và đề nghị khổ sách… trước khi gởi bản thảo cho nhà xuất bản. Cũng không quên cảm ơn nhà tài trợ chuyến đi Đà Lạt - Nguyễn Thắng, do thua cá cược 10 triệu đồng nên tháng 3/2017 đã cùng vợ vào Sài Gòn đưa Đình Hạnh, Mậu Minh, vợ chồng tôi, Võ Cẩm, cô Thoa đi Đà Lạt thăm Đỗ Tư Nghĩa để tiêu cho hết tiền thua độ. Tiếc là Mậu Minh không đi được.
Ôi qua bao nhiêu năm mà tôi vẫn còn được trở về “tuổi thơ chí chóe cùng chúng bạn”. Thật diễm phúc biết bao!

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả những phê bình, góp ý, động viên chân thành của các bạn dù dưới bất kỳ hình thức nào. Nhờ có các bạn, tôi mới có động lực viết và in tập hồi ức này. Sau khi hoàn thành xong bản thảo cuối cùng, phần in sách tôi trăm sự nhờ Nguyễn Văn Hóa, tôi yên tâm giao toàn quyền đứa con tinh thần của mình vào tay anh.

Và sau đây xin trích một số nội dung các email trao đổi giữa tôi và các bạn về tập hồi ức.

                                                                     Đoàn Đức

1. Đào Văn Nhẫn ở Sài Gòn
¤ Email ngày 07/02/2017
Đức thân,
Những bài viết này mà xuất hiện vào dịp 20/11 thì quá ý nghĩa, nếu không trùng vào dịp này thì đăng vào Tập san hoặc đặc san kỷ niệm lớp hoặc trường thì thật quá giá trị. Mình thật sự và hoàn toàn không biết đến những vị Giáo sư mà Đ luôn hằng quý mến và biết ơn như thầy Bá, thầy Hội, cô Nhã...Song, cũng như Đ và qua Đ mình rất ngưỡng mộ những đồng nghiệp của mình và nhận thấy họ là những con người tài hoa trên bục giảng bởi lẽ kiến thức của họ quá tuyệt vời và thâm sâu khi giảng bài ở cấp 2 mà mình có cảm tưởng như đang giảng một lớp chuyên văn hoặc chuyên Anh Văn ở cấp 3 trường chuyên hoặc ở Đại học. Phải thú nhận GV bây giờ - kể cả mình - cũng không đủ trình độ và nhiệt tình như thế.

¤ Email ngày 25/03/2017
Đức mến,
Chỉ một câu khuyên: nên in thành một tập riêng với đề tựa “Dấu ấn thầy cô” để hậu sinh thấy được tình cảm “tôn sư trọng đạo”“phương pháp dạy ưu việt” của các thầy cô trước 1975 mà nay không tìm ra được !
Học sinh là tấm gương phản chiếu hình ảnh của thầy cô giáo, các bạn học sinh được nhắc đến trong các bài viết hoài niệm thầy cô và bạn bè cũ nay phần lớn đều thành nhân vì đã được hấp thụ một nền giáo dục khai phóng, một phương pháp truyền thụ kiến thức sinh động, gợi mở, lấy học sinh làm trung tâm, không bị gò bó trong sách giáo khoa...
Xin thay mặt các thế hệ học sinh ngày nay cám ơn các học sinh đàn anh đã cho... dự một số giờ lên lớp về cách dạy và học, hầu có cái nhìn chính xác hơn về khả năng và kiến thức của thầy và trò trước đây...
Bản thân tôi, từng có 40 năm liên tục đứng trên bục giảng, cũng xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các thầy cô được nhắc đến trong bài, những vị đồng nghiệp đầy kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ trước mà đa số tôi chưa có dịp quen biết...
¤ Email ngày 06/4/2017
- Cuối cùng, phải công nhận thời xưa, không những thầy cô giỏi, nhiều kinh nghiệm, tận tâm mà còn nhờ học sinh có tư chất thông minh và đặc biệt là ham học hỏi: Pour digérer le savoir il faut l'avoir avalé avec appétit” (Muốn tiêu hóa kiến thức, trước đó cần phải tiếp thu nó một cách hứng thú) Anatole France
Đào Văn Nhẫn
Cử Nhân giáo khoa Pháp văn – Đại học Sư phạm Pháp văn 1966-1970


2. Đỗ Tư Nhơn ở Quảng Trị

¤ Email ngày 04/02/2017
Anh đọc xong bài viết của Đức. Đọc lần nữa ba bài về thầy Hội, cô Nhã, cô Thanh, xúc động. Trí nhớ tốt quá! …

Bài về thầy Bá có nhiều chi tiết quý hiếm giúp bạn bè hiểu sâu về cuộc sống, tình cảm thơ ca của thầy Bá từ người học trò, người tri âm, từng gắn bó nhiều giai đoạn đời với Thầy. Anh đồng ý với Đức lời giới thiệu của Tạ Nghi Lễ trong tập thơ Tình Huế của thầy Bá có vẻ trịch thượng.
Anh Nhơn.

Đỗ Tư Nhơn
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1957-1964
Cử nhân Giáo khoa Việt văn. Đại học Sư phạm Văn 1964-1968


3. Tống Văn Thụy ở Đà Nẵng
¤ Email ngày 16/02/2017
Anh Đoàn Đức thân mến.
Thụy đọc bài anh đến lần thứ ba.
Anh có trí nhớ tuyệt. Cảm xúc chân thành và xúc động.
Cám ơn anh đã gửi cho đọc trước.

Thụy có mối duyên với văn chương cũng là qua anh. Cũng như anh mê thích sử địa qua Thụy, khi chúng ta cùng sống tại Trung tâm sinh viên Xavier, Huế.
Thân chúc mùa xuân bình an.
Tống Văn Thụy 
Cử nhân Giáo khoa Sử. Đại học Sư phạm Sử Địa 1969-1973


4. Đỗ Tư Nghĩa ở Đà Lạt
¤ Email ngày 10/02/2017
Đức trí nhớ tốt, những gì Đức nhắc lại mình mới nhớ dù những chi tiết đó liên quan đến mình. Mình cũng có viết về thầy Hội, cô Nhã, cô Thanh… bạn Nguyễn Thắng và Đức nhưng không chi tiết được vì nhớ nhớ quên quên. Thân. ĐTN
Đỗ Tư Nghĩa
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1960-1967
Cử nhân Giáo khoa Triết học 1967-1971


5. Nguyễn Đình Hạnh ở Quảng Trị
¤ Email ngày 09/06/2017
Đức ơi,
Rất vui và mừng khi nhận được mail của Đức với bao tin yêu trìu mến, đồng thời lại cảm thấy rất “hãnh diện” khi được Đức ngỏ ý nhờ đọc và góp ý về tập tùy bút “NGUYỄN HOÀNG HOÀI NIỆM THẦY CÔ CŨ” của Đức.
Phải nói ngay là rất bất ngờ và hạnh phúc.
Bất ngờ vì té ra cái anh chàng “savant chải chuốt lịch duyệt điệu đàng thông thái sắc sảo khôn ngoan” trong ký ức tuổi thơ của mình bây giờ không những có khả năng tuyệt vời của một nhà quản lý, một doanh nghiệp tài ba kiệt xuất mà còn là một nghệ sỹ với tâm hồn thơ mộng đa cảm âm trầm da diết ân tình, một trí tuệ thông thái với một ký ức phong nhiêu sắc sảo tráng lệ huy hoàng như vậy... Bái phục, bái phục những hồi ức khúc chiết mạch lạc rạch ròi vi tế... Tất cả như mới vừa hôm qua đã đưa chúng ta cùng biết bao bằng hữu phiêu du về những ngày tháng tuổi thơ mơ mộng tinh anh diễm lệ, gian khó nhưng ý vị nồng ấm ngọt ngào cùng quý thầy, quý cô, và bạn bè trang lứa…
Và hạnh phúc khôn xiết khi tưởng rằng trầm tích gió cát cuộc đời đã vùi lấp bao nhiêu gắn bó ân tình thì dưới bàn tay tài hoa của Đức tất cả đã hồi sinh, lại còn được khoác lên mình cái vẻ ảo diệu của sương bóng thời gian nên càng lung linh diễm tuyệt… và càng làm ta say đắm đê mê hạnh phúc trong cái giao khúc Hoài niệm Nguyễn Hoàng…
Như vậy là mình đã cám ơn Đức rồi đó nghe. Nhưng mình cũng phải nhắc Đức cám ơn Minh, cám ơn Nhàn, cám ơn Hóa và cám ơn mình cùng Thắng nữa... Vì nếu không có Minh khởi xướng ý tưởng, hành động… thì con chim oanh vàng ấy đang ngủ yên… Nếu không có Nhàn chăm chút , khích tướng thì cũng chỉ dừng lại ở những dòng thơ lạc vận và nếu thiếu sự động viên cổ vũ ràng buộc thách đố của mình cùng Thắng thì chưa biết dừng lại ở phương nào… và đặc biệt không có nhiệt tình, chu đáo, kỹ năng tài hoa của Hóa thì tất cả có thể cũng chỉ là những trang bản thảo lưu tán…
Nhưng có lẽ Người chúng ta cần phải cảm tạ muôn vàn là NGUYỄN HOÀNG.
NGUYỄN HOÀNG, tên gọi của một niềm hồng phúc ân sủng vô lượng, của một vị anh hùng chấp nhận đắng cay oan nghiệt, theo tiếng gọi của lương năng được Hoàng thiên mượn lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn dắt lên đường đi mở cõi và Ngài đã mở ra một phương trời mới mênh mông ngút ngàn trân châu gấm vóc ngọc ngà... Thuận Quảng... Đồ Bàn... Thủy Chân Lạp. Không có Ngài, vị nhạc trưởng tài năng, khởi tấu khúc dạo đầu “HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI... “ thì bản trường ca Nam Tiến có lẽ chỉ dừng lại phía nam Lũy Thầy và Lũy Trường Dực... Và Ái Tử, Trà Liên, Triệu phong mãi mãi là những bản làng vô danh xa khuất đìu hiu. Và như một niềm tri ân, nơi tụ hội của nhiều tài năng kiệt xuất của con dân nước Nam một thời với hoài vọng kiến tạo trí huệ tương lai cho những mầm non của đất tổ được đặt tên là Trường Trung Học Nguyễn Hoàng.
Men ấm nồng nàn của mẹ Nguyễn Hoàng đang ấp ủ bao giấc mơ đời huy hoàng diễm lệ, thì …1972, …1974, rồi 1975 …dâu bể tang thương đổ vỡ hoang tàn nhức nhối đớn đau. Một xung động khốc liệt đã xóa sạch tin yêu hy vọng hoài bão xây dựng kiến tạo bồi đắp của bao thế hệ tuổi thơ… Sang trang là hoang tàn tan nát phân ly... Đi qua Quảng Trị Nguyễn Hoàng những ngày tháng ấy là đi qua tha ma của lòng mình… Đau xót nhức nhối… Và có lẽ “Rien ne nous rend si grands qu’une grande douleur” (Alfred De Musset). Nỗi đau tan nát ấy đã dắt dìu những tâm hồn đau khổ của những cánh chim tan đàn vỡ tổ tha thiết tìm nhau gom tụ ấp ôm chút ân hương còn lại… NH Quảng Trị, NH Đông Hà, NH Huế, NH Đà Nẳng, NH BRVT, NH Đà Lạt, NH Sài Gòn, NH Cali,... Tiếng chim thao thiết tìm nhau… Và trong bản giao hưởng nồng đượm ân tình ấy NGUYỄN HOÀNG HOÀI NIỆM THẦY CÔ CŨ là một trong những hòa âm ngọt ngào ý vị du dương réo rắt êm đềm tha thiết nhất Đức ơi… Và mạch suối đã được khơi nguồn, hãy chảy đi… Đức nghe…
Mong lắm thay được nghe tiếp bản giao hưởng kỳ vỹ bất tận ấy…

Nguyễn Đình Hạnh
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1964-1967
Cử nhân giáo khoa Việt văn 1967-1970



6. Lê Mậu Minh ở Sài Gòn
¤ Email ngày 04/4/2017
Đức mến,
Qua một số hình ảnh thầy cô mà Đức đã đề cập làm cho mình sống lại những ngày đáng sống của cuộc đời học trò dưới mái trường trung học Nguyễn Hoàng thân yêu:
“Khúc bồng lai: chuỗi ngày thơ hoang dại! ”
Tình Bằng Hữu - Đạo Thầy Trò - Hồn Quê Hương một lần nữa lại bừng lên và tiếp tục sống mãi trong tâm thức mình
“Trường xưa muôn đời dâng hương
Ơn thầy rì rào vương vương ngàn thu”

Cảm ơn Đức - người bạn quý mến đã cùng nhau 7 năm đèn sách ở trung học và 4 năm tại Đại học Huế và ở tại Cư xá Trung tâm Sinh viên Xavier Huế.

Lê Mậu Minh
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1960-1967
Cử nhân Giáo khoa Triết – ĐH Sư Phạm Văn 1967-1971


7. Nguyễn Thắng ở thành phố Huế
¤ Email ngày 01/4/2017
          Cái thuở ban đầu...
          Trong tâm tưởng, tôi không nhớ đến Đoàn Đức nhiều như một doanh nhân thành đạt cùng người vợ đôn hậu và những đứa con tài năng tiếp nối cơ đồ của bố. Tôi nhớ đến Đoàn Đức nhiều hơn vào cái thuở “đuổi bướm hái hoa ngoài đồng nội”. Ở cái tuổi mà tôi thích hát bài Một bàn tay, Nương chiều của Phạm Duy thì Đức mê mẩn với Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần của Trúc Phương. Ở cái thuở mà bây giờ mới nói thật, chuyện bây giờ mới kể của ba chúng tôi, ba thằng bạn định mệnh - tôi gọi thế vì ba đứa đeo đẳng nhau từ ngày còn ở tiểu học cho đến mãi tận bây giờ - tròm trèm cũng 60 năm rồi đó. Ba đứa Thắng - Đức - Nghĩa mà như cô Nguyễn Thị Nhã chủ nhiệm lớp Tứ 2 (lớp 9) đã đặt tên là “Tam anh Vườn Đào xứ Quảng” lớn lên và ba con đường đi cũng khác nhau. Một, đi theo Freud, Angel, sống với những suy tưởng lạ đời. Một, đi theo thực tế, cải thiện xã hội, giáo dục con người, để cuối đời là một doanh nhân thành đạt. Và Một, còn lại thì vui sống với công việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đó, ba đứa, ba định mệnh, ba cuộc đời - cùng có những tháng ngày khốn khó như nhau, nhưng cùng hưởng những tháng ngày hoàn toàn hạnh phúc. Những ngày đó Đức nhỉ, còn nhớ không? Ba đứa cùng thương nhớ về một cô-bé-búp-bê, tuy rằng cái thương cái nhớ của tuổi học trò đó ở những mức độ khác nhau: Đoàn Đức gần gũi nhất, lẽ tất nhiên là được nhiều nhất từ cô bé. Đỗ Tư Nghĩa, còn có tên khác là Đỗ Nghiêu Hoàng, yêu tột cùng, mơ mộng, lãng mạn với thơ văn không kể xiết. Còn Nguyễn Thắng, người thứ ba, thì có một tình cảm đặc biệt nhưng chỉ đứng nhìn từ xa. Cũng hay một điều là cô-bé-búp-bê đó cũng cảm nhận được nỗi lòng của người thứ ba, chẳng vậy mà ngày cô bé ở Mỹ về Việt Nam cũng đã cố gắng tìm cho được số điện thoại của mình để tâm sự đôi điều. Tất nhiên cú điện thoại đó thật bất ngờ và vô cùng cảm động. Đó, chuyện bây giờ mới kể. Tuổi thơ lãng mạn, ấm áp. Cái lãng mạn ấm áp đủ cho một đời người.
          Lại nữa, lại nhắc về một người con gái khác, mà ba đứa cùng gọi là “chị”. Nhưng “chị” thế nào, “em” thế nào cũng hoàn toàn không giống nhau, mà cho đến bây giờ, đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm có rồi mà bí mật đó vẫn còn giữ kín, chỉ có thượng đế mới biết được.
          Tản mạn ít hàng về tuổi thơ, thế giới thần tiên, thiên đường lộng lẫy của tuổi học trò. Gửi đến Đức với vô vàn thương quý.

Nguyễn Thắng
Cựu học sinh Nguyễn Hoàng 1960 -1967
Cựu Bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế.

READ MORE - LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ" - Đoàn Đức, Lê Mậu Minh, Đào Văn Nhẫn, Đỗ Tư Nhơn, Tống Văn Thụy, Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Hạnh

LỜI HẸN THÁNG TƯ - Thơ Đặng Xuân Xuyến


         


LỜI HẸN THÁNG TƯ
(Tặng một “người dưng” trùng tên với Phượng)

Tháng Tư qua lâu rồi
Người dưng chưa trở lại
Phượng rực trời
Cháy rụi nắng chiều qua.

Người dưng à
Sao mãi cứ dửng dưng
Để mùa Hạ thêm lưng chừng nỗi nhớ
Để lời yêu thêm ngập ngừng trước gió
Để hoa học trò lơ lửng đỏ giấc mơ.

Tháng Tư qua thật rồi
Người dưng hỡi có hay
Đã mấy tuần trăng trôi qua ngày mười bảy
Đã mấy tuần trăng người dưng không tới hẹn
Đã bấy ngày rồi nỗi nhớ sắp thành quên.
*.
Hà Nội, 04 tháng 06.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - LỜI HẸN THÁNG TƯ - Thơ Đặng Xuân Xuyến

MÙI EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến


         


MÙI EM

Mớm tình vào đêm
Trườn mình nếm cạn môi mềm
Phần phật gió
Tí tách sương rơi mướt cỏ

Hao ngót đêm
Hao ngót em
Run rẩy trăng vàng nhỏ giọt
Đẫm triền sông mùi em.

*
Hà Nội, đêm 31.05.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - MÙI EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

MƯỜI NĂM VỀ LẠI QUÁN XƯA - Thơ Hoàng Yên Lynh


         
                         Nhà thơ Hoàng Yên Lynh



MƯỜI NĂM VỀ LẠI QUÁN XƯA                      
                  (Nhớ TNL)
1-
Đèo nghiêng, nghiêng ánh trăng gầy
Chỉ tôi góc quán gánh đầy thời gian
Bạn đi ừ, đã mười năm
Còn tôi cũng đã úa tàn bạn ơi
Đọc tình thơ bạn gởi tôi
Sinh ly tử biệt ngậm ngùi trang thơ
Người đi lạnh bước bơ vơ
Người về quán vắng vẫn chờ đợi ai
Mong một lần tay nắm tay
Mà sao xa thẳm mây bay lạnh lùng
Bạn ơi mơ cuộc trùng phùng
Âm dương thôi chỉ nghìn trùng cách xa
Tôi về mòn gót bôn ba
Đèo cao hiu hắt quán cà phê xưa
Khói sương... mù thẳm cơn mưa...

2-
Mười năm về lại quán xưa
Bạn ơi buồn lắm cơn mưa lưng đèo
Chỉ còn tôi với cô liêu
Cảnh xưa còn đó mây chiều vẫn trôi
Cà phê nhỏ giọt mình tôi
Biết ai chia sẻ đầy vơi nỗi lòng
Mười năm rồi bạn nhớ không
Ở nơi xa thẳm chạnh lòng bạn ơi
Đèo nghiêng từng hạt mưa rơi
Gọi người năm cũ biết người nơi đâu
Thơ này viết chẳng tròn câu...

                             Hoàng Yên Lynh

READ MORE - MƯỜI NĂM VỀ LẠI QUÁN XƯA - Thơ Hoàng Yên Lynh

CHÙM THƠ VỀ THIỀN CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


      


1.THIỀN

Người toạ gốc bồ đề 
Ánh trăng treo đỉnh nuí 
Chiếu qua ngôi chùa cổ 
ngồi dưới gốc cây 
tâm thẳng
bóng nghiêng
-
thời cổ lỗ sĩ
tiến vi quan thoái vi sư
thời chừ tiền vi quan
thoái vi tù
chuyện không ai muốn
tự dưng tới lù lù
người xuất ngoại
kẻ xuất thế
người ngồi uống cà phê
coi chuyện phù du
2.THIỀN

Thân thế là cát bụi
hồng trần là hư vô
nhang đèn toàn ảo ảnh
vòng lại là bến bờ
 -
tám phương trời mù mịt
Sóng dạt thuyền cứ đi
Lênh đênh trên mặt biển
Cái tâm và cái ta ?
Cúi đầu cõi phong ba
Mây trờì mưa vần vũ
Nhưng cội lòng toàn hoa

4

Càng to càng nhỏ
Càng lớn càng dài
Càng buồn càng vui
Càng khóc càng cười
Càng cao càng thấp
-
ngựa lớn chó con
làm quan đi ngựa
làm dân di chân
làm quan mặc áo
làm dân cởi trần

Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ VỀ THIỀN CỦA CHU VƯƠNG MIỆN