Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Ảnh từ trang giadinh.net
ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY
EM GÁI
Đoàn Thị Lam Luyến
Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối phong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công
Mắt thì thăm thẳm mùa đông
Trái tim mùa hạ, tấm lòng mùa thu
Mùa xuân ở phía sa mù
Mà băng tuyết… đến bao giờ cho tan?
Gặp cơ nhỡ em cưu mang
Em đâu biết đến lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền
Lấy khao khát để làm yên
Đem duyên làm phúc, lấy tiền làm khinh
Rồi ra em giống chị mình
Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN VĂN HÒA
Có thể nói, trong số những bài thơ tình của Đoàn Thị Lam Luyến thì bài "Em gái" được xếp vào hàng những bài thơ hay nhất của chị. Thường khi đọc một bài thơ nào đó, tôi có thể quên ngay, nhưng với bài thơ này, nó đã để lại cho tôi một ấn tượng khá đặc biệt. Với tôi, thơ chị hay, ấn tượng bởi vì nó thật, nói lên được những điều sâu kín trong tâm hồn, lời thơ giản dị, đời thường mà sâu lắng. Như một nhà phê bình đã từng nhận xét: “Thơ chị giống như lời tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của chính chị, nhưng đọc thơ chị, ai cũng có cảm giác chị nói hộ lòng mình”.
Mở đầu bài thơ “Em gái” chị viết:
Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối phong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công
Đó là lời giãi bày, lời tâm tình của một con người đã từng trải qua những vấp váp, những dâu bể, vấn vương của cuộc đời. Nhất là sự vấp váp trong tình cảm, tình yêu và hạnh phúc gia đình. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến so sánh chuyện tình yêu giữa đứa em gái và mình: đều có sự ngộ nhận trong tình yêu, "cũng yêu chí chết cái người mình yêu". Tác giả sử dụng từ “chí chết” rất hay. Theo tôi, khó có thể thay từ nào hay hơn từ “chí chết”. “Chí chết” nó vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa mộc mạc, vừa sâu sắc. Người phụ nữ nào khi yêu với một tình yêu chân thành, đích thực, không vụ lợi cũng đều hành động như thế, đều biết dồn hết, biết hy sinh tất cả, yêu một cách cuồng nhiệt, cháy bỏng, tận cùng cho người mình yêu.
Có lẽ, những gì đã xảy ra trong cuộc đời chị là một minh chứng cụ thể cho điều vừa nói ở trên. Thông qua lời tâm tình, trò chuyện, bày tỏ những tình cảm rất thật đó, chúng ta thấy cuộc đời chị, chuyện tình cảm của chị với cuộc đời đứa em gái, hình như là một, là lặp lại. Cũng đầy chông chênh, thất bại và đổ vỡ. Ông trời đã không công bằng với chị và em gái của chị trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc cho bản thân. Dù đã yêu hết lòng, yêu cháy bỏng, yêu hết tâm can, nhưng đổi lại đó là sự đau xót và mất mát, một sự hy sinh vô ích và không có kết quả tốt đẹp: “Để rồi bước trật bước trèo uổng công”.
Trong bài thơ “Gửi tình yêu” chị cũng từng viết: "Gửi tình yêu vào đất/ Được hoa trái đầy cành". Nhưng gửi tình yêu vào người mình thương thì lại không thu được những điều ngọt lành như thế: "Ta trao cả cho anh/ Một tình yêu cháy bỏng/ …Ta đã gửi cho anh/ Một con tim dào dạt/ Và anh trả cho ta/ Nỗi buồn đau tan nát". Dù chông chênh, gập ghềnh là thế nhưng tấm lòng người phụ nữ nói chung, tấm lòng của chị, của em gái chị nói riêng vẫn đợi chờ, mòn mỏi, vẫn trông mong, vẫn hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến.
Ở khổ thơ thứ hai, Đoàn Thị Lam Luyến vẫn vận dụng thủ pháp so sánh. Nhà thơ lấy mùa đông so sánh với mắt, lấy mùa hạ so sánh với trái tim, mùa thu so sánh với tấm lòng. Mắt - đông giá: buồn; trái tim - mùa hạ: rực cháy; tấm lòng - mùa thu: dịu dàng, bao dung; mùa xuân: khởi đầu những điều tốt đẹp, cây đâm chồi nảy lộc và tình yêu rồi cũng sẽ đem lại những lộc biếc mới… Nhưng tất cả đều xa vời, vô vọng. Nhà thơ đã lấy cái rộng lớn của thiên nhiên để so sánh với cái cụ thể, cái hữu hạn của con người, đời người. Để rồi sau đó chị phải thốt lên: "Mà băng tuyết… đến bao giờ cho tan?". Sự hy sinh trong tình yêu một cách tự nguyện, vô tư nhưng không mang lại điều tốt đẹp. Chính vì vậy, nó đã để lại một sự băng giá, một nỗi ám ảnh nặng nề, không bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn. Câu thơ cuối của khổ thơ thứ hai là một câu hỏi tu từ không cần lời giải đáp vì bản thân nó đã hàm chứa câu trả lời. Sự giá băng, sự thất bại, nỗi đau xót, mất mát và hụt hẫng sẽ bám riết suốt cuộc đời của chị và đứa em gái đáng yêu của chị.
Gặp cơ nhỡ em cưu mang
Em đâu biết đến lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền
Em đã sống rất thực lòng, sống hết mình bằng chính tình thương và sự bao dung của một trái tim nhân hậu. Nhưng em đâu biết, rồi một ngày mình cũng lỡ làng, rồi lại xót xa, đau khổ. Vì thế, những việc em đang làm rồi cũng sẽ vô ích và mong manh.
Hoá ra cũng chỉ là những khao khát tình yêu cháy bỏng. Thất bại ê chề trong tình yêu giờ chỉ còn cách tự an ủi để mà sống, lấy những khát khao cháy bỏng để làm yên, để sống bình lặng sau những cơn sóng gió tả tơi của cơn bão tình. Tất cả những gì đã làm, dù là duyên đã lỡ làng nhưng sự hy sinh ấy cũng chính là việc làm phúc đức ở đời. Coi tình cảm quý hơn vạn lần tiền bạc. Vì tình cảm không thể bán mua, đổi chác được!
Kết thúc bài thơ là một cái vui. Nhưng để có cái vui ấy phải đánh đổi bằng những cái thất tình, đổ vỡ, những vất vả, gian truân trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Phải chăng cái vui ấy cũng chỉ là cách nói để tự an ủi mình, trấn an mình sau bao sóng gió, xót xa, đau đớn của thân phận đàn bà nhỏ bé, yếu đuối, sống hết mình cho tình yêu nhưng luôn gặp những éo le, trắc trở. Chị đã trải qua hai lần đò nhưng cả hai lần đều dang dở nên nhiều lúc chị cũng thảng thốt trong nỗi đau của tình ái: "Sinh em mẹ không sinh ngày/ Để em như kiếp trời đày thế gian/ Đa tình liền với đa đoan/ Tơ duyên cứ nối lại càng đứt thêm" (Tích tịch tình tang).
Bài thơ "Em gái" đã để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc về một người phụ nữ đầy nghị lực trong tình yêu. Yếu tố nghị lực ấy cần thiết để sống, để yêu và sáng tạo. Nói như nhà phê bình Thái Doãn Hiểu: "Trong hào quang của tình yêu cay đắng, Lam Luyến mới bộc lộ hết được toàn vẹn vẻ đẹp chân thật từ trái tim nổi dậy đầy bản lĩnh của mình. Sự nổi loạn cá tính là điều chủ yếu cho sự hình thành và tồn tại của một cây bút".
Giáo viên Trường Phổ thông Cấp 2-3 Xuân Phước,
huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên,
Điện thoại: 0984 833 247
Email: nguyenvanhoaphuyen@gmail.com