Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 8, 2023

NGỤY (LƯƠNG) - Tam Quốc Chí phụ lục của Chu Vương Miện



Sau mười bẩy năm, nam chinh bắc thảo, thừa tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng hơi oải tạm thời giao quyền hành lại cho các tướng Triệu Vân, Hoàng Trung, Ngụy Diên phò hậu chuá Lưu Thiện để về nguyên quán ở Long Trung [Kinh Châu]. Một là quá lâu chưa tế tổ, hai là thăm lại chốn cũ làng xưa xem thời gian đã thay đổi gì không? Căn nhà cũ ba gian một chái lợp cỏ thì người em út là Gia cát Quân vẫn bảo quản y như cũ, chỉ thêm người mới là vợ và các con cuả ngươì em út. Khổng Minh lấy trong bọc ra một túi vải đựng một số ngân lượng giao tận tay ngươì em út và căn dặn: “là trong ba ngày nữa thì sẽ làm tàm tạm cho anh một bữa tiệc gia đình, để mờì mấy vị bằng hữu cố cựu tới họp mặt nhậu bàn chuyện thiên hạ chơi cho nó đỡ buồn.
 
Quây quần bên chiếu rượu, thì chỉ còn có Tư Mã Thuỷ Kính, Thôi Châu Bình, Mạnh Công Uy, còn những vị khác thì chưa tới, tiên sinh Tư Mã Thuỷ Kính mở lời:
 
-Như vậy là tạm đủ mặt quần hùng thiên hạ rồi, Tiên sinh Hoàng Thừa Ngạn, tiên sinh Bàng đức Công thì cũng bỏ chúng ta mà đi, giờ có lẽ đang nhậu sương sương vơí Bàng Sĩ Nguyên dưới âm cảnh, còn Thạch Quảng Nguyên thì mấy bữa nay bệnh nặng lắm, có lẽ Gia Cát đệ lên đường đến Nhã Nam một chuyến để thăm Thạch huynh cho nó trọn cái tình tri ngộ.
 
Mọi người bắt đầu uống rượu với mồi. Thấy không có vị nào đề cập tới cái chuyện Tây Xuyên, Ba Thục nên Gia Cát Lượng cũng không gợi lên làm cái gì? Mạnh ai nấy ăn mạnh ai nấy uống, một chập sau thì Khổng Minh nói:
 
-Chúng ta xa nhau biền biệt mười bẩy năm ròng rã, bây giờ nói tới chuyện thời sự thì nó y như cơm nếp nát chả ai muốn nghe. Vậy nhân tiện đây tiểu đệ muốn xin được thỉnh giáo các huynh về nghĩa chữ Bách Tính [tức trăm họ].
 
Tiên sinh Tư mã Thuỷ Kính tiếp lời:
-Về văn học thì lão phu đã già hơi nghễnh ngãng vậy hai tiên sinh xin giảng giải cho Gia Cát Khổng Minh hiền đệ nghe?
Mạnh Công Uy nói:
-Cái chuyện lớn là Trị Quốc [Bình Thiên Hạ] mới khó khăn mà chuyện này đối với Gia Cát huynh coi như đồ cầm trong tay, móc vật trong túi. Còn chuyện văn học văn hiếc chỉ là chuyện nhỏ [đồ bỏ]. Tuy nhiên lão Thuỷ Kính tiên sinh đã dậy thì tiểu đệ tuân mệnh. Thôi chả nói chuyện xa xôi làm gì, ngay chúng ta đây, Mạnh là họ một chữ, còn Công là chữ lót và Uy là tên, Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên cũng ở dạng này, còn tiên sinh Tư Mã Thuỷ Kính, Gia Cát Lượng hai vị là họ hai chữ. Nguyên hai chữ Tư Mã vốn là một chức quan, sau dùng làm họ, chả hạn như Tư Mã Thiên sử gia thời Tiền Hán. Họ Gia Cát vốn ở đất Gia và có nhiều cồn Cát, nên ai sinh sống ở đó đều nhận mình là họ Gia Cát, sau này thì còn thêm giòng họ Mộ Dung ở đất Yến, họ Hạ Hầu là họ cuả A Man sau cải theo họ mới cuả Tào Tung mà thành ra Tào Tháo. Thời Hán Sở tranh hùng thì có họ Chung Ly [Muội] rồi họ Âu Dương [Phong], họ Lệnh Hồ [Xung], họ Bách Lý [Băng], giòng họ Hoàng Nhan [Liệt], họ Vũ Văn [Hàn Đào]. Tuy nhiên, dù họ một chữ hay họ hai chữ, thì cũng bình thường. Còn họ của người Mông Cổ [Hung Nô] thì họ thường thường là ba chữ ở đằng sau, như họ Thiếp Mộc Nhĩ [Thiết Mục Nhĩ - Đạt Mộc Nhĩ], còn tên là Minh Minh Đạt Mộc Nhĩ, Thác Đác Đạt Mộc Nhĩ... còn họ cuả ngươì Bách Vịêt thì y như họ ngườì Háng tộc, điều đặc biệt là con trai thì lót chữ Văn, còn con gái thì lót chữ Thị.
 
*
Khổng Minh Gia Cát Lượng nghe xong gục gặc cái đầu coi như rất hài lòng mỹ ý, bèn hỏi tiếp
-Đây là tim gan cuả Tiểu đệ, nhiều năm muốn hiểu cho thật thấu đáo để tiện bề hành động, vậy xin các huynh trưởng vui lòng giải thích cho danh từ “Ngụy” cho tiểu đệ hiểu tường tận.
 
Bây giờ thấy cũng khó tránh thoái thác, Thôi Châu Bình tợp xong hớp rượu, bỏ ly xuống mâm bồi tiếp:
-Chữ Nguỵ này dễ mang đến chuyện hiểu lầm lắm lắm , chữ Ngụy thông thường có nghiã là “Giặc” là “Phản” nhưng ở Trung Quốc thì có khi Ngụy là một họ dân giã như các họ khác. Khởi đầu là ba họ lớn Hàn Triệu Ngụy đều là đại khai quốc công thần cuả nước Tấn. Nhân lúc nhà Tấn suy vi, ba họ này lấy cưa sắt cưa đất nhà Tấn ra làm ba vùng, một nửa tỉnh Thiểm Tây giáp ranh với nhà Tần [tỉnh Cam Túc] là cuả họ Hàn [nước Hàn], bên cạnh phiá tay phải là tỉnh Sơn Tây cuả họ Triệu [nước Triệu], qua sông Hoàng Hà là tỉnh Hà Nam dưới tỉnh Sơn Tây là họ Nguỵ [tức nước Ngụy] sau đổi thành nước Lương. Họ Nguỵ đây và nước Nguỵ không có tính cách là Giặc. Sau này thừa tướng Tào Tháo chết, con trưởng là Tào Phi soán ngôi nhà Hậu Hán, cũng đặt kinh đô tại Hà Nam [tức Lạc Dương], cũng gọi tên nước là Ngụy. Tương tự như vậy, giòng họ Tôn [cuả Tôn Kiên] là Tôn Sách Tôn Quyền, cai trị trên miền đất Giang Tô vốn là đất cũ cuả nước Ngô thời Chiến Quốc, nên goị tên nước là Ngô.  Ngô thời Tam Quốc và Ngô thời Chiến Quốc hoàn toàn khác nhau, không dính dáng một ly ông cụ nào cả. Cũng như nhà Tây Hán đóng đô ở Hàm Dương [Tây An] và nhà Đông Hán đóng đô ở Lạc Dương [Hà Nam] cùng nhà Thục Hán cuả Lưu Bị ở Thành Đô [tỉnh Tứ Xuyên] thì có liên hệ với nhau, ở xa bắn đại bác tới nơi chứ nhà Bắc Hán thời Nam Bắc Triều thế kỷ thứ sáu và nhà Nam Hán thế kỷ thứ chín [tức thời Ngũ Đại] thì chả dây mơ rễ má chi tới nhà Tây Hán và Đông Hán. Với nữa, theo quan niệm cổ cuả người Trung Quốc thì được làm vua thua làm giặc?  Cái chuyện xưng là nước Ngụy cũng là cái lý lẽ đương nhiên. Ngoài ra thì có Ngụy Văn Trường tức tướng Nguỵ Diên cuả Ba Thục, Ngụy Công Tử tức là Tín Lăng Quân con thứ của vua Ngụy, một trong bốn vị công tử lừng danh thời Chiến Quốc, nào là Mạnh thường Quân cuả nước Tề Sơn Đông, XuânThân Quân cuả nước Sở An Huy và Bình nguyên Quân của nước Triệu ở Sơn Tây. Đến đầu thế kỷ thứ bẩy, đời nhà đại Đường thì có thừa tướng Ngụy Trưng, đến đời nhà đại Minh thế kỷ thứ mươì sáu thì có thái giám Ngụy Trung Hiền chuyên quyền.
 
*
Chiều cũng đã tàn, khách muốn về, chủ quyến luyến muốn muốn cầm chân khách giữ lại. Sau cùng thì tiên sinh Tư Mã Thủy Kính đi đến quyết định nói:
 
-Hay là thế vầy, tuần sau chúng ta hẹn gặp nhau ở tư gia bằng hữu Thạch Quảng Nguyên, trước là thăm bệnh tình tiên sinh ra sao? sau là sẽ nói tiếp chuyện công và chuyện tư tức là chuyện bao đồng, chuyện chung và chuyện riêng, chuyện tiếp tay hợp tác giữa các bằng hữu với nhau nếu có thể được, phân tích tình hình chung cuả thế tam phân [Tam Quốc] để chọn ra một con đường duy nhất cùng tiến hoặc cùng thoái?
 
chuvươngmiện

READ MORE - NGỤY (LƯƠNG) - Tam Quốc Chí phụ lục của Chu Vương Miện

VIẾT BÊN Ô CỬA SỔ MÙA XUÂN – Thơ Tịnh Bình


              Nhà thơ Tịnh Bình


VIẾT BÊN Ô CỬA SỔ MÙA XUÂN
 
Men theo đường bay vùng mây trắng
Những cuộc hành trình đến đi trong ý nghĩ
Là đỉnh núi cô độc
Chóp hoang vu sợ bước chân người
Không cả loài thú hoang
Mõm đá cố oằn mình dựng lên sừng sững
Vài bông hoa không rõ hình hài
Cố chen lấn cùng đám gai góc
Xua tan màn sương khói
Mùi âm khí lởn vởn
Dẫu đông tàn thèm chút hơi xuân
 
Xa xa là bóng núi
Quanh mình không một tiếng chim
Ô cửa sổ trống hoác
Mùa xuân dè dặt từng bước chân hoài nghi
Câu thơ trò chuyện cùng ý nghĩ
Đôi khúc rời lan man
 
Ghét cay ghét đắng màu cúc trắng
Màu tinh khôi giả dối
Sao không thể khước từ
Đôi bàn tay lấm láp
 
Biện minh vô vàn lý do
Chẳng muốn rời bỏ vùng an toàn mà đôi chân cứ chực muốn bay lên
Trên cao kia là nắng gió
Có lẽ chúng sẽ không còn êm đềm và lãng mạn như lời lũ chim thường tự huyễn hoặc
Con đường mòn là nơi trở về an toàn cho mọi bàn chân
 
Bên ô cửa sổ
Ngoài kia là mùa xuân
Vuột mất tứ thơ chưa kịp nghĩ
Vẫn không đành khép cửa đuổi xuân đi...
 
                                          TỊNH BÌNH
                                            (Tây Ninh)
 
READ MORE - VIẾT BÊN Ô CỬA SỔ MÙA XUÂN – Thơ Tịnh Bình

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (2) - Nguyên Lạc

                                           (Kỳ 2)


Rượu nho được làm từ quả nho. Từ nước ép quả nho, khi ủ ta được rượu Vang (tiếng Pháp: Le vin). Mời các bạn bước vào “khu vườn Rượu nho” rồi thưởng thức “Cam lồ thủy”.
 
Phần I
 
RƯỢU VANG
 
Vài câu nói thú vị về rượu vang:
– Rượu vang là một trong những điều văn minh nhất thế giới và mang lại một mức độ thưởng thức thống khoái hơn bất cứ thứ gì ta có thể mua được trên cõi đời này – Ernest Hemingway
– Đàn ông cũng giống như rượu vang: Một số để lâu sẽ thành giấm, nhưng một số càng “có tuổi” lại càng ngon – Giáo hoàng John XXII
– Tình yêu cũng như rượu vang. Có những loại vài tháng là uống được, nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
– Nếu muốn biết điều chân thật nhất của phụ nữ là gì, hãy để họ khóc. Nếu muốn hiểu đàn ông nghĩ gì, cứ để họ say.
 
I.    LỊCH SỬ CÂY NHO       

Cây nho có thể được coi là một trong những loài cây lâu đời nhất thế giới. Người ta tìm thấy vết tích của cây nho trong nhiều vùng khác nhau trên thế giới, trước cả khi có những vết tích của người cổ đại. Thời kỳ đó, nho còn là loài cây hoang dã. Phần lớn các nhà nghiên cứu nhất trí cho rằng cây nho có nguồn gốc từ Tiểu Á (bán đảo Crimée hiện nay), nhưng không ai biết được rượu nho đã được người Tiểu Á làm ra như thế nào?

Như chúng ta đã biết, nho là nguyên liệu chính để làm ra rượu vang. Cũng như tất cả các sản phẩm ẩm thực khác, một chai rượu vang ngon sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của nguyên liệu ban đầu (trái nho). Cây nho thuộc về họ cây leo (Ampelidacé). Tất cả các loại cây nho để ăn hoặc làm rượu đều thuộc họ nho Vitis. Có gần 40 loại nho Vitis trên thế giới, các loại quan trọng nhất là Vitis vinifera hay họ nho Vitis Châu Âu; Vitis Labrusca, Vitis Rupestri là những họ nho ở Châu Mỹ.
Trong mỗi họ nho lại chia ra nhiều giống như: giống Merlot, giống Chardonnay, giống Carrignan, giống Gamay… Một số giống nho vừa có thể dùng để ăn, vừa làm rượu như giống Chasselas, giống Muscat, giống Italia, giống Cardinal… Các giống khác chủ yếu để làm rượu. Việc phân định giống nho dựa theo các tiêu chuẩn như: màu sắc của mầm nho, màu sắc quả, hình dạng lá hay mức độ to nhỏ của chùm nho.
 
Để có thể duy trì lâu dài chất lượng nho, người ta chiết cây chứ không gieo hạt, nhất là từ khi có nạn rệp rễ nho (phyloxera). Năm 1864 xuất hiện nạn rệp rễ nho (phyloxera) ở miền Trung nước Pháp (Languedoc). Sự xuất hiện của loại rệp này hoàn toàn ngẫu nhiên, khi người Pháp đưa vào trồng thử các giống nho mới của Mỹ. Trong vòng 20 năm, loại rệp này đã tàn phá toàn bộ các vùng trồng nho của Pháp. Nhưng cũng chính các giống nho Vitis Labrusca của Mỹ đã cứu nền nông nghiệp trồng nho của Pháp – bằng cách ghép. Cách ghép: ghép mầm cây Vitis vinifera của Pháp vào gốc cây Vitis Labrusca mang từ Mỹ về, sẽ tạo ra được giống nho có sức đề kháng mạnh, không bị rệp phyloxera tấn công.
 
Hiện nay, trên thế giới có hơn 6000 giống nho cho các loại nho khác nhau về: hương vị, màu sắc và mức độ to nhỏ của chùm quả. Ở Pháp có khoảng 50 giống nho chính dùng để sản xuất rượu vang. Phần lớn các giống nho đó được trồng rộng khắp trên thế giới và hầu như ở bất cứ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nào, các giống nho này cũng đưa lại các kết quả rất khả quan. Chính vì lý do đó mà chúng được gọi tên là các giống nho quốc tế (international grapes variety) nhằm phân biệt chúng với các giống nho địa phương, đặc thù tại một số quốc gia (regional grapes variety). Hiện nay, các giống nho quốc tế vỏ đỏ được trồng nhiều nhất trên thế giới là Grenache Noir (240.000 ha), Merlot (200.000 ha), Cabernet Sauvignon ( (165.000 ha), Syrah (95.000 ha), Pinot Noir (60.000 ha), Cabernet Franc (44.000 ha)… Các giống nho quốc tế vỏ trắng được trồng nhiều nhất trên thế giới là Chardonnay (140.000 ha), Sauvignon Blanc (45.000 ha) và Semillon (34.000 ha)…
 
II. LỊCH SỬ RƯỢU VANG
 
Rượu vang là một sản phẩm nguyên chất thu được từ sự lên men rượu toàn phần hoặc một phần từ nho tươi ép ra nước, hoặc từ hỗn hợp nước nho và bã nho ép ra nước. Từ điển của Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp hoàn chỉnh định nghĩa rượu vang như sau: Là một chất lỏng sinh động, rượu vang có thể mang bệnh, có thể già và chết.
Khoảng 2000 năm trước Công nguyên, rượu nho đã có mặt ở Ai Cập. Trong Kinh Thánh, rượu vang được nhắc đến hơn 500 lần. Sau đó, người Ai Cập đã dạy cho người Hy Lạp cách trồng nho. Rồi người Hy Lạp lại truyền nghề cho người La Mã, người La Mã truyền cho người Gaulois. Nhưng theo người Hy Lạp thì không phải người Ai Cập đã truyền nghề cho họ mà là thần Dionysos, chúa tể Hy Lạp của rượu vang.
 
Đến thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, cây nho xuất hiện ở vùng Địa Trung Hải thuộc nước Pháp bây giờ. Người Gaulois tỏ ra là những học trò xuất sắc của người La Mã. Chính họ đã nghĩ ra việc nuôi rượu trong thùng gỗ. Diện tích trồng nho ở xứ Gaule phát triển nhanh chóng và rượu vang của người Gaulois rất được người La Mã ưa chuộng. Đến thời Trung Cổ, nhà thờ giữ một vai trò quan trọng trong việc mở rộng diện tích trồng nho và cách làm rượu vang, lý do là họ sử dụng nhiều rượu vang trong các buổi lễ thánh. Các tu sĩ phát hoang rồi trồng nho xung quanh các nhà thờ và tu viện. Cũng trong thời Trung Cổ, rượu vang của Pháp đã được xuất sang Anh, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và các nuớc Bắc Âu.
 
Năm 1935, Viện kiểm chứng quốc gia về sản phẩm rượu vang chất lượng cao (INAO) được thành lập. Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn coi INAO là người đảm bảo cho rượu vang Pháp giữ được phẩm chất cao nhờ các quy định ngặt nghèo. Cũng từ đầu thế kỷ thứ 20, rượu vang không những chỉ là một đồ uống như những đồ uống khác mà đã trở thành một chủ đề văn hóa như văn chương, âm nhạc hay hội họa. Khắp nơi ở Pháp, ở Châu Âu, Châu Mỹ hay Châu Úc, các buổi tọa đàm về văn hóa rượu vang ngày càng thu hút được thính giả.
 
III. VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NHO
 
1. Thành phần của quả nho
Nho gồm có 4 phần: cuống, vỏ, thịt và hạt.
 
1.1. Cuống nho
Cuống nho là cầu nối giữa nho và thân cây cũng như lá cây, giúp cho quả nho đạt được lượng đường cao trong quá trình lá nho hấp thụ tia nắng mặt trời. Khi bạn nhấm nháp cuống nho, bạn có cảm giác đắng chát khó chịu ở lưỡi: Đó là chất chát (tanin), chất này rất quan trọng vì nó sẽ có vai trò trong việc sản xuất rượu có chất lượng, cũng như giúp cho việc bảo quản vang được lâu dài.
 
Tiếp đó là chất chua, chất này cũng giữ vai trò quan trọng vì nó đảm bảo cho rượu vang có tính tươi mát. Cuống nho còn chứa chất xơ và các tố chất hóa học khác như muối khoáng và vitamin. Tuy nhiên, vì chất chát trong cuống nho thường thô, ráp và đem lại cảm giác ngứa trong vòm miệng nên cuống nho thường sẽ bị oại bỏ. Ngay sau khi nho được thu hoạch, đem về xưởng người ta đưa vào máy loại bỏ cuống nho.
 
1.2. Vỏ nho
– Vỏ nho được phủ bởi 1 lớp phấn và lông mịn, đảm bảo cho nước không thấm vào thịt nho, đồng thời giữ lại các chất lên men do gió và côn trùng đem lại. Trong vỏ nho có các chất chỉ thị màu như: Anthocyanes đối với rượu vang đỏ và Flavoines đối với rượu vang trắng. Cá biệt, có một vài loại nho mang tố chất chỉ thị màu ngay trong thịt nho như là loại Poulsard.
Khi ta ép nho đỏ, ba khả năng có thể xảy ra: ta sẽ có rượu vang trắng nếu ta để nước nho tách vỏ lên men. Nếu ta cho vỏ và nước nho cùng lên men, sau một thời gian sẽ thu được rượu vang đỏ. Trong quá trình rượu lên men, ta có thể thu được rượu vang hồng nếu ta biết ngừng quá trình tiếp xúc giữa vỏ nho và nước nho sau môt thời gian ngắn.
Trái nho vỏ trắng không thể làm ra rượu vang hồng hay rượu vang đỏ, vì trên vỏ trái nho trắng không có chất chỉ thị màu Anthocyanes; do đó, dù chúng ta có ủ nước nho vỏ trắng với bã nho vỏ trắng trong bao nhiêu ngày đi nữa thì nó vẫn sẽ màu trắng chứ không đổi sang màu hồng hay đỏ được: Trái nho vỏ trắng chỉ tạo ra vang trắng.
Đối với một số giống nho, hương vị của nho nằm ngay trong vỏ (Muscat, Chardonnay). Mỗi một giống nho có hương vị và đặc thù riêng, nhưng độ đậm nhạt của hương vị đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như chất đất và năm thu hoạch.
 
1.3. Thịt nho
Thịt nho là phần quan trọng nhất của quả nho, gồm 70-80% nước. Trong một lít nước nho ép có từ 150-250g đường. Để có thể có 1% cồn trong rượu vang, vi khuẩn lên men sẽ “ăn” khoảng 17 gr đường có trong nước nho và chuyển hóa 17 gr đường đó thành 1% cồn. Cũng theo công thức này, vi khuẩn lên men sẽ chuyển hóa 150 gr đường có trong nước nho ép thành chai rượu vang có 8% cồn, và 250 gr đường có trong nước nho ép thành chai rượu vang có khoảng 14% cồn.
 
Lượng đường có trong trái nho sẽ tùy thuộc vào số lượng giờ nắng trong năm của vùng trồng nho, vùng trồng nho nào có số lượng giờ nắng trong năm càng nhiều thì nho càng chín kỹ và lượng đường có trong nho càng cao.
 
Tuy nhiên, khi độ cồn trong rượu vang vượt quá 14,5% thì vi khuẩn lên men sẽ trở nên lười biếng, không “ăn” đường để chuyển hóa thành cồn nữa. Các chai vang có độ cồn trên 15% thường phải làm bằng các phương pháp đặc biệt để “kích” vi khuẩn lên men hoạt động trở lại (các chai Primitivo có độ cồn cao của Italy), hoặc làm bằng cách pha thêm rượu mạnh làm bằng các sản phẩm nông nghiệp vào, như trường hợp của các chai vang ngọt tự nhiên (Vins doux naturels) vùng Languedoc-Roussillon, Macvin de Jura (Pháp), hay các chai Porto (Bồ Đào Nha)…
 
1.4. Hạt nho
Nếu ai đã có dịp cắn vỡ hạt nho hẳn sẽ nhăn mặt vì vị đắng. Quả thật, hạt nho rất đắng nhưng cũng chứa nhiều chất dầu. Để tham khảo, cứ trong 225 lít nước nho, ta thu được số lượng hạt nho đủ để sản xuất một lít dầu hạt nho. Dầu hạt nho dùng để trộn xà lách hay còn được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm và được bán rất đắt tiền. Cũng vì thế, trong quá trình ép nước nho, phải hết sức chú ý đừng để hạt nho bị dập vỡ mà đưa chất đắng vào rượu vang.
 
2. Các giống nho làm rượu chủ yếu
Trên thế giới có hơn rất nhiều giống nho, mỗi giống cho các loại nho khác nhau về: hương vị, màu sắc và mức độ to nhỏ của chùm quả. Ở Pháp có khoảng 50 loại nho chính dùng để sản xuất rượu vang. Các dòng nho vỏ đỏ được trồng nhiều nhất là Carrignan, Grenache, Merlot, Cabernet Sauvignon, Syrah, Gamay, Cabernet Franc, Pinot Noir… Các giống nho vỏ trắng là Ugni Blanc, Chardonnay, Sauvignon, Semillon, Chenin, Colombard, Riesling… Tuy nhiên, khi làm rượu vang, người ta có thể phối hợp một số giống nho theo tỷ lệ nhất định (thường là bí quyết riêng của từng nhà sản xuất) để làm ra những loại vang đặc biệt, ví dụ như vang vùng Bordeaux, Languedoc – Rousssillon, Côtes de Provence hoặc rượu Champagne. Hiện trên thế giới có khoảng 8 triệu ha đất trồng nho. Diện tích trồng nho ở Pháp và Italia đứng thứ hai trên thế giới sau Tây Ban Nha, nhưng Pháp lại đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang.
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các giống nho làm rượu vang và rượu vang của từng vùng sản xuất.
 
2.1 Các giống nho vỏ đỏ
– Merlot: Cho ra các loại rượu đậm màu, khá tròn trịa, ngậy béo với các hương vị hoa quả, lá mục và da thuộc, vị chát không nhiều.
– Cabernet Franc: Cho ra các loại rượu có hương vị thơm với tính chất hoa quả và vị hơi ngai ngái của cỏ ướt, chất chát mạnh.
– Cabernet Sauvignon: Cho ra các loại rượu có mùi rất thơm, khi có tuổi sẽ trở nên vừa mạnh mẽ vừa mềm mỏng, chất chát nhiều nhưng quý phái. Đây là giống nho chính của các vùng rượu vang có chất lượng tuyệt hảo Médoc Vàgraves (Bordeaux)
– Grenache: Cho các loại rượu thơm ngon, đậm màu, tròn trịa, ít chua, độ cồn cao. Giống nho chủ yếu ở vùng Côtes du Rhône và Chateauneuf – du – Pape, nhưng cũng rất phổ biến ở vùng Languedoc – Roussillon.
– Carrignan: Cho các loại rượu đậm màu, ít thơm, nhiều chất chát. Sẽ rất tốt nếu phối hợp với các giống nho béo và nhiều hương vị. Cinsault: màu nhạt, nhiều vị hoa, quý phái, mềm mại, ít chất chát, không giữ được lâu. Đây là giống nho được sử dụng nhiều để làm rượu hồng và rượu đỏ mới (Vins Primeurs).
– Pinot Noir: Cho ra các loại rượu vang giàu hương vị, chuyển khá nhanh từ mùi hoa quả sang mùi da lông thú. Được sử dụng trong hỗn hợp rượu champagne và vang sủi bọt.
– Gamay: thường được sử dụng làm rượu Beaujolais mới, có mùi thơm của chuối và hoa quả tươi như anh đào và dâu tây. Nếu được ủ lâu sẽ cho các loại vang đậm giữ được 2-3 năm.
 
2.2. Các giống nho vỏ trắng
– Chardonnay: Rượu vang làm từ gống nho này thường rất hài hòa giữa chất chua, chất béo và chất ngọt, để được lâu, nhưng sản lượng thu hoạch không cao. Đây là giống nho trắng thường được ủ trong thùng gỗ sồi. Nên có 1 số vùng và nhà sản xuất họ không ủ trong thùng gỗ sồi thì sẽ được ghi là “Unoaked Chardonnay”. Nho được trồng ở vùng khí hậu lạnh thường loại này sẽ có vị chua cao hơn và cấu trúc nhẹ nhàng, mang đặc tính của các loại quả chua. Chardonnay nổi tiếng ở vùng Burgundy (Pháp), Úc, Mỹ.
 
Tuy cũng được làm bằng loại nho này nhưng rượu Pháp ở vùng Chablis hay Bourgogne thì thon thả, dòn dã hơn, còn rượu Mỹ ở California thì mềm mại, đầy đặn, ngậy mùi bơ hơn.
 
– Riesling: Nho được trồng nhiều ở Đức và vùng Alsace của Pháp (ngoài ra còn có ở New Zealand, Úc, Canada, …) Vang chua thơm dịu và thanh.. Có mùi hương thơm mát của trái táo xanh, có vị hơi chát của hạt lựu, lẫn với chút chua của chanh, chút ngọt của cam và thoảng mùi dầu hỏa. Vang này phù hợp để uống khai vị.
 
– Colombart: vang có nhiều vị hoa, vị chua tương đối cao. Gewurztraminer: vang đậm màu, độ cồn, độ sánh cao, hương vị đặc biệt (hoa hồng, gia vị: quế, hạt tiêu)
 
– Pinot Blanc: vang thô hơn vang làm từ giống Chardonnay, dùng nhiều trong vang khô và vang sủi.
 
– Riesling: vang trắng tươi mát, nhiều hương vị, nhất là mùi hoa và khoáng chất.
 
– Sauvignon Blanc: giống nho vương giả, được trồng khắp nơi trên thế giới. Sauvignon Blanc có mùi hương thanh nhã như hoa chanh, hoa bưởi các loại cây cỏ tươi và măng tây có thể có được nhiều vị khác nhau tùy theo phương pháp của nhà làm rượu, đi từ chỗ ngọt ngào dịu nhẹ cho đến chỗ cứng cáp nồng nàn. Vang rất thơm, ngọt khi nó đi với Sémillon. (Đăc biệt ở Sauternes) Nho được trồng ở những vùng khí hậu mát, lạnh.
 
– Sémillon: giống nho vương giả, thường trộn với Sauvignon blanc để làm rượu Bordeaux trắng.
 
– Sylvaner: vang có độ chua cao, khô, nhiều hương vị chanh, bưởi.
 
– Ugni Blanc: vang có nhiều ương vị hoa quả, đồng thời lại có nhiều chất chua – béo.
 
(Còn tiếp nhiều kỳ) 
                                                                                      
Nguyên Lạc

READ MORE - TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (2) - Nguyên Lạc