Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 22, 2020

LẠC MÙA – Thơ Tịnh Bình

 

 


LẠC MÙA

 

Heo may về lối phố

Chiều rơi tiếng mơ hồ

Lá buông mình theo gió

Buồn tình hàng cây khô

 

Thầm gọi tên hoa cúc

Chiều vàng bên thu xưa

Những ngã đường rất lặng

Về đâu lối mưa thưa ?

 

Bài tình thơ dang dở

Lơ lửng chi nỗi niềm

Vỉa hè hương hoa sữa

Xao xuyến cả lòng đêm

 

Quán nhỏ con đường nhỏ

Dĩ vãng xưa cũ mờ

Thu đi không trở lại

Lá lạc mùa bơ vơ...

 

TỊNH BÌNH

(Tây Ninh)


READ MORE - LẠC MÙA – Thơ Tịnh Bình

BÀI HỌC BA DẠY CHO CHÚNG TÔI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân

BÀI HỌC BA DẠY CHO CHÚNG TÔI

Truyện ngắn

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Từ ngày em tôi bị cho nghỉ việc mái đầu của ba bỗng bạc trắng thêm. Dẫu biết tình hình kinh tế khó khăn vì dịch bệnh nên sự đào thải là điều không thể tránh khỏi nhưng việc bị sa thải vì một lí do không thuộc về mình khiến ba trăn trở. Ông lúc nào cũng dặn tôi phải động viên em để nó không nghĩ nó là gánh nặng gia đình khi kinh tế gia đình lầm vào khó khăn vì nó vốn là trụ cột trong nhà. Ba và tôi vốn công việc lương ít nay trở thành gánh vác của cả gia đình. Không chỉ thế , tôi biết bây giờ ông như bị chia làm hai nửa : một nửa phải lo cho gia đình có cái ăn để qua mùa dịch, nửa khác lại lo cho đứa con gái bé bỏng thoát khỏi cú sốc khi bị đổ lỗi rồi đuổi việc với công việc mà nó đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình.

            Dịch bệnh bao trùm thành phố nhỏ khiến ngành du lịch ảnh hưởng quá nhiều. Bản thân là một hướng dẫn viên, việc các chuyến bay đồng loạt hủy tránh dịch, các tụ điểm vui chơi đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan kéo theo các tour cũng dần bị hủy vì không đủ khách hoặc để đảm bảo an toàn. Những tháng đầu công ty của nó còn cố gắng chèo chống và bắt đầu cho nghỉ phép không lương, sau dần sự khủng hoảng thật sự kéo đến, một số được cho “nghỉ tạm” khi qua mùa dịch sẽ bắt đầu đi làm lại, nhưng thực sự cái gọi là “qua mùa dịch” không biết là đến khi nào; một số những trụ cột thì vì khó ăn nói khi sa thải bắt đầu đưa ra những lí do về khả năng làm việc hoặc mắc một lỗi lầm gì đó trong quá trình làm để buộc nghỉ để tránh phải trả lương thâm niên.

          -Dù biết sẽ bị nghỉ việc nhưng thà nói thẳng với con là công ty không có khả năng duy trì còn hơn là buộc con vào một lỗi lầm con không có.

          Tôi nhớ như in ngay ngày đầu tiên nhận lá đơn thôi việc đó nó đã khóc với ba như vậy.

          Gia đình tôi vốn là một gia đình lao động nghèo sống trong một căn  nhà nhỏ lọt thỏm giữa cái xóm quanh năm mùa nóng thì cháy nực, còn mùa mưa thì nước ngập lênh láng đến hơn đùi, toàn phải lội nước đi học đi làm. Má tôi quanh năm đau ốm, một mình ba chèo chống cho cả gia đình qua từng cơn bĩ cực. Đến khi hai đứa tốt nghiệp đại học rồi đi làm, tôi theo nghiệp văn chương, vốn lương chỉ là những lần nhận nhuận bút không duy trì cố định một mức, còn em tôi may mắn nhờ ăn nói và học lực ngay khi tốt nghiệp đã được nhận vào làm ở một công ty du lịch. Nó vốn thong minh, lanh lợi nên cũng mau chóng thăng tiến, và khi tuổi tác của ba ngày một già đi, đồng lương bảo vệ theo thời giá ngày càng ít đi dần, thì em tôi dần trở thành trụ cột trong nhà, cáng đáng hầu hết kinh tế.

        -Họ không cần mình thì mình nghỉ thôi con, có buồn hay uất ức cũng không thể làm họ thay đổi ý định được. Biết đâu con dừng bước ở công việc này và tương lai con sẽ có một hi vọng ở công việc khác tốt hơn. Quan trọng là cách nhìn cuộc đời một cách tích cực thì mới có động lực phấn đấu sau này.

Rồi ông nhẹ nhàng vuốt tóc nó:

        -Còn giờ thì con gái ba thì cứ để ba lo, ba nuôi con được lớn chừng này không lẽ không nuôi con tiếp được.

        Lời của ba tôi chưa bao giờ nghi ngờ, và tôi biết lúc tâm trạng em tôi đang đứng giữa lưng chừng bấp bênh như thế một lời khuyên an ủi đầy khẳng định sẽ tốt hơn là những lo lắng mơ hồ. Đêm hôm ấy, tôi thức rất khuya để nói chuyện với ba, ba và tôi không nói nhiều về những khó khăn vì cả hai đều biết gia đình đang phải đối mặt với những gì. Thi thoảng tôi bắt gặp ông nhẹ nhàng vào giường của hai chị em tôi xoa nhẹ đầu hai đứa, yên lặng không nói gì. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy cảm xúc mình chia thành hai nửa: một nửa trở nên trưởng thành và cảm thấy không thể giúp đỡ được gì cho ba, nửa còn lại hóa mình thành bé bỏng cần được ba bảo vệ chở che.

            Những tháng ngày sau đó, ba tôi nhận thêm việc móc hạt cho mấy cô ngoài chợ, thời gian rảnh khi không phải đi đây đó lấy tin tôi và em cũng vẫn hay phụ ba. Bóng dáng to bè của ba, bàn tay chai sạn khô ráp lần từng hạt nhỏ vào cái dây cước mảnh để xâu thành chuỗi, vừa vụng về vừa cần mẫn khiến nước mắt chị em tôi biết bao lần chực trào ra. Mỗi khi ba làm nên một thành phẩm nào đó vẫn hay khoe với chị em tôi:

        -Xem ba khéo tay chưa nè, chắc mở tiệm quá.

        Sau đó ít lâu em tôi được nhận vào làm công việc buồng phòng ở khách sạn, cũng có đồng ra đồng vào, làm được thời gian vì chịu thương chịu khó cũng được cất nhắc lên làm quản lí buồng phòng nên cũng có thể nói kinh tế tạm ổn hơn xưa. Ba tôi thì không được thời gian quên tên nên sức khỏe cũng ngày càng giảm, chẳng bao lâu sau lại nghỉ ở nhà sống nhờ những đồng lương hưu còm cõi. Lúc này em tôi nhất quyết đón ba về nuôi, lại bàn với chồng và được chồng thuận. Ngày ba dọn về ông sợ lại phiền con gái nhất quyết không chịu, em tôi khóc như mưa:

        =Ba nuôi con một đời, nay ba già yếu rồi để con gái phụng dưỡng. Con đã trưởng thành rồi, đã đủ sức đền đáp công ơn ba rồi.

        Ba tôi vẫn hay nói với tôi ông chỉ có đúng hai đứa con gái, nhưng đứa nào cũng ngoan  ngoãn nghe lời và thành đạt. Bản thân ông luôn cho rằng chúng tôi trưởng thành lương thiện mà không biết được từ sự chịu khó, kiên cường và hiếu thảo, tất cả mọi thứ đều là từ những bài học cuộc đời mà ba đã dạy cho chúng tôi.

 

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


READ MORE - BÀI HỌC BA DẠY CHO CHÚNG TÔI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

NGUỒN GỐC TÊN HÀ NỘI – Nguyễn Khôi

 

   

                      Nhà văn Nguyễn Khôi 

     

Sau khi hạ Thăng Long / Rồng bay xuống Thăng Long/ Thịnh Vượng...vì tham vọng dòng họ Nguyễn Phước... làm Vua tới 500 năm ở Huế, vua Minh Mạng hạ tiếp Cố Đô xuống là tỉnh Hà Nội (1831), nghĩa là “trong sông”.   

Năm 1904 Toàn Quyền Đông Dương (Pháp)  lập tỉnh Hà Đông (tên cũ nôm na là tỉnh Cầu Đơ, Phúc Yên là tỉnh Cà Lồ,  Xứ Mường / Hòa Bình tên cũ là tỉnh Bờ (sông Đà là sông Bờ). Tỉnh Cầu Đơ ở phía tây Hà Nội, nhưng khi đặt “tên chữ” (do các Nhà Nho hiến kế) là mượn từ Trung Quốc xuất xứ từ câu trong sách Mạnh Tử / thế kỷ 3 Tr.cn “Hà Nội hung tắc dĩ kỳ dân ư Hà Đông” nghĩa là “nếu Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông” / lánh nạn, và đưa thóc từ Hà Đông về (tiếp tế) cho Hà Nội với ý hai nơi ở gần nhau hỗ trợ cho nhau...

Ở bên Tàu thì phía bắc sông Hoàng Hà gọi là đất Hà Nội, phía nam là Hà Ngoại. Vùng đất Hà Nội ứng với tỉnh Hà Bắc. Lại do sông Hoàng Hà tới địa đầu tỉnh Sơn Tây (Tàu) ngày nay chảy theo hướng Bắc- Nam, trở thành ranh giới tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Sơn Tây ở phía đông nên gọi là đất Hà Đông, còn Thiểm Tây là Hà Tây.


 * SỰ TÍCH “SƯ TỬ HÀ ĐÔNG” :


Nhà thơ Tô Đông Pha (Tô Thức) một danh sĩ đời Tống nhân một buổi đến chơi nhà bạn là Thầy đồ Trần Quý Thường (Trần Tạo), một Phật tử rất hiền nhưng có vợ là Liễu thị rất ghen tuông... Nhà thơ đùa bạn bằng một bài tứ tuyệt :


Thủy tự Long Khâu cư sĩ hiền

Đàm không thuyết pháp dạ bất miên

Hốt văn Hà Đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên


 Tạm dịch:


Ai hiền bằng Thầy đồ Long khâu

Đọc Kinh thuyết pháp suốt đêm thâu

Bỗng nghe Sư Tử Hà Đông rống

Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu ?


Tô Đông Pha mượn câu thơ của Đỗ Phủ “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” (cô gái Hà Đông người họ Liễu) gắn vào chuyện ghen tuông của vợ bạn cũng họ Liễu.


                                              Hà Nội 30-7-2018

                                              NGUYỄN KHÔI


READ MORE - NGUỒN GỐC TÊN HÀ NỘI – Nguyễn Khôi