MAI EM CÓ VỀ
(Nhân đọc bài
“Huyện trũng” của Nhà thơ Võ Văn Hoa)
Với một đầu đề
tưởng chừng chẳng ăn nhập gì đến nội dung bài thơ, Võ Văn Hoa đã cất một lời mời
để “em” về huyện trũng quê anh. Nhưng về để làm gì? Lời mời đó ắt sẽ có câu trả
lời khi chúng ta đọc hết bài.
Thường thường, khi tự nói về mình, người
ta hay nói về những điều tốt đẹp nhất, nhưng với anh thì không, anh không dùng
những câu từ hoa mỹ mà đơn giản chỉ là một lời mời, một câu hỏi mà như không phải
hỏi:
“Em có về huyện
trũng quê anh
Tháng ba chớm
nắng thoáng yên lành”
Trong cái nắng tháng 3 bình yên là vậy,
dung dị là vậy, với những lấm tấm vàng hoa mướp rụng đầy triền đê trong một chiều
gió thoảng ngọt ngào mùi khói rạ chiều hôm của một vùng quê yên lành, để rồi
anh lại cất lên lời nói, lời kể về quê mình, một miền quê nghèo đầy trắc ẩn:
“Ai hay rốn
lũ vừa qua ấy
Còn lại bây
giờ những mộ xanh!
Những xác xơ
cây, những nhà che tạm
Mẹ hiền ơi,
tóc bạc lưng còng
Lúa đã gieo rồi
trở về đất trắng ”
Có thể vì một lý do tế nhị nào đó mà
anh không trực tiếp mời “em” về quê anh, nhưng trong suy nghĩ của bản thân, anh
luôn muốn có “em” hiện diện, để cùng anh gánh bớt vất vả lo toan, sẻ chia những
buồn vui cuộc sống, bởi ở đó luôn sâu nặng ân tình:
“Những bước
chân non vương bùn non đến lớp
Những cuốn vở
nghĩa tình, những mái che tôn lợp
Bài giảng hôm
nay sâu thẳm “nhiễu điều...”
Ai đó đã từng nói: Khi theo một dòng
sông trôi đi, ngoảnh lại ta mới thấy hết những gì được và mất. Không biết điều
đó có đúng hoàn toàn hay không, nhưng với quê anh, sau những giọt nước mắt đau
thương, mất mát, bây giờ nụ cười đã hiện diện, đã “thức dậy những mầm xanh” và:
“Ngày mới quê
hương trên đường đổi mới
Bão lụt qua rồi
- xốc hành trang đi tới
Hải Lăng ơi
quê mẹ anh hùng!”
Cả bài thơ
không có câu chữ nào nói về tình yêu, nhưng đó là sự pha trộn giữa cảm xúc - lý
trí, nó chất chứa một tình yêu nồng nàn, tha thiết và tình yêu đôi lứa đó đã được
anh nâng lên thành tình yêu quê mình...
Phải cảm ơn anh, cảm ơn người làm thơ
đã cho chúng ta thấy cuộc sống như có ý nghĩa nhiều hơn nữa vì trong những
thăng trầm hệ lụy của đời người, ta có thêm những người bạn đồng hành. Xin mượn
hai câu thơ của Girbal để gửi đến anh, gửi đến những người đồng cảm:
“...Cảm ơn đời
mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm
ngày nữa để yêu thương...”
Võ Văn Hoa là vậy đó. Anh đã dùng những
ngôn từ bình thường nhất, dung dị nhất để nói về quê mình. Anh làm thơ, đến với
thơ như một lẽ bình thường, rất đơn giản như anh tự lấy câu chữ có sẵn ở túi để
sắp xếp cho trật tự. Bài thơ đã khép lại, nó như một cuốn hồi ký được lật từng
trang nhẹ nhàng về một vùng quê bình dị nhưng rất thiết tha. Hẳn không ít người
con gái, khi đọc xong, trong tâm tưởng, lại có thể từ chối một lời mời nhẹ
nhàng mà sâu sắc, chân thành mà cảm động như thế, bởi:
“Mai em có về...
Mai em có về...
Về làm dâu quê anh!”.
Hải Chánh, tháng 08 năm 2005.
NỖI NIỀM TRẮC ẨN QUA BÀI: “MÙA LŨ”
Cũng không biết
có chủ quan nhiều lắm không, khi tôi gọi nội dung bài “Mùa lũ” của anh là nỗi
niềm trắc ẩn, bởi theo suy nghĩ của bản thân mình, góp nhặt từng li từng tí qua
những lần đọc, tôi cảm nhận được sự sâu lắng, thâm thuý, đầy lòng trắc ẩn mà anh
đã trãi mình qua những vần thơ.
Chỉ riêng
hình ảnh mùa lũ, anh đã làm nên một bài thơ nao lòng, như một lời dự báo, nghe
qua, tưởng chừng nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng thật ra là cả một nỗi niềm:
“Thế nào trời
cũng sa mưa
Quê mình đã mưa là lũ”
Anh đã dự báo, đã chạm vào đúng nỗi lo,
đúng tâm trạng của mọi người, anh đã
trãi lòng mình ra như một lời nguyện cầu thao thiết:
“Nước sông
tràn vào nhanh thế
Cong đuôi cá nhảy lên bờ”
Để rồi:
“Ngược xuôi
em về thuyền máy
Thương cho mấy bác canh điền”
Võ Văn Hoa
sâu lắng, lo nghĩ là vậy, nhưng nếu tinh ý, ta cũng sẽ nhận ra được nét hồn
nhiên, lạc quan của anh qua những vần thơ còn lại:
“Các em đã học
chạy lũ
Bây giờ với lũ sống chung
Một ngày tôi
về Hà Lỗ
Chim trời sãi cánh bao dung…”
Vâng, nếu ai đã từng một lần sống chung với
lũ, mới thấm thía được nỗi lo lắng đời thường của con người lúc đó.
Chao ôi! Sao
mà da diết, mà nặng lòng đến vậy! Mỗi một mùa lũ về là một kỉ niệm lại chất chồng
trong anh. Kỉ niệm hiện hữu, lung linh, lắng đọng, đan quyện vào nhau đến mức
Anh xem nó như là một phần của cuộc sống, để rồi sẽ sống chung cùng lũ.
Bài thơ đã kết thúc, nội dung không dài mà
cũng chẳng hề nhiều, mà chỉ chấm phá một vài nét về mùa lũ. Bây giờ, đã qua những
ngày mưa lũ, đã qua những ngày “nước sông tràn về”, nhưng giữa cảnh sắc hiện tại
và những ngày đã qua. Đọc bài thơ, ta như nghe những dòng âm thanh nhẹ nhàng mà
mang chút ngầm ngợi và suy tư, lắng đọng như muốn đưa ta về với nổi niềm xưa
cũ.
Mạo muội nói lên suy nghĩ của mình về thơ anh,
rất mong được sự lượng thứ. Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy ở anh có những nghịch lý
trong cách viết, nhưng lại là nghịch lý rất dể thương, rất đời thường và đầy
thú vị.
MÙA LŨ
Thơ Võ Văn Hoa
Thế nào trời
cũng sa mưa
Quê mình đã mưa
là lũ
Ô Lâu đôi bờ
tích cũ *
Mang theo từ
một mái chèo!
*
Nước sông
tràn vào nhanh thế !
Cong đuôi cá
nhảy lên bờ
Phù sa thấm
vào cốc mễ
Ngon từ Văn
Quỹ, An Thơ...
*
Làng Rào, Phú
Kinh ** còn đó
Chầm, sào giờ
đã treo lên
Ngược xuôi em
về thuyền máy
Thương cho mấy
bác canh điền !
*
Các em đã
"học chạy lũ"
Bây giờ với lũ
sống chung
Một ngày tôi
về Hà Lỗ
Chim trời sải
cánh bao dung...
Hải Lăng, những
ngày lũ
06/9/2009
Hải Chánh, ngày 06
tháng 10 năm 2009
Nguyễn Thị Lai
GV trường THCS Hải Chánh
Xã Hải Chánh, Hải Lăng, Q. Trị
laimeo2009@yahoo.com