Tác giả Phạm Đức Nhì
TỐNG BIỆT HÀNH: LỜI BÌNH
VÀ TRANH LUẬN
Bài 1:
TỐNG BIỆT HÀNH – KHEN CHÊ CHƯA ĐÚNG MỰC
Tống
Biệt Hành của Thâm Tâm được báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng năm 1940. Chỉ hơn một
năm sau, nó đã được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam với
những lời nhận xét:
Thơ
thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài
dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài
thơ cổ. Điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc, không mềm mại
uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó
hiểu của thời đại. (1)
TỐNG
BIỆT HÀNH (2)
Đưa
người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa
người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Li
khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta
biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người
đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay (3)
Bài
thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý giống nhau. Những bài viết khác đã
giải thích và diễn dịch khá kỹ lưỡng nên ở đây tôi xin đi thẳng vào phần phân
tích và nhận định nghệ thuật.
Bốn
câu thơ mở đầu thật tuyệt.
Đưa
người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Mấy
câu thơ hay quá! Tứ thơ đẹp quá! Âm điệu mới lạ do phá cách trong luật bằng
trắc lôi cuốn được sự chú ý của người đọc ngay từ giây phút đầu tiên. Hai câu
đầu là tâm sự, cảm xúc của người đưa tiễn: không đưa người qua sông nhưng sao
lòng ta nôn nao như sóng vỗ. Hai câu sau là tâm tình kẻ ra đi qua sự nhận xét
tinh tế của người đưa tiễn: chỉ nhìn đôi mắt, ta cũng biết người buồn lắm vì
trong đôi mắt ấy chứa cả bóng hoàng hôn. Để tả cảnh tiễn biệt, chia ly,
4 câu thơ trên có thể hiên ngang đọ sức về giá trị nghệ thuật với bất kỳ đoạn
thơ nào, ngay cả của thơ ca đương đại, mà không hề nao núng.
Âm
điệu gân guốc, rắn rỏi.
Thơ
Mới thời bấy giờ cổ vũ ý tưởng mới, ngôn ngữ mới, thể thơ mới, đề tài mới…
nhưng vẫn tôn trọng một số âm luật cũ để giữ được âm điệu mềm mại, du dương
trong thơ. Tống biệt hành được cấu trúc bằng phương thức nghịch âm bất tuân
những niêm luật vốn có của thể hành. Nó cũng chẳng tôn trọng âm luật của thơ
mới. Có câu toàn thanh bằng: Đưa người ta không đưa qua sông; có
câu có đến 4 thanh trắc liên tiếp: Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bởi
vậy âm điệu của nó không uyển chuyển, du dương như phần nhiều
thơ thời bấy giờ, thay vào đó, điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn
rỏi gân guốc. Đó là nét rất độc đáo của Tống Biệt Hành. Nhờ đó, mới ra
lò nó đã được sự chú tâm, ưu ái của Hoài Thanh.
Gợi
được không khí hào hùng
H.
Linh trong bài Đến Với Bài Thơ Hay: Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm, đã viết:
Đề
tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào “Thơ
Mới” thời 1930 – 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm
Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như
thế.
Không
rõ “Tống Biệt Hành” có gì “khó hiểu”? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật
“bâng khuâng”. Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh “mong
manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại
rất nặng” gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc. (4)
Còn
Nguyễn Hưng Quốc nhận xét khách quan hơn, chính xác hơn:
Chị,
em và người yêu lưu luyến thế ấy, chẳng lẽ lại đành tâm ra đi? Nhưng ly khách lại
đi thật. Bóng đã xa, người đưa tiễn còn ngơ ngác đứng và hun hút nhìn :
Người
đi? ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
… li
khách tuy ngậm ngùi nhưng nét chính vẫn là sự nghênh ngang, hào sảng. Thấp
thoáng chút hùng khí đời xưa. Phảng phất hình ảnh Kinh Kha ngày trước. Rất đẹp.
Biết là cường điệu mà vẫn thấy đẹp. (5)
Có
lẽ ưu điểm lớn nhất, thành công lớn nhất của Tống Biệt Hành là gợi lại được cái
cảnh tượng bi tráng của cuộc đưa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Cái thần tình của
Thâm Tâm là ông không nhắc gì đến Thái Tử Đan, Kinh Kha, Tần Thủy Hoàng, không
nhắc gì đến con sông Dịch; ông chỉ gián tiếp, bóng gió rất xa xôi, bằng việc
chọn thể hành cổ kính, đề tài tống biệt quen thuộc, chất liệu thơ xưa cũ, và
chỉ có thế cũng đã đủ khiến người đọc không thể không cảm thấy như chính mình
đang hít thở cái không khí trầm hùng của cuộc chia ly ấy.
Ngôn
ngữ thơ trong Tống Biệt Hành
Theo
Chu Mộng Long thì:
Bài
thơ (Tống Biệt Hành) phục sinh một cách toàn diện những gì tưởng chừng đã bị
khai tử: thể hành cổ kính, đề tài tống biệt với người ra đi – li khách xưa cũ,
kể cả chất liệu thơ: sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn, sen, lệ, màu thu, lá
bay, hạt bụi, hơi rượu say quen thuộc đến mức đã mòn về nghĩa… (6) với ý nhại
cổ (giễu nhại : parody)
Theo tôi, Thâm Tâm không
phục cổ hoặc nhại cổ mà chỉ gợi cổ.
Chỉ
với những từ sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn rất cũ, rất xưa, Thâm Tâm đã tạo
nên 4 câu thơ tuyệt vời:
Đưa
người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Và cũng với chất liệu
thơ cũ mòn cộng với thể hành cổ kính và đề tài tống biệt quen thuộc đã góp phần
rất quan trọng vào việc gợi lại không khí trầm hùng, bi tráng trong bài thơ.
Nhưng
cũng với những từ cũ như: sen, lệ, mùa thu, mắt biếc, chiếc khăn tay, ông đã
viết nên 2 đoạn thơ:
Ta
biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta
biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
không
những tầm thường mà lại còn hơi “sến” nữa.
Cho nên nếu
thi sĩ khám phá được thể thơ mới, đề tài mới, chất liệu thơ mới thì, dĩ nhiên,
rất đáng hoan nghênh. Tuy
nhiên, những
thứ “mới” ấy chỉ
thực sự có giá trị khi nhờ chúng thi sĩ đưa được những câu thơ mới, hình tượng
mới, trong đó chứa đầy cảm xúc mới của mình, vào thơ. (7) Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không nên coi
thường thứ ngôn ngữ, chất liệu thơ xưa cũ hoặc giản dị. Nếu bài thơ vừa mới vừa
hay vừa đẹp thì sẽ được độc giả nồng nhiệt đón chào, ngả mũ bái phục; còn nếu
chỉ có mới không thôi thì nó cũng sẽ sớm đi vào quên lãng như hằng hà sa số
những bài thơ dở khác.
Đoán
tâm trạng của người khác
Nước
trong, cá tung tăng, cá vui đấy.
Anh không là cá sao anh biết cá vui?
Anh không là tôi sao anh biết tôi không biết cá vui?
Trên
đây là mẩu đối thoại của hai triết gia Trung Hoa (tôi quên tên) ý muốn nói rằng
“không thể biết được những suy nghĩ, tâm trạng của người khác”. Theo tôi, nếu
có óc quan sát tinh tế, thì trong khá nhiều hoàn cảnh, người ta có thể nhận
biết được đối tượng (được quan sát) đang vui, buồn hay dửng dưng, vô cảm. Nhưng
nếu muốn đặc tả tâm trạng, muốn đi vào chi tiết của niềm vui, nỗi buồn thì duy
nhất chỉ có người trong cuộc. Đó là lý do thi sĩ thường viết ở ngôi thứ nhất.
Trong
Tống Biệt Hành, tác giả có đến 5 trường hợp đoán tâm trạng người khác.
1. “Bóng
chiều không thắm, không vàng vọt
Sao
đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Nhìn
đôi mắt “đầy hoàng hôn” của bạn tôi đoán là bạn đang buồn. Điều này có thể chấp
nhận được. Đôi mắt là cửa sổ linh hồn, vui buồn thể hiện lên đôi mắt.
2. “Một
giã gia đình một dửng dưng”
Nhìn
khuôn mặt vô cảm của bạn tôi biết bạn dửng dưng trước cuộc chia ly.
3. Ta
biết người buồn chiều hôm trước
Bây
giờ mùa hạ sen nở nốt
Một
chị, hai chị cũng như sen
Khuyên
nốt em trai dòng lệ sót
4. Ta
biết người buồn sáng hôm nay:
Giời
chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em
nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói
tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Nhìn
cảnh bịn rịn, quyến luyến của chị, của em với bạn, tôi đoán bạn rất buồn khi
chia ly.
5.
Ba câu cuối của bài thơ
Ở 4
trường hợp đầu tác giả đã sử dụng khả năng quan sát tinh tế của mình để cảm
nhận nỗi buồn (hoặc dửng dưng) của ly khách. Có lẽ ông đã áp dụng kinh nghiệm
của các cụ ngày xưa qua câu ca dao:
Trông
mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo bộ lòng mới ngon.
Điều
này có thể tạm chấp nhận được, vì đó chỉ là nỗi buồn chung chung, không đặc tả,
không có chiều sâu. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này trong thơ thì hơi bị…
thất cách, sức thuyết phục đối với độc giả rất yếu. Bởi tục ngữ cũng có câu
“xanh vỏ đỏ lòng”; nhìn bề ngoài mà “bắt mạch tâm trạng” thì rất dễ bị “bé cái
lầm”. Còn riêng trường hợp thứ 5 thì phải nói là “vô phương bào chữa”. Đoán tâm
trạng người khác mà thi sĩ dám
viết chi li đến độ:
Mẹ
thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…
thì
quả là “liều” hết chỗ nói.
Dẫu
biết rằng trong thực tế thì tâm trạng của kẻ ra đi hay người đưa tiễn cũng đều
là của Thâm Tâm, nhưng đã lập trận địa chữ nghĩa, phân công phân nhiệm tướng
sĩ, thì vai nào phải ra vai đó; người phàm mắt thịt mà cứ như là Tiên, Thánh,
đọc tâm ý người đối diện vanh vách như đọc tờ báo trước mặt thì coi sao được.
Theo tôi, đây là khuyết điểm lớn, làm giảm sức thuyết phục của bài thơ.
Phú
quý giật lùi
Đọc
bài thơ Tống Biệt Hành chắc không ít độc
giả có nhận xét giống tôi. Đoạn đầu hay quá, tuyệt quá, để lại hương
vị thật ngọt ngào, sảng khoái. Nhưng đến những đoạn sau, đoạn thì cường điệu,
giả tạo, đoạn thì tầm thường, nhạt nhẽo. Đoạn cuối thì cảm xúc dâng trào, hào
khí bốc cao nhưng đó chỉ là cảm xúc, hào khí kiểu quân tử Tàu, vừa khinh bạc,
vừa vô tình, hơn nữa, chỉ là sản phẩm từ sự võ đoán của người đưa tiễn.
Tôi
đã có một đôi lần, vào các dịp lễ tết, xem văn nghệ tại các chùa, nhà thờ gần
nhà. Vài Phật tử, con cái Chúa là ca sĩ chuyên nghiệp, từ Cali bay sang hát
“sô”, nhân tiện ghé vào chùa, nhà thờ hát ủng hộ mấy bài. Họ yêu cầu được xếp
hát ở đầu chương trình để còn “chạy” chỗ khác. Thế là chương trình văn nghệ có
vài tiết mục đầu hấp dẫn, còn sau đó là “cây nhà lá vườn”. Tôi không có ý phủ
nhận thiện chí, tinh thần phục vụ của các em trong Gia Đình Phật Tử, Thiếu Nhi
Thánh Thể, nhưng rõ ràng cái không khí hào hứng của chương trình văn nghệ, sau
mấy tiết mục đầu, đã giảm đi, đã nhạt đi rất nhiều.
Cũng
tương tự như vậy, các vị khách mời trong buổi tiệc thơ Tống Biệt Hành, nếu
không bị hơi men làm mờ mắt, sẽ thấy phẩm chất của rượu thì “phú quý giật lùi”,
càng về sau càng kém ngon, càng về sau càng “dởm”. Đây cũng là một lỗi không
nhỏ của thi sĩ trong việc dàn trải ý tứ.
Những
lời khen + Những lời tán dương quá lố
Trong
thời gian tra cứu để viết bài này tôi thấy một điều rất lạ là hàng mấy chục bài
viết liên quan đến Tống Biệt Hành, bài nào cũng vậy, đều hết mực ngợi khen. Tay
viết nào già giặn thì lời khen văn hoa bay bướm, kém hơn thì sao chép nguyên ý
của các bậc lão thành, đàn anh, chỉ đổi sơ lời văn, giọng văn cho nó thành của
mình. Đặc biệt trong trang mạng của các trường đại học, trung học thì các bài
bình Tống Biệt Hành đều rập khuôn, đều ca tụng đến tận trời xanh.
Sau
đây là một lời khen “hơi mạnh miệng”:
Khi
sáng tác “Tống biệt hành”(1940) có lẽ Thâm Tâm cũng không ngờ rằng bài thơ của
mình sẽ để lại nhiều ẩn số cho hậu thế. Cuộc đời của ông ngắn ngủi. Tác phẩm
ông để lại không nhiều. Nhưng chỉ với một “Tống biệt hành”, ông đã được lưu
danh vào lịch sử văn học nước nhà. “Tống biệt hành” không chỉ là một trong những
bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới mà còn xứng đáng là một kiệt tác của
thơ Việt Nam hiện đại. (12)
Và
kế tiếp là thí dụ về một “vẻ đẹp tưởng tượng” của một nhà phê bình văn học có
vai vế, có học vị, Thạc Sĩ Hồ Thúy Ngọc:
Kế
thừa nhưng không lặp lại, Thâm Tâm đã tạo nên sức sống diệu kỳ cho Tống biệt
hành. Đặc biệt, sự kế thừa, sáng tạo trong cấu tứ thơ Đường giúp tác giả thể
hiện sâu sắc một cái nhìn đa chiều về “vẻ đẹp con người cao cả trong toàn bộ sự
biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo”(13)
Nhưng
Chu Mộng Long lại nghĩ khác. Theo ông, trong Tống Biệt Hành:
Kẻ
ra đi chỉ có hành động mà không có nội tâm: một giã gia đình, một dửng
dưng; chỉ có lí tưởng mà coi thường tình cảm: Chí nhớn chưa về bàn
tay không; đề cao lí tưởng mà quên tình ruột thịt: Thì không bao
giờ nói trở lại!/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong. (14)
Và
vô tình nhất, theo tôi, có lẽ là 3 câu cuối của bài thơ
Mẹ
thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…
Vì
chí lớn, vì nghiệp lớn, vì lý tưởng, vì đại nghĩa, vì quê hương đất nước ra đi,
thân này kể bỏ; những người thân yêu ruột thịt cũng coi như không, nói chi đến
bạn bè. Ngay cả người gần gũi nhất là bà mẹ đã banh da xé thịt cho mình được
chào đời, cũng chỉ xem như là chiếc lá bay. Cạn một ly rượu để hơi men bừng lên
đôi mắt. Lúc ấy trên vai là gói hành trang, đâu đó vọng lại tiếng gọi của bạn
bè đồng trang lứa, và trước cổng nhà là con đường rộng mở dẫn đến tương lai.
Mạnh bước ra đi. Khác gì Kinh Kha, theo lời ủy thác của Thái Tử Đan qua sông
Dịch thực hiện một sứ mạng trọng đại cứu muôn vạn dân lành. Ôi hiên ngang quá!
Hào hùng quá! Lãng mạn quá! Nhưng nghe sao cũng vô cùng khinh bạc, thiếu tình
người, nếu không muốn nói là vô nhân đạo.
Tôi
không cổ võ cho việc chạy chọt để lánh né chiến trường, an thân ở hậu phương
lúc nước nhà nguy biến, nhưng cái thái độ vô tình, coi nhẹ gia đình, coi
nhẹ những người thân yêu ruột thịt, như li khách, thật khó mà đồng cảm.
Chúng
ta hãy nghe Yên Thao bày tỏ tâm sự lúc chia tay người vợ đầu gối, tay ấp của
mình:
Tôi
có người vợ
trẻ đẹp như thơ
tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
ai ra đi mà không từng bịn rịn?
rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
em nhìn tôi e ấp buổi chia phôi
tôi dấn bước mà nghe hồn nhỏ lệ. (15)
(Nhà Tôi, Yên Thao)
Đó
mới là có chút tình người; đó mới tạm gọi là có hơi hám của nhân bản, nhân đạo.
Người lính chiến trong Yên Thao vẫn chấp nhận ra đi làm nghĩa vụ của mình,
nghĩa vụ của trai thời loạn, nhưng là con người, trái tim không phải là sỏi đá,
nên khi “dấn bước” lên đường đã đau thương đến độ “nghe hồn nhỏ lệ”. Còn như
Thâm Tâm:
Mẹ
thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…
thì
quả là quá cứng cỏi, quá lạnh lùng và quá vô tình.
Thạc
Sĩ Hồ Thúy Ngọc trích lời Trần Đình Sử cho là “sự biểu hiện chân thật của
nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo” thì quả là có óc tưởng tượng cực kỳ
phong phú.
Vài Lý Do
Tống
Biệt Hành là bài thơ hay, nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến và yêu mến.
Có điều mức độ nổi tiếng của nó lại không tương xứng với giá trị nghệ thuật, có thể nói, đã vượt khá xa giá trị nghệ thuật.
Sau đây là một vài lý do:
1.
Tống Biệt Hành khơi lại được cái hào khí của Kinh Kha – vì chí nhớn, vì đại
cuộc, sẵn sàng liều mình ra đi – đúng vào thời điểm tuổi trẻ VN nô nức lên
đường chống Pháp, và sau đó “chống nhau” (miền nam thì chống cộng, miền bắc thì
đánh miền nam để thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản) nên được chính quyền
miền bắc, và sau đó là miền nam, giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.
2.
Tống Biệt Hành lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh – một cây bút bình thơ sắc sảo,
uy tín vào hạng nhất thời bấy giờ – và được ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân
Việt Nam. Các bài viết về Tống Biệt Hành sau này, vì uy tín của Hoài Thanh và
Thi Nhân Việt Nam, không tiếc lời ca ngợi bài thơ, nhiều khi bịa ra “những cái
đẹp tưởng tượng” để tán dương.
3.
Tống Biệt Hành được đưa vào chương trình giảng dạy văn học; dựa vào mấy bài mẫu
của ngành giáo dục, sinh viên học sinh cứ thế mà “tụng”, mà khen bài thơ đến
tận trời xanh.
4. Những người có ý kiến khác biệt cũng không dám
bày tỏ vì đang sống và chịu ảnh hưởng của một môi trường văn học chưa được tự
do; viết khác đi dễ bị để ý, trù dập.
Như
vậy, Tống Biệt Hành được rất đông đảo người đọc biết đến, khen hay, rồi yêu
thích, dĩ nhiên, một phần là vì giá trị nghệ thuật của nó, nhưng cũng còn vì
những “cái khác” (rất ngoài thơ) nữa. Khi rũ sạch hết những “cái khác” ấy, Tống
Biệt Hành sẽ trần trụi hiện ra, không xiêm y lụa là của thời đại; bên cạnh
những nét đẹp độc đáo cũng còn không ít những khuyết điểm khá quan trọng liên
quan đến cả ý tưởng và kỹ thuật thơ.
Khi
được thả hồn mình đắm chìm trong không khí trầm hùng bi tráng của cuộc chia tay
lịch sử trên sông Dịch, người đọc dù nhận ra những “bất ổn” trong bài thơ, cũng
cố lờ đi, để nghe trái tim mình đập nhanh hơn, để thấy hào khí bốc lên ngút
trời, vì chí nhớn mà nhảy vào biển lửa cũng không một giây do dự.
Tôi,
với cái nhìn chủ quan của mình, đã cố công phân tích, bình phẩm bài thơ Tống
Biệt Hành. Trước hết, để đưa nó về vị trí tương xứng với giá trị nghệ thuật của
nó. Sau nữa, nếu có quý vị nào làm công tác phê bình văn học, có tầm nhìn rộng
hơn, muốn đánh giá bài thơ trong một khung cảnh rộng lớn hơn, trong một giai
đoạn lịch sử dài hơn, thì bài viết này xin được đóng vai trò một lời góp ý nho
nhỏ trong kho tư liệu của quý vị.
KẾT LUẬN
Khi
biết tôi có ý định viết về Tống Biệt Hành, một anh bạn bắc kỳ 54, cũng thuộc
giới cầm bút, đã nhắc nhở:
“Bài
Tống Biệt Hành của Thâm Tâm có một sức hút rất lớn đến hai thế hệ chiến tranh
của Việt Nam (thế hệ đàn anh của mình và thế hệ của tôi và anh). Đơn giản:
chúng diễn tả và đáp ứng đúng tâm trạng những người trai vừa lớn lên phải đối
mặt với chiến tranh (chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Cộng). Nhưng với
các thế hệ đàn em, sức hút của bài thơ không lớn, nếu có chăng chỉ là tầm vóc
nghệ thuật mà bài thơ ấy có được. Vì thế, khi viết về bài thơ này, phải hết sức
cẩn trọng (trong lời chê). Người đọc (thế hệ chúng ta) mang tâm trạng như đọc
về quá khứ của mình, trong đó chỗ đứng của bài thơ này chiếm vị trí rất trang
trọng.”
Trước
tiên, tôi sẽ nghe lời khuyên của anh – “hết sức cẩn trọng” trong phần viết về
khuyết điểm của bài thơ. Tôi cũng đồng ý với anh là thế hệ kế tiếp của anh và
tôi – không bị ảnh hưởng bởi cái sức hút vô hình kia – sẽ có được cái nhìn
chính xác hơn về giá trị của bài thơ. Nhưng khi nhìn qua cửa sổ, thấy những
chiếc xe bus vàng đón trẻ con đi học, tôi chợt nhớ mình đang sống trên nước Mỹ
tự do.
Trước những trào lưu văn học mới, Thi Nhân Việt Nam (Hoài Thanh) cũng không còn
là “khuôn vàng thước ngọc” (ít nhất đối với tôi), và ở cái tuổi trên 6 bó của
cuộc đời, hào khí của Kinh Kha cũng không đủ sức mê hoặc tôi đến mức khi đọc
Tống Biệt Hành có thể quên đi công việc của mình đang làm là thẩm định giá trị
nghệ thuật của bài thơ.
Như
vậy, công việc ấy tại sao cứ phải chờ đến thế hệ sau, anh nhỉ?
Viết
xong cuối tháng 1 năm 2014
Chú
Thích:
(1)
Thi Nhân Tiền Chiến, Hoài Thanh & Hoài Chân, NXB Văn Học, 1988, tr.281
(2)
Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn, Lý Hồng Xuân, Văn Nghệ, 2000, tr. 261
(3)
Nhiều bản khác viết là say. Khi trích tôi giữ nguyên bản chính.
(5)
Tứ Thơ, Nguyễn Hưng Quốc, Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam, Quê Mẹ xuất bản tại
Paris, 1988
(6),
(7), (14) Phục Cổ Hay Nhại Cổ? Trường Hợp Tống Biệt Hành, chumonglong.wordress.com.
Ông Chu Mộng Long, hiện đang giảng dạy tại Đại Học Quy Nhơn, cho biết bài viết
đã được đăng trên Tạp Chí Thơ, Hội Nhà Văn, 06/2008.
Về
điểm này tôi có viết một đoạn thơ vui như sau:
Thái
Tử Charles ôm Công Nương Diana
trên chiếc giường nệm êm ái
Chí Phèo chẳng cần giường
mà đè Thị Nở ngay bên gốc chuối
nếu chỉ dựa vào độ “hiện đại” của chiếc giường
để đoán cô gái nào sướng hơn
có khi bạn lầm to
(Lầm To, Phạm Đức Nhì)
(8),
(9), (10), (11) Nhận Diện CDNV, Lý Hồng Xuân, Văn Nghệ, 2000, tr. 261
(12)
Hoàng Trọng Hà, Vài Suy Nghĩ Về Bài Thơ Tống Biệt Hành, baolamdong.vn
(15) Đoạn thơ trên được lưu truyền trong các
sinh hoạt văn học, văn hóa, văn nghệ ở miền nam; tôi thuộc lòng vì thường hay
diễn ngâm trong các buổi nghệ. Còn đoạn dưới đây được trích trong sách báo dòng
chính ở miền bắc.
Tôi
có người vợ trẻ
đẹp như thơ
tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
ai ra đi mà không từng bịn rịn?
rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
(Thơ VN/Thế Kỷ XX/Thơ Trữ Tình/NXB Giáo Dục/2004)
Mạnh
bước có
vẻ không ăn khớp lắm với nghe hồn nhỏ lệ. Dấn bước nghe
hợp hơn và hay hơn nhiều
ĐỌC “TỐNG BIỆT HÀNH” THƠ THÂM TÂM
Châu Thạch
Văn
Nghệ Quảng Trị
TỐNG BIỆT HÀNH
Đưa người, ta không
đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở
trong lòng?
Bóng chiều không thắm,
không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn
trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa
người ấy
Một giã gia đình một
dửng dưng…
Li khách! Li khách!
Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn
tay không
Thì không bao giờ nói
trở lại!
Ba năm mẹ già cũng
đừng mong
Ta biết người buồn
chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở
nốt
Một chị, hai chị cũng
như sen
Khuyên nốt em trai
dòng lệ sót
Ta biết người buồn
sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu,
tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi
mắt biếc
Gói tròn thương tiếc
chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người
đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc
lá bay
Chị thà coi như là hạt
bụi
Em thà coi như hơi
rượu cay ./.
Thâm Tâm
Lời Bình: Châu Thạch
Bài thơ “Tống Biệt
Hành” được nhà thơ Thâm Tâm sáng tác vào khoảng năm 1940. Kể từ khi ra đời đến
nay đã trên 75 năm bài thơ luôn luôn được yêu thích và đã được đưa vào sách
giáo khoa của học đường. Hành là một thể thơ cổ, thường được xử dụng để diễn tả
một tâm trạng bi phẩn, bi hùng. Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thanh Tâm có hai
nhân vật, người đưa tiễn và người ra đi. Tâm trạng của người ra đi được biểu
hiện qua lời của người đưa tiễn và ngược lại, tâm trạng của người đưa tiễn cũng
là tình cảm của người ra đi.
Vào đề với bốn câu
thơ, tác giả đã cho ta nghe sự va đập dồn dập của nhiều âm thanh:
Đưa người, ta không
đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở
trong lòng?
Bóng chiều không thắm,
không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn
trong mắt trong?
Vế thơ có nhiều chữ
“không” và lạ thay, nội chứa trong chữ “không” đó nẩy sinh chữ “có”: Không sông
thì lại có tiếng sóng, không thắm thì có mắt trong, không vàng vọt thì có hoàng
hôn. “Không” và “có” là hai từ đối lập nhau, lại hoà hợp trong vế thơ nầy, tạo
thành âm thanh biểu hiện nỗi ấm ức trong lòng. Đọc vế thơ ta thấy ngay nhiều
nghịch lý xảy ra giử cảnh và người đưa tiễn cũng như người ra đi. “Đưa người,
ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” là nghịch lý xảy ra đối
với người đưa tiễn, và “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng
hôn trong mắt trong?” là nghịch lý xảy ra đối với người ra đi. Khung cảnh bên
ngoài đối chọi với tình cảm trong lòng là một nghệ thuật điêu luyên trong sáng
tác. Tác giả dùng phương pháp “tá khách hình chủ” nghĩa là mượn cái nầy để làm
nổi bật cái kia giống như Nguyễn Du đã dùng cái đẹp của Thuý Vân để gần cái đẹp
của Thuý Kiều, làm cho Thuý kiều nổi bậc thêm lên. Ở đây Thâm Tâm đã dùng hai
sự kiện “không” và “có”, mục đích dùng cái không của không gian để làm nổi cộm
lên cái có trong tâm hồn. Cái có ở đây là nỗi buồn ly biệt.
Qua vế thứ hai của bài
thơ:
Đưa người, ta chỉ đưa
người ấy
Một giã gia đình một
dửng dưng...
Li khách! Li khách!
Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn
tay không
Thì không bao giờ nói
trở lại!
Ba năm mẹ già cũng
đừng mong
Đoạn nầy ý nói người
ra đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày
giáp cử cũng không về để tang mẹ được. Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi
nêu lên sự quyết tâm của người ra đi vì chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân,
như lời thề non nước.
Qua hai vế thơ kế tiếp
như sau:
Ta biết người buồn
chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở
nốt
Một chị, hai chị cũng
như sen
Khuyên nốt em trai
dòng lệ sót
Ta biết người buồn
sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu,
tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi
mắt biếc
Gói tròn thương tiếc
chiếc khăn tay...
Đoạn nầy có tác giả
bình thơ nhận xét rằng “Không những tầm thường mà còn hơi “sến” nữa”. Thật ra nhà thơ Thâm Tâm rất rành tâm
lý. Ở hai vế thơ trên biểu hiện niềm đau quặn thắt trong lòng người đưa tiễn,
sự xúc động đã dâng lên cao độ khi thốt lên tiếng kêu đau thương “Li khách! li
khách!”. Qua hai vế thơ nầy lời thơ trở nên kể lể vì niềm đau đã được nén
xuống, hơi thở nhẹ đi, con tim bình tịnh lại. Nỗi đau không còn là ngọn lửa
bùng lên nữa mà bây giờ nó là ngọn lửa âm ỉ đốt cháy trong lòng. Lời thơ kể lể
ở đây không phải là “tầm thường”, không phải là “sến” mà nó là dàn nhạc trầm
lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.
Vế chót của bài thơ
như sau:
Người đi:? Ừ nhỉ,
người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc
lá bay
Chị thà coi như là hạt
bụi
Em thà coi như ly rượu
cay
Có người cho rằng vế
thơ nầy “Quá cứng cỏi. lạnh lùng và vô tình”. Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài
hoa của tác giả. Những điều mà người ra đi phủ nhận trong vế thơ nầy chính là
những điều mà người ra đi canh cánh bên lòng. Chữ “thà” ở đây không có nghĩa là
“ xem như không có” mà chữ “thà” ở đây có nghĩa là “không bỏ đi được”.
Nếu người ra đi ngày
ấy xem mẹ như lá, chị như bụi và em như ly rượu cay thì người đó không đáng để
đưa vào thơ. Ta hãy đọc một đoạn thơ có chữ “thà” trong bài “Khúc Tình Buồn”
của Nguyễn tất Nhiên để hiểu thêm về chữ “thà’ của Thâm Tâm: “Người từ trăm
năm/ về qua sông rộng/ ta ngoắc mòn tay/ trùng trùng gió lộng/ thà như giọt
mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn
không...”. Ta thấy rằng, khi người yêu qua sông, Nguyễn Tất Nhiên ngoắc mòn tay
gọi người yêu trong vô vọng.
Lúc đó nhà thơ càng
dùng chữ “thà” thì càng đau đớn gấp bội. Tình yêu lúc đó càng mảnh liệt đến nỗi
nhà thơ muốn “Thà như giọt mưa” thì vẫn còn có để đến với em hơn là không chi
hết. “Thà” của Nguyễn tất Nhiên và Thâm Tâm là từ ngữ đã vượt ra ngoài nghĩa
của cái chữ thường tình. Nó khẳng định một tình yêu mảnh liệt với người yêu
trong thơ Nguyễn Tất Nhiên và nó cũng khẳng định một tình yêu mảnh liết với mẹ,
với chị, với em trong thơ Thâm Tâm.
Gần đây có ý kiến cho
rằng “Mức độ nổi tiếng của Tống Biệt Hành không tương xứng với giá trị nghệ
thuật của nó vì các lý do sau:
- Được Hoài Thanh
là nhà phê bình danh tiếng ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam. Do đó
người sau vì uy tín của Hoài Thanh và Thi Nhân Việt nam cứ thế ca ngợi, tán
dương theo.
- Được cả chính
quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam cần người lên đường phục vụ cho chế độ nên
giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.
- Được đưa vào
nhà trường giảng dạy nên thầy giáo, học sinh cứ tán tụng, không dám bày tỏ ý
kiến đối nghịch vì sợ bị trù dập.”
Nhận xét như thế tôi
cho là quá bất công với Tống Biệt Hành vì:
Hoài Thanh không ưu ái
với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành để đưa vào Thi Nhân Việt
Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài thơ của các tác giả khác
thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho Tống Biệt hành có giá trị
nghề thuật cao. Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám chỉnh sửa lại thì
Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán tụng nó theo Hoài
Thanh. Điều đó không thể nếu tự Tống Biệt Hành không có giá trị ngang tầm với
danh của nó.
- Chình quyền
miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục vụ cho chế độ mình
trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành nói về một sự ra đi
vu vơ không mục đích rỏ ràng.
- Bài thơ được
đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng định giá trị
nghệ thuật cao của bài thơ. Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến
nay, không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó
chứng tỏ giá trị nghệ thuật của Tống Biệt Hành được đánh giá đúng nên
không có sự phản hồi, phản bác, đối nghịch trong công luận.
Thật ra với thời gian
75 năm, kịnh nghiệm cho ta thấy có nhiều tác phẩm hời hợt, được vinh danh gượng
ép vì một lý do nào đó đã lần lược mai mọt hết với thời gian rồi. Riêng Tống
Biệt Hành của Thâm Tâm, nó vẫn còn sống thắm tươi trên diễn đàn văn học và
trong lòng nhiều thế hệ. Nó không chết đâu, và mức độ nổi tiếng của nó rất
tương xứng với giá trị nghệ thuật của chính nó vì Tống Biệt Hành là khúc ca
tiễn biệt rất hay mà tiễn biệt thì ở thời đại nào cũng có xảy ra ./.
Châu Thạch
Chú Thích:
Những đọan in đậm là Châu Thạch trích của PĐN. PĐN
xin phép Châu Thạch cho in đậm để độc giả dễ theo dõi.
LẠI
BÀN VỀ TỐNG BIỆT HÀNH
(Trao
đổi với nhà văn Châu Thạch)
Cách đây không lâu anh
Nguyễn Khắc Phước có thư riêng mời tôi cộng tác với trang web Văn Nghệ Quảng
Trị, một trang thuần túy văn học nghệ thuật. Trước khi nhận lời mời tôi có bỏ
ra vài buổi dạo qua trang web. Là người làm thơ và bình thơ nên tôi để ý đến
những cây bút phê bình văn học và những bài viết của Châu Thạch đã chiếm được
cảm tình của tôi với cung cách đứng đắn lịch sự, lời văn hòa nhã.
Hôm nay đọc được bài Đọc
Tống Biệt Hành Thơ Thâm Tâm của anh trên Văn Nghệ Quảng Trị (và Văn Đàn Việt)
trong đó anh có nhắc đến mấy đoạn trong một bài viết – cũng về Tống Biệt Hành -
của tôi nên xin phép được trao đổi với anh trong tinh thần “bạn văn” cùng viết
trên một diễn đàn văn học.
Sau đây là những đoạn
trong bài viết của tôi được anh đề cập:
1/
Anh nhắc đến hai đoạn thơ:
Ta
biết người buồn chiều hôm trước
Bây
giờ mùa hạ sen nở nốt
Một
chị, hai chị cũng như sen
Khuyên
nốt em trai dòng lệ sót
Ta
biết người buồn sáng hôm nay:
Giời
chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em
nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói
tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
rồi anh viết: Đoạn này
có tác giả bình thơ nhận xét rằng “không những tầm thường mà lạ còn hơi
‘sến’ nữa.” Theo anh thì: “Lời thơ kể lể ở đây không phải ‘tầm
thường’, không phải ‘sến’ mà nó là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc
gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.”
Theo tôi, hai đoạn thơ
đã có những khuyết điểm sau đây:
- Nói
chuyện “chiều hôm trước” mà dùng trạng từ chỉ thời gian “Bây giờ” là không
chính xác. Muốn chính xác, muốn hay, phải dùng từ khác.
- So
sánh “sen nở nốt” với “dòng lệ sót” rất khập khiễng. Những bông sen nở cuối mùa
và dòng lệ còn sót lại của mấy người chị vừa khóc vừa khuyên em, hai hình ảnh
đó quá xa cách, không tương hợp. Phép “ẩn dụ” không hay.
- Chữ
“dòng” trong cụm từ “dòng lệ sót” giảm giá trị của chữ “sót”.
- “Giời
chưa mùa thu tươi lắm thay” là một câu thơ “vô tích sự” bởi nó lạc lõng,
thừa thãi, không ăn nhập gì với cả đoạn thơ.
- Đọc
hai câu:
Em
nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói
tròn thương tiếc chiếc khăn tay
tôi tưởng tượng trước mắt mình một em nhỏ, đôi
mắt ngây thơ tròn xoe nhìn người anh sắp đi xa, tay cầm chiếc khăn tay như muốn
gói trọn thương tiếc trong lòng mình vào đấy. Ôi! Hình ảnh ấy vừa khô cứng, vừa
“cải lương”, lại vừa không thật; ngây thơ đôi mắt biếc như em nhỏ thì biết gì
mà thương với tiếc; chữ “tiếc” ở đây hoàn toàn sai.
Trên đây là một vài chi
tiết khiến tôi đưa ra nhận xét là hai đoạn thơ “không những tầm thường mà lại
còn ‘sến’ nữa.” Anh Châu Thạch cho đó “là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau
khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật” là quyền của anh.
Tôi dành sự phán xét sau cùng cho độc giả.
2/
Vế chót của bài thơ như sau:
Người
đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ
thà coi như chiếc lá bay
Chị
thà coi như là hạt bụi
Em
thà coi như hơi rượu cay
Có người cho rằng vế thơ
này “quá cứng cỏi, lạnh lùng và vô tình.” Theo anh thì: “Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy
bút pháp tài hoa của tác giả.”
Tôi không nghĩ như vậy.
Trên bề mặt chữ nghĩa 3 câu cuối rõ ràng là cứng cỏi, lạnh lùng và vô tình. Hơn
nữa, đó không phải là tâm trạng, cách suy nghĩ của chính người ra đi nói ra mà
chỉ là sự võ đoán của người đưa tiễn. Cho nên nếu nói đến giá trị nghệ thuật
thì mấy câu thơ ấy chỉ như là rượu giả, khó làm vừa lòng những tay sành rượu.
3/
Hoài Thanh không ưu ái với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành
để đưa vào Thi Nhân Việt Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài
thơ của các tác giả khác thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho
Tống Biệt hành có giá trị nghề thuật cao.
Tôi đồng ý với anh Châu
Thạch là TBH phải hay, phải có giá trị nghệ thuật ở mức độ nào đó, phải hợp
“gu” với Hoài Thanh thì mới được ông tuyển chọn đưa vào Thi Nhân Việt Nam.
Nhưng được Hoài Thanh tuyển chọn lại là con dao hai lưỡi. Thời gian qua đi,
cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca thay đổi, uy tín của Hoài Thanh - đặc biệt
lúc ông còn sống - khiến người yêu thơ e ngại khi phải đưa ra những ý kiến trái
ngược hoặc khác với nhận định của ông. “Sợ” uy quyền của ông cũng có nhưng cái
sợ lớn nhất là sợ bước vào một trận chiến không cân sức với một đối thủ quá
mạnh.
Anh Châu Thạch còn viết
rằng: “Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám chỉnh sửa lại thì
Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán tụng nó theo Hoài
Thanh.” Theo tôi, chỉnh sửa một điểm nào đó trong truyện Kiều không khó vì
không bị đè nặng bới một sức ép chính trị tâm lý nào. Miễn là anh có kiến thức
rộng về văn học, thơ ca và đủ tự tin để viết. “Đụng” vào TBH là “đụng” vào cả
một chính sách lớn của nhà nước trong hoàn cảnh chiến tranh, lúc người chống
lưng cho nó vừa có văn tài, vừa có quyền uy ngất ngưởng trong lãnh vực bình
phẩm văn chương.
4/ Chình quyền miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục
vụ cho chế độ mình trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành
nói về một sự ra đi vu vơ không mục đích rõ ràng.
Những bài thơ viết để
trực tiếp phục vụ chế độ (ở miền nam có một số bản nhạc như vậy nhưng thơ thì
không nhiều), đọc lên đã sặc mùi tuyên truyền. Tác giả loại thơ này thường là
người nằm trong bộ máy chính quyền, chức vụ không cao, viết vì công việc, vì
“cái ghế”, vì miếng cơm manh áo. Cả tác giả lẫn tác phẩm đều bị coi thường,
khinh rẻ. Thậm chí đọc phải những bài thơ này có người còn bực bội chửi thề
ngay cả trước mặt công chúng. (Con số hàng vạn của anh Châu Thạch tôi e rằng
quá lố).
Chỉ có những bài thơ tác
giả có tay nghề cao, viết bằng trái tim mình, bày tỏ cảm xúc thật của mình
nhưng ý tứ của bài thơ lại tình cờ phù hợp với đường lối, chính sách của chính
phủ nên được phổ biến trong quảng đại quần chúng. Vâng! Chính những bài thơ ấy
mới hấp dẫn người đọc, mới thôi thúc người đọc đi theo, làm theo tiếng gọi của
tứ thơ (hoặc ý thơ). TBH nằm trong số những bài thơ ấy.
5/
Bài thơ được đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng
định giá trị nghệ thuật cao của bài thơ. (Điều này không phải lúc nào
cũng đúng.) Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến nay,
không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó chứng tỏ
giá trị nghệ thuật của Tống Biệt Hành được đánh giá đúng nên không có sự
phản hồi, phản bác, đối nghịch trong công luận.
Vào trường học là có
giáo án, thi cử. Thử hỏi có học sinh nào dám đem tương lai của mình để đánh đổi
lấy một cơ hội được phản bác điều mình được dạy trong trường lớp? Có thầy, cô
giáo nào dám dạy sai giáo án để phí công bao năm đèn sách ở các trường cao đẳng
hay đại học sư phạm? Vả lại, nếu người phản bác không có thực tài, không chọn
đúng thời điểm có phong trào, có cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca mới, không có
sự hỗ trợ của một vài nhân vật có chức quyền trong ngành, những ý kiến phản bác
sẽ như muối bỏ bể, rơi vào quên lãng.
Giá Trị Nghệ Thuật Của
Tống Biệt Hành
1/ Khuyết
điểm
Ngoài những khuyết điểm
ở hai đoạn thơ nói về chị và em TBH còn có những yếu kém sau đây:
- Câu
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy” có vẻ ngây ngô và đóng góp rất ít cho
bài thơ.
- Cái
dở nhất của TBH, theo tôi, là có nhiều đoạn người ra đi không được bày tỏ trực
tiếp mà cảm xúc, tâm trạng của anh ta lại do người tống biệt võ đoán và nói hộ.
Độc giả có cảm giác như được Thâm Tâm mời đến thưởng thức món thuốc lá gia
truyền rất ngon, nhưng khi gặp nhau thì chỉ được hút một, hai hơi; sau đó là
ngồi ngửi khói (hút gián tiếp). Lời khuyên “Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất”
đã bị vi phạm mà không có lý do chính đáng.
2/
Ưu điểm
Dù vậy TBH cũng vẫn là
một bài thơ hay. Chỉ với 4 câu đầu tác giả đã khắc họa một cách tài tình tâm
trạng của người đưa tiễn – và với khả năng quan sát tinh tế, đã “bắt” được nỗi
buồn của người ra đi:
Đưa
người ta không đưa qua sông
Sao
có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng
chiều không thắm không vàng vọt
Sao
đầy hoàng hôn trong mắt trong
Để tả cảnh chia ly 4 câu
thơ này có thể hiên ngang đọ sức với bất cứ câu thơ hay nào của bất cứ tác giả
nào trong Phong Trào Thơ Mới.
Cái độc đáo nữa của TBH
là Điệu
thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc, không mềm mại uyển chuyển như
phần nhiều thơ bây giờ. (1)
Đứng bên cạnh những bài
thơ có âm điệu du dương như hầu hết thơ mới thời ấy TBH có dáng dấp độc đáo,
gây được sự chú ý ngay từ hình thức bề ngoài của bài thơ.
Cái hay nhất của TBH là
- mặc dù nhân vật và khung cảnh khác xa nhau – đã gợi được không khí hào hùng,
bi tráng của cuộc chia ly nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa: Thái Tử Đan tiễn
Kinh Kha sang sông Dịch để ám sát Tần Thủy Hoàng. Người đọc, đặc biệt là nam
nhân, cảm thấy hào khí bốc lên cao ngất, thân này kể bỏ, gia đình (mẹ, chị và
em) cũng coi như không có, vì lý tưởng, vì nước quyết ra đi để thỏa mãn chí lớn
của người trai.
Chí
lớn không về bàn tay không
Thì
không bao giờ nói trở lại
Ba
năm mẹ già cũng đừng mong.
Tôi hoàn toàn đồng ý với
Châu Thạch khi anh viết:
Đoạn nầy ý nói người ra
đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày giáp
cử cũng không về để tang mẹ được. Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi nêu
lên sự quyết tâm của người ra đi vì chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân, như
lời thề non nước.
Tóm lại, nếu đặt ưu và
khuyết điểm lên bàn cân thì TBH vẫn là một bài thơ hay. Ưu điểm rất độc đáo và
gây được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc. Có những đoạn thơ thường được ngâm nga
trong những buổi họp mặt của thanh niên trước lúc lên đường. Nhưng khuyết điểm
cũng không ít trong đó có cả khuyết điểm căn bản trong việc sáng tác thơ ca.
Riêng về tứ thơ thì tôi
cho rằng tứ thơ của TBH là một thứ dây leo chùm gởi, phải nhờ vào cái bóng của
một “khung cảnh lịch sử” ở tận bên Trung Quốc để có được sức hấp dẫn người đọc
như nó đã có. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, rượu trong bữa tiệc thơ TBH là
rượu giả; cảm xúc (ngoài hai câu đầu) không phải là thứ “tông” phát xuất từ
chính trái tim người tống biệt mà chỉ là cảm xúc của người ra đi được người
tống biệt đoán ra. Khách mời của bữa tiệc TBH tưởng như mình sắp sửa qua sông
Dịch để cứu muôn triệu dân lành. Rót rượu đầy ly, nâng cao và hô một tiếng
“dzô” thật lớn rồi uống cạn để thấy hào khí trong người mình dâng lên cao ngất.
Đến khi tỉnh dậy sau cơn say khướt, thấy nhức đầu một cách khó hiểu nhưng cũng
không biết là mình uống phải rượu giả, toàn nước lã pha cồn.
Hồ Trường (Nguyễn Bá
Trác) thì hoàn toàn khác. Khung cảnh thật, rượu thật, tâm sự được chính tác giả
thốt ra trong lúc ngà ngà say, không có bàn tay “gạn đục khơi trong” của lý trí
nên cũng rất thật. Và hào khí, thì dù người đọc có say hay tỉnh, cũng thấy bốc
cao ngất trời và nóng bỏng.
Trong trò chơi bình thơ,
với tôi, chê lầm một câu (bài) thơ hay hoặc khen lầm một câu (bài) thơ dở là
một lỗi nặng, ảnh hưởng đến uy tín của người bình thơ. Tuy nhiên, ở đời ai
chẳng có lúc lỗi lầm? Miễn là sau đó mình cố gắng học hỏi và sửa chữa. Nhưng
bình một bài thơ mà – vì một lý do nào đó ngoài thơ - thấy một điểm hay mà
không dám khen, thấy một điểm dở mà không dám chê thì theo tôi, là một cái tội,
tội với lương tâm mình và tội với thơ. Cho nên khi bình thơ, tôi khen chê thẳng
thắn đúng với sự hiểu biết và cảm nhận của mình lúc đó. Vì thế bài viết của anh
Châu Thạch đã cho tôi cơ hội đọc kỹ lại Tống Biệt Hành và giải thích thêm một
số chi tiết mà tôi – vì muốn hướng sự chú ý của độc giả vào những điểm chính –
đã bỏ qua. Và chuyện đúng sai xin nhường cho độc giả phán xét.
Với bài thơ TBH anh Châu
Thạch và tôi có vài chỗ ý kiến khác nhau. Đó cũng là chuyện thường tình trong
bình phẩm thơ ca. Trong Văn Nghệ Quảng Trị anh Châu Thạch có số bài gấp nhiều
lần số bài của tôi. Anh là cựu binh, còn tôi là lính mới. Cũng may là trên chốn
văn chương nên tôi mới dám mạnh dạn trao đổi với anh. Qua hai bài viết, một của
anh và một của tôi, xin được nói riêng với anh Châu Thạch, cả hai chúng ta đều
có lợi. Và biết đâu những độc giả đọc bài của chúng ta cũng đang rung đùi, gật
gù khoái chí.
Chú thích:
1/ Chữ của Hoài Thanh
Galveston, Texas
10/18/15
PHẠM ĐỨC NHÌ
Lê Mai Lĩnh: Câu chuyện
văn chương –Tống Biệt hành
TVấn&
BH
Vừa qua, trên trang web
T.Vấn & Bạn Hữu có bài tranh luận giữa hai tác giả CHÂU THẠCH và PHẠM
ĐỨC NHÌ về bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH của thi sĩ THÂM TÂM, đã làm tôi
NGỨA NGÁY TAY CHÂN, nên tôi muốn có đôi điều góp ý. Bài viết trong tinh thần
CHUYỆN NHƯ ĐÙA, mong HAI ANH và ĐỘC GIẢ xem cho vui, trong lúc chờ đợi chứng
kiến MỸ và TRUNG CỘNG bắn đạn DỞM và NỔ PHÁO TỊT NGÒI vào nhau
Nhà thơ THÂM TÂM, một
KHUÔN MẶT THƠ mà người nào yêu thơ cũng yêu mến.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH
là KINH NHẬT TỤNG TÌNH YÊU cho một thời trai tơ, trai trẻ, trai dậy thì. Kể cả
mấy gái chưa chồng hay chết chồng
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH
là một KHỐI KIM CƯƠNG NGUYÊN VẸN, chẳng một ai dám đục, đẽo, đạp, đá hay thụi,
xéo hay nậy.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH,
khi vui, đọc cho buồn.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH,
khi buồn, đọc cho vui
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH,
khi đói, nó là gạo nấu cơm là nếp nấu xôi.
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH
là nước khi khát, là cứu tinh cho người vượt qua sa mạc khô cháy
Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH,
là rượu cho những bợm nhậu, là thuốc lào cho những người tù khổ sai Cộng Sản
75 năm nay nó là như thế
và sẽ là như thế, khi trái đất này còn người YÊU THƠ.
Thế nhưng vừa qua, người
anh em tôi, nhà thơ PHẠM ĐỨC NHÌ đã chọn một cách rất “không bình thường” để
phân tích, mổ xẻ TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH:
Ông đã đem BÚA TẠ, KỀM KINGSIZE,
ĐỤC KINGSIZE, XÀ BENG KINGSIZE, THUỐC NỔ QUEEN, BAO TAY PRINCESS,,,,
Ông TRỤC, KÉO, LÔI PHO
TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH ra khỏi TRÁI TIM NHỮNG NGƯỜI YÊU của THÂM TÂM
TỐNG BIỆT HÀNH
Với những lý do của Ông:
Bài thơ Tống Biệt Hành:
1/ Không những bình
thường mà con SẾN.
2/ Nói chuyện chiều hôm
trước mà dùng trạng từ chỉ thời gian “BÂY Giờ” là không chính xác.
(Theo tôi biết, trong
văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác, vẫn có CÁC THÌ: HIỆN TẠI
TRONG QUÁ KHỨ hay QUÁ KHỨ TRONG TƯƠNG LAI.)
3/Chữ “dòng” trong cụm
từ “dòng lệ sót” giảm giá trị của chữ “sót”.
4/ “Giời chưa mùa thu
tươi lắm thay” là một câu thơ “vô tích sự” bởi nó lạc lõng, thừa thãi, không ăn
nhập gì với cả đoạn thơ.
5/ So sánh ”sen nở nốt”
với ”dòng lệ sót” rất khập khễnh.
6/ Đọc hai câu:
” Em nhỏ thơ ngây đôi
mắt biếc
Gói tròn thương tiếc
chiếc khăn tay “
Hình ảnh KHÔ, CỨNG, vừa
CẢI LƯƠNG, lại vừa không thật, ngây thơ đôi mắt biểc như em nhỏ thì biết gì mà
thương với tiếc
7/ Bài thơ TỐNG BIỆT
HÀNH nói về một sự ra đi vu vơ, không mục đích rõ ràng.
8/ Câu: ”Đưa người ta
chỉ đưa người ấy” có vẻ ngây ngô, và đóng góp rất ít cho bài thơ.
9/ Lời khuyên: ”Làm
thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý đó chính đáng.
(PHẠM ĐỨC NHÌ không cho
chúng ta biết LỜI KHUYÊN NÀY CỦA AI. Phải chăng có một ông TỔ SƯ BỒ ĐỀ THƠ
khuyên và chỉ có anh PDN biết.)
10/ Rượu trong bữa tiệc
thơ TỐNG BIỆT HÀNH là rượu gỉa, rượu toàn nước lã pha cồn
Rồi ông kết luận về TỐNG
BIỆT HÀNH :
Dù vậy, TỐNG BIỆT HÀNH
VẪN LÀ MỘT BÀI THƠ HAY.
CHỈ VỚI 4 CÂU ĐẦU TÁC
GIẢ ĐÃ KHẮC HỌA MỘT CÁCH TÀI TÌNH TÂM TRẠNG CỦA NGƯỜI ĐƯA TIỄN Và VỚI KHẢ NĂNG
TINH TẾ ĐÃ BẮT ĐƯỢC NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI RA ĐI:
“Đưa người ta không đưa
sang sông
Sao có tiếng sóng ở
trong lòng
Ráng chiều không thắm
không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong
mắt trong”
Để tả cảnh chia ly, 4
câu thơ này có thể hiên ngang đọ sức với bất cứ câu thơ hay nào của bất cứ tác
giả nào trong phòng trào THƠ MỚI.
Thưa anh nhà thơ PHẠM
ĐỨC NHÌ:
1/Anh nói: TÔI
DÀNH SỰ PHÁN XÉT SAU CÙNG CHO ĐỘC GIẢ
Vậy tôi đề nghị anh NÊN
NÓI LỜI XIN LỖI VỚI ANH CHÂU THẠCH. Bài của nhà phê bình CHÂU THẠCH rất HÀN
LÂM, NGƯỜI LỚN.
2/ Mặc dù anh đã HÀN GẮN
NHỮNG VẾT ĐỤC ĐẼO lên PHO TƯỢNG TỐNG BIỆT HÀNH, nhưng sự MẤT MÁT VẪN CÒN, NIỀM
ĐAU CŨNG CÒN,
vậy anh nên viết bài TẠ
LỖI với độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, rằng anh đã chạm vào tình cảm YÊU THƠ
của họ dành cho THẦN TƯỢNG THÂM TÂM.
Như đã nói trên bài
viết, ĐÂY LÀ CHUYỆN ĐUÀ CUỐI TUẦN, xin mọi người hoan hỉ thứ tha.
AMEN
Lê Mai Lĩnh
VĂN
CHƯƠNG ĐÂU PHẢI LÀ ĐƠN THUỐC
(Viết sau khi đọc Câu
Chuyện Văn Chương của Lê Mai Lĩnh)
Nhận được cái link từ một bạn
văn trong nước với lời nhắn “Nhận thấy có liên quan đến bài viết của anh và anh
Châu Thạch bàn về TỐNG BIỆT HÀNH của THÂM TÂM... nên chép lại đường link để anh
xem và có phản hồi với bài viết (nếu có). Chúc vui.”
Sau
đó 2 ngày tôi cũng nhận được mail của anh Trương Vấn thông báo về bài Câu
Chuyện Văn Chương trên trang TVấn& BH. Đọc CCVC tôi mường tượng
tác giả của nó là một người yêu thơ cuồng nhiệt theo cách riêng của mình, và …
rất tự tin. Lẽ ra trong tranh luận văn chương phải chú trọng đến đối tượng
tranh luận - ở đây là giá trị nghệ thuật của TBH - thì ông LML chỉ nói phớt qua
vài điểm ông không đồng ý (không dẫn chứng), rồi tự động coi mình là “bên thắng
cuộc”, đề nghị hình phạt cho “bên thua cuộc”.
Dù
vậy, trong bài này tôi chỉ chú trọng việc làm rõ những điểm liên quan đến văn
chương mà ông đề cập, không phải để phân định thắng thua mà tìm sự thông cảm
không những của riêng ông mà còn của cả những độc giả khác quan tâm đến cuộc
tranh luận.
1/ Nói chuyện chiều hôm
trước mà dùng trạng từ chỉ thời gian “BÂY Giờ” là không chính xác.
Theo tôi (LML) biết,
trong văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác, vẫn có CÁC THÌ: HIỆN
TẠI TRONG QUÁ KHỨ hay QUÁ KHỨ TRONG TƯƠNG LAI.
Ở đây tôi không bàn đến
văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác mà chỉ xin đưa ra một thí dụ bằng
tiếng Việt để chứng minh “Bây giờ” trong TBH là không chính xác.
Thứ
Hai tuần trước tôi gặp anh ta ở chùa Vĩnh Nghiêm
Lúc
ấy hoa sen nở đẹp quá.
Nếu thay “Lúc ấy” bằng
“Bây giờ” thì sai. Điều này chắc độc giả ai cũng có thể chấp nhận.
Trở lại TBH: Tôi xin
phép đổi mấy chữ (để làm rõ ý của mình)
Ta
biết người buồn chiều hôm trước
Đang
vào cuối hạ sen nở nốt
Nhóm chữ trạng từ chỉ
thời gian (đang vào cuối hạ) có thể bao phủ một khoảng thời gian từ
“chiều hôm trước” cho đến lúc người đưa tiễn đang “tâm tình” ngày hôm sau (và
có thể thêm một thời gian ngắn nữa trong tương lai). Đưa “Bây giờ mùa hạ” vào
thì sai – ít nhất cũng là lỗi kỹ thuật - vì “độ phủ sóng” của “Bây giờ” hẹp
hơn, chỉ là một khoảnh nhỏ của hiện tại, không thể vươn ngược về “chiều hôm
trước”.
2/ Bài thơ TỐNG BIỆT
HÀNH nói về một sự ra đi vu vơ, không mục đích rõ ràng.
Ông LML đã thiếu cẩn
trọng, không đọc kỹ nên đã gán câu văn trên - của anh Châu Thạch - cho tôi. Tuy
nhiên, đó là sự lầm lẫn nhỏ nhặt, không đáng kể. Hơn nữa, chính tôi cũng đồng ý
với nhận xét rất tinh tế ấy của anh Châu Thạch.
3/ Lời khuyên:
“Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý đó chính đáng.
(PHẠM ĐỨC NHÌ không cho
chúng ta biết LỜI KHUYÊN NÀY CỦA AI. Phải chăng có một ông TỔ SƯ BỒ ĐỀ THƠ
khuyên và chỉ có anh PĐN biết.)
Trước hết, tôi đã bỏ ra
2 buổi để đọc 69 bài thơ của ông LML trên TVấn& BH (đúng ra là 70 nhưng có
một bài đăng 2 lần) và nhận thấy rằng tất cả 69 bài thơ ấy (vâng! 100%) đều
được viết ở ngôi thứ nhất. (1)
Sau đây là một đoạn
trích trong Mấy Ý Nghĩ Về Thơ của Nguyễn Đình Thi:
Những hình ảnh còn tươi
nguyên, mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng. Vì nhà thơ
nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có
vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định
trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ
nhất.
Tôi tạm dùng hình tượng
rượu thật, rượu giả để giải thích ý này. Cảm xúc hay tâm sự do chính tác giả
(hay chính nhân vật trong bài thơ) nói ra là rượu thật, còn do người khác suy
đoán rồi nói hộ là rượu giả. Có loại rượu giả cao cấp và loại rượu giả xoàng.
Trong TBH có 2 bình rượu
thật:
a/
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao
có tiếng sóng ở trong lòng
Không đưa người qua sông
nhưng sao lòng nôn nao như sóng vỗ. Đây là 2 câu thơ tuyệt vời nói lên tâm
trạng của người đưa tiễn.
b/
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí
lớn không về bàn tay không
Thì
không bao giờ nói trở lại
Ba
năm mẹ già cũng đừng mong.
Đây là những câu thơ
người ra đi thì thầm với chính mình – nói như Châu Thạch - lời thơ như hịch
xuất quân, như lời thề non nước.
Còn lại là 4 bình rượu
giả:
a/
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao
đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Ta cảm được nỗi buồn của
người khi thấy mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Mắt là cửa sổ linh hồn;
nhìn đôi mắt có thể đoán khá chính xác một người đang vui hay buồn. Do tác giả
chọn được hình rất đẹp, rất thơ nên 2 câu thơ tuy là rượu giả nhưng là loại
rượu giả cao cấp, chỉ người sành rượu mới phân biệt được. Hai câu này kết hợp
với 2 câu đầu thành một đoạn thơ rất hay, thường được đọc, ngâm nga trong các
buổi nhậu, tiệc trà bù khú chuyện văn chương.
b/ Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây
giờ mùa hạ sen nở nốt
Một
chị, hai chị cũng như sen
Khuyên
nốt em trai dòng lệ sót
c/ Ta
biết người buồn sáng hôm nay:
Giời
chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em
nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói
tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Hai đoạn b và c cũng là
2 bình rượu giả. Ngôn ngữ và khung cảnh thơ sến, cải lương nên có thể xếp vào
loại rượu giả xoàng, nhấp môi là nhận được ngay.
d/
Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thật
Mẹ
thà coi như chiếc lá bay
Chị
thà coi như là hạt bụi
Em
thà coi như hơi rượu cay
Người đưa tiễn cứ
như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người ra đi.
Thử hỏi độc giả liệu có tin được “chân tình” của tác giả không? Ba câu cuối rõ
ràng là rượu giả, được nhà hàng nghênh ngang pha ngay trước mặt thực khách.
Trước khi tôi viết về
TBH, trong lúc uống cà phê bình thơ, thấy tôi chĩa mũi dùi vào chi tiết “nói hộ
tâm sự của người khác” trong thơ, một người bạn lên tiếng:
Người
đưa tiễn, người ra đi, rồi mẹ, chị và em, tất tật đều là “con đẻ” của Thâm Tâm;
dĩ nhiên ông ta biết suy nghĩ trong đầu của họ.
Đồng ý là như vậy. Nhưng
khi đã phân công, phân nhiệm thì vai nào phải ra vai đó để phù hợp với vở kịch
của cuộc đời. Người trần mắt thịt mà cứ như là Tiên, Thánh, đọc suy nghĩ, cảm
xúc của người khác như đọc trang giấy trước mặt mình thì coi sao được.
4/Anh nói: TÔI DÀNH SỰ PHÁN XÉT SAU CÙNG CHO ĐỘC
GIẢ
Vậy tôi đề nghị anh NÊN
NÓI LỜI XIN LỖI VỚI ANH CHÂU THẠCH. Bài của nhà phê bình CHÂU THẠCH rất HÀN
LÂM, NGƯỜI LỚN.
Qua bài viết của anh
Châu Thạch, thú thật, chất hàn lâm thì tôi không dám nói chứ về phong cách thì
tôi đồng ý với ông LML là anh có một phong cách rất người lớn: cẩn trọng, đứng
đắn và hòa nhã. Sau mấy bài viết tranh luận về TBH và Nhớ Rừng chúng tôi đã thư
qua, thư lại, trò chuyện trên điện thoại và thấy có một số điểm tương đồng
trong tranh luận văn chương. Anh đã thẳng thắn nói rằng trong việc thẩm định
giá trị nghệ thuật của một bài thơ việc có ý kiến khác nhau là thường tình; đó
là quyền tự do của mỗi người. Chúng tôi đã kết bạn văn chương và đã trao đổi
với nhau một số điều riêng tư lý thú.
5/ Vậy anh nên viết bài
TẠ LỖI với độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, rằng anh đã chạm vào tình cảm YÊU
THƠ của họ dành cho THẦN TƯỢNG THÂM TÂM.
Trong số độc giả thường
đọc, thưởng thức rồi yêu thơ có rất nhiều người mê thích một bài thơ vì một hay
nhiều lý do rất riêng tư, có khi chẳng ăn nhập gì đến kỹ thuật thơ, cảm xúc thơ
… nói chung là giá trị nghệ thuật của bài thơ. Nếu bài thơ nhắc đến hoặc gợi
lại những kỷ niệm về khung trời quê hương, mối tình đầu, “những năm tháng không
thể nào quên”, hào khí của thanh niên … thì độc giả sẽ ngây ngất như say rượu, cảm
xúc dạt dào, hào khí dâng cao … và họ sẽ vung tay cho điểm bài thơ rất rộng
rãi. TBH cũng ở trong trường hợp đó. Dĩ nhiên, nó không phải là bài thơ dở,
nhưng vì những lý do rất “ngoài thơ” người ta đã quên nhắc đến những khuyết
điểm của nó, đã ca tụng nó, cho điểm nó cao hơn giá trị thực sự của nó rất
nhiều.
Nhiệm vụ của người bình
thơ ngoài việc chỉ ra ưu, khuyết điểm của bài thơ còn phải tháo những giá
chống, gỡ những bàn tay nâng đỡ, tước bỏ những ưu ái riêng tư của mình để bài
thơ tự đứng trên đôi chân của nó, tỏa sáng bằng chính giá trị nghệ thuật tự
thân của nó.
Tôi bình TBH (và những
bài thơ khác) cũng với tinh thần đó, cố gắng thuyết phục để độc giả cùng tôi
đối xử công bằng với bài thơ, khen chê đúng mực.
Trường hợp của ông LML
thì đặc biệt hơn. Đọc đoạn ông viết về TBH tôi biết ngay là ông mắc chứng bệnh
“cuồng ái” với bài thơ. Đem cái “tình yêu thơ” kiểu ấy mà bước vào chỗ bình thơ
tranh luận với tôi thì chắc chắn tôi sẽ “từ chết đến bị thương”. Cuối cùng
chỉ bị ông hỏi khó mấy câu và bắt xin lỗi, tạ lỗi với không biết bao nhiêu là
người. Thôi thì như thế cũng là may mắn.
Bệnh của ông LML thì hơi
khó chữa, nhưng đối với bạn đọc của TVấn&BH và tất cả những người yêu thơ
khác, tôi hy vọng là qua mấy bài tranh luận về TBH quý vị cũng vẫn yêu mến bài
thơ nhưng sẽ đối xử với nó công bằng hơn.
Riêng về việc ông LML
yêu cầu tôi xin lỗi anh Châu Thạch và TẠ LỖI với bạn đọc của trang TVấn& BH
tôi xin được cho qua vì nó ngây ngô, trịch thượng và … quá vô duyên.
6/Ông đã đem BÚA TẠ, KỀM
KINGSIZE, ĐỤC KINGSIZE, XÀ BENG KINGSIZE , THUỐC NỔ QUEEN, BAO TAY PRINCESS,,,,
Ông TRỤC, KÉO, LÔI PHO
TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH ra khỏi TRÁI TIM NHỮNG NGƯỜI YÊU của THÂM TÂM
TỐNG BIỆT HÀNH
Theo
ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu thơ đều có một tượng đài trong tim cho
mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu và đánh giá của mỗi người, tượng đài
ấy lớn nhỏ khác nhau.
Có
người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại người
thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ loại
dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi -
đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái tim
của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những
bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công
việc thay thế đó trong tim họ.
KẾT LUẬN
Ở
phần đầu ông Lê Mai Lĩnh xác định: “Bài viết trong tinh thần Chuyện Như Đùa” và
ở phần cuối ông nhắc lại: “Đây là Chuyện Đùa Cuối Tuần, xin mọi người hoan hỉ
thứ tha.” Đồng ý trong “chuyện văn chương” có những vùng đất dành riêng cho óc
khôi hài (sense of humor) và ngay cả những bài viết chính luận nghiêm túc vẫn
có thể có câu, đoạn ẩn chứa những nụ cười ý nhị. Ngồi vào bàn bình thơ, người
viết không nhất thiết phải bỏ lại bên ngoài óc hài hước hay cách hành văn dí
dỏm của mình.
Có điều chắc chắn là bình
thơ không phải chuyện đùa. Người bình thơ, ngoài kiến thức, tài năng còn
phải có “tâm” với thi ca và nhất là phải có thái độ của người lớn: đứng đắn,
nghiêm túc, có trách nhiệm với lời khen chê của mình. Khen chê một câu thơ, một
bài thơ là do nhận định chủ quan của người viết phê bình – không phải lúc nào
cũng đúng nên dĩ nhiên, chưa phải là kết luận chung cuộc. Sự khen chê ấy còn
được cân nhắc, lượng giá (có khi soi mói) của nhiều cặp mắt phê bình khác.
Không phải cứ ngứa ngáy
tay chân là nhảy xổ vào cuộc tranh luận thơ ca của người khác, nói vung tít mẹt
rồi chắp tay xin hai chữ đại xá. Hơn một trăm năm trước Trần Tế Xương đã viết
hai câu thơ về bác Cử Nhu:
Văn
chương đâu phải là đơn thuốc
Chớ
có khuyên xằng chết bỏ bu.
Với những người Bình Thơ
hoặc đang tranh luận về giá trị nghệ thuật của thơ, hai câu đó bây giờ vẫn
đúng.
Texas 11/2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
CHÚ THÍCH:
1/
Hôm nay (11/14/2015) đọc bài thơ mới của ông LML (Những Ngày Tôi Muốn Chết) trên
TVấn& BH, tôi thấy nó cũng được viết ở ngôi thứ nhất.
PHỤ LỤC 1:
Có trường hợp bài thơ là
một cuộc đối thoại giữa nhân vật chính và người em của mình; bài thơ chấm dứt
bằng câu trả lời của người em. Có người bạn hỏi rằng “Phải chăng tác giả đã
viết bằng ngôi thứ hai?”
Này lặng em ơi, lặng
lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm.
Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên ... vắng người.
(Mòn Mỏi, Thanh Tịnh)
Theo tôi, cảm xúc của người chị (ngôi thứ nhất) vẫn là chính. Độc
giả theo dòng cảm xúc từ đầu bài thơ đã hiểu được tâm trạng mòn mỏi đợi chờ
tình quân của chị cho nên khi đọc 2 câu trả lời của người em - chỉ làm nhiệm vụ
cung cấp thông tin - đã đồng cảm với sự tuyệt vọng và nỗi buồn đau vô bờ bến
của người phụ nữ đáng thương này. Thủ pháp Show, Not Tell của Thanh Tịnh rất
tài tình và đã đạt hiệu qủa tối đa.