TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Tuesday, August 13, 2013
Mùa Vu Lan: BÔNG HỒNG THÁNG BẢY - chùm thơ Phan Kỷ Sửu
BÔNG HỒNG THÁNG BẢY
HOA TRẮNG I
Sao là hoa trắng
lạnh lùng
Bao giờ thắm lại
nụ hồng áo tôi?
Chợ xa nắng nhạt
chiều rồi
Mẹ biền biệt
phía cuối trời bên kia
HOA TRẮNG II
Áo tôi hoa
trắng em cài
Mưa chiều tháng
Bảy trắng bay vào hồn
Mưa như đẩm những
giọi chuông
Để thơ hiu hắt
khói sương kia rồi !
HOA ĐỎ I
Cài hoa đỏ áo em
yêu
Chia tôi hạnh
phúc ít nhiều cũng vui
Dù mưa tháng Bảy
sụt sùi
Sắc hoa cũng ấm
vành môi nắng hồng
HOA ĐỎ II
Em cài hoa đỏ
tung tăng
Hồn nhiên lối
vạn thọ vàng chùa xưa
Mẹ cầm tay bước
trong mơ
Giật mình mẹ đã
bạc phơ mái đầu!
HƯƠNG VÔ ƯU
Dẫu vô ưu đã
ngàn xưa nở
Hương
đến ngàn sau vẫn đậm đà
Như
hương của con người triệt ngộ
Của
một tâm linh lấp lánh hoa
Dẫu
vô ưu đã ngàn xưa nở
Hương vẫn nồng nàn vẫn thiết tha
Vẫn
lắng tiếng tim,hòa tiếng thở
Của
chúng sinh trên khắp Ta bà!
Ta
say muôn thuở hương vô tận
An
lạc thân tâm sống với đời
Kìa
hoa vẫn một màu tươi thắm
Ta
đắm trong màu hoa ấy thôi..!
CHÙM THƠ DÂNG CHA MẸ KÍNH YÊU
BÊN MỘ SONG THÂN
Anh lặng lẽ đứng bên mồ ba má
Nằng đầu xuân không
đủ sưởi lòng đâu
Giờ mới hiểu rõ một điều em ạ
Phận mồ côi mấy tuổi cũng như nhau
MÁ
Đơn sơ mà rất đổi thiêng liêng
Tiếng Má từ sâu thẵm
trái tim
Con bạc mái đầu thèm gọi mãi
Người trong hương khói vẫn im lìm!
MƯA CHIỀU THÁNG BẢY
Má đâu rồi tháng Bảy mưa
Rơi vào con giọt chuộng chùa hắt hiu
Mưa bao sợi tím đan
chiều
Sao bằng thương nhớ
đang gieo tím vần!
LỜI ĐÁP CỦA HƯ KHÔNG
Con gọi ba chỉ hư không đáp lại
Và cả mênh mông trống vắng trả lời
Con gọi má sắc tím chiều khắc khoải
Và giọt sương mặn đắng thẫn thờ rơi…!
BA
Ba là thầy của bao người
Là thầy của suốt cuộc đời riêng con
Soi vào người, tấm lòng son
Để luôn đứng thẳng trên đường trần gian.
TƯỞNG NHỚ CHA
Mất mát nào hơn giữa cõi đời
Nghẹn ngào chào vĩnh biệt cha ơi!
Thiên thu cách trở
lòng tan tác
Vạn thuở phân ly dạ rã rời
Khôn trả ơn sâu so vạn biển
Khó đền nghĩa nặng sánh ngàn trời
Nhớ hình,thương bóng con xin nguyện
Trước tấm gương người luôn gắng soi.
CẢM NGHĨ MÙA VU LAN
Con cài lên áo một bông hồng
Thắm đỏ mà nhoi nhói
cõi lòng
Đâu nữa điệu ru buồn tháng hạ
Xa rồi bếp lửa ấm
chiều đông
Vấn vương câu kệ nhòa
hư ảnh
Day dứt hồi chuông mịt nẻo không
Nghĩa mẹ biết làm sao đáp trọn
Vần thơ đẫm nước mắt bao dòng
PHAN KỶ SỬU
TÌNH MẸ TRONG THƠ VÕ VĂN HOA - Hà Thủy
Nói đến nhà thơ Võ Văn Hoa, người yêu thơ xa gần ở Quảng Trị chắc ai cũng biết. Nhiều người biết đến anh không chỉ anh có nhiều thơ đăng, có nhiều giải thưởng mà trên hết là một tấm lòng. Nếu ai đã một lần gặp anh hoặc một lần đọc thơ anh thôi đều yêu mến anh với một cảm nhận chung: Nhà thơ Võ Văn Hoa thật hồn hậu, vui vẻ, dễ gần, là người giàu tình cảm. Thơ anh dạt dào cảm xúc yêu thương: nặng tình với quê hương, gia đình, hết lòng với bè bạn, thân thiện với tất cả mọi người… Và có lẽ tình yêu được kết tinh đằm sâu và thiêng liêng nhất trong thơ anh chính là mẹ.
Trong ba tập thơ riêng của anh đã đăng và đều có giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, tập nào anh cũng dành cho mẹ những tình cảm sâu nặng, thiết tha. Mẹ trong anh luôn đẹp và hoàn hảo một cách đáng tự hào:
Mẹ ngày xưa chắc đẹp lắm
Con gái làng Văn đi lấy chồng
Có kẻ phong trần ngơ ngẩn tiếc
Từ đây vắng bóng một bông hồng.
( Con gái làng Văn )
Lời thơ thật giản dị gần gũi như lời nói đời thường nhưng chứa đựng bao yêu thương, trìu mến. Nhà thơ yêu mẹ, hảnh diện về mẹ không che dấu “ Mẹ ngày xưa chắc đẹp lắm”. Với anh, mẹ - con gái làng Văn – không chỉ đẹp về hình thức làm bao “kẻ phong trần ngơ ngẩn” mà còn đảm đang, đoan trang trong tính cách làm đẹp lòng bao người:
Con gái làng Văn bạn biết không?
Đoan trang tính cách má môi hồng…
Ruộng lúa biền ngô… xanh tiếng hát
Ấm lòng bè bạn những chiều đông!
Những câu thơ thất ngôn thật đẹp, thật nhịp nhàng rất tương xứng với vẻ đẹp đoan trang của mẹ.
Hình ảnh mẹ luôn thường trực trong anh một cách sâu đậm. Về làng Văn quê ngoại, anh nhớ mẹ. Hồi ức những ngày cơ hàn, anh nhớ mẹ. Anh nhớ lời nhắc nhở của mẹ:
Ăn gạo mòn răng mà chẳng biết
Hôm qua mạ nói: Gạo ba trăng
Mới hay gạo cá thơm tình mạ
Trời đất! Con quên cả chị Hằng.
( Gạo ba trăng )
Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa thật sâu xa. Mẹ rất sâu sắc và tinh tế khi nhẹ nhàng nhắc con “Gạo ba trăng”, hạt gạo sâu nặng ân tình, hạt gạo của người
nông dân một nắng hai sương…Để rồi người con tự trách mình sao vô tâm quá vậy: “Trời đất! Con quên cả chị Hằng”.
Với mẹ, dù cho con đã lớn, đã trưởng thành, đã đi khắp bốn phương trời nhưng con vẫn là con của mẹ. Sự hiếu kính, lòng biết ơn sinh thành của anh với mẹ thật xúc động:
57 năm trước mẹ sinh con
Đêm nay con về với mẹ
Lúa ngậm sữa, sương rơi thật khẽ
Bên làng Thi chan chứa đời người
( Sinh nhật )
Ngẫm lại,có lẽ cũng hiếm người làm được một việc rất đỗi đời thường mà vô cùng thiêng liêng như thế. Người ta có thể dễ dàng mở tiệc, nổ sâmpanh, chúc tụng mừng ngày sinh nhật nhưng không phải ai cũng hiểu được nỗi lòng của mẹ như nhà thơ Võ Văn Hoa, để rồi trong ngày sinh nhật của mình: “Đêm nay con về với mẹ”. Người con đã ngoại ngũ tuần bên mẹ: “ Chín mươi tuổi da mồi tóc bạc”, thật cảm động vô cùng. Lòng mẹ còn mong gì hơn thế! Bài thơ Sinh nhật của mình nhưng chỉ thấy tấm lòng hiếu kính của người con với cha mẹ. Anh mong mẹ sức khoẻ, , sống lâu với cháu con, và anh cũng rất hiểu lòng mẹ, để mẹ an lòng, anh báo với mẹ : “Việc hiếu cha chúng con dã nghĩ”.. Anh cũng không ngờ rằng đó là lần sinh nhật cuối cùng được ở bên mẹ. Năm sau, mẹ đã mãi mãi đi xa.
Bài thơ “ Mỗi lần qua chợ Diên Sanh” là một kỉ niệm đau buồn của anh khi nhớ về mẹ:
Mỗi lần qua chợ Diên Sanh
Dừng chân
Mua quà cho mẹ
Nước
mắt
tràn!
Người bán hàng:
-Mẹ thầy có khoẻ không?
!
!
!
Bài thơ ngắn, câu chữ không qui luật chứa đầy tâm trạng và cảm xúc, như tiếng thổn thức, như tiếng nấc nghẹn ngào, như nỗi nhớ tiếc khôn nguôi …Khó có thể diễn đạt được nỗi đau trong lòng con khi không còn có mẹ. Kết thúc bài thơ bằng ba dấu chấm than trong ba dòng, là những giọt nước mắt tuôn rơi khi người bán hàng vô tình chạm vào nỗi buồn, nỗi đau cố nén của nhà thơ.
Tình yêu thương, lòng hiếu kính sâu sắc với cha mẹ của nhà thơ Võ Văn Hoa đã chạm đến trái tim người đọc. Thật hạnh phúc cho ai khi bên ta vẫn còn có mẹ để được cài lên ngực bông hồng đỏ trong ngày lễ Vu lan. Bông hồng trắng dành cho những ai không còn mẹ nhưng hình ảnh mẹ luôn mãi mãi trong ta. Chúng con cầu mong mẹ luôn an lạc nơi cõi vĩnh hằng!
QUÊ HƯƠNG THIÊN LÝ - Nguyễn Thị Liên Hưng
Liên Hưng (áo xanh, đứng giữa) chụp chung với thầy Hồ Ngọc Thanh (áo trắng, ngồi giữa), thầy Phan Khắc Đồ (bìa phải) và các bạn trong dịp ghé thăm Đà Nẵng tháng 8/2013 |
Quê hương thiên lý xa vời
Em về anh gởi một trời nhớ thương…
Câu thơ lỗi hẹn của người chưa về được
sao mà nghe khắc khoải. Đôi khi có những sự việc xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn
khiến những điều đã dự tính, chuẩn bị hàng tháng trời bỗng chốc rơi tuột vào hư
không.
Chuyến hành hương về nguồn mùa hạ năm
nay suýt nữa tôi cũng thành người ngóng theo mà gởi một trời nhớ thương, thương nhớ. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã
vượt qua tất cả khó khăn, bận rộn; cả việc mặc kệ cái chân đau đến không đúng
lúc để hòa nhập vào dòng người Nguyễn Hoàng hát khúc về nguồn mà “công trạng
thuyết khách” phải kể đến chị Quang Tuyết; chưa nói là trước đó mấy hôm chị đã
tình nguyện ghé Biên Hòa mang hành lý của tôi về nhà của chị, thế nên đến ngày
ấn định tôi chỉ việc vác cái thân đi đứng khập khiễng lên Saigon là thấy Quảng
Trị trước mắt.
Chiều
20/6/2012, những người Nguyễn Hoàng về quê bằng đường xe lửa lần lượt kéo nhau
đến ga Saigon . Nhóm chúng tôi đến sớm vì ngoài
hành lý cá nhân, chị Quang Tuyết còn nhận nhiệm vụ mang theo lắm thứ nào là
sách vở, quà cáp, vật phẩm trưng bày trong ngày hội của NH/Saigon và của cả
người xa gởi tặng. Trong khi chờ giờ vào cửa, tấm banrol Nguyễn Hoàng - Saigon : Đoàn Kết – Thân
Thương – Chia Sẻ được giương lên cho bà con tha hồ chụp ảnh lưu niệm và dĩ
nhiên là nhóm chúng tôi cũng không thể bỏ qua.
Lưu dân Nguyễn Hoàng đến mỗi lúc một
đông, kể cả những người ở xa về như vợ chồng anh chị Thu Lan cũng “trẩy hội” bằng
đường xe lửa cùng đồng môn cho vui. Một lát, anh Lê Cao Đảm, lão làng của NH/Bà
Rịa – Vũng Tàu cũng vai oằn hành lý đến cùng bạn hữu. Vừa thấy tôi, anh Đảm đã
oang oang: Tau tính đi xe đò bên nớ cho
khỏe mà mấy đứa ni (anh chỉ vào nhóm người cùng đi) không chịu, tụi hắn bắt phải nhập bọn. Mọi người òa ra cười kèm câu
nói Rứa mới vui. Chẳng bao lâu loa
phóng thanh của nhà ga mời hành khách đi chuyến tàu SE2 nhanh chân lên
tàu. Anh Thế bảo Út vào trước để làm nhiệm vụ giữ hành lý. Vậy là tôi chỉ việc
“mang cái thân mình” ngồi trông hành lý,
còn anh Thế, anh Chương và Hoài thay
nhau mướn xe đẩy để chuyển đống hành lý kềnh càng từ ngoài sân ga vào trong rồi
mang vác lên tàu - trong khi chị Quang Tuyết tất bật chạy tới chạy lui, vừa làm
vừa nói, vừa nhắc nhở… mướt mồ hôi. Xin nói thêm là trong đống hành lý ấy tôi
góp phần lộn xộn không ít, vì ngoài cái valy to đùng còn cặp cây mai Nhật
(Oasaka) tôi mua từ tháng trước, mang về quê để giữ lời hứa với Việt Hương từ
độ hè năm 2010.
Sau một lúc ồn ào, lộn xộn rồi đâu cũng
vào đó, mọi hành lý đã được sắp xếp gọn gàng, tàu bắt đầu chuyển bánh trong ánh
đèn chấp chới báo hiệu một ngày đã qua.
Trên chuyến tàu SE2, các CHS/NH chiếm hai toa, một toa nằm và một toa ngồi. Toa nằm
“hổng dzui” nên một số người bỏ giường nằm chạy đến ké toa ngồi như anh VK/Lê
Ngọc Kha. Toa ngồi thì tha hồ mà náo nhiệt, tiếng cười nói thâu đêm suốt sáng.
Mấy ôn, mấy mệ với lứa tuổi từ U60 trở lên mà sức khỏe thì đám trẻ cũng phải
chào thua. Hay bởi khi về bên nhau bỗng dưng họ trở lại thời học sinh thơ trẻ
ngày nào, nên những căn bệnh lặt vặt của tuồi tác cũng nhường chỗ. Lúc mới lên
tàu, chị Quang Tuyết nói tôi đang bệnh, hãy đến toa giường nằm nhưng tôi bướng,
không chịu. Nghĩ thầm các anh chị ấy ngồi được, mình được xem là lớp út không
lẽ thua sao. Nhưng đúng là thức đêm mới biết đêm dài, qua một đêm ngồi (không
hẳn là ngồi mà nằm vắt vẻo trên 2 ghế vì người ngồi cạnh là anh Thế bận lên
“toa nhậu”), tôi thấm mệt. Gần sáng, khi trở lại chỗ ngồi thấy bộ mặt của tôi,
anh la lên Út ni sắp chết rồi. Nói xong anh chạy đi tìm chị Quang Tuyết – À!
Tôi chưa nói là khi lên tàu chị Quang Tuyết mang găng tay, tình nguyện làm vệ
sinh nhà xí 2 toa tàu có đồng môn Nguyễn Hoàng cho sạch sẽ, sau đó yêu cầu anh
chị em giữ vệ sinh chung – thật là một việc làm vì tập thể hiếm có. Sau đó chị
còn làm con thoi giữa 2 toa, liên lạc sinh hoạt cho mọi người và còn “cơm đùm
gạo bới” cho những người của nhóm mình nữa. Tôi chỉ việc ngồi một chỗ nhưng vì
một đêm không ngủ và chỗ nằm – ngồi
không phù hợp nên mặt mày mới ra thanh thè như thế. Chị Quang Tuyết trở lại
cùng anh Thế, thấy bộ dạng mèo ướt của tôi chị la: Nói không nghe, chừ ngó cái
mặt phát sợ, mau mau đứng dậy đến giường nằm. Tôi đứng dậy nhưng bước đi không
vững, khiến anh Thế phải đưa vai cho tôi làm điểm tựa mới lết đến được toa có
giường nằm. Được nằm thẳng cẳng đến trưa tôi tươi tỉnh lại. Lòng thầm nghĩ nếu
không có chị Quang Tuyết và anh Thế hẳn tôi sẽ không dám về quê chuyến nầy.
Đúng vậy! Trước ngày lên đường tôi đã nói thế nhưng những người thân Nguyễn
Hoàng của tôi đã nói không sao đâu, có các anh chị đây, đi không nỗi thì cõng.
Còn ở quê thì các bạn học cũ cứ réo từng ngày một, bạn nào cũng nói mi gắng ra
đến đây là có tụi tau lo, nếu cần sẽ có người đem mi trả về tận nhà. Đặc biệt
là Khắc Hồng – thằng bạn thân năm lớp 10, thất lạc 38 năm nay mới bắt lại liên
lạc. Hắn đã về Huế trước để chờ đón tôi, hắn nói nếu bạn đau chân đi không được
thì mình sẽ cõng bạn đến trường ngày hội ngộ. Cảm động xiết bao! Bởi thế tôi đã
phải tự thắng mình để thực hiện chuyến đi – dù người nhà của tôi không mấy an
tâm. Sống trong tình thương mến của Nguyễn Hoàng mới thấy mình thật là diễm
phúc. Bởi thế trong suốt chuyến đi, đối với chị Quang Tuyết và anh Thế, đôi lúc
tôi có phần nào nhõng nhẽo cũng chỉ vì muốn tận hưởng cái cảm giác làm út được
cưng chiều, thích lắm các bạn ạ!
Đến trưa, tàu dừng hơi lâu ở ga Quảng
Ngãi. Con gái chị Quang Tuyết lại cung cấp cơm gà – đặc sản xứ nầy – cho mẹ và
các bạn của mẹ. Tôi ăn ngon miệng, thấy khỏe hơn nên không chịu nằm dài trong
phòng mà ra hành lang ngắm cảnh vật bên ngoài.
Trong nắng ấm,
tàu vun vút lao qua những đồng quê, phố thị rồi đường đèo Hải Vân ngoằn ngoèo
hiện ra với những hoa dại khoe sắc quanh sườn núi. Mọi người chưa hết hứng thú
với dãi hoa trắng ngút ngàn lại ồ lên thích thú với bức tranh hoa vàng tiếp
nối. Thỉnh thoảng một vài dòng suối nhỏ, uốn lượn như dãi lụa bạch vắt vẻo giữa
tàng cây núi đá. Người ta nói gió nơi đây như đàn ngựa dong ruổi dặm trường,
mây như từ trên trời tuôn xuống nhưng tiếc là tàu qua Hải Vân lúc ban trưa nên
mây vờn quanh đỉnh núi chỉ còn lửng lờ như làn khói mỏng, còn gió thì phải uốn
mình len lỏi mới lọt qua được những tấm kiếng chắn ở hành lang toa tàu. Khó ai có thể ngồi yên với cảnh vật trước mắt, không chỉ dân Nguyễn
Hoàng mà cả đám khu khách nước ngoài cũng kéo nhau ra đứng chật cả lối đi trên
tàu, những ống kính lướt theo cảnh quan của nơi được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan nầy - nhất là
khi đoàn tàu uốn mình lướt qua những cung đường cong cong bên bờ vực. Ống kính
của những cựu học sinh Nguyễn Hoàng không chỉ thu cảnh trí tuyệt vời của Hải
Vân mà lâu lâu còn hướng vào nhau, để lại những tấm ảnh kỷ niệm bất ngờ đến thú
vị.
Tàu vào ga vào lúc 4 giờ chiều ngày
21/6/2012. Loan, Lan và Khắc Hồng đã đứng chờ sẵn. Tôi quên nói là trên suốt
đoạn đường tàu qua xứ Huế, phone của tôi phải làm việc liên tục. Số là Khắc
Hồng canh giờ, từ Huế ra Đông Hà để cùng Loan đón tôi. Ngày xưa ba đứa tôi là
bạn cùng lớp và chơi cùng nhóm, rất thân nhau nhưng đã gần 40 năm trôi qua, tuy
gần đây có thấy nhau qua hình ảnh nhưng cũng khó nhận ra ngay - vì nhân dáng
của bạn đã thay đổi theo thời gian -
nhất là thằng bạn dạn dày sương gió của tôi. Bởi thế Khắc Hồng đến
trước, đợi Loan ở một điểm gần sân ga mà cô nàng tìm hoài không thấy. Cuối cùng
tôi phải bắc cầu cho hai bạn, mô tả ai mặc áo gì, đi xe gì, v.v… Mãi một lúc
khá lâu họ mới tìm được nhau. Rõ khổ!
Vì tàu chỉ dừng ở ga Đông Hà chỉ có mấy
phút nên mọi người vội rời chỗ, tôi cũng vội vàng nên quên mất 2 cây Oasaka.
Sực nhớ, định leo lên tàu tìm thì thấy anh Chương đã lè kè xách xuống, thì ra
suốt đoạn đường từ Saigon ra đây anh ấy đã
ngồi chung với 2 cây nầy còn tôi thì không nhớ chúng ở đâu. Đang loay hoay,
bỗng có ai đó bấu lấy vai mình bên nầy, còn phía bên kia thì một giọng nói “Có
thuê xách valy không cô?”. Tôi giật mình quay lại, người cấu vai tôi là Loan;
còn người gọi tôi bằng cô cứ cúi gằm mặt trong chiếc mũ sùm sụp. Tôi nắm tay
Loan vui mừng, miệng hỏi Khắc Hồng đâu? Loan hất cái mũ sùm sụp của người vừa
hỏi tôi thuê xách valy ra… và tôi bắt gặp đôi mắt người bạn thân của một thời
hoa bướm. Lòng chợt xốn xang trong nỗi buồn vui bất chợt. May mà bạn đã gởi ảnh
cho tôi “gặp” trước chứ nếu không, hẳn tôi khó mà tin đó là bạn. Hồng thay đổi
quá nhiều… quá nhiều… Đôi mắt đẹp đến con gái cũng phải ganh tỵ của ngày xưa
nay không còn nữa; cả cái dáng cao cao đầy chất thơ cũng đã đi vào dĩ vãng…
Khắc Hồng trước mặt tôi bây giờ là một người đàn ông trung niên với dáng dấp
hằn vết khắc khổ của thời gian. Tôi không nói gì được mà chỉ thò tay nắm lấy
bàn tay bạn, tự dưng muốn khóc. Loan cũng im lặng chơm chớp mắt nhưng Khắc Hồng
lại cười toe, bạn nói: Tau giả làm công nhân bốc xếp mà hắn cũng nhận ra, hay
thiệt! Đúng vậy! Hồng đến đón tôi trong bộ áo quần lao động tuềnh toàng giữa
những người khác áo quần sang, đẹp ra đón đoàn. Tôi hiểu Hồng nên càng siết
chặt tay bạn hơn. Cũng vì thế nên khi chụp ảnh lưu niệm cho đoàn, ai đó đã yêu
cầu Hồng đứng tránh ra (!).
Khắc Hồng là thằng bạn thân của Ngôi nhà 10A3 nơi gió cát xứ
người của năm học 1973 – 1974. Sau ngày 30/4/1975, Hồng có về khu thị tứ tại
Hải Lăng tìm tôi một lần với nhiều đau thương, mất mát - vì gia đình hắn đã rơi vào lòng biển sâu trên
đường di tản. Sau đó mấy năm, hai đứa tôi bất ngờ gặp nhau trong nỗi bồi hồi
vào một đêm cuối đông trên ga Huế, để rồi hắn biến mất từ đó. Nhóm bạn tôi cứ
mỗi lần gặp nhau đều hỏi về hắn nhưng chả ai biết gì. Có bạn nói chắc hắn chết
rồi chứ nếu sống sao không tìm về. Tôi không tin hắn chết, tôi nghĩ hắn còn lưu
lạc đâu đó và tin rằng sẽ có ngày hắn tìm về, vì quả đất vốn tròn mà. Và đúng
như thế. Một ngày hắn đã gọi điện thoại cho tôi khi có người cho hắn biết có
bài viết của tôi kêu hắn trên NH- Chân dung & Kỷ niệm. Qua đường dây viễn
thông, chúng tôi nghẹn ngào nhận ra nhau. Nghe tiếng bập bệu đầy nước mắt của
hắn tôi cũng trào nước mắt, tôi mắng hắn: Mấy chục năm ni mi chết rấp đi đâu mà
đến chừ mới gọi tau hử? Hắn trả lời: Muốn biết thì phải thức trắng với tau một
tuần mới nghe hết chuyện đời của tau. Sau đó biết có ngày hội ngộ Nguyễn Hoàng
kỷ niệm 60 năm thành lập, Hồng hẹn sẽ tìm về để gặp lại nhau và bây giờ thì
chúng tôi đã gặp được nhau rồi.
Tôi tính về nhà Việt Hương như dự định –
hắn ở nhà đã làm cơm sẵn chờ bạn - nhưng rồi tôi không thể; vì tôi đã đăng ký ở
hotel chung với đoàn nên phải đi theo. Thế là các bạn đành chia tay tôi và hẹn
sẽ gặp nhau ở nhà Việt Hương sau.
Một người kéo
xe đến đề nghị chuyển hành lý từ trong nhà ga ra ngoài, các anh vội vã chất
đống va ly lên xe. Trưởng ban liên lạc NHSaigon/Nguyễn Văn Trị không cần người
kéo mướn, anh tự mình cầm càng kéo chiếc xe đầy hành lý của đồng môn trong
tiếng vỗ tay cười vui. Có ai đó nói làm việc vác tù và cho tập thể Nguyễn Hoàng
là phải như thế đấy! Thật là một hình ảnh hy hữu đầy ấn tượng.
Những chiếc taxi đã chờ sẵn đưa chúng
tôi rời sân ga nhưng đoàn chưa về hotel mà ghé lại quán cà phê nhà cổ của vợ
chồng anh Hoàng – một CHS/NH tại Đông Hà. Thế là có một cuộc giao lưu bỏ túi,
chớp nhoáng bên những ly cà phê thơm lừng của đôi vợ chồng hiếu khách; những
câu hát vui nghĩa tình có nhau của
nhạc sĩ NH/Nguyễn An cũng được mọi người hát thuộc làu một cách nhanh chóng.
Về hotel, sau khi nhận phòng tôi vội
vàng qua Hiệp Lợi – cũng may là hotel gần nhà hàng của Việt Hương. Các bạn đã
chờ sẵn, chúng tôi ôm nhau mừng rỡ mà nước mắt lưng tròng. Hầu như lần nào gặp
lại nhau cảm xúc giữa những người bạn một thời hoa niên cũng dào dạt. Chủ nhà
mời các bạn vào bàn, những món ăn quê hương Quảng Trị sao mà quá ngon làm tôi
ăn thả dàn – không cần kiêng khem như thường ngày. Sau bữa ăn mấy đứa bạn cũ
ngồi bên nhau trò chuyện. Lan vội kéo tôi vào phòng của Việt Hương để “hành
nghề” làm đứa nào cũng cười. Bởi vì tôi đang đau, cần bổ sung thuốc liên tục
cho chuyến hành trình và Lan đã nhận lo phần sức khỏe cho tôi. Bàn tay thầy
thuốc của bạn mới êm ái làm sao! Êm ái đến độ Lan chích thuốc xong hồi nào mà
tôi chẳng hay. Rồi Việt Hương đưa thuốc tăng lực và đề kháng… kèm những lời dặn
dò; Loan bảo chuyền thêm nước biển cho mau khỏe,… Ôi! Tình thương yêu, sự chăm
sóc của bạn bè làm tôi muốn khóc quá! Tôi rưng rưng nói: Mình sung sướng quá!
Lan cười: Rứa mà cứ than đau không ra được. Tau nói rồi, mi cứ ra đây, nếu cần
nhập viện điều trị vẫn có người lo mà. Khắc Hồng hỏi lịch trình chuyến về của
tôi. Tôi nói: 24 là ngày họp trường, mình ra sớm là để dành hai ngày đầu về
làng, sợ sau nầy chân cẳng yếu khó về nên mình quyết định phải về làng ngay,
sau đó về trường. Những ngày còn lại nếu khỏe mình sẽ nhập đoàn NH/Saigon đi
đây đi đó còn mệt thì nằm nhà trò chuyện với bạn bè rồi trở vào Nam . Loan băn
khoăn: Chân cẳng đau rứa về làng có được không đó? Tôi chưa kịp lên tiếng thì
Khắc Hồng đã cười trả lời thay: Mình nhận nhiệm vụ nầy rồi. Nếu Liên Hưng đi
không được mình sẽ cõng. Nói thật chứ không thèm đùa đâu nhé! Tôi thật sự xúc
động khi nghe bạn nói như thế.
Những ngày còn ở Biên Hòa, khi Khắc Hồng
điện thoại nghe tôi nói chân đau chắc không về được, bạn đã nói mình chờ gặp
bạn mấy chục năm nay không lẽ giờ bạn không về? Cứ về đi, mình sẽ về trước chờ
bạn. Mình sẽ đưa bạn đến những nơi bạn muốn, nếu bạn không đi được, mình sẽ
cõng bạn. Tôi đùa: Nè! LH bây chừ là gấu mẹ vĩ đại rồi, không còn như cánh vạc
bay của ngày xưa đâu, ông liệu hồn đó. Hồng cười to: Nhưng bà nên nhớ là tui
cũng dạn dày phong sương lên rừng xuống bể mấy chục năm rồi nhé! Không còn
thằng Hồng sợ con gái như hồi đó đâu. Đúng vậy! Ngày ấy Hồng quá đẹp trai nên
các cô bạn học để ý không ít, có nàng si hắn ra mặt đem tặng hắn đủ thứ làm hắn
e sợ phải tránh né. Hồng thích chơi với nhóm tôi, vì chúng tôi không chỉ vô tư
mà còn rất ngây thơ, dù học lớp 10 rồi nhưng đối với nhau tự nhiên, trong sáng
đúng nghĩa tình bạn.
Thế là hai ngày 22 và 23 liên tiếp, Hồng
cùng Loan và Thúy Phượng đưa tôi về đủ những nơi tôi muốn đến. Hết vùng quê nhà
Hải Lăng lại qua Triệu Phong. Tôi đã về thăm người sống và viếng mộ người thân.
Gió Lào rát mặt, nắng cháy da nhưng tôi đã vượt qua cơn đau thể xác để đến thắp
những nén nhang tưởng niệm lên mộ người đã khuất.
Trước ngày về
quê, anh Ngọc Luật - ông anh họ của tôi - đã cùng hẹn ngày về Lam Thủy. Từ sáng
sớm vợ chồng anh Thể đã chờ tôi đầu cầu chợ Phương Lang, qua xóm Làng, cháu
Thỉnh và anh Luật đã đứng đợi. Khi xe chạy trên con đường làng thẳng tắp, chúng
tôi ghé vào viếng mộ Ngài khai canh khai khẩn của làng Lam Thủy yên nghỉ giữa
cánh đồng bao la trông thật uy nghi, tráng lệ. Trong nắng sớm lồng lộng, anh em
dòng Nguyễn Ngọc chúng tôi đã chụp ảnh bên nhau. Trước đình làng vẫn còn hồ sen
nở hồng đưa hương ngào ngạt, Hồng buột miệng: Làng bạn đẹp quá!
Dừng lại đầu cầu làng uống ly cà phê rồi
cùng nhau lên rú. Những ngôi mộ của người thân không có gì thay đổi, Hồng phụ
tôi quét lá quanh lăng và đốt nhang, các anh chị bày lễ vật. Ngọn lửa bùng lên,
hóa nhanh những tờ giấy tiền vàng mã, tôi ngước mắt nhìn theo đám tàn tro bốc
lên cao xoay xoay trong gió mà nghe mặn trên môi. Hồng cúi đầu im lặng, có lẽ
bạn đang buồn - tôi nghĩ thế - bạn không thể thắp nén nhang lên mộ cho cha mẹ
và các em của bạn, vì họ đã chìm theo chiếc thuyền di tản năm nào.
Buổi trưa nắng
gắt, mấy anh em ghé trằm Trà Lộc nghỉ ngơi, gió mát làm ai cũng muốn nằm võng
đến chiều nhưng thời gian không cho phép. Thế là sau khi về nhà Thỉnh ở xóm
Làng ăn mồng 5 cúng sớm (vì hôm đó là ngày mồng 4 tháng 5 âm lịch) và gặp một
số bà con, chúng tôi vội vã trực chỉ quê ngoại Quy Thiện. Ông cậu sắp bước vào
tuổi bát tuần của tôi vẫn đủ sức đưa cháu đi thăm hết mồ mã ông bà. Nhìn nét
mặt rạng rỡ của cậu bên những ngôi mộ vừa được xây mới, trùng tu tôi cũng thấy
ấm lòng. Cậu nói lo xong mồ mã tổ tiên, ông bà cậu có chết cũng thỏa lòng cháu
ạ. Thế đó! Tâm nguyện của người quê mình là vậy. Cho nên ai đó đừng trách sao
người đi xa cứ lo tích góp để về quê xây lăng, đắp mộ cho ông bà. Tôi mời cậu
đứng bên cạnh những ngôi mộ để chụp ảnh; những tấm ảnh nầy tôi sẽ đem về phóng
lớn cho mạ tôi xem. Tuổi cao, sức yếu nên đã lâu rồi mạ tôi không về thăm quê
được, nhưng lúc nào tâm tư cũng đau đáu một nỗi niềm.
Về đến Đông Hà thì đường phố đã lên đèn.
Loan nói bữa tối nay là của tau, đi ăn gà chỉ nghe và chúng tôi đành chìu ý
bạn. Thúy Phượng nói anh Tiệp (chồng Thúy Phượng) mời cả bọn ra bờ sông Hiếu
chơi nhưng chúng tôi đành từ chối, vì cần phải ngủ để lấy sức cho chuyến hành
hương tiếp vào ngày mai.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường
sớm, vì hôm đó là ngày Tết Đoan Ngọ nên Loan và Thúy Phượng còn phải cúng ở
nhà. Rời Quốc lộ I, xe chúng tôi rẽ vào An Mô. Những con đường làng rợp bóng
chạy dài qua những cánh đồng lúa bao la. Miệt nầy ruộng đồng trông bát ngát hơn
phía Hải Lăng. Qua Bích Khê, Hồng dừng lại giới thiệu với tôi đây làng mình.
Nhìn cảnh trí hữu tình hai bên đường, tôi tấm tắc: Làng bạn đẹp quá! Câu nói
khiến Hồng bật cười vì tôi đã vô tình lặp lại lời bạn khi về Lam Thủy. Thế đó!
Chúng tôi là những người xa quê từ thuở còn thơ nhưng tình quê hương thì đã
khắc sâu vào tâm khảm. Đến một ngã ba, Hồng chỉ tay nói: Phía nầy rẽ về Bích La
và có thể đi về quê Thúy Phượng và Liên Hưng. Tôi nhắc: Lát nữa mình về hướng
đó ăn nem lụi chợ Sãi nhé! Loan lắc đầu: Thôi để bữa khác, chiều nay mấy con
vịt đang nhốt chờ ở nhà. Cả bọn cười vang giữa gió đồng lồng lộng. Vượt qua mấy
cánh đồng, làng quê rồi chúng tôi dừng lại ở chợ Bồ Bản. Hôm nay Tết Đoan Ngọ
nên chợ quê khá đông, tiếng vịt kêu cạp cạp khắp nơi. Để Hồng đứng bên ngoài
chờ, ba phụ nữ vào chợ mua nhang và ít hoa quả. Rời chợ, rẽ vào con đường rộng
bên trái chạy dài ven cánh đồng bát ngát, chẳng bao lâu cổng làng An Cư hiện
ra, lòng tôi tự dưng xốn xang. Làng quê yên bình với con đường đất mát rượi;
với bờ tre xanh nghiêng mình bên ruộng lúa non tơ bát ngát một màu xanh. Trời
không nắng lắm, gió Nam Lào thổi về làm cành dương bên đường vi vút thướt tha,
phong cảnh quá hữu tình khiến chúng tôi không thể dửng dưng. Thế là cùng nhau
chụp ảnh, tôi yêu cầu được chụp chung với đụn rơm của nhà bà dì Loan làm các
bạn phá ra cười. Vào nhà ngoại Loan thắp nhang, thăm nhà cậu mợ xong cả bọn kéo
nhau ra đồng.
Khu nghĩa địa
xa xa hiện ra giữa màu non mạ mới. Đến khu lăng mộ của nhà chồng bỗng dưng tôi
bật khóc dù cố nén. Gió nam cứ thổi phần phật, cỏ cao lút người, lăng cổ rêu
phong… Những suy nghĩ cứ như lũ ngựa chứng quay mòng mòng trong đầu óc tôi
khiến nước mắt tuôn trào không kịp lau. Loan, Phượng đã theo cậu cầm nhang đi
thăm mộ bên ngoại của Loan, bỏ tôi và Khắc Hồng đứng lại, chơ vơ giữa những
trùng trùng câu hỏi. Hồng lại lặng lẽ giúp tôi đốt nhang, tôi đứng giữa cánh
đồng mênh mông, gió cứ thổi tóc rối bời mà nước mắt tuôn tràn.
Em về thăm mộ quê chồng
Gió Nam
rần rật, lệ hồng trào tuôn
Mồ cao
cỏ dại úa buồn
Trời
thương xa ngái mây cuồn cuộn trôi.
Tóc
vương trong nắng hạ rời
Nén hương tưởng niệm giữa trời mênh mông...
Về lại Đông Hà thì đã quá ngọ, nhà Loan
đã cúng mồng 5 xong nhưng bác – mẹ Loan – và các em vẫn chờ chúng tôi. Đang đói
bụng, thế là chẳng khách sáo, tôi ngồi vào và tha hồ mà thưởng thức vị ngon của
ngày tết mồng 5 của đất Quảng Trị. Ăn xong, tôi trở về hotel. Anh phone. Tôi
chợt tủi thân nên trả lời yếu ớt khiến anh lo lắng. Nhưng tôi không thể để anh
lo lắng lâu, tôi nói rằng hiện tôi rất khỏe, chẳng đau đớn gì cả. Anh có vẻ
chưa tin, anh hỏi: Thế sao giọng nói em nghe yếu xìu ậy? Tôi nói thật là tại
tủi thân đó thôi. Anh im lặng. Trước ngày tôi về quê, anh không muốn tôi đi
chuyến nầy vì sức khỏe kém. Anh bảo hãy ở nhà điều trị, tháng sau anh sẽ cùng tôi
về thăm quê cũng không muộn. Song, tôi cứ đi mặc anh ngăn cản. Cái tính ương
bướng của tôi có lẽ khiến anh không vui nhưng rồi anh vẫn lo lắng, vẫn nhắc nhủ
tôi mọi điều. Cảm thấy mình có lỗi nên tôi vội huyên thuyên kể mọi chuyện cho
anh nghe. Tôi kể về những người bạn thân thương; về những nơi tôi đã tìm thăm
hai ngày qua. Anh tỏ ra hứng khởi, song vẫn chưa hết lo âu. Anh dặn tôi phải
giữ sức khỏe – không phải cho tôi mà là cho anh. Đồng thời anh bảo tôi nhắn lời
anh hỏi thăm các bạn của tôi và hẹn gặp một ngày gần đây. Anh luôn như vậy. Khi
nào cũng cẩn thận, chu tất; trong khi tôi già đầu rồi mà vẫn chưa bỏ được cái
thói con nít ngày xưa. Đúng là giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
Chiều ngày 23 đoàn NH/Saigon vào Nhan
Biều dự đám giỗ ở nhà anh chị Tường Sâm, sau đó lên Tích Tường dự đêm giao lưu
văn nghệ tiền hội ngộ của Nguyễn Hoàng. Đêm nhạc tiền hội ngộ là một ý tưởng
của thầy Lê Hữu Thăng do thầy Lý Văn Nghiên thực hiện. Chị Quang Tuyết nhận lời
làm MC cùng thầy Nghiên nên vội rời hotel sớm để vào Tích Tường, sau khi dặn
tôi nhớ vào sớm để cổ vũ tinh thần cho chị. Tôi đã mua vé dự đêm tiền hội ngộ
cho nhóm bạn mình nhưng cuối cùng chỉ ghé vào được một lát. Số là chiều hôm đó
nhóm tú tài 1972 tổ chức họp mặt tại Đông Hà. Các anh bạn cùng lớp của chị Nho
đã mời tôi tham dự cả tháng trước. Còn bây giờ không chỉ mời mà còn dọa. Anh
Sanh nói: Vì Nho không về nên Liên Hưng không chỉ là khách mời của tụi anh mà
còn phải thay mặt chị của em đến gặp bạn bè đó. Anh Ngữ thêm vào: Em mà tìm
cách trốn là liệu hồn! Và thế là tôi phải giữ cái hồn của mình nên không thể từ
chối. Buổi họp bạn không nhiều, khoảng trên 30 người. Khách mời chỉ có tôi và
Lan, trong đó tôi là em chị Nho còn Lan là phu nhân của anh Sanh. Vì thay mặt
chị mình nên khi đến tôi đã mang theo một chai rượu… nho. Sau khi chào các anh
chị xong, tôi thưa rằng vì Nho – chị tôi và là bạn học của các anh chị - không
về được nên xin gởi… Nho bằng nước đến các bạn của chị… như một lời tạ lỗi vậy.
Thế là tiếng vỗ tay rần rần, không khí thật náo nhiệt. Sau màn giới thiệu là
văn nghệ và ẩm thực nhưng ai hát cứ hát, ai trò chuyện cứ trò chuyện. Đến lượt
tôi bị mời tham gia văn nghệ, chưa kịp từ chối thì anh Ngữ đã lấy quyền trưởng
lớp hô: Tất cả im. Tiếng đáp “lặng” rập ràng như thuở đi học làm tôi phải nín
cười. Và mọi người “lặng” thật, trước tình cảnh đó tôi đành phải gồng mình đọc
một bài thơ chứ biết làm răng chừ?
Không khí nhóm tú tài 72 càng náo nhiệt
hơn khi anh Trị và chị Thu Vàng từ Quảng Trị cũng phóng ra, những cách chào
mừng đặc sệt tuổi học trò ồn ào không thể tả; những tiếng mi mi tau tau cứ loạn
xà ngầu, vui thiệt là vui và ở đâu thì giọng ca Thu Vàng vẫn vượt thời gian.
Ngồi giữa các ông bạn của bà chị, tôi cứ bị tra tấn với câu hỏi: Răng về một chắc? Thật khó trả lời, may
có anh Luật đến giải vây tôi mới đỡ phải tìm cách đối phó. Tiệc tàn, cả nhóm rủ
nhau vào Tích Tường vì thế tôi và Lan cùng theo vào nhưng không ngờ khi ngang
qua nhà hàng Đông Trường Sơn gần Ái Tử, những chiếc taxi lại rẽ vào, hỏi ra mới
biết có một anh trong nhóm là giám đốc ở đây nên mời các bạn ghé uống ly nước.
Những chiếc bàn được dời ra giữa sân rộng, ánh trăng non thượng tuần không đủ
chiếu sáng nên phải kéo thêm đèn. Ngọn gió Lào thả rông trên khoảng sân trống
khiến ánh đèn cứ chao qua chao lại. Nhóm người bây giờ ít hơn, họ cùng nhau đọc
thơ, trò chuyện và tâm sự. Tôi nóng ruột nên xin phép đi trước nhưng các anh ấy
không chịu. Họ bảo ngồi một lát ở đây cho thần trí thong dong rồi vào Tích
Tường, Anh Sơn, anh Thịnh còn nói ở đây vui hơn chứ vào đó ồn lắm. Tôi đành nán
lại nhưng thú thật, lòng cứ băn khoăn vì lời hứa với chị Quang Tuyết.
Mãi đến 21 giờ
anh Phùng mới nói để anh đưa các em vào Tích Tường, thế là mừng húm. Và đúng là
anh chỉ đưa chúng tôi đến nơi rồi quay về, không vào. Vừa thò mặt vào, tôi đã
thấy người ngồi kín hết chỗ. Đang loay hoay thì bỗng ai đó đánh vào vai mình
đau điếng. Quay lại, à thì ra Lê Thanh. Chẳng nói chẳng rằng, Thanh kéo tôi đến
một góc xa sân khấu, nơi ấy nhóm bạn lớp 8 của tôi đang ngồi. Thế là túm lại
chào hỏi, chuyện trò nên tôi chẳng biết gì trên sân khấu cả, chỉ nhớ là lúc mới
vào tôi thấy thầy Nghiên đang phiêu theo tiếng đàn thôi. An rót bia và nước
ngọt, tôi lắc đầu và xòe mấy tấm vé cho tiếp viên để xin một chai nước lọc vì
nói chuyện riết khô cả cổ rồi, nhưng tiếp viên nói đây là vé ăn chứ không phải
vé uống. Trời! 210 ngàn đồng chỉ xin chai
nước lọc mà không có - Thúy Phượng kêu lên. Tôi nói vậy cô bán cho tôi 1
chai nước lọc. Không ngờ cô ấy vừa bỏ đi vừa nói: Hết rồi! Thật là đắng họng. Khát quá! Uống nước ngọt vào càng khát
nên tôi đành nhăn mặt nhấp một ngụm bia cho đỡ khô cổ. Thoáng thấy anh Giang,
tôi vội đứng lên rời các bạn để đến chào anh. Anh Giang nói hồi nãy anh thấy LH
bước vào, chưa kịp kêu thì đã thấy bạn kéo đi. Tôi hỏi anh gặp bạn vui không? Anh
cười hiền: Anh đã nói lần nầy anh về là để gặp bạn bè nên cũng thỏa mãn. Anh
Tùng bước đến hỏi: O biết tui là ai không? Tôi bật cười: Anh VTT chứ ai? Làm
anh “trọi” tôi một cái đau điếng. Thế đó! Cứ gặp ai vui là cứ bị “tiếp chưởng”
liên tục. Rõ khổ!
Hình như chương trình sắp vãn, mọi người lục tục rời chỗ. Tôi ngơ ngác
hỏi sao họ về sớm thế? Thanh véo tai tôi: Sớm gì? Tại LH đến quá trễ chứ khuya
rồi đó. Ừ nhỉ! Tôi quên mất là chương trình văn nghệ giao lưu bắt đầu từ lúc 19
giờ mà mãi đến hơn 21 giờ tôi mới rời khỏi nhà hàng Đông Trường Sơn.
Trở về hotel, tắm rửa xong tôi leo lên
giường nằm mà nghe cặp chân mình “đả đảo” om sòm, vì một ngày bắt hắn đi liên
tục trong khi hắn đang khó ở. Tôi
ngồi dậy xoa xoa chân năn nỉ: Bây thông cảm cho tau, 60 năm mới có một ngày,
ráng chịu cực đi mai mốt về Biên Hòa tau cho tụi bây dưỡng lão. Đang thì thầm
với cặp chân thì có tiếng gõ cửa, cánh cửa chưa kịp mở hết thì chị Quang Tuyết
đã ào vào phòng rồi nhào lên giường nằm thở dốc, không kịp cởi cả giày dép. Anh
Thế theo vào nói Út cho chị ấy miếng nước. Tôi vội vàng rót nước mà phải đỡ đầu
dậy chị mới uống được, xong lại nằm xoãi ra như người sắp chết. Tôi đưa mắt hỏi
anh Thế, anh lắc đầu ra dấu im lặng. Không nín được nên tôi lên tiếng: Chị bị
sao thế? Khi đó anh Thế mới đáp thay: Tuyết mệt quá đó thôi! Ôi! Làm MC gì mà
để xỉu như thế nầy nhỉ? Tôi la lên, chị mở mắt nhìn tôi, nói rời rạc: Chị đói,
khát, mệt, đau chân lắm em nợ. Trời! Sao đến nông nỗi như vậy. Tôi vội lục giỏ
xách tìm ống thuốc tăng lực cho chị uống, sực nhớ là phải ăn gì lót dạ trước
khi uống nên lấy phong bánh quy đưa chị, nhưng tay chị nhấc không lên, thế là
phải đút từng miếng nhỏ. Anh em tôi vừa pha trò vừa chăm sóc chị, nhưng khi tôi
bảo chị gắng ngồi dậy thay áo quần, rửa mặt để đi ngủ thì chị vẫn không ngồi
dậy được. Buộc lòng tôi phải giặt khăn lau mặt tẩy trang cho chị rồi bắt chị
uống một viên thuốc ngủ. Nằm bên chị tôi lo lắng muôn phần, tôi sợ nếu chị
“đọa” luôn thì ngày mai làm sao về họp trường? Còn chương trình mấy ngày hậu hội
ngộ nữa. Thật là Quang Tuyết quá nhiệt tình mà không liệu sức mình. Mãi đến lúc
nghe chị ấy thở đều trong giấc ngủ tôi mới yên tâm và rất may là qua một giấc
ngủ sâu, sáng hôm sau chị ấy đã lấy lại sức khỏe. Chị kể buổi chiều vội vào
Tích Tường sớm nên chị chả ăn uống gì cả, làm MC phải diện giày cao, phải đứng
suốt mấy tiếng đồng hồ trên sân khấu; phải nói nhiều mà lại không có một ly
nước lọc thấm giọng. Mệt, đói và khát khiến chị tưởng chừng không trụ nỗi đến
phút cuối. Bởi vậy khi về đến phòng, mọi sức chịu đựng đã trở về số không, may
có anh em của Út chăm sóc đúng cách nên chị mới nhanh chóng hồi phục. Nhớ lại
những lời không đẹp tôi loáng thoáng nghe tối qua trước cổng Tích Tường, tôi
chau mày nhìn chị. May mà chị không biết, không nghe gì… Tôi không kể lại mà
chỉ thả một câu: Chị dại quá! Chị im lặng nhìn vào khoảng không trước mặt, một
lát chị thủ thỉ: Chị biết em à! Nhưng cái tình Nguyễn Hoàng sâu đậm đã chảy
trong máu chị… nên bao nhiêu lần rút lui … rồi chị vẫn lao vào… Tôi lắc đầu tự
nhủ: Thật là thương!
Sáng ngày 24/6/2012, nhóm chúng tôi tập
trung ở nhà hàng Hiệp Lợi của Việt Hương để cùng nhau về trường. Hôm nay nhóm
cựu nữ sinh chúng tôi trông duyên dáng hơn trong những tà áo dài mềm mại. Nhìn
Khắc Hồng phong độ trong bộ áo quần đúng mode, tôi nheo mắt đùa: Chà! Trông ông
còn đẹp trai chán! Hồng vênh mặt: Tui mô có tệ! Tại lâu ngày gặp nhau nên tui
vào vai cu li để coi mấy bà còn thương tui không hay là rẻ rúng đó thôi. Tôi la
lên: Ui chao cái thằng ni! Mi dám nghĩ xấu bạn bè rứa hả? Hồng nguýt một cái
dài ngoằng: Bà thiệt là... Tui lên chức ôn nội, ôn ngoại lâu rồi mà còn kêu cái thằng ni. Bất lịch sự hết biết. Loan
cười trêu: Ê cái thằng ôn ngoại! Mi lên chức ôn lâu rồi mà không bỏ được cái
nguýt của mấy chục năm trước hả? Hồng đớ người ra một chút rồi xịu mặt xuống.
Tôi phụ họa: A! Cái tật hay lẫy cũng còn nữa tề. Tụi tôi cười phá lên làm Khắc
Hồng kêu trời luôn. Nhớ lại hồi ấy hắn là đứa hay lườm, hay nguýt nên tôi gọi
hắn là Đỗ Khắc Nguýt thay cho tên, và vì cái tật đó nên tụi tôi ưa chọc để hắn
nguýt… cho vui… Thế đó! Lúc nghiêm chỉnh thì xưng tên, vui quá là mi, tau mà
“chảnh chảnh” chút là bà với tui. Bạn
học cũ khi bên nhau thì cứ chọc phá như thời còn đi học vậy.
Buổi sáng trời khá mát mẻ nhưng gió Nam thổi ầm ào
như bão. Khi nhóm tôi đến nơi thì sân trường đã đầy người, năm nay thầy trò về
hội ngộ đều mang huy hiệu trường trên ngực áo đầy ý nghĩa. Số bạn cũ lớp 8
(1971 – 1972) năm xưa của tôi khá đông nhưng đa số là người ở quanh đây. Còn
bạn xa hình như chỉ có Khắc Hồng, tôi, Lê Thanh và vài người khác. Riêng bộ ba
An, Dũng, Quang Thạnh ở Huế thì năm nay đủ mặt. Khoảng cách giữa hai lần hội
ngộ mới tròn hai năm nên số người chưa “hao” bao nhiêu.
Vẫn khung cảnh cũ rộn ràng, vẫn thầy bạn
gặp nhau tay bắt mặt mừng tíu tít. Chị Quỳnh chuyến nầy làm duyên nón lá che
nghiêng với tà áo dài trắng tinh, chị nhanh nhảu tìm người trao bảng tên Nguyễn
Hoàng mới in theo đúng mẫu cũ của ngày nào. Tôi gặp lại thầy Sung, thầy Trí,
thầy Vĩnh, thầy Hậu,… Thầy trò lại xúm xít chụp hình. Ai cũng hỏi sao cô Giáng
Hương không về. Một thoáng buồn. Từ đầu năm nay, ba cô trò tôi đã hẹn sẽ cùng
nhau làm một chuyến hành hương Quảng Trị - Huế nhưng rồi chỉ mình tôi về đây,
em gái Vĩnh Phước thì bận việc quan trọng gia đình, còn cô giáo thân yêu thì
vướng phải cơn bệnh đến không đúng lúc. Thế là đành lỗi hẹn và chỉ biết dõi mắt
trông theo. Nghe tôi trả lời ai cũng tiếc, nhất là nhóm bạn – chúng tôi cứ nhắc
đến cô và nhớ đến hình ảnh vui tươi của cô trò trong ngày hội ngộ năm nào. Từ cao nguyên Lâm Viên, anh Lâm và chị Lan
liên tục nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng ngày hội ngộ. Năm nay Lâm Lan cũng không
về được. Chắc giờ nầy ở miền cao, anh chị ấy cũng nóng ruột không ít.
Quầy phát hành sách Nguyễn
Hoàng 60 năm chen chân không lọt, chúng tôi cũng vội mua vài cuốn rồi vào sân
trường chiếm chỗ. Sân khấu vẫn ngoài trời như độ nào nhưng năm nay thêm phông
trang trí khá ấn tượng, đó là cổng trường Nguyễn Hoàng cũ mang tên “Hoài niệm
trường xưa”, một phác thảo theo trí nhớ của NH/Bùi Phước Vĩnh (64/71), hoa tươi
mừng ngày hội cũng khá nhiều. Trên loa phóng thanh vang tiếng ban tổ chức mời
thầy cô và đồng môn yên vị để bắt đầu chương trình nhưng khắp nơi mọi người vẫn
nhốn nháo, nhìn cảnh chị Sâm mặc váy tay xách chiếc ghế le te đi tìm chỗ ngồi
tôi không khỏi bật cười. Người nào cũng muốn tránh nắng nên túm tụm nhau bên
những gốc cây. Nắng tháng Sáu lên cao làm ai nấy mồ hôi thi nhau tuôn dù bạn bè
nơi đây bảo trời thế là mát. Nghĩ cũng đúng, vì không đến nỗi “chảo rang” 41 độ
như lần hội ngộ năm 2010.
Năm nay Nguyễn Hoàng
-Quảng Trị tổ chức coi bộ nề nếp hơn hai lần trước. Ban tổ chức có đồng phục
đẹp, lịch sự - nghe đâu của một đồng môn ở hải ngoại tài trợ. Tuy nhiên vấn đề
nước uống thì quá tệ. Cả ngàn con người mà chỉ có hai thùng nước lọc chỏng chơ
và mấy chiếc ly nhựa để đại bên gốc cây, trời lại nắng nóng. Tội nghiệp Loan
phải chạy đi rót nước tiếp tế cho tôi liên tục nhưng đâu phải khi nào rót cũng
có. Nước cạn thùng, phải chờ lâu thật là lâu thùng khác mới được chở tới.
Nhìn anh VK/Bùi Thu ngồi
rót nước mà mắc cười (chộp liền một pô “hàng hiếm”). Những ngày trước di chuyển
nhiều nên đôi chân tôi muốn ăn vạ, vì thế tôi ngồi ì một chỗ chứ không thể nhảy
chân sáo khắp sân trường như hai lần hội ngộ trước. Sau những phần nghi thức là
văn nghệ chào mừng, ai hát cũng hay, ai múa cũng duyên dáng như sống lại thời
học trò mấy chục năm trước.
Gặp lại nhau đây bỗng dưng chuyện xưa
tưởng quên lâu rồi, giờ phút chốc bỗng trỗi dậy như mới vừa hôm qua. Tôi chợt
nhớ đến một bài viết ví von tình xưa là “đồ cổ” mà mỉm cười trong ý nghĩ không
biết có bao nhiêu đồ cổ đang được lôi
ra… để “phủi bụi” trong sân trường nầy nhỉ? Thế mới biết con tim không bao giờ
già theo thời gian. Khắc Hồng gia nhập nhóm nam sinh còn nhóm nữ sinh xúm lại
ngồi bên nhau, tôi đưa mắt nhìn các bạn: Loan, Lan, Việt Hương, Thúy Phượng,
Mai Quế,…mà nghe thương mến làm sao! Dù xa cách nhưng tình bạn học cũ của chúng
tôi không hề thay đổi.
Chị Trương Thị Phương đến, chị khen mấy cô bé
nầy mặc áo dài dễ thương quá, để chị chụp vài tấm ảnh nhé! Rồi anh Hồ Văn Giảng
cũng đến chụp ảnh nhóm tôi. Thích ghê! Về đây bỗng dưng mình thành các bé, ai
mà không thích? Một lát các bạn rủ nhau vào thăm phòng hoài niệm, nơi ấy chúng
tôi đã dừng lại khá lâu bên những
mô hình trường xưa, thành phố cũ và di ảnh quý thầy cô. Chúng tôi đưa
mắt tìm kiếm những bóng hình thầy cô năm xưa, lâu quá rồi nên phải đọc dòng chữ
ghi tên mới nhận ra, đây là di ảnh thầy Lê Văn Quýt, thầy Phan Văn Cẩn, thầy
Phan Phụng Thạch, … Mắt đứa nào cũng ngân ngấn nước khi nhìn lại khuôn mặt khắc
khổ của thầy Nguyễn Đức Liệu trong di ảnh. Chúng tôi cúi đầu tưởng niệm mà
tưởng chừng như lời giảng của thầy cô năm xưa văng vẳng đâu đây. Thoắt chốc mấy mươi năm/Người về cõi vĩnh
hằng/Người nổi trôi nhân thế/Cái sự đời dâu bể/Tưởng chừng một giấc mơ…
Có lẽ tôi sẽ ở lại phòng
hoài niệm cho đến khi tàn cuộc nếu anh Lê Thiện Ngữ không a lô liên tục. Khi
biết tôi trong phòng hoài niệm, anh đã vào kéo tôi đi, anh bảo quý thầy cô muốn
gặp tôi. Và tôi đã gặp thầy Võ Văn Bồi – người thầy mà tôi chỉ trao đổi qua
mail mấy năm nay chứ chưa hề gặp lại. Tóc thầy bạc trắng nhưng trông còn phong
độ. Thầy rất vui, bảo tôi gắng về Đà Nẵng ghé nhà thầy cô. Tôi chụp khá nhiều
ảnh với thầy Điền và cô Ái Anh. Thầy Thanh và thầy Thăng thì vẫn tất bật như
mọi lần đến nỗi sau ngày hội, ai đó đã chụp và đăng lên trang Web Nguyễn Hoàng
một tấm ảnh thầy Thanh kéo tay thầy Thăng rất chi là thú vị.
Trên sân trường hôm ấy dù không di
chuyển nhiều nhưng tôi cũng đã gặp được một số thầy cô và anh chị đồng môn, cả
những vị tôi chỉ nghe tên chứ chưa hề biết mặt như thầy Nguyễn Hứa Thảo. Đặc
biệt có một vị đàn anh (hình như là bác sĩ đã về hưu), tìm gặp tôi để trao đổi
về những bài viết về trường xưa. Vị ấy hỏi sao tôi dám dùng những cụm từ nhạy
cảm trong các bài ký như Mùa hè đỏ lửa, Đại lộ kinh hoàng, v.v… Tôi thưa rằng
những từ ấy ai cũng biết thì có gì mà phải né tránh? Tôi chỉ ghi chép lại, phản
ảnh trung thực một giai đoạn của Nguyễn Hoàng, Quảng Trị chứ không hề vo tròn
hay bóp méo sự thật. Vị ấy lại bảo rằng bài ký Ngày ấy ngậm ngùi của em gái cô theo tôi nghĩ đó không phải do một
người viết mà là công trình của một tập thể. Tôi quá đổi ngạc nhiên vì nhận xét
ấy nên mỉm cười đáp: Nếu đó đúng là ý
nghĩ của anh thì tôi xin cảm ơn. Vĩnh Phước – em gái tôi mà nghe được câu nói
nầy hẳn là hắn ta “phổng mũi” lắm đây. Rồi tôi vội chào vì các bạn đang
réo.
Khi nhóm tôi ra chụp ảnh lưu
niệm bên hồ sen gần cổng, bất chợt thấy mấy đứa bạn lớp Vĩnh Phước ngồi với
nhau ở một góc hành lang vắng. Thấy tôi, các em mừng lắm. Tôi hỏi sao các em
không vào trong mà ngồi đây? Trả lời: Chúng em có chừng ni thôi, vô trong không
có bạn buồn lắm. Nghe mà não lòng. Thế là tôi kéo các bạn đến bảo đây là các
anh chị có em gái ngày xưa học chung với các em đó, mình chụp ảnh kỷ niệm với
các út nầy đi. Đúng vậy! Vì các em vừa làm học sinh Nguyễn Hoàng - Quảng Trị
chưa hết năm học thì lửa mùa hạ 1972 đã thiêu rụi tất cả. Chụp ảnh xong tôi lấy
điện thoại gọi về cho Vĩnh Phước, thế là các cô út Nguyễn Hoàng thay nhau bắc
cầu hội ngộ tíu ta tíu tít hẹn gặp hậu hội ngộ, thật là thương! (Và các em đã
thực hiện lời hẹn, ngay cả bé Sương ở cao nguyên cũng cố gắng nán lại thêm tuần
nữa để chờ ngày vợ chồng Vĩnh Phước về quê).
Đến giờ ăn trưa, thấy thiếu hụt, cả thầy
cô cũng không còn chỗ ngồi; không muốn đứng xớ rớ, tôi rủ các bạn ra ngoài tìm
quán ăn. Nhưng đến đâu cũng nghe bảo “hết”. Định về Sãi ăn nem lụi lại nghe nói
hôm nay quán Thu Hà nghỉ bán. Không lẽ vác bụng đói về Đông Hà? Vừa lúc đó có
điện thoại báo hãy lên Tích Tường, ban tổ chức vừa đặt thêm bàn ở đó. Thế là
quay đầu xe. Đến nơi thấy đã có nhiều bàn đầy người, quý thầy cô cũng có mặt
không ít. Chúng tôi tìm bàn trống ngồi vào nhưng chờ mãi chẳng thấy gì. May bàn
tôi có mấy nam sinh nhanh trí chạy vào nhà bếp bưng ra đĩa bún và chai xì dầu,
còn kẹp vào tay mấy trái ớt chín đỏ lòm nữa. Cả bọn bật cười rồi xúm vào xé ớt
dằm xì dầu để chan bún, thế mà ăn ngon ơi là ngon. Mấy bàn ngồi cạnh thấy vậy
cũng bắt chước xắn tay áo vào bếp … bưng bún xì dầu ra chứ không ngồi chờ nữa.
Thế là cái tiệc bún xì dầu cay coi bộ hợp khầu vị, mọi người vừa ăn vừa cười
nói, trò chuyện rôm rả. Ăn xong thấy trời nắng quá nên chúng tôi về lại Đông
Hà, bỏ ý định làm một vòng ngao du quanh các cảnh quan ngày xưa như qua chùa Sư
Nữ, bãi thông Nhan Biều, v.v…
Về hotel, tôi nằm dài và
ngủ li bì cho đến khi chị Quang Tuyết xốc dậy để đi
dự tiệc thầy Hậu và gia đình chiêu đãi.
Sau bữa tiệc là một buổi tối vui khó quên trong ánh đèn lấp loáng trước thềm
nhà hàng Hữu Nghị với nhóm những cô nàng U50; U60 mặc quần trắng. Chắc khó mà
quên được chị Phương, chị Như Hồng, chị Quang Tuyết, chị Bích,… nhỉ?
Ngày 25/6/2012, theo chương trình đoàn
NH/Saigon đi thăm trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già ở Hải Lăng rồi đến Câu
Nhi mừng thọ vợ chồng thầy Lê Chí Phóng theo lời mời của anh Lê Chí Dũng. Xe
thiếu chỗ nên tôi và chị Quang Tuyết phải lên xe đoàn Quảng Trị, do đó không ghé
trại mồ côi mà đi thẳng đến Câu Nhi. Nơi đây phong cảnh quá ư hữu tình với cây
đa bến cộ bên dòng Ô Lâu nước xanh biêng biếc. Vì thế vừa vào nhà, thấy mặt anh
Dũng là tôi buột miệng: Làng anh đẹp quá! Nói xong mới sực nhớ là mấy bữa nay
câu “Làng… đẹp quá” tôi đã nói và nghe mấy lần. Thế thì ai bảo quê hương Quảng
Trị đất cày lên sỏi đá nhỉ?
Buổi chiều vợ chồng Tiệp Phượng mời đi
hát karaoke nhưng tôi đành phải xin lỗi vì cần nghỉ ngơi để mai đi tour Quảng
Bình. Tối đó Việt Hương làm cơm đặc sản những
món quê hương mời nhóm chị em Nguyễn Hoàng ở xa về như chị Quang Tuyết, chị
Phương, chị Thúy An, v.v… Lâu ngày được thưởng thức hương vị quê hương đúng
điệu ai cũng thích, đặc biệt món dưa môn cứ bị kêu thêm mãi khiến bà chủ cười
vui như bắp rang.
Sáng ngày 26 đoàn NH/Saigon đi tour động
Thiên Đường ở Quảng Bình. Trong khi chờ khởi hành, mấy chị mua bánh mì xíu của
người bán rong đựng trong thúng rồi ngồi chò hỏ bên hè phố ăn với nhau rất vui.
Chỉ về đây tôi mới nghe lại cụm từ bánh mì xíu, thứ bánh mì nóng dòn thơm tho
ngon tuyệt nhét mấy lát thịt nho nhỏ, rưới thêm chút nước thịt kho, rắc nhúm ớt
bột đỏ lòm… vào những sáng ngày mưa vội đến trường của một thời thơ ấu… gợi cho
ta bao nhiêu là kỷ niệm. Nghe đâu đường sá vào động Thiên Đường hẹp và quanh
co, xe lớn không qua được, vì thế đoàn phải đi 2 xe nhỏ, mỗi xe 30 người. Xe
vừa lăn bánh, chị Thúy An đã bận rộn với những quà bánh mang theo đãi bạn đồng
hành. Khi nào cũng thế, đi đâu mà có chị An thì luôn có cái ăn, hình như đó là
thói quen của chị.
Xe di chuyển dọc Quốc lộ I, qua Gio
Linh, cầu Bến Hải. Một vài anh lớn tuổi nhìn ra ngoài bằng ánh mắt đăm chiêu,
có lẽ họ đang hồi tưởng về một chiến trường xưa nhưng sự im ắng chẳng được bao
lâu vì cặp Tuyết – Thế cầm micro khuấy động phong trào. Trên xe nầy tập trung
toàn những người ham vui nên hết thi nhau kể chuyện tếu lại bày trò chơi nghịch
tặc. Vui nhất là cái màn cắc cớ điểm danh bắt hát nối “Yêu nhau cởi áo (ối à)
cho nhau”. Hết cởi áo đến cởi nón, cởi dép, cởi kính mát, cởi đồng hồ… lẫn các
thứ nữ trang như nhẫn, dây chuyền, v.v… Đến lượt tôi bị kêu tên. Giật mình. Hết
các thứ “đàng hoàng” để cởi rồi, giờ chỉ còn những “phụ kiện” nhạy cảm. Không
lẽ trơ mặt chịu phạt thì ai coi LH vào đâu nữa. Bỗng tôi sực nhớ cái lần ông xã
đi làm về than mệt leo lên giường nằm ngủ mà không kịp cởi tất, thấy thương quá
nên tôi rón rén đến cởi ra dùm mà ổng vẫn không hay biết. Như bắt được vàng,
tôi gân cổ hát “Yêu nhau, cởi tất ối à cho nhau…”. Tôi vừa dứt lời, Ngọc Chung
liền lên tiếng: Coi LH rim rím vậy mà ghê nhá! Người ta mỗi người cởi một thứ…
từ từ… còn LH thì cởi tất. Nghe thế, mọi người rũ ra cười. Tôi chợt hiểu, đỏ cả
mặt mũi. Thì ra vào Nam lâu rồi nên mọi người quen gọi cái thứ nhùng nhằng đeo
ở chân là vớ, vì thế có lẽ ai cũng quên mất chiếc tất, đôi tất của Quảng Trị.
Tôi ú ớ chưa kịp kêu oan thì chị Quang Tuyết đã cứu bồ, chị nói tất là vớ chứ
không phải tất là hết trọi như Ngọc Chung (gốc Bắc) hiểu đâu… À! Ra thế! Nhờ
vậy tôi mới được… giải oan tại chỗ và câu hát điền vào chỗ trống ấy được tiếp
tục. Đến lượt Nghĩa, không thể đưa mình chịu phạt nên cô nàng hát luôn cởi sú,
cởi xíp tùm lum làm ai nấy được trận cười thỏa thích… Cho đến lúc hết thứ để
“cởi” thì hoạt náo viên mới chịu chuyển đề tài. Khi nào cũng thế, cứ dân Nguyễn
Hoàng cùng lên xe với nhau là cười. Lần nầy tôi được dịp cười từ Quảng Trị ra
Quảng Bình; rồi cười từ Quảng Bình về Quảng Trị luôn bà con nợ.
Vì khởi hành
muộn nên khi đến lối vào động Thiên Đường thì đã đúng ngọ. Ban tổ chức bày bữa
trưa ra cho bà con dằn bụng để có sức leo lên thiên đường. Món xôi đậu phụng và
gà kho sả ớt đúng điệu Quảng Trị khiến mọi người ăn ngon lành. Ăn xong đoàn
chuẩn bị vào… Thiên đường. Tôi tuyên bố mình còn lắm tội nên chưa thể vào đó –
nói đùa thôi chứ tôi không dám trở thành gánh nặng cho đoàn, vì dù có Lan chăm
sóc thuốc men mỗi ngày nhưng cái chân tôi vẫn chưa bình thường. Anh Thế và chị
Quang Tuyết bảo em cứ đi, chỗ nào mệt thì nghỉ; đi không nổi có anh chị đây,
nhưng tôi từ chối với câu nói khi nào nơi đây có cáp treo em sẽ trở lại. Thế là
Lan tình nguyện ở lại với tôi, tôi bảo nơi đây đông người lại hiền lành, Lan đi
đi, H ngồi một mình chờ cũng được nhưng Lan nói tau cũng đau đầu gối, sợ đi
không nổi. Thế là hai đứa đến căn chòi lá sát bìa rừng kéo ghế nằm bên nhau trò
chuyện.
Con đường chạy
vòng, quanh co giữa những rặng núi cao vi vút gió, những cây rừng cao lớn,
thẳng tắp như xuyên đến tận trời xanh. Rừng núi bạt ngàn, không khí trong lành
khiến chưa vào “thiên đường” mà tôi cũng cảm thấy khỏe cả người. Dù hôm ấy không
phải ngày cuối tuần hay lễ, tết mà du khách đến tham quan cũng khá đông, hết
đoàn nầy ra lại đoàn khác vào. Hai giờ sau mọi người trở lại, ai cũng tấm tắc
khen đúng là động thiên đường, chưa từng thấy hang động nào đẹp như thế. Ai
cũng bảo hai đứa ni không đi thiệt uổng. Tôi mỉm cười và nghĩ rằng nhất định mình sẽ trở lại chốn nầy lần
nữa.
Khi xe đến
Nhật Lệ thì trời đã về chiều. Vào hotel, để bà con nhận phòng trước nên cuối
cùng chị Phương, chị Như Hồng, chị Quang Tuyết, Lan và tôi vào một phòng tập
thể. Nhìn những chiếc giường đặt san sát chị Phương kêu lên: Oh! Đây là phòng
baby. Soạn hành lý xong thì trời đã sụp tối nhưng mấy chị em mê tắm biển nên cứ
rủ nhau đi. Quang Tuyết nói giờ nầy chắc là biển vắng lắm, mình lại toàn phụ
nữ, phải nhờ anh Thế theo bảo vệ mới được. Biển đêm khi nào cũng có sức quyến
rũ huyền bí, không dám ra xa nên chúng tôi chỉ vọc nước ở mép bờ mà cũng rất
thú vị. Mấy chị em tha hồ hát hò giữa trời đêm mênh mông, toàn bài ca về biển.
Đúng là biển rộng đất trời chỉ có ta.
Đêm. Tiếng sóng và giọng ca giữa trùng khơi lộng gió làm tôi liên tưởng đến bầy
nữ nhân ngư trong truyền thuyết. Nhác thấy chiếc thuyền chài bỏ không, chị
Phương leo lên cầm lái rồi hô to: Bớ các nữ thủy thủ, hãy lên tàu vượt biển.
Thế là chúng tôi lên thuyền tạo dáng và phó nhòm Kế Thế không bỏ lỡ cơ hội, nhờ
thế mà chị em tôi đã có những tấm ảnh “độc chiêu” kỷ niệm một chuyến đi thú vị.
Sáng ngày 27/6/2012 ai cũng dậy sớm để
cùng nhau bách bộ, bờ biển Nhật Lệ trải dài trong nắng mai. Loài hoa muống biển
hoang dại tim tím bò lan khắp nơi, đẹp và buồn khiến tôi nhớ đến vùng biển đầy
nắng gió của một thời mới lớn nơi xứ tạm cư vùng Non Nước - Đà Nẵng. Sau khi
chụp những tấm ảnh cùng đám hoa dại, cả nhóm
ùa ra biển…Tha hồ mà bơi, mà đạp, mà chọi… Ai không biết bơi thì túm vào
nhau nhảy sóng. Nhưng bờ biển đây khá sâu nên chẳng ai dám ra xa. Tiếng cười
đùa xôn xao cả một vùng biển trong nắng sớm. Bỗng dưng những mệ U60 trở thành
con nít hết trơn.
Rời Nhật Lệ,
xe trở về Quảng Trị, đoàn dừng chân bên cầu Hiền Lương để ngậm ngùi về một thuở
chia đôi đất nước. Xe tiếp tục hành trình rẽ về phía Cửa Tùng, Cửa Việt. Cửa
Tùng bị xâm thực trở thành hoang phế nên xe không ghé lại, chỉ đi qua. Còn Cửa
Việt đẹp tuyệt vời. Ban trưa trời nước một màu xanh ngọc bích, gió Nam lồng lộng.
Dừng chân nơi đây ai cũng tiếc: tiếc rằng chiều qua sao không chạy thẳng về quê
mình nghỉ ngơi lại ghé Nhật Lệ làm chi cho phí thời gian. Bờ biển nơi đây thoai
thoải, sóng êm êm bên cát ướt mịn màng, sạch sẽ chứ không sâu hẳm như ở Nhật
Lệ. Tiếc là chúng tôi chỉ đứng ngắm chứ không có thì giờ giỡn sóng.
Rồi xe chạy vòng vùng biển, qua những
vùng quê Quảng Trị mà tôi chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ đặt chân đến. Trời đã
sang chiều nên đoàn đành bỏ chuyến ngắm biển Mỹ Thủy mà phải về Diên Sanh, ghé
ăn cháo bột ngay cổng trường Cấp 3 Hải Lăng - tức Nguyễn Hoàng hồi cư năm 1974
-1975. Từ ngày rời trường, chưa có dịp ghé vào nên tôi rủ Lan qua thăm trường
một lát. Song, tìm mãi cũng không còn thấy một vết tích cũ nào. Trường nay cây
lá sum sê, phòng học khang trang rộng lớn, có lẽ họ đã đập bỏ cơ sở cũ và xây
dựng lại. Hôm sau gặp thầy Sung, thầy Trí, tôi hỏi điều ấy và được xác nhận
đúng như vậy.
Đứng chụp tấm ảnh kỷ niêm mà lòng buồn chi lạ. Nơi đây
tôi đã trải qua hai năm học lớp 11 và 12, với biết bao buồn vui kỷ niệm bên
thầy cô, bạn hữu. Không dưng mắt bỗng mù sương. Thoắt chốc 36 năm – kể từ thuở
tôi rời trường và rời luôn quê hương Quảng Trị. Món cháo “vạc giường” của đất
Diên Sanh múc không kịp vì đám khách hành hương đang chờ. Trong quán nhỏ, tiếng
húp cháo sồn sột khắp nơi giữa không gian nóng bức. Có lẽ quá giờ nên ai cũng
đói bụng. Ăn xong chị Phương chào từ giã để vào Huế cho kịp chuyến bay tối về Saigon . Hôm trước chị bảo tôi bỏ vé xe lửa để về cùng chị
cho nhanh, chị sợ chuyến về mình tôi chân đau không ai giúp nhưng tôi từ chối.
Vì tôi chưa dành thì giờ riêng cho bạn bè buổi nào nên không thể. Khi ôm nhau
từ giã, tự dưng nước mắt hai chị em không hẹn mà cùng trào ra - dù chị em tôi
đã có lời hẹn sẽ còn gặp lại nhau ở vùng đất phương Nam .
Điểm tham
quan cuối cùng là thánh địa La Vang. Lạ thật! Cứ khi nào đến nơi linh thiêng
nầy tôi cũng rơi nước mắt. Bên chân Mẹ, tôi không cầu vinh hoa phú quý, không
cầu danh lợi mà chỉ xin Mẹ ban bình an cho những người thân yêu của tôi mà
thôi.
Xe về bến,
mọi người chia tay nhau trong lưu luyến. Dù khá mệt nhưng tôi và chị Quang
Tuyết cũng phải ghé nhà Việt Hương vì hắn gọi riết. Định ngồi uống ly nước rồi
về nghỉ ngơi thì thầy Thăng phone, nghe nói hai chị em vừa về thầy liền bảo
ngồi đó chờ thầy. Thật cảm động khi thầy cô đi tìm thăm học trò, thầy nói nửa
thật nửa đùa rằng hôm ở sân trường lu bu quá, không có thì giờ cho mấy o nên
chừ tui phải chủ động tìm gặp. Thế là Việt Hương mời mọi người đi ăn đặc sản
biển, mãi đến 9 giờ tối mới chia tay. Thầy cô về hotel ở Quảng Trị còn tôi theo
chị Quang Tuyết về nhà anh Quang Tạo. Hai anh em Tạo – Tuyết lâu ngày gặp nhau
có nhiều việc cần trao đổi nên chị bảo tôi lên lầu ngủ trước đi, nhưng trăng
sáng quá làm tôi không thể chợp mắt, gió Lào đêm thì cứ ầm ào muôn thuở.
Sáng hôm sau
– 28/6/2012, Thúy Phượng và Mai Quế đến đón tôi đi ăn sáng rồi chở cả người lẫn
hành lý về nhà Loan. Tôi đã hứa là sau khi đi tour, tôi sẽ về nhà bạn chứ không
ở hotel nữa. Vào đến nhà, tôi chỉ kịp chào bác gái xong là vào phòng Loan tắt
điện thoại, ngủ. Buổi trưa Loan nấu những món ăn tôi thích, ăn xong Loan làm
mặt nghiêm ra lệnh: Vào giường ngủ đi cho lại sức. Tôi bật cười nhưng không dám
cãi, thế là ngủ tiếp. Buổi chiều Việt Hương cho xe đến nhà Loan đón hai đứa tôi
rồi qua đón Thúy Phượng, anh Thế và chị Quang Tuyết cùng vào Quảng Trị. Lan
không đi được, hôm trước anh Sanh (chồng Lan) mời tôi tối 28/6 dự bữa tiệc chia
tay bên bờ sông Hiếu, tôi bảo đã lỡ hứa với thầy rồi nên xin vắng. Anh Sanh bảo
em mời thầy ra đây luôn cho vui nhưng không thể được, vì chúng tôi phải đến
thăm nhà thầy mới đúng phép chứ!
Thầy Sung
vui mừng đón chúng tôi, sau một hồi hàn huyên tâm sự, thầy cùng học trò qua nhà
thầy Trí.
Nhà thầy
Sung xây lại khá bề thế, thầy vừa về hưu năm ngoái nên có thì giờ chăm sóc
những cây kiểng rất đẹp. Thầy Trí còn mấy tháng nữa mới về hưu, nhà vẫn như cũ
nhưng có thêm vườn chơi trẻ thơ. Thầy Trí là cháu họ của mạ tôi nên ngoài tình
thầy trò, chúng tôi còn có tình gia tộc. Cô Mai – vợ thầy Trí cùng tuổi với
nhóm tôi nên rất dễ hòa đồng. Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh bên cây bưởi trái
sây mây mẩy (thầy Sung khoe cây bưởi ni
tau đem tới trồng cho hắn đó), rồi tha hồ mà quậy khu vườn trẻ thơ nầy.
Rời nhà thầy
Trí, thầy trò tôi về Sãi thưởng thức món nem lụi thơm ngon hòa trong những câu
chuyện trao đổi lý thú, thân tình. Trở về Thành Cổ với những hàng cây hai bên
đường xanh mướt, năm nay nhuận 2 tháng tư nên phượng nở sớm, chỉ còn mấy cành
thưa lác đác.
Trước khi chia tay, thầy trò ngồi lại với
nhau một lát bên bờ sông. Hãn Giang mùa nầy cạn nước, dòng chảy lờ đờ trôi
khiến thầy trò tôi trở nên lặng lẽ. Việt Hương xoay xoay ly nước trên tay nói:
Mới đó mà đã hết một ngày. Tôi lơ đãng thả mắt qua bên kia bờ sông, hoàng hôn
đang buông, những vệt sáng cuối ngày vương lại trên không gian như nuối tiếc.
Tôi nhớ đến bài viết Có những dòng sông
độ nào và suy gẫm về một đời người qua những dòng chảy… 20 giờ thầy trò tôi
không nói lời chia tay mà lại hẹn ngày tái ngộ. Có thế mới cho nhau nụ cười
được chứ! Phố đêm Đông Hà lấp lóa ánh đèn, tôi thầm thì: Đông Hà ơi! Ngày xưa
tôi chẳng có gì kỷ niệm nơi đây nhưng bây giờ thì Đông Hà đã trở thành một nơi
chốn trở về đầy tình thân thương bạn cũ.
Sáng ngày
29/6/2012 – ngày cuối cùng ở lại Đông Hà, tôi và chị Quang Tuyết có chương
trình riêng. Biết vậy nên Loan dậy sớm đi mua bún bò về để sẵn cho tôi ăn sáng,
nhưng vẫn để tôi ngủ cho đẫy giấc chứ không kêu. Tôi ườn mình trong cái thú
được dịp lười biếng, cho đến khi nghe tiếng lao nhao của lũ học trò nhỏ của
Loan đến học hè, tôi mới thức dậy. Chị Quang Tuyết đến chở tôi đi thăm Quang
Hoa. Hoa gầy quá, người chỉ còn da bọc xương, căn bệnh đã làm em tiều tụy đến
đau lòng. Chị Quang Tuyết nói thầm vào tai tôi ăn gì vào Hoa cũng ói ra cả, bây
giờ chỉ chích thuốc giảm đau cho em bớt quằn quại thôi, không biết em còn sống
được bao lâu đây. Nhìn em ấy, tôi không cầm được nước mắt nhưng cố nuốt vào
trong, làm bộ vui vẻ trò chuyện để em cười. Tôi còn mở phone cho Vĩnh Phước nói
chuyện với Hoa vì các em là bạn học với nhau thuở trước. Rời nhà Quang Hoa,
lòng tôi buồn rười rượi, tôi bảo chị em mình ghé thăm Võ Thị Nguyên đi. Hai chị
em không nhớ nhà Nguyên ở đường nào lại lạ đường, hỏi tùm lum mà phải loanh
quanh một hồi mới tìm ra. Khi dừng xe trước cổng nhà chị ấy, tôi cứ ngỡ đi nhầm
vì thấy lũ nhỏ bi bô học hè bên trong. Nguyên quả là đầy nghị lực. Ngồi xe lăn
thế mà làm hết việc nhà lại còn dạy thêm nữa chứ. Nguyên vẫn rất gầy nhưng coi
bộ yêu đời phơi phới, nói chuyện huyên thuyên một cách hứng khởi. Chị ấy méc
thỉnh thoảng cơn bệnh hành, mình đi cấp cứu lại bị bác sĩ, y tá ở bệnh viện
mắng. Họ nói thân bệnh không lo còn ham dạy thêm chi cho khổ. Mình không dám
trả lời nhưng họ đâu biết mình muốn mình không là kẻ bỏ đi. Ngoài việc cơm nước
và chăm sóc nhà cửa sạch sẽ mình còn mở lớp dạy kèm, vừa có thu nhập vừa vui.
Chị Quang Tuyết đưa mắt nhìn tôi một cách ý nhị, tôi hiểu và chợt xấu hổ. So
với Nguyên, cái chân đau thần kinh tọa của tôi chả là cái gì mà đôi lúc tôi
chán chường dễ sợ, cứ nghĩ đời mình “bế mạc” đến nơi rồi. Có lẽ đọc được chữ
“ngộ” trong ánh mắt tôi nên chị Quang Tuyết “nổ” luôn trước mặt Nguyên: LH thấy
đó, tỉnh chưa hở Út? Như chị đây, lòng chị có vui đâu vì đủ chuyện trên đời…,
đứa em thương yêu của chị lại không biết chết lúc nào nhưng chị luôn cười toe
toét. Còn em, em mới đau cái chân chút xíu đã mặt ủ mày ê, mấy hôm đó chị điện
thoại em không thèm nghe, còn tính trốn hết mọi người, yếu đuối quá phải không?
Tôi gật đầu thú nhận mình yếu đuối thiệt. Bởi thế nhìn Nguyên, tôi phục chị ấy
quá!
Việt Hương
phone riết nên hai chị em đành phải ghé nhà hàng hắn, một hai hắn bắt ở lại ăn
cơm trưa nhưng tôi nói Loan nấu rồi, không về ăn hắn giận, mà nàng Loan có biệt
danh Hồ Rau Muống giận thì Việt Hương cũng phải chào thua. Thế là Việt Hương
dặn chiều qua đây sớm mình ngồi với nhau một lát rồi ra ga nhé! Trưa đó Loan
đòi nấu cơm hến đãi bạn nhưng tôi không dám, vì đi tàu ăn đồ mát sợ bụng biểu
tình. Thế là Loan cho tôi ăn thịt vịt chắm nước mắm gừng và rau muống luộc chắm
nước ruốc ngon tuyệt. Ăn xong hai đứa nằm tâm sự với nhau. Chuyến về nầy tôi
không trò chuyện với Loan nhiều vì hai đứa ít gặp riêng. Bạn năn nỉ tôi bỏ vé ở
lại vài ngày, cả Việt Hương cũng dụ khị ở lại cùng nhóm bạn về Cửa Việt tắm
biển vài hôm rồi hãy vào nhưng tôi không thể. Việc cơ quan còn chờ tôi… với
đống tài liệu trên cả ngàn trang; còn mạ đợi, con mong… Làm sao dám ở lại? Đứa
nào cũng chuẩn bị quà cho tôi mang vào biếu mạ và cho con nhưng tôi lạy tụi nó
luôn, tôi nói chân tau đau, kéo cái valy to đùng ni đã ngán rồi làm sao mang
thêm gì. Vậy mà thừa lúc tôi không thấy, Loan ra lấy áo quần phơi khô xếp vào
valy cho tôi đã nhét đủ thứ quà vào đó. Khi phát hiện ra, tôi chả nói năng gì,
vì tôi biết mình cãi không lại hắn, bởi thế đợi hắn ra khỏi phòng, tôi chỉ để
lại vài món gọn nhẹ làm quà, còn lôi ra gần hết để vào góc giường rồi lấy gối
mền phủ lên nên Loan chẳng chút nghi ngờ. Thế là tối đó đi ngủ, phát hiện ra
đống quà dấu trong mền, hắn a lô cho tôi, nói lẫy tùm lum làm tôi phải năn nỉ bở
hơi tai.
Trên đường
ra sân ga, khi tôi ghé nhà Việt Hương thì nhóm bạn thân có mặt chờ sẵn. Lại
nhét quà vào xách, lại từ chối, lại đẩy qua đầy lại... giận hờn… Đến cãi lẫy
nhau om sòm… Lan mua kẹo mè xửng làm quà và thuốc tăng lực cho tôi đi đường;
anh Tiệp - chồng Thúy Phượng, vội chạy tới nhét tré và chả vào mặt ngoài valy
kèm câu nói: Của nhà anh mới làm xong,
còn nóng khiến tôi không thể từ chối, sợ mất lòng. Còn Việt Hương thì
đóng sẵn một thùng có quai xách, hắn bảo sẽ mang lên tận chỗ trên tàu cho tôi.
Khi đến nơi tôi thuê người quăng xuống sân ga là xong, không bể mô mà sợ. Tôi
năn nỉ hết lời mà Việt Hương vẫn khư khư. Cuối cùng tôi phải cầu cứu các bạn
trợ giúp. Lan nói: Mi thương hay hại hắn đây? Lỡ không ai giúp, hắn sợ bỏ uổng
ráng xách rồi vẹo lưng một bên bị dôn hắn tìm về bắt đền mi tính răng? Việt
Hương trả treo: Dôn hắn về đây kiện tau không lẽ tụi bây đứng dòm? Mà không
răng mô, mình tau lấy thịt đè người anh ấy cũng chạy mất dép cho coi. Ý hắn
muốn nói là nay hắn phát tướng
hơn đó mà. Nhưng cuối cùng nhóm bạn lấy thịt đè … Việt Hương trước nên hắn phải
chịu thua. Vậy là tháo thùng ra với cái mặt nhăn nhó thật khó coi. Trời! Thấy
hắn lôi ra đủ thứ mấy đứa bạn cười rũ. Nói theo ngôn ngữ của tủ sách Tuổi Hoa thời học trò thì đó là một thùng chất đủ thứ: từ cây kim
đến con voi. Tôi vừa ôm bụng cười vừa hỏi: Mi định dọn hàng cho tau đổi nghề à.
Hắn nói rất thiệt tình đến cảm động: Không phải, đây là hàng Thái thứ tốt, tau
gởi tặng các chị em trong nhà dùng và mi biếu bạn bè cơ quan trong đó. Đúng là
Việt Hương! Cuối cùng tôi đồng ý cho bạn soạn một ít quà gọn nhẹ và cho vào
valy, không ngờ về nhà, khi mở gói nhỏ lại rơi ra một thứ nhẹ nhất mà giá trị
nhất. Ôi là bạn bè của tôi! Thương quá là thương!
Sân ga chiều tiễn biệt
Buồn dâng lên bờ mi
Kẻ ở ngóng người đi
Trong hồi còi rền rĩ
Ôi những người bạn quý
Của thời áo trắng xưa...
Tàu đến. Bạn
vội vàng xách valy, đưa tôi lên đến phòng rồi xuống sân ga đứng bên cửa sổ, chờ
tàu chuyển bánh mới vẫy tay giã biệt. Bỗng điện thoại reo, tôi mở ra thấy Lan
gọi. Lan cho tôi biết là tôi đang ở chung phòng với cháu Nguyệt Mỹ, mỗi lần Mỹ
ra Đông Hà, người cháu nầy thường chở Mỹ đến thăm Lan nên Lan nhớ mặt. Lần nầy
Nguyệt Mỹ lại lỗi hẹn với Nguyễn Hoàng vì việc gia đình không thể vắng, Mỹ dặn
tôi ghé Đà Nẵng nhưng chân cẳng thế nầy tôi đâu dám lang thang như dạo trước.
Hồi nãy Lan đã kịp gởi gắm tôi cho cậu ấy. Mừng quá! Tôi chưa kịp hỏi thì Nhân
(tên người cháu Nguyệt Mỹ) đã tự giới thiệu. Nhân đưa con gái vào Saigon thi
đại học. Cậu ấy bảo cần gì cô cứ kêu cháu nhé! Tôi vội phone báo tin cho chị
Quang Tuyết biết để chị an tâm, vì để tôi trở về một mình chị rất lo nhưng chị
còn phải ở lại quê giải quyết việc nhà vài ngày, trong khi đó tôi phải vào ngay
nên không thể đồng hành trong chuyến về. Dù tôi đã nói chị đừng lo, lên tàu em
chịu khó nằm ngủ nhiều một chút là đến nhà thôi, không sao đâu nhưng chị vẫn ái
ngại, dặn dò đủ thứ.
Khắc Hồng lại gọi, tôi nhìn và cứ để
phone tèng teng cho đến khi tự ngắt. Hồng phone mãi khiến tôi xốn xang, chịu
không nỗi, tôi bèn tắt máy. Sau khi qua ga Huế, tôi mở máy gọi lại, tội nghiệp
bạn mừng rỡ hỏi gần đến rồi hả? Tôi ấp úng nói tàu đến Phú Bài rồi. Hồng hoảng
hốt: Sao? Sao? Tôi nói Xin lỗi bạn… Chỉ nghe đến đó là máy tắt cái cụp. Tôi gọi
lại mấy lần không được nên gọi cho Loan. Loan méc hắn vừa bị thằng bạn thân của
hai đứa tôi trách móc nãy giờ. Khắc Hồng nói đã ra ga từ 3 giờ chiều, hắn gọi
mãi nhưng không ai trả lời nên chẳng biết LH đang ở tàu nào mà kiếm. Cứ thấy
tàu vào là chạy đến ngó dáo dác, mãi đến khi tôi báo tàu đã rời Huế hắn mới
hiểu ra… và buồn… buồn vô hạn. Loan nói Loan rất buồn vì đã nghe lời tôi và tôi
cũng đang buồn, tôi gọi lại mấy lần nhưng “số máy nầy hiện không liên lạc
được”. Tôi biết bạn rất giận tôi nên đã tắt máy. Hai ngày trước, Hồng phải vào
Đà Nẵng vì ông dượng qua đời. Hắn nói dù thế nào cũng ra Đông Hà tiễn chân tôi,
nhưng rồi chiều qua Hồng điện báo sáng nay phải đưa tang, xong việc là về Huế
ngay nhưng sợ ra Quảng Trị không kịp. Hắn hỏi tôi đi chuyến tàu nào? Mấy giờ?
Số toa để hắn lên tàu gặp tôi một chút ở ga Huế. Tôi nói nhờ người khác lấy vé
nên H không rõ lắm. Trưa nay cầm vé mới biết nhưng chắc chắn là đi chuyến tàu
chiều. Hắn dặn lấy vé rồi nhớ báo cho hắn biết liền. Tôi rất sợ chuyện chia
tay, nhất là ở sân ga vội vã. Lại thương bạn vội vội vàng vàng lên tàu tìm mình
trong giây lát, chắc chưa kịp nói tròn câu đã phải xuống thì tội lắm. Thế nên
tôi dặn Loan nếu Hồng gọi thì đừng nghe máy. Đúng như rằng, từ trưa điện thoại
tôi và Loan cứ reo riết, nhưng khi nhìn chữ Khắc Hồng hiện ra trên điện thoại
là hai đứa nhìn nhau im lặng.
Tôi gọi lại
mấy lần nữa nhưng vẫn “không liên lạc được”. Tôi gọi cho Loan, Loan bảo ngủ đi. Hắn không giận được lâu
đâu, ngủ một đêm hết giận mai hắn gọi lại liền. Đúng như thế, sáng mai chưa kịp
thức giấc Hồng đã gọi cho tôi. Bạn hỏi tôi có mệt không? Đêm qua ngủ được
không?… Đủ thứ như chưa hề giận dỗi. Tôi trả lời nhờ có cậu Nhân – cháu Nguyệt
Mỹ - giúp đỡ mọi thứ nên tôi khỏe nhưng khó ngủ vì làm bạn giận. Hắn ấm ức:
Giận chứ sao không giận! Bà có biết tui ôm gói quà ngồi chờ ở ga Huế suốt mấy
tiếng đồng hồ không? Tui muốn gặp bà một chút và gởi ít quà vào làm quà cho mệ,
cho bé và cho em gái Vĩnh Phước của tui, rứa mà bà với Loan cấu kết với nhau
cam tâm… để tui lủi thủi trở về, không giận sao được? Nghe Hồng nói tôi muốn
khóc, Vĩnh Phước là bạn học rất thân với Bích Nhạn – em gái của Khắc Hồng và em
ấy đã bỏ mình trong lòng đại dương vào mùa hè nghiệt ngã năm ấy. Tôi xin lỗi
bạn, bảo rằng để chuộc lỗi khi nào Hồng ghé Biên Hòa tôi sẽ đưa Hồng đi thăm
Vĩnh Phước. Khi đó Khắc Hồng mới vui trở lại, hắn dặn tôi ở trên tàu phải giữ
vệ sinh chung, đừng thò đầu và tay ra ngoài… làm tôi không nín được cười. Đã
chịu đùa nghĩa là hắn hết lẫy. Ơn trời!
Sau gần một ngày đêm xuyên Việt, tàu về
ga Biên Hòa. Tôi gọi về nhà báo cho Vĩnh Phước biết tôi sắp về để mạ và bé
mừng. Nhân kéo valy ra cửa sẵn, chờ cửa mở liền mang xuống sân ga cho tôi rồi
mới trở lại tàu để về Saigon . Tôi chỉ việc
ngoắc taxi là về đến nhà vào lúc 15g30’ ngày 30/6/2012.
Chuyến hội trường tại Quảng Trị lần thứ
ba đã qua nhưng dư âm mãi còn đọng lại. Tình quê hương, dòng tộc sao mà sâu
đậm! Tình thầy nghĩa bạn Nguyễn Hoàng sao mà tha thiết!
Tôi đã trở lại
với công việc hàng ngày. Ngồi trước chồng tài liệu và hình ảnh, tôi mày mò sắp
xếp, dọn dẹp để đưa vào tập kỷ yếu trên một ngàn trang cho kịp chào mừng kỳ đại
hội sắp tới… Nhưng, những cuộc điện thoại đường dài vẫn không ngớt reo. Anh Thể
dặn: Năm sau o mi về thăm nữa nghe. Khi
mô đi được thì cứ đi chứ để già rồi như anh khó mà đi xa lắm! Việt Hương cứ
nhắc lui nhắc tới câu: Hè sang năm rủ
nhau về lại hí! Không cần chờ kỳ họp mặt trường ba năm tới. Cứ chúng mình gặp
nhau là Nguyễn Hoàng rồi. Nhớ về nghe!
Về nghe!
Về nghe!
Về nghe!
Ôi! Tiếng gọi đàn sao mà thân thương quá
đỗi!
Quê hương ơi!
Biên Hòa, mùa đông năm 2012 Nguyễn
Thị Liên Hưng
Subscribe to:
Posts (Atom)