|
Nhà báo Lê Đức Dục |
"RỒI MÙA TOÓC RẠ RƠM
KHÔ…”
Tùy bút của LÊ ĐỨC DỤC
1.
Không biết miền Trung có
câu ca dao mô da diết hơn cái câu: "Rồi mùa toóc rạ rơm khô/Bậu về
quê bậu biết mô mà tìm.” Thoạt nghe ai cũng băn khoăn đã "toóc”
sao lại còn "rạ”? Thật ra phương ngữ Quảng Trị, "toóc” chính là rạ - phần
thân lúa còn lại sau khi gặt xong - chữ rạ trong rơm rạ, còn chữ "rạ”
chính là "rã” khi gốc rạ rã ra, gục xuống.
Bây giờ có nhiều bạn sẽ hỏi vì sao mà đợi đến
khi "rồi mùa toóc rạ rơm khô” mới bần thần da diết: "bậu về quê bậu
biết mô mà tìm”? Câu ca ấy tôi nghe mạ tôi ru mình rồi sau này ru những đứa em
của mình mà thuộc. Nhưng phải khôn lớn hơn mới biết trong câu ca dao ấy có một
phần đời của ông bà ngoại mình.
Ngày xưa, ruộng vùng Cam Lộ quê tôi không nhiều
nhưng cũng đủ nổi lên vài điền chủ, cố ngoại tôi là một chủ ruộng như thế. Ông
ngoại tôi, dù là con điền chủ thì cũng như bao trai tráng nông dân ra đồng cày
cuốc như một lực điền, cả mấy anh em trai của ông ngoại tôi chỉ duy nhất người
ông út được học hành, nổi tiếng với làm thơ, kể vè mà dân vùng chợ Phiên Cam Lộ
giờ vẫn còn nhắc lại "Vè ông Khánh”.
Mùa gặt về, những tốp thợ gặt vùng Hải Lăng - vốn
ruộng nương mùa màng gặt xong sớm lại tìm lên Cam Lộ để gặt, có một thôn nữ của
làng Duân Kinh - Hải Xuân -Hải Lăng nằm trong nhóm bạn gặt rồi không biết bao
nhiêu mùa gặt lên về như thế, cũng không biết có phải từ câu ca "rồi mùa
toóc rạ rơm khô” mà ông ngoại tôi đã lặn lội đi tìm bà ngoại tôi hay không, nhưng
chuyện tình cô thợ gặt và anh con trai nhà điền chủ đã thành vợ chồng vào những
năm 30 của thế kỷ trước. Mấy chục năm trước, khi tôi là đứa trẻ con tò mò về
những câu ca dao và chuyện đời xưa, mấy cậu mấy dì đều kể rằng những mùa gặt
ngày xưa, tức là thuở những năm 30 ấy, cuộc sống khó khăn nhưng thanh bình, bây
giờ nhớ lại cái không gian gần một thế kỷ trước, tôi vẫn cứ nghe ngân vọng
những câu thơ của Lưu Quang Vũ: "Lênh đênh ai hát ngoài song cửa/
Bài ca thanh bình đêm cũ/ "Hoa lá quên giờ tàn /Mây trắng bay tìm đàn”
/Ngày xưa yên ấm quá/ Trẻ hát đồng dao trên phố/ Con trai xách điếu đi cày/ Con
gái quang liềm gặt lúa..” Bài thơ ấy trích ca từ từ một ca khúc xa xưa - bài
"Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy, cũng hoang hoải trong một màu nhung
nhớ "đêm năm xưa, khi cung đàn lên
tơ, hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay tìm đàn..” Và những đêm mùa màng xưa
ấy, sau một ngày gặt lúa, đêm đêm trên khoảng sân là trai gái vừa đạp lúa vừa
hò đối đáp, những câu hò có khi tình tự có khi đâm bắt cứ thế, cùng với thời
gian giăng mắc vào trí nhớ, rồi trong một lúc nào đấy, những câu ca vui buồn ấy
bật ra, khảm vào gương mặt quê hương, như tôi bây giờ, cứ mỗi lần nghe cái câu
"rồi mùa toóc rạ rơm khô” là lòng cứ đinh ninh câu ca ấy được cất lên từ
chính mảnh sân gạch của ngôi nhà cố ngoại tôi, trong một đêm xa xưa khi cô thôn
nữ Hải Lăng theo bạn gặt về đây và không ngờ rồi làm dâu đất Cam Lộ.
Bao nhiêu dâu bể đổi dời, bao nhiêu trần ai biến
dịch, trên đồng đất quê nhà thanh bình với những câu ca da diết ấy đã đi qua
tháng năm bom đạn, đã nhuốm đỏ máu người thời phục hóa đồng hoang, nhiều mảnh
ruộng bùn nay đã nên phố nên phường lầu cao gió lộng, tất cả đã đổi thay, nhưng
câu ca ấy vẫn bất tử giữa đất trời, trĩu nặng yêu thương với quê nhà thương
khó..
2.
Vì sao tôi lại nhớ về câu ca dao "toóc rạ
rơm khô” ấy trong những ngày xuân tươi thắm này? Là còn bởi câu ca đó, bây giờ
được dân gian chế nên những phiên bản mới, thậm chí có lần tôi còn nghe ai đó,
trong một lần vui vầy bên chén rượu đã đổi ra rất hài hước "rồi mùa
toóc rạ rơm khô/bạn về Cam Lộ nhớ ghé vô... .” Sau từ ghé vô… (ba
chấm) ấy là bất cứ một địa điểm nào của Cam Lộ mà bạn thấy thích .Khoan nói đến
chuyện "chế” lại câu ca, bản thân một sáng tác được "chế” thành một
phiên bản khác đã nói lên sức sống , sức thâm nhập của tác phẩm ấy, mà dân gian
thì bao giờ cũng thích tếu táo đùa vui.
Vậy thì bây giờ cũng câu ca ấy, nếu muốn mời ai
đó "rồi mùa toóc rạ rơm khô/ bạn về Cam Lộ nhớ ghé vô..? Thì tôi sẽ mời
bạn mình ghé vô đâu? Ngày xưa từ chổ cô thợ gặt miệt đồng trũng Hải Lăng lên
cho đến miền trung du Cam Lộ đâu có chuyện đò xe, đường sá cũng không thuận tiện
nên phải cứ đường bộ mà đi, nên thành ra quan san cách trở dặm dài, thành ra cứ
bâng khuâng "biết mô mà tìm” chứ bây giờ chỉ một giờ chạy xe máy là tìm
tới tận nơi tận chốn, nên thay vì chuyện bâng khuâng man mác "biết
mô mà tìm”, nay bằng hữu gặp nhau lại "tìm mô (để) mà biết”.
Không có nhiều danh lam thắng tích tầm di sản
thế giới như những bạn bè các vùng lân cận, bạn Huế khoe về lăng tẩm đền đài,
bạn Quảng Bình khoe Phong Nha Kẻ Bàng, rồi thêm cái hang động Sơn Đoòng đặc
biệt nhất thế giới nữa, nói gần hơn, bạn xứ biển khoe nắng vàng cát trắng, bạn
xứ núi khoe cà phê thơm sương mù đẹp, còn về Cam Lộ thăm mình, mình sẽ dắt bạn
đi đâu? Tất nhiên là khoe ngay hai vùng đất hai lần làm thủ đô, vùng Cùa, hồi
kinh đô Huế thất thủ, năm 1885 vua Hàm Nghi xa giá ra đây ban chiếu Cần Vương,
kêu gọi toàn dân kháng Pháp; còn trung tâm huyện lỵ bây giờ vốn là trụ sở của
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam những năm 1973-1975.
Vùng đất chi mà kỳ lạ, buổi đất nước gian nan cơ cực thì lại về đây đặt..thủ đô
kháng chiến. Rồi kháng chiến thành công, dài theo đường chiến thắng, đôi khi
những dinh lũy hào thành xưa bặt dấu, khu trụ sở với những nghi thức lễ tân
ngoại giao quốc khách xưa cũng phai mờ..Nhưng dù cái "bề mặt vật chất”
những hào lũy dinh trại trụ sở…có bị xóa nhòa thì lịch sử vẫn lặng lẽ khắc vào
thời gian miên viễn những câu chuyện riêng của đất đai xứ sở, không cách gì mờ
phai được. Và vài mươi năm trong dằng dặc ngàn năm, những câu chuyện ấy chỉ là
cái chớp mắt của thời gian, nhưng dù là khoảnh khắc chớp mắt thì nó vẫn ngưng
đọng lại đấy, vĩnh viễn và bất tử!
Nhiều khi về quê nhà, trong
những bữa rượu làng với bạn bè, tôi vẫn hay có ý nghĩ là nếu mình thiết kế một
"tour” loanh quanh xóm làng cho bạn, tôi sẽ đưa bạn mình đi đâu? Sau những
di tích, địa danh được nhắc đến nhiều sẽ là một chốn quê nào đó ? Có một lần,
đứng trên chiếc cầu nối từ thị trấn Cam Lộ qua vùng Ba Thung, chụp một bức ảnh
về những bãi cỏ triền sông và đưa lên một trang mạng xã hội lúc bấy giờ là
Yahoo!360, nhiều bạn bè đã hỏi tôi về cái thảm cỏ bờ sông Hiếu ấy, có thật xanh
như vậy hay tôi đã photoshop nó? bạn đâu biết rằng ở những dòng sông quê nghèo
miền Trung, nước sông chảy xiết nên lòng sông chỉ cát và đá chứ không có bùn,
bờ sông ẩm cát ấy, mọc giăng giăng một loại cỏ chỉ xanh mịn. Rồi một chiều nào
đó, đưa bạn về quê, đâu cần chi đi đâu xa xôi diệu vợi. Hãy ra một thảm cỏ bờ
sông xanh mịn như thế, và bên dòng sông nước chảy không phải "lơ thơ” mà
khá xiết để đủ cho những con tôm con cá phải nỗ lực lội bơi để thắng sức mạnh
dòng nước, sông quá trong xanh nghèo phiêu sinh vật , phù du nên muốn kiếm ăn
con cá con tôm càng phải vất vả bơi lội kiếm ăn lại càng khiến con cá con tôm
nơi đây thịt săn chắc thơm ngọt hơn.
Nếu còn giữ được những ngón nghề tuổi thơ thì hãy nhớ những đống đá dưới lòng
sông, ngày thơ bé, tôi vẫn thường xếp những viên đá to tầm cái bánh chưng thành
đống làm nơi cho tôm càng xanh tụ tập, rồi chiều tối, mang theo những cái
"dẹp” đặt miệng dẹp vào đống đá, trong dẹp là một khúc xương nướng thơm,
đặt dẹp đầu hôm, rạng sáng đi dỡ, thế nào cũng có dăm chú tôm càng xanh sa vào
đó, chỉ cần dăm cái dẹp là có một mớ tôm càng đẹp lộng lẫy. Kiếm một mớ tôm
càng xanh đặc sản sông quê ấy, khêu một bếp than bên bãi cỏ bờ sông và đặt
những con tôm càng lên bếp, con tôm sem sém cháy chuyển màu ngã vàng rồi đỏ
ửng, mùi tôm thơm trên bếp, mùi khói bãi bên sông, chén rượu gạo quê làng đón
bạn, hàn huyên chuyện quê nhà cho đến lúc trăng lên xê xế ngọn tre, trăng lấp
lánh tỏa sáng xuống dòng sông lao xao ánh bạc. Hạnh phúc đôi khi đâu phải là
cao lương mỹ vị chốn thị thành lóng lánh cao ốc? Nếu thích nữa thì chạy về nhà
lấy cái nơm, và bây giờ có đèn pin halogen sáng quắc, không phải như xưa lấy lồ
ô đổ dầu hỏa làm cây đuốc khói mù đi soi cá. Với chiếc đèn pin hiện đại ấy, chiếu
vào đáy cát, những con cá bống thệ vàng ươm đóng đèn, những con cá lấu trong
đám rong mượt ngơ ngác, nếu nhớ nghề thì soi một đêm cũng đủ một nồi canh chua
cá lấu mà tôi tin không một loài cá nào có thể nấu canh chua ngon hơn. Nồi cá
bống kho khô "quắt tai”, kho sao cho con cá "ngó lui” , và thế thêm
một bữa cơm trưa dưới bóng cây khế trong vườn, hoa rụng tím li ti giữa mâm cơm
thơm thảo, chỉ vậy thôi mà bạn bảo đủ "năng lượng” để về với xô bồ thị
thành, khi nào mệt mỏi lại về bên sông quê, lại khêu bếp than đợi trăng lên,
trong hương cỏ bờ sông, trong mùi rong rêu mằn mặn, nghe quê nhà văng vẳng câu
ca xưa, ừ thì "rồi mùa toóc rạ rơm khô/ bạn về Cam Lộ nhớ vô thăm mình
”…
LĐD
leducducqt@gmail.com