Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 17, 2019

TRĂN TRỞ - Thơ Tăng Tấn Tài



TRĂN TRỞ 

Gàu khua lòng giếng cuối năm
Tiếng reo bờ đất dịu đằm đôi tay
Gió quê tàu chuối nhẹ lay
Mồ hôi thơm giọt,
đếm ngày thương yêu.

Cõng chiều vạt nắng liêu xiêu
Rạ thơm cuống mỏng
lắm điều mẹ lo!
Xa quê khói bếp màu tro
Mùa đông, ống thổi pho pho lửa cười ...

Vắt tay lên trán mùa vui
Mẹ ơi! Theo gió lời ru lớn rồi
Bạc phai mái tóc lên ngôi
Tiếng khuya âm vọng,
cỏ đồi vẫn xanh ...

Tăng Tấn Tài 

READ MORE - TRĂN TRỞ - Thơ Tăng Tấn Tài

NHẬT KÝ QUÊ HƯƠNG - Phan Quỳ



           Tác giả Phan Quỳ


NHẬT KÝ QUÊ HƯƠNG

Ngày tháng năm xa lắm….
Mẹ kể rằng ngày ấy, sau bao nhọc nhằn mong đợi mẹ mới sinh được mình ra, chăm bẵm từng ngày mới được lớn khôn chút đỉnh. Trong căn nhà nhỏ, sau lũy tre làng từ đó mới có tiếng cười vui. Những tưởng cuộc đời cứ vậy mà êm trôi, nhưng một ngày nọ, cả làng mình bị chuyển dời về thị xã vì lý do mất an ninh (!). Tan tác, bơ vơ, may sao gia đình mình được một người giúp đỡ, cho một mảnh đất nhỏ trong vườn vừa làm chỗ ở vừa bán buôn nho nhỏ qua ngày. Mình còn bé lắm nhưng vẫn nhớ dáng hình bác ấy thật cao lớn , phong độ và nhân từ , chiều nào cũng khom người vào cái quán lụp xụp của nhà mình để mua bánh kẹo rồi phân phát cho tụi trẻ con trong xóm. Mình hiểu đó là một cách nữa để bác ấy giúp đỡ gia đình mình. Trong trí tưởng non nớt của mình vẫn in đậm hình ảnh của một vị ân nhân với lòng cảm kích và vô cùng kính mến….
Rồi một hôm nào gần đây mình chợt hay tin chị Như Hoàn – một người rất đẹp mà tụi nhỏ chúng mình trong xóm lúc đó thường nhìn ngắm ngẩn ngơ – là con dâu của bác ấy – lại là em gái của thầy Lê Hữu Thăng - cũng là một người thầy rất đỗi yêu kính của mình, của bao thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng thân yêu. Ôi cuộc đời là một vòng tròn nhân duyên gặp gỡ. Chị Hoàn vừa về Quảng Trị để giỗ ông bà . Chị em gặp nhau dù thời gian không nhiều lắm nhưng mình đã nhắc lại bao kỷ niệm thuở nào, chị ôm lấy mình mà xúc động trào dâng. Đó là tình cảm của những người Quảng Trị chân chất chúng mình , là nỗi nhớ nhung, tiếc nuối một thời êm ả ta đã đi qua, nỗi luyến lưu hoài niệm về một vùng đất nhỏ bé mà sâu đậm tình người. Bao chuyện tình duyên hò hẹn dở dang, biết mấy từ ly não nùng vì thời cuộc, chỉ có Quảng Trị chúng mình mới nặng lòng một tâm sự thiết tha…

Ngày tháng năm…..
Ngày ấy mình mới mười tuổi mà đã vào được lớp đệ thất trường Nguyễn Hoàng, mừng vui và lo lắng vô cùng. Mình thiếu tuổi, thấp bé và mới từ làng quê chuyển về, học hành cũng sút giảm nhiều vì các bạn ở thị xã giỏi quá. Các bạn ấy tự tin, xinh đẹp và học giỏi. Các bạn ấy mang tên những loài hoa hương sắc, mình chỉ là cánh hoa dại ven đường. Tuổi thơ thật buồn….
Thế rồi sự kiện 1972, tan tác muôn nơi, rã rời ly loạn. Chúng mình phải tha hương về mọi nẻo. Dưới những mái nhà tôn san sát, nắng chói quê người chúng mình gắn bó với nhau hơn, thương nhau nhiều hơn sau bao chia biệt, kẻ ở người đi, mất còn thế cuộc, thấy cô chăm sóc chúng mình nhiều hơn với bao chân tình cộng lại.
Tuổi mười ba đầy mộng ảo của Nguyên Sa thôi chỉ là ước vọng phía trời xa…

Ngày tháng năm…
Rồi bao là đổi thay tiếp nối. Một thời thiếu nữ mình đi qua, buồn nhiều hơn vui . Cuộc sống khó khăn, chồng chất thiếu thốn. Mộng mơ câm nín, khuất lối mù tăm. Chúng mình phải vật lộn áo cơm với cuộc đời, với gia đình con nhỏ. Đôi khi giữa bao bộn bề tất bật chợt ước ao được dừng lại để ngắm một áng mây tan mà ngại ngùng nhớ về một nụ cười xa thẳm và ánh mắt ai nồng ấm ở cuối trời…
Rồi một hôm nao, giữa bao chật hẹp vây quanh, mình chợt nghe một giai điệu của Trịnh : Nắng có còn hờn ghen môi em, mưa có còn buồn trong mắt trong… ôi là ngẩn ngơ một nỗi nhớ, một nỗi bàng hoàng khôn xiết mừng vui ngỡ như được sống lại sau bao nghẹn ngào khuất dấu (mãi đến thập niên 90, mười lăm năm sau 75 chúng mình mới được phép ) … Nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em …??? Mình nghe hờn tủi mi cay, ngậm ngùi dâng kín. Có lẽ cuộc đời chỉ đẹp trong thơ và nhạc. Nguyên Sa ơi, Trịnh ơi, xin gởi lại hai Người bao mộng mơ thiếu nữ, những buồn vui dang dở tuổi đôi mươi, biết mấy niềm tuyệt vọng huy hoàng và hạnh phúc mong manh mình đã trải.

Ngày tháng năm….
Dòng đời lại trôi xa, nỗi niềm trăn trở cũng đà mấy mươi năm. Một ngày nào chợt thấy mình tóc đã ngã màu sương khói . Lòng ngậm ngùi luyến tiếc những ngày xanh, mỏi mắt tìm về hồng tươi thời son trẻ. "Thôi thì thôi để mặc mây trôi, thôi thì thôi nhé chỉ ngần ấy thôi"….
Rồi cứ thế lặng lẽ qua đi trong im ắng xế chiều , bỗng một hôm mình hay tin hội ngộ Nguyễn Hoàng, lòng rộn rã một niềm vui như từng có bao giờ.. Tuổi thơ về lại trong tâm tưởng với bao kỷ niệm nơi sân trường lớp học. Lại ríu rít trong mắt và tươi mới trên môi, lại ấm nồng tình thầy nghĩa bạn, mĩm môi cười mà mắt ướt hoen mi. Bao chia xa nay lại được đắp bù. Lại hát ca rộn rã, tuổi sáu, bảy mươi mà ngỡ như còn mãi những ngày xanh :
 
Em đi qua chuyến đò ôi à vui như ngày hội
Em đi qua chuyến đò ôi à con trăng còn trẻ … …
Ôi những chuyến đò đời người đã đưa ta đi…

Ừ ngày hội của chúng mình là đây. Ba năm một lần với bao nổ lực gần xa, cả bên kia bờ đại dương tít tắp. Khắp nơi về hội tụ, tay nắm chặt tay, râm ran chuyện kể, bao nỗi thăng trầm. Chúng mình như những cánh chim tìm về tổ ấm. Gặp lại bạn cũ thầy xưa mà chan chứa biết bao tình.
Thế là trong âm thầm tĩnh lặng của tuổi đời chồng chất, giờ mình có được niềm vui, niềm rộn ràng của những lần gặp mặt, của những nao nức chuẩn bị hẹn hò trên Face - ôi một phát minh có ý nghĩa hơn bất cứ thứ gì trên đời nầy. Đôi khi mình nghe mình thầm thì lời cảm ơn, ví dầu không có chi, e mình sẽ chìm lấp trong cô quạnh tận cùng. Kết nối, tìm về , tâm sự và sẻ chia. Bao khuôn mặt đã xa ngàn trùng, mấy dáng hình đã từ lâu lắm bỗng chốc lại về bên ta trong nhìn ngắm trên tay. Những tản văn hay, những vần thơ đẹp, những nụ cười duyên với tà áo mới và bao lời thăm hỏi ân cần giúp mình quên đi những mệt mỏi cuộc đời. Một bạn nữ bên kia gọi về, một bạn nam nhắn tin chúc mừng ngày mới, một người anh ân cần khích lệ, một người chị gởi lời đùa vui… thế là rộn ràng trong ta nhiều cảm xúc tươi mới trong quen thuộc ngày ngày. Ta bỗng thấy yêu hơn cuộc đời, thấy thân thuộc hơn với những người ngỡ đã xa ta từ lâu lắm.
Mỗi sáng thức dậy cùng thói quen với lấy chiếc điện thoại. Một dòng tin vui nhắn gửi, một thông báo gặp mặt đâu đó coffee, một lần vẫy tay làm bằng hữu. Thế giới nầy xích lại gần nhau hơn. Những người Quảng trị thân yêu tìm về với nhau được nhiều hơn và thầy cô, anh chị em Nguyễn Hoàng chúng mình kết nối ngày một đông vui rộn ràng hơn, mình thấy ấm áp hơn trong sum vầy tâm tưởng, thấy tự tin hơn trong chới với cuộc đời.

Ngày tháng năm…
Và rồi một hôm gần đây, với ý tưởng điểm danh của anh Bảo Lâm ở Đà Nẵng, mình lại được tìm về với mảnh đất xưa với những con người cũ. Nầy con đường tình Gia Long ven sông và hàng phượng vĩ rực thắm, nầy nhà sách Lương Giang nơi ta tìm đến ngày ngày và cây kem mát lạnh cả tuổi thơ ngày hạ chúng mình. Ôi cái thị xã nhỏ bé yên bình về lại trong tim với bao khuôn mặt yêu dấu. Có cả dáng hình mẹ cha, anh chị thương yêu bên ta thời thơ ấu. Có tiếng chuông chiều ngân nga trên dòng Thạch Hãn êm trôi và cả bầy chim sẻ ríu rít về trên cây thúc dục ngày đông qua đi để mùa xuân đến sớm.
“Anh Bảo Lâm nè, Quỳ ở đường Phan Chu Trinh nhưng hồi ấy bé quá không nhớ số nhà chỉ biết là phía trước là nhà bác Cửu Lẫm, phía sau là ruộng sâu và xóm hộ, chếch về phía trái khoảng trăm mét là trường Bồ Đề khu vực bên kia, gần nhà Thảo Nguyễn, Mai Đầm và anh Thiếp Lan Đình”. “ Ừ, anh hình dung được rồi, để ước xem quãng nào, số bao nhiêu….” Thế là bao rộn ràng gợi nhớ… ơi quê hương, xóm làng và tuổi nhỏ của mình ơi.
…………………….
Vậy mà đã gần năm mươi năm. Bây giờ đổi thay thật nhiều, bãi sông cồn cát đã là nhà cửa dựng xây. Bao người thân đã ra đi không hẹn một ngày về. Con bé năm xưa trên chiếc xe đạp nhỏ xinh hối hả đến trường mỗi sớm mai lên giờ đã là bà ngoại với bao vết thời gian trên mi, với nét buồn trên tóc và nỗi thương nhớ xa xôi chưa bao giờ vơi cạn. Mỗi lúc chiều buông lại nghe mình thầm thì những lời của Huy Cận:

Hỡi mây trắng phất phơ màu gió cũ.
Nước buồn ôi! còn lại bến sơ xưa.
Cho ta gởi vọng xuôi về quá khứ.
Đôi chút sầu tư nước đẩy, mây đưa......

Thương ơi một cánh dã quỳ mong manh trong trời chiều cô quạnh….

                                               Phan Quỳ
                                          Tháng 10 / 2018
                              (Bài đăng trong tập san Quảng Trị)

READ MORE - NHẬT KÝ QUÊ HƯƠNG - Phan Quỳ

NỖI ĐAU - Thơ Lê Văn Trung



                   Nhà thơ Lê Văn Trung



NỖI ĐAU
(Cõi Lưu Đày *3*)

Giấu mặt nhìn nhau tội nghiệp nhau
Núi xơ xác núi, đồi trơ đồi
Nước xoáy vào tim người xói lỡ
Nước rỉ vào tim người nỗi đau

Cành khô đợi mỏi cánh chim về
Trùng trùng vô tận đá vọng phu
Đá vọng phu hề chinh chiến lụy
Chinh chiến hề thay chốn ngục tù

Suối khô đợi mỏi cơn mưa lạ
Đá nứt bày khuôn mặt hãi hùng
Đá cũng kinh hoàng bầy thú dữ
Nhe nanh cắn xé cả linh hồn

Người chết quấn hờ manh chiếu rách
Chôn vội vàng dưới lớp cát nông
( Không biết ngày mai trong đáy mộ
Có còn tìm thấy nắm xương không ? )

Mắt cũng bầm đen dòng lệ máu
Khóc nhau đành nuốt quặn niềm đau
Năm chung mảnh ván mà câm lặng
Nghi nghờ cả cái lén nhìn nhau.

                           Lê Văn Trung

READ MORE - NỖI ĐAU - Thơ Lê Văn Trung

DẠ... THƯA: HỒN HUẾ - Trần Kiêm Đoàn





DẠ... THƯA: HỒN HUẾ

Tiếng “Dạ…thưa”: một biểu tượng nhân văn của văn hóa Huế
Nhận diện văn hóa của một đất nước hay của một vùng đất nào đó trên mặt địa cầu nầy thường có quá nhiều hình tượng và đề tài để nói: Có thể đó là “biểu tượng nhân văn” do con người dựng lên hay nhờ có bàn tay con người gìn giữ và bảo vệ sản phẩm của thiên nhiên lâu dài mới còn tồn tại. Như tháp Eiffel của Pháp, Kim Tự Tháp ở Ai Cập, lá phong ở Canada hay con chuột túi (Kanguru) ở Úc. Hoặc có khi chỉ là một âm vị của ngôn ngữ như tiếng “Ok” của Mỹ, “Amen” của đạo Chúa và “Nam mô” của đạo Phật… Nhưng rốt lại, chỉ còn một nét nào đó nổi bật nhất mà chỉ cần nhìn hay nói ra là sẽ nhận được ngay câu trả lời tên nước, tên vùng.
Chắc nhiều người còn nhớ ngày Hội Huế đầu tiên trên vùng đất thủ phủ tiểu bang California, thành phố Sacramento năm 1985, khi nhà thơ Thành Đạt đưa giải thưởng “1000 hột sen Tịnh Tâm” rất quý hiếm vào thời điểm nầy cho ai chọn “một cái gì” bình dân và đơn giản nhất mà ai cũng biết cũng quen dùng tượng trưng cho Huế. Người ta đã đưa ra nhiều hình ảnh, tiếng nói làm “biểu tượng” cho Huế như chùa Thiên Mụ, Cầu Trường Tiền, Cửa Ngọ Môn, núi Ngự Bình; hoặc tiếng nói: “Mô, Tê, Răng, Rứa”
Nhưng kết quả thật thú vị vì người trúng giải là chị Tịnh Như đã chọn tiếng “Dạ” làm biểu trưng cho Huế. Nhiều người trong cuộc Hội Huế không đồng ý vì tiếng “dạ” là tiếng Việt mà người dân trong cả ba miền Bắc Trung Nam đều dùng chứ không riêng gì ở Huế. Tuy nhiên chị Tịnh Như đã lý giải một cách đầy thuyết phục rằng: “Tiếng ‘Dạ’ là vũ khí văn hóa, nhân văn đặc thù của Huế vì nó được dùng như một phương tiện diễn đạt cảm xúc và ý nghĩ từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ phục tùng đến phản kháng, từ yêu thương đến thách đố, khước từ…”
Trường hợp điển hình:
- Hỏi: Con thích bún bò Mệ Chéo không?
- Đáp: Dạ, con thích lắm! (Tiếng “dạ” đồng ý, khẳng định)
- Hỏi: Anh nhớ em.
- Đáp: Dạ, em cũng nhớ anh lắm (tiếng “dạ” đồng tình, cảm xúc)
- Hỏi: Con đi với thằng Nam cả canh buổi chừ mới về phải không?
- Đáp: Dạ (ạ… ă… ắ…)? ( Tiếng dạ uốn lượn và nhấc lên cuối câu để tỏ bày câu trả lời vừa xác định vừa nghi vấn như nói rằng: “Con có đi với anh ấy mà có can chi không?”)
- Hỏi: Con khoan đi, ở nhà rửa chén bát xong rồi đi”
- Đáp: Dạ (a… à… ạ…)! (Tiếng dạ kéo dài và rớt xuống nặng nế cuối câu để diễn tả sự vâng lời nhưng miễn cưỡng, bực bội)
- Hỏi: Con có nghe tin đồn đó không?
- Đáp: Dạ (a…á)? (Tiếng dạ như một câu hỏi lại)

Trong nhiều hoàn cảnh và địa phương khác nhau, tiếng “dạ” của Huế còn được sử dụng một cách tinh tế, diễn cảm, bất ngờ nhưng lại có tác dụng như cả một lời diễn đạt và giải thích khéo léo bằng âm thanh qua tiếng nói.
Khi tiếng “thưa” đi kèm sau tiếng “dạ” thành “dạ thưa” là lời khai mở cho câu nói trang trọng, lễ độ; nhưng cũng có khi ngại ngùng và xa cách. Tiếng “dạ thưa” dùng phổ thông trong đại chúng: “Dạ thưa bà con, tui xin có ý kiến…” là một cách bày tỏ sự tôn trọng, lễ độ. Nhưng tiếng “dạ thưa” lọt qua cửa ngõ tình tự: “Dạ thưa, em còn nhỏ; thương rồi mà chưa biết yêu!” thì có cơ trở thành… bùa mê (?!)

         

Trong bối cảnh văn chương nghệ thuật Việt Nam, những trao đổi khách quan thật khó. Anh nhà văn thì cho rằng: “Thi sĩ là nhà văn không thành!”. Đối lại, những nhà thơ thì lại cho rằng: “Văn sĩ là nhà thơ không thành!” Nhưng con người và cách nói chỉ là phương tiện; trong khi cứu cánh tinh hoa của nghệ thuật chính là tác phẩm. Những sáng tác văn học nghệ thuật chính là tụ điểm của nghệ thuật, nơi đó, cả nhà thơ, nhà văn và muôn nhà nghệ sĩ gặp nhau. Như trong phương ngữ Huế, tiếng “dạ, thưa” là một tụ điểm của nghệ thuật và đời thường đã khiến cho cả người trong cuộc và kẻ bên ngoài đều muốn nghe, muốn nhận, muốn còn và muốn được. Không ai có thể từ chối lắng nghe với niềm cảm khái trước điệu nói dịu dàng của người con gái Huế hầu như trong mọi tình huống và hoàn cảnh; dẫu đó là sự lễ độ, bày tỏ, câu hỏi, lời mời hay khước từ thì tiếng “Dạ… thưa” đều được nói lên một cách tự nhiên, hòa quyện trong từng câu nói, không điệu đà sắp xếp nhưng tác dụng của sự lễ độ, khiêm cung, gọi mời, xác quyết : “Dạ thưa dì, mời dì ngồi chơi. Dạ con không biết mạ con đi mô…” hay “Dạ con học lớp 10…”, “ Dạ thưa anh, anh tên chi?”, “Dạ mời anh ghé chơi” và cả “Dạ em không thích” và rất nhiều “dạ…thưa” hòa quyện trong từng câu nói.

Người ngoài xứ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, viếng Huế rồi ra đi, ai cũng mang theo trong hành trang nghệ thuật của mình tiếng “Dạ… thưa” của Huế.
Trác tuyệt mà tửng tửng như Bùi Giáng đã đưa tiếng dạ thưa của Huế thành một suy niệm “như như tự tại”:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Hoặc như Xuân Hoàng đã nâng tiếng dạ thưa của người con gái Huế thành “tứ biểu tượng” của Huế là: Mưa Huế, chùa Huế, sông Hương và tiếng dạ thưa của người con gái:

“Ở đây dằng dặc những ngày mưa
Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa
Có một dòng sông trôi chẳng nỡ
Có người con gái "dạ, xin thưa...”
             (Nét Huế - Xuân Hoàng)

Và, Huỳnh Văn Dung đã phóng chiếu tiếng dạ thưa ngọt lịm thành nỗi đam mê sương khói, giữ chút gì rất Huế mặn mà

Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say
Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ
Và hơi thở mềm sương khói bay
   (Rất Huế - Huỳnh Văn Dung)

Thời gian trôi qua, không gian thay đổi và con người chuyển biến theo hoàn cảnh. Nhưng chỉ riêng tiếng “Dạ… thưa” của Huế là không biến tướng, thay hình đổi dạng. Tiếng Huế có hai kiểu cách bày tỏ: Giọng Dinh và giọng Quê. “Giọng dinh” là cách nói và phát âm của những người Huế ở thành phố hay là những người Huế được tiếp cận nhiều với bài bản và sách vở nên giọng nói nhẹ, tiếng dùng gần với tiêu chuẩn quy ước. Trong khi đó thì “giọng quê” phát âm nặng với nhiều từ ngữ không có trong sách báo, từ điển. Ví dụ. Giọng dinh: “Hai vợ chồng đó gây nhau, ra giữa sân đánh nhau!” Giọng quê: “Hai cấy dôn nớ ngầy dau, ra trửa cươi đập chắc!” Dẫn chứng này có tính cách hơi thậm xưng nhưng minh họa được tính cách đa dạng của phương ngữ Huế. Thế nhưng, trường hợp tiếng “dạ… thưa” thì đặc biệt khắp mọi vùng nông thôn và thành thị Huế đều biểu hiện như nhau.
Những người xa Huế hơn ba chục năm khi trở về thăm Huế, có thể thấy chiếc áo dài của những “o”, những “thím”, những “dì” buôn gánh bán bưng ít đi, nhưng tiếng “dạ…thưa” thì vẫn còn nguyên mượt mà trên từng cửa miệng. Khách phương xa về thăm Huế, tản bộ trên các vùng quê, thường sẽ rất ngạc nhiên và thú vị khi nghe và thấy các cháu học sinh trường làng, cúi đầu cung kính chào: “Dạ thưa ôông!” mà không cần biết quen hay lạ.

Ngôn ngữ là một phương tiện đặc thù của từng nhóm người và xã hội. Tuy tiếng Việt “dạ…thưa” đâu cũng có nhưng với âm điệu giọng Huế nó trở thành trầm lắng và khiêm nhã một cách tự nhiên không mang tính nghi thức hay khách sáo.
Đặc biệt, thế hệ trẻ gia đình gốc Huế sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nếu còn nói được tiếng Việt thì tiếng “dạ…thưa” vẫn còn được kế thừa như một gia sản đầy hương hoa chưa nỡ bị đánh mất hay đi vào quên lãng.

                                                           Trần Kiêm Đoàn

READ MORE - DẠ... THƯA: HỒN HUẾ - Trần Kiêm Đoàn

NẾU EM LÀ... -Thơ Phan Quỳ



            Tác giả Phan Quỳ


          

NẾU EM LÀ...

Em áo trắng , anh nhớ về trường cũ,
Em áo xanh , anh yêu biển hiền hòa.
Em mộng mơ, anh bỗng thành thi sĩ,
Em vui cười, anh hát khúc hoan ca.

Em là gió, anh rung cành lá biếc,
Em là hoa, anh ấp ủ hương tình,
Em là mây, anh một đời rong ruỗi,
Em là trăng , anh chẳng đợi bình minh.

Em là nắng, anh ước ngày hé nụ,
Em là mưa, anh thấm đẫm linh hồn,
Em là xuân cho đất trời áo mới,
Em là hè cho sắc phượng thêm tươi.

Em là hình cho anh về nương bóng,
Em là trời anh lấp lánh sao xanh,
Em thánh đường nơi anh về quỳ gối,
Chúa hài lòng ban phúc ấm em, anh.

Em có biết thiên đường là có thật
Vạn đóa hồng nở rộ trong tim anh?
Em có hay những thời khắc đau khổ,
Vẫn âm thầm sáng rỡ nụ cười Em?

                                       Phan Quỳ

READ MORE - NẾU EM LÀ... -Thơ Phan Quỳ