Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 24, 2013

HẠNH NGỘ - Tản mạn của Lê Liên

Lê Liên


       Cô vừa cắm xong bông hoa cuối cùng vào chiếc lẳng nhỏ thì vừa lúc chiếc điện thoại bé tí, được hảng Motorola thiết kế trông giống như người máy Đôrêmon lên rung lên. Chiếc điện thoại này của thằng nhóc nhỏ nhất nhà, khi mới đi làm, mua để dùng, sau đó đổi chiếc điện thoại mới, môđen hơn, nhiều chức năng hơn. Thế là bà mẹ già chuyên “xài đồ cổ” tiếc của, hoan hỉ thu hồi, trưng dụng cả mười năm rồi vẫn chưa hư cũ. Nó còn được cô kết thêm sợi dây treo lủng lẳng miếng gỗ nâu khối chữ nhật nhỏ tí xíu, trông thật ngộ nghĩnh, lại được chạm trỗ tinh xảo cả hai mặt, trong đó, một mặt khắc chữ Hán “Phước Vô Lượng”, thật là tâm đắc. Với cô, cái điện thoại này có ý nghĩa đặc biệt, nên cô rất quý nó.

        Khác với một số người lớn tuổi, thường thì người ta để nhạc chờ bằng một tấu khúc êm dịu, trữ tình. Nhưng nhạc chuông của cô theo âm tiết vui nhộn, cứ như nhạc thúc quân rộn ràng  vang lên! Nghe thật hưng phấn! Có lẽ, đó là tính cách năng động của những người làm công việc kinh doanh chăng? Cô đưa tay bắt máy, mắt vẫn chưa rời chiếc lẳng hoa be bé xinh xinh:
       -   Allo. Dạ thưa. Liên xin nghe?
       Tiếng cười giòn tan, quen thuộc của người chị vang lên:
       -  Em đang làm gì đó?
       -  Dạ, em đang làm lẳng hoa, cô thở phào nói tiếp. Em vừa kết xong cái thứ năm trong ngày. Vừa đủ chỉ tiêu!
       Cô cười tươi như có người chị đang ở trước mặt với mình vậy. Giọng người chị vẫn mang âm hưởng tiếng cười.
       - Chị vào đón em ra nhà chị Ngân nha? Mình chở giúp
Ngân một quả dưa hấu em ạ. Hôm nay cả nhóm BTX gặp nhau ở nhà chị Hạnh đó em .
       - Dạ, tí nữa chị nhá máy, em chạy lên đường rồi đi há?
       - Um! Gặp lại em sau.
       - Dạ, em chào chị.

       Cô đến bên song cửa, quan sát bầu trời. Dạo này, buổi chiều Dalat trời hay có mưa lắm. Những cơn mưa đến vội vã. Khi ngắn, khi dài, lúc nhẹ hạt, lúc nặng hạt, chen nhau, chẳng biết đâu mà lần.

       Có tuổi rồi! Sức khỏe bị cuốn trôi theo năm tháng tảo tần  nên cô hơi ngại, không muốn ra khỏi nhà vào lúc tiết trời ảm đạm, ẩm thấp, nhưng nhớ đến những khuông mặt rạng rỡ, vui tươi của các chị U60 trong nhóm thì cô cầm lòng không đậu.

       Trong nhóm, cô là nhỏ nhất nhưng cũng ở giữa hàng U50 rồi. Ngày xưa, khi cô vào trường Nữ Trung học, thì có nhiều chị đã rời trường BTX vào học khóa 1 của viện Đại học Dalat, nhưng giữa họ vẫn có tình thân ái, bởi đó là văn hóa truyền thống của trường nữ công lập duy nhất ở Dalat. Ngôi trường tự hào mang sứ mạng đào tạo những thế hệ nữ sinh trưởng thành, phát triển toàn diện: Đức, Trí, Thể, Mỹ.

       Tình bạn của các chị trong nhóm kéo dài đã hơn nửa thế kỷ. Cho nên, mỗi khi họp mặt, các chị quan tâm đến sức khỏe, tinh thần, tình cảm riêng của nhau lắm.

       Thường là những thông tin vui về con cái thành đạt. Rồi các Lão tướng vẫn còn ga-lăng, (cũng có khi trở chướng),  nên hay cho phép mình “đặc quyền nhỏng nhẻo” lại với vợ;  nhất là chuyện lo lắng, bận rộn phụng dưỡng ông Bố, bà Mẹ già khả kính của các nhà có phúc “tam - tứ đại đồng đường”; hoặc chuyện “đời vẫn đẹp dù ta đang solo” … của những chị đã góa bụa hay chưa bén duyên châu trần với chàng hiệp sỹ nào cả.

       Kế đến là việc “của ít lòng nhiều”! Lên kế hoạch thăm viếng, chia sẻ, làm việc thiện nguyện cho nơi này, nơi kia, loanh quanh trong thành phố. Thi thoảng bàn chuyện hẹn hò, dắt díu nhau đi du lịch đâu đó …  trước khi chân run dạo khúc slow, mắt mờ mờ sương khói sau lăng kính màu xám, tai nghễnh ngãng … nên thường kéo theo âm thanh “cung bật cao” khi trò chuyện với nhau mà điệp từ chủ yếu là “hả, hả?” , “gì đó?”,  “cái chi ?” … thì thật là đáng thương. 

       Cơn mưa vừa dứt, các chị đã lục tục rời nhà, họ xuất hiện lần lượt ở nhà chị Hạnh. Có chị rón rén vào nhà làm vỡ tiếng “Ồ!” của mọi người. Có chị thì ồn ào ngay ngoài cổng, có chị  vừa gỡ giày ngoài mái hiên, vừa léo nhéo chào hỏi mọi người …

       Bên này tụm năm, góc nhà kia tụm bảy … râm ran trò chuyện, chọc phá nhau như bọn con gái tinh nghịch, hồn nhiên thuở nào.

       Trong bếp có vài chị lúi húi nấu nướng. Mỗi lần gặp nhau, thì nấu đổi một món ăn, vui vẻ phục vụ cho nhau, và không ngớt cảm ơn nhau vì được thưởng thức món ngon, của lạ mới được chế biến.

       Chiều nay mọi người gặp nhau sớm để xem hình của năm chị mới đi du lịch Châu Âu về. Chị Hạnh ôm ra bảy cuốn album, liến thoắng bảo:
       - Mình chọn ra,  rửa một phần hình mình chụp cho các bạn xem nè!      
       Họ chia ra, chuyền tay nhau xem hình. Ai cũng trầm trồ:
       - Cảnh đẹp quá! Thật tuyệt!
       - Lo dành tiền đi một chuyến Châu Âu mới mãn nguyện các bạn ạ.
       Bỗng một chị la thất thanh:
       - Aha!  Nhỏ Hạnh già rồi … sao… “chớp nhoáng” mà “ôm” nhiều anh quá dzậy? Trời ơi! Trẻ, già chi mi cũng tình tứ như rứa à! Coi tề: cả Tây đen, Tây trắng chi chi mi cũng không từ là răng hè ?!?
       Cả nhóm lăn ra cười ngắc nghẻo, rồi sục sạo tìm hình, “cáp đôi” chị Hạnh với những anh chàng xa tít mù khơi, mà có lẽ cả đời không gặp mặt lại. 
       Chị Hạnh cười toe, ánh mắt tinh nghịch bảo:
       - Phải thế chứ! Anh tài xế nổi tiếng dê nhất trong đoàn nè! Sợ gì?  Ôm luôn !
       - Còn đây lữ khách giống mình, anh Tây trắng bắt quàng làm họ, anh Tây đen bắt quàng làm bạn … vô tư thôi ! Dzui lắm các mệ à!
       Chị Ngân ngồi cười nắt nẻ :
       - Hạnh ghê lắm! Điệu nhất bầy!
       Chị Hạnh chẳng vừa châm chọc lại :
       - Ai như Ngân ấy, mang theo 27 kg hành lý, mà lẩn quẩn mặc có 3 bộ đồ hà?

       Trong khi chị Ngân hiền lành, ngồi cười khanh khách khi nghe chị Hạnh “tố khổ”  mình, thì một chị khác làm bộ làu bàu:
       - Ngân mặc xong, mang treo lên giá, hôm sau đổi qua, hôm khác đổi lại … mặc tiếp hớ ?!?  Nhiệt độ thấp quá nên quần áo có cứng vì dơ, nhưng yên tâm không bốc mùi đâu mà sợ ! …
       Thế là cả cả nhà cười vang. Sau này bị chất vấn, chị Ngân mới tiết lộ trong đó có 7kg là thức ăn rồi!

       Chị Ngân là thế! Rất chu đáo, đi chơi ở đâu dù có xa cách mấy thức ăn cũng không bao giờ hết! Cứ lên xe là chị lần lượt lôi từ từ, hết món này, đến món nọ ra cho cả xe cùng nhâm nhi, gậm nhấm liên tục, không để cho quai hàm nghỉ giải lao. Huống hồ chi, chuyến này đi chơi xa, dài ngày, nên sợ mọi người không hợp khẩu vị bên Tây, chị Ngân bèn “tàn trữ” thức ăn là phải ... “đạo hậu cần” rồi!

     Lúc dùng bữa chiều gần xong, chị Huệ kể chuyện “sống để bụng chết mang theo” của chị Hạnh cho cả nhà cùng nghe:
      -Trời lạnh cóng tay, Hạnh không mở dây kéo được, thế là la ơi ới trong restroom, làm mình cũng quýnh quáng lên vì Hạnh! …
      Cả nhà  hình dung cảnh tượng dỡ khóc, dỡ cười ấy mà
thương cảm! Không khí bỗng trầm lại, sau đó phá ra cười sặc sụa … khi nghĩ tới cảnh hai người bạn già lóng ngóng bên nhau, mở được dây kéo “trả nợ nước, cứu lấy thân” xong rồi mà kéo dây kéo lên không được nữa ... thì hỡi ơi! cái màn hai cảnh một này thật là oái ăm!
       Chợt cô la lên :
       -  Em có giải pháp tối ưu cho các chị nè!
       Các chị lớn tò mò,  hối :
      - Nói đi, nhỏ?
      Cô hóm hỉnh:
      - Khi nào đi chơi xa, mình “đóng bỉm cụ già” , thế là việc “cấp thiết” đó được giải quyết êm xuôi. Ở nước ngoài ticket vào restroom mắc lắm nha.
      Cả nhà cười ầm ỉ. Các chị gật gù :
      - Tìm ra chân lý rồi! Cũng nên chuyện đó nha! Cứ đóng bỉm sẵn, khi cần thiết thì dùng, không thì thôi. Mất gì hé ? Cứ thế mà đi chơi xa thỏa thích …
       Không khí vui nhộn hẳn lên, phá tan thoáng ưu tư lúc nảy.

       Dùng bữa xong, chị Huệ từ tốn giải thích địa danh từng tấm hình cho mọi người nghe. Chị kể rằng 22g rồi nhưng bên ấy trời vẫn sáng trưng! Thích nhỉ?
       - Ờ! Mà có tối thì mấy chị U60 nhà ta vẫn hăng hái dạo chơi thôi!  Tội tình chi chui vô khách sạn ngủ chứ ? Cứ tung tăng … overnight đi. Du lịch mà! Khi mô về nhà tha hồ ngủ!

       Các “kiều lão” ở nhà đồng tình:
       - Bỏ tiền ra đi du lịch, mà ngủ thì tiếc lắm. Phải tranh thủ ngắm cảnh, vui chơi, thưởng thức … cho “đáng đồng tiền bát gạo” chứ, hỉ ? Cho nên, muốn đi du lịch thì phải có đủ sức khỏe trước tiên.
       Đúng vậy các “kiều lão” ơi! Ai chưa biết Tu Hành thì mới “Gần đất xa Trời ”, còn chúng mình đã biết và tiếp tục TU HÀNH thì đừng để đến “Gần Trời xa Đất” rồi mới tính chuyện đi du lịch , uổng lắm! Này nhé !  Quần áo không chưng diện được vì “bể phọt” (hoặc là phất phơ trước gió, hoặc “lăn” mãi không đi vì quá nặng nề! ). Răng thì lổn nhổn mất trật tự chẳng đáp ứng  được việc thưởng thức của ngon vật lạ … Mọi thao tác sinh hoạt, đi đứng không theo kịp đoàn thì thật là phiền phức. Chưa kể, già nghễnh ngãng, “quên cả lối về” thì thật là tội nghiệp.

       Trời chuyển dần sang màu tím,  các chị lại đứng lên, thu dọn chiến trường. Người rửa dọn tô đĩa, kẻ lau chùi kệ bếp, xếp bàn, bưng ghế cất vào góc nhà, một vài chị còn tưng tửng pha trò, cả nhóm vừa làm vừa cười ngặt nghẽo.

       Những vị Tiên Ông cốt cách phi phàm do “đắc đạo làm chồng” lần lượt xuất hiện, đón quý phú nhân trở về sau tuần đàm đạo rôm rả, đánh chén phủ phê. Thế là tiếng nhắn nhủ, í ới, hẹn hò, từ giả lại vang lên.

       Có chị còn khỏe mạnh, tinh tường, thì vẫn “tự thân vận động”, lên xe máy, chở nhau, ai về nhà nấy, mang theo dư âm của những trận cười, của những lời hẹn gặp nhau ở một điểm thiện nguyện sắp tới với cả tấm lòng nhân ái.

       Cuộc sống này thật đáng yêu khi chung quanh ta có biết bao tri kỷ, tri âm. Những câu chuyện gặp gỡ vui vẻ bất tận của nhóm Nữ Sinh BTX cao niên này khiến cho lòng cô thêm ấm áp, mở hội yêu thương. Chẳng bao giờ họ cam chịu mình già cả.
      Phải chăng giá trị của cuộc sống không phải chúng ta có mức sống cao, thấp, thọ bao nhiêu lâu? Mà là chúng ta sống có ý nghĩa như thế nào trước cuộc đời đầy bất trắc, đầy cám dỗ mà vẫn giữ được sự thanh khiết, tử tế với mọi người chung quanh ta.

       Bỗng nhiên cô nhớ mấy câu thơ:
       Trăm năm trước thì ta chưa gặp!
       Trăm năm sau biết gặp lại không?
       Cuộc đời sắc sắc không không …
       Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau!

       Vậy đó.
       Lại qua một buổi họp mặt để tiếp cho nhau năng lượng yêu thương từ cuộc sống này. Cô chợt thấy mình thật Hạnh Phúc. Tình yêu cuộc sống luôn trỗi dậy, mạnh mẽ trong cô, khi cô biết rằng mình không đơn độc nếu như biết gắn kết cùng nhau.


                                  Lê Liên
                                  Dalat, cuối tháng 5/2013
READ MORE - HẠNH NGỘ - Tản mạn của Lê Liên

PHÓ LÊN TRƯỞNG - Truyện ngắn Bình Địa Mộc

Bình Địa Mộc (đứng bên phải)


Cuối cùng thì Phó Trưởng phòng Trần Văn Đẹt cũng lên được chức Trưởng phòng. Đương nhiên là thế; dĩ nhiên là vậy. Phó lên Trưởng mà. Trưởng phòng:Trần Văn Đẹt. Chao ôi là oách!

Tuy có hơi lâu, hơi nóng ruột một tí nhưng việc cất nhắc, đề bạt đưa Phó phòng Đẹt lên Trưởng phòng thay thế cho đồng chí Huynh về hưu là việc cần làm, phải làm của công tác tổ chức Cán bộ, nó thể hiện tính kế thừa và phát huy hiệu quả của chiến lược xây dựng đội ngũ, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đã được UBND huyện phê duyệt ngay từ ngày đầu thành lập phòng theo tinh thần chỉ đạo của huyện ủy.

Có điều, Đẹt vẫn còn ấm ức, vẫn chưa bằng lòng cho lắm! Bởi, tuy rằng đồng chí Huynh đã nhận Quyết định về hưu, đã chính thức ôm cặp táp bước ra khỏi cái phòng này rồi, đã ký tất tần tật các loại văn bản giấy tờ bàn giao lại cho Đẹt rồi nhưng hình ảnh, tác phong, cung cách làm việc của đồng chí ấy, thậm chí cả cái chỉ tay năm ngón nữa nó cứ hiển hiện quanh đây, cứ lãng vãng đâu đó như chính cô Dung, anh Quế, chị Màn nhân viên ngồi đằng kia, đứng góc nọ, ở chỗ nầy ... chứ không phải là tân Trưởng phòng cứ chập chờn ám ảnh Đẹt, khống chế Đẹt, cầm tay chỉ việc cho kĩ sư Đẹt.

Vậy, bắt đầu là từ cô Dung, Tổ trưởng tổ dự án. Đẹt mời cô ấy vào phòng và nói như ra lệnh:

- Cô mang tập tài liệu nầy ra đưa cho anh Quế rồi bảo cậu ấy vào gặp tôi.

Dung chưa vội lấy hồ sơ mà bình tĩnh kéo ghế ngồi xuống đối diện Sếp, nhỏ nhẹ:

- Thưa Sếp, em làm việc nầy thì cũng được thôi, nó giống như trước đây Sếp từng làm vậy, nhưng chẳng lẽ người nào ngồi vào cái ghế Trưởng phòng nầy rồi cũng lặp lại một phương pháp lãnh đạo giống nhau sao? Một phương pháp sáo rỗng, cũ mèm đến xơ cứng, bởi, tại sao Sếp không gọi thẳng anh Quế vào và trao đổi luôn, việc chi phải thông qua em, phải sai khiến con nhỏ nầy như một đứa ở đợ thời phong kiến chứ?! Thưa Sếp, Sếp học ở đâu cái kiểu Cán bộ quan liêu, mệnh lệnh ấy nói cho em biết để em còn bắt chước, biết đâu mai mốt ...

Nghe đến đấy, Đẹt đứng lên thay vì đập bàn như vị tiền nhiệm trước đây, mà bước bên bàn nước tự tay pha hai ly nước đem đến mời Dung và tâm sự:

- Dung ạ, cô nói đúng, trước đây tôi đã từng làm thế, như thế! Nhưng không nói như được như cô bây giờ, không gào lên và phê phán thẳng vào mặt Trưởng phòng như cô bây giờ, bởi vì, cô biết không, tôi cần cái ghế nầy, cần cái chức Trưởng phòng nầy, cần cái quyền lực nầy để thực hiện Dự án cải tạo đất phèn bằng phương pháp "bón vôi, một giải pháp canh tác bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long” ấp ủ hằng mấy năm rồi mà mỗi lần trình cho Sếp là Sếp gạt sang một bên, cô có biết vôi không chỉ đơn thuần là phân bón cung cấp dưỡng chất canxi cho cây trồng mà còn nhiều tác dụng nữa mà phân hóa học khác không có được, đó là: vôi ngăn chận sự suy thoái của đất; vôi khử được tác hại của mặn; vôi ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất; vôi phát huy hiệu lực của phân hữu cơ, phân vô cơ và thuốc diệt cỏ, cô biết không?!


Dung thật bất ngờ trước Phó phòng Đẹt, một phong cách lãnh đạo mới, một ý tưởng tuyệt vời nhưng tại sao lại phải đi sai khiến cô, trong khi cô cũng là Tổ trưởng, cấp chỉ huy dưới trướng của ông ta chứ, tại sao?...

- Dung ạ, tôi biết cô rất khó chịu khi bị tôi giao một việc không ra việc, một cách hành xử rất đáng trách của một Cán bộ trẻ như tôi, nhưng đây là phép thử đầu tiên của tôi đối với cấp dưới và không ai khác người đấy chính là cô, một ứng viên trợ lý đáng quý của mà sau nầy trước khi rời khỏi cái ghế nầy tôi sẽ trịnh trọng mời cô ngồi vào đấy chứ không phải như tôi hằng đêm ...

Ba ngày sau...

Trưởng phòng lại mời Dung vào làm việc, nhưng lần nầy khác trước, đúng người đúng việc hơn, Sếp dõng dạc:

- Đây là toàn bộ Dự án cải tạo đất phèn bằng phương pháp bón vôi mà tôi đã biên soạn, hôm nay, tôi giao lại cho Cô Dung- Kỉ sư nông nghiệp Phương Dung, cô tiếp tục nghiên cứu bổ sung thật khách quan, hoàn chĩnh hồ sơ để tôi còn trình UBND duyệt. Phấn đấu triển khai kịp tiến độ cho vụ Đông xuân sắp đến! Ông nói dứt khoát như ra lệnh.

Dung ngập ngừng:

- Nhưng thưa Sếp! Tôi, tôi... cũng sắp nghỉ việc rồi ạ. Đây, tôi trình đơn... Sếp xem và duyệt đi ạ!

Trưởng phòng không khỏi ngạc nhiên???...

Ông thoáng nghĩ: Chẳng lẽ việc gợi ý Dung làm trợ lý không đúng sao?... Ông xuống giọng hỏi lại:

- Sao thế?... Em phải nể tình anh ... vừa mới nhậm chức chưa được một tuần lễ mà em lại xin nghỉ việc, là sao??? Hay là anh, anh ...

Dung bình tĩnh từ tốn:

- Vâng, anh cũng chỉ là một Cán bộ! Sống và làm việc vì mục đích cá nhân thôi. Khi mà cái Dự án vôi kia thành công thì anh sẽ hiện nguyên hình là một ông Trưởng phòng chuyên sai vặt cấp dưới! Chẳng làm nên trò trống gì, bởi... anh không phải là người sống có lý tưởng Cách mạng. Người có lý tưởng Cách mạng là người sống và làm việc vô tư, khách quan, công tâm bất cứ việc gì, ở đâu, cương vị công tác nào đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không kêu ca phàn nàn, đặc biệt là không luồn lách, cúi xin để leo lên bằng được cái ghế Trưởng phòng kia. Anh thật sự không xứng đáng là Nhà quản lý...! Anh không xứng đáng. Chào anh!

Tân Trưởng phòng Đẹt ném tập Dự án vôi vào góc tường cái rầm, đổ người xuống ghế như cây chuối sao bão, lầm bầm "Đúng là tình đời bạc trắng như vôi"!

Ngày làm việc thứ mười của trưởng phòng Trần Văn Đẹt bắt đầu bằng tờ Quyết định - Quyết định thôi việc đối với nhân viên, kỉ sư Nông nghiệp Nguyễn Thị Phương Dung...

Hay thật!

Sài Gòn, ngày 24.05.2013
Bình Địa Mộc
READ MORE - PHÓ LÊN TRƯỞNG - Truyện ngắn Bình Địa Mộc

HỎI MÌNH - Thơ Hoàng Yên Lynh

Hoàng Yên Lynh


Chiều ra quán đếm người qua phố
Đếm buồn vui trên những mặt người
Đếm thời gian tàn phai tóc úa
Ly rượu buồn váng vất vành môi.
Rồi cũng hết trăm năm trôi nổi
Lối đi về vó ngựa tàn hơi
Thuyền lạc hướng tìm đâu bến đổ
Đời lênh đênh sóng dập muôn trùng ...
Chiều ra phố thu mình quán nhỏ
Đi với đời sao lạc lối bơ vơ
Giấu bao điều thơ viết chẳng thành thơ
Xin gởi lại ngàn năm sao cõi nhớ.
Chiều xuống phố ngỡ mình thân lính thú
Lối đi về mòn gót tha hương
Đời lưu lạc ngậm ngùi giấc mộng cũ
Chuyện được thua oằn nặng tấm thân gầy.
Chiều ra phố thèm làm tên mất trí
Không ngày xưa và không cả ngày mai ...
Ta hỏi mình ta lại là ai?

HOÀNG YÊN LYNH
hoangmylinh@live.com
READ MORE - HỎI MÌNH - Thơ Hoàng Yên Lynh

Thơ Lê Hoài Phương - NGƯỜI ĐI - LẼ BÓNG




NGƯỜI ĐI

Người đã đi rồi lệ thắm rơi
Ngàn thu cách biệt khuất chân trời
Nhớ nhung ngày cũ yêu đương nói
Ly biệt giờ đây giận dỗi lời
Nuối tiếc mi sầu xa xót phận 
Đau thương môi mặn đắng cay đời 
Bâng khuâng bước nhỏ âm thầm đếm 
Người đã đi rồi lệ thắm rơi

Berlin, 22-5-2013


LẼ BÓNG

Lặng lẽ nơi này lặng lẽ tôi
Trắng đêm thao thức trắng đêm thôi
Đông qua tuyết rụng đông qua đấy
Hạ đến sương tan hạ đến rồi
Bà Nguyệt nhầm duyên bà Nguyệt hỡi 
Lão Tơ lạc phận lão Tơ ôi
Người vui chốn ấy người vui nhé 
Lặng lẽ nơi này lặng lẽ tôi

Berlin, 23-5-2013
LÊ HOÀI PHƯƠNG
READ MORE - Thơ Lê Hoài Phương - NGƯỜI ĐI - LẼ BÓNG

Thơ Võ Văn Hoa & Võ Văn Luyến trên tạp chí Cửa Việt tháng 5 - 2013

Võ Văn Hoa và Võ Văn Luyến


Thơ Võ Văn Luyến

MAI SAU

Mai sau nếu anh nghĩ lại
Chắc không như anh bây giờ
Em ơi, em đâu có biết
Thời gian xoá dấu không ngờ
Mai sau nếu anh làm lại
Chắc không như anh bây giờ
Cuộc sống mến yêu ban tặng
Mà anh quá đỗi ơ thờ
Mai sau nếu anh yêu lại
Chắc không như anh bây giờ
Làm thằng con trai trắc nết
Thậm thình đến mấy nàng...thơ.


MƯA ĐAKRÔNG

Cơn mưa đưa tôi về Đakrông
Thấp thoáng bóng ai dưới cây xanh
Thì thầm điều chi mà lá vẫy
Đất dậy hương sắc đỏ viên thành
Mưa mềm như mắt môi của rừng
Như vạt tóc đẫm chiều sương khói
Như câu hát níu ngàn sau ở lại
Nhịp rung ngân con sóng phù sa 
Mưa miên man kể chuyện ngày xưa
Người Pakô – Vân Kiều đánh Mỹ
Môn thục, rau rừng thay cơm trừ bữa
Lòng kiên trung trong gian khó bao mùa
Ôi cơn mưa dệt gấm thêu hoa
Trên sắc áo chàm đón ngày vui mới
Trên nụ cười hân hoan như tiệc cưới
Rộn lòng tôi. Đakrông, Đakrông…
                    15/11/2010
                     VVL


Thơ Võ Văn Hoa

BÂY GIỜ TÓC ĐÃ GIÓ SƯƠNG

Bây giờ tóc đã gió sương
Cầm tinh con ngựa tơ vương bụi hồng !
Ngàn sau mây nước tang bồng
Đường đi dễ mấy Hòn Chồng chơ vơ ...
Bây giờ có gã làm thơ
Gió sương đã trải bến bờ nhân duyên !
Mô tê răng rứa lời nguyền
Trăm năm đồng vọng sao quên nẻo về ...


CHỚP BỂ


Người đi rừng nhìn từ phía bể
Nhà nông nhìn tổ kiến trên cao
Anh yêu em nhìn từ đôi mắt
Tinh cầu nào ở cuối trời sao?

Mưa nguồn, trong anh có từ chớp bể
Có mùa xuân vàng trắng bao giờ!
Ta đã đi qua những ngày như thế
Xuôi về em năm đợi tháng chờ.

Tượng đài trong em xây bằng vỏ ốc
Ta sơn nhân gió lộng trăng ngàn
Em hoang hoải trên thuyền độc mộc
Ta tìm về ánh chớp một dung nhan...

VVH
READ MORE - Thơ Võ Văn Hoa & Võ Văn Luyến trên tạp chí Cửa Việt tháng 5 - 2013

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO LÀ MỘT TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - Nguyễn Tài Lương (Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị)


Trích từ tập san HOA ĐẦU MÙA số 15
của phòng Giáo dục - Đào tạo
huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.


Như chúng ta đã biết: Giáo dục là hành vi có ý thức của con người nhằm truyền lại những kinh nghiệm sống của thế hệ trước, của những người đi trước đối với thế hệ sau, những người đi sau để tồn tại và phát triển. Bởi vậy ở bất kỳ thời đại nào của lịch sử loài người đều cần có giáo dục. Song giáo dục bao giờ cũng mang tính thời đại và in đậm dấu ấn của dân tộc.

Mặt khác, giáo dục là hoạt động có hành vi rộng lớn với nhiều chủ thể và khách thể khác nhau, đan xen vào nhau, tác động qua lại trong mối quan hệ biện chứng của quá trình phát triển. Trong mối quan hệ biện chứng ấy đặt ra cho người thầy những trọng trách cá nhân của một nghề nghiệp, của một sự nghiệp đối với xã hội rất nặng nề và cũng vô cùng vẻ vang.

Tuy vậy, không phải bất kỳ thời điểm nào, dân tộc nào cũng coi trọng vị thế người thầy và tôn vinh nghề dạy học. Những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, một số nước chưa coi trọng sự học nên bạc đãi với người dạy học, hoặc chưa có những chính sách thỏa đáng đối với giáo dục nói chung và nghề dạy học nói riêng.

Trước tình hình đó, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo họp tại Vac-sa-va, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan vào tháng 8/1957 và đã ra một bản Hiến chương, đồng thời quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo (trong đó có đại diện của Công đoàn Giáo dục Việt Nam) nhằm tôn vinh nghề nghiệp cao quý của các nhà giáo trên toàn thế giới. Như vậy việc tôn vinh nghề dạy học đã trở thành vấn đề quốc tế.

Gần nửa thế kỷ qua, nhất là những năm cuối của thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, khi mà nhân loại bước vào thời kỳ nền kinh tế tri thức thì dân tộc nào cũng coi trọng phát triển sự nghiệp giáo dục. Mặc dù một số nước không nhắc lại lời kêu gọi bất hủ của Lê Nin “Học, học nữa, học mãi” nhưng sự thật thì việc học cũng đã trở thành nhu cầu chung của toàn nhân loại.

May mắn cho mỗi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một đất nước có nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo, một truyền thống lâu đời, hiếm có trên thế giới. Từ xa xưa, tổ tiên ta đã quan niệm:

“Nhất tự vi sư, bán tự sư,
Quân vương tự cổ thị tôn sư,
Tôn sư trọng đạo vi hành đạo
Hữu địa, hữu nhân, tất hữu sư.”

Tạm dịch: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, vua quan từ xưa đều trọng thầy, có trọng thầy, trọng lẽ phải mới làm theo lẽ phải, theo chính nghĩa, có đất, có người ắt có thầy (đạo ở đây không phải là tôn giáo mà là con đường chính nghĩa, là lẽ phải).

Đây là một quan niệm rất đúng đắn, đánh giá đúng vị thế người thầy. Làm nên truyền thống tốt đẹp đó phải khẳng định những nhà giáo chân chính từ ngàn xưa không ngừng tu thân, trau dồi phẩm chất, góp phần làm rạng rỡ thêm vị thế người thầy.

Một Lý Vạn Hạnh - một nhà sư và là một nhà giáo nặng lòng với sự thịnh suy của đất nước, nên đã dày công bồi đắp tài đức cho Lý Công Uẩn để rồi trở thành một vị vua mà nổi tiếng với “Chiếu dời đô”; không phải gần đây nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội người ta mới nhắc nhiều đến công lao của sư Vạn Hạnh, mà hình ảnh của ông đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Người Việt Nam mãi mãi tôn vinh và tự hào nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292-1370) không chỉ ở sớ “thất trảm” nói lên tâm huyết và dũng khí của người thầy đối với “quốc gia đại sự” mà còn là một nhà giáo tài ba:

“Học hải hồi loan tục tái thuần
Thượng trường Sơn Đẩu đắc tư nhân”.

Đây là hai câu thơ của Trần Nguyên Đán ca ngợi Chu Văn An khi người vào kinh dạy học (Biển học xoay vần nhằm biến phong tục trở nên thuần khiết, trong sáng; Trường cao có thầy tài giỏi như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu, thật đáng tự hào).

Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những nhà giáo mà hội tụ ở họ một cốt cách quý giá đó là lòng yêu nước thương nòi, hết lòng vì học sinh thân yêu, trọng đạo lý, nhân nghĩa, ghét cái ác, tôn thờ cái thiện và theo đó là một đức tính quả cảm. Có thể nêu những gương nhà giáo như: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909)… cũng đủ minh chứng cho những vấn đề nêu trên.

Ở thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà giáo với những triết lý sâu sắc về những phương pháp dạy học, định hướng cho quá trình phát triển giáo dục nước nhà. Người đã từng trực tiếp dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi rời tổ quốc đi tìm đường cứu nước với cái tên trìu mến và kính trọng: thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Ngày nay, trong xu thế phát triển chung, nhất là khi phấn đấu thực hiện CNH-HĐH đất nước, Đảng ta xác định “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu” và chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát là: Đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, chất lượng giáo dục được nâng lên một cách toàn diện. Với quan điểm và định hướng đó, thiết nghĩ vị thế người thầy chắc chắn vẫn được xem là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. Càng coi trọng phát triển Giáo dục và Đào tạo bao nhiêu, thì càng coi trọng vai trò của nhà giáo bấy nhiêu. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS”.

Chúng ta nhận thức đầy đủ rằng mối quan hệ giữa vị thế của nghề dạy học và vị thế của người dạy học là mối quan hệ nhân quả; bởi lẽ khi xã hội tôn vinh nghề dạy học thì cũng đặt ra những yêu cầu cao với người dạy học. Người dạy học phấn đấu rèn luyện phẩm chất và năng lực sư phạm theo gương các nhà giáo tiền bối, những nhà giáo cách mạng tiêu biểu thì đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Cũng cần nói thêm: cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo không còn phù hợp với tính chất chung của nhiều nước mà nguyên nhân cơ bản là quốc gia nào muốn phát triển đều phải coi trọng phát triển giáo dục. Đặc biệt khi mà cả nhân loại bước vào thời kỳ phát triển nền kinh tế tri thức. Như vậy không kỷ niệm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo là không phải không coi trọng nhà giáo mà ngược lại. Việc tôn vinh nghề dạy học, người dạy học mỗi quốc gia có những cách thể hiện khác nhau, phụ thuộc vào truyền thống của mỗi dân tộc. Dẫu rằng nghề nghiệp là sự phân công tự nhiên của xã hội chăng nữa thì nhà giáo vẫn có vị thế đặc biệt, không thể không coi trọng họ được.

Ở Việt Nam, từ năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày tháng không thay đổi, nhưng ý nghĩa và tên gọi của nó đã thay đổi hoàn toàn. Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành ngày hội không chỉ riêng của nhà trường, của thầy và trò mà thực sự là ngày hội của toàn dân.

Hàng nghìn năm qua, biết bao biến đổi trong quá trình phát triển của đất nước, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo luôn luôn được phát huy một cách tốt đẹp. Truyền thống đó đã trở thành một điểm sáng trong cốt cách Việt Nam.

Nguyễn Tài Lương
READ MORE - TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO LÀ MỘT TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - Nguyễn Tài Lương (Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị)