Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 30, 2019

HOA BONG BÓNG VỠ GỌI MƯA - Thơ Nguyễn Hồng Linh

Tác giả Nguyễn Hồng Linh


HOA BONG BÓNG VỠ GỌI MƯA
Nguyễn Hồng Linh



Ta gối đầu nghe hương cỏ
Trên đồi chim hót rộn vang
Em như cánh chim bé nhỏ
Bay đi về chốn vô ngàn

Em hoa sim tím dịu dàng
Cho ta một đời nhung nhớ
Em đi tim ta ngỡ ngàng
Phím trầm loang mãi cung tơ

Dòng sông ngăn cách đôi bờ
Bên bồi bên lở ngày mưa
Cung thương ai buộc vào thơ
Chông chênh rơi mất tình xưa

Khúc ly tao- người quên chưa?
Trái yêu đầu người hiến dâng
Hoa bong bóng vỡ gọi mưa
Ừ thôi! Khao khát một lần...

Stuttgart
26.06.2019

honglinh8861@yahoo.de
READ MORE - HOA BONG BÓNG VỠ GỌI MƯA - Thơ Nguyễn Hồng Linh

TÔI HỎI DÒNG SÔNG VÀ HỎI TÔI – Trần Mai Ngân


                             Tác giả Trần Mai Ngân


Xin phép mượn bài thơ HỎI của nhà thơ La Thuỵ cho bài viết này. Rất cảm ơn.

   HỎI?

   Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
   Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ? 
   Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
   Người xa xăm ấy lặng lờ... bặt tin.
   Lá vàng rơi rụng bên thềm
   Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
   Hỏi trăng chếch bóng non đoài
   Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư.
   Hỏi tình sao cứ ơ thờ
   Hỏi sương  nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm.
                                
                                                       La Thuỵ


TÔI HỎI DÒNG SÔNG VÀ HỎI TÔI...

Trước mắt tôi là một dòng sông.
Mỗi khi phiền muộn tôi hay đến đây ngồi. Chỉ ngồi một mình im lặng và nhìn con sông trôi chảy mang theo những cánh hoa Lục Bình buồn mênh mang...
Chiều nay cũng vậy. Lòng vẫn vơ thật đầy. Tôi tìm đến con sông và ngồi im.
Bỗng nhiên tôi muốn mượn hai câu thơ mở đầu trong bài thơ HỎI của nhà thơ La Thuỵ để trò chuyện với con sông...
“Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ...”
Tôi không biết nhà thơ đi tìm tri âm và đã gặp chưa trong “nghìn trăm bến bờ” của cuộc đời này...
Riêng tôi - tôi dùng hai câu thơ này hỏi con sông và cũng là trả lời cho sự tuyệt vọng trong cuộc kiếm tìm tri âm, tri kỷ. Chỉ một bến bờ thôi mà có khi nghìn trùng không đến, không gặp gỡ nói chi đến “nghìn trăm bến” như nhà thơ La Thuỵ đã mở đầu bài thơ. Ôi thật mịt mù!
“Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
Người xa xăm ấy lặng lờ.. .bặt tin”
Có phải nhà thơ La Thuỵ đã gặp người “xa xăm ấy” trong một bến sông thoáng chốc để rồi “lặng lờ bặt tin” gieo thương nhớ cho lòng hoang mang mong đợi!
Còn tôi - đã từng ngồi ngắm con sông, ngắm những đám Lục Bình bềnh bồng trôi như một kiếp người và kể với con sông về quá khứ... Cuối cùng cũng như thơ La Thuỵ “bặt tin” ... im vắng ...
Trong chiều nay, đêm nay lặng lẽ tôi nhìn...
“Lá vàng rơi rụng bên thềm
Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài
Hòi trăng chếch bóng non đoài
Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư”
Ở đây chỉ là nhà thơ La Thuỵ đã cho chú Cuội tương tư những đêm trăng sáng vằng vặc... như chuyện cổ tích.
Còn tôi -  có phải là tương tư vọng ảo một khúc nghê thường cùng người. Tưởng trăm năm, tưởng cuối đời nhưng chỉ là tình hoài vọng xa xăm!
Tôi bỗng thấm thía! Thì ra cuộc đời không phải ai cũng được hội ngộ như sự mong đợi để rồi mới có sự khắc khoải hằng thâu đêm
Tương tư đêm nguyệt rằm
Tương tư dáng ai nằm
Tóc xoã tình trăm năm
Xa xăm...bặt tin âm...
Và sự thờ ơ trong cuộc đời của tri âm đã làm cho câu “thơ ướt mềm” như những giọt sương đêm rơi xuống đoá Quỳnh hoa năm nào...
Để rồi kết thúc bài thơ La Thuỵ đã hỏi, không phải hỏi con sông nữa mà là hỏi tình, hỏi cuộc tình hay có khi là hỏi một người tình...
“Hỏi tình sao cứ ơ thờ
Hỏi sương nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm.”
Lòng vòng là những câu hỏi và không có câu trả lời...
Chiều nay, con sông trước mắt tôi đang chở những chiếc Lục Bình không biết về đâu... Tôi mượn bài thơ của La Thuỵ để đọc và hỏi... nhưng là một sự im lặng không tiếng vọng trả lời...
Chiều tắt hẳn nắng. Trời sẫm màu buồn!
Tôi phải quay về thôi. Ra về lòng tôi vẫn còn muốn hỏi...
“Hỏi sông tuôn chảy âm thầm
Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ
Hỏi trăng chếch bóng non đoài
Hỏi tình sao cứ ơ thờ...”
Và tôi quay lại hỏi tôi! Tôi lại hỏi tôi!

                                                  Trần Mai Ngân
                                      Tháng Sáu, 2019 trời vẫn mưa !

READ MORE - TÔI HỎI DÒNG SÔNG VÀ HỎI TÔI – Trần Mai Ngân

CHỊ NGỒI VỚI NHỮNG XỬA XƯA - Thơ Đặng Xuân Xuyến




CHỊ NGỒI VỚI NHỮNG XỬA XƯA
(Tặng nhà thơ Trần Mai Ngân)

Chị ngồi nhặt bóng nhặt hình
Nhẩn nha những chuyện của mình xửa xưa
Cuối trời tháng Sáu vần mưa
Chị se ngọt tiếng đò trưa ạ ời...

Hà Nội, chiều 28.06.2019
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHỊ NGỒI VỚI NHỮNG XỬA XƯA - Thơ Đặng Xuân Xuyến

ĐỌC “CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG”, TẬP THƠ LỤC BÁT- TÁC GIẢ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch


                 
      Nhà bình thơ Châu Thạch và nhà thơ Ngã Du Tử



ĐỌC “CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG”, TẬP THƠ LỤC BÁT- TÁC GIẢ NGÃ DU TỬ 
                                                                 Châu Thạch

Nhận tập thơ của Ngã Du Tử tặng đã hơn ba năm, nó đi theo tâm trí tôi suốt ba năm. Viết về nó? Không đủ trình độ ! Không viết về nó? Nó như  bức tranh Giáng Tiên của chàng Tú Uyên treo  ngay trên tường nhà tôi. Nàng tiên phải bước ra thì mới thỏa lòng ao ước của tôi
Vậy thì hôm nay tôi liều viết. như liều mời nàng tiên ra vậy. Viết xong sẽ gởi tấm lòng cho gió cuốn đi như nhạc Trịnh công Sơn, nó đến đâu thì cứ đến, hoặc nếu nàng tiên bỏ tôi đi biệt về Trời thì cũng thỏa lòng.
“Thường hằng” là gì? Theo nhà thơ Ngã Du Tử: “Mỗi hành trình một đời người trú ngụ trên trần gian đều chứng nghiệm muôn màu muôn vẻ của sinh lão bệnh tử, của thành trụ hoại diệt. Cái ấy khái niệm của Phật giáo là thường hằng”. “Vô thường là dịch biến, ngược lại là thường hằng. Vậy thường hằng là bất biến. Vô thường được giải thích nôm na như sóng, sóng là vô thường còn nước là thường hằng, mặc dầu sóng là do có nước mới sinh ra”
Vậy chơi giữa thường hằng là gì? Có lẽ cũng phải dùng lời tác giả để giải thích cho dễ hiểu hơn: “Quay về cõi tâm linh đễ tìm cho mình chốn an bình cho tâm thể”. “Nương vào diệu pháp”,“làm nhẹ nhàng cho tâm thức lẫn tâm thể”, “Cảm thấy thật bình yên trong đối đãi cho từng mỗi người trong thế gian muôn mặt”.

Trường thi “Chơi Giữa Thường Hằng” được chia ra 10 chương, mỗi chương có một đề tài riêng biệt. Tác giả muốn trong mỗi chương, người đọc nhận dạng từng hoàn cảnh đối đãi với tha nhân trong hành trình của đời người được hội ngộ cùng nhau.

Chương mở đầu: Vương Vấn!

“Vương Vấn” có 36 câu lục bát. Mở đầu cuộc rong chơi bằng những câu thơ vương mang bến tình, vương mang vần trăng cổ độ. Một lần gặp em đã trở nên một nhánh phù sinh trong cuộc sống

              “Ta về ngắm khóm vô ưu
               Gặp em trên nhánh ưu tư phận mình
               Ô hay một nhánh phù sinh
               Còn bao nhiêu mộng phiêu linh rợp ngày.”

Chương 2: Quán Chiếu.

“Quán Chiếu” có 40 câu thơ. “Em từ quán chiếu sang ngôi/ Vầng mây mở lối bên đồi tịnh yên”. Vậy quán chiếu là gì? Quán chiếu là nhìn thật sâu vào vấn đề gì đó, soi rọi lại Tâm của mình bằng trí tuệ để tìm ra chân lý. Quán chiếu là một Quá trình tư duy. Sự phân tích, tổng hợp, dựa vào kinh nghiệm bản thân, quan sát chung quanh mình, soi rọi để thấy rõ … Như vậy gọi là quán chiếu.

Nhà thơ Ngã Du Tử đã khuyên em từ quán chiếu bước ra, nghĩa là đã nhìn thấy được lẽ thật, thì đừng “Ngập chìm trong cõi u mình/Ngàn năm nào biết sự tình mù khơi” mà phải biết  sống chơi giữa thường hằng để cho đường đời ta trở thành “Đường đi có ngát trầm hương thế tình”. Phải chơi giữa thường hằng và chơi như Ngã Du Tử:

            Không còn canh cánh âu lo
            Núi sông tự tại giữa bờ thực hư
            Ta về khoác áo chân như
            Gối lên Bắc Đẩu làm thơ theo mùa.

Chương 3: Thơm Áo Đường Mây có 24 câu thơ.

           Em từ thơm áo đường mây
           … Tưởng rằng hạnh phúc cùng vinh quang về
           Giả hình giả tưởng u mê
           Cứ vui vọng niệm bên lề khói sương.

“Thơm  Áo Đường Mây” là những vần thơ cảnh tỉnh em. Linh hồn em đang đắm đuối trong vinh quang phù phiếm. Em phải nhớ rằng, tất cả chỉ là vui trong vọng niệm và ngàn kiếp cũng sẽ  trở thành khói sương  tất cả.

Chương 4: Triền Phược gồm 60 câu thơ.

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, ngài nhắc nhở các Tỳ-Kheo phải tránh 5 tâm hoang vu và đoạn tận 5 tâm triền phược.
Năm tâm hoang vu là sự nghi ngờ Phật, Pháp, Tăng, nghi ngờ học giới nhà phật và những điều không hoan hỷ trong lòng.
Năm tâm triền phược là thích lạc thú trần gian, luyến ái tự thân, đam mê sắc dục, ham thích ăn ngủ, muốn thành thần thành thánh.
Nhìn chung năm triền phược là năm yếu tố ham muốn khiến tâm thức bị dinh mắc, bị trói buộc rơi vào mê mờ, quay cuồng, khổ đau, không thanh thản và không an lạc.
Bằng  6o câu lục bát “trong như tiếng hạc”, Ngã Du Tử đã chỉ cánh cửa căn  nguyên cho tha nhân có căn cơ thì “Miệt mài chăm bón chân như hiển bày” bỏ đi triền phược, hầu cho  người thế gian ai được “hưởng phước này là vui”:

                 Căn nguyên chỉ một chữ từ
                 Miệt mài chăm bón chân như hiển bày
                 Hạnh thơm bay ngược gió lay
                 Thế gian ai hưởng phước này là vui.

Chương 5: Dụng Tâm có 52 câu thơ lục bát.

              Ta về lên vọng lầu xưa
              Thâm kinh vô tự cho vừa nhíp tâm
              Bi trí dũng ngắm ánh rằm
              Tròn vành vạnh một đêm trăng ngọn nguồn.

“Kinh vô tự” là kinh gì? Phải chăng là “Bất lập văn tự/ Giáo ngoại biệt truyền/Trực chỉ nhơn tâm/Kiến tánh thành Phật.”. Phải chăng Ngã Du Tử đã khuyên ta thiền, Người theo Phật phải dụng cái tâm để hành thiền thì mới xé toạc màng vô minh để kiến tánh.  Khi kiến tánh rồi thì chứng ngộ chân lý y nguyên như câu thơ “Tròn vành vạnh một đêm trăng ngọn nguồn.” mà Ngã Du Tử đã viết vậy.

Chương 6: Trang Đời Lần Giở có 36 câu thơ.

Trang Đời không phải chỉ đời nầy mà mỗi kiếp sống một trang đời. Ngã Du Tử muốn em, muốn ta, muốn thế gian sống sao cho trang đời thật đẹp.  Dầu đời có “tiền kiếp đắng cay”, dầu đời có “Nghiệp duyên theo mãi hành trình trôi xuôi”  thì khi giở trang đời ta vẫn tìn thấy được:

                Niềm vui chảy với ngàn sôn
                Về cùng biển sẽ hòa cùng nhân gian
                Cung vui bật dậy thênh thang
                Tung tăng nhảy múa tràng giang liên hồi.

Chương 7: Trước Minh Kính Đài có 36 câu thơ

Hai bài kệ dưới đây trích trong Lục Tổ đàn kinh rất nổi tiếng trong giới Thiền học, được phổ biến, giảng luận không biết bao nhiêu là giấy mực ở khắp nơi.

     Bài của Thượng tọa Thần Tú:

        Thân thị bồ-đề thọ
        Tâm như minh kính đà
        Thời thời cần phất thức
        Vật sử nhạ trần ai.

(Thân là cây bồ-đề - Tâm như đài gương sáng – Phải luôn lau chùi sạch – Chớ để bụi trần bám).

 Bài của Lục tổ Huệ Năng;

       Bồ-đề bổn vô thọ
       Minh kính diệc phi đài
       Bổn lai vô nhất vật
       Hà xứ nhạ trần ai?
      
(Bồ-đế vốn chẳng cây – Gương sáng cũng không đài – Xưa nay không một vật – Bụi trần bám vào đâu?).   
Qua hai bài kệ ta biết “Minh kính đài” tức là “Đài gương sáng”. Trong thơ Ngã Du Tử nói: “Trước Minh Kính Đài” thì phải hiểu  tác giả không phải là Minh Kính Đài. Vậy Minh Kinh Đài là nơi mà nhà thơ ước vọng đến để soi mình vào đó. Nó có thể là Niết Bàn hay bồng lai tiên cảnh nào đó. Dầu nó là tên  gì thì nó cũng chính là “Đỉnh Non Ca” trong thơ Ngã Du Tử, vì nơi đó sẽ là “Vườn Mộng” có ta và có cả em:

             Là em xin cứ ăn năn
             Niềm vui thành nụ trước sân sau nhà
             Một mai lên đỉnh non ca
             Bao nhiêu vườn mộng có ta với người.

Chương 8: Nghi Tâm có 72 câu thơ lục bát.

Chương thơ nầy dài nhất trong 10 chương của “Chơi giữa Thường hằng”.
Nhà thơ đã thử từ giã cõi rong  chơi,  nhập cuộc trần gian để “Tìm vui trong những đắng cay”:

               Tạ từ hạt bụi mây ngàn
               Về đầy tụ với trần gian vơi đầy

Và ở chốn đắng cay  đó, nhà thơ mới ngộ ra nhưng điều trong nhân thế:

                 Chiều nay giữa chợ thình linh
                 Lắng nghe mới hiểu sự tình oan nghi
                 Đêm về chiêm nghiệm thị phi
                 Trần gian lắm mộng kẻ đi, người về.

Có lẽ nhở nhập thế mà những “nghi tâm” được sáng thực, được hiểu hết trong lòng tác giả:


               Lắng tâm nghe thấy ngọn nguồn
               Hiểu ra sẽ biết tiếng vuông tròn dần.

Chương 9: Chuyển Hóa có 40 câu thơ

Đọc 8 chương thơ  của “Chơi Giữa Thường Hằng” ta hiểu ra được thật sự đó không phải là một cuộc rong chơi vô bổ, mà đó là một  quá trình dày công tu tập. Từ đó mới có chương 9 là chương lấy đề tài “Chuyển Hóa”.
Chuyển hóa tiếng Tây Tạng là Lo-Jong, có nghĩa đen là “huấn luyện tâm”, ngụ ý nói về một thứ kỷ luật nội tại, nó là điểm chính yếu của sự chuyển đổi tấm lòng và tâm trí để đạt được chân lý và hạnh phúc.
Ngã Du Tử đã viết về sự chuyển hóa như sau:

                  Pháp ngôn chuyển hóa bàn chân
                  An nhiên trú ngụ giữa thân tâm hồn
                  Mặc đời trong đục bão giông
                  Có đi có đến, không mong không cầu.

Chương 10: Thắp Đuốc Chơn Tâm có 12 câu thơ.

Có câu “Chơn tâm là Phật, Phật tức chơn tâm”. Vậy chơn tâm chính là tánh thiện trong lòng ta vậy. Ngã Du Tử tất nhiên không phải là Phật nhưng khi đã nhờ pháp ngôn chuyển hóa thì tánh Phật hay tánh thiện có trong người. Từ đó cái tâm từ bi trở nên hăng hái hơn, muốn “Thắp ngọn đuốc chơn tâm” mà soi sáng cuộc đời.
Khi tâm hồn được chuyển hóa, chơn tâm cho ta nhìn đời bằng con mắt lạc quan:                        

             Độ này ngắm áo quan san
             Nhẹ như mây, rộng như ngàn biển khơi
             Nắng lên từ phía mặt trời
             Chân tâm bừng sáng giữa thời nhiểu nhương.
Khi ngọn đuốc chơn tâm được thắp lên trong lòng thì tình thương hiển hiện, người thơ muốn đem ngọn đuốc chơn tâm  của mình soi đường  nhân thế để “Gọi người an trú qua cầu nhân gian”:

                Còn chăng chỉ một chữ tình
                Thì thôi hãy sống chân thành trước sau
                Một đời thấm đẩm bể dâu
                Gọi người an trú qua cầu nhân gian.

Phải nói rằng “Chơi Giữa Thường  Hằng” là một tập trường  thi như ánh trăng rằm. Từng câu thơ lục bát mượt mà như ca dao, hạn chế Phật ngôn, ít dùng thiền ngữ nhưng  ý vẫn trong, nghĩa vẫn sáng,  đưa tâm thức đi vào cõi huyền vi an tịnh.
Châu Thạch không là Phật tử, không am hiểu giáo pháp, chẳng là nhà phê bình văn học, chỉ yêu thơ hay và viết cảm nhận vì những rung động trong lòng mình.
Chắc chắn là có sai nhiều, không nói là viết bậy. Kính mong chư vị bạn đọc và tác giả lượng tình tha thứ những điều gì sai phạm, lầm viết trên đây.

                                                                      Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG”, TẬP THƠ LỤC BÁT- TÁC GIẢ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch

ĐỌC ĐƯỜNG THI KHOÁN THỦ HỒ VĂN CHI - Châu Thạch


                           Nhà thơ Hồ Văn Chi


ĐỌC ĐƯỜNG THI KHOÁN THỦ HỒ VĂN CHI
                                                                Châu Thạch

Chơi thơ là một cái thú thanh tao. Chơi thơ Đường Thi là một cái thú vừa thanh tao vừa trí tuệ  vì thơ Đường là thơ bác học, cần thi pháp và cần kiến thức ở tầm cao thì thơ mới hay được  .
Đường Thi có  trên 40 cách chơi thơ khác nhau. Một trong những cách đó là “Đường thi khoán thủ”.
Đường thi khoán thủ là cách sáng tác một bài thơ Đường, lấy những chữ trong đề mục làm chữ đầu của mỗi câu thơ.
 Có nhiều hình thức khoán thủ như: khoán thủ chiết tự, dĩ đề vi thủ, tung hoành trục khoán..vv.
Chính vì sư độc đáo của Đường Thi Khoán Thủ mà rất nhiều nhà thơ có thú vui sáng tác thể loại nầy. Một trong những tác giả gần đây chơi Đường Thi Khoán Thủ là nhà thơ Hồ Văn Chi, cây bút được mến mộ ở Đà Nẵng, đã từng làm tăng thêm niềm vui bóng đá với nhưng bài thơ sôi động về Word Cup
Người sáng tác Đường Thi Khoán Thủ thường dùng một câu ca dao, một câu tục ngữ hay một câu thơ được đời yêu mến để làm câu khoán thủ cho bài thơ của mình. Nhà thơ Hồ Văn Chi thích dùng các câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du  để làm  câu thơ khoán thủ. Đó là một lựa chọn khôn ngoan vì truyện Kiều nhiều người biết, thơ Kiều nhiều người thuộc.  Ngoài ra trong Kiều còn vô số những câu thơ hay có khả năng làm cho bài Đường thi được sống động thêm, làm cho bài thơ vừa sáng tác được viền bởi câu khoán thủ, giống như một bức tranh đặt trong cái khung trầm hương quý giá.
Ta hãy thử đi vào bài thơ “Nỗi Lòng Kiều Nhi” được khoán thủ từ câu Kiều 482 “Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”:

NỖI LÒNG KIỀU NHI
(Khoán thủ câu Kiều 482)

ĐỤC trong, chẳng biết chốn nào hơn
NHƯ tỉnh như mê cứ chập chờn
TIẾNG lóng đong đưa chiều viện khách
SUỐI châu thánh thót rũ nguồn cơn
MỚI thôi đã lắm điều nhơ nhớp
SA mãi càng thêm nỗi tủi hờn
NỬA thực nửa hư lòng quặn thắt
VỜI trông biền biệt dặm quan san!
29/6/2019. HVC



“ĐỤC NHƯ TIẾNG SUỐI MỚI SA NỬA VỜI” là câu thơ số 482 của truyện Kiều. Đây là câu  thơ trong đoạn Kiều khảy đàn lần thứ nhất cho Kim Trọng nghe. Hồ Văn Chi đã dùng câu thơ nầy của Nguyễn Du để cảm tác cho cả cuộc đời của Thúy Kiều. Chỉ hai câu vào đề nhà thơ đã giới thiệu được  cả cuộc sống trôi nổi không biết đâu là bến đục, không biết đâu là  bến trong, không biết lúc nào là mê, không biết lúc nào là tỉnh  trong cuộc trầm luân  15 năm đòi đoạn của Thúy Kiều. Hai câu kế tiếp là những giọt nước mắt thảm thương của Kiều chảy ra hay nuốt vào lòng, trong khi phải bấm bụng nói  lời ngọt ngào với khách ăn chơi, nơi nàng phải chịu làm gái thanh lâu. Rồi hai câu luận (5 và 6) nhà thơ  dùng lời bi thiết kể về niềm đau của thúy Kiều. Đời Kiều đã  bị nhúng xuống bùn nhơ, sa lầy trong nỗi tủi hờn càng lúc càng sâu.
Hai câu kết như tiếng đàn cung trầm, quặn thắt vì một thân phận mơ hồ, một kiếp trống bèo dạt mây trôi biền biệt quê hương.
Toàn bộ bài thơ vọng lên một cung đàn, một cung đàn đục như tiếng suối, tiếng suối còn sa nửa vời nên không biết sẽ chảy về đâu. Đọc bài thơ thì ngắn nhưng kể lại được cả đời Kiều dài lắm, thương đau trăn trở trong thơ đã đem đến cho ta một nỗi niềm bi thiết.

Đó là nhà thơ Hồ Văn Chi đã khoán thủ một câu thơ Kiều để kể về cuộc đời Kiều. Bây giờ nhà thơ khoán thủ một câu thơ Kiều khác để nghe tiếng khóc của nàng Kiều thảm thiết đến đâu:




KIỀU TỰ THÁN
(Khoán thủ câu Kiều 1222)

VỠ mộng trăm năm quá bất ngờ
LÒNG đau ruột thắt, rối đường tơ
HỌC ve tập vuốt thêm trơ tráo
LẤY nhục làm vui giả khạo khờ
NHỮNG cảnh ong chường rồi bướm chán
NGHỀ gì mặt dạn lại mày dơ
NGHIỆP kia mãi cột vì đâu tá
HAY bởi hồng nhan thảy vậy nờ!
28/6/2019. HVC

“VỠ LÒNG HỌC LẤY NHỮNG NGHỀ NGHIỆP HAY” là câu thơ thứ 1222 trong truyện Kiều. Câu thơ nầy là tiếng khóc của Thúy Kiều, khóc cho một quá khứ thuộc dòng nho gia, chữ tốt đàn hay, mà bây giờ phải nhận làm gái lầu xanh sau khi phải bán mình chuộc cha, sau khi bị mắc lừa tên Sở Khanh, đành phải nghe lời Tú Bà làm cái việc “mặt dạn mày dày”, “Vành ngoài bảy chử vàng trong tám nghề”. Bài  thơ đã đi từ cái mộng trăm năm của Thúy Kiều bị tan vỡ, đó là cái mộng kết duyên cùng Kim Trọng, cho đến cái nghiệp  lấy nhục làm vui, cái thân ong chường bướm chán.
Hồ Văn Chi đã dùng một câu thơ vàng son của đời Thúy Kiều để tá khách vào cuộc đời trớ trêu, đau đớn của Thúy Kiều. Sự đối nghịch giữa câu Kiều khoán thủ và lời tự thán của Kiều trong thơ làm cho sự ngang trái càng thêm ngang trái.

Đọc “Kiều Tự Thán”, ta thấy Hồ Văn Chi treo  một bức tranh khác với bức tranh “Nỗi Lòng Kiều Nhi” ở trên. Ta nhìn thấy  trong bức tranh nầy những biến động làm xáo trộn cuộc đời, gây nên một bức xúc, một nhục nhả cho Kiều, lại được treo trong một chiếc khung có màu sắc của tuổi thơ an lạc. Chiếc khung đó là câu Kiều khoán thủ 1222: “VỠ LÒNG HỌC LẤY NHỮNG NGHỀ NGHIỆP HAY”. Đây là một cách cấu kết sườn của một bài Đường thi khoán thủ đầy nghệ thuật. Cả hai bài thơ, mỗi bài nhà thơ đã vô cùng khéo léo khi dùng một câu Kiều để ghép vào thơ, tạo hình ảnh hài hòa, tạo âm thanh đồng điệu, tạo xúc tích  cho từ ngữ và thật sự, tạo sự thăng hoa cho người thưởng thức thơ.

Dùng thơ Kiều để nói về Kiều là một cách chơi Đường Thi Khoán Thủ lý thú. Thế nhưng dùng thơ Kiều làm câu khoán thủ để nói về đời mình cũng vui và hay không kém. Ta hãy đọc một Đường Thi Khoán Thủ của Hồ Văn Chi nói về đời lính của mình:

ĐỜI LÍNH
(Vịnh theo câu Kiều 3222)

CHẲNG biết khi nao cuộc chiến dừng
TRONG vòng cực khổ mãi chưa ngưng
CHĂN trăng điểm lá, mơ màng giấc
GỐI gió hòa sương, lạnh lẽo rừng
CŨNG vẫn thường khi mưa vuốt mặt
NGOÀI ra có lúc đói thâu lưng
CẦM trang viết dở lòng xao xuyến
THƯ gửi về quê, có kịp mừng!
HVC

“CHẲNG TRONG CHĂN GỐI CŨNG NGOÀI CẦM THƯ” trong  Kiều số 3222 là câu thơ ở đoạn kết chuyện Kiều, khi mà Kiều và Kim Trọng đoàn tụ cùng nhau. Họ sống với tình bạn trong sạch khi “Phím đàn dìu dặt tay tiên”, “Khi chén rượu khi cuộc cờ” bên nhau.
HỒ Văn Chi đã dùng câu thơ rất thanh bình nầy để nói về chiến tranh. Đó là một nghê thuật kết cầu bài thơ mà  nhà thơ đã dùng ở trên, nhưng  táo bạo hơn và độc đáo hơn. Đây là tâm sự của một thế hệ đã qua, thế hệ mà chiến tranh triền miên đã làm cho mất biết bao nguồn vui của tuổi trẻ, đày đọa bao lớp người trong gian khổ gối đất năm sương, vượt núi băng ngàn, xa cha mẹ vợ con. Thời gian đã trôi xa nhưng ký ức thì còn mãi. Đọc thơ ta thấy hình ảnh Kim Trọng Thúy Kiều làm nền cho một bức tranh sống động. Sự gian lao khổ cực và sự nhàn hạ kề cận bên nhau trong một khung hình cho ta những suy nghiệm  về hòa bình, chiến tranh và mọi sự còn,  sự mất trong đời.

Nhiều người còn không thích Đường thi, nhiều người còn công kích Đường thi, nhiều người đã phá những cách chơi Đường thi phải nói là nhiêu khê, rắc rối như “Thuận Nghịch Độc”, “Bát Điệp Độc vân”, “Hoán Vận”, “Dĩ Đề Vi thủ”..vvv
Thế nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta không cực đoan, từ từ tìm đến và tìm hiểu Đường thi, làm quen với Đường thi như Đường thi của Hồ văn Chi, thì có lúc tâm hồn sẽ reo lên thích thú nhiều hơn khi  chúng ta phá được những nước cờ hay, hoặc nhìn những đường bóng đá thần thoại bay vào khung đối thủ.  Tất nhiên  Đường  thi không làm cho ai nhảy cởn lên hay là phất cở đi Bão, vì nó là  sự suy tư, sự điềm đạm, là thơ, là văn chương, là nguồn vui nhẹ nhàng,  thanh tao và  sâu sắc, mang linh hồn của người quân tử, của cây tùng cây bách đứng dưới trăng sao!!!

                                                                  Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC ĐƯỜNG THI KHOÁN THỦ HỒ VĂN CHI - Châu Thạch

ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ - Phạm Đức Nhì






ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ
           Từ Một Bình Luận Trên Facebook

Mới đây, dưới bài viết Hồn Thơ Và Cảm Xúc (1) của tôi trên Facebook có hai bình luận của Vân Anh; đúng ra là một bình luận được chia làm hai phần - phần đầu là 4 câu thơ và phần sau có vẻ như là lý do chị đã viết 4 câu thơ đó.

Dưới đây là nguyên văn bình luận:

Không là dòng chảy trong mương
Không là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.

Cám ơn anh Nhì Phạm.
Bài viết của anh thật thú vị. Em cũng từng nguệch ngoạc đôi dòng nhưng vẫn chưa thấy dáng dấp thơ trong đó. Đọc bài viết của anh và ngộ ra khá nhiều lỗ hổng trong những dòng nguệch ngoạc của mình.

Tôi trả lời:

Cảm thấy vui khi đọc những dòng "tự thú" của em. Ít ra là bài viết của anh đã có ích cho một người. Rất Yêu Quý em, Vân Anh ạ.
Bốn câu thơ của em hay lắm. Hôm nào có hứng sẽ có mấy dòng "chọc phá" em.

Bài Thơ Đã Có Tựa Đề

Sau khi cùng tôi trao đổi qua mục nhắn tin của Facebook, chị đã chọn cho đoạn thơ một tựa đề. Và bài thơ đã có bộ mặt hoàn chỉnh như sau:

MẠCH NƯỚC NGẦM

Không là dòng chảy trong mương
Không là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.

                                          (Vân Anh) 
Tứ Thơ

Tứ thơ dựa trên văn bản:
Không là dòng chảy trong mương, cũng không phải đại dương sóng cả, Người là mạch nước ngầm, êm ái chảy trong tâm hồn tôi suốt những tháng năm vụng về.
Tứ thơ đúng là “kín như bưng”.
Cũng may, nhờ có phần sau của bình luận, tứ thơ có diện mạo dễ coi và dễ hiểu như sau:
Nhờ đọc và tiếp nhận “hương hoa” của những bài bình thơ từ 4 phương, 8 hướng, tác giả chợt “ngộ” ra rằng những nhà bình thơ (đúng ra là tác phẩm của họ), không là dòng chảy trong mương, cũng không phải đại dương sóng cả, mà hình như là một mạch nước ngầm, nhẹ nhàng êm ái chảy trong tâm hồn suốt những tháng năm chị còn vụng về trong việc sáng tác cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca.
Ý: Chính những nhà bình thơ đã giúp thi sĩ chỉnh sửa những vụng về, bất cập trong thơ họ sáng tác cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của họ.

Thể Thơ
Mạch Nước Ngầm được viết bằng thể thơ lục bát, vần gieo đầy đủ, gần như là chính vận (mương/dương, trầm /ngầm, ngầm/năm) nhưng bài thơ ngắn (4 câu) nên vần chỉ vừa độ ngọt, không có hội chứng nhàm chán vần.
Nhịp điệu không mới theo nghĩa đột phá, tiên phong nhưng cũng không quá cũ. Câu 2 có đảo ngữ của tĩnh từ “sóng cả”; câu 3 có đảo ngữ của tĩnh từ “êm ái” với nhịp 1/2/3 (Người/ êm ái/ mạch nước ngầm) cũng khá lạ nhưng rất tự nhiên, không có vẻ “cố làm mới” một cách gượng gạo.
Nói chung, bài thơ gọn, đẹp về mặt hình thức.

Ngôn Ngữ, Hình Tượng

Ngôn ngữ ở câu đầu “Không là dòng chảy trong mương” có nét đẹp giản dị dân dã của cô gái quê. Đến câu thứ hai “Không là sóng cả đại dương thăng trầm” nét đẹp đã có chút ít vẻ cao sang. Về ý nghĩa, cả 2 câu đều tương hợp với - và trong chừng mực nào đó, có đóng góp cho - tứ thơ, nhưng cũng chỉ là những diễn viên phụ, đóng vai dọn cảnh.
Đến 2 câu cuối:
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về
sự thăng hoa đã hiện ra rất rõ ràng. Đài các, quý phái nhưng không kênh kiệu lố lăng; trang điểm theo sát cung cách, thời trang đương đại nhưng vẫn duyên dáng, dễ mến. Và quan trọng hơn, hồn cốt của bài thơ nằm ở 2 câu này.
“Người”: Danh từ, có thể số ít và cũng có thể số nhiều (hiểu với nghĩa số nhiều thì đúng hơn) – là nhà bình thơ, cũng có thể hiểu với nghĩa “hương hoa” của những tác phẩm bình thơ, hay khái quát hơn là công việc bình thơ.
“Êm ái, mạch nước ngầm”: Khác với lời giải của một bài toán, những nhận định hay, dở về một bài thơ hoặc những đúng, sai liên quan đến lý thuyết thơ đều chưa phải là kết luận chung cuộc. Chúng còn phải chịu thử thách của nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, trước khi đủ độ khả tín để thuyết phục người đọc. “Hương hoa” của những bài bình thơ, nói chung là công việc bình thơ, được tác giả gọi là “mạch nước ngầm êm ái”. Nhờ “mạch nước ngầm êm ái” đó tác giả có thể chỉnh sửa những “vụng về” trong thơ, cũng như những thiếu sót, bất cập trong cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của mình.
“Chảy trong tôi”: Tiến trình thẩm thấu nội dung và tiêu hóa các bài bình thơ trong tâm hồn người đọc, ở đây là tác giả Mạch Nước Ngầm.
“Suốt tháng năm”: Học hỏi để biết thế nào là thơ hay, thế nào là thơ dở, để có nhận định đúng đắn về thơ nói chung, không phải chỉ một sớm, một chiều mà là công việc lâu dài; có thể nói “Còn làm thơ, còn thưởng thức thơ - nếu muốn làm thơ hay, thưởng thức thơ sành điệu - là còn phải học”.
“Vụng về”: Những yếu kém, khuyết điểm của thi sĩ biểu hiện trong tác phẩm hoặc trong cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca.
Cả 14 chữ kết nối với nhau chặt chẽ, đắc địa đến từng chữ một – nghĩa là không thể thay thế bất cứ chữ nào bằng chữ khác hoặc hoán chuyển vị trí bất cứ chữ nào (hoặc nhóm chữ nào) với chữ khác (hoặc nhóm chữ khác), mà không làm giảm cái hay, cái đẹp tuyệt vời của cả đoạn thơ.
Thêm vào đó, để giải thích “tàm tạm” 14 chữ này tôi đã phải “gói gọn” trong 279 chữ (tỉ lệ 1/20). Có thể nói sức nén của những con chữ trong đoạn thơ này thật ghê gớm.

Bố cục:

Bố cục hay thế trận của bài thơ liền lạc, gắn bó chặt chẽ. Hai câu đầu tuy không đắc địa đến từng chữ một như 2 câu sau nhưng cũng cần thiết để làm nổi bật tứ thơ. Chữ nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình. Không có chữ thừa, “vô tích sự”.

Thủ Pháp Phúng Dụ
                        
Mạch Nước Ngầm của Vân Anh sử dụng thủ pháp phúng dụ (allegory) - mượn một hình ảnh trực quan để bóng gió diễn đạt một ý tưởng trừu tượng. Hình ảnh trực quan ở đây là “mạch nước ngầm”; ý tưởng trừu tượng là công việc bình thơ. Có điều “mạch nước ngầm” lại là “mạch nước ngầm” chảy trong tâm hồn nên không được trực quan cho lắm. Do đó, sợi dây nối giữa công việc bình thơ và “mạch nước ngầm” - qua tài diễn đạt của thi sĩ – dù rất hợp lý, chắc chắn và kín kẽ (không để lầm lẫn “ý tưởng trừu tượng” này với “ý tưởng trừu tượng” khác) nhưng lại quá kín, không thể “nhận diện” bằng “mắt thường”.
Có thể nói nếu chỉ dựa vào văn bản thì độc giả, kể cả những vị nhạy bén, có kinh nghiệm, cũng khó mà thấy được tứ thơ. Sợi dây nối của thủ pháp phúng dụ không hiện hình, bài thơ sẽ là một câu đố bí hiểm, chỉ tác giả mới có câu trả lời. Đây là lỗi kỹ thuật mà thi sĩ sử dụng các thủ pháp ẩn dụ, phúng dụ, “gợi, không kể” thường mắc phải. Nếu không có “thuốc chữa” bài thơ sẽ đi vào quên lãng một cách hết sức oan uổng.
Chính vì thế, tạm coi là người trong cuộc, tôi đã mạnh dạn đưa vào bài viết phần sau của bình luận nhằm “hé mở cánh cửa” để độc giả có thể bước vào thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bài thơ. Đối với lỗi kỹ thuật kiểu này, chỉ cần chữa trị một lần. Sau đó, chỉ một chú thích nhỏ, hoặc nếu bài thơ có sức sống, dù chẳng chú thích, người đọc cũng dễ dàng biết được căn nguyên, nguồn cội để “bắt” được ý tứ của bài thơ.

Thông Điệp Sau Cùng

Viết với tâm thế của người thọ nhận, Vân Anh giống như một bệnh nhân mắc chứng “vụng thơ”, được các bác sĩ từ khắp nơi gởi về tặng mỗi người một loại thuốc. Chị tuyển lựa rồi gộp chung lại chế biến thành một món thuốc riêng, uống vào thành “mạch nước ngầm” lưu chuyển trong người mình. Nhờ món thuốc ấy, vi trùng gây bệnh mỗi ngày một chết bớt hoặc yếu dần.

Mới đây, khi có cảm giác là mình đã khỏi bệnh, chị bày tỏ tâm sự của mình bằng một bài thơ. Hai chữ “vụng về” trong bài thơ là thủ pháp “gợi, không kể” (Show, Don’t tell). Khi nghe bệnh nhân thố lộ là nhờ “thuốc” của mình chị đã khỏi bệnh, các bác sĩ - ẩn trong phép phúng dụ là các nhà bình thơ - sẽ mỉm cười khi thấy trước mắt mình một chiếc cầu ngắn. Bước qua chiếc cầu ngắn đó bằng một chút liên tưởng, họ sẽ nhận ra: “Chữa trị chứng bệnh ‘vụng thơ’ là nhiệm vụ chính của mình, của công việc bình thơ”.

Không ít nhà bình thơ, với số lượng bài viết đáng nể, vẫn tiếp tục bình thơ không bàn thi pháp hoặc chỉ khen không chê, nghĩa là không để ý, hoặc tác động được rất ít, đến chứng bệnh “vụng thơ” của tác giả. Với Mạch Nước Ngầm, Vân Anh thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chị đối với những người làm công việc bình thơ, nhưng cũng rất tế nhị, nhắc khéo họ quan tâm đến hai chữ “vụng về” của thi sĩ.

Cái Dở Của Phúng Dụ lại Thành Hay

Như đã nói ở trên, phúng dụ là mượn một hình ảnh trực quan để bóng gió diễn đạt một ý tưởng trừu tượng. Nhưng hình ảnh trực quan trong bài thơ là “mạch nước ngầm” mà lại là “mạch nước ngầm” chảy trong tâm hồn nên không được “trực quan” cho lắm. Hậu quả là độc giả rất khó “bắt” được tứ thơ. Tuy nhiên, khi đã “hé mở cánh cửa” thì cái “mông lung sương khói” của “mạch nước ngầm chảy trong tâm hồn” lại trở thành cây cầu liên tưởng rất đẹp khiến độc giả thật sảng khoái khi đi trên đường đến bến đỗ của tứ thơ, rồi sau đó hiểu được ẩn ý của tác giả
Tôi không biết Vân Anh vô tình hay cố ý. Nhưng dù gì đi nữa, cuối cùng cái dở của phép phúng dụ lại thành hay.

Sự Kín Kẽ Của Phúng Dụ

Trong các cuộc trao đổi, tranh luận về thơ, có một câu nói thường được đưa ra, đại ý:
“Mỗi người có một ‘bộ’ tâm tư, tình cảm khác nhau, nên khi đọc một bài thơ họ có quyền hiểu theo ‘hệ quy chiếu’ của riêng họ, có khi khác xa với ý của tác giả.”
Tôi không nghĩ như vậy. Thi sĩ làm thơ là để chia sẻ nỗi lòng, tâm sự - những vui buồn, ưu tư, băn khoăn, yêu thương, thù hận … của mình trước cảnh đời - với độc giả; còn có được sự thông cảm hoặc đồng cảm hay không lại là chuyện khác. Nhưng chắc là ít ai bỏ tim óc ra làm thơ lại muốn thấy thiên hạ không cần tìm hiểu nỗi lòng, tâm sự của mình mà chỉ mượn bài thơ làm “bệ” để “phóng” tâm hồn họ đi trăm phương ngàn hướng.

Làm thơ mà để độc giả (có trình độ) không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nỗi lòng của mình, hoặc nỗi lòng này lại hiểu lầm thành nỗi lòng khác, thì theo tôi, trách nhiệm phần lớn thuộc về thi sĩ.
Dĩ nhiên, có những câu, những đoạn thơ gợi cho người đọc những kỷ niệm vui, buồn của một thời xa xưa, có khi không giống với khung cảnh của bài thơ, hoặc vùng trời ước mơ của thi sĩ (nhưng cả bài thì lại khác). Thỉnh thoảng cũng có những bài thơ mà ở đoạn cuối tác giả tự tìm đến một chân trời rộng mở để thả hồn mình vào mênh mông. Lúc nó người đọc tha hồ “phóng” tâm hồn đến bất cứ nơi nào mình muốn.
Tôi nhớ đến bài thơ Mắt Bồ Câu của Nguyễn Khắc Phước. Khi thi sĩ chạy 150 cây số chỉ để về đứng lặng, ngắm ngã ba sông, rồi:

chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông (2)

thì trong khung cảnh đó, độc giả - với cùng nỗi nhớ thương, tiếc nuối như tác giả - có quyền thả con thuyền giấy của riêng mình trôi đến bến bờ nào cũng được. 
Nhưng đại đa số những bài thơ khác, viết là để bộc lộ, chia sẻ tâm tình. Mạch Nước Ngầm của Vân Anh thuộc loại này. Nhưng đặc biệt, nhờ ngôn ngữ của bài thơ chắt lọc, đắc địa đến từng chữ một (ở 2 câu cuối), thủ pháp phúng dụ lại không một khe hở, nên khi đã “hé mở cánh cửa” để độc giả bước vào khung cảnh của bài thơ thì họ chỉ có một đường cùng đi với tác giả đến bến đỗ của tứ thơ. Rồi sau đó bước qua một chiếc cầu ngắn nữa của thủ pháp “gợi, không kể” để hiểu thông điệp của bài thơ. Không có con đường nào khác. 
Với bài thơ sử dụng đến 2 biện pháp tu từ (phúng dụ và “gợi, không kể”) - trong đó “hình ảnh trực quan” của phúng dụ lại cũng “mông lung sương khói” - như Mạch Nước Ngầm mà vẫn không để độc giả có lý do (chính đáng) rẽ ngang, rẽ dọc, vẫn thẳng một đường đi đến cánh cửa tâm hồn mình - thì thi sĩ quả là “cao tay ấn”.
Đây là ưu điểm rất đáng khen của Mạch Nước Ngầm.

Khí Tông Và Kiếm Tông
                                                                                                                      
Võ học Hoa Sơn chia làm hai phe: Kiếm Tông và Khí Tông. Kiếm tông lấy chiêu thức làm chính - cứ luyện kiếm thành thục thì nội công tự động tăng tiến. Ngược lại, Khí Tông lấy khí làm gốc, nội công vững thì kiếm pháp có chỗ dựa để tiến xa hơn. (3)
Thơ của phe Kiếm Tông chú trọng kỹ thuật thơ - ngôn ngữ, hình tượng, thế trận chữ nghĩa và các biện pháp tu từ. Thi sĩ của phe Kiếm Tông ít nhiều đều treo giải thưởng cho người “bắt” được, hiểu được ý tứ của bài thơ. Đó là cảm giác sung sướng khó tả khi khám phá ra con đường chứa đầy hoa thơm cỏ lạ, và cứ thế từng bước đi đến cánh cửa tâm hồn của tác giả.
Trong thơ của phe Kiếm Tông cảm xúc tầng 1 và tầng 2 thường mạnh, hoặc rất mạnh. Cảm xúc tầng 3 (đỉnh điểm là hồn thơ) thường vắng bóng (hoặc rất nhẹ, không đáng kể).
Một số bài thơ nổi tiếng của phe Kiếm Tông là: Sông Lấp của Tú Xương (4), Lương Châu Từ của Vương Hàn (5), Bánh Vẽ của Chế Lan Viên (6)…

Thơ của phe Khí Tông chú trọng cảm xúc. Các phương tiện thẩm mỹ khác của thi pháp chỉ là phương tiện để khơi dòng cho cảm xúc tuôn chảy. Trong những bài thơ thành công của phe Khí Tông, cảm xúc tầng 3 rất mạnh, nhiều bài lên tới đỉnh điểm. Đó là lúc thi sĩ nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí, Hồn Thơ lai láng. Lời thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ. Bài thơ đã dành được phần thưởng cao quý nhất - bước vào Bến Bờ Thi Ca.
Vài bài thơ nổi tiếng (đã bước vào Bến Bờ Thi Ca) của phe Khí Tông là: Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương (7), Nhìn Từ Xa… Tổ Quốc của Nguyễn Duy (8), Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân (9)… Ở đây, tôi chỉ dựa vào trạng thái “lạc thần trí” của thi sĩ (có tiếng lòng chân thật) để đưa bài thơ vào Bến Bờ Thi Ca. Vị trí cao thấp của thi phẩm trong Bến Bờ Thi Ca còn tùy thuộc những phương tiện thẩm mỹ khác của thi pháp.

“Mạch Nước Ngầm” Của Vân Anh Thuộc Kiếm Tông Hay Khí Tông?

Mạch Nước Ngầm có những đặc điểm sau đây:
1/ Bài thơ bày tỏ lòng biết ơn, nhưng cũng là lời nhắc khéo để giới bình thơ nhìn lại nhiệm vụ của mình: Ca ngợi cái hay cái đẹp nhưng cũng đừng quên chỉnh sửa những vụng về, bất cập của thơ.
2/ Ngôn ngữ chắt lọc, đắc địa - đặc biệt ở 2 câu cuối.
3/ Vần vừa đủ độ ngọt, nhịp điệu của thể thơ lục bát không ở vị thế tiên phong nhưng cũng không quá cũ.
4/ Thế trận chặt chẽ
5/ Thủ pháp phúng dụ kín kẽ.
6/ “Gợi, không kể” mời gọi một “liên tưởng gần”, cây cầu ngắn, dễ bước qua.
7/ Phúng dụ kết hợp với “gợi, không kể” đưa độc giả vào một cuộc phiêu lưu lý thú để vào bến đỗ của tứ thơ rồi sau đó bắt gặp thông điệp của tác giả.
8/ Bài thơ ngắn, thiên về kỹ thuật (chiêu thức) nên không có cảm xúc tầng 3. Tuy nhiên, cảm xúc tầng 1 và tầng 2 rất mạnh.
Tóm lại, Mạch Nước Ngầm thuộc phe Kiếm Tông, nhưng có thể nói, nó là một trong số ít những cao thủ của phe kiếm này.

Kết Luận

Vân Anh hiện đang là giáo viên Tiểu Học. Chị có năng khiếu về thơ nhưng hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật thơ của chị, theo tôi, đều được lựa lọc, học hỏi từ Đại Học Trường Đời. Nếu xem Mạch Nước Ngầm là luận văn tốt nghiệp thì chị xứng đáng được chấm đỗ Ưu hạng.
Đọc thơ chị, thấy cũng có một số bài viết theo lối Khí Công – thiên về cảm xúc. Tôi mong rằng sẽ có một lúc nào đó, gặp một cảnh đời nào đó, khiến chị nổi điên – điên vì quá yêu thương, buồn chán, thù hận … _ cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí, thì với kỹ thuật thơ chắc tay như thế, việc cho ra đời một bài thơ có thể hiên ngang bước vào Bến Bờ Thi Ca, với chị, cũng không quá tầm tay với.

Xin cám ơn Vân Anh. Chị đã tặng chúng tôi - những người đang miệt mài, say sưa với công việc bình thơ - thi phẩm Mạch Nước Ngầm, đẹp như một đóa hoa hồng tươi thắm.

                                                         Phạm Đức Nhì
                                                 nhidpham@gmail.com
                                           phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ Hồn Thơ Và Cảm Xúc, FB nhipham
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=701339400296568&id=100012615428624

2/ “Mắt Bồ Câu – Bài Thơ Mới Đọc Lần Đầu, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/05/mat-bo-cau-bai-tho-moi-oc-lan-au_31.html

3/ Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung.

4/ Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/05/song-lap-mot-bai-tho-toan-bich.html

5/ Lương Châu Từ - Rượu Và Nỗi Sầu Chinh Chiến, Phạm Đức nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2019/05/luong-chau-tu-ruou-va-noi-sau-chinh.html

6/ “Bánh Vẽ” Và Nhân Cách Môt Nhà Thơ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/banh-ve-va-nhan-cach-mot-nha-tho.html

7/ Say Đi Em - Một Bài Thơ Tới Bến, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2019/03/say-i-em-mot-bai-tho-toi-ben.html

8/ Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - Nỗi Đau Quặn Thắt Của Một Người Việt Yêu Nước, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/07/nhin-tu-xa-to-quoc-noi-au-quan-that-cua.html

9/ Tạ Lỗi Trường Sơn – Bài Thơ Ngược Dòng Nóng Bỏng, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/07/ta-loi-truong-son-bai-tho-nguoc-dong.html

READ MORE - ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ - Phạm Đức Nhì