Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 19, 2021

THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY LỄ CHA - Nguyễn Đức Tùng

 C:\Users\BS TUNG\Desktop\34 ANH DEP\ANH DEP 1\IMG-1535.JPG

THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY LỄ CHA 

Nguyễn Đức Tùng 


Khi lên năm tuổi, một hôm con gọi điện cho ta nhắc rằng bảy giờ chiều hôm ấy có chương trình Jeopardy mà ta thích theo dõi, vậy ráng thu xếp về sớm. Ta cám ơn con về lời nhắc. Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cám ơn của chúng dành cho mình, điều vẫn xảy ra, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm hơn mọi khi, mặc dù việc bận rộn, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái ti vi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc bên ngoài thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ mau chóng qua đi, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa. Ngày trước thỉnh thoảng cha của ta, tức ông nội con, vẫn dành thì giờ đạp xe chở con trai đi chơi nơi này nơi khác, hay từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Thật là những kỷ niệm khó quên. Một lần lúc lên bảy tuổi, ngồi sau yên xe đạp mải ngắm cảnh vật bên đường ta đút bàn chân vào nan hoa xe, ngay chỗ xích xe đang quay. Bàn chân phải. Ta thét lên hãi hùng vì đau đớn. Ta ngã xuống, máu chảy đầm đìa trên da thịt, trên mặt đường. Cái xích xe đạp và những nan hoa đã nghiến qua mắt cá chân trong, kéo rách một mảng da thịt rộng. Cơn đau làm ta ngất đi. 

Khi tỉnh lại thì đã nằm trên giường bệnh, người y tá giữ chặt hai tay vì ta khóc lớn quá, nhìn thấy bác sĩ mặc áo choàng trắng đi ủng cao chuẩn bị may vết thương. Đó là khoa cấp cứu bệnh viện, bên kia sông. Ta không nhớ đoạn đường mà cha ta cõng ta đi, xa hay gần, cực nhọc ra sao. Lúc ấy ta la khóc không chịu nằm yên, đau thì ít mà sợ hãi thì nhiều, khiến cả bác sĩ và y tá vất vả, thậm chí thuốc gây tê cũng không tác dụng. Cha ta ngồi xuống bên cạnh đặt tay lên trán và bắt đầu kể cho ta nghe những câu chuyện hàng ngày ta vốn thích nghe. Những câu chuyện nào vậy? Cây tre trăm đốt? Con quạ và cây khế? Robinson trên hoang đảo? Bây giờ ta không nhớ. Lời kể của ông làm ta dịu đi, bớt hốt hoảng. Ta bắt đầu để yên cho thầy thuốc khử trùng, gây tê, cắt lọc vết thương, băng bó. Có lẽ vết thương không nguy hiểm lắm, không vỡ xương nhưng chảy máu nhiều. Đặc tính của con người là khi bạn càng sợ hãi, bạn càng hung hăng, bạo động. Những câu chuyện kể của cha ta đã làm ta bớt sợ hãi, tin vào lòng tốt như phép lạ, lòng ta dịu lại, bớt hốt hoảng, cơn đau cũng giảm đi. Ông đã kể bao nhiêu chuyện hôm đó, ta không nhớ. Cuộc tiểu phẫu thuật kéo dài bao lâu, nửa giờ hay một giờ, ta không biết. Nhưng nó lâu lắm. Ta càng lắng nghe, càng thích thú với diễn tiến câu chuyện, cơn đau càng bớt đi, ta lấy lại lòng can đảm và biết vâng lời. Ta nghiệm ra rằng chỉ những người dũng cảm mới biết vâng lời. Sự hèn nhát chỉ dẫn tới tuân lệnh mê muội. Đối với một cá nhân hay một dân tộc, vâng lời và tuân theo một cách mê muội khác nhau. Ta nghe những câu chuyện cổ tích rồi ngủ thiếp, phần vì mệt, phần vì giọng kể êm đềm ru ta vào một thế giới khác, thế giới của tuổi thơ dịu dàng thanh tịnh. 

Yêu thương một điều gì là muốn cho điều ấy tốt đẹp, lâu bền, nguyên vẹn. Đồ vật như áo quần, ly tách, sách vở, sinh vật như chó mèo, chim chóc, hoa cỏ, đến những thứ lớn lao hơn như sông núi, nhưng lớn nhất vẫn là con người. Sau một mùa đông kéo dài, người ta chào mừng lễ hội tình yêu vào mùa xuân, nhưng tình yêu ấy cũng không chỉ giới hạn trong quan hệ nam nữ, mà mở rộng ra những quan hệ khác. Thực ra những tình yêu lừng lẫy trong lịch sử, nổi tiếng trên màn bạc, như trong phim Titanic hay Cleopatra hay Anna Karenina chỉ quyến rũ người ta vì những ý tưởng lãng mạn; tình yêu thực sự tác động đến đời sống của con lại là những tình cảm khác hẳn, không mang đậm bi kịch như vậy, không đưa được vào phim ảnh, nhưng chúng làm nên đời sống của chúng ta: tình cha mẹ và con cái, tình anh chị em, bạn bè, lòng thương yêu của con đối với chiếc giường ngủ, cái cặp sách con cầm trên tay, tiếng chim hót buổi sáng, một con chim gõ kiến kêu twik ktwik ktwik lúc nào cũng dậy năm giờ sáng. Ngược lại, những tình yêu lãng mạn trong lịch sử thường mang tính bi kịch, chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh đặc biệt. Vì nhiều lý do, nghệ thuật ít quan tâm đến tình cảm bình thường, hàng ngày, mà con người dễ bỏ qua, những tình cảm ấy không rộn ràng, không ồn ào, không lấy nước mắt của độc giả và khán giả, nhưng chúng dệt nên đời sống chúng ta. Đem lòng yêu một người ngay lập tức trong phút đầu gặp gỡ không phải là không xảy ra, nhưng chúng hiếm và đằng sau điều ấy là sự kém hiểu biết đối với người khác, vì vậy quan hệ dễ tan vỡ. Tình cha mẹ yêu con, con yêu cha mẹ, anh chị em bà con yêu nhau, là những tình cảm đôi khi không được chú ý, không sôi nổi, bay bổng, nhưng chúng cần thiết như khí trời, nước lã, chỉ khi nào con mất đi mới thấy sự cần thiết.

Thỉnh thoảng ta vẫn nhìn thấy một vết sẹo nhỏ kéo dài ở mắt cá chân trong bên phải. Năm tháng trôi qua vết sẹo mờ đi, người khác khó nhận ra, chính ta phải nhìn kỹ mới thấy. Vết thương nào cũng vậy, thời gian làm chúng liền lại. Nhưng vết sẹo ấy vẫn còn đó như lời nhắc nhở về một kỷ niệm đầu đời, đứa con trai ôm chặt lấy lưng ba nó, vòng hai tay ra trước ngực, siết chặt cổ làm ông nghẹt thở. Đứa con trai khóc ngất trên vai ông, mới đầu nó la hét, vết thương chảy máu dữ quá, vừa đau rát vừa sợ hãi, về sau nó lịm đi. Người cha cõng con, cúi gập người chạy. Ông bỏ lại chiếc xe đạp, hình như bị sút dây xích hoặc đứt gẫy không chữa được, ném nó vào bụi rậm, khi quay lại nó vẫn còn đó. Người đàn ông rịn mồ hôi, áo sơ mi trắng lấm lem vết máu, ông dùng hai tay vòng qua hai bắp chân đứa bé, không nghĩ đến cơn đau nhức ở bắp chân của mình, chạy băng qua những đám cỏ dại, những vũng bùn, bụi trinh nữ đầy gai bụi cẩm chướng nở rộ. Ông hít thở khí trời, lấy sức mà chạy. Đứa con trai nửa mơ nửa tỉnh, ngửi thấy mùi mồ hôi của cha mình. Mùi mồ hôi ấy một buổi trưa nắng vàng, nhiều năm sau, ở một nơi xa đất nước, lại trở về với đứa con trai như mùi ngọc lan đối với thiếu nữ, mùi cá trên bãi biển đối với người đánh cá, mùi phấn viết bảng với người thầy giáo, mùi rượu đối với kẻ thất sủng. Những câu chuyện kể đem lại phương thuốc hữu hiệu an ủi con người lúc lâm nguy, chiếu sáng lòng tin của họ. Thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ được cấu tạo nên bởi các tế bào, các phân tử di truyền, mà còn được tạo nên bởi những câu chuyện và lời kể chuyện của một người, một người duy nhất trong đời mỗi chúng ta, không ai thay thế được. 

Ta cám ơn con đã đến cuộc đời này, trở thành con của ta và của mẹ con, trở thành đồng bào. Mỗi khi có chuyện buồn bã lo âu, thất vọng về người khác hay về mình, khuôn mặt tươi vui của con hiện ra trong trí tưởng tượng làm lòng ta dịu lại. Con há chẳng phải món quà của thượng đế hay sao. Ta tự hào về con, tự hào được làm người sinh ra con, cầm tay dẫn đi trên đường, dù chỉ một đoạn ngắn, rồi buông. Có lần ta nằm ngủ, sau một đêm thức trắng, con xông vào phòng, nhảy lên ngực ta. Đó là một cảm giác kinh ngạc, hoảng sợ. Ta mở choàng mắt, tức giận, hét lớn, muốn vung tay lên, nhưng con lại nhìn ta nhoẻn miệng cười. Ta chắc rằng tất cả những người từng làm cha làm mẹ, đều nhớ những cảm giác tương tự. Lần ấy nằm trên lưng của cha ta, khi người băng qua cánh đồng rồi chạy bộ trên đường rải nhựa nóng, qua cầu, ta không biết gì, nửa thức nửa mê, thế nhưng sau này đôi khi vẫn nhớ lại, vô thức trỗi dậy, làm việc, ta còn nhìn thấy khuôn mặt của cha bên giường bệnh, cúi xuống, đầy thương yêu và lo lắng, và ta hình dung được khuôn mặt của một đứa trẻ khi ấy, đã bớt đau, mỉm cười, và ta không hề biết rằng đó là món quà lớn mà mình đã tình cờ mang tặng cho bậc thân sinh. Thực ra đó cũng chẳng phải là món quà của ta đâu, mà của một thực hữu cao hơn, ta chẳng qua chỉ là người cầm trên tay mang lại. 

Làm như thế, nghĩ như thế, con sẽ nhìn ra sự tiếp diễn của xã hội, sự luân lưu của lòng biết ơn lẫn nhau của nhân loại, vốn nương tựa vào nhau, nhìn ra tính toàn vẹn của đời sống, nhờ thế mà trong mỗi chiếc thau đồng rửa mặt của chúng ta nơi đứa con đi xa mới trở về nhà, cúi mặt xuống, đều chiếu một vầng trăng.

Nguyễn Đức Tùng

(Thư Gởi Con Trai 31, viết cho ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6.)



READ MORE - THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY LỄ CHA - Nguyễn Đức Tùng

EM TÔI: TRẦN QUỐC TRIỀN, NGƯỜI ĐI LÊN TỪ MUÔN VÀN KHÓ KHĂN - Trần Quốc Phiệt

 


Em Tôi: Trần Quốc Triền,

Người Đi Lên Từ Muôn Vàn Khó Khăn

 

                              Bài viết của Trần Quốc Phiệt

 

Thế mà chú ấy đã khuất bóng đời non bảy năm rồi, ngồi một mình ngẫm lại như mới ngày hôm qua. Tất nhiên thời gian rồi cái gì cũng sẽ phôi pha nhạt nhòa, nhưng vết bầm này thì hằn sâu quá kỹ. 

Thật ra tôi chưa muốn khơi lại cái sự mất mát quá lớn lao đó, vì chẳng biết lấy gì để bù đắp vào được, đành phải cố gắng giữ thái độ bình thản bằng cách im lặng, nhưng dẫu không khơi lại thì chính nó vẫn cháy âm ỉ trong lòng. 

Nhiều lần anh em trong gia đình gặp mặt, trước bàn thờ, nhìn vào di ảnh, chúng tôi không giao ước mà vẫn trùng hợp, cùng nhìn nhận một sự việc như nhau và không một ai nói một bất cứ điều gì về chú ấy. Ai cũng giữ kín trong lòng một nỗi xót xa ngậm ngùi, vì chắc chắn lời nói ra sẽ đi kèm theo dòng nước mắt. 

Con gái đầu của chú ấy, đã vài lần nói với tôi về Ba cháu trong sự đau buồn thương nhớ, thật thấm thía với nỗi đau của cháu mình, nhưng còn lời nào để chia sẻ và an ủi. Tôi đành lảng tránh bằng câu trả lời “lâu rồi mọi sự sẽ phôi pha”, hãy sống bình thản cho những ngày kế tiếp, hãy mạnh dạn dấn bước tiến lên. 

Nhưng hôm nay tôi đang chuẩn bị viết về chú em tôi theo yêu cầu của một đồng môn Nguyễn Hoàng. 

*** 

Năm 1953, giữa mùa đông rét buốt mưa dầm gió bấc ở cái xứ vốn đã nghèo nàn lại càng tiêu điều thêm bởi chiến tranh dai dẳng. Tại làng An Lưu, Quảng Trị, một chú bé vừa chào đời, hai ngày là phải xa mẹ, năm ngày kế sau, tại bệnh viện Quảng Trị, bà vĩnh viễn lìa trần. Chú bé tội nghiệp ấy được đặt tên là Trần Quốc Triền. Đó là đứa em bất hạnh của người viết bài này. 

Vâng, đúng là chú em tôi có một cuộc đời không giống như mọi người, ngay từ tấm bé đã không hề được mẹ bồng bế trong vòng tay. Không hề thấy di ảnh mẹ mình, vì qua chiến tranh nhà tan cửa nát “Lửa bao lần bốc xám mặt quê hương…”  Tất cả đã là tro tàn xác vụn tả tơi. 

Trong chuỗi ngày tang thương u buồn đó, dưới căn nhà tranh vách đất lè tè, đã ấn sâu trong trí óc tôi, khi vừa lên tám, bao nhiêu điều không bao giờ quên được. 

Làm sao tôi có thể quên được tiếng nấc nghẹn ngào của những người trong gia tộc mỗi lần nhắc đến mẹ tôi. Những bữa ăn đạm bạc, bên cạnh ngọn đèn dầu leo lút là một chén cơm và đôi đũa. 

Làm sao tôi quên được tiếng khóc của chú em tôi thèm vú mẹ, và tiếng à ơi gà trống nuôi con lắc nôi dỗ dành, hòa trong âm thanh buồn bã của côn trùng réo gọi giữa những đêm dài buốt lạnh quạnh hiu. 

Làm sao có thể quên được mỗi buổi chiều chị tôi, cô gái chưa đầy mười hai tuổi, phải bồng chú em đi quanh xóm để xin bú dạo. Nhưng chưa hết, vài tháng sau, Ba tôi bị Tây bắt nhốt vào nhà lao Quảng Trị. Anh chị em côi cút đùm bọc lấy nhau, cháo rau qua bữa. 

Tuổi thơ của chú ấy bắt đầu những ngày như thế đó, trước khi có cuộc sống bình thường để học hành thành đạt. Tất nhiên trong hoàn cảnh như vậy nuôi nấng cũng rất gay go, có điều may mắn là không ốm đau lặt vặt. Và đặc biệt nhờ Bà O, húy danh là Trần Thị Hốt, chị của Ba tôi tận tình chăm sóc mem búng, đó là công lao trời biển, anh chị em chúng tôi khắc dạ ghi lòng. Hiện bàn thờ Bà O Trần Thị Hốt được đặt trong nhà chú Trần Quốc Triền.

Trần Quốc Triền ngay từ nhỏ đã biểu hiện nhiều nét thông minh. Gia đình tôi các bà O đọc thì phải đánh vần nhưng truyện Kiều lại thuộc vanh vách. Ba tôi thì thơ phú đầy mình, nên mọi giao du hằng  ngày với bạn hữu, Chú ấy chỉ ngồi lắng nghe mà thuộc cả. 

Lên bốn tuổi đã qua nhà hàng xóm, đọc những gì “nghe lóm” đó cho người khác thưởng thức. Có lần chiều tối cả nhà phải đi tìm trong lo lắng, sợ chú đi tắm ao đìa sa chân sẩy cẳng, ai dè đến nhà người ở tận đường Quan ngồi đọc thơ cho cụ già nghe. 

Ở bậc tiểu học là một học sinh xuất sắc trong trường, luôn chiếm vị thứ nhất tất cả các lớp. Năm cuối cùng ở bậc nầy, Thầy Trần Xuân Yên, Hiệu trưởng trường tiểu học  An Lưu, cũng là giáo viên lớp Nhất, rất thương và đặt tin tưởng ở trò Triền. Vào thời gian đó Ba tôi là Hiệu Trưởng trường tiểu học Triệu Lăng. Khi cùng vào họp trong Ty Tiểu Học Quảng Trị, Thầy Yên nói với Ba tôi rằng: “Thầy yên chí, kỳ này thi vào đệ thất Nguyễn Hoàng, em Triền phải có tên thôi…” 

Theo dõi việc làm bài thi của em mình, tôi phát hiện điều đặc biệt ở phần nhập đề luận văn để mở đầu cho lời bình giải câu ca dao “……” là có nhận xét sâu sắc, lối mở đề gợi sự tò mò cho người xem…và dự đoán là chú em tôi có khiếu văn chương. 

Đúng vậy, sau này Trần Quốc Triền cũng vào ngồi ban C. Học hành ra sao thì tôi không theo dõi nữa. Chỉ biết rằng chú ấy không hề rớt kỳ nào, cho đến khi vào Huế học Đại Học Sư Phạm Đệ Nhị Cấp ban Anh văn. Tốt nghiệp năm 1975. 

Tuy sinh viên Trần Quốc Triền là một Phật tử nhưng được chấp nhận nội trú ở Cư Xá Sinh Viên Xavier, do Linh Mục dòng Tên Thiên Chúa Giáo sáng lập và điều hành, tại số 4 bis Lê Thánh Tôn, Huế, bốn năm liền, nhờ thông qua thư giới thiệu của hai vị Linh Mục giáo xứ Thạch Hãn, Long Hưng và thành tích trong học bạ các lớp bậc trung học. 

Ngoại lệ đó đã được Cha Giám Đốc người Tây Ban Nha, kế nhiệm Linh Mục Jacques De Leff chấp thuận, khi xem kết quả học tập và lời phê của quý vị giáo sư từng phụ trách. Tại nơi này, chú em tôi đã được quý Cha tận tình động viên và giúp đỡ. Bây giờ những vị này đều đã là người thiên cổ, nhưng gia đình chúng tôi luôn nhớ ơn những ân nhân cao quý ấy. Và xin ghi nhận tình cảm thắm thiết tương thân, đồng môn, đồng hương… những bạn hữu của chú em tôi.Tất cả đều là sức đẩy cho chú ấy từng bước đi lên. 

Chú em cũng làm thơ khi còn rất trẻ, Đệ Tam, Đệ Nhị đã có thơ đăng trên Văn, Văn Học, Bách Khoa với bút hiệu Trần Lưu An. 

Là một Phật Tử thuần thành với pháp danh Tâm Tuyền. Trong gia đình chỉ có Cô Lê Thị Thùy Tiên, con gái của Bà O em Ba tôi, cùng đi sinh hoạt Phật Tử với Triền từ khi còn ở làng. Sau này Tiên cũng là nữ sinh Nguyễn Hoàng, chú Triền là người hướng dẫn việc học hành thi cử cho cô ấy.

Trong một tập Chân Dung và Kỷ Niệm, tôi chỉ đọc lại bản copy, Cô Tiên đã viết bài “Còn Mãi Bên Nhau, tưởng nhớ anh Trần Quốc Triền, rất chí tình, dạt dào thương nhớ. 

Cũng qua Chân Dung và Kỷ Niệm, trong một bài khác với nhan đề “Về Một Người Đã Ra Đi…”  của bạn học của chú Triền là anh Nguyễn Khắc Phước, mà tôi đã tìm lại được những dấu chân của chú em mình. Và như nghe văng vẳng đâu đó giọng ồ ồ của chú ấy đang ngâm bài thơ lục bát “Đỉnh Mù”… để cảm nhận nỗi xót xa trầm ngâm. 

“Lên cao mới biết trời gần

Dăm cây trụi lá trơ cành mân mê

Nỗi buồn trắng đục nằm kề

Mờ câm hơi đá lối về còn xa…” 

Số bài thơ của Trần Lưu An hiện tôi có không nhằm nhò gì so với số đã viết ra, bị thất lạc rất nhiều sau cơn binh lửa, trong những lần di tản. Bài tôi ưa ý nhất là Quảng Trị 72. 

Xin ghi ra đây để cùng dành một phút lắng sâu với nỗi niềm về quê mẹ.

 

Quảng Trị 72 

                     Trần Lưu An

 

Phố xá nớ chừ nghe tiêu điều lắm

Xa quá rồi sao thăm được nữa đây

Trong trí tưởng đàn quạ đen lẳng lặng

Bóng nhập nhòa theo bóng nắng lắt lay.

 

Cây thôi còn để mùa thu rụng lá

Tổ mất rồi se sẻ cũng bay xa

Nhà tan hoang và người đi chốn lạ

Đêm tiếp ngày thêm những giọt đắng cay.

 

Lúa thôi vàng trong ruộng cày bằng đạn

Khoai thôi xanh luống đất tưới bằng bom

Dòng Thạch Hãn nghe trăm chiều ly tán

Nhớ nhịp chèo xưa con nước nỉ non.

 

Người sống đó và người đã chết

Hồn tưởng chừng lạnh buốt heo may

Vẳng ai gọi tiếng sao mà tha thiết

Vẫy nhau hoài chấp chới một bàn tay.

1972

 

Ai ngờ rằng đằng sau tâm hồn thơ văn lai láng ấy lại là một con người say mê võ thuật: Thái Cực Đạo,và Không Thủ Đạo. Riêng Thái Cực Đạo đã đạt được đai đen thời còn là học sinh trung học,đó là nhà giáo Trần Quốc Triền. 

Tuy đã có bằng cấp cử nhân, tốt nghiệp sư phạm đại học đệ nhị cấp khoa Anh ngữ, nhưng những bước đi đầu tiên trên vùng biển xanh trời trong cát trắng Nha Trang cũng lắm gian truân. Rồi ra thì giá trị của trí tuệ cũng còn chỗ đứng, khi đó một khung trời ấm mới mở bừng lên. 

Có một thời gian chú Trần Quốc Triền làm cho công ty cà phê. Vì nhu cầu cần một người thông thạo Anh ngữ nên chú ấy được đi khá nhiều Quốc Gia trong khu vực Châu Á cũng như Châu Âu. Đặc biệt năm 1994, Chú ấy đã được đến Hoa Kỳ với vai trò thông và phiên dịch, nhưng tôi đọc trong Business Card thấy ghi bằng Anh ngữ là Phó Giám Đốc Giao Dịch. 

Sau này chú trở lại ngành giáo dục, chức vụ sau cùng là trưởng bộ môn tiếng Anh trường chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang. 

Ngoài ra chú ấy còn điều hành Trung Tâm Ngoại Ngữ Hàn Thuyên ( Han Thuyen Foreign Language Centre) cũng tại thành phố Nha Trang. 

Là người chịu đọc, chịu học để thăng tiến trí tuệ nâng cao hiểu biết. Cho nên khi đã ổn định vẫn tiếp tục học để lấy MA (Master of Arts). Lớp đầu tiên của chương trình Fullbright. Tôi không rõ ở quê nhà học vị hậu đại học đó được gọi là gì, nên xin ghi lại bằng tiếng Anh. 

Cuối mùa hạ năm  2005, chú em Trần Quốc Triền của tôi đã lìa trần, sau sáu tháng nằm bất động vì tai biến mạch máu não. Để lại biết bao thương tiếc cho gia đình, bà con, bạn hữu và đồng nghiệp, bảy năm đã trôi qua, chưa vơi được xót xa ngậm ngùi. 

Nhân ghi lại sự kiện đau xót này, xin tỏ bày lòng tri ân đến quý bà con, đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn, thân hữu và môn sinh … đã chia sẻ cùng gia đình chúng tôi vào những tháng ngày đen tối ấy. 

Trong nỗi xót xa thương tiếc, tôi đã viết bài thơ “Hoài Cảm” như là lời tâm sự với chú em mình, xin ghi lại nguyên văn như sau:

 

Hoài Cảm 

         Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

   Viết để thương tiếc Trần Quốc Triền

                    (1953 -2005)

 

Năm ba tuổi (53), chưa có lần thấy mẹ

Em vội về gặp mẹ ở bên kia

Tóc muối tiêu, anh ngỡ em còn bé

Mãi thương em như thuở mẹ lìa đời.

 

Em bước đi một quảng đời trăn trở

Buổi bú nhờ vú lạ những người quanh

Mẹ đi rồi, tưởng em chết trăm phần

Ơn phước lạ em lớn lên bừng sáng.

 

Chừ tháng năm đã đi vào dĩ vãng

Mà dễ đâu quên được chuỗi lăn trầm

Đời chông gai em vượt lắm gian truân

Mới thành đạt nên danh, sự nghiệp

 

Rồi hôm nay nghe em vĩnh biệt

Anh lặng người mắt lệ ướt mi quanh

Mẹ sinh em chưa dỗ ngọt một lần

Thiếu thốn đó, gia đình thương em lắm.

 

Anh hạ bút dòng thơ, môi đang đắng

Mắt anh quầng vì khóc ngót nửa năm

Nói gì thêm khi đời đã định phần

“Tử vô kỳ, sinh thì hữu hạn”

 

Nơi xa xôi trời ở đây cũng xám

Mây giăng buồn tím nhạt tận đồi xa

Anh quặn đau lòng trăm nỗi xót xa

Chữ u mê sao trải lòng anh thẳm

Mất em rồi, ôi vô vàn cay đắng

Lời khôn cùng, thương nhớ lắm em ơi!

 

Ngày 05 tháng 9 năm Ất Dậu

07 – 2005

 

Bài thơ viết rất nhanh và gởi liền bằng email, nhưng đang trong thời kỳ xây lăng, nên non cả tháng sau mới đọc cho người quá vãng trước mộ phần.

Trong một bài khác của anh tôi với tựa đề “Khóc Em” có những lời tâm huyết như vầy:

……………………………….

Hứa hẹn anh em lại gặp nhau

Vơi đầy tâm sự suốt đêm thâu

Lật trang kỷ niệm thời thơ ấu

Dấu ấn còn đây, em ở đâu?

………….......Trần Hữu Chước

 

Tôi biết rằng Thím Triền và các cháu không thể đọc vì bị xúc động, nên người đọc là một đồng hương, đương nhiệm thư ký của chú Triền trong trung tâm ngoại ngữ Hàn Thuyên.

 

Người đã tự nhận là:

 

1 - Lời ngỏ

 

Nửa đời em chẳng biết làm thơ,

Trần gian ai có học chữ ngờ,

Thầy đi để lại bao thương tiếc,

Khóc thầy nước mắt kết thành thơ.

 

Người đồng hương thư ký, chỉ ghi  tên Thổ, thay lời Giám Đốc Trần Quốc Triền để nhận và hồi đáp thơ gởi từ phương xa. Bài thơ gồm 14 khổ, viết về các tình huống khác nhau của các thành viên trong gia đình, vắn tắt nhưng rất xúc động. Xin trích vào đây ba khổ, và kính gởi lời đa tạ Chị Thổ.

……………………………………

 

8 – Nghe Đọc Thơ Hai Anh

 

           Nghĩa trang Phước Đồng

           chiều Chủ Nhật 30-10-05

 

Em đọc thầy nghe, hồn đứng lặng,

Hồi lâu, thầy nói: “cám ơn cô”

Cám ơn cô đã đọc thơ,

Nhịp cầu đã nối đôi bờ âm dương,

Lời thơ chan chứa tình thương,

Hồn tôi còn mãi vấn vương cõi trần.

………………………………………


9 - Hồi Âm

 

Em nhận thư anh một buổi chiều,

Mây trôi ảm đạm gió đìu hiu,

Bên ngôi nhà mới nồng hương khói,

Lời thơ sưởi ấm giấc cô liêu.

…………………………………

Trong nỗi nhói đau khi nhắc lại sự mất mát gần đây và những ngày tháng u ám xa xưa, cũng có một chút an ủi nhẹ nhàng về những bước vươn lên từ vũng bùn đen của em tôi. 

Tất cả đã khởi đi từ muôn vàn khó khăn, và cũng đã chấm dứt vào cái ngày oan nghiệt giữa năm 2005. Hoài niệm những bước đi qua từng chặng đời của chú ấy, với biết bao là nhớ thương và tiếc nuối. Tất cả đã vào quá vãng khi ngậm ngùi ngoái lại tháng ngày qua: 

Còn ai giẫm trên bãi biển Nha Trang những buổi chiều vàng phai nắng nhạt.

Còn ai để nghe âm vang sóng dồn, dương reo Cam Ranh, Đại Lãnh…..

Còn ai  trở về đứng bên Tịnh Tâm, Trường Tiền, Thương Bạc… nhìn con thuyền lướt ánh trăng, lắng nghe câu hò mái đẩy…

Còn ai dừng chân bên cầu Ba Bến ngắm dòng sông Vĩnh Định mặt nước lững lờ trôi.

Còn ai  ghé qua Chợ Hôm, Chợ Cạn để người quen kẻ biết niềm nở chào hỏi thân thương…

Còn ai in bóng trên đường làng, lối xóm, hớn hở tay bắt mặt mừng dưới hàng tre già vang lời chim mừng mùa lúa mới…

 

Thế là hết, Trần Quốc Triền đã giã từ tất cả.

Xin ghi lại vài hàng chân tình mộc mạc này để chiêu niệm những chặng đời từng có bên nhau. Với lời nguyện cầu cho người khuất bóng sải cánh an bình về phương trời tịnh độ.

 

Trần Quốc Phiệt


Ca.USA  03-2012

READ MORE - EM TÔI: TRẦN QUỐC TRIỀN, NGƯỜI ĐI LÊN TỪ MUÔN VÀN KHÓ KHĂN - Trần Quốc Phiệt

CẢNH TƯỢNG CHÙA LÀNG NGÀY XƯA Ở HÓA CHÂU - Lê Quang Thái

Chùa Giác Lương ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền



CẢNH TƯỢNG CHÙA LÀNG NGÀY XƯA 

Ở HÓA CHÂU

Lê Quang Thái

 

Cảo thơm lần giở trước đèn. Tác giả bài “Quê cha đất tổ” là vô danh mà hữu vị. Bài được đăng trong Học Báo đầu thế kỷ 20. Sách “Tập đọc và thuộc lòng” xuất bản năm 1949 tại phố Hàng Bông – Hà Nội, có đoạn viết để dạy học trò lớp Sơ Đẳng tức lớp 3:

Làng ta có tre rào

Có sông ngòi chuôm ao.

Có đình chùa hội hè sum họp.

Có trường học trẻ con ra vào.

 

Không nói chi đến chữ “Lễ” mà lạ thay ẩn tàng chuyện lễ nghi, lễ nghĩa, lễ phép tại các nơi linh thiêng và giàu ấn tượng đối với tuổi thơ, tuổi trẻ và kể cả người lớn. Diệu kỳ thật !

 

Hội hè ở làng được người làng, người xưa đặc biệt quan tâm từ khi lập làng có chùa, có đình, có trường học, có ban gia lễ hay ban ký tế của làng xã, thôn ấp... Lễ là phần hồn: hồn làng vừa hồn nước vì có làng mới có nước, có nước mới làm cho làng thăng hoa trở thành làng văn hiến, làng chiến đấu để chung vai lo việc giữ làng, giữ nước. Truyền thống tri ân tiền nhân con Rồng cháu Tiên được biểu thị, biểu cảm rõ nét trong Hội chùa, vừa là Hội làng mà ngôn ngữ dân gian gọi là Hội lớn, phiên dịch nguồn gốc từ chữ Hán là “Đại hội”. Ngôn ngữ đã chuyển hóa, biến đổi theo dòng chảy thời gian miên man.

 

Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, Lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Thành đạo là ba lễ lớn của làng, của nước. Hội chùa được khai mở ở các làng quê hoặc thôn ấp, phường trại ở vùng sâu vùng xa, chưa lập chùa thì lập am, lập phổ (tiền thân của Khuôn hội) để lo việc tế tự, dẫn thủy nhập điền... Làng lớn gồm nhiều thôn, nhiều giáp, nhiều phe, nhiều xóm, cho nên ở các thôn còn dựng chùa nữa mà.

 

Dư âm về Hội chùa, Hội làng vào ngày Phật đản còn để lại trong lời tán ca vào thời chấn hưng Phật giáo: “Ngày mồng 8 tháng Tư về đây...”. Ngày ấy, trẻ con vui mừng được theo Bà, theo Mẹ lên chùa lễ Phật. Sung sướng nhất là được “ăn cỗ lợt”, được xem thả cá, thả chim, được uống giếng chùa trong lành mát lạnh...

 

Chùa là trường học, trường dạy chữ Hán. Từ buổi lập quốc nhà chùa đã nhận lãnh vai trò và trọng trách này trước quốc dân. Đương nhiên chùa nước, chùa quan, chùa công, chùa làng...đều có chung một thời điểm lịch sử hoặc sai dịch trước sau một vài năm là cùng.

 

Hơn 700 năm hình thành xứ Thuận Hóa, chùa làng, chùa nước song hành đảm nhiệm chức năng và vai trò trọng yếu trong việc giữ làng, giữ nước và kể cà việc mở cõi nữa bằng con đường thanh bình.

 

Ai đâu lại xem thường bề dày và vai trò của các ngôi chùa làng thuở ban đầu như chùa Giác Lương ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền; chùa Sơn Tùng, chùa Bác Vọng..., chùa Phước Yên ở huyện Quảng Điền, chùa Rau Câu ở làng Nghi Giang huyện Phú Lộc, chùa Giác Thế ở làng Lại Thế huyện Phú Vang, chùa; chùa Khánh Vân  ở làng Lựu Bảo, chùa La Chữ ở làng La Chữ huyện Hương Trà; chùa Phú Bài, chùa Dạ Lê ở huyện Hương Thủy. Kể không hết được.

 

Làng bao nhiêu tuổi thì Đình và Chùa có tuổi thọ lâu đời, lâu kiếp chẳng kém mấy vài năm. Có an cư mới lạc nghiệp, có lạc nghiệp mới an cư. “Đất vua, chùa Làng, phong cảnh Bụt”, và dòng sử Việt cũng là dòng sử Việt. Đất nào mà chẳng là đất vua, theo nhận thức của người xưa. Đất vua có chùa vua, thậm chí trong nội cung có chùa Ni. Tiếng chuông chùa ngân lên, vang xa xóa dần sự phân biệt các loại chùa công, chùa quan, chùa vua, chùa làng, chùa phủ đệ, chùa tư...Các loại chùa đều chung biểu thị một phong cảnh bụt dễ thương, giàu ấn tượng tâm linh. Chùa không những dành cho người sống mà còn cho những người chết. Tuyệt nhiên, không có dị nghị, không có phân biệt.

 

Có thể nêu vài dẫn chứng làm sáng tỏ lấy từ sách Ô Châu Cận Lục viết năm 1553 đời Lê – Mạc: chốn danh lam cỏ hoa man mác (tr. 56, bản dịch Bùi Lương), am Ưu Điềm nở hoa Ưu Bát, chùa Mộc Linh mang tiếng mộc ngư (tr.62), Đường Lang dăm lang cổ tự, sư già ở lẫn khói mây (cùng trang ấy)...Còn vô số, vô số tình tiết nói lên tình đời – tình đạo hòa quyện làm một và thật ấm áp. Chùa quan, chùa công, quốc tự, sắc tứ quốc tự vẫn còn chùa làng, bởi vì cửa chùa không còn cửa quan, mà rộng mở dành cho dân làng lên chùa lễ Phật. Vì vậy khi vua chúa ban cho Chùa biển hiệu không bao giờ ghi chữ “Quốc” đi trước chữ “Tự”. Tìm về ý nghĩa chữ “Tự” mới thấy trong từ thiêng liêng ấy đã ký thác hồn nước, tình làng ở hai chốn “làng – nước” như một “đại triều đình với một tiểu triều đình”. Quân xâm lược phá làng, phá nước. Nước mất nhà tan thì đình cũng hỏng. Đó là cái thời giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Pháp cướp nước, núp dưới các chiêu bài thâm hiểm và dã man. Vì sao? Danh thần Đào Duy Từ đã từng viết trong Tư Dũng Vãn: Phật đình nào khác vương đình. Chùa còn là “đình”, “Hồng Lô tự” mà.

 

Có dân thì có làng, tạo thành nước. Giếng chùa, ruộng chùa, nương chùa, xóm chùa, rú chùa, bến chùa còn đó, đất nước còn đây. Ngôi chùa nhất là chùa làng gắn liền với chuyện sinh – tử của đời người và cả con cháu đời sau. Ngôi chùa tâm linh như có sẵn trong huyết quản, trong tâm thức, trong chủng tử, trong ký ứcc ủa nhiều kiếp người. Chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng đã từng hoát ngộ và trực nhận được kiếp trước mình là Tăng sĩ mới tôn tạo chùa Thiên Mụ và nhiều chùa khác ở Thuận – Quảng; xây hai quốc tự ơ trong kinh thành Huế là Giác Hoàng và Linh Hựu và tôn tạo các chùa lớn, chùa cổ từ Nam chí Bắc, không để cảnh tượng tồn tại và tồn lưu trong nếp sống của thần dân, con đen dân đỏ. Danh thần Phan Huy Ích nhân chứng thời binh hỏa, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ đã viết trong sách “Lược sử Mỹ thuật Việt Nam” trang 227:

 

Am xưa nay biến tế đàn,

Chùa xưa thờ Phật nay toàn để xe.

(Phan Huy Ích)

 

Hình ảnh “Ngôi chùa” như đã cảnh tỉnh nhân tâm thế đạo như Hòa thượng Mãn Giác đã cảm tác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

 

Vai trò của Làng, chùa thôn là như thế. Có chùa cổ xinh xinh, nhưng có Phật vàng sáng ngời hào quang chiếu rạng.

 

L.Q.T

Nguồn: lieuquanhue.vn, 12/06/2011.

READ MORE - CẢNH TƯỢNG CHÙA LÀNG NGÀY XƯA Ở HÓA CHÂU - Lê Quang Thái

PHAN PHỤNG THẠCH (5) - Thơ Chu Vương Miện

 


PHAN PHỤNG THẠCH (5)

chu vương miện

-

miệng bằng tay tay bằng miệng

được đằng chân lân đằng đầu

mới còn nằm ngủ đó

đớp được cục xương

tỉnh người sủa gâu gâu

-

những trưa trên dòng Thạch Hãn

ngâm mình giữa dòng nước trong

giữa sông là bờ cát nổi

lá thuyền xuôi mái về đông

bên kia Nhan Biều xanh ngát

luỹ tre tiếp tiếp trùng trùng

chuyến tàu qua ga mệt mỏi

tình người ơi hỡi dòng sông ?

-

sống thác có mạng

sống thêm 1 giờ không được

chết sớm 1 giờ không xong

sống còn chết hết

muốn làm thơ làm không được

muốn bẻ bút mà không xong

ôi cắi kiếp con tằm


cvm


READ MORE - PHAN PHỤNG THẠCH (5) - Thơ Chu Vương Miện

NGÀY VỀ - Thơ Đoàn Vũ

 

Nhà thơ Đoàn Vũ

ĐOÀN VŨ 

Ngày về

 

Ngày về hiu hắt hơi thu

Võng ai xới ngọt lời ru rát chiều

Quê nhà sao quá quạnh hiu

Con chim chiền chiện vướng chiều ngẩn ngơ

Lang thang cầu ao đôi bờ

Giọng ai nhỏ nhẹ?...dáng xưa…giật mình

Ngày về xới góc tâm linh

Khói sương ẩn hiện bóng hình mẹ cha…

Cúi hôn nấm đất quê nhà

Vọng nghe đất nói mặn mà trong tôi

Hàng cau lạnh chỗ ngoại ngồi

Có, không? Chiều tím thay vôi têm trầu

Ngày về mẹ cha…còn đâu

Chỉ nghe sương khói trên đầu bơ vơ…!

 

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận.

Email: vudoan0102@gmail.com.

 

READ MORE - NGÀY VỀ - Thơ Đoàn Vũ