Nhà
thơ Hồ Văn Chi
ĐỌC
ĐƯỜNG THI KHOÁN THỦ HỒ VĂN CHI
Châu Thạch
Chơi thơ là một cái thú thanh tao. Chơi thơ Đường Thi
là một cái thú vừa thanh tao vừa trí tuệ
vì thơ Đường là thơ bác học, cần thi pháp và cần kiến thức ở tầm cao thì
thơ mới hay được .
Đường Thi có
trên 40 cách chơi thơ khác nhau. Một trong những cách đó là “Đường thi khoán thủ”.
Đường thi khoán thủ là cách sáng tác một bài thơ Đường,
lấy những chữ trong đề mục làm chữ đầu của mỗi câu thơ.
Có nhiều hình
thức khoán thủ như: khoán thủ chiết tự, dĩ đề vi thủ, tung hoành trục
khoán..vv.
Chính vì sư độc đáo của Đường Thi Khoán Thủ mà rất nhiều
nhà thơ có thú vui sáng tác thể loại nầy. Một trong những tác giả gần đây chơi
Đường Thi Khoán Thủ là nhà thơ Hồ Văn Chi, cây bút được mến mộ ở Đà Nẵng, đã từng
làm tăng thêm niềm vui bóng đá với nhưng bài thơ sôi động về Word Cup
Người sáng tác Đường Thi Khoán Thủ thường dùng một câu
ca dao, một câu tục ngữ hay một câu thơ được đời yêu mến để làm câu khoán thủ
cho bài thơ của mình. Nhà thơ Hồ Văn Chi thích dùng các câu thơ trong truyện Kiều
của Nguyễn Du để làm câu thơ khoán thủ. Đó là một lựa chọn khôn
ngoan vì truyện Kiều nhiều người biết, thơ Kiều nhiều người thuộc. Ngoài ra trong Kiều còn vô số những câu thơ hay
có khả năng làm cho bài Đường thi được sống động thêm, làm cho bài thơ vừa sáng
tác được viền bởi câu khoán thủ, giống như một bức tranh đặt trong cái khung trầm
hương quý giá.
Ta hãy thử đi vào bài thơ “Nỗi Lòng Kiều Nhi” được khoán thủ từ câu Kiều 482 “Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”:
NỖI
LÒNG KIỀU NHI
(Khoán
thủ câu Kiều 482)
ĐỤC trong, chẳng biết chốn
nào hơn
NHƯ tỉnh như mê cứ chập
chờn
TIẾNG lóng đong đưa chiều
viện khách
SUỐI châu thánh thót rũ
nguồn cơn
MỚI thôi đã lắm điều nhơ
nhớp
SA mãi càng thêm nỗi tủi
hờn
NỬA thực nửa hư lòng quặn
thắt
VỜI trông biền biệt dặm
quan san!
29/6/2019. HVC
“ĐỤC
NHƯ TIẾNG SUỐI MỚI SA NỬA VỜI” là câu thơ số 482 của
truyện Kiều. Đây là câu thơ trong đoạn
Kiều khảy đàn lần thứ nhất cho Kim Trọng nghe. Hồ Văn Chi đã dùng câu thơ nầy của
Nguyễn Du để cảm tác cho cả cuộc đời của Thúy Kiều. Chỉ hai câu vào đề nhà thơ
đã giới thiệu được cả cuộc sống trôi nổi
không biết đâu là bến đục, không biết đâu là
bến trong, không biết lúc nào là mê, không biết lúc nào là tỉnh trong cuộc trầm luân 15 năm đòi đoạn của Thúy Kiều. Hai câu kế tiếp
là những giọt nước mắt thảm thương của Kiều chảy ra hay nuốt vào lòng, trong
khi phải bấm bụng nói lời ngọt ngào với
khách ăn chơi, nơi nàng phải chịu làm gái thanh lâu. Rồi hai câu luận (5 và 6)
nhà thơ dùng lời bi thiết kể về niềm đau
của thúy Kiều. Đời Kiều đã bị nhúng xuống
bùn nhơ, sa lầy trong nỗi tủi hờn càng lúc càng sâu.
Hai câu kết như tiếng đàn cung trầm, quặn thắt vì một
thân phận mơ hồ, một kiếp trống bèo dạt mây trôi biền biệt quê hương.
Toàn bộ bài thơ vọng lên một cung đàn, một cung đàn đục
như tiếng suối, tiếng suối còn sa nửa vời nên không biết sẽ chảy về đâu. Đọc
bài thơ thì ngắn nhưng kể lại được cả đời Kiều dài lắm, thương đau trăn trở
trong thơ đã đem đến cho ta một nỗi niềm bi thiết.
Đó là nhà thơ Hồ Văn Chi đã khoán thủ một câu thơ Kiều
để kể về cuộc đời Kiều. Bây giờ nhà thơ khoán thủ một câu thơ Kiều khác để nghe
tiếng khóc của nàng Kiều thảm thiết đến đâu:
KIỀU
TỰ THÁN
(Khoán
thủ câu Kiều 1222)
VỠ mộng trăm năm quá bất
ngờ
LÒNG đau ruột thắt, rối
đường tơ
HỌC ve tập vuốt thêm trơ
tráo
LẤY nhục làm vui giả khạo
khờ
NHỮNG cảnh ong chường rồi
bướm chán
NGHỀ gì mặt dạn lại mày
dơ
NGHIỆP kia mãi cột vì đâu
tá
HAY bởi hồng nhan thảy vậy
nờ!
28/6/2019. HVC
“VỠ
LÒNG HỌC LẤY NHỮNG NGHỀ NGHIỆP HAY” là câu thơ thứ 1222
trong truyện Kiều. Câu thơ nầy là tiếng khóc của Thúy Kiều, khóc cho một quá khứ
thuộc dòng nho gia, chữ tốt đàn hay, mà bây giờ phải nhận làm gái lầu xanh sau khi
phải bán mình chuộc cha, sau khi bị mắc lừa tên Sở Khanh, đành phải nghe lời Tú
Bà làm cái việc “mặt dạn mày dày”, “Vành
ngoài bảy chử vàng trong tám nghề”. Bài
thơ đã đi từ cái mộng trăm năm của Thúy Kiều bị tan vỡ, đó là cái mộng kết
duyên cùng Kim Trọng, cho đến cái nghiệp
lấy nhục làm vui, cái thân ong chường bướm chán.
Hồ Văn Chi đã dùng một câu thơ vàng son của đời Thúy
Kiều để tá khách vào cuộc đời trớ trêu, đau đớn của Thúy Kiều. Sự đối nghịch giữa
câu Kiều khoán thủ và lời tự thán của Kiều trong thơ làm cho sự ngang trái càng
thêm ngang trái.
Đọc “Kiều Tự
Thán”, ta thấy Hồ Văn Chi treo một bức
tranh khác với bức tranh “Nỗi Lòng Kiều
Nhi” ở trên. Ta nhìn thấy trong bức
tranh nầy những biến động làm xáo trộn cuộc đời, gây nên một bức xúc, một nhục
nhả cho Kiều, lại được treo trong một chiếc khung có màu sắc của tuổi thơ an lạc.
Chiếc khung đó là câu Kiều khoán thủ 1222: “VỠ
LÒNG HỌC LẤY NHỮNG NGHỀ NGHIỆP HAY”. Đây là một cách cấu kết sườn của một
bài Đường thi khoán thủ đầy nghệ thuật. Cả hai bài thơ, mỗi bài nhà thơ đã vô
cùng khéo léo khi dùng một câu Kiều để ghép vào thơ, tạo hình ảnh hài hòa, tạo
âm thanh đồng điệu, tạo xúc tích cho từ
ngữ và thật sự, tạo sự thăng hoa cho người thưởng thức thơ.
Dùng thơ Kiều để nói về Kiều là một cách chơi Đường
Thi Khoán Thủ lý thú. Thế nhưng dùng thơ Kiều làm câu khoán thủ để nói về đời
mình cũng vui và hay không kém. Ta hãy đọc một Đường Thi Khoán Thủ của Hồ Văn
Chi nói về đời lính của mình:
ĐỜI
LÍNH
(Vịnh
theo câu Kiều 3222)
CHẲNG biết khi nao cuộc
chiến dừng
TRONG vòng cực khổ mãi
chưa ngưng
CHĂN trăng điểm lá, mơ
màng giấc
GỐI gió hòa sương, lạnh lẽo
rừng
CŨNG vẫn thường khi mưa
vuốt mặt
NGOÀI ra có lúc đói thâu
lưng
CẦM trang viết dở lòng
xao xuyến
THƯ gửi về quê, có kịp mừng!
HVC
“CHẲNG
TRONG CHĂN GỐI CŨNG NGOÀI CẦM THƯ” trong Kiều số 3222 là câu thơ ở đoạn kết chuyện Kiều,
khi mà Kiều và Kim Trọng đoàn tụ cùng nhau. Họ sống với tình bạn trong sạch khi
“Phím đàn dìu dặt tay tiên”, “Khi chén rượu
khi cuộc cờ” bên nhau.
HỒ Văn Chi đã dùng câu thơ rất thanh bình nầy để nói về
chiến tranh. Đó là một nghê thuật kết cầu bài thơ mà nhà thơ đã dùng ở trên, nhưng táo bạo hơn và độc đáo hơn. Đây là tâm sự của
một thế hệ đã qua, thế hệ mà chiến tranh triền miên đã làm cho mất biết bao nguồn
vui của tuổi trẻ, đày đọa bao lớp người trong gian khổ gối đất năm sương, vượt
núi băng ngàn, xa cha mẹ vợ con. Thời gian đã trôi xa nhưng ký ức thì còn mãi.
Đọc thơ ta thấy hình ảnh Kim Trọng Thúy Kiều làm nền cho một bức tranh sống động.
Sự gian lao khổ cực và sự nhàn hạ kề cận bên nhau trong một khung hình cho ta
những suy nghiệm về hòa bình, chiến
tranh và mọi sự còn, sự mất trong đời.
Nhiều người còn không thích Đường thi, nhiều người còn
công kích Đường thi, nhiều người đã phá những cách chơi Đường thi phải nói là
nhiêu khê, rắc rối như “Thuận Nghịch Độc”,
“Bát Điệp Độc vân”, “Hoán Vận”, “Dĩ Đề Vi thủ”..vvv
Thế nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta không cực đoan, từ từ
tìm đến và tìm hiểu Đường thi, làm quen với Đường thi như Đường thi của Hồ văn
Chi, thì có lúc tâm hồn sẽ reo lên thích thú nhiều hơn khi chúng ta phá được những nước cờ hay, hoặc
nhìn những đường bóng đá thần thoại bay vào khung đối thủ. Tất nhiên
Đường thi không làm cho ai nhảy cởn
lên hay là phất cở đi Bão, vì nó là sự
suy tư, sự điềm đạm, là thơ, là văn chương, là nguồn vui nhẹ nhàng, thanh tao và
sâu sắc, mang linh hồn của người quân tử, của cây tùng cây bách đứng dưới
trăng sao!!!
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment