Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 1, 2021

KHÚC THÁNG TƯ, MƯA TỪ TÂM – Thơ Tịnh Bình


                 Nhà thơ Tịnh Bình


KHÚC THÁNG TƯ
 
Chờ những bông hoa tím phơi mùa hè lên cây
Đã lâu không thấy tiếng chim treo trên vòm lá xanh
Tiếng hót như làm mềm nắng phố
Như gợi mở khung trời trong veo
Thảng hoặc gương mặt phố nhìn tôi xa lạ
Ô cửa khép mãi trên tầng cao
Khúc tháng Tư ngủ yên loài ve nhỏ
Mặc loài cỏ vô tư xanh xao...
 
Hình như tiếng phố ú ớ trở mình trong giấc trưa
Bầy mưa rào chân sáo
Tung tăng chạy nhảy rồi lẫn vào đám mây trời vội vã
Hàng trăm lần lặp đi lặp lại
Điệp khúc mùa hè bắt đầu...
 
Trong giấc mơ vừa tàn hoa mộc miên
Buổi sáng thức dậy ngỡ lồng ngực nở ra tiếng hát
Vắt ngang phố tròn xoe lời chim mềm mại
Tháng Tư độ lượng
Gió mơn man trên khuôn mặt đang rất gần...
 
 
MƯA TỪ TÂM
 
Từ trong vô lượng kiếp
Tôi quên rồi chính tôi
Thay hình và đổi dạng
Nào hay đâu luân hồi
 
Sinh sinh rồi diệt diệt
Thiện ác mãi xoay vần
Nào bờ mê bến giác
Ngụp lặn giữa trầm luân
 
Bao giờ tan huyễn mộng
Tìm ta thuở ban đầu
Âm trầm lời Kinh Phạn
Đưa ta vào huyền sâu...
 
Những ngày buồn cứ vắng
Những hoàng hôn chậm trôi
Trang đời... Từng trang mới
Hạt từ bi đâm chồi
 
Cánh đồng tôi khô hạn
Mây gieo mưa từ tâm...
 
              TỊNH BÌNH
               (Tây Ninh)
 
READ MORE - KHÚC THÁNG TƯ, MƯA TỪ TÂM – Thơ Tịnh Bình

THỬ SUY NGHIỆM VỀ “CUNG THỤY DU” TRONG BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU” CỦA TRẦN MAI NGÂN – Châu Thạch

 



KHÚC THỤY DU
 
Em biết
Trăng Thu huyền ảo lắm
Càng chạy tìm - càng xa
Bóng trắng cứ sáng loà
Cung Thuỵ Du ảo mộng...
 
Em biết
Trong khúc quanh đồng vọng
Dư âm của dấu yêu
Dù rất rõ một điều
Là không hề có thật!
 
Em sống trong tất bật
Ngày đêm đan xen nhau
Những dư vị ngọt ngào
Tặng trao lời đường mật...
 
Em biết và em sống
Trong từng sát na yêu
Nghe hương đời tan biến
Rót trong nhau đủ điều!
Em biết và em sống!
Em biết và em sống! 
 
             Trần Mai Ngân
 

  
                      Nhà bình thơ Châu Thạch


THỬ SUY NGHIỆM VỀ “CUNG THỤY DU” TRONG BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU” CỦA TRẦN MAI NGÂN  
                                                          Châu Thạch
 
 
Thụy là ngủ, du là đi dạo chơi, vậy thụy du là nằm ngủ mà mơ thấy mình đi chơi.  Theo nghĩa Hán Việt, “Khúc Thụy Du” là một khúc hát về giấc ngủ, cái chết, hoặc một chuyến đi dài.

Nhà thơ Trần Mai Ngân lấy tựa đề cho bài thơ của mình là “Khúc Thụy Du. Tất nhiên bài thơ “Khúc Thụy Du” nói về một cơn mơ trong giấc ngủ của mình. Cũng có thể nhà thơ nói rộng ra, về một cơn mơ giữa cuộc đời nầy.
 
Trong bài thơ “Khúc Thụy Du”, có một chốn mà không ai biết đến, chỉ được thấy nhà thơ nói về nơi ấy là “Cung Thụy Du”. Vậy trong bài viết nầy, thử suy nghiệm về nơi chốn mới lạ ấy mà nhà thơ Trần Mai Ngân đã đem vào thơ của mình:
 
Khổ đầu của bài thơ như sau:                     
 
Em biết                   
Trăng Thu huyền ảo lắm                   
Càng chạy tìm - càng xa                   
Bóng trắng cứ sáng loà                   
Cung Thuỵ Du ảo mộng...
 
Khổ thơ cho ta biết nhà thơ đang chạy theo ánh trăng thu nhưng không bao giờ đến đích. Đích không thể đến của nhà thơ là “Cung Thụy Du ảo mộng…”.  Chữ  “Cung Thuỵ Du” tác giả viết hoa. Như thế, đối với tác giả, Cung Thụy Du là một vùng nào đó có thật giữa thiên nhiên, tuy nó nằm trong ảo mộng nhưng nó vẫn là điểm đến trong giấc thụy du. Linh hồn nhà thơ trong khúc thụy du đang bay về hướng Cung Thụy Du đó. 
 
Sách vở không nói đến Cung Thụy Du, nhưng muốn biết nó ở đâu ta có thể suy nghiệm dựa trên thơ của nhiều thi nhân cũng từng bay về một nơi như thế.
 
Xin mời nghe một khổ thơ đi vào thế giới “Im Lặng” của Xuân Ly Băng, một nhà thơ Thiên Chúa Giáo:                 
 
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm               
Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm               
Đường vào im lặng mê ly quá               
Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên
                                        (Im Lặng)
 
Khổ thơ giới thiệu với ta một linh hồn thoát xác bay trên con đường im lặng. Con đường ấy tất nhiên không có ở trần gian vì nó đã được “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” và nó cũng có thể đang hiện hữu một nơi nào đó mà linh hồn nhà thơ thấy khi bay. Đối với nhà thơ Thiên Chúa Giáo Thì con đường “Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” chắc chắn là con đường dẫn đến Thiên Đàng. Đọc thơ, ta biết Xuân Ly Băng cũng đang ở trong một giấc thụy du như Trần Mai Ngân. Nhà thơ đang bay trên con đường về Thiên Đàng. Vậy có thể nói “Cung Thụy Du” của Xuân Ly Băng là Thiên Đàng mà linh hồn nhà thơ đang “lượn về trong giấc êm”, tức là giấc thụy du “mê ly quá” mà nhà thơ đang thụ hưởng.
 
Bây giờ, xin mời nghe tiếp hai khổ thơ của một nhà thơ Phật Giáo, Trần Thoại Nguyên:               
 
Ngồi trong vườn nguyệt lộ               
Hôn một màu trăng non.              
Nghe lòng mình cười rộ              
Chạy băng đồi vô ngôn.              
 
Ồ. Hồn tràn mộng trắng             
Tôi ôm trăng không màu             
Tôi ngút xuống biển dạng             
Tôi dại khờ mắt nâu.
 
(Đêm Trăng Leo Lên Mái Chùa)
 
Toàn bộ bài thơ “Đêm Trăng Leo Lên Mái Chùa” tác giả nói về trăng. Nhà thơ ngắm trăng, bay qua trăng, rơi trong trăng và ngộ ra điều huyền nhiệm cũng ở trong trăng. Trăng là những điều huyền diệu soi khắp bản thể của muôn vật trong trời đất. Mỗi con người trong linh hồn cũng có một vầng trăng nội tại, nói xa xôi là một vị Phật còn ẩn trong lòng. Bài thơ như nói về vầng trăng ngoại tại, vầng trăng thiên nhiên đã khai sáng, cho linh hồn thấy được vầng trăng nội tại.
 
Dầu “Ngồi trong vườn nguyệt lộ” nhưng linh hồn nhà thơ Trần Thoại Nguyên đã đi, đã “Chạy băng đồi vô ngôn”, tức là cũng giống như nhà thơ Xuân Ly Băng đi vào con đường “Im lặng mê ly quá”. Vậy thì mục đích nhà thơ Trần Thoại Nguyên “chạy băng đồi vô ngôn” để làm gì? Phải chăng ý tưởng cũng chỉ muốn đến một nơi thần thoại “Cung Thụy Du ảo mộng…” mà Trần Mai Ngân đã “Càng chạy tìm… càng xa”
 
Hãy suy nghiệm tiếp khổ thơ đầu trong bài “Ave Maria” của Hàn Mạc Tử:                  
 
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả                
Dâng cáo dâng thần nhạc sáng hơn trăng                 
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng                 
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
 
                                                  (Ave Maria)
 
Bốn chữ “song lộc triều nguyên” Hàn Mạc Tử đã dùng thứ ngôn từ đặc biệt mà nhà thơ cho răng đó là “Kinh Kính Mừng” bằng thơ của riêng ông dâng lên cho Đức mẹ Maria. “Song lộc” là Hóa Lộc và Lộc Tồn trong khoa tử vi. Đó là hai thứ lộc Trời ban cho con người ân sủng cao trọng cũng như lợi lộc trần thế vinh quang. Bởi thế người xưa có câu “Song Lộc trùng phùng chung thân phú quý”.
 
Có người cho rằng Hàn Mạc Tử đã viết bài thơ nầy sau một lần tắm biển suýt chết, nhà thơ thấy mẹ Maria cứu ông, cho nên Hàn Mạc Tử đã tạ ơn bằng những câu thơ “Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế”.
 
Đọc thơ ta biết trong giây phút thập tử nhất sinh đó, linh hồn Hàn Mạc Tử đã thoát xác, linh hồn nhà thơ bay về Thiên Đàng với cảm nhận vô cùng thú vị, thú vị đến nổi nhà thơ thốt lên những mỹ từ vô cùng thánh thót như “thần nhạc, thơm tho, huyền diệu”.
 
Phải chăng trong giờ phút nầy linh hồn Hàn Mạc Tử cũng đắm mình trong một khúc thụy du để “triều nguyên” nghĩa là hướng về chốn khai nguyên hay là chốn chân lý. Chốn ấy chính là Thiên Đàng nơi mẹ Maria đang ở, cũng chính là “Cung Thụy Du” mà Hàn Mặc Tử đang tìm về trong giấc thụy du của mình.
 
Cuối cùng, Hàn Mặc Tử cũng như Trần Mai Ngân, “Càng chạy tìm - càng xa” vì “Bóng trăng cứ sáng lòa” nên không thể đến với “Cung Thụy Du ảo mộng…”. Cho nên Hàn Mạc Tử mới thốt lên:                 
 
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì               
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,               
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu               
Trên triều-thiên ngời chói vạn hào-quang?
 
Phượng Trì là đâu? Có người cho rằng, Phượng Trì là nơi đức mẹ Marria ngự, có người cho rằng Hàn Mặc Tử đồng hóa Phượng Trì với  Giao Trì của Tây Vương Mẫu, nghĩa là nhà thơ quan niệm chỉ có  một chốn cực lạc chung mà  mỗi tôn giáo đặt tên khác nhau để gọi, nhưng chân lý thì quy về một thể một mối một chốn mà thôi.
 
Qua những khổ thơ trên của các tác giả, người viết trưng dẫn, để có thể cùng nhau suy nghiệm, hiểu rõ hơn “Cung Thụy Du” mà tâm thức nhà thơ Trần Mai Ngân đã muốn bay về nơi đó trong khúc thụy du của mình, hay đúng ra nhà thơ đã sáng tạo một tên mới trong bài thơ “Khúc Thụy Du” của mình, cho một chốn An Nhiên, Cực Lạc, Niết Bàn hay Thiên Đàng mà tôn giáo đã đặt ra.  Tất cả các tên ấy đều là “Cung Thụy Du” của Trần Mai Ngân, mà mỗi nhà thơ xuất thần đi vào trong không trung đều định hướng bay để đưa mình đến chốn khoái lạc kia. 
 
Khác với ba nhà thơ kia, họ đi tìm Cung Thuỵ Du để thấy Chân Lý Vĩnh Hằng, nhà thơ  Trần Mai Ngân chỉ đi về Cung Thuỵ Du của tình ái, như con chim bé nhỏ bay qua ngàn vì sao để được đến với thế giới  ngọt ngào, nơi có tình yêu trai gái vĩnh hằng và thánh khiết. Nhà thơ Trần Mai Ngân trong bài thơ “Chuồn Chuồn bay…” đã từng hóa thân thành con “Chuồn chuồn bay đến cổng trời/ Tìm người xưa cũ gửi lời ăn năn”. Một lần nữa, ta thấy sức tưởng tượng của Trần Mai Ngân trở nên thâm thúy, mang màu sắc triết lý trong tình yêu. 
 
Có một điều xác nhận, cả bốn nhà thơ, khi đi vào không trung để đến Cung Thuỵ Du, thì Trần Mai Ngân đi trong ánh trăng huyền ảo, Xuân Ly Băng đi trong chốn nguyệt thiềm, Trần Thoại Nguyên ôm trăng không màu và Hàn Mặc Tử đi trong trăng có thần nhạc sáng hơn trăng. Vậy thì chốn mà bốn nhà thơ muốn đến chắc chắn nằm trong ánh trăng, hay nói rõ hơn Cung Thụy Du phải là một nơi trong vùng trăng sáng, tràn ngập ánh trăng!
 
Suy nghiệm như thế và luận giải như thế chỉ là ý chủ quan và cực đoan của người viết, chỉ mong đem lại vài phút giây tìm vui trong hư cấu của văn thơ. Rất mong ai đó đồng cảm hay không đồng cảm với bài viết cũng lắng lòng, cho tâm hồn hướng đến Cung Thụy Du của Trần Mai Ngân, để tưởng tượng những đường trăng lung linh có thần nhạc êm ái, để nhận “Những dư vị ngọt ngào/ Tặng trao lời đường mật…” mà nhà thơ Trần Mai Ngân đã ngâm vào trong men thơ của tác giả. Nếu có duyên, người viết xin hẹn sẽ trình bày cảm nhận của mình về toàn bộ bài thơ “Khúc Thuỵ Du” một ngày nào cảm xúc tràn đến trong tim.
 
                                                               Châu Thạch

READ MORE - THỬ SUY NGHIỆM VỀ “CUNG THỤY DU” TRONG BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU” CỦA TRẦN MAI NGÂN – Châu Thạch

VĂN TRÌNH, MIỆT MÀI CHẢY MÃI THÁNG NĂM TRÔI - Bùi Như Hải, TS Ngữ văn

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình và nhà thơ Lê Đàn


Văn Trình

Miệt mài chảy mãi tháng năm trôi

Bùi Như Hải, TS Ngữ văn


Nhà thơ Nguyễn Văn Trình hiện là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Nguyễn Văn Trình sinh ngày 04 tháng 01 năm 1960, tại Lạng Phước, Đông Lễ, Đông Hà, Quảng Trị. Từ năm 1980 đến 1983, Nguyễn Văn Trình gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam và tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Từ năm 1983 đến 1987, Nguyễn Văn Trình học Đại học Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Huế. Sau bốn năm miệt mài học tập, rèn luyện anh đã được tốt nghiệp, rồi về nhận công tác giảng dạy tại trường THPT Bồ Bản,Triệu phong, Quảng Trị. Sau đó do yêu cầu của ngành, anh đã lần lượt được thuyên chuyển công tác, giảng dạy đến các trường THPT Đông Hà, THPT Lê lợi, THPT Phan Châu Trinh và THPT Chế Lan viên,  đến cuối năm 2017 thì nghỉ hưu theo chế độ. Duyên thơ đến với Nguyễn Văn Trình khá sớm, ngay từ khi còn là thời học sinh cấp III. Những bài thơ anh viết trong thời học sinh được lưu giữ ở cuốn sổ Lưu bút, nó rất hồn nhiên, tươi vui. Trong thời gian tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, Nguyễn Văn Trình vẫn tiếp tục sáng tác thơ, rồi gửi cho các báo, tạp chí và được đăng, nên rất vui mừng và sung sướng. Chiều biên cương, Em về bên ấy, Em về cho ai chơi vơi, Chiều An lạc,… là những bài thơ được đăng đầu tay, được các đồng chí, đồng đội đón đọc, khen ngợi và khuyến khích, động viên anh tiếp tục viết thơ để được phổ biến rộng rãi, lan tỏa hơn nữa. Những năm tháng sinh viên, Nguyễn Văn Trình càng có cơ hội hơn để sáng tác thơ, các bài thơ viết ra đa số được in trong các tuyển tập thơ văn Gương mặt thời gian của trường Đại học Sư phạm Huế và một số báo, tạp chí của Trung ương, địa phương. Sau bao nhiêu năm ấp ủ, tâm huyết, cùng với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, Nguyễn Văn Trình đã ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay, có tên là Mây trắng bên trời, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2011. Tập thơ vừa mới trình làng, đã được bạn đọc, đồng nghiệp đón nhận, các nhà phê bình văn học quan tâm, đánh giá khá cao, góp phần nâng thêm đôi cánh để Nguyễn Văn Trình tự tin bước vào làng thơ Việt Nam đương đại. Nguyễn Minh Hoàng trong bài viết Khung trời mây trắng đã có nhận định, đánh giá rất đúng về tác giả, về tập thơ, khi cho rằng: “Tập thơ Mây trắng bên trời gói trọn những cảm xúc của thi sĩ về đời, người, nghề và những niềm sâu ký ức. Đọc những vần thơ của anh ẩn chứa những năm tháng cuộc đời, tôi bắt gặp cái sâu sắc trong cách nhìn, cái tinh tế trong cách cảm, cái đa dạng trong cách thể hiện những tâm tư. Không cầu kì, không làm duyên, từng câu từng chữ bình dị mà sang trọng, gần gũi như chính cuộc đời mà chứa đựng những triết lý sâu xa. Bởi Nguyễn Văn Trình đến với thơ bằng tấm lòng của nhà giáo, bằng tâm hồn đa cảm của một thi nhân, mang trách nhiệm thiên lương của một người dâng hiến. Dâng hiến cho đời cái đẹp của tiêu chí nghệ thuật thơ ca: Chân - Thiện - Mỹ. Thơ Nguyễn Văn Trình là sự dấn thân của một người luôn nặng nợ đa mang, với thơ với đời ”.

Lê Đàn trong bài viết Những vầng mây không trôi cũng đã có một nhận định khá sắc nét, lẩy được cái hồn cốt của thơ Nguyễn Văn Trình qua tập thơ: Tập thơ Mây trắng bên trời của thầy giáo - thi sĩ Nguyễn Văn Trình là những vầng mây không trôi. Bởi những bài thơ ấy luôn day dứt và ám ảnh, để lại trong tôi ấn tượng khó phai sau mỗi lần đọc. Và tôi tin những nõn mây trắng làm dịu mát lòng người kia sẽ còn mãi cùng trời xanh mây trắng ”. Và không phụ lòng sự mong đợi của bạn đọc, anh tiếp tục ra mắt đọc giả thi phẩm thứ hai, có tựa đề Nắng chiêm bao, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 5 năm 2019. Tập thơ đã được tặng giải C, giải thưởng Văn học nghệ thuật Tỉnh Quảng Trị năm 2019, do chủ tịch UBND tỉnh ký tặng.

Đề tài trong thơ Nguyễn Văn Trình rất đa dạng và phong phú, trong đó đề tài quê hương, đất nước được quan tâm, thể hiện nhiều nhất. Nhìn xuyên suốt trong dòng chảy văn học Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước luôn là một trong những đề tài không bao giờ vơi cạn, nó mang đến nhiều cảm hứng sáng tác hơn cả. Nhưng cách biểu đạt và diễn đạt của mỗi văn nghệ sĩ lại khác nhau. Các bài thơ về quê hương, đất nước được Nguyễn Văn Trình viết khá hay, đầy hấp dẫn, đầy ngọt ngào, êm đềm như tình mẹ, nghĩa cha, nên bạn đọc cũng sẽ cảm thấy giống như một bức tranh phác họa về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình, gợi nhớ về nơi ta đã một thời sinh ra và lớn lên. Đông Hà, Quảng Trị luôn gắn liền với  cuộc đời của Nguyễn Văn Trình, vì thế nó có sức chứa lớn và nặng, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào, không bao giờ vơi cạn. Hình ảnh Đông Hà hiện lên trong thơ Nguyễn Văn Trình dưới nhiều góc độ, nhiều tâm trạng nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người và tình đời. Nguyễn Văn Trình đã vẽ thành phố quê hương Đông Hà với một tâm trạng mến yêu, tươi vui tự hào. Bạn đọc những bài thơ như Hiếu Giang xanh, Phố thương, Đông Hà ngày mới, Thành phố ngã ba sông, Huyền sử một dòng sông, Chiều An Lạc,… mới thấy được một tình yêu đằm sâu, nồng nàn, tinh tế của nhà thơ về quê hương mình. Đông Hà ngày mới là bài thơ hay, được bạn đọc yêu thích. Bởi qua bài thơ, bạn đọc không chỉ cảm nhận được tấm lòng chân thành, đôn hậu, như chính khúc ruột, như chính dòng máu chảy trong trái tim đối với Đông Hà - quê hương của nhà thơ, mà còn thấy được một thời tâm hồn của mình trong đẹp nhất:

Tôi yêu Đông Hà, tự thuở nào thơ dại 

Thành phố muôn đời, ngự trị trong tim 

Từ buổi cấp hai, cấp ba thời còn đi học 

Kỷ niệm nào, lưu dấu tuổi học đường 

 

Hiếu Giang xanh yêu thương biết mấy

Tắm mát tuổi học trò sông Cái sông Con 

Tuổi thơ qua đi dòng sông ở lại

Miệt mài chảy mãi tháng năm trôi

                 ( Đông Hà ngày mới )

Bài thơ Phố thương cũng đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó quên. Vẫn theo cái quy luật tuần hoàn của đất trời vần vũ, mà sao cứ vấn vương, bởi những gam màu khác lạ trong bốn mùa của một một thành phố trẻ Đông Hà. Bức tranh bốn mùa trong thơ ca truyền thống thường thì mùa Thu là mùa của lá vàng bay, mùa Hạ là mùa của những tiếng ve ngân vang, mùa Đông là mùa của những hàng cây trơ cành, trụi lá và mùa Xuân là mùa vạn vật thay áo mới, cây cối đâm chồi, nảy lộc, chen chau đua nở… Nhưng bốn mùa trong thi phẩm này lại mang dáng nét riêng của một mảnh đất miền Trung. Sắc màu mùa Thu của Đông Hà không bâng khuâng, đượm buồn, nhưng lại kiêu sa, biêng biếc, thao thiết trong những buổi chiều mưa biêng biếc, lạc bước câu thề: 

Một mùa thu nữa kiêu sa

Đông Hà tím chiều mưa buồn biêng biếc

Giọt sáng cuối ngày thao thiết

Chợt nhớ chợt thương lạc bước câu thề

Vạn vật vần vũ, Thu qua Đông đến. Đông Hà vào Đông mưa bụi bay bay, dòng sông Hiếu trong xanh, chất chứa bao kỷ niệm nồng say, đã làm xua tan cái lạnh của mưa phùn, gió bấc, đìu hiu và quạnh buồn đến xốn xang, nào lòng:

Đông Hà vào buổi cuối đông

Có dòng sông Hiếu, xanh trong tháng ngày

Có trời mưa bụi bay bay

Từ trong kỷ niệm nồng say bao điều

Và một mùa Xuân đủ muôn màu sắc thắm, rộn rã, rực rỡ và tràn đầy sức sống tươi trẻ, tinh khôi của một thành phố Đông Hà trăm nhớ, ngàn thương. Không gian mùa Xuân bừng lên trong sắc màu cờ hoa, rộn ràng của người mua, kẻ bán… Cảnh mùa Xuân đầy quyến rũ, đắm say, với bao cảm xúc thiết tha, đằm thắm. Hình ảnh “đưa người viễn phố du xuân” đã vút lên một niềm tin ngời sáng, một tình yêu gắn kết keo sơn giữa con người và thiên nhiên:

Đông Hà vào xuân rực rỡ

Cánh mai vàng duyên nợ thi nhân

Hạt sương đọng trắng lá cành

Hoa sen trắng tỏa hương thơm ngào ngạt

Đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cùng nhau chung tay dựng xây Đông Hà ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn, phố xá được mở rộng, nhà cao tầng san sát, mọc lên nhanh chóng, những khu công nghiệp, nhà máy, công ty, xí nghiệp liên doanh trong nước và nước ngoài đã đầu tư, đem lại nguồn lao động, cung cấp việc làm cho rất nhiều người dân. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được ấm no, khởi sắc, giàu có hơn:

Đông Hà - thành phố ngã ba sông

Em biết không?

Thành phố mình đáng yêu là vậy 

Chỉ bảy năm thôi mà biết bao thay đổi:

Đại lộ Hùng Vương vươn dài từng con phố 

Những tòa nhà nối nhau san sát 

Tầng thấp tầng cao tạo dáng phố phường 

Có ngôi chùa cổ kính thân thương

Tiếng chuông ngân mỗi sớm mỗi chiều 

Đông Hà phố gợi niềm yêu quê da diết

Phương trời nào cũng nhớ một ngã ba sông 

(Thành phố ngã ba sông

Hình ảnh Đông Hà gắn liền với con sông Hiếu huyền thoại, rất đỗi tự hào. Huyền sử dòng sông Hiếu mãi ngân vang những chiến công đánh đuổi giặc thù, tiếp nối mạch nguồn của khí linh nguồn cội anh hùng, đảm đang, bất khuất để cùng chung lưng đấu cật dựng xây, làm nên vóc dáng sinh động của một thành phố trẻ Đông Hà sầm uất trên trục đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam và trên tuyến đường xuyên Á, hành lang kinh tế Đông - Tây:

Cuộc chiến qua đi

Sông lại hát tình ca 

Ôi dòng sông, chở nặng phù sa 

Mà làm nên những cánh đồng, bờ bãi

Tắm mát bao cuộc đời, dầu dãi nắng mưa 

Hiếu Giang xanh, xanh tựa màu trời

Cửa Việt trung trinh, nghĩa tình vời vợi

Hồn thiêng đất nước, âm ba muôn đời 

               (Huyền sử một dòng sông)    

Tôi thiết nghĩ, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn viết về thành phố Đông Hà, nhưng hẳn nhiên vẫn chưa đủ, chưa xứng tầm vóc lịch sử của một thành phố trẻ, nên do đó cần phải có thêm nhiều cây bút thể hiện tình yêu của mình qua những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút và phóng sự… nữa, mới làm đầy lên hình ảnh của Đông Hà ở đôi bờ sông Hiếu đang vươn mình lớn dậy từng ngày trong thời kỳ đổi mới một cách đa dạng và phong phú hơn. 

Quê hương thiêng liêng - nơi lưu giữ những mảnh ký ức sáng trong, tươi đẹp. Nơi đong đầy những tấm lòng, tình yêu thương chân thật, vì thế trong thơ Nguyễn Văn Trình hiện diện rất nhiều địa danh trên quê hương mình như: Cửa Tùng, Khe Sanh, Lao Bảo, Hải Lăng, Gio Linh,Cồn Tiên, Dốc Miếu…

Cửa Tùng - vùng đất của một thời chiến tranh, đạn bom, máu lửa, nhưng giờ đây nó đã bừng sáng, mang dáng dấp của một thành phố biển trong tương lai. Những ngôi nhà kiên cố, cao tầng mọc lên san sát, những nhà hàng, quán xá khang trang, lộng lẫy, những cồn cát, bãi biển xanh ngắt,… làm say đắm bao hồn người, lữ khách. Vua Duy Tân đã coi đây là một vịnh nhỏ, có màu ngọc lục bảo tuyệt đẹp:

      Khi anh về với biển Cửa Tùng

      Biển mặn khiến lòng anh xao xuyến 

      Gió hát xôn xao lồng lộng bến bờ

      Bãi Nữ Hoàng thiết tha bao nỗi nhớ 

      Biết nói gì trước biển chiều nay

      Trước xanh xa thanh khiết bao ngày

      Trước vẻ đẹp nồng say của biển 

      Trước giản dị hồn nhiên cuộc sống con người

   (Về với biển Cửa Tùng)

    Đúng như dự cảm của nhà thơ Ngô Kha: “Rồi sẽ thấy và nhất định thấy. Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo. Một thị trấn yêu kiều qua ngã Làng Vây”. Tình yêu quê hương chính là sức mạnh vô b để dựng nên một Khe Sanh, Hướng Hóa giàu đẹp, văn minh, rất đáng được tự hào. Viết về mảnh đất dấu yêu ở phía Tây của quê hương mình, Nguyễn Văn Trình đã có những bài thơ khá hay như Khe Sanh ngày mới, Khe Sanh đêm hội quán,... Đến với những bài thơ này, đc giả sẽ tưởng chừng như mình đã từng sống và gắn bó với mảnh đất dấu yêu, vì thế nên cũng đủ để yêu thương, đủ để đất hóa tâm hồn của mình với hai tiếng gọi quê hương thao thiết:

Anh đến Khe Sanh một buổi chiều

             Nghe rừng vẫy gọi thác đăm chiêu

             Đường lên uốn lượn theo chiều gió

             Dốc xuống quanh quanh, ấm câu hò

 

             Khe Sanh mới đó, lung linh quá 

             Nắng vàng gió mát dạ chơi vơi

             Núi cao từng dải trời xanh thẳm

             Thị trấn nằm sương núi mây vờn 

                           ( Khe Sanh ngày mới)

Tình yêu quê hương của người thơ cũng chính là nguồn nước mát lành, chảy mãi đổ ra đại dương để hội tụ thành tình yêu đất nước.

Là một nhà giáo, nên luôn bị câu thúc bởi thời gian công việc giảng dạy và gia đình nhưng Nguyễn Văn Trình vẫn luôn tranh thủ thời gian của những ngày tháng hè để rong ruổi đến những vùng quê xa xôi của đất nước. Trong một lần đến Đại Lải, Nguyễn Văn Trình tràn đầy cảm hứng trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, đầy thơ mộng đã viết ngay một chùm thơ về mảnh đất này, như: Chiều Đại Lải, Với Đại Lải, Đại Lải vào xuân... chính là một cung bậc của xúc cảm, của tâm trạng chứa đầy niềm hoan ca, tràn đầy vui sướng trước cảnh và người nơi đây, trước những đổi thay tươi sáng. Bài thơ Với Đại Lải như chính tâm hồn rạng ngời, vui tươi của người thơ, nên diễn ngôn trong lập tứ và ý thơ rất tự nhiên, trong trẻo. Cảnh vật và con người như người bạn tri âm đã mời gọi nhà thơ từ lâu. Giữa không gian thơ mộng đầy màu sắc, âm thanh của nắng gió, cỏ hoa, hồ nước trong xanh và sắc lụa Hà Đông rạng ngời em gái chan chứa nghĩa tình, làm say đắm tâm hồn người thơ:

     Nắng nghiêng chiều soi gương hồ Đại Lải

     Gió mơn man hôn mãi mộng đồi thông 

     Em rạng ngời trong sắc lụa Hà Đông

     Ôi Đại Lải ru lòng tôi đến vậy!?

     Lời tự tình hây hây đôi má đỏ

 

     Đại Lải chiều nắng gió hanh hao

     Nắng rất mỏng xuyên qua từng kẽ lá

     Rừng thông già dạt dào bao giấc mộng

     Xanh tháng năm lặng sóng mặt hồ

     Êm ả thế như tình em đằm thắm

(Với Đại Lải)

    Nhà thơ Nguyễn Văn Trình ước mơ ít nhất một lần trong đời được đến thủ đô Hà Nội và khát khao ấy cũng đã trở thành hiện thực. Thể hiện tình yêu với Hà Nội – trái tim hồng của cả nước, trong một chuyến đi tham quan các tỉnh phía Bắc, anh ghé đến Hà Nội và đã sáng tác bài thơ Trong tôi Hà Nội. Đến với bài thơ này, bạn đọc như được hòa vào không gian đầy thơ mộng, dịu dàng của mùa Thu Hà Nội. Một mùa Thu yên ả, nắng thu vàng buông chiều, những con phố nhỏ nồng nàn mùi hương hoa sữa, những hồ nước thoang thoảng thơm ngát mùi hoa sen, những hàng liễu rũ, bất chợt những cơn mưa rào ngúng nguẩy,... đã đọng lại bao niềm nhung nhớ, luyến thương

          Hà Nội trong tôi, nắng vàng dịu ngọt

          Mây lững lờ trôi nhè nhẹ giữa trời thu

          Lộc vừng rơi đầy lối

          Hoa sữa thơm nồng nàn

          Màu lá bàng đỏ thắm

          Đọng bao niềm nhớ nhung 

(Trong tôi Hà Nội)

Và đến với xứ Lạng, n thơ không chỉ ngỡ ngàng, rạo rực trước vẻ đẹp của núi đồi quanh co, trùng điệp, nắng chiều khói sương, mà còn say men tình, hân hoan, hạnh phúc ngọt ngào khi gặp lại người thương, để rồi vấn vương, ra về chân bước không rời, bời bời nhớ nhung, luyến lưu:  

     Tôi lên xứ Lạng tìm em  

    Tìm trong câu hát, mênh mang nắng chiều  

    Đường đèo nên dạ liêu xiêu

    Chập chùng non thẳm, mắt nhiều khói sương

 

    Ra về lòng lại vấn vương

    Ngàn thu chân bước, thương thương không rời  

    Ra về lại nhớ bời bời

    Trăm năm vẫn đợi, một người trăm năm.

                                  (Tìm về xứ Lạng)

Dẫu biết rằng, tình yêu quê hương, đất nước có diễn ngôn đến tận cùng của nỗi lòng, thì vẫn không thể diễn tả hết được. Nhưng qua những bài thơ về quê hương, đất nước của Nguyễn Văn Trình và một số nhà thơ khác, bạn đọc sẽ cùng đồng cảm với người thơ về tình yêu của mình dành cho quê hương, đất nước.  

Là một người lính viết về người lính, nên hình tượng người lính trong thơ Nguyễn Văn Trình hiện lên rất đỗi chân thực, như nó vốn có, như nó vốn tồn tại. Người lính nơi biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít phải chịu cảnh vượt suối, trèo đèo vì “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, phải “mưa dầm cơm vắt”,… như người lính trong đất liền. Nhưng người lính biển đảo vẫn có những gian khó, hiểm nguy và những thử thách nhất định. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, một thời chiến tranh, người lính hải đảo cùng chung ý chí, kiên cường, anh dũng bám đảo, bám biển để gìn giữ bờ cõi, ngư dân yên tâm tiến ra biển cả đánh bắt hải sản:

Mấy trăm năm, kiên cường gìn giữ

Tiếng gươm khua, còn vọng đến bây giờ

Như lời thề giữ yên bờ cõi

Nơi đảo xa đêm ngày vẫy gọi

Thiêng liêng hai tiếng: Tổ quốc mình

 

Biển đảo quê hương hình hài đất nước

Gần gũi yêu thương, ngõ xóm đường làng

Ta quyết giữ, hàng trăm hải lý

Thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam

Để ngư trường, mãi mãi của ta

Hoàng - Trường Sa biển đảo là nhà

Đã bao đời, ông cha gìn giữ

     ( Với biển đảo quê hương)

Dẫu biết rằng, những gian khổ, thiếu thốn của người lính biển đảo không còn như thời chiến tranh. Đất nước hòa bình, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất cũng như tinh thần ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, người lính biển đảo vẫn có những thiệt thòi, mất mát nhất định khi phải sống xa gia đình, vợ con, bạn bè, làng xóm và cả cuộc sống văn minh nơi đất liền... Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà biển Đông đang “dậy sóng” từng ngày, từng giờ, biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người lính biển đảo luôn phải đối mặt với kẻ thù, với sự hy sinh mất mát, thì ý chí, tư tưởng của người lính biển đảo càng phải mạnh mẽ hơn, quyết một lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Và sự thật đã diễn ra trong những ngày hè nóng bỏng của tháng 05 năm 2014 khi Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm phạm vùng biển chủ quyền của nước ta. Hơn chín mươi triệu người con dân Đất Việt trong cả nước dậy sóng căm hờn, thể hiện lòng yêu nước, thương nòi, thì người lính biển đảo chẳng hề nao lòng, quyết tâm chặn đứng mộng xâm lăng không để một tấc biển, tầng trời rơi vào lũ tay giặc chiếm biển đảo: 

Bỗng một chiều, tháng năm thịnh nộ

Bọn người kia, hùng hổ xâm lăng

Chúng tham tàn, cướp biển đặt giàn khoan

Trấn áp ngư dân, tranh giành biển đảo

Biển đảo quê hương, dậy sóng căm hờn

Dẫu một tấc biển, tầng trời

Đều là lãnh thổ ông cha để lại

Ta quyết giữ, cho đời đời con cháu

Để mai này, còn biển ra khơi,…       

 

Tháng năm này, biển Đông dậy sóng

Huế - Sài gòn - Hà nội,… xuống đường

      Yêu nước thương nòi, ngàn năm sống mãi

      Căm cướp nước, thơ thành mũi chông ngọn giáo

      Diệt tham tàn, chặn đứng mộng xâm lăng

      Lòng yêu nước, chảy trong từng huyết quản

 

      Con cháu rồng tiên,

      Không khuất phục bao giờ

     Ta nhân nghĩa, chúng thì tàn bạo

     Chẳng nao lòng, quyết tâm giữ đảo.

(Với biển đảo quê hương)

Trong không khí “nước sôi lửa bỏng” như thế này, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" lại một lần nữa đã trỗi dậy một cách mạnh mẽ trong trái tim của giới văn nghệ sĩ nước ta. Cùng góp chung trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, Nguyễn Văn Trình đã sáng tác bài thơ Với biển đảo quê hương. Bài thơ ra đời trong bối cảnh như vậy, đã tạo được một sự đồng cảm, làm lay động hàng triệu trái tim bạn đọc. Bài thơ có một sự tác động to lớn đến công tác tuyên truyền và vận động toàn dân hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.

Không những là người lính biển đảo, người lính biên phòng cũng đã trở thành một hình tượng đẹp trong thơ Nguyễn Văn Trình. Người lính biên phòng trên các tuyến biên giới nước ta nói chung và Cửa Việt, Quảng Trị nói riêng đã thầm lặng hy sinh tuổi thanh xuân của mình, mà gánh vác trọng trách lớn lao của Đảng và nhân dân giao phó, đó là bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới của Tổ quốc. Người lính biên phòng vì vậy đã được các nhà thơ tôn vinh, mến yêu dựng lên một hình ảnh đẹp qua những bài thơ trải dài theo năm tháng lịch sử. Trong số những bài thơ Nguyễn Văn Trình viết về người lính biên phòng, thì Người lính biên phòng Cửa Việt là một bài thơ khá hay. Bài thơ đã phác họa được hình ảnh chân thực của những người lính biên phòng ở một số miền quê khác nhau đến đồn biên phòng Cửa Việt làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người lính có một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau, nhưng lại có cùng chung một ý chí, một lí tưởng, cùng chung tay vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, hy sinh tuổi xuân của mình để bảo vệ biên cương, đất nước. Có những lúc nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình và người yêu da diết, trĩu nặng, nhưng người lính biên phòng vẫn cố nén lại, tạm gác tình riêng vì nghĩa lớn. Người lính biên phòng ngày đêm bám trụ biên cương, kiên định tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xả thân trước mọi hiểm nguy, giặc ngoại bang, tội phạm xuyên quốc gia,… để đất nước được thanh bình, ổn định và thịnh vượng:

Anh thao thức cùng ngư dân bám biển

Giữ vững chủ quyền, lãnh hải Việt Nam

Bước chân anh chưa hề mệt mỏi

Từ khơi xa, cho tới mỗi bờ gần

Lúc nào cũng có anh canh giữ

Với các anh đó là nhiệm vụ thiêng liêng

Cho hôm nay và cho cả ngày mai giữ biển 

Những người lính Biên phòng Cửa Việt

Trăm quê riêng, về ở một đồn chung

Đoàn kết - yêu thương, trong một gia đình

Chung trách nhiệm: Canh bờ giữ biển

Da cháy nắng, bởi mặn mòi muối biển

Riêng nụ cười vẫn sáng mãi tin yêu

Anh vượt lên những khó khăn gian khổ

Có những khi nghiệt ngã của đời thường

Ngày như đêm, quyết hoàn thành trọng trách

Đồn là nhà, biển đảo là quê hương

           (Người lính biên phòng Cửa Việt)

Là một thầy giáo, ở trong ngành giáo dục, nên Nguyễn Văn Trình cũng đã dành một góc rất riêng trong vườn thơ của mình những bông hoa tươi thắm nhất về nghề giáo, mái trường, đồng nghiệp, tình thầy trò,... Mảng thơ viết về đề tài này khá hay, được học sinh, đồng nghiệp yêu mến và được các nhạc sĩ phổ nhạc như Bài giảng giờ chia tay, Hoài niệm, Ngày tựu trường, Hãy nuôi dưỡng ước mơTrường em, Bài ca trường Phan Châu Trinh, Trường em trường trung học Lê Lợi ...

Nguyễn Văn Trình có quãng đời rất đẹp của tuổi học sinh. Một thời đi học và cắp sách đến trường cùng bạn bè, thầy cô, trường lớp,... Vì thế, nó đã trở thành một kỷ niệm đẹp, không thể nhạt nhòa theo năm tháng. Và rồi, “thế giới khung trời mây trắng” ấy đã đi suốt Nguyễn Văn Trình một chặng đường dài gần bốn mươi năm làm nghề giáo. Mái trường vì thế đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh. Nó đã gắn bó, lưu giữ biết bao kỷ niệm, tình cảm, thương yêu với học trò, với đồng nghiệp. Tình yêu đẹp ấy đã được hóa thân để viết lên những vần thơ ngọt ngào, thắm thiết, ngợi ca, hãnh diện khi nhà thơ được dạy học ở mái trường mang tên của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh:

Tự hào trường em, mang tên người chí sĩ 

Chí sĩ Việt Nam vì nước quên mình

Phan Châu Trinh - Đông Hà trường em

Vì tương lai, vì ngày mai tươi sáng

Học hành chăm ngoan, quyết chí hăng say

Nắm chắc thành công bước vào ngày mới

Mái trường tầng cao, dạt dào yêu mến

Phan Châu Trinh - Đông Hà trường em

(Bài ca trường Phan Châu Trinh)

Hãy nuôi dưỡng ước mơ là một bài thơ giàu tính nhân văn, thể hiện tâm huyết của người thơ đối với nghề giáo. Từng chữ, từng câu trong bài thơ chính là lời khuyên, sự răn dạy của anh đối với học trò của mình cũng như đối với thế hệ trẻ hôm nay phải biết dưỡng nuôi những ước mơ, dự định tương lai. Với sự tâm huyết, nỗ lực bước đi trên chính đôi chân của mình, thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ và thành công, tương lai tươi sáng, tốt đẹp: 

Cuộc sống, có muôn ngàn cái đích vươn tới 

Hãy chọn cho mình, một lối đi riêng

Em sẽ thấy, cuộc sống  này đáng yêu biết mấy 

Trời trên đầu vẫn xanh

Đất dưới chân, vẫn bình yên nồng ấm 

        (Hãy nuôi dưỡng ước mơ)

Gần bốn mươi năm dạy học, có bao thế hệ học trò, thì có bấy nhiêu tâm trạng, nỗi niềm. Mỗi thế hệ học trò, mỗi lớp học và mỗi học sinh đều được nhà thơ - thầy giáo Nguyễn Văn Trình nâng niu, dạy bảo, xem như người con, người em của mình, nên khi các em chuẩn bị ra trường, chia tay là những lần chất chứa đầy tâm trạng ngậm ngùi, rưng rức nước mắt:

Đó là bài giảng cuối cùng cho em

Mà sáng nay thầy giảng

Và bắt đầu một cuộc chia tay

Vội vàng cái buổi chia tay

Không phải lần đầu sao thầy rưng rức

Cả lớp nôn nao một thoáng ngậm ngùi

Rồi tiếng cười thay nước mắt      

                 (Bài giảng giờ chia tay)

Trong “dàn đại hợp xướng” thơ Nguyễn Văn Trình, có sự hiện diện những giai điệu ngọt ngào, du dương, đầy lãng mạn về tình yêu đôi lứa, đó cũng là chuyện thường tình. Vì rằng, trái tim của nhà thơ cũng đa cảm như bao người ở cõi nhân gian này. Tình yêu trong thơ anh thuộc về thì quá khứ - cái thì chất chứa bao hoài niệm của một thời xa vắng. Nhưng cái tình yêu ấy, kết thúc không được viên mãn, tròn đầy, vì thế hương vị tình yêu chất chứa nỗi buồn, nuối tiếc. Người thơ vương vấn nỗi buồn tình yêu của cái thuở ban đầu trắng trong, tinh khiết như pha lê:

Áo trắng - Em giờ xa xôi rứa?

Để ai về, ngồi đếm giọt mưa rơi

Hỏi còn không

Ai thắp ngọn lửa bên trời!

Mong sưởi ấm

Những chiều cô quạnh.

          ( Áo trắng bên trời)

“Em giờ xa xôi rứa?– chính là một câu hỏi không lời đáp, vọng từ trái tim của n thơ về một mối tình đẹp của một thời hoa mộng không vẹn nguyên, không đơm nở được hạnh phúc tròn đầy theo năm tháng. Em hôm nay không như hôm qua, em giờ xa xôi, em giờ có góc trời riêng, hạnh phúc với mái ấm nhỏ. Câu thơ bật ra nghe thảng thốt một nỗi niềm cô quạnh, buồn da thiết của tác giả. Cái thời yêu ấy đã đi vào dĩ vãng nhưng thi sĩ vẫn cứ ngỡ như vừa mới hôm qua, vừa mới bị mất thôi. Tình yêu để lại cho người thơ một kỷ niệm buồn - một nỗi buồn có phần nặng nợ, đa mang:

Ai ngu ngơ 

Ảnh hình trong ký ức

Vu vơ buồn

Lạc lối chiều buông

Áo trắng phôi pha, áo thành dĩ vãng 

Để suốt đời, nặng nợ đa mang 

                              (Áo trắng bên trời)

    Cái tình buồn ấy, không chỉ đọng lại ở thuở áo trắng, mà còn cả cái thời “bình minh” của cuộc đời. Em về cho ai chơi vơi, Nắng chiêm bao, Em về tinh khôi,... là những bài thơ đều mang dự cảm của sự chia lìa, vỡ tan. Thậm chí khi đã trưởng thành, có sự nghiệp, mong muốn được chung tay xây đắp tổ ấm gia đình nhỏ với người mình thương mến nhưng vẫn không thành, để lại trong anh một nỗi buồn chơi vơi, rã rời: 

Em về bên ấy chiều nay

Một trời thương nhớ, heo may một trời 

Câu ca mái nặng chơi vơi

Dòng sông như cũng rã rời, buồn tênh.

 

Em về bên ấy nắng hanh

Hay mưa nhòa nhạt, chân thành ngày xưa

Em về buốt tím hoa mua 

Đường côi mấy nẻo, gió lùa hồn anh.

(Em về bên ấy)

Thơ tình Nguyễn Văn Trình nhuốm đầy sắc màu của nỗi buồn da diết, nhưng đó lại là một nỗi buồn đẹp, một nỗi buồn không lụy, một nỗi buồn trong trẻo của một tình yêu luôn tận hiến cả trái tim mình cho người mình yêu. Vì thế mà, nhật ký tình yêu mang đầy nỗi ám ảnh của sự cô đơn, rạn vỡ, hoang mang nhưng người thơ vẫn không hối tiếc.

Trong phạm vi hạn chế của một bài viết không thể nói hết những cái hay, cái đẹp của thơ Nguyễn Văn Trình, nên tôi viết đôi điều cảm nhận này theo cách nghĩ, cách cảm của riêng mình, để nhằm góp phần phác họa một gương mặt thơ khá tiêu biểu ở một vùng đất Quảng Trị đầy nắng gió, mưa dầm. Đôi cánh thơ Nguyễn Văn Trình tự thân đã có sẵn hương thơm tỏa ngát trong vườn thơ như một sự vẫy gọi bạn đọc cùng đồng hành, cùng sáng tạo. Với tài năng và lực bút của mình, tôi cũng như bạn đọc hy vọng nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Văn Trình trên hành trình Miệt mài chảy mãi tháng năm trôi sẽ làm nên một chứng chỉ thi ca trong lòng bạn đọc gần xa, trong và ngoài nước.

                                                TS Bùi Như Hải

       Portland, ngày 28 tháng 02 năm 2019

                  Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 310/2020

READ MORE - VĂN TRÌNH, MIỆT MÀI CHẢY MÃI THÁNG NĂM TRÔI - Bùi Như Hải, TS Ngữ văn