Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 9, 2012

Chùm thơ của Lê Thế Thanh

LÊ THẾ THANH
Sinh :  23-3-58. Quê: Trường Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị
Hiện ở: 65 Trần Hưng Đạo, Ngãi Giao, Châu Đức, BRVT.
Tốt nghiệp ĐHSP Huế, Khoa Toán.
Tel: 0982023358.
Email: lethethanh58@gmail.com, 
            lethethanh11@yahoo.com




MẠ ƠI!
            Kính dâng hương hồn Mạ

Cứ mỗi lần con nhớ về Mạ,
Bàn chân con níu bước lên Trằm (1)
Vì ở đó có Mạ đang nằm,
Và Trằm gợi trong con nhiều kỷ niệm


Con nhớ mãi lúc nhà mình túng thiếu,
Trằm đã cho hai bữa sắn khoai,
Cả cuộc đời Mạ nặng trĩu hai vai,
Đi: phân, giống - về: môn, khoai, ném, kiệu.


Mạ vất vả nhưng nhà mình vẫn thiếu,
Vì Mạ, Ba luôn ước nguyện một điều:
Gắng cho con ăn học lớn làm Người,
Và cố sống cho tròn "năm ba chữ"(2)

                                               
Cả đời Mạ dường như thiếu ngủ,
Tất bật ngược xuôi lo kịp bữa con ăn
Tiền con học cũng là nỗi trở trăn
Mạ không nói nhưng lòng con thấu hiểu

                      
Dẫu bây giờ áo cơm không còn thiếu,
Rứa mà con thiếu Mạ, Mạ ơi!
Và những lúc vấp ngã giữa cuộc đời,
Linh hồn Mạ đỡ chúng con đứng dậy.
                 

Những ước mơ tầm thường ngày xưa ấy,
Chẳng bao giờ con đáp được Mạ ơi,
Bởi vì con không còn Mạ trên đời,
Khi Mạ bệnh cũng là lúc báo tử!
                 

Có lỗi gì không khi con giấu tin dữ ?!
Vẫn thuốc thang chăm sóc Mạ mỗi ngày,
Sáu tháng trời con thầm đếm từng giây,
Còn có Mạ trên đời là hạnh phúc!


Biết trước ngày Mạ đi con ruột đứt,
Nhưng cố giấu nỗi đau tận đáy lòng,
Để gia tộc lo việc Tổ tiên (3) xong,
Và để Mạ không có giây bất hạnh.
                                    

Dù dối Mạ, nhưng con không ân hận,
Được nhìn Mạ cười thanh thản trước lúc đi;
Vì con nghĩ: đau khổ nhất là khi:
Mạ biết trước ngày giờ mình sẽ chết.
        

Nếu ai hỏi: Điều lớn nhất nuối tiếc?
Con trả lời sao Mạ vội đi xa !
Để chúng con gậm nhấm nỗi xót xa,
Không còn Mạ để chăm sóc, phụng dưỡng.
                    


Dẫu sau này khó khăn hay sung sướng,
Dẫu đối mặt với ngang trái cuộc đời,
Nghĩ về Mạ, con vững dạ, Mạ ơi!
Cả đời con nặng nợ ơn dưỡng dục.
       

Nhìn những ai đang tràn ngập hạnh phúc,
Có mạ cha đang ở bên mình,
Được đền đáp ơn dưỡng dục-sinh thành
Con xót xa thấy mình thật bất hạnh
                  

Có những lúc đất trời như tĩnh lặng,
Nằm thao thức thương nhớ Mạ khôn nguôi
Giá có được điều ước trên cuộc đời,
Ước còn Mạ để lòng con ấm mãi!


Tháng 10-2006

(1). Trằm là vùng đất trũng giữa hai đồi cát
(2). Năm ba chữ: tam cương, ngũ thường
(3). Việc Tổ tiên: lễ đưa Ngài về từ đường, nếu gia tộc đang chịu tang thì không làm được



ƠN THẦY


Làm thầy càng thấm ơn Thầy
Dù xa góc bể chân mây chẳng mờ
Ơn Thầy- biển lớn không bờ
Dạy em muôn vạn những giờ đẹp tươi
Ngày xưa gắng học điểm mười
Để nay gắng vượt sóng đời mênh mông
Ơn Thầy to lớn vô cùng
Ai không nhớ được sẽ không thành người

           20-11-2001



BẠN ƠI TRUNG HỌC HẢI LĂNG
Thương tặng các bạn Trung học Hải Lăng
Niên khóa 1969-1975


Bạn ơi Trung học Hải Lăng
Niên khóa sáu chín bảy lăm đây rồi
Đã hơn ba sáu năm trời
Giờ đây hội ngộ bồi hồi nhớ thương
Bao nhiêu ký ức trong lòng
Bỗng nhiên sống lại bâng khuâng ngậm ngùi
Còn bao bạn nữa đâu rồi
Bận lo chống chọi sóng đời nông sâu
Dù đi đâu, dù về đâu
Gặp nhau để gọi mày tau thỏa lòng
Dù cho má đã bớt hồng
Dù cho tóc đã bạc hơn nhiều rồi
Dù cho đã quá nửa đời
Bên nhau càng thấy cuộc đời dễ thương
Mai này mỗi đứa một phương
Bạn về vui với cháu con sum vầy
Ký ức ngày ấy còn đây
Mà sao “người ấy” lúc này về đâu?!
“Cuộc đời đó có bao lâu”
Dù bạc tóc vẫn còn nhau trong đời.

Ngãi Giao, 24-7-2011
READ MORE - Chùm thơ của Lê Thế Thanh

MẸ LOAN - Lưu Quang Minh


Chẳng biết từ bao giờ, hễ mở miệng nó lại gọi cô là “mẹ”. Thằng bé chơi đùa, nghịch ngợm phá phách thế nào để mà bị té, khóc ré lên. Cô hốt hoảng chạy lại đỡ nó, ôm vào lòng, vừa xoa dầu lên chỗ đau vừa dỗ dành.
“Mẹ Loan ơi con mắc…”
 Trưa trời trưa trật. Cả lớp hai mươi mấy thiu thiu trên những chiếc chiếu nhỏ nhắn trải dưới sàn phòng.
“Ừ, để cô dắt con đi!”
“Xi” xong, kéo quần lên cho nó, cô bẹo yêu má thằng bé một cái.
“Con là con hư lắm, chẳng bao giờ chịu ngủ trưa đâu, toàn nhắm mắt để đấy. Cô là cô biết hết đó nha!”
“Dạ, nhưng mà con không có buồn ngủ ạ. Mẹ ơi hay là mẹ ru con ngủ nha mẹ.”
            Thằng nhóc lanh quá. Gần chục năm gắn bó với mái trường mầm non, hết lứa này đến lứa khác, trẻ thương và bám cô rất nhiều. Thế mà, chẳng hiểu sao dạo gần đây riêng thằng bé con cứ hay làm cô xúc động. Nhiều lúc xúc động lắm, nghe tiếng “mẹ” thôi cũng đủ làm cô hoen cả hai mắt.
Như thể giữa cô và nó vốn sẵn tình mẫu tử, máu mủ ruột rà vậy.
             Cô út, sống một mình với cha mẹ. Mấy anh chị em đều làm ăn xa, rồi dựng vợ gả chồng hết, thỉnh thoảng lâu lâu mới về chơi. Nên một tay cô chăm sóc hai ông bà già. Rồi lần nọ, mẹ run run cầm tay cô bảo:
“Đi làm chăm trẻ về nhà chăm già, biết khi nào mới chăm một người con thương?”
Đáp lại chỉ có sự im lặng, đôi mắt buồn chênh vênh xa xăm ngoài ô cửa sổ.
Ầu ơ ... ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập ghềnh khó qua...
u ơ ...
Khó qua mẹ dắt con qua...
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời
...
Nó nằm một lúc đã ngủ ngon lành. Cô phe phẩy cái quạt một hồi rồi bỏ xuống, ra ngoài sân ngồi chơi với mấy cô bảo mẫu. Câu chuyện nhiều vụn vặt, qua loa, không đầu cuối cốt xua mau cái nóng bức ngột ngạt pha lẫn ảm đạm của trưa hè.
“Chị để ý bố thằng bé này ngày nào cũng đón con muộn. Khổ, chắc mải làm ăn. Đường xá thì kẹt xe, đủ kiểu.”
“…Đi đâu cũng một điều mẹ Loan, hai điều mẹ Loan, người khác dắt đi nhất quyết không chịu là không chịu, con nít ghê thật đấy! Mà lạ nhỉ, chưa thấy mẹ nó đến rước con bao giờ…”
Cô nhặt mấy cái lá vàng héo hắt rụng dưới bậc thềm dồn gọn vào một góc. Những tia nắng xuyên qua tán cây rộng xum xuê trên cao rọi xuống sân tạo thành vô số mảng vàng cam, khi gay gắt, khi chập chờn le lói.
Buổi chiều có giờ học vẽ. Cô phát cho mỗi bé một tờ giấy, một hộp sáp màu, một cây bút chì, một cục gôm.
Hai mươi mấy cái đầu nhỏ xinh chụm trên những tờ giấy trắng tinh, cặm cụi tô vẽ, mải mê thỏa sức trí tưởng tượng. Cô nhắc:
“Cả lớp ngẩng đầu cao lên nào các con, thẳng lưng lên.”
* * *
“Mẹ Loan ơi mẹ Loan, con tặng mẹ nè…”
Tan học, cô ngồi cùng bọn trẻ chờ phụ huynh đến rước. Nó lon ton chạy lại đưa cho cô bức tranh nguệch ngoạc. Cô mở ra xem, xoa đầu nó:
“Giỏi quá, con vẽ đẹp lắm!”
“Bố con nè, con nè, mẹ Loan nè.”
Nó chỉ từng khuôn mặt, nét vẽ ngây ngô, hình thù méo mó.
Cô thoắt giật mình, mặt lại thấy nóng bừng.
“Bậy nào. Đây là mẹ con chứ!”
“Không, là mẹ Loan mà. Con vẽ mẹ Loan mà.”
Cô thấy hơi chóng mặt. Mất một lúc mới lấy được bình tĩnh, cười trừ:
“Ừ, cô cảm ơn con. Nhưng con vẽ thiếu một người rồi. Vẽ vậy chưa đủ đâu. Con vẽ thêm mẹ con nha…”
Chưa nói dứt, cô nhận ra bố nó đã đến. Nó la lên sung sướng:
“A hôm nay bố rước sớm. A hôm nay bố rước sớm…”
Bố nó đến sớm hơn thường ngày thật. Cô đưa cặp sách cho người đàn ông, nhận ra được từ đầu tới chân anh toát ra là hàng chục điều lo toan, nhọc mệt với công việc vốn dĩ lắm bộn bề.
“Dạo này anh bận lắm phải không ạ?”
“Dạ vâng, nhưng hôm nay tôi ráng thu xếp một ngày chở cháu đi ăn tiệm.”
“A hôm nay bố cho đi ăn tiệm. Thích quá, thích quá…” – Nó nhảy cẫng lên.
Thằng bé “ạ” chào “mẹ” ra về. Lên xe rồi còn vẫy tay tạm biệt cô cho đến khi chiếc xe máy khuất xa cánh cổng trường mẫu giáo bằng sắt to đoàng.
Về nhà, suốt đêm cô trằn trọc nghĩ ngợi mông lung đủ chuyện. Mỗi khi vừa chợp mắt hơi thiu thiu cô lại thấy ngay bức tranh thằng bé vẽ mình, có cả nó và bố nó, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người mẹ đâu. Cô thắc mắc lắm, cả đêm khó chịu, bồn chồn không yên giấc.
Khuya lắc khuya lơ, đâu đó trong tiềm thức văng vẳng:
“Mẹ Loan ơi!”
Cô choàng tỉnh. Tiếng “mẹ” nghe sao mà thân thương trìu mến quá. Chợt ngộ ra rằng, từ lúc nào cô thấy mình thèm biết mấy được nghe tiếng thằng bé gọi.
Đôi mắt dần hoen cay.
* * *
 Cả lớp học hát, ngân nga theo cô:
“ Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Thắp sáng một gia đình…”
Thằng bé gân cổ ê a, khoái chí lắm. Cô vẫn thường gọi nó là “con”, xưng “cô”. Như với bao đứa trẻ khác. Nhưng sao giờ cô muốn là “mẹ” quá. Giá có thể ôm nó vào lòng, chiều chuộng thật sự như một đứa con mình mang nặng đẻ đau.
“Mẹ Loan ơi, con cho mẹ Loan xem cái này!”
Nó đưa cho cô bức tranh. Vẫn là những nét bút nguệch ngoạc, những mảng màu lem luốc, hình hài méo mó ngô nghê. Cô nhận ra ngay người nó vẽ trong tranh là ai.
“Con vẽ mẹ rất đẹp…”
Cô cười xúc động.
“Mẹ con đẹp đúng không mẹ Loan. Con thương mẹ con lắm!”
Thì ra, nó muốn vẽ riêng một bức tranh to để dành tặng mẹ.
* * *
Mẹ nó đến rước, cũng là lần đầu tiên cô biết mặt. Người phụ nữ may mắn ấy với dáng vẻ mỏng manh yếu ớt, cất tiếng chào cô:
“Chị cho em đón cháu…”
Trong lòng cô ngổn ngang nhiều suy nghĩ, cô chỉ có thể đưa cặp xách của nó mà không nói được gì thêm.
“Em ở nhà nội trợ, người vốn hay bệnh nên ít khi ra ngoài. Việc đưa đón bố cháu lo hết. Nhưng hôm nay anh phải đi tỉnh đột xuất.”
Rồi là những hỏi han việc học hành, ăn ngủ, vui chơi của thằng bé. Cô muốn trả lời cặn kẽ, vì chẳng ai rành tánh tình nó hơn.
Nhưng cô chỉ đáp lại qua loa một cách chiếu lệ. Tại làm sao?
Bóng một mẹ một con trong ánh nắng chiều tấp tểnh in đậm vào tâm trí. Khung cảnh ấy cô vẫn thường mường tượng, trong những đêm khuya khoắt quạnh quẽ nhất.
“Mẹ Loan ơi!”
Bừng tỉnh. Hai giờ sáng. Cổ họng cô khô khốc, bỏ chăn xuống nhà rót nước uống. Cô nhớ lại:
“Cái nghề mình nó thế em ạ. Không yêu con người khác như chính con cái mình thì không thể theo nghề lâu được đâu…”
Ngày chân ướt chân ráo còn là giáo sinh mầm non vào trường, trong một lần nóng giận cô đã quất vào mông một bé rất đau đến nỗi bé khóc ré lên, chỉ vì bé quá hư.
 Về sau nghe những lời này, cô ân hận lắm. Một cô bảo mẫu đi trước đã nhắn nhủ với đàn em như thế. Phải rồi, đã chẳng yêu quý trẻ con thì biết làm sao dạy trẻ con nghe lời…
Có thể sau này chẳng may mắn cô sẽ không lấy chồng, sinh con. Cô biết. Nhưng cô vẫn hạnh phúc và tự hào khi mình đã từng là mẹ của rất nhiều trẻ con. Những đứa trẻ ngoan ngoãn, những đứa con nghịch ngợm, biết bao khuôn mặt nhăn nhó nhõng nhẽo mít ướt và trăm nghìn nụ cười thơ bé…
* * *
“Mẹ Loan ơi, mẹ ru con ngủ nha mẹ!”
Một buổi trưa hè nơi trường mẫu giáo, trong lớp lá của những thiên thần đang say ngủ, tiếng ru của một người mẹ dịu dàng, đằm thắm xua tan cái nóng bức oi ả, xua cả những buồn bã trăn trở của mỗi kiếp người.
Ầu ơ ... ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập ghềnh khó qua...
u ơ ...
Khó qua mẹ dắt con qua...
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời
...” ./.

5/2009
Lưu Quang Minh

Đc: 63/14/4 Lê Văn Sỹ, f13, Q. Phú Nhuận, TP HCM.
Đt: 0908018518 – 0822110885
READ MORE - MẸ LOAN - Lưu Quang Minh

BẠC LIÊU ... THỜI PHIÊU BẠT - Hoàng Yên Lynh

Ruộng muối Bạc Liêu

* Bài thơ là nỗi ngậm ngùi, cay đắng của một thời lang thang kiếm sống sau khi đã trả xong nợ chiến chinh ...

Xin gởi đến bằng hữu, những người bạn nơi vùng sông nước phương Nam, những đêm dài bên bầu rượu, câu ca vọng cổ, những buổi chiều quạnh hiu nghe tiếng chim bìm bịp kêu chiều dõi mắt về cố hương xa ngái ... Xin được tạ ơn những ân tình đã cưu mang đời tôi trong tháng năm khốn khó ...

HYL.



Tôi không là công tử Bạc Liêu
Chỉ kẻ lang thang
Mê điệu lý chiều chiều
Tìm đến quê em ...

Trời Bạc Liêu hương nồng muối biển
Trăng Gành Hào gác bóng tràm xanh
Tiếng hò em quyện hương tràm xôn xao bờ lá
Tôi kẻ lang thang dặm ngàn muôn ngã
Dừng bước quê em
Nặng sầu cố xứ ...

Tôi bước phiêu linh
Súng gươm đã gãy
Đường đời chông chênh
Nỗi đau dâu bể
Bạn với sao trăng
Với câu hò ngọt ngào đêm trắng
Gõ phách buông dây
Hát câu chinh chiến hề !

Đêm Bạc Liêu
Trăng, rượu, gió Gành Hào
Xừ xang hồ xê cóng
Dạ Cổ Hoài Lang
"Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng ..."
Người ra đi có người mong đợi
Tôi sông hồ thầm gọi cố nhân ơi .

Về đâu ... Về đâu
Ngày mai bước đời phiêu bạt
Lộng gió mây trời đồng xanh bát ngát
Bìm bịp kêu chiều dẫm nát hồn tôi.

Tôi không là công tử Bạc Liêu
Kẽ lang thang nắng sớm mưa chiều
Không tình, không bạn, không nhà
Sông hồ phiêu bạt ... Mưa sa nắng tàn ...
Còn đây chút Bạc Liêu
Ngậm ngùi câu thế sự
Trăm năm rồi ... Gởi lại thiên thu.

HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - BẠC LIÊU ... THỜI PHIÊU BẠT - Hoàng Yên Lynh