Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 7, 2014

GỢN SÓNG SÔNG HƯƠNG - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Sông Hương, dòng sông tạo nên diện mạo kinh thành xưa 
và thành phố Huế ngày nay.


1. Nói tới Huế, không thể không nhắc tới sông Hương. Sông Hương, dòng sông mang cái tên dịu dàng ấy gắn liền miền đất cố đô, là một phần của Huế. Thật khó có thể tưởng tượng Huế không có sông Hương. Ấy là nói vậy thôi chứ đương nhiên sông Hương là dòng sông của Huế, sông Hương là một phần của Huế; và sông Hương cũng là Huế. 


Suốt mấy trăm năm, sông Hương chảy qua trước kinh thành Phú Xuân, hay nói cách khác; tòa thành của nhà Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng được xây dựng trên một bố cục tổng thể hài hòa với thiên nhiên theo những nguyên tắc của Dịch học; mà ở đó dòng sông có ảnh hưởng lớn. Sông Hương đã tạo nên gương mặt của cả kinh thành Phú Xuân; và trải qua bao biến cố trầm luân của lịch sử, sông Hương cũng vẫn tạo nên vóc dáng của thành phố Huế bây giờ. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì sông Hương là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch thành phố Huế.


Sông Hương chia thành phố Huế làm đôi: bờ bắc và bờ nam. Bờ bắc là kinh thành cổ xưa, là lầu son gác tía, là những kiến trúc rêu phong in dấu thời gian… của một thời vang bóng. Bờ nam là phố mới, là đô thị mới, là sức sống, là sự phát triển… Một bên là quá khứ, là tĩnh lặng; một bên là hiện tại và tương lai, là những âm thanh sôi động. Đôi bờ sông, như thể hai sự đối lập, nhưng lại vẫn hài hòa, tương hỗ, tôn cao lẫn nhau; không lấn át nhau. Ở giữa là dòng sông, với những gợn sóng, những gợn sóng bao đời của dòng sông êm ả. 


Cầu Trường Tiền với những vòm cong mềm mại
 như gợn sóng của sông 
2. Năm 1897 (tức năm Thành Thái thứ 9), cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương được chính quyền Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng ở phía tả kinh thành, và hoàn thành sau 2 năm xây dựng – năm 1899 (năm Thành Thái thứ 11) Cây cầu thép đã có nhiều tên và cuối cùng được gọi là cầu Trường Tiền ấy; là một trong những cây cầu thép được xây dựng đầu tiên ở Đông Dương, và nhiều tuổi hơn cả cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội - vốn nổi tiếng là một cây cầu thép quy mô, lớn nhất Đông Dương và châu Á bấy giờ (1899-1902).

Sông Hồng vốn là một con sông dữ dội, sông Hương êm đềm hơn rất nhiều. Cầu Long Biên dài 1682m, gấp hơn 4 lần chiều dài cầu Trường Tiền (401m), cầu Long Biên có 19 nhịp, cầu Trường Tiền 6 nhịp (mà dân gian vẫn quen gọi ngược cho thuận vần trong câu ca dao là “6 vài 12 nhịp” - thực chất là “6 nhịp 12 vài”). Không rõ vì lý do kết cấu xây dựng, hay đơn giản là ý đồ sáng tạo trong tạo hình của những tác giả thiết kế; mà hình dáng cầu Long Biên ở Hà Nội có góc cạnh, mạnh mẽ, khỏe khoắn… còn hình dáng cầu Trường Tiền ở Huế lại dịu dàng, mềm mại, điệu đà…

Dẫu thế nào thì hình ảnh cầu Trường Tiền với những vòm cong soi bóng xuống dòng sông đã trở thành một nét đẹp không phai, một biểu tượng, in dấu trong lòng người dân xứ Huế và cả những người yêu mảnh đất cố đô. Sau này, trên phạm vi thành phố Huế có những cây cầu khác lớn hơn bắc qua sông Hương như cầu Phú Xuân, cầu Chợ Dinh, và gần đây nhất là cầu Dã Viên; thì cầu Trường Tiền vẫn là tâm điểm số 1. Trường Tiền như một món trang sức dành riêng cho dòng sông thơ mộng.

Phải chăng những nhịp cầu cong cong chính là những gợn sóng sông Hương?


Mái sóng ở khách sạn Century -
thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ
3. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, người con xứ Huế cũng đã để lại nhiều công trình ở mảnh đất quê hương, trong đó có những công trình nằm ngay bên dòng sông êm ả. Những công trình của ông đều mang dấu ấn kiến trúc hiện đại, nhưng lại chắt lọc những gì tinh tế nhất của kiến trúc và văn hóa truyền thống. Sáng tạo kiến trúc trong một bối cảnh không thuận lợi, nhưng dường như những thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vượt qua những rào cản chính trị - xã hội đương thời, để trở thành những tác phẩm có giá trị bền vững. Những công trình ở Huế của ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ.


Cổng trường Đại học Sư phạm -
thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ
Phải chăng những gợn sóng sông Hương là nguồn cảm hứng cho những đường nét kiến trúc nhấp nhô ở lớp mái? Hay cũng có thể là những nhịp cong của cầu Trường Tiền được kéo dài ra mãi? Có lẽ đó không chỉ là một cảm hứng đơn thuần, đơn lẻ mà trở thành một nguyên tắc tạo hình có tính hệ thống. Những công trình nằm bên sông như khách sạn Hương Giang, khách sạn Century, Viện Đại học Huế (nay là trường Đại học Sư phạm Huế) là những khối nhà trải dài, đều mang những gợn sóng nhấp nhô trên mái; thậm chí cả trên cổng. Điều rất thú vị ở những “gợn sóng mái” này  được tạo hình nhấp nhô trên cả mặt đứng lẫn mặt bằng; và vì vậy, dù đứng ở bất kỳ đâu, xa hay gần, thấp hay cao thì vẫn cảm nhận được những gợn sóng, như đang chuyển động, hòa cùng dòng sông.
Khối giảng đường trường Đại học Sư phạm.
Ở góc nhìn này cho thấy sóng mái“lượn”cả trên
 mặt bằng

Đó như một nét riêng độc đáo, một phong cách tác giả, thể hiện một sự nhất quán, kiên định; và cũng thể hiện một tư duy kiến trúc có chiều sâu của những bậc thầy!

4. Cầu Trường Tiền đã soi bóng trên dòng sông Hương hơn một trăm năm, vắt qua 3 thế kỷ, qua bao thăng trầm lịch sử. Còn sông trôi đã mấy ngàn năm? Những con sóng cứ miên man, những gợn sóng nhấp nhô vô tận theo cả không gian và dòng thời gian…


Mái chợ Đông Ba
Và chắc cũng vì lẽ đó, hình ảnh những con sóng, những gợn sóng như một nét riêng của kiến trúc Huế. Gợn sóng và dòng sông trở thành một niềm cảm hứng sáng tạo, trở thành một hình tượng biểu đạt, một đối tượng khai thác của chủ nghĩa hình thức. 

Có thế đó là một điều thú vị, rất riêng, rất đẹp và tinh tế; đôi khi cũng có thể như một sự ngộ nghĩnh đầy đáng yêu. Hình ảnh những gợn sóng được nhắc lại như một điều dễ hiểu. Những gợn sóng ở mái nhà, mái sảnh, mái cổng… tạo nên những nét cong mềm mại, 
Mái khối sảnh khán đài Sân vận động Tự Do
gợi cảm giác dàn trải và bình lặng - nhưng không tẻ nhạt. Những công trình cũ hay mới xây gần đây; to hay nhỏ đều có thể có hình ảnh những gợn sóng. Có cảm giác rằng, đưa được những con sóng vào công trình, lên mái nhà chính là một niềm tự hào. Đó có thể là những gợn sóng ở sông, đó có thể là vòm cong của những nhịp cầu, và đó cũng có thể chính là “phiên bản” mái của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Dù nguồn gốc có thế nào, thì đó vẫn là một nét riêng đáng nhớ, đáng trân trọng. 

Đó là Huế, những gợn sóng sông Hương!

Hà Nội 07/10/2012 
Nguyễn Trần Đức Anh


READ MORE - GỢN SÓNG SÔNG HƯƠNG - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

BẢY NĂM EM HỌC TRƯỜNG Y - thơ Phan Minh Châu




Bảy năm trời em học ở trường Y
Anh vẫn đợi bởi thương hoài sắc áo
Anh là lính buồn vui nơi hải đảo
Chỉ đôi ngày lại nhận một phong thư
Viết cho anh em kể chuyện buồn vui
Những câu chuyện tưởng chừng không thể nhớ
Những câu chuyện nơi quê nhà thuở nhỏ
Chơi trốn tìm anh bắt được em đâu ?
Rồi lớn lên ngày tháng bỗng qua mau
Anh vào lính còn em vào đại học
Thương cha mẹ già nua còn khó nhọc
Em lo rèn chữ nghĩa bỗng quên năm
Thuở yêu em còn thoảng chút hương thầm
Cứ vấn vít trên làn môi kẻ tóc
Cầm chiếc khăn tay đôi lần em muốn khóc
Sợ tháng ngày hun hút sẽ phôi pha
Rồi năm dài tháng lụn cũng đi qua
Anh vẫn lính còn em thành bác sĩ
Em hơn anh tấm bằng và học vị
Nhưng tâm hồn vẫn ngan ngát hương cau
Tự nhũ lòng bác sĩ có gì đâu
Em vẫn vậy suốt đời trong sáng mãi
Một cánh hoa thơm một màu hoa dại
Trải lòng mình san sẻ những yêu thương
Hai mảnh đời trôi dạt ở  muôn phương
Anh cầm súng đêm canh trời, chốt biển
Em năm tháng miệt mài trong bệnh viện
Lấy cuộc đời y đức để tìm quên

PHAN MINH CHÂU


READ MORE - BẢY NĂM EM HỌC TRƯỜNG Y - thơ Phan Minh Châu

GỞI LẠI CẦN THƠ - thơ Trúc Thanh Tâm

- Để nhớ ngày rời Cần Thơ đến Châu Đốc 1989



Lành lạnh sương giăng đêm huyền ảo
Hương tóc em quấn quýt khoảng trời
Ta đứng bên nầy bờ hiện tại
Quay nhìn thơ ấu đã rong chơi

Đò nhỏ đưa ta qua bến đợi
Người vớt giùm ta chút hồn nhiên
Ánh mắt em nhìn đời rất lạ
Trong mỗi người có cái ngu riêng

Ngồi quán cà phê, trưa khói bụi
Nhớ em áo tím xóm Cả Đài
Nhớ chuyến xe Lam về Bình Thủy
Thương bạn mình rớt tú tài hai

Mưa Cái Răng dạt về Tham Tướng
Mấy cô bạn nhỏ đã lấy chồng
Ly rượu đầy vơi đời khốn khổ
Kinh còn buồn đừng nói chi sông

Hương một thuở mùa thu chưa tắt
Mắt huyền sương và mái tóc dài
Ta chưa quên nhưng không nhờ hết
Đêm Xóm Chài một ánh trăng phai !


TRÚC THANH TÂM
READ MORE - GỞI LẠI CẦN THƠ - thơ Trúc Thanh Tâm

MIỀN CỔ TÍCH - Trường Hải Lê Văn Đông




                  Xin hãy để cho người xưa phán quyết,
            Lẽ nhân sinh ân oán phải rõ ràng !
            Lớp hậu thế đừng ý mình dũa gọt,
            Bởi cổ tích xa – giấc mơ đẹp cuộc đời!

           
            Thương cô Tấm đời chịu nhiều mất mát,
            Từ tro tàn chim phượng vút bay lên!
            Đừng xét nét nghĩ rằng cô Tấm ác,
            Việc trả thù mẹ con Cám, đương nhiên!

             
            Chịu khó, siêng năng, túp lều, cây khế,
            Người em hiền xứng đáng hưởng giàu sang!
            Thùng không đáy, người anh tham, ích kỷ,
            Kết cục buồn: quăng xác giữa trùng dương!

             
            Chàng Thạch Sanh sống chân tình, nghĩa hiệp,
            Chú cừu non giữa bầy sói tham tàn!
            Mẹ con Lý Thông trời tru, đất diệt,
            Với người xưa vay trả thật công bằng!

                  
            Gặp khổ đau người xưa vẫn lạc quan,
            Trong đêm tối nghĩ bình minh sẽ đến.
            Khát vọng đổi đời gửi miền cổ tích,
            Giấc mơ hồng…đừng dệt lại người ơi!
             
                                           Đỉnh Sơn 7/1/2014
                                                                Trường Hải Lê Văn Đông

                                          
READ MORE - MIỀN CỔ TÍCH - Trường Hải Lê Văn Đông

HIỆN TƯỚNG CHÁNH PHÁP - Mặc Phương Tử


                                            Tưởng niệm ngày Phật Thành Đạo.
                                                                      PL. 2557.

Tịnh xá Ngọc Châu.
Ảnh từ golive.vn


Ở những ngày tháng cuối năm Quí Tỵ, trước và sau lễ Noel, không khí  Miền Nam năm nay đã khá lạnh hơn những năm trước đây, riêng  ở những vùng Cao nguyên Trung phần, nhứt là những tỉnh  miền cao, vùng tuyến đầu đất nước, thậm chí có nơi tuyết đổ  lên đến 2, 3 tất!

Cùng với tiết trời lạnh lùng u uẩn ấy, theo lệ thường, khi bước sang đầu tháng Chạp (tháng 12 al), mặc dù ngày nay, thông tin toàn cầu về ngày lể Tam hợp (Vesak) , trong ấy gồm Phật Đản, Phật Thành Đạo, và Phật Nhập Niết Bàn. Nhưng không ít những Đạo tràng Tự Viện, Tịnh Xá .v.v… vẫn giữ thông lệ lễ kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo (mùng 8.tháng Chạp hằng năm), ngày mà đa phần những người đệ tử Phật, hay có niềm kính tin về Đạo Phật, hoặc đi đến đạo tràng tu học nghe pháp, hoặc trì kinh, lễ bái cầu nguyện, hoặc làm những điều phước thiện, hoặc đóng góp vào những tổ chức phước thiện nào đó trong xã hội.

Và cũng chính trong lễ hội nầy, chúng tôi được thỉnh cầu đến chứng dự lễ kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo, mà cũng là ngày lễ “khai đục tạc tượng” Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tại Đạo tràng TX. Ngọc Châu. Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang do Đại Đức Minh Điền tổ chức.

 Nguyên là 2 khúc gỗ hương (một trong những danh mộc hiếm quí), mỗi khúc có chiều cao 1m50 và đường kính 1m05 do hai Đại Đức trụ trì Tịnh Xá Ngọc Châu và Tịnh Xá Ngọc Liên đã nhiều ngày tìm kiếm, với ước nguyện tạc thành hai bảo tượng Đức Bổn Sư để được tôn trí tại 2 Đại hùng bửu điện. Đến chứng dự lễ cầu nguyện có đông đủ Chư tôn Giáo Phẫm, Tăng Ni và quí thiện hữu trí thức, Phật tử gần xa cùng góp phần và tham dự.

Trong khung cảnh buổi lễ trang nghiêm thanh tịnh nầy, một thoáng, chúng tôi nhớ lại bài kinh Tương Ưng 5, thiên Đại phẫm, chương 1. Ở đây, Đức Phật đã lấy ví dụ tương ưng với điềm tướng báo trước mà làm duyên cớ để hướng dẫn đại chúng tỳ kheo thực hiện sự tu tập, để đem lại lợi lạc chúng sanh, chư thiên và loài người…

“Nầy các tỳ kheo,  như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, nầy các tỳ kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh Đạo tám ngành sanh khởi chính là đầy đủ như lý tác ý … chính là bạn hữu với thiện.” Tương ưng  (S.v. 31).

Qua đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy, lời dạy của Đức Phật thường dựa vào hiện tượng chuyển động của mọi sự vật, để từ đó nói lên phương pháp, con đường dẫn đến tịnh hóa tâm thức, vượt thoát mọi khổ đau. Không có vấn đề nào là không có nhân duyên, không nhân quả của nó, sự hiển bày hiện tượng cũng chính do sự vận hành của các pháp nhân duyên, và hiện tượng luôn cho ta thấy biết những điều sẽ đến trong ta hay trong cuộc sống quanh ta, trong mọi lảnh vực cùng có mặt như ta.

Nếu như mặt trời mọc là hiện tướng, điềm báo trước là bình minh hay bình minh là điềm tướng báo trước là do mặt trời mọc phương đông, cũng như tất cả mọi sự việc trong xã hội cuộc sống con người, nói chung trong hành tinh mà chúng ta đang có mặt như thế nào trong sự sanh hóa hạnh phúc bình yên hay tiêu tàn loạn khổ và hủy diệt.v.v… đều manh nha từ những ý niệm, việc làm thuận theo lẽ phải, thích hợp với lẽ phải, hay bởi những ý niệm ác quấy, khuynh hướng theo ác quấy. Đó là những hệ quả “của cái đi trước, là điềm tướng báo trước…”

Cùng cách ấy, Chánh pháp của Đức Phật hay Đạo Phật được tồn tại lâu dài, đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sanh, chư thiên và loài người lâu dài, thì cũng dựa vào “ cái đi trước, và điềm tướng báo trước…” Ở đây, cái gì đi trước, cái gì là điềm tướng báo trước ? Chính đó là “như lý tác ý, và biết làm bạn với thiện…”.

Vẫn biết rằng : trong mọi hình thức tồn tại giữa tinh thần và hiện tượng vật chất, giữa cái ác và cái thiện, giữa cao thượng và thấp kém.v.v… luôn có mặt và song hành trong đời. Thế nhưng, nếu như ác tư duy mỗi ngày một tổn giảm từ bản thân, gia đình và xã hội, thì mặc nhiên những điều thiện tư duy sẽ được sanh trưởng và tăng trưởng một thêm lớn mạnh cũng từ bản thân gia đình và xã hội, thì sự thành tựu trong sáng lành mạnh nào, hạnh phúc an vui nào có thể cao đẹp hơn ? Những điều bất an, rối khổ cho cộng đồng sẽ phải bám víu bào đâu để mang lại bao nảo loạn cho nhiều người?  Phải chăng từ “như lý tác ý hay biết làm bạn với thiện” mà có được như vậy?

Đến đây, Đức Phật giúp chúng ta có được hành động cụ thể và chi tiết hơn, không để rơi vào những trạng huống vô bổ bởi những ý tưởng suông suồng, lừa gạt do truyền tụng ca ngợi  những cảm giác ảo. Ngài dạy : … “Và nầy các tỳ kheo, thế nào là tỳ kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành”.

Như lý tác ý là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là hành động tu tập từng chi phần của Thánh đạo tám ngành (Bát Thánh Đạo). Bởi vì có lưu xuất thông đạt cái thấy, sự suy nghĩ đúng đắn… hợp theo lẽ phải (chánh) thuận theo đạo lộ của bậc Thánh, thì được xem đây là sự siêu hóa tâm hồn. Vì rằng : Bát  Thánh Đạo đã sẵn đầy đủ Giới Định Tuệ hay trong Giới Định Tuệ đã đầy đủ Bát Thánh Đạo, chính đây là cốt tủy của Đạo Phật, vượt thoát mọi phạm trù lý thuyết. Nhưng sự tu tập như thế nào để có được sự vượt thoát ấy, trong khi chúng ta đang có mặt trong đời, sự thấy, biết, nghe, va chạm.v.v… ít nhiều vẫn phải đến với chúng ta, hoặc tự trong mỗi chúng ta phải đối mặt, cho đến điều gì sẽ xảy ra ? Do đó, Đức Phật dạy tiếp :

“ Ở đây, nầy các tỳ kheo, các tỳ kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ…”
                            
Lời dạy ấy không chỉ dành cho chúng đệ tử (xuất gia và tại gia) mà còn hướng đến toàn thể loài người chưa có lòng kính tin về giáo lý của Ngài. Ở một góc nhìn nào đó, ta có thể thấy và biết rằng : nếu hành động nào phát xuất từ cái nhìn và suy nghĩ đúng đắn, thì điều ấy, trước hết cũng chính là hệ quả tốt đẹp đối với tự thân và sau đó đến cho mọi người. Do có tu tập chánh quán mà thấy ra rằng : “Khổ, Vô thường, Vô Ngã”, do có tu tập chánh quán mà thấy ra rằng “viễn ly tham ác” sẽ đem lại an lạc thường tại, do có tu tập chánh quán mà thấy ra rằng : “hướng đến từ bỏ” mọi chấp trước tham, sầu ưu não ở đời. Và cũng không phải vì một hình thức nào đó mà chúng ta phải ruỗi dong tìm kiếm một vài tia ấm lạc thú thường tình, để rồi thời gian là câu trả lời, là sự mục rữa như bao câu chuyện giữa dòng đời chung đỉnh.!

Phải đâu chúng ta cố làm điều gì đó để thể hiện sự hoành tráng, đồ sộ, lộng lẫy của mớ vật chất thế đời, rồi coi đó như là “cái đi trước và điềm tướng báo trước...” điều ấy không hẵn phù hợp với giáo lý vô ngã của Đạo Phật. Ta có thể thổi vào, tạc vào cuộc đời bằng một Phật chất, tự mình không vì lợi dưỡng tham cầu, và giúp người nhận biết không vì lợi dưỡng tham cầu, biết tu tập, thực hành hạnh viễn ly, hướng đến từ bỏ và chuyển hóa những phàm chất để được trở thành một Phật chất, thì đây chính là hiện tướng của chánh pháp, điềm báo trước của chánh pháp, vì chánh pháp có tồn tại là do “như lý tác ý có tu tập đầy đủ, biết làm bạn với thiện”. Bậc đạo sư Shantideva đã giúp cho chúng ta từng bước hiện hóa vào đời bằng một khái nhiệm : “Tất cả những việc làm vô hại mà lợi ích cho hữu tình, con đều sai khiến thân nầy làm hết. Nguyện cho ai trông thấy con đều được nhiều lợi lạc”.
                                             (Nhập Bồ Tát  Hạnh, chương 3).

Trở lại vấn đề trên, nếu như bình minh (rạng đông) là hiện tướng của mặt trời mọc, đem lại ánh sáng cho ngày, điềm báo bóng tối không còn, thì điềm tướng báo trước, chờ đợi được tu tập Thánh đạo tám ngành,  chính là “như lý tác ý”. Đồng thời,  như những lời cầu nguyện  an lành thổi vào, tạc vào khúc gỗ để trở thành một đức Phật với thân tướng trang nghiêm, có vô lượng hào quang, có vô lượng công đức, và có vô lượng an lạc cho khắp chúng loài hữu tình, thì đây nếu không phải là “cái đi trước và điềm tướng báo trước” là hiện tướng của chánh pháp ?

Hôm nay, để đánh dấu ngày tưởng niệm Phật Thành Đạo bên dòng Ni Liên huyền sử xưa, mà trước đây đã trên 2500 năm TTL, bấy giờ và hơn bao giờ hết,  Đức Phật đã thật sự có mặt giữa thế đời bằng sự tịnh hóa thuần khiết tâm tư, Ngài thật sự vượt thoát ngoài vòng hệ lụy, danh lợi tước quyền, thân thuộc… Sự có mặt đích thực của Ngài chính là sự diệt tận mọi lậu hoặc, đạt vào quả vị Chánh Đẳng Chánh giác, tịch tịnh Niết bàn. Mặc dù Đức Phật đã vào Niết bàn, nhưng dòng sông huyền sử xưa vẫn triền miên xuôi ngọn chảy vào hằng triệu trái tim còn cưu mang sức sống từ nơi đạo giải thoát của Đức Phật.

Tác giả Mặc Phuong Tử.
Ảnh từ datdung.com
Với buổi lễ “khai đục tạc tượng” được xem như là một nghĩa cử phát tâm thực hành chánh lý, tu tập và hiện thực chánh pháp trên con đường Thánh đạo tám ngành, để thổi vào đời, tạc vào đời một Phật chất, và cũng chính cái nhân ấy là “cái đi trước và điềm tướng báo trước…” cho chúng ta biết rằng : vẫn còn chánh pháp ở đởi, mà cũng là sự phát tâm bồ đề  chốn ba cõi vô an của người đệ tử Phật.

                 Long Xuyên, ngày tưởng niệm Phật Thành Đạo,                   
                Tháng Chạp, năm Quí Tỵ, 2013.


                                                       MẶC PHƯƠNG TỬ.
READ MORE - HIỆN TƯỚNG CHÁNH PHÁP - Mặc Phương Tử

Cô giáo Hoàng giới thiệu PHẠM NGỌC THÁI VỚI TẬP "PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA" (Tiếp theo kỳ trước) -


Bìa 1 tác phảm PHÊ BÌNH & TIẾU LUẬN THI CA của Phạm Ngọc Thái.
NXB Văn Hóa -Thông Tin, Hà Nội, 2013



Trong bài giới thiệu ở đây, tôi xin trích từ trong tập "Phê bình & tiểu luận thi ca" hai bài bình thơ: một bài thơ đời, một thơ tình... của hai tác giả - Đó là nữ nhà giáo Diễm Loan và nhà văn Đào Viết Minh, để bạn đọc bốn phương thưởng lãm thêm cái hay cùng sự phong phú, sâu sắc trong bàu trời thi ca Phạm Ngọc Thái.

  
    1- Trước hết nói về thơ Đời - Một bài thơ khóc tang sâu sắc:

             LÀM MA EM VỢ              
                       Kính viếng hương hồn cụ Nguyễn Du

Em kết liễu, tự giải thoát mình khỏi " kiếp" !
Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi...
Anh thắp cho em một nén nhang đời
Và lễ tạ: Nam-mô-di-phật!

Người sống đưa chân người chết đây
Đầu bạc làm ma mái xanh này
Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ
Em nhởn thanh xuân lại vội quay.

Em ơi: chữ “kiếp” trước chữ “người”!
Sống cần cố gắng. Chết rồi thôi
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ... (*)
Anh ở vì chưng trả nợ đời.

                                 Phạm Ngọc Thái
                        (Trích tập Rung Động Trái Tim)

(*) Ý câu thơ dựa theo thuyết bản mệnh ở Phật giáo - Trong tác phẩm Kiều của Nguyễn Du: Nàng Kiều trẫm mình trên dòng sông Tiền Đường muốn quyên sinh nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu. Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời!

                 Lời bình ĐÀO VIẾT MINH:

     "Làm ma em vợ" là một bài thơ khóc. Đứng trước bao cảnh đời khốn khổ trên bờ bến nhân gian, với tâm khảm xót xa một người em vợ, nhà thơ đã viết ra bài khóc tang này:
                        Em kết liễu, tự giải thoát mình khỏi "kiếp" !
                        Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi...
    Hai câu mở đầu cách thức cảm xúc của tác giả, giọng điệu tựa như những lời khóc van khi đưa đám trong dân gian. Ta xem trong câu hai, nửa vế đầu viết: " Chết thật hèn", nửa vế sau lại nói:"... nhưng sống thế càng ôi" - Như thế là ngay trong một câu thơ đã đưa ra hai nhận định về cả lẽ sống và cái chết của người em vợ. Chết như nó thì dở, thì hèn - Còn sống mà sống kém, sống tệ như vậy cũng…? Bởi đây là bài thơ khóc trước vong linh em, có thể trách nó về sự chết uổng, chết phí... thì còn được, nhưng nếu đem cả cách sống tệ ra trách móc trước mồ mả em, e sẽ trở thành bất nhẫn?

      Tôi xin trích những lời của Hoài Thanh khi nói về cái chết của Hàn Mặc Tử trong Thi Nhân Việt Nam, ông đã viết: "Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ chết rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn".
      Trở lại với bài Làm Ma Em Vợ  -  Thế là lòng nhà thơ mâu thuẫn. Muốn viết một bài thơ khóc tang sâu sắc thì phải nói đến cả nghĩa sống và cái chết. Huống hồ tính nhân bản trong thi ca, nó đòi hỏi phải đặt ra một giác độ nhìn nhận trách nhiệm của một con người trước xã hội cũng như cộng đồng, mà ở đoạn cuối tác giả có nói:
                        Sống cần cố gắng. Chết rồi thôi...
       Bởi vậy để đỡ cho hai câu thơ khóc rất thật đầu tiên ấy, nghĩa tử là nghĩa tận, lệ của nhà thơ đã nhỏ xuống, anh xót xa thắp nén hương lòng khấn cầu cho vong hồn em  sớm được siêu thoát:
                        Anh thắp cho em một nén nhang đời
                        Và lễ tạ: Nam-mô-di...phật!
       Trách là trách những người thân đang sống quanh không cứu vớt được nó? Trách thực tế cộng đồng không đủ sự nhân ái cần thiết đưa nó ra khỏi bờ vực thẳm? Nhưng thôi, dù sao thì em cũng đã chết rồi! Hãy để cho vong hồn em được an ủi, yên nghỉ nơi suối vàng. Nhưng ý tưởng bao trùm tình thi đã được tác giả khai phá ngay từ câu thơ đầu. Tôi quay lại để bình xét về câu thứ nhất ấy:
                      Em kết liễu, tự giải thoát mình khỏi "kiếp" !
      Ba chữ "tự giải thoát" là tiếng kêu trong trời đất và xã hội, từ dưới đáy hạ tầng của lớp chúng sinh. Cuộc đời đến mức phải tự kết liễu để giải thoát mình ra khỏi "kiếp sống", thật là bi thương. Nhìn theo quan điểm nhân đạo, suy cho cùng nó cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của xã hội mà thôi. Tiếng kêu chúng sinh đó đòi hỏi, thậm chí chất vấn...cả thượng tầng kiến trúc kia?
      Đến câu thơ thứ chín, ta thấy nhà thơ còn nhắc lại chữ "kiếp" ấy một lần nữa:
                          Em ơi: Chữ “kiếp” trước chữ “người”!
     Huống hồ cảnh đời còn bao thương tâm, oan nghiệt, phi lý, bất công vẫn đè nặng lên lớp nhân quần lương thiện. Chữ "kiếp" đã được vọt trào ra chính vì nỗi đau đời đó! Tôi bình sang đoạn thơ hai:

                         Người sống đưa chân người chết đây
                         Đầu bạc làm ma mái xanh này
      Cái lời tiễn người đã chết ở đây nó ngược cảnh: đầu bạc lại làm ma mái đầu xanh, nghe rền rĩ như tiếng kèn đám ma. Đó là sự bi ai của cuộc sống. Trong dân gian lắm khi cảnh gia đình lục đục, cha mẹ già hay ông bà tính khí trái nắng giở giời...thường rít lên rỉa rói con cháu: Đến con giun, con dế nó còn muốn sống nữa là con người? Tâm lý cảnh đời thường ấy đã được tác giả vận vào hai câu sau của đoạn thơ hai, để nói lên nỗi xót xa đối với người em:
                        Mẹ, cha...queo quắt còn ham thọ
                        Em nhởn thanh xuân lại vội quay.
       Quay là quay lơ, lăn ra chết... đi liền với "nhởn thanh xuân" (nhởn nhơ tuổi thanh xuân): nghĩa thơ có ý trào lộng. Ngôn ngữ, nhịp điệu hợp với sự cúng điếu của cảnh khóc tang. Lời than ấy giống như những người đi theo xe tang khóc viếng, đưa linh hồn kẻ chết về nơi chín suối. Nghĩa là, một cái chết tội tình đáng thương thay! Mẹ, cha đã phải chịu đựng bao nhiêu khốn khổ, tủi nhục, đắng cay mà vẫn sống đó? Em còn trẻ, dù có cảnh đời thế nào đi nữa, cũng việc gì phải phẫn chí tìm cách quyên sinh!
      Bài thơ tuy cũng dựa trên một nỗi đời cụ thể, nhưng nó có cấu trúc của một bài thơ tượng trưng, nhuốm đầm sắc thái theo quan điểm của nỗi kiếp đoạn trường,  nơi bể khổ dân tình của cụ Nguyễn Du. Cho nên tác giả đã kết:
                        Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
                        Anh ở vì chưng trả nợ đời.

      Để cho rõ ý nghĩa hàm súc của hai câu cuối đó, xin liên hệ đôi nét về thân phận nàng Kiều: trải qua bao khổ ải, nhục nhã ê chề phải trẫm mình xuống dòng sông Tiền Đường để chết, nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu - Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời! Như thế món nợ Kiếp của Kiều, dù đã phải trải qua hai lần thanh lâu, mấy lần muốn tự vẫn không thành:
                        Làm cho sống đoạ thác đầy
                        Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!
                                                                  ( Kiều )
      Còn cái việc nàng đã được cụ Nguyễn Du cho tái hợp lại với chàng Kim Trọng để cuộc đời bi thảm của Kiều có phần kết hậu, âu đó cũng chỉ là món nợ đời cuối cùng mà nàng phải trả nốt đó thôi: món nợ tình! Bởi 15 năm khổ ải định chết, chết không xong. Tới khi được Giác Duyên cứu sống lại rồi, Kiều chỉ muốn đem tấm thân đã "dơ" của mình:
                        Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru?
      Để mà yên thân nơi cửa chùa:
                        Đã đem mình bỏ am mây...
                        Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
      Thế mà phận cũng có được yên đâu? Khi Kiều từ chối duyên tái hợp với chàng Kim kia, từng thốt ra than:
                        Nói chi kết tóc xe tơ
                        Đã buồn cả ruột mà nhơ cả đời...
      Thế mà Vương Ông vẫn còn trì triết , mắng con gái rằng:
                        Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây?
      Vì "hiếu" đã phải bán cả tấm thân trong trắng, ngà ngọc của mình để chuộc cha. Với "tình" lòng vẫn thuỷ chung son sắt, cũng đành phải dứt duyên nhờ em là Thuý Vân thay mình!... Hiếu, tình sâu nặng đến thế, mà vẫn chưa đủ trả? Cuối cùng Kiều vẫn cứ phải đem cái tấm thân mình, như nàng đã nói:
                        Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa...
      Để mà đền nốt cho chàng Kim. "Món nợ kiếp người" tưởng cũng chỉ khổ đến thế là cùng. Trở lại với bài Làm Ma Em Vợ, câu thứ ba của đoạn thơ này:

                         Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
     Cái nạn kiếp người nơi hạ tầng của chúng sinh thời nào mà chẳng khổ? Trải qua những thăng trầm bể ải trong nhân tình thế sự, chiêm nghiệm trong thẳm sâu tâm linh cuộc đời mình, thấm đẫm về chữ "kiếp" luân hồi ấy để nỗi xót thương từ trong lòng tác giả trào ra: Em chết, là coi như đã trả hết nợ đời đó em!
     Vì muốn nó cũng có sống lại được nữa đâu? đồng thời đó cũng là lời an ủi, xoa bớt nỗi đau cho vong hồn người em nơi chín suối. Mặt sau của bản thơ là tiếng kêu cứu xã hội, tiếng khóc nấc bật ra từ trong khối cộng đồng của thời đại hiện đại này!
   Ta trở lại với câu thơ đầu tiên:
                        Em kết liễu, tự giải thoát mình khỏi "kiếp" !
    Lời khóc tang của bài Làm Ma Em Vợ này là tiếng khóc bật ra từ trong nỗi kiếp nhân gian:
                        Anh ở vì chưng trả nợ đời.
       Anh còn phải sống tiếp, cũng chả sung sướng gì đâu? Bao khổ nạn ê chề, chẳng qua vì đời chưa hết nợ, trả hết nợ rồi anh cũng đi thôi. Bài thơ chỉ như một lời khấn cầu từ bi nơi cửa phật, để thắp cho đứa em tội nghiệp cùng những kẻ đáng thương đã sinh ra ở trên cõi sống trần ai, một nén nhang đời!

 ĐVM.
 Trích "Phê bình & tiểu luận thi ca - Phạm Ngọc Thái"                                                                      
 
             
         2-   Một bài thơ tình khúc triết:

     KHÓC BÊN HỒ NÚI CỐC

Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc
Gửi hồn theo dòng nước trôi thây...
Gió gào thét trong lặng chìm tim óc
Em khoả thân nằm trên bóng bến xưa bay.

Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối
Cốc chết bên sồi lại hoá thành non...(*)
Nhưng để làm gì khi tình vô vọng?
Chút hương nàng vẫn ấm khoảng đời con.

Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
Ôi, hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.

Anh đến bên Hồ Núi Cốc giữa chiều
Thơ rỏ đôi hàng, lệ tràn một chén
Khóc chuyện tình xưa là khóc mình lắm lắm
Mai chết rồi làm nước tắm cho em...

                                   Phạm Ngọc Thái
                           Hồ Núi Cốc – Đêm 9/7/1997

(*)  Huyền thoại kể: Nàng Công (con gái quan lang dân tộc) thương nhớ chàng Cốc khóc mà chết. Nước mắt nàng chảy thành suối nay biến ra hồ. Chàng Cốc (chỉ là một tiều phu đốn củi), thương nàng Công cũng chết dưới gốc cây sồi, hoá thành non bao bọc lấy hồ - nên mới có tên gọi: Hồ Núi Cốc!


                       Lời bình DIỄM LOAN:

       Tác giả kể lại: Vào một đêm mưa gió, không gian hồ núi huyền thẳm, hoang dại và vô tận. Con người cô đơn! Từng làn gió rít vút qua ngàn, mưa táp trên mặt hồ nước mênh mang màu xanh thẫm. Niềm hạnh phúc lớn nhất của đời anh là được sống bên nàng, một niềm đam mê man dại. Có phải chăng con người sinh ra trên thế gian này, chỉ có tình yêu gái trai là bất diệt? Toà Thượng Đài ngự trị cả trên triết học và chính trị. Tâm hồn và thể xác hoà quyện nhau đưa anh về cõi cực lạc vô biên. Bài thơ Khóc Bên Hồ Núi Cốc được dựng bên câu chuyện tình cổ của nàng Công, chàng Cốc bất hủ trong truyền thuyết vọng về - Chính giữa đêm mưa gió, tình thi diễm lệ ấy đã ra đời!
      Gọi là Khóc Bên Hồ Núi Cốc nhưng bài thơ không phải là tiếng khóc, nó là một khúc tình ca. Nhà thơ viết thế cho có vẻ đượm màu sắc lâm ly mà thôi:

                    Anh đã đến bên Hồ Núi Cốc
                    Gửi hồn theo dòng nước trôi thây...
      Hồn chàng theo dòng nước cuốn đến với nàng. Thiên nhiên đang bao trùm sự lạnh lẽo, hoang vắng. Giờ anh đứng đây nhìn ra dòng nước mênh mang trôi dạt kia, chỉ còn lại một thế giới trong anh vô vi và trống rỗng. Mà cái "thây" nó cũng đang trôi về phía vĩnh cửu đấy chứ? Biểu tượng "trôi thây" đã dược thăng hoa từ trong cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ, để mở đầu cho bản tình luyến ái gái trai ngàn năm vô bến, vô bờ. Xin bình tiếp câu ba:
                     Gió gào thét trong lặng chìm tim óc
     Trong cái tiếng gió mưa cào xé đất trời kia (bên ngoài) , lại đang bao bọc cả một thế giới tĩnh lặng đến rùng mình của tim óc con người (bên trong), cùng chứa đựng một khát vọng mãnh liệt tột cùng cả thể xác và tâm hồn tình yêu trong nó. Đẩy nỗi thơ đi đến điểm cực đại, mà bắn vọt ra một bức tranh hoành tráng, hoàn bích nhất về nàng:
                    Em khoả thân nằm trên bóng bến xưa bay...
      Ta chạnh nhớ tấm thân nàng Kiều được Nguyễn Du mô tả:
                    Rõ màu trong ngọc trắng ngà
                    Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên.
      Nhưng bức tranh Nguyễn Du mô tả là bức tranh mĩ miều có thật của Kiều đang khoả thân trong khi tắm, còn bức tranh khoả thân của Khóc Bên Hồ Núi Cốc chỉ là bức tranh ảo, bởi ấn tượng từ kí ức, sự cồn cào trong trái tim nhà thơ mà bật ùa ra. Ta thấy tác giả không tả một nét gì trên thân thể, thế mà nàng vẫn hiển hiện lên vẻ đẹp không kém kiêu sa. Tình thơ tuy có bạo loạn nhưng trong sáng. Rõ ràng đây là một khúc tình ca chứ đâu phải là một bi kịch tình?
 
     Những yếu tố cảm xúc của bài thơ này đều theo thi pháp dòng thơ tượng trưng hiện đại Pháp cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX, nhưng đã được hoà phối với dòng thơ lãng mạn, để hình ảnh ngôn ngữ, ý tình được hàm súc, cô đọng. Không viết chảy tràn theo tình cảm như các thi nhân trong phong trào "thơ mới" thời tiền chiến ở nước ta đã viết.
      Sang đoạn thơ hai là sự gắn bó giữa câu chuyện huyền thoại xưa với câu chuyện tình nay, nói về cái chết chung tình của một đôi trai gái:
                    Nước mắt nàng Công khóc tan ra suối
                    Cốc chết bên sồi lại hoá thành non...
      Mối tình đôi trai gái ấy đã bị các quan lại và lễ giáo phong kiến ngăn cấm. Họ quyết quyên sinh để giữ trọn lòng chung thuỷ sắt son. Nàng thì biến ra hồ nước, còn chàng lại hoá thành non. Không có tình yêu tất cả trở nên vô nghĩa. Tình yêu là nơi trú ngụ, ý nghĩa tồn tại của đời ta:
                    Nhưng để làm gì khi tình vô vọng?
                    Chút hương nàng vẫn ấm khoảng đời con!
     Ba chữ "khoảng đời con" ở đây mang theo ý ẩn dụ. Nói rằng, không có sự ấm áp trong tình yêu của người đàn bà mang lại cho những "khoảng đời con" ấy, thì thử hỏi: Sự sống tồn tại trên trái đất này để làm gì? Không có sáng tạo hay tiến bộ xã hội nữa. Không có ý nghĩa của cái "khoảng đời con" thì cũng không có những vĩ đại. Cho dù tác giả có đặt câu hỏi:
                    Nhưng để làm gì khi tình vô vọng?
      Chẳng qua là người than cho câu chuyện tình của nàng Công, chàng Cốc trong trời đất và cũng than cho chính mình. Mượn người xưa để nói nỗi đời nay, ý tình cứ rền xiết lên nhau như hai câu trong đoạn thơ cuối đã viết:
                    Thơ rỏ đôi hàng, lệ tràn một chén
                    Khóc chuyện tình xưa là khóc mình lắm lắm
      Cảm xúc thơ tràn ứa mà đẫm lệ. Tôi bình sang đoạn ba, là đoạn thơ máu thịt nhất của bài:

                    Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ
                    Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
                    Ôi, hồ núi cứ xanh rì muôn thuở
                    Máu ta đổ đầy cho tạo hoá tạc phù điêu.
      Khi mưa gió phủ táp xuống miền hồ núi, ta nghe như tiếng câu chuyện tình xưa nghiền xé vang lên: Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ /-  Tình đời là một dải băng tang trắng ư? Tình yêu gái trai cho ta nguồn suối yêu thương hạnh phúc, song cũng gieo lên cuộc đời những bất hạnh đớn đau.
      Nghĩa là, trời đất cũng để tang cho những linh hồn và trái tim son sắt của tình yêu! Nói về thủ pháp nghệ thuật sáng tác của tác giả trong đoạn thơ ba này, lấy ba câu thơ ảo (câu 1-3 và 4) là thơ trừu tượng, để nuôi một câu thơ thật, thật và rất đời. Chính là câu thơ hai trong đoạn:
                    Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!
      "máu ta đổ đầy..." là biểu tượng nói về tình yêu. Thơ ngả sang màu siêu thực. Cái bóng xanh rì muôn thuở của non ngàn, với "bức phù điêu" đã được tạc trong thiên nhiên kì vĩ kia, là bởi máu và nước mắt tình của những đôi trai gái tắm vào trong nó. Nghĩa là cả trong bất hạnh đau thương tình yêu cũng tô đẹp, là bản tình ca bất hủ trong vũ trụ cũng như cuộc sống con người. Đoạn thơ ba như một bức hoạ dựng sững giữa trời.
        Bằng một cách định nghĩa thi ca Chế Lan Viên đã viết:
                    Anh phải mang tiếng hát từ bờ này sang bờ kia đấy
                    Bờ bên kia hư ảo - Bờ thơ.
                                          (trích di cảo CLV - Bờ bên kia )
      Nhưng sự hư ảo ở đây phải là cái hư ảo thấm đầy huyết, đầy hồn, đầy sự sống và ma lực trong thế giới thơ của nó.

      Xin trở lại để nói tiếp về câu thơ hai trong đoạn. Nếu không có "vú người yêu" thì thử hỏi: Hồ núi có xanh thắm hơn thế nữa, thiên nhiên có đẹp hơn thế nữa, để làm gì? Cả chiến tranh và hoà bình trong thế giới này, nếu không có vú người yêu thì loài người gây ra nó cũng để làm gì? "cắn vú người yêu" là một hình tượng rất đời được đưa vào trong thơ, hình ảnh thơ đọc vẫn không thô, không sượng. Viết được câu thơ như thế là một thành công trong thi ca, đưa bài thơ đi xa trên bến-bờ-thi...
      Đến đây tôi chỉ xin nói thêm một chút nữa về câu thơ cuối cùng của bài:
                    Mai chết rồi làm nước tắm cho em...
      Xuân Diệu thì nói rằng:
                    Anh không xứng là biển xanh
                    Nhưng cũng xin làm bể biếc
      Còn đây, tác giả lại viết: "mai chết rồi…" - Phải, con người có thể làm bao chuyện phi thường, lên cả vũ trụ mà chinh phục sao Hoả, sao Kim, sáng tạo những phát minh khoa học vĩ đại, chế ra cả tên lửa xuyên lục địa, bom nguyên tử, đầu đạn hạt nhân để tiêu huỷ hoàn cầu v.v... Ấy thế mà, liệu còn gì có thể cao xa hơn là làm một dòng suối mát, một hồ nước xanh, hay chỉ là một bồn nước trong nho nhỏ tắm cho cuộc đời và thân thể của người yêu?
      Đấy, nhà thơ của bài Khóc Bên Hồ Núi Cốc này chỉ muốn kết tình thơ ở đó, để cho đời suy ngẫm?

  DL.
 Trích "Phê bình & tiểu luận thi ca - Phạm Ngọc Thái"
                                                                       

   Hà Nội, tháng 1 -  2014
       Nguyễn Thị Hoàng

    Cô giáo ĐH Sư phạm
READ MORE - Cô giáo Hoàng giới thiệu PHẠM NGỌC THÁI VỚI TẬP "PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA" (Tiếp theo kỳ trước) -