Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 10, 2014

NẮNG HÈ LÃNG ĐÃNG - thơ Hùng Vĩnh Phước




Ta đứng giữa trưa hè nước Mỹ
nghe ve kêu trong ký ức nhạt nhòa
bông phượng đỏ và chút buồn nho nhỏ
đã theo ai về một phương trời xa.

Màu nắng bỗng giống màu mực lưu bút
chắc có người mang theo lỡ khi cần
ta ích kỷ, một mình ta giấu biệt
một kho tàng gồm lắm thứ bâng khuâng.

Giờ cũng vậy mà mai kia cũng vậy
chẳng ai dại gì gìn giữ rong rêu
riêng mình ta mong được nghe thấy lại
những xa xưa mai mốt sẽ tiêu điều.

Nghe một chút mơ hồ thôi cũng được
giọng học trò và tiếng guốc khua vang
Thấy một chút sơ sài thôi cũng được
mái tóc thề và nón lá che  nghiêng.

Ôi cái nắng trưa hè nước Mỹ
sao lại ray rứt cái nắng quê nhà
ta gói nỗi niềm gởi về Quảng Trị
cộng chút ngậm ngùi của nắng bên ni.

Nắng như nắng của trưa Thạch Hãn
mà sao không thấy bóng Nguyễn Hoàng
có phải gót son trường lớp cũ
đã phai tàn theo lớp nắng thời gian?

                        Hùng Vĩnh Phước

READ MORE - NẮNG HÈ LÃNG ĐÃNG - thơ Hùng Vĩnh Phước

EM GÁI ĐÔNG-HÀ - thơ Huy Uyên



                   (Thân tặng Hùng VP)

Khi trời sang chiều bơ vơ đầu chợ
ai đi mà bỏ lại đò xưa
con sông Đông-Hà ầm ào sóng vỗ
nhớ da diết ai
chia tay mãi đến bây giờ.

Ngã ba đường 9 thoáng đìu hiu
ngày giêng hai bập bùng đạn lửa
nước mặt xoay quanh nhỏ giọt trăm chiều
lệ đổ ruột chín chìu nhung nhớ.

Về lại ngã-ba-cầu-ga từ thuở
bến bờ xa khuất mấy dòng sông
nước chảy ngược lên Đầu-mầu, Cam-lộ
nhớ chuyện ngày xưa máu chảy xót lòng.

Em gái quê từ buổi mất Khe-sanh
bỏ Lao-bão,Tà-cơn chìm sầu từ độ
mây trôi bơ vơ mãi tận Đông-giang
người đi rồi sao quá buồn ơi Đông-lễ.

Thôi em gió Lào xuyên sầu mùa hạ
thổi tóc người bay dạt tới Khe-mây
nơi em bắt đầu từng con khe suối đổ
em có xuyến xao tim thương nhớ một người.

Em có một lần về ơi Như-quỳnh
gởi tiếng hát theo phố trôi cùng gió
bao nhiêu năm người từ biệt miền Trung
đi xa rồi mà có gởi tình còn ở lại.

Trao tặng em cành lan-hồ-điệp
đi quất quanh mấy dãy phố Đông-hà
đứng trên cầu Đông-hà mà nhìn sông hát
bên chợ chiều sắc-nắng-vàng-pha.

Từ em đi phố thị Đông-hà
ký-ức xưa trào dâng cuối phố
thôi hết rồi vùng kỷ-niệm muôn hoa
phút bên người
đi qua một thời xa cũ.


                             Huy Uyên
READ MORE - EM GÁI ĐÔNG-HÀ - thơ Huy Uyên

Thơ Phạm Bá Nhơn - THƯƠNG VỀ XÓM NHỎ, CHIẾC LÁ RƠI, NGƯỜI VỀ PHỐ THỊ

Phạm Bá Nhơn (bên phải) và Võ Văn Hoa bên hồ Khe Chè, Hải Lăng, Quảng Trị


THƯƠNG VỀ XÓM NHỎ

Thuyền ai đang đậu phía bên sông
Hỏi có sang đây hãy chở cùng
Tiện bước tôi về thăm xóm nhỏ
Từ lâu người vẫn mõi mòn trông

Tôi thả hồn theo ngọn gió đông
Bầy trâu gọi nghé ở trên đồng
Giữa lòng chạnh nhớ chiều lá rụng
Dạo ấy trao em một đoá hồng

Nét mặt thẹn thùng em bảo: Không!
Bàn tay khép nép má thêm hồng
Giây phút ban đầu hơi lúng túng
Âu yếm nhìn nhau chút ngại ngùng

Tôi ngỡ rồi dây những tháng ngày
Cuộc đời nối tiếp tuổi thơ ngây
Gởi hồn một nửa cùng xóm nhỏ
Một nửa tang bồng mộng gió mây

Đò gác mái chéo buổi chợ tan
Cánh chim phiêu bạc khắp non ngàn
Người đi xóm nhỏ buồn man mác
Ước mộng ngày xưa sớm vội tàn..


CHIẾC LÁ RƠI

Chẳng hay ngọn gió nào xua tới
Thổi nhẹ bên hè lá rụng rơi
Ta nghe thoang thoảng mùi hương lạ
Mỗi chiều khi dạo bước rong chơi

Em đụng vào tôi chạm cuộc đời
Đôi dòng xuôi ngược lửa đang khơi
Bùng lên tận đỉnh cao vời vợi
Lan toả qua hồn xác tả tơi

Tiếng trống trong tim dục mấy hồi
Khua lòng rạo rực quá đi thôi
Một mai dòng nước chia đôi lối
Đáy cạn sông trơ vạt cát bồi

Tôi vẫn mơ tìm chiếc lá rơi
Nơi đâu ngọn gió thổi ngang trời
Ai về qua ngỏ ai ngóng đợi
Chiếc lá xưa ơi của một thời.
                                                01/10/2012


NGƯỜI VỀ PHỐ THỊ

Tôi là kẻ ở đất quê xa
Ý chí bôn ba tính thật thà
Gác mộng thanh xuân tìm phố thị
Mang thân tần tảo chốn phồn hoa

Ngày ấy khi xa bỏ bến bờ
Vào đây xứ lạ tuổi ngây thơ
Mẹ già bạn cũ ôi nhớ quá
Thương xót đàn em vẫn đợi chờ

Tôi bỏ người đi thuở mới yêu
Dẫu chưa tha thiết nhớ nhung nhiều
Nhưng nơi phố mỗi mùa trăng đến
Lòng vẫn mơ về chốn cô liêu

Tiễn tháng năm qua khép vạn ngày
Bao lần bững tỉnh những cơn say
Đời như con nước theo dòng chảy
Khôn lớn lúc nào chẳng có hay

Cũng đã dần quen với xứ này
Bằng lòng tất cả ở nơi đây
Đôi khi mỗi sớm vừa thức dậy
Là lúc trong tim nỗi nhớ đầy


04/10/2012
READ MORE - Thơ Phạm Bá Nhơn - THƯƠNG VỀ XÓM NHỎ, CHIẾC LÁ RƠI, NGƯỜI VỀ PHỐ THỊ

Thơ Chu Vương Miện - QUẢNG TRỊ, MƯA MAU




QUẢNG TRỊ

mơi này tóc bạc lẫn da mồi
về lại làng xưa chả có ai
gió cát khó nghèo vườn mé ruộng
dàn hoa thiên lý chết khô rồi
ghé lại Trung Yên chiều thu muộn
bên bãi tha ma dải đất bồi
đi qua lát nữa qua Mỵ Thủy
thùy dương bãi sóng gió Lào nguôi
thơ ngây mấy thủa qua 3 bến
mận trắng Đạo Đầu nắng nguôi ngoai
hàng cau loang lổ thân cằn cỗi
đào lý còn chăng gốc hả người
bạn cũ thầy xưa vùi gió cát
Qui Thiện Hành Hoa thủa thiếu thời
lũy tre còm cõi Tri Bưu đó
sót lại trong đầu tiếng mõ rơi
hoa soan rụng tím bên cửa tả
Châu Ô cận lục đất Chiêm Hời
Khe Sanh Lao Bảo xa ngai ngái
ta về nhòm lại mấy bụi gai
nh sau trước là sau trước
mình đã lạc nhau quá nụ cười
không rõ mơi sau còn hạnh ngộ
bên bếp lửa chiều kiếp tơì em ơi .


MƯA MAU

vẫn con đường Quang Trung ngày 2 buổi
vẫn gặp nhau ừa mà vẫn gặp nhau
1/2/3 năm chuyển dơì nơi khác
rồi xa nhau như chim bỏ mái lầu
sau đó thì anh đi vào lính trận
nhớ hoài nhưng núi cả rừng sâu
gió Hạ Lào dồn về La Vang Thượng
Phước Môn Trường Sơn đục 1 mầu
sông Thạch Hãn lầm lỳ trôi về cửa Việt
Bích La Bồ Bản lũy tre bầu
thời chiến chinh ai mà quên lãng
trời sóng vàng qua 1 trận mưa mau
giờ già nhởn nhơ ngôì nghĩ lại
thời gian ơi gửi đó một cơn sầu
dù chểnh mảng theo giòng đời ô hợp
nhưng trong lòng khuôn mặt chả phai đâu ?

chu vương miện
READ MORE - Thơ Chu Vương Miện - QUẢNG TRỊ, MƯA MAU

Truyện ngắn CHIẾC BÌNH VÔI - Nguyễn Bá Trình

         


      Câu chuyện chiếc bình vôi và hai anh em nhà nọ, nghe qua giống như chuyện cổ tích.

Mà đúng là chuyện cổ tích đời nay thật.

Chuyện thế nầy…

Hai anh em nhà nọ được cha mẹ để lại năm mẫu ruộng và năm sào thổ cư. Sau ngày  đất nước thống nhất, ruộng  được đưa vào hợp tác xã. Còn đất thì hai anh em chia nhau ra làm nhà và trồng trọt. Thời bao cấp cuộc sống quá khó khăn. Năm sào đất không dủ để nuôi sống hai gia đình. Vậy là người em tự nguyện ra đi tìm đất sinh sống. Người anh ở lại quản lí và canh tác toàn bộ khu vườn cha mẹ để lại. Trước lúc ra đi người em chẳng đòi hỏi  gì  cả. Chỉ xin đem theo chiếc bình vôi của mẹ để lại. Người em nói:

- Xa quê ngái cảnh, không biết lúc nào về được. Cũng nhớ mồ mả ông bà tổ tiên. Đem theo chiếc bình vôi xem như có mẹ bên cạnh.

Người em thật bất ngờ khi nghe anh nói:

-Chú Thái bên xóm thích, tôi đổi cho chú ấy để lấy một chậu mai rồi.

Trời đất! Di vật của mẹ để lại sao anh ấy lại đem cho người ta. Người em nghĩ vậy nhưng không nói ra. Người em sang nhà ông Thái  nói vơi ông ta:

-Chú cho tôi xin lại cai bình vôi của mẹ tôi. Ra đi lần nầy không biết lúc nào mới về thăm quê. Tôi muốn đem theo cái bình vôi như một kỷ niệm những ngày mình được sống bên cha mẹ.

Chú Thái nói:

-Tôi đổi một cây mai tứ quý cho anh Hai bên nhà đấy.

Thấy bảo anh Hai trả lại cây mai cũng phiền, người em nói:

-Thôi anh định giá cây mai bao nhiêu, cho tôi hoàn lại.

-Cây mai nầy cũng trên cả mười năm rồi. Thôi chú Ba đã nói như vậy thì trả cho tôi hai chục ngàn cũng được.

Đến hai chục ngàn! Tiền đâu mà mình có? Người em đành bỏ quyết định chuộc lại chiếc bình vôi. Nhưng người em vẫn kể chuyện ấy lại cho vợ nghe. Người vợ biết tính chồng. Nếu không mua lại chiếc bình vôi ấy thì chồng chị sẽ buồn lắm. Chị  sang nói với ông Thái cho chị chuộc lại  chiếc bình vôi nhưng xin đưa trước một nữa.  Còn lại nhờ trời vào Nam làm ăn khấm khá chị gởi ra trả tiếp. Ông Thái bằng lòng.



Trước ngày gia đình người em lên đường, người chị dâu thấy không có gì cho, chị bèn

chạy sang mấy gia đình hàng xóm vay mượn mỗi người một ít. Cuối cùng chị cũng cho được gia đình em chồng mười hai cân gạo và mấy chục ngàn đồng.

  Sau khi người em đi rồi, người anh kiềng riềng vợ: Gia đình mình đây, ngày mai cũng chưa biết lấy gì bỏ vào miệng mấy đứa nhỏ. Cô đi vay đi mượn khắp người ta như vậy lỡ gia đình mình gặp chuyện gì bất trắc biết vay mượn ai được nữa. Đó là chưa nói không biết  mình có trả nổi cho người ta nữa không đây.

Người vợ nói:

-Thì nhà cửa đất đai chú ấy đã để lại cho ta rồi đó. Chú ấy ra đi, mình phải có gì cho chú ấy chứ. Hơn nữa chú ấy mang theo cả bầy cháu. Đến nơi rừng thiêng nước độc lúc đầu cũng phải có gì cho mấy đứa nhỏ nó ăn chứ.

Người chồng nghe vợ nói vậy thì làm thinh. Trong lòng anh ta cũng mong sao cho người em làm ăn khá để khỏi trở về đòi lại ruộng đất.



   Vào một buổi sáng mùa đông, trong cảnh đói rét của miền Trung thời kỳ bao cấp, gia đình người em lên tàu đi về miền Nam. Dự định của họ là lên vùng núi Phước Long để phá rừng làm rẫy. Dù họ cũng biết đây là vùng rừng thiêng nước độc  do nhiều người từng đến lập nghiệp trước ở đây kể lại.

Trên chuyến tàu người em cảm thấy buồn. Không biết lúc nào anh mới trở về thăm lại quê hương. Anh lục thùng đồ lấy chiếc bình vôi ra ngắm. Sợ nó bị sứt mẻ anh đã gói vào trong hai lớp áo quần rách. Chiếc bình vôi đất nung của mẹ để lại lâu ngày trơn láng một màu đen chì. Anh nhớ mang máng hồi còn nhỏ nó có mầu đỏ của đất sét mới nung. Không biết chiếc bình vôi nầy mẹ anh mua từ lúc nào, nhưng lên khoảng năm tuổi thì anh đã nhận ra nó. Bây giờ anh đã trên bốn mươi tuổi. Vậy thì chiếc bình vôi nầy có số tuổi phải bốn mươi năm trở lên. Biết đâu không phải là của bà nội anh để lại? Vậy thì có thể nó lên đến một trăm tuổi hơn không chừng. Có một điều lạ, là nó cùng với anh đã trải qua hai cuộc chiến tranh. Theo ba anh kể lại thì gia đình anh thay đổi chỗ ở tất cả mười sáu lần. Trong đó có ba lần cháy nhà. Ở trọ nhà người khác cũng phải đến bảy tám nhà. Thế mà nó vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Chiếc bình vôi chứ đâu phải là vật gia bảo mà đi đâu ba anh cũng ôm khư khư bên mình. Cũng nghe  cha anh kể thì ông nội anh là người tương đối giàu có trong vùng. Nên khi ông nội mất  cha anh được thừa hưởng,  ngoài năm mẫu ruộng, năm sào rưởi đất thổ, vàng bạc không nghe nói đến, nhưng tài sản linh tinh thì rất nhiều. Riêng chén bát thuộc loại gốm sứ cổ cũng chôn đến cả một hầm. Chiến tranh qua rồi. Bao nhiêu tài sản cũng tan tành theo. Thế mà chiếc bình vôi lại vẫn còn. Cái mầu đen tuyền của chiếc bình vôi là kết quả của ít nhất ba lần thiêu nung trong ba ngôi nhà bị cháy! Vậy thì lí giải sự tồn tại của nó sao đây? Câu hỏi nầy người em mới đặt ra bây giờ, trên chuyến tàu nầy ngay sau khi anh lấy cái bình vôi từ trong gói xách ra để ngắm nghía. Hồi còn nhỏ  anh không để ý. Lớn lên, lo vật lộn với miếng cơm manh áo. Giờ, người em mới có dịp nghĩ tơi. Nhưng không có ai để hỏi. Chỉ còn lại người anh cả trong gia đình là có tuổi đời lớn hơn. Nhưng người anh xem ra cũng là người vô tâm. Anh ấy đã đem chiếc bình vôi nầy để đổi lấy một chậu mai thì trong lòng người anh, nó chỉ là một cục đât nung chẳng có ý nghĩa gì cả. Phải chăng chiếc bình vôi cũng có định mệnh như một kiếp người? Nói vậy, nghe huyền hoặc quá. Người em chợt nghĩ ra một cách lí giải: Có thể chiếc bình vôi nầy đối với người cha của anh nó cũng mang một ý nghĩa giống như đối với anh bây giờ. Nó là di vật của mẹ để lại. Nghĩa là chiếc bình vôi nầy có từ thời bà nội! Vậy là tuổi của nó phải trên một trăm. Nếu vậy thì thật là may mắn, người em nghĩ. Không phải anh vô tình được một món đồ cổ mà  may mắn là nó đã không bị người anh bán đi như một đồ cổ. Miệng chiếc bình, vôi tấp lên năm tháng đã nhô ra thành cái vòi. Một cái vòi bằng vôi khô rất giòn thế mà qua bao va chạm nó vẫn không bị gãy cũng là một điều lạ. Người em còn nhớ, hồi nhỏ mẹ anh  đi chợ về thương mua một cục vôi bệt vào lá trầu, rồi mẹ bắt anh phải nhét hết vôi vào bụng bình. Miệng bình thì nhỏ mà vôi lại dẻo, anh phải dùng mút đũa vót nhọn, nhích mỗi lần một ít để đưa vôi vào  bình. Do thế mà vôi cứ dính tèm hem chung quanh miệng bình. Mỗi ngày một ít làm cho miệng bình nhô ra thành một cái vòi. Hồi đó miệng đứa nhỏ nào trong xóm  mà môi dỉnh ra thì bị anh trêu là miệng bình vôi.

 Nhìn cái bình vôi, những kỷ niệm  ấu thơ chợt trở về làm người em nhớ những ngày sống hạnh phúc bên mẹ.

-Cái bình vôi đẹp quá! Anh cho tôi xem một chút được không?

Người em đang miên man những kỷ niệm về chiếc bình vôi chợt có ai đó đứng bên cạnh hỏi.

Người em nhìn lên. Một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc khá sang trọng đến đứng cạnh anh từ lúc nào. Người em nhớ ra. Người đàn ông nầy ngồi ở dãy ghế cùng hàng phía bên kia. Anh đưa chiếc bình vôi cho người lạ xem. Ông ta ngắm nghía. Xem xét phía nầy phía kia rồi lật đáy chiếc bình vôi ra xem tỉ mỉ.

Người em lấy làm lạ hỏi:

-Chiếc bình vôi có gì lạ không ông anh.

Người đàn ông lại khen: Đẹp quá.

Thật ra đối với người em chiếc bình vôi nầy cũng gần giống những chiếc bình vôi khác mà anh có dịp thấy. Đối với anh nó được quý bởi một lí do khác.

Người đàn ông trả chiếc bình vôi lại cho người em rồi  bắt chuyện. Ông ta hỏi:

-Anh đi đâu mà mang theo cả gia đình vậy?

-Tôi vào Nam lập nghiệp

-Anh định đến vùng nào?

- Phước Long.

-Ừ trên đó nếu có sức  khai phá để trồng điều hoặc cao su. thì có tương lai lắm.

Ông ta lại nói:

-Nhưng trên vùng đó khí hậu độc lắm.

-Chỗ nào núi non mà khí hậu không độc. Biết vậy nhưng cũng phải ra đi. Ở nhà làm việc kiệt sức mà không kiếm đủ miếng ăn.

Người lạ chợt nhìn qua bầy con  của người em. Đứa nhỏ nhất chừng một hai tuổi mẹ nó đang ôm ngủ trên tay.

Người đàn ông có vẻ quan tâm:

- Lên đó nếu khỏe mạnh anh cũng phải làm việc mất nửa  năm đầu mới có cái để thu hoạch. Ra đi anh có chuẩn bị cho thời gian nầy không?

-Có gì đâu mà chuẩn bị? Cứ đi đại. Người ta sống được mình sống được.

-Vậy thì anh có thể bán chiếc bình vôi nầy cho tôi để có thêm một khoản chi tiêu không?

À ra là vậy. Người em nghĩ: Lão nầy muốn mua chiếc bình vôi mà nói đà nói đậy như thế. Mình cứ lấy làm lạ, sao ông  ta lại quan tâm đên mình như vậy. Nhưng người em cũng ướm thử:

-Ông anh có thể mua với giá bao nhiêu?

-Ít ra anh cũng đủ chi tiêu cho cả nhà trong sáu tháng đầu khi anh chưa thu hoạch được gì.

Người em lần nữa lại ngạc nhiên:

-Chi tiêu cả gia đình đến sáu tháng?  Ông anh không biết gia đình tôi có đến sáu miệng ăn đây. Chỉ tính đến việc ăn cơm với muối rang, sáu tháng cũng phải tốn bao nhiêu tiền không?

Người đàn ông trả lời một cách tự tin về sự tính toán của mình:- Thì đã sao.

 Vợ  người em chợt  thức giấc qua cơn ngủ gật. Chị nhìn người đàn ông lạ đang đứng nói chuyện với chồng. Hình như câu chuyện của hai người đàn ông, qua tiếng động ầm ầm của tàu lửa, chị vẫn nghe lõm được và bắt đầu quan tâm.

-Anh thử tính sơ đi. Người em nói với người đàn ông lạ.

-Trong sáu tháng, gia đình anh  ăn tiêu giỏi lắm cũng không tới ba trăm ngàn đồng. Tất nhiên ăn theo kiểu cơm với muối như anh vừa nói ấy mà.

Lần thứ ba người em ngạc nhiên:

-Ông anh có thể mua chiếc bình vôi nầy tới giá đó sao? Có phải ông anh là người buôn đồ cổ không?

-Không phải. Tôi không sành về đồ cổ. Hơn nữa niên đại của chiếc bình vôi nầy là bao nhiêu tôi cũng không đoán được. Có thể là vài ba chục năm mà cũng có thể vài ba trăm năm. Buôn đồ cổ mà không tính được niên đại của đồ vật thì làm sao dám bỏ tiền ra.

-Vậy thì sao ông anh có thể mua chiếc bình nầy với giá cao vậy?

-Đơn giản thôi. Tôi là người chuyên sưu tầm các loại bình vôi.

Người đàn ông làm thinh một lát rồi giải thích thêm:

-Suốt đời tôi sưu tập được chín mươi chín chiếc bình vôi có hình dạng khác nhau. Ước ao của tôi là cuối đời thế nào  cũng có được một bộ sư tập một trăm chiếc bình vôi đủ loại. Vậy mà hơn cả chục năm nay tôi vẫn chưa tìm ra được chiếc bình vôi thứ 100. Tôi cứ tưởng trên đời nầy chỉ có 99 chiếc khác nhau mà thôi. Vậy là hôm nay tình cờ tôi đã phát hiện ra cái báu vật mà tôi hằng mơ ước ấy.

Người em phá lên cười trước những suy nghĩ và việc làm xem chừng như ngớ ngẩn của người đàn ông. Người em nói:

-Ông anh nói toạc cái ham muốn của ông anh ra, không sợ tôi đòi giá cao sao?

-Trái lại tôi có nói toạc ra như vậy anh mới thấy tôi là người không bình thường, nên mới chịu bán. Còn anh thấy tôi là người toan tính kỷ lưỡng khôn ngoan thì không chịu bán đâu.

Cả hai người cùng cười.

Người đàn ông lạ hỏi lại:

-Sao? Anh có chịu bán nó cho tôi không.

Người em nói không do dự:

-Không ông anh à. Vì đây là di vật của mẹ tôi để lại. Chẳng thà chịu thiếu đói chứ nhất định tôi không bán nó cho ai cả.

Người đàn ông có vẻ tiếc rẻ. Ngẫm nghĩ một lát anh ta móc túi đưa ra cho người em một tấm thẻ nhỏ và nói:

-Đây là tên và địa chỉ của tôi. Lên Phước Long làm ăn lúc nào anh thấy cần tiền và quyết định bán chiếc bình vôi nầy thì tìm đến tôi.

Ngườ em lắc đầu từ chối không nhận.

Người lạ nhìn người em ngạc nhiên, hỏi;

-Sao vậy. Tất nhiên khi nào anh muốn bán thôi mà.

Người em cười thật thà giải thích:

-Lên Phước long thì chiếc bình vôi nầy chỉ là một cục đất nung vì thế nếu có muốn bán tôi cũng không thể bán đươc. Nếu biết địa chỉ của ông anh, sợ rằng lúc khó khăn tôi cầm lòng không được lại đem bán đi.

Người đàn ông nhìn người em như nhìn một người từ ngoài hành tinh mà anh ta vừa gặp. Một lát anh ta gật đầu nói:

-Tìm chiếc bình vôi thứ một trăm coi ra mà dễ. Nhưng tìm một người có tấm lòng như anh quả thật không phải dễ.



                                                      *

Vào Long Khánh làm ăn một thời gian không lâu thì cậu  con trai đầu của người em bị sốt xuất huyết ác tính. Về bệnh viện tỉnh bác sĩ bảo phải chuyền máu cho cậu bé nếu không kịp thời thì không qua khỏi. Giá một bịch máu tới cả trăm ngàn đồng. Tiền đâu!

Người vợ bàn:

-Thôi ta bán chiếc bình vôi của mẹ đi để cứu con. Đằng nào mẹ cũng đã không còn nữa.

-Nhưng ở đây ai mà mua chiếc bình vôi nầy?

-Tìm đến ông trên tàu lửa năm nọ.

-Nhưng anh không lấy địa chỉ của ông ta.

-Em còn nhớ.

-Em còn nhớ? Người chồng ngạc nhiên nhìn vợ.

-Lúc anh từ chồi thì em đã lén đọc tên và địa chỉ của ông ta trên tấm cạc. Vì em nghĩ, đến vùng rừng thiêng nước độc biết đâu lại có lúc ta cần đến ông ấy giúp đỡ!

Người chồng nhìn vợ cảm kích không nói gì.



 Vậy là người em mang chiếc bình vôi tìm đến địa chỉ người đàn ông năm nọ.

Thấy người em mang chiếc bình vôi đến nhà mình, người đàn ông đã hiểu ra. Ông ta vào tủ lấy một xấp tiền ra cho người em. Người em bỏ chiếc bình vôi lại rồi chào người đàn ông ra về. Người đàn ông gọi người em lại và nói:

-Chiếc bình vôi nầy là tấm lòng của anh. Mà tấm lòng của con người ta là vô giá. Không thể mua bằng tiền. Anh mang chiếc bình vôi nầy về đi. Và đem số tiền tôi đưa để chữa trị cho cháu. Khi nào ăn ra làm nên thì trả cho tôi cũng được. Và nhớ,  cháu qua khỏi cơn ngặt nghèo thì báo cho tôi một tiếng.


Copyright © by nguyenbatrinh.com, 2014. All rights reserved.
Nguyễn Bá Trình - DĐ 01665094339.
Email: bichlien101046@yahoo.com.vn.
READ MORE - Truyện ngắn CHIẾC BÌNH VÔI - Nguyễn Bá Trình

CỔ TÍCH BUỒN - thơ Hoài Thương



Chuyện kể rằng trần gian có nàng
công chúa ngây thơ
Lạc giữa đê mê trót yêu chàng
hoàng tử đa tình
Thắm phải duyên nhau tay trong tay…
phiêu du trong sương gió
Hẹn ước cùng nhau xây đắp giấc mộng đa đoan
Đẹp lắm duyên đôi ông Tơ bà Nguyệt vun vén
Ngưu Lang, Chúc Nữ trên trời
hát khúc hờn ghen.

Một ngày bão giông câu hẹn thề
tan theo bọt sóng
Mộng tình vỡ tan nàng là công chúa dối lừa
Dấu lệ vào tim cùng chim muông
hát khúc ân tình
Cùng ông bướm múa lượn
dệt cảnh mộng thần tiên
Tình yêu trinh nguyên chôn dấu lòng đại dương …
… nào ai biết?
Để đêm đem sóng cuộn trào từng cơn thương nhớ
Hóa dã tràng xe cát giữa bão giông.

Sóng đời đẩy đưa nàng làm…
công chúa giá băng
Bao kẻ đắm say trót thương thầm trộm nhớ
Dẫu trồng cây si, dẫu cao sang, dẫu gấm vóc lụa là
Nhưng trái tim một lời nguyền ,một cánh cửa
… vẫn khép chặt
Mắt buồn vời vợi… ngóng chàng
từ cõi xa xăm.

Thời gian dẫu trôi nàng là…
công chúa thủy chung
Ngày ngóng đêm trông rằng em chín đợi mười chờ
Dẫu bão giông vẫn vượt muôn ngàn cách trở
Dệt mộng tình lên ngôi chàng ơi em giữ trọn câu thề.

                          Hoài Thương
                                    linhhontuyet208@gmail.com
READ MORE - CỔ TÍCH BUỒN - thơ Hoài Thương

Thơ Châu Quang Phước - NÉT ĐẸP CHIỀU DUYÊN, QUÁN GIẾNG THU




NÉT ĐẸP CHIỀU DUYÊN

Quanh góc phố vỡ hình khoe dáng ngọc
Cây một chiều nghiêng ngã dấu em đi
Đèn xanh lớp mây mờ ôm mặt khóc
Aó dài xanh tình học góp đường thi.

Cây thương gió thì thầm rung nhịp bước
Đường cao sang hồng rực lướt bờ môi
Chuông chùa muộn ngưng ngày chim vội hót
Dòng sông xao mừng chậm bước em tôi.

Xa và lạ với nét hiền tương số
Em tan chiều lộng lẫy nắng bờ ru
Đời tấp nập hương ngày lên mờ ảo
Xuân làn da màu thắm áo ngày Thu.


QUÁN  GIẾNG  THU

Quán người thổi gió mời thơ
Lời ca trầm lọc buồn lơ thơ đời
Mờ thôn câu hát lên trời
Âm rơi gió vọng đồng người nước xa
Tình Thu say kiểng la đà
Bên em biển gió thật thà lời ngoan
Nắng mưa rơi, quán ngập ngừng
Tĩnh thưa đồng trái hoa đình áo bay.
                          Châu Quang Phước


READ MORE - Thơ Châu Quang Phước - NÉT ĐẸP CHIỀU DUYÊN, QUÁN GIẾNG THU

Thơ bình thanh: Ô LÂU - Lê Đăng Mành


                     
  
Sông đây ô lâu sương giăng mơ màng
Đò neo chơi vơi đan dòng trăng vàng
Lời ru bồi hồi nao lòng ly hương
Diều bay mồ côi đeo dây vô thường!

Từ dòng sông xưa xa em lên đường
Bâng khuâng tình quê đìu hiu bờ chiều !
Tang thương khôn lường đầy toa phiêu bồng
Bu triền phù hư cầm ga tiêu điều

Yên bình tre pheo trong veo tình em
Giang hồ ê chề tình thơ lên men
Vui buồn - hơn thua sông chao chìm trôi
Nhiêu khê buông xuôi hờn ghen xa vời…

Ô Lâu thâm u thơm lây hương đời
Dù cho rong rêu lều bều tơi bời.
Mơ thu lay bay mưa chan ngoài song
Thèm sầu dâng lên nhen đau tê lòng..!

                                           Lê Đăng Mành
READ MORE - Thơ bình thanh: Ô LÂU - Lê Đăng Mành

MÌ QUẢNG SÀI GÒN - thơ Bình Địa Mộc



Giữa Sài Gòn ăn tô mì Quảng
Bằng ở quê đám giỗ cả làng
Rùn cổ lại bẻ đôi bánh tráng
Hạt mè văng tím rịm góc bàn

Ông dường đã tóc đang sợi bạc
Môi thít thà cắn trái ớt xanh
Chiều gió cả cơ hồ thất lạc
Quét chân người muôn thuở loanh quanh

Hai bạn trẻ ngoéo tay chờ đợi
Khều cộng rau nước mắm mặn dần
Chiếc đũa lệch thời gian xấp xới
Dăm người ta nóng ruột ngoài sân

Chị ăn rồi nhưng chưa về vội
Ngồi phân bua thịt ướp lơi tay
Tuy hơi nhạt nhưng tôm nổi trội
Rất ngọt ngào dư vị từ đây

Phía bàn bên chủ nhân với khách
Kể huyên thuyên chuyện cũ quê nhà
Rồi bắt lẽ: răng mi ốm nhách
Thiếu: cơm gà, rượu gộ nhâm nha

Giữa sài Gòn ăn tô mì Quảng
Còn sang hơn mĩ vị cao lương
Nghe người quở buồn chi bảng lãng
Nhích lại gần. Tôi nhớ Quế Sơn!

                      Sài Gòn, 6.6.2014

                         Bình Địa Mộc
READ MORE - MÌ QUẢNG SÀI GÒN - thơ Bình Địa Mộc