Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 29, 2018

HOÀI CỔ LONG - Thơ La Thụy


 Trịnh Giai Hân đóng Lâm Tiên Tử Trịnh Giai Hân đóng Lâm Thiên Nhi  người được mệnh danh đệ nhất mỹ nhân. Trước mặt người ngoài, Lâm Thiên Nhi rộng lượng dịu dàng nhưng thực ra là kẻ độc ác, dâm đãng. Sở trường của ả là dụ dỗ, lừa gạt đàn ông.  Lâm Thiên Nhi hận Lý Tầm Hoan, luôn giở thủ đoạn hãm hại.
                             Cảnh trong phim Tiểu Lý Phi Đao

HOÀI CỔ LONG*

Trong bóng thâm u núi đồi hoang dã               
Bước chân yêu run rẫy mỗi đêm về               
Ta lạc bước giữa hoa ngàn cỏ lạ               
Gió muôn trùng âm vọng phủ lời mê               

Lá tương tư vẫy vầng trăng khuyết sử               
Rêu xanh rì mềm ướt, đẫm sương giăng                  
Tay vuốt nhẹ lòng đàn reo tở mở               
Muôn tơ huyền rung động khúc hòa âm               

Em kiều mị bất ngờ ta choáng váng               
Phút giây nào thảng thốt đến mê si               
Từng ép xác dưng không chừ thoáng đãng               
Lòng Tiểu Phi* đồng vọng viễn khúc gì?               

Ừ, Mai Hoa Đạo* mỹ nhân kỳ ảo               
Kiếm ngây tình, lãng tử muốn Tầm Hoan*               
Lâm Tiên Nhi* từng đêm về cởi áo               
Dợn sóng tình mê mải cõi hồng hoang              

Vô tình kiếm, bên hông đa tình khách              
Có bừng lên sát khí chấn đêm trường              
Chừ phóng kiếm ném tung vào tuyệt cốc              
Dạo sông hồ khinh khoái gót Lưu Hương* ...

                                                 La Thụy

Cổ Long (1937- 1985)  là nhà văn Đài Loan viết tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng. Ông cũng là nhà biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể nhiều lần trên phim truyền hình cũng như điện ảnh.

* Lý Tầm Hoan, Tiểu Phi, Mai Hoa Đạo, Lâm Tiên Nhi, Sở Lưu Hương ... : Tên nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long

READ MORE - HOÀI CỔ LONG - Thơ La Thụy

BAN MÊ CHIỀU - Thơ Trần Mai Ngân


   
                                    Nhà thơ Trần Mai Ngân



   BAN MÊ CHIỀU

   Chiều nay ôi... chiều nay
   Ban Mê buồn quạnh vắng
   Gió đưa lá vàng bay... lá vàng bay...
   Chân bước như là say


   Đường Ban Mê vắng người
   Tôi còn đâu môi cười
   Hoa trắng xoá tâm tư... xoá tâm tư
   Ta mất nhau rồi ư ?

   Chiều nay ôi...chiều nay
   Dấu xưa chừng đã phai
   Buồn đếm những bước dài... những bước dài
   Đâu còn ai... còn ai

   Hoa cà phê Ban Mê
   Thơm em mùi hương cũ
   Thoang thoảng xa và gần... xa và gần
   Tan phai mùa ái ân!

   Có bao giờ trở lại
   Dù Xuân hay Thu, Đông
   Ngày Hạ sao bão giông... sao bão giông
   Tình ơi... tình có không?

                       Sáng Ban Mê, 22-3-2018 
                             Trần Mai Ngân

READ MORE - BAN MÊ CHIỀU - Thơ Trần Mai Ngân

THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ CHU THẦN CAO BÁ QUÁT



   Cao Bá Quát2

   MỘT CHỐN QUỐC OAI

   làm giáo thọ
   đêm đêm rừng hoang nghe tiếng hú
   tài học sánh ngang đất với trời
   ngày nào cũng nghe tiếng kêu cú cú
   chết đứng chết ngồi hay chết nằm
   một ngày cho tới cả ngàn năm
   có ai sống mãi mà không chết ?
   nhưng mà được nhục hay vinh ?

   một thầy một cô một chó cái
   một vua và bầy quan ăn hại
   chi hồ giả giã
   lập đi và lập lại
   khuôn vàng thước ngọc
   vĩnh viễn ngàn thu ?

   ba hồi trống dục đù cha kiếp
   một nhát gươm đưa đéo mẹ thời
   đất nước loạn ly
   khói lửa bời bời
   nhiễu nhiễu nhương nhương
   toàn bọn hủ nho
   mặt úp vào cái nồi
   toàn cháo
   cái đạo làm người
   quyết xoay bạch ốc lại lâu đài

   CAO CHU THẦN

   rồng vàng nơi ao tù
   buồn thiên thu
   góp ý lòng thành canh tân đất nước
   với cả gan lẫn ruột
   kẻ nghe có hai lỗ tai trâu
   vừa ve vẩy tai vừa gật đầu
   nghe ngang nước chảy lá môn
   từ hành tẩu sử quán
   thuyên chuyển xuống làm giáo thọ
   nhậm trị phủ Quốc Oai
   buồn thúi ruột
   kẹt quá đành làm giặc
   thua chết

   cả một  gầm trời
   toàn là bồ cu
   cắm cúi đầu mổ thóc
   toàn vịt bơi trên hồ sen
   ao bèo
   tối ngày kêu cạp cạp
   toàn gà mái gà con
   kiếm ăn
   toàn là Nguyễn Công Trứ
   không có ai là Cao Bá Quát

   Cao Bá Quát chết
   còn có người thương người khóc
   có người ngưỡng mộ
   Tự Đức chết
   y con nhái chết
   không ai khóc
   chỉ có Pháp Lang Sa khóc

   Cao Bá Quát

   Á NGUYÊN
   (1800 – 1855)

   sóc đĩa có hai mặt
   mặt chẵn và mặt lẻ
   đời người có hai lẽ
   lẽ sống và lẽ chết
   dù suy nghĩ kiểu nào
   Á Nguyên Cao Bá Quát
   vẫn là "uy vũ bất năng khuất"
   cuối thế kỷ thứ 18
   Quang Trung dẫn quân ra Bắc
   thầy Lý Trần Quán
   sai đồ đệ Nguyễn Trang
   dẫn vào bảo vệ Chúa Trịnh Khải
   về Bắc Ninh Bắc Giang
   người này nộp Chúa cho Tây Sơn
   nhốt vào tù xa rồi đâm chết
   thầy trò gặp lại nhau Quán trách:
   "thầy cũng như cha
   sai con bảo vệ Chúa
   chuyện nhỏ làm không xong ?"
   Trang trả lời : "sợ thầy không bằng sợ giặc
   quý Chúa không bằng quí thân"
   hai nghìn ba trăm năm trước đạo Khổng Mạnh
   đến đây tạm chấm dứt
   gần hai trăm năm sau
   có đệ tử chân truyền
   nhà nho Cao bá Quát
   cực kỳ lên án nền Văn Hóa Khổng Mạnh
   kẻ nhập môn suốt cả đời
   chỉ biết lạy và quì
   khấu đầu chổng đít
   làm nô tài cho một đứa ngu
   vẫn tự an ủi dưới một người
   trên vạn người
   ngày ngày quì mòn sân tướng phủ
   chắp tay cúi đầu
   còn bá tánh là thảo dân
   chỉ biết nộp thuế làm sưu
   gọi dạ bảo vâng
   đến thế kỷ thứ 19
   có Vị Xuyên Trần Tế Xương
   đậu tam trường
   thơ rằng
   “cái học nhà Nho đã hỏng rồi
   đậu rồi cũng đến đứng đường thôi
   sư phụ treo niêu theo sư phụ
   môn đệ khoai rau đứng thở dài !


   BA VẠN SÁU NGHÌN NGÀY

   là mấy
   cảnh phù du chưa thấy đã nực cười
   nhìn đã rồi mắt kể như đui
   làm Đồ Chiểu soạn Lục Vân Tiên cõng mẹ
   chán mớ đời dẫy củ hành dẫy hẹ
   họ chưa gần rồi lại họ xa xa
   nhìn vịt ngan lại tưởng con gà
   sống vạn rưỡi thêm ba nghìn là nghẻo
   ôi sĩ phu giờ đây sao giống phu vác gạo
   dây công danh thòng lọng
   choàng vào cổ dẫn đi
   làm thượng quan đâu có ích lợi gì ?
   tước hữu ngũ đúng là phường báo hại
   chân hành tẩu nơi kinh thuộc vào thư lại
   trên sai đâu cứ đó mà đi
   được dăm năm cũng chả ra gì !
   toàn lũ dốt dốt từ trên xuống dưới
   hoàng thượng đần độn bề tôi cãi lại
   thế là một đường trực chỉ Quốc Oai
   làm giáo thụ nơi sâu nơi xa nhịn đói dài dài
   Quát hỡi Quát, Quát ơi là Quát
   thôi chỉ còn mỗi con đường duy nhất
   "làm giặc"

   nói với thằng mù về ánh sáng
   chả khác gì
   nói chuyện súng đạn với thằng điếc
   nói chuyện bình thiên hạ với Tự Đức
   không khác gì cầm cặc

   Vua Tự Đức
   làm thơ hay hơn hai Hoàng Thúc
   Tùng Thiện Vương và Tuy Luý Vương
   ba vị trên làm thơ khá hơn Hà Tôn Quyền
   tất cả là thành viên "thi xã Nghệ An "

   vua vô năng bất tài
   ù lỳ trước thời cuộc
   bá quan văn võ
   "văn dốt vũ dát"
   cái gì cũng không biết
   cái chuyện mất nước
   là lẽ đương nhiên !
   kẻ nhìn thấu thời cuộc
   khởi nghĩa ở Mỹ Lương

   Cao-Ba-Quat_thumb

   BẤT TỬ

   vua Tự Đức thì chết luôn
   Lê Duy Cự thì chết thiệt
   Cao Bá Quát thì không ?
   tên tuổi bất diệt
   không phải vì ngông
   không phải vì cuồng
   mà cũng không điên
   mà vì là chính nhân quân tử
   là người nhiệt tình yêu nước
   trong chế độ độc tài ?
   yêu nước thì phải chết ?
   Cao Bá Quát cũng vậy
   không còn con đường nào khác ?

   Cao Gia Văn Phái
   em Bá Quát đậu Á Nguyên
   anh Bá Đạt đậu cử nhân
   huyện lệnh Nông Cống
   thiên hạ bốn bồ chữ chiếm ba
   khi không mó dái ngựa
   là thằng dốt đặc
   ra lệnh tru di tam tộc

   người người thì quá nhiều
   đê hèn thì khắp xứ
   cúi đầu như con cú
   ngang đầu như lũ trâu
   hèn một lũ như nhau
   cục phân ngang cục ku'k
   mấy trăm năm
  mới được một Cao Bá Quát


   HÈN

   truyền thống
   từ trên xuống
   từ dưới lên
   triều nhà Nguyễn được mấy người
   như Ông Ích Khiêm
   sau này có Cao Bá Quát
   phần còn lại
   hèn hết

  CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ CHU THẦN CAO BÁ QUÁT

ĐƯỜNG VỀ - Thơ Đàm Ngọc Năm


           Tác giả Đàm Ngọc Năm


 ĐƯỜNG   VỀ
Lối đi năm bảy ngả
Đường về chỉ một thôi !
Chuyện như vậy trên đời,
Ai cũng mang hoài niệm.


Đã một thời chinh chiến
Hy vọng luôn tràn trề,
Vững chãi mỗi bước đi
Vui mừng cùng bè bạn


Chẳng ngại gì hoạn nạn
Trước bão tố phong ba,
Vì có bạn, có ta
Khoác vai nhau cùng tiến !


Giờ qua thời chinh chiến,
Tuổi đã chạm xế chiều
Vẫn trọn tình thương yêu,
Luôn thuỷ chung sau trước.


Sự nghiệp tuy dừng bước
Đời vẫn rộn tiếng cười
Vì đã có một thời...
Sống trong lòng bè bạn.


Dù sông sâu có cạn
Mãi giữ một niềm tin !
Chỉ khác tuổi thanh niên
Lúc đi năm bảy ngả
Mang trên mình tất cả...
Giờ về... chỉ một thôi !


        Đàm Ngọc Năm

READ MORE - ĐƯỜNG VỀ - Thơ Đàm Ngọc Năm

NỤ TẦM XUÂN - Nguyễn Bàng


         
                  Tác giả Nguyễn Bàng

      NỤ TẦM XUÂN

Mới tảng sáng đã nghe chuông điện thoại reo. Nhìn vào màn hình, tôi nhận ra ngay đây là cuộc gọi của anh Tiến, ông bạn già của tôi đang sống ở ngoài Bắc:
- Ngoài này suốt Giêng Hai vừa rồi gió Đông ẩm ướt mưa phùn nhưng hôm nay tạnh ráo và  trời  hửng rất đẹp ông ạ! Nụ tầm xuân nhà tôi bắt đầu nở rồi đấy.

*
Tôi và anh Tiến, thời trẻ đã có với nhau 10 năm chung trường chung lớp suốt từ Tiểu học đến hết Trung học thì mới phải chia tay nhau. Nói đúng hơn là cả hai chúng tôi đều phải chia tay với học đường vì kinh tế của cả hai gia đình đều èo uột không thể cõng nổi chúng tôi thêm mấy năm Đại học.
Ít lâu sau, anh Tiến xin được một chân làm ở Thư viện Nhân Dân thành phố. Một chân sai vặt, quét dọn các kho sách, diệt mối, tu chỉnh các bìa sách bị xé rách, đóng lại các trang sách bị bong chỉ và cả việc quét dọn hành lang, cắt xén cỏ, tưới hoa ngoài vườn...Bù lại với những tạp vụ không danh giá gì đó, anh Tiến có điều kiện mượn khá nhiều sách quý hiếm đem về nhà đọc; nhờ đó kiến thức của anh được mở mang mỗi ngày một dày một rộng, nói không ngoa còn hơn nhiều sinh viên Đại học chính quy. Anh bắt đầu viết văn, làm thơ, đặc biệt là viết các công trình khảo cứu về phố phường  anh ở gửi đăng trên một số báo ở  Hà Nội. Chưa thành danh nhưng cũng được nhiều người đọc mến mộ gửi thư khen ngợi.
Tôi thì xin được một chân cán bộ ngân hàng, suốt ngày cộng trừ nhân chia với các dãy số. Vì thế tôi và anh Tiến ít có dịp đến chơi với nhau.
Thế rồi, một buổi sáng chủ nhật, anh Tiến dẫn theo một cô gái đến thăm tôi. Anh cười cười bẽn lẽn nhưng xem chừng trong lòng rất vui sướng:
- Đây là Hiền Khanh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm, một độc giả tích cực của Thư viện thành phố.
- Chào chị! Tôi vừa bắt tay anh Tiến vừa gật đầu chào Hiền Khanh và có cảm giác đã gặp cô gái xinh đẹp này ở đâu đó lâu rồi. Mãi sau khi anh Tiến cùng Hiền Khanh ra về, tôi mới bật nhớ ra, đó là hình ảnh cô Mai trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân của nhà văn Khái Hưng mà tôi đã hình dung ra sau khi đọc xong cuốn truyện đã làm thổn thức trái tim hàng triệu người một thời: Một thiếu nữ mười tám, mặt trái xoan, nước da trắng, hai con mắt như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng. Một nhan sắc đoan trang dịu dàng. Tôi mừng cho anh Tiến, bạn tôi có được một người bạn gái như thế. 
Năm sau, tôi phải điều lên Ngân hàng khu Tự trị Thái Mèo làm công tác tín dụng. Một công việc gian nan và cực nhọc: Vài anh chị em cùng nhau lội bộ khiêng, gánh những hòm tiền đến những vùng cao xa xôi nhất, hiểm trở nhất và cũng là nghèo nhất cho dân bản làng vay để tăng gia sản xuất, đi đâu cũng thấy núi và sỏi đá cùng gió hoang vu, có khi nửa ngày không nhìn thấy một nếp nhà nhỏ. Có hôm sương đêm chưa tan đã phải lên đường, có ngày mưa phủ kín núi rừng qua ngày qua đêm, phải bảo nhau cố tìm được một hang núi để trú ẩn vừa bảo vệ không cho hòm tiền bị ướt vừa tránh cho không bị sét đánh và vắt cắn. Công tác tín dụng miền núi thời ấy như thế nhưng có ông nhạc sĩ chỉ ngồi ở Hà Nội, nghe một nữ nhân viên làm tín dụng, người dân tộc Tày do một ông lãnh đạo cao cấp của ngân hàng chọn và giới thiệu đã viết nên một bài hát với những lời thật hay đẹp và lãng mạn. Bài ca đã được nhiều danh ca hát và được phát véo von trên loa đài công cộng nhiều năm liên tiếp.

Ơ ớ ơ này chim hãy hót lên đi cho tiếng lòng ta vui hát với
Bản làng luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn Chính phủ
Đã giúp ta xây dựng cuộc đời

Một ngày đầu xuân, vừa lúc núi rừng Tây Bắc phủ sắc trắng muốt, tinh khôi của hoa Ban, tôi nhận được thư anh Tiến từ Hà Nội gửi lên. Anh khoe, Hiền Khanh vừa mới tặng anh bài thơ:


THÁNG HAI RÉT NỤ
Em đợi anh, tháng Hai rét nụ
Cho lộc non giát ngọc trên cành
Cho cành bổng dịu thơm hương bưởi
Cho cành la mướt nụ cà xanh.
Nụ tầm xuân nghìn đời xanh biếc
Xin anh đừng để tiếc cho nhau
Em chỉ có một Tình Yêu Duy Nhất
Không Tình Đầu và cũng chẳng Tình Sau!

Tôi lại mừng cho bạn tôi có một người yêu đẹp như một viên ngọc quý và cầu mong cho họ sẽ được trăm năm hạnh phúc bên nhau.
Ai ngờ, mùa xuân năm sau, thư của anh Tiến từ Hà Nội lên miền núi cho tôi đặc nhừng dòng chữ rất buồn báo cho tôi biết, anh và Hiền Khanh đã phải chia tay nhau vì  không vượt qua nổi một rào cản. Anh viết, Hiền Khanh đã khóc trên vai anh và nói:
- Em đã để tiếc cho anh rồi. Ông Thủ trưởng của bố em đã nói trắng ra rằng, nếu bố em chịu gả em cho con trai ông ấy thì bố em sẽ không phải điều động đi xa và khi em ra trường, ông ấy sẽ xin cho em về một trường cấp 3 lớn của Thành phố. Mà anh biết đấy, bố em là công chức lưu dung trong lòng lúc nào cũng như con chim đã phải cung nên rất sợ làn cây cong, mẹ em thì có bệnh tim, 4 chị em em vẫn còn đang đi học nên cả nhà em không biết làm gì hơn trước sự sắp đặt của định mệnh. Em chỉ còn biết lỗi hẹn với anh, xin anh tha thứ và hãy quên em đi.
Mùa Hè năm đó, Hiền Khanh thi ra trường thì ngay đầu Thu, khi thiên hạ bị quyến rũ bởi màu cốm xanh ngọc thanh tao và sắc đỏ rực rỡ của những trái hồng mọng ngọt thì nàng cũng bị đẩy lên xe hoa về nhà chồng. Anh Tiến đã gửi thư cho tôi và bảo, anh không đến dự đám cưới của Hiền Khanh mặc dù nàng không quên gửi thiếp mời cho anh. Anh nói, anh không muốn phải nhìn cảnh cô dâu gượng cười trong pháo hoa và anh cũng không muốn sẽ phải đau xót tự hỏi lòng mình: “Xe hoa đó em đi về với ai?”.
Cuối thư, anh Tiến nói thêm, anh đã quyết định xin thôi làm ở Thư viện và sẽ đi đến một thành phố khác để kiếm sống. Anh bảo:
- Không phải là tôi bỏ trốn một mối tình lỡ hẹn mà chỉ vì, tôi không muốn sẽ còn phải gặp lại Hiền Khanh mặc dù ngày đêm tôi vẫn tưởng nhớ nàng đến đau thắt trái tim. Tôi muốn nàng dần dà sẽ được yên bề gia thất và gia đình nàng được sống bình an. Vì thế, nếu còn ở Hà Nội, tôi sợ, tôi sẽ như chàng trai trong ca dao “trèo lên cây bưởi hái hoa/ bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” để được gặp nàng khiến nàng phải thổn thức với những lời khổ đau nuối tiếc “Giờ đây em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu...”. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, đẹp, rất đẹp nhưng duyên phận mình không thể hái được thì chọn cách ra đi như tôi là tốt nhất. Lại thêm điều này nữa, nếu không bao giờ còn gặp lại Hiền Khanh, tôi sẽ giữ được mãi mãi trong lòng mình hình ảnh một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp đoan trang của nàng.
Ba năm sau, tôi thôi làm cán bộ tín dụng ngân hàng ở miền núi. Trở lại miền xuôi, theo địa chỉ  anh Tiến ghi trong thư, tôi đáp xe lửa xuống thành phố biển để tìm gặp bạn.
Bây giờ anh Tiến đang làm biên tập viên cho tờ báo của thành phố. Anh đã lấy vợ, một cô thợ nhà in của báo không mấy xinh đẹp nhưng nom rất có duyên và họ đã có đứa con gái đầu lòng gần một tuổi. Vợ chồng anh biết bảo nhau ăn tiêu dành dụm nên đã mua được một căn nhà nhỏ, mái lợp giấy dầu ở một làng ven thành cách toà báo chừng 3 cây số cũng tiện cho việc ăn ở và đạp xe đi làm hàng ngày.
Sau khi cạn chén trà nóng pha nước đầu, anh Tiến bỗng hỏi tôi:
- Anh nhìn xem giậu tầm xuân của tôi có đẹp không?
Theo tay anh chỉ về phía cổng, tôi nhận ra giậu tầm xuân ở bên cánh phải mà lúc vào nhà tôi không kịp để ý. Những nhánh tầm xuân đua nhau leo bám trên một hàng rào dựng bằng những dóng trúc thẳng vàng óng, nhánh nào nhánh ấy đều một màu nâu xanh nom rất khoẻ với những chùm lá xanh tươi mướt mắt.
- Đẹp lắm! – Tôi khen thật lòng và thoáng hiểu vì sao anh Tiến lại trồng bụi tầm xuân ấy.
- Vào dịp nụ tầm xuân nở còn đẹp gấp bội anh ạ! – Anh Tiến nói thêm.
Chị vợ anh Tiến đang cho con ăn bột bên ngoài mái hiên, nghe chúng tôi nói với nhau như thế cũng chen vọng lời vào
- Các nhà hàng xóm xung quanh người ta toàn trồng các loài hoa quý như mẫu đơn, hải đường, hoàng mai, tịnh lan hay là các loại hồng đẹp từ hồng nhung đến hồng vàng và cả hồng đen rất hiếm. Riêng nhà em, anh ấy lại chỉ trồng mỗi cái cây tầm xuân mà dân làng gọi là hồng leo hay hồng dại, cành cây đầy gai góc, có gì đâu mà nhà em và bác cứ nức nở khen là đẹp? Mà lại rất lạ, khi nụ nở, rõ ràng là  những cánh hoa hồng dại có màu hồng nhạt nhưng nhà em cứ nhất định bảo nó là màu xanh biếc, bác ạ! Anh ấy lại còn bảo, em thấy nó màu hồng nhạt thì em cứ bảo là hồng nhạt theo con mắt nhìn của em, còn anh thấy nó xanh biếc thì anh cứ bảo là xanh biếc theo cảm nhận của anh. Em nghe mà tức anh ách nhưng không dám đôi co với ông gàn bát sách cho nó êm cửa êm nhà.
Nghe chị vợ anh Tiến nói, tôi biết trong tim anh vẫn dấu một bóng hình của Hiền Khanh và chắc anh chưa bao giờ kể về nàng với vợ. Tôi lựa lời nói để vợ anh vui lòng:
- Chị nói rất đúng, hoa tầm xuân chỉ là một nhánh của loài hoa mọc hoang dại trong họ hoa hồng, hoa thường có màu trắng hay hồng, hương sắc khiêm nhường hơn nhiều với các loài hoa mà chị vừa kể. Nhưng ở Trung Quốc, người ta gọi Tầm Xuân bằng cả chục tên khác nhau trong đó có những cái tên rất đẹp như: ngưu cúc, thập tỉ muội, thất tỉ muội, dã tường vi. Chị là vợ anh Tiến, chị thừa biết anh ấy hay làm thơ nên anh ấy bảo màu nó "xanh biếc" là nói theo bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa trong đó có câu:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay

diễn tả thật cảm động tâm trạng của trai gái làng quê xưa trong bi kịch tình yêu: "Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!". Một nỗi buồn của những mối tình lỡ hẹn trong cuộc đời. Cô gái được nhắc đến trong bài ca dao thật đáng thương và đáng trọng.
Chị vợ anh Tiến bày tỏ thắc mắc:
- Em cũng biết bài ca dao ấy và em cũng rất thương cảm cho cô gái ấy. Nhưng không hiểu sao dân gian cũng cứ xưng xưng nói Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc làm vậy, chả nhẽ các cụ ta đã nói sai?
Không biết nói sao cho đúng, tôi đành chống chế:
- Có thể vì tác giả bài ca dao đã túng vận nên chỉ nói cho suôn sẻ, xanh biếc cho hợp với vần "iếc" trong hai tiếng “anh tiếc" của câu sau.
Khi chị vợ anh Tiến đã bế con ra ngoài cổng dỗ cho nó ăn nốt mấy thìa bột, tôi mới nhìn thẳng vào mặt anh và nói trêu anh:
- Tôi định nói với vợ anh rằng: Nụ tầm xuân không chỉ nở ra xanh biếc như câu ca dao đâu mà còn nghìn đời xanh biếc như câu thơ Hiền Khanh, người yêu đầu đời của chồng chị đấý!
Anh Tiến gãi đầu cười xuề xoà:
- Nhà tôi nói năng bộc tuệch kiểu dân thợ thuyền vậy thôi nhưng cô ấy rất chiều chồng và yêu con, ông ạ. Còn tại sao tôi cứ cãi bằng được với cô ấy rằng Nụ tầm xuân màu xanh biếc là vì mỗi dịp nụ tầm xuân trên giậu hoa nhà mình nở, thoạt đầu nhìn thì đúng là cánh hoa màu hồng nhạt thật. Nhưng rồi câu thơ của Hiền Khanh năm xưa lại thổn thức ngân lên: Nụ tầm xuân ngàn đời xanh biếc thì không hiểu sao, trong  mắt tôi bỗng biến mất cái màu hồng thực của nó mà chỉ còn thấy cái màu xanh biếc ảo giác ấy thôi.

*
Bây giờ trong buổi mai trời hửng ở ngoài Bắc, anh Tiến lại khoe qua sóng điện thoại với tôi Nụ tầm xuân nhà anh lại bắt đầu nở rồi. Đã thành thông lệ, nghe anh khoe như thế, tôi vui vẻ hỏi anh vẫn là câu hỏi cũ từ năm ngoái và các năm xưa:
- Vẫn xanh biếc chứ?
Và tôi biết, anh Tiến sẽ đáp lại bằng hai tiếng khẳng định chắc nịch:
- Xanh biếc!
Rồi hai đứa cùng cười, chúc sức khoẻ nhau trong điện thoại là xong cuộc gọi.
Nhưng năm nay, khi đáp xong hai tiếng “xanh biếc”, anh Tiến bỗng trầm giọng nói tiếp luôn:
- Ông ạ! Giờ chúng mình đã thành hai ông lão tám mươi cả rồi. Hiền Khanh của tôi ngày xưa kém tôi 6 tuổi, giờ chắc cũng đã thành bà già bẩy mấy rồi, ông nhỉ? Nhưng may sao, ngần ấy mấy chục năm, tôi đã không phải một lần gặp lại nàng nên trong tôi không hề có một hình bóng bà già Hiền Khanh mà vẫn chỉ có hình ảnh một nàng Hiền Khanh mười tám đôi mươi, mặt trái xoan, nước da trắng, hai con mắt như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng. Một nhan sắc đoan trang dịu dàng mà anh nói như cô Mai trong tiểu thuyết Nửa chững Xuân của Khái Hưng. Tôi sẽ giữ trong lòng tôi cái hình ảnh ấy của nàng, không dám nói được nghìn đời như câu thơ nàng viết Nụ tầm xuân nghìn đời xanh biếc nhưng chắc chắn sẽ là trọn một đời người của tôi!...
*
Sài Gòn, ngày 10.02 Mậu Tuất (2018)
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn

READ MORE - NỤ TẦM XUÂN - Nguyễn Bàng