Nhà nhiếp ảnh Phạm Đình Quát |
Linh tính bảo tôi mở cửa.
Khi vừa chạm vào tay nắm, tôi nghe
tiếng vổ ầm ầm bên ngoài, người đưa thư trao cho tôi một bao lớn màu trắng, dán
tem gần phủ kín hai mặt. Nhìn tên người gởi, tôi sững sờ và ngạc nhiên, ngạc
nhiên món quà đến từ Việt Nam. Ngạc nhiên vì đây là món quà của cô em, một cô
em rất hiền, rất thân thiết, chúng tôi thường trao đổi qua trang facebook.
Món quà, trong xúc động, tôi nghĩ đến
“QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG” . Quả nhiên, trong thân tình chúng tôi đọc được ý
nghĩ của nhau, hạnh phúc như sớm mai nhìn bông hoa mới nở, như khi nhận món quà
đúng với ý mong.
Quảng Trị đi nhớ về thương là một tập
Ký sự ảnh, in trên giấy láng, khổ 25 x 25 cm, của Phạm Đình Quát, do Hội nhà
văn xuất bản.
Trong nhiều thể loại, ảnh ký sự đa
dạng và phong phú nhất. Nhiếp ảnh gia, ngoài khả năng chuyên môn, điều quan trọng
hơn là một tâm hồn nghệ sĩ, say mê công việc, một kiến thức tổng quát về xã hội,
nhân văn, lịch sử và địa lý, để qua ống kính, những hình ảnh đời thường trở
thành nghệ thuật, mang tính nhân văn, làm cho tác phẩm có ý thức để chuyển tải
điều mình muốn nói đến với quần chúng.
Ký sự ảnh là một công trình văn hoá
đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Một tác phẩm ký sự ảnh được đánh giá là thành
công, khi tác giả thể hiện được tính cách riêng, bản lĩnh và sở trường của
mình, làm sao tấm hình đập vào mắt người thưởng ngoạn cái thông điệp mình muốn
nói, làm sao cho mọi lằn ranh nghệ thuật không thể nhạt nhoà lẫn vào nhau.
Tôi viết về một món quà, món quà lại là một tác phẩm nghệ thuật, chỉ nhân danh chính mình, trong khi đúng sai thuộc về quần chúng, nghĩa là giá trị tác phẩm được nhìn nhận qua quá trình giáo dục, sinh hoạt xã hội, và sự hiểu biết của từng cá nhân. Trên quan niệm đó, chúng ta vào “QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”.
Mở tập ảnh, cảm giác đầu tiên là sự
xúc động, tôi chớp mắt liên tục mới nhìn rõ từng trang. Đã mấy lần, tôi xem lại
từng tấm hình từ đầu tới cuối, tác giả trình bày tác phẩm theo cảm xúc riêng,
nhưng không kém phần mĩ thuật và nghệ thuật. Tự nhiên, trong mơ hồ, tôi nghĩ đến
Công Chúa Huyền Trân, ngày xưa trên đường vu quy, có lẻ công chúa ghé cửa Tùng,
cửa Việt, ước gì con dân Quảng Trị chúng ta có một nơi thờ phụng, hay ít nhất
ghi lại một tấm hình cho các thế hệ tương lai.
Với chủ đề “QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ
THƯƠNG”
Một chủ đề gần như ca dao, huyền
thoại, ta có cảm giác như Truông Nhà Hồ ở đâu đó, và chúng ta không thất vọng ở
Phạm Đình Quát, dù điều kiện khắt khe, dù thời gian eo hẹp, dù cách trở tác giả
đã đưa chúng ta về với Quảng Trị bằng mắt nhìn của người có tấm lòng tha thiết
với quê hương, của những kỹ năng nhiếp ảnh. Phạm Đình Quát không những chụp được
nắng, được gió, Phạm Đình Quát còn chụp âm thanh, anh còn chụp hình ảnh của những
quá khứ chiến tranh…..
Khi gấp tập ký sự ảnh lại, tôi
không có ý phê bình các bức ảnh, lòng tôi như bị tấm lòng của tác giả cuốn hút
theo. Có lẻ khi ráp ống kính vào máy ảnh, trong lòng Phạm Đình Quát (PĐQ) cũng
đang ráp lại từng mảnh quê hương. Điều đó thể hiện rõ nét qua trình bày ở hình
bìa, màu vàng cam nhạt, đậm dần, đậm hơn nữa về phía hình của 2 tầng Đầu đao
màu xám rất đậm, bên cạnh là ngút ngàn xa, mặt trời hực lửa. Hình ảnh vừa cổ
kính vừa khốc liệt. Chỉ có vậy, tập ảnh đã đưa chúng ta về với quê hương, thức
dậy hồi ức để cùng PĐQ nao lòng theo “Đi nhớ, về thương”. Ảnh của PĐQ là nỗi
lòng chan hoà trong kỷ niệm, anh ghi lại cả tiếng nước vang trên mặt sông.
Ký sự ảnh nghiễm nhiên là tài liệu
của một nơi chốn, một giai đoạn lịch sử. Nhiếp ảnh gia, khi mang máy ảnh là tự
mang vào mình sứ mạng của người làm văn hoá, trách nhiệm gắn bó với từng màu sắc,
con mắt và cả ngón tay nữa. Văn hoá là vẻ sáng, vẻ đẹp, một nghệ sĩ chân chính,
tài năng khi tác phẩm của mình tác đông vào đời sống, làm sao cho đất nước, con
người càng ngày càng tốt đẹp hơn. Những hình ảnh mang tính tiêu cực, nhạy cảm,
những hình ảnh gợi lại quá khứ đau buồn của dân tộc, lại là thứ mà nhiếp ảnh
gia thèm như thèm ly nước ở giữa sa mạc.
Ở đây, tôi có cảm giác như nhiều
khi tác giả cũng phân vân, cũng dằng co với nghệ thuật, khi đưa những tấm hình
vào tập ảnh, không có hình ảnh nào gợi cho ta sự hiềm khích, chống đối nhau,
khi đất nước đang cần sự đoàn kết để tạo sức mạnh của dân tộc.
Tác giả Dulu DC |
Như đã nói ở trên, ký sự ảnh “Quảng
trị đi nhớ về thương” hình thành từ một tấm lòng của tác giả với một quê hương
chiến tranh nghiệt ngã và tàn khốc nhất của lịch sử Việt Nam, qua ống kính của
PĐQ tất cả đều hiền hoà, bình yên. Quê hương trong mắt PĐQ là kỷ niệm, là một
quá khứ được nuôi nấng bằng tình cảm đặc trưng của người Quảng Trị.
Phần nhiều, những hình ảnh trong Quảng
Trị đi nhớ về thương là hoài niệm về một quá khứ êm đềm, nên thơ, tình tự được
PĐQ thức dậy như nhớ lại một cơn mơ đẹp.
Điều chúng ta trân trọng ở đây là
khi tác giả lặn lội lên tận đầu nguồn sông Thạch Hãn, nơi xuất phát “Mồ hôi của
đá” một thắng cảnh, mà cũng là một địa danh vốn được ghi chép là một dòng sông
có nguồn nước trong lành nhứt thế giới.
Tuy giới hạn ở khổ giấy 25 x 25 cm,
nhưng tập ảnh chứa đựng bao nhiêu là hình ảnh gợi nhớ, gợi thương. Từ rừng xuống
biển, từ Bến Hải đến Diên Sanh, từng nơi chốn là từng gắn bó, không riêng chi
người Quảng trị, là một tác phẩm nghệ thuật, mọi người nên thưởng lãm, để cùng
với tài hoa của tác giả, chúng ta chia sẽ nghệ thuật nhiếp ảnh thời đại kỹ thuật
số (Digital) với kỹ năng và tay nghề lão luyện của một nhiếp ảnh gia can qua
hai thời đại. Ước chi hình ảnh được trình bày trên khổ giấy 30 x 40 cm, tập ảnh
sẽ giá trị nhiều hơn.
Mong sao chúng ta còn được thưởng
thức nhiều hình ảnh đẹp của nhiếp ảnh gia Phạm Đình Quát.
Zulu DC