Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 4, 2024

YÊU EM CUỒNG NỘ - Thơ Le Nguyen Thu tặng người tui lỡ ngu ngơ thương có Birth Day hôm nay

                                                          


Yêu em cuồng nộ


Em đi ngang đời ta
trên tinh cầu vàng rêu
mầm tình yêu xanh lên
dòng dung nham cuồng nộ
tràn qua bờ ngu ngơ
.
Em đi ngang đời ta
trên cồn hoa vàng mơ
sau cơn mưa mây chiều
vô ưu hoa một nụ
thơm như môi em hồng
.
Em đi ngang đời ta
trên nguồn ngàn thu nguyên
khe nay rừng nguyên sinh
hồn du nay vừa mục
nghe đời mình hư hao
.
Em đi ngang đời ta
trên hàng thành xa xưa
màu thời gian phôi pha
xin Gìn Vàng Giữ Ngọc
chuyện đôi mình mù sa 

 

 (10AM/0:00 nửa đêm)
Oct.15th-16th, 2023 

Le Nguyen Thu 



READ MORE - YÊU EM CUỒNG NỘ - Thơ Le Nguyen Thu tặng người tui lỡ ngu ngơ thương có Birth Day hôm nay

BÌNH LUẬN VĂN HỌC TẬP 4 của HOÀNG THỊ BÍCH HÀ - Lời tựa của nhà phê bình, biên khảo Nguyễn Vy Khanh

 


BÌNH LUẬN VĂN HỌC TẬP 4 của HOÀNG THỊ BÍCH HÀ

Lời tựa của nhà phê bình, biên khảo Nguyễn Vy Khanh 



Tác giả Hoàng Thị Bích Hà gửi cho đọc Bình Luận Văn Học, cho biết là tập cuối và mong tôi hồi đáp một vài cảm nghĩ. 

Nhìn chung, các bình luận văn học của HTBH trong tập 4 này đa dạng về thể loại, chủ đề và về các tác giả ở trong cũng như ngoài nước. Bà thích thưởng thức văn chương, siêng năng theo dõi các sinh hoạt văn nghệ, chứng tỏ có tài quan sát, đi sâu vào nội dung cùng hình thức sử dụng của các nhà văn nhà thơ đã thành danh cũng như mới xuất hiện trong làng văn – và cả bản thảo các nhà văn thân quen hoặc nhờ đến. 

Hoàng Thị Bích Hà từng nhận mình là “tín đồ của văn chương” và vì yêu thơ văn nên bà dễ nhập vào tác phẩm và hiểu nguồn cơn cũng như chất liệu cuộc sống tác giả của chúng đã đưa vào thơ văn.

HTBH viết khá đạt về Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng khi nhận xét NTH đã đi trước thời đại, là người đầu tiên đem đời tư vào văn chương, như một cách sống thật mình. Phải chăng cùng gốc Huế nên HTBH khi viết về những tác giả vùng sông Hương núi Ngự như Nguyễn Thị Hoàng, Trần Dzạ Lữ, Trần Kiêm Đoàn, Dzạ Lữ Kiều, … thì chữ dùng, mạch văn bà mạnh mẽ và nhiều tầng bậc cảm xúc tỏ rõ sự say mê của một tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật. Trần Kiêm Đoàn sống ớ xứ người nhớ Huế rồi “về Huế” một cách đặc biệt - rất Huế, được HTBH ghi lại trong “Hồn cốt Huế trong ‘Truyện Khảo…’ của một nhà văn rặt Huế” như cùng nhịp tim khi hướng về Huế. Về nhà thơ Trần Dzạ Lữ cũng vậy, có một sự đồng cảm rõ rệt - HTBH từng thổ lộ với nhà thơ: “thỉnh thoảng nếu cảm xúc bất chợt trào lên thì em cũng ghi lại đôi dòng về thơ hay tản văn, truyện ngắn gì đó để trải nghiệm thú vui của người sáng tác. Với em viết theo cảm xúc, viết vì đam mê và còn viết để hạnh phúc nữa. Còn bạn đọc đón nhận được chừng nào tốt chừng đó bằng không thì thơ văn vẫn là nơi cho mình gửi gắm cảm xúc! Chừng đó thôi thì cũng đủ ý nghĩa rồi!”.

Với thơ Lê Hữu Minh Toán, HTBH cũng tỏ ra đồng cảm khi dõi theo bước đường của nhà thơ ngày trở lại những chốn xưa ngày cũ “Thơ anh là những dòng xúc cảm chân thành đầy tình người, tình đời. Thi nhân yêu đời, yêu cuộc sống, yêu quê hương với những vần thơ là nỗi niềm đau đáu của kẻ ly hương, luôn vọng tưởng quê nhà!” và nhận xét rằng “thơ anh có những bài đọc lên đã thấy hay nhưng cũng có những bài phải đọc thật chậm, thật kỹ mới tìm được tiếng nói tri âm, đồng cảm sẻ chia. Vì vậy cảm và luận về thơ có thể mỗi người mỗi khác, tùy theo cảm quan nghệ thuật, tâm trạng, thời điểm, cảnh ngộ và tư duy thẩm mỹ riêng của người đọc”. 

Đặng Châu Long qua tác phẩm đã xuất bản, được HTBH đánh giá là “người lưu giữ ký ức và kỷ niệm”. Với nhà văn Nguyễn Châu, bà nhận định “Phải nói là “Đi, đọc và viết” là sở thích cũng là điều kiện cần để nhà văn tích lũy vốn sống. Điều đó đối với nhà văn Nguyễn Châu thì sự đi (xê dịch) đó là quá đủ để anh không những có dịp quan sát mà còn trải nghiệm thực tế cuộc sống từ khắp nhiều vùng miền của đất nước từ Nam chí Bắc. Đi qua những thăng trầm cuộc đời của chính nhà văn, anh đã tái hiện cuộc sống lên trang viết sinh động, mang hơi thở của cuộc sống. Đó là những chiêm nghiệm chứa tư tưởng thẩm mỹ và thông điệp gửi gắm trong tác phẩm…”.

Khi viết về truyện ngắn Cơn Gió Bên Bờ Vực của Trương Văn Dân, HTBH cho rằng “Nhà văn là thư ký của thời đại. Và mỗi người sẽ có một góc nhìn, một cảm quan nghệ thuật riêng… Văn chương là cuộc đời nhưng không phải bản phô tô cuộc đời. Mà phải qua lăng kính của nhà văn đến tác phẩm là cả quá trình ấp ủ cảm hứng sáng tạo. Cảm xúc thúc bách ở bên trong con người, cần bộc lộ. Và tự thấy trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời. Đi vào tác phẩm là đi vào thế giới tâm hồn của nhà văn …”.

Viết về “Văn truyện của Phạm Ngọc Dũ”, HTBH đưa ra nhận xét: “Trong tác phẩm mỗi nhân vật ít nhiều có bóng dáng tác giả, ở một mặt nào đó hay mỗi nhân vật anh gửi gắm vài đặc điểm hình thức hay tính cách.  Hình bóng tác giả - chủ thể sáng tạo trong tác phẩm, độc giả thấy một Phạm Ngọc Dũ hiện ra phong trần và lãng tử. Anh đi qua những biến động của lịch sử như một nhân chứng dâu bể, tang điền qua ngòi bút chân thực và lãng mạn và nhân ái, bao dung, có trách nhiệm với cuộc đời”. 

Thật vậy, không những viết cảm nhận văn chương mà HTBH lại còn đưa suy nghĩ và lý luận khi bàn đến thể loại như về thơ, truyện, phim,… Trong “Thơ Tình và người viết Tình Thơ”, bà nhận định: “Thơ là tiếng lòng, điều đó hẳn rồi! Người làm thơ dùng câu chữ để giải bày cảm xúc của mình, trong đó cũng có thể nói hộ lòng người. Người đọc tìm thấy bóng mình trong đó như tìm thấy một tiếng nói tri âm, đồng cảm. Nhưng đôi khi cũng nói giùm người khác. Câu chữ của tác giả chạm được đến con tim người đọc khi họ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, đồng cảnh ngộ, người ta có thể mượn câu chữ của thi nhân để bộc lộ nỗi niềm. Người làm thơ cũng là người nghệ sĩ có thể hóa thân vào nhân vật, nhập vai rất tròn trịa để diễn tả giùm cảm xúc của người khác…”. HTBH lên tiếng “Hãy điềm đạm khi khen chê và đừng hiếp đáp cảm xúc” trong bài viết tiếp theo về thơ.

Các bình luận của HTBH trong tập này nói chung mang tính sư phạm, đầy đặn trước sau và hài hòa cũng như “đến với” nhiều hơn là chỉ đơn thuần bình luận. Với những tác phẩm Hoàng Thị Bích Hà đắc ý, bà như nhập tâm với nhân vật hoặc hồn thơ đánh động, lời cảm nhận bay bổng theo nghệ thuật của tác phẩm hoặc tính sáng tạo của các nhà văn nhà thơ.

Viết là chia sẻ, người sáng tác cũng như nhà bình luận. Chúng tôi vừa chia sẻ vài cảm nhận nhân đọc Bình Luận Văn Học. Giờ đây xin mời bạn đọc đi vào nội dung những cảm nhận văn chương mới nhất của nhà văn Hoàng Thị Bích Hà.

                                      Toronto, Canada, ngày 22-8-2024  

                                                  Nguyễn Vy Khanh    
 

From : Bích Hà habich1963@gmail.com



READ MORE - BÌNH LUẬN VĂN HỌC TẬP 4 của HOÀNG THỊ BÍCH HÀ - Lời tựa của nhà phê bình, biên khảo Nguyễn Vy Khanh

Thursday, October 3, 2024

TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ (Kỳ 3/5)- Võ Công Diên biên soạn

 TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ

Biên soạn: Võ Công Diên

 

Đi rượng = Chỉ đi chơi hàm ý đi tán gái hoặc đi rong chơi của phụ nữ

Diều = nhiều

Điệng = (đễnh đoảng, chỉ người kém phát triển trí tuệ)

Địt = Trung tiện

Đợ = Dùng tay để đỡ một vật không cho rơi xuống

Dỗ = Nhổ (dỗ cỏ = nhổ cỏ)

Dớ = nhớ (Tui dớ = tôi nhớ)

Dõ = Nhỏ bé (Hắn còn dõ = Hắn còn nhỏ)

Dợ = Tạnh mưa (Trời dợ rồi = trời tạnh mưa rồi)

Dớ dà da diếc = Nhớ nhà da diết

Đỡ đang = (Xấu hổ, mắc cỡ)

Dổ khoai = Thu hoạch khoai lang

Do mi = Tại bạn, tại mầy

Đờ sơ = Chỉ người qua đời khi tuổi còn nhỏ chưa trưởng thành

Đọa qua = Mệt quá

Dọi = Rượt đuổi (Dọi chắc trữa cươi = Đuổi nhau giữa sân)

Đọi = Tô

Dọi chắc = Rượt đuổi nhau

Đôi đất = Liệng đất = Chọi đất.

Dòm = Nhìn (Dòm queng dòm cút = Nhìn ngó lung tung)

Dợn (rợn) = Dễ sợ, làm rùng mình

Đòn bào = Ghế băng dài (Ghế các thợ mộc dùng để bào gỗ)

Đòn triêng = Đòn gánh

Đòn xóc: Đòn gánh vót nhọn 2 đầu để gánh lúa, gánh rơm

Dừng roọng = Bờ đắp phân cách hai thửa ruộng khác nhau

Đợng = Đựng (Đợng trong thúng = Đựng trong cái thúng)

Dọoc = Bực mình, mệt (Doọc bụng = mệt bụng)

Đôộc = Cái lu sàng nhỏ dùng đựng nước tiểu

Dôông = Chồng (Lấy dôông = lấy chồng) (Hai cấy dôông = Hai vợ chồng)

Đôộng = Đồi cao hơn rú nhưng thấp hơn rừng

Độông đôông = Cái cây gổ hoặc tre được gác trên nóc nhà chỗ cao nhất, chính giữa nóc nhà

Dớp dúa = Dơ bẩn

Dư ni tề = Giống vậy nè

Dức = Đau nhức (Dức trôốc = đau đầu)

Dững = Những

Đừng cại = Đừng cãi lại

Đừng trẽn = Đừng mắc cỡ

Đuốc = Ruốc (Mắm đuốc = mắm ruốc)

Đưới = Dưới

Ẽ = Đại tiện (Đi ẽ, đi ỉa)

Ẹ = Dơ, bẩn

Ẽ quẹt = Không thèm nữa, bỏ đi, vất đi...

Êm rứa hi = Yên tâm vậy nha

Eng = Anh

Eng ni = Anh này

Eng tam = Anh em ruột

Gả dôông = Gả chồng

Ga Lăng Cô tề! = Ga Lăng Cô đây rồi!

Ga mô ri eng = Ga nào vậy anh?

Ga ni ga mô ri cô? = Ga này là ga nào vậy cô?

Ga tê, tau đi ga tê = Ga kia, mình đi ga kia.

Giằng giăng giằng gioói = Vất vả, mệt mỏi

Giánh nè = Nhánh tre

Giức = Nhức (Đau nhức)

Hai eng tam hắn đập chắc = Hai anh em ấy đánh nhau

Hai lạo nớ cại chắc = Hai ông kia cãi nhau

Hổ ngai = Hổ ngươi, xấu hổ

Hói = Mương nhỏ dẫn nước ra sông

Hột = Hạt (Cắn hột dưa)

Hộn hào = Hỗn láo

Hun = Hôn (Hun chắc = Hôn nhau)

Hung = Nhiều (Hung ri = nhiều vậy)

Khải trôốc = Gãi đầu

Khi mô mi đi? = Lúc nào mầy đi?

Khõ = Gõ (Khõ cái trôốt bây chừ = Gõ vào đầu )

Khõ = Gõ

Khoai hà = Khoai sâu

Không lưa = Không còn

Khóoc = Khóc

Khôông = Không

Khôông dắc = Không nhắc lại

Khôông đám mô = Không dám đâu

Khôông răng mô = Không sao đâu

Khôông răng mô eng = Không sao đâu anh.

Khu = Đít (Lỗ đít)

khu = Đít, chỉ hậu môn

Khu = Mông (Lộ khu = Thấy mông)

Khu đị = Phần tam giác ở hai đầu hồi của căn nhà

Khun = Khôn (khôn dại)

Ki đực rạ cụ đựng ni trọt chừ lộ mô? = Cái rựa dựng ngoài hiên nhà nằm đâu không thấy? 

Ki = cấy = cái; (Ki = Giọng  người nói chớt, hơi bị ngọng).

Kít = cứt

Lả = Lữa

Là đệng = đãng trí

Là diệng = bị cháy nhà (Từ rất lạ)

Lác lác /lao lác = (Chỉ hành động lời nói không đúng đắn, bậy bạ)

Lại = Lưỡi

Lại lưỡi ròi ruồi = Gảy lưỡi rồi

Lạo = Lão (Lạo ni = Lão ấy)

Lện = Sợ

Lèng = Lành (Lành bệnh rồi)

Liệng = Ném (Gần nghĩa chọi hoặc quăng ra xa ở trên)

Liệng cho tui cấy rựa = Ném cho tôi cây rựa

Lộ = Chỗ (Chỉ vị trí: Lộ ni = Chỗ này)

Lộ = Lỗ (Lộ mẹng= lỗ miệng)

Ló = Lú (Trăng non vừa lú, vừa nhú)

Ló = Lúa (Hột ló = Hạt lúa)

Lộ = Thấy (Lộ hàng, bị lộ)

Lộ chao cẳng = Vũng nước để rửa chân

Lộ chao cẳng mô ri O? = Cái hố nước để rửa chân đâu cô?

Lọ mọ = Lần mò

Lộ mội = Lỗ nước bị rò rỉ ở bờ đê

Lọ nghẹ = Lọ nồi

Lộ mội = Lỗ nước chảy bị rò rỉ

Lộ tún = Lỗ rốn , rún

Lộ= Chỗ

Lõa trôốt = Bể đầu

READ MORE - TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ (Kỳ 3/5)- Võ Công Diên biên soạn

Chùm ảnh HOA SEN MINI TAIWAN - Chu Vương Miện





 

READ MORE - Chùm ảnh HOA SEN MINI TAIWAN - Chu Vương Miện

MÙA THU HƯƠNG PHẤN – Thơ Khê Kinh Kha


 

 
MÙA THU HƯƠNG PHẤN
(Cho DP)
 
trong mắt em mùa thu vừa đến vội
gió lạnh đầy trong nỗi nhớ chơi vơi
anh chợt biết vì sao thu yếu đuối
bởi vì em gửi nhớ đến bên tôi
 
này em hỡi thu này mình xa cách
nên lá vàng rưng rức theo gió lay
nên chiều nay mình anh ôm lá khóc
mà ngỡ hồn mình trên cánh lá bay
 
anh sẽ mượn con gió trên cành lá
và cánh chim lãng đãng giữa chiều tà
để anh gửi về em nụ hôn ấm
ấm trong mặn mà- ấm trong tình ta
 
anh sẽ góp ánh trăng vào ước vọng
và giọt sương long lanh như mắt em
đề ấp ủ trong tháng ngày xa vắng
cho tình mình dịu ngọt đến dễ thương
 
anh sẽ nhặt nắng hồng rơi trên lá
và nhẹ hôn để nhớ môi em nồng
anh sẽ kết mây trời thành tóc xõa
anh sẽ ôm – tựa má vào mây mềm
và sẽ thở vào mây lời yêu mến
 
anh sẽ hái vạn ngàn cánh sao băng
và sẽ nguyện xin Chúa tình em ngoan
để mùa thu trong anh đầy hương phấn
hương phấn tình mình – hương phấn yêu đương
 
khê kinh kha

READ MORE - MÙA THU HƯƠNG PHẤN – Thơ Khê Kinh Kha

KÝ ỨC THÁNG MƯỜI, ẤN TÍCH THĂNG LONG – Thơ Ái Nhân





KÝ ỨC THÁNG MƯỜI
 
Hà nội bầu trời mùa thu năm ấy
Ngăn ngắt xanh trong như mắt em cười
Thỏa nỗi khát khao bao ngày mong đợi
Ấm áp tin yêu rạng rỡ lòng người
 
Hà nội rợp trời cờ hoa lộng lẫy
Rầm rập người đi như sóng Sông Hồng
Thề với non sông* đoàn quân trở lại
Giải phóng Thủ đô. Hùng khí Tiên Rồng
 
Hà nội qua chín mùa đông tê tái
Cúc vàng hoe long lanh mắt đợi chờ
Những thiếu nữ áo dài khăn voan trắng
Miệng nở hoa trong nắng đỏ sắc cờ
 
Hà nội rợp trời vàng sao rực rỡ
Người nắm tay người thật ngỡ như mơ
Mắt mẹ già vơi nhớ thương se sắt
Vòng tay ân tình ôm chặt ước mơ
 
Hà nội tháng mười xôn xao ký ức
Đất nước tưng bừng nô nức nắng hoa
Đỏ tươi khăn quàng hân hoan đến lớp
Rạo rực lòng người chung bước “Tiến quân ca”
 
* Lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
 
 
ẤN TÍCH THĂNG LONG
 
Đường Lâm đó Xứ Đoài mây trắng
Mắt Sơn Tây thăm thẳm nỗi niềm
Hồn kẻ sĩ “Tả thanh thiên” khí tiết
Đào nhật Tân thắm đỏ tết muôn miền
 
Thu lồng lộng sắc trời xanh thăm thẳm
Ngào ngạt hương thơm cốm nếp làng Vòng
Ngô lúa mọc bời bời trên đồng bãi
Lộc phù sa nhuộm đỏ nước sông Hồng
 
Chuyện thuở trước trời xe duyên chồng vợ
Bến Tự Nhiên mối tình đẹp muôn đời
Chử Đồng Tử, Tiên Dung vừa gặp mặt
Đã yêu nhau muôn kiếp chẳng đổi dời
 
Ngàn năm trước chiếu dời đô hào sảng
Chọn đất linh Lý Thái Tổ xây thành
“Thiên lý nhãn” ngàn năm còn mãi sáng
Hổ phục, rồng chầu vóc dáng Thăng Long
 
Thành Hà Nội đã bao phen khói lửa
Nguyễn Trãi làm thơ gọi giặc ra hàng
Đuổi Thoát Hoan những chiến binh “Sát thát”
Hỏa hổ Ngọc hồi xác giặc chất Đống Đa
 
Trong hoạn nạn tỏ rõ lòng trung nghĩa
Tướng mất thành tuẫn tiết tự moi gan
Thề quyết tử cho trường sinh Tổ Quốc
Bom ba càng xung trận “Cảm tử quân”
 
Thu độc lập Tuyên ngôn còn vọng mãi
Ánh vàng sao lồng lộng bóng Bác cười
Khai sinh nước Việt Nam dân chủ
Độc lập – tự do - hạnh phúc muôn đời
 
Trời Hà Nội tháng mười trong xanh lắm
Năm cửa ô rực rỡ đỏ cờ hoa
Rầm rập quân reo, sóng người lớp lớp
Non nước tưng bừng chung khúc khải hoàn ca
 
Đêm tháng chạp đạn ken thành lưới thép
“Pháo đài bay”, “Thần sấm” cháy ra ma
Lũ cướp nước đến đây đều khiếp sợ
Giặc tan rồi, Vua mở hội… trả gươm
 
Đêm trăng sáng Hồ Tây sen ngào ngạt
Hồn thi nhân du dương khúc tâm tình
“Dân là gốc”, thành công vì đoàn kết
Trọng “Hiền tài nguyên khí quốc gia” vinh
 
Dân tộc mình kiên trung anh dũng
Thành phố vì hòa bình, thanh lịch hào hoa
Thủ đô đấy trái tim Tổ Quốc
Hương Tháng mười - Hồn Lạc Việt bay xa
 
 
KHÁT VỌNG  DOANH NHÂN
 
Làm ra khoai lúa
nông dân tảo tần
ngóng mưa
trông nắng
khi hạn cháy đồng
lúc mênh mông nước trắng
bội thu vui hơn “địa chủ được mùa”
 
Doanh nhân ngỡ “sướng như vua”
mà nhọc lòng trăn trở
lo lắng, chi thu, tìm tòi, học hỏi
vượt núi, ngược sông, mở lối, khơi nguồn
 
Chấp nhận rủi may
đổi thay thời cuộc
mang gia tài đặt cược
đối mặt
cạnh tranh
thương thảo
giành giữ thị trường
những mong lời lãi
 
Xe đẹp, nhà cao, xênh xang thừa thãi
mấy ai biết mình lao tâm khốn khó
lên bổng, xuống trầm, đôi khi nhăn nhó
ý chí kiên cường, tính toán, lo toan
khao khát tương lai dân nước mạnh giàu
 
 
ĐỜI DOANH NHÂN
 
Có đôi lúc khó khăn buồn se sắt
Mồ hôi hòa nước mắt ướt đầm vai
Mì tôm tạm, vội đi tìm đối tác
Canh cánh đêm dài, dậy trước ban mai
 
Niềm khát vọng đâu chỉ vì cơm áo
Khát khao mơ dân nước sánh bằng người
Khó khăn đấy vẫn nở cười rạng rỡ
Vét túi chơi sang, gặp gỡ, chào mời…
 
Xe hơi đẹp, nhà cao, hàng hiệu mới
Người đời trông mà chộn rộn ước mơ
Đêm lặng lẽ còn thẫn thờ trằn trọc
Mấy khi ngồi rảnh rỗi đọc bài thơ
 
Có những lúc lòng bộn bề trăn trở
Thiếu vốn làm ăn cầm cố gia tài
Khi dịch bệnh, lúc thiên tai bão lũ
Doanh nhân đi đầu góp của ghé vai
 
Nuôi chí lớn không nề hà ngần ngại
Khát vọng vươn lên ham muốn làm giàu
Vì cuộc sống của bao người lao động
Vượt mọi gian nan, bền bỉ, ngẩng đầu
 
Mắt luôn ngước nhìn về sao Bắc đẩu
Giữa biển mênh mang chẳng sợ lạc đường
Giữ uy tín vàng mười hàng chất lượng
Thuận đạo đời làm giàu đẹp quê hương
 
Ái Nhân

READ MORE - KÝ ỨC THÁNG MƯỜI, ẤN TÍCH THĂNG LONG – Thơ Ái Nhân

Truyện ngắn THẦY DÀI - Vũ Hùng

 

Tác giả Vũ Hùng

Truyện ngắn

THẦY DÀI

 

Cu Anh Dài là họ tên đầy đủ của một cựu đồng nghiệp cao niên của tui. Thấy tui có vẻ thắc mắc về cái tên kỳ lạ có một không hai này, Thầy Dài chậm rãi giải thích là do gã Đả Tự viên* ủy ban hành chánh xã Long Sơn từ thời đệ nhất Việt Nam cộng hòa  đánh máy sớn sác thế nào mà trong giấy khai sanh thiếu dấu nên có cái tên như vậy đó. Chứ trước khi đi tập kết ra Bắc cha Thầy dặn vợ rằng:

-Tui là Cù Hồng Chương còn thằng con khai là Cù Anh Đài nghen bà?

Rồi cái tên Cu Anh Dài nghe gọi mãi lâu ngày cũng thành quen tai và hay ho như bao tên khác.

Nghe đồn Thầy Dài học giỏi nhất làng, nhất xã. Đỗ Tú Tài toàn phần Hạng Bình Thứ. Và sau đó là giáo sư Việt Văn đệ nhất cấp trước 1975.

Thầy Dài đào hoa lắm. Đàn bà, con gái mê nườm nượp đếm không xuể.  Có điều lạ làThầy không hề điển trai thậm chí là dị tướng cũng không ngoa chút nào. Thầy cao vút, lêu nghêu với đôi mắt ti hí và hàm răng vẩu vàng ố khói thuốc lá. Ngo ngoe mấy sợi râu cố bám trên đôi môi mỏng dính thâm sì. Nước da mai mái như sốt rét rừng lâu năm.

Là con trai một nên Thầy Dài lấy vợ khá sớm khi đang học lớp đệ lục. Nhưng ở bên ngoài vẫn hú hí với ba, bốn cô bồ nhiều hơn Thầy mấy tuổi.

Nghe đồn hồi Quốc gia Thầy Dài dạy học ở Pờ Lay Kiu, cứ mỗi tuần là có một cô khá đẹp chẳng rõ quê ở đâu đến để giặt giũ, nấu nướng cho Thầy.

Sau giải phóng Thầy Dài về dạy ở quê. Nhưng bị kỷ luật thường xuyên và bị đẩy đi nhiều trường xa xôi vì liên tục vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Ngày về trường tui, cũng là lần đầu tiên tui gặp, Thầy có vẻ khúm núm, sợ sệt. Sau khi đọc nhẩm quyết định ông Hiệu trưởng Năm cười nói:

- Nghe tiếng Thầy Dài đã lâu nay... hừm... chẳng biết thế nào...

Vừa lúc đó cô giáo Thư đẹp nhất trường, với chiếc áo dài tím tha thướt đi qua hành lang, Thầy Dài liếc ngang.

- Chị tui đó - Hiệu trưởng Năm nói - ông có giỏi thì tán xem, hi....hi..

Thầy Dài lí nhí:

- Thầy cứ giỡn, tui đâu dám!

Đầu tuần sau, như thường lệ Ban Giám hiệu đến trường rất sớm để chuẩn bị chào cờ. Vào văn phòng chưa kịp ngồi xuống ghế  thì Thầy Năm đã thấy Thầy Dài bước vô.

- Đến trường  sớm vậy Thầy Dài? Mời uống nước!

- Dạ, thưa Thầy... thưa Cậu Năm... tui, tui..

Tự dưng Thầy Năm thấy choáng váng, chân tay bủn rủn, mồ hôi vã ra như tắm...

Ngay ngày hôm sau, Thầy Dài bị đẩy đi một trường xa nhất huyện Trường Long Thành.

Và Thầy tiếp tục bị kỷ luật rồi cho thôi việc hẳn!

...Năm ngoái Thầy Dài bị nhồi máu cơ tim và qua đời.

Đám tang to chưa từng có.

Khách viếng cũng lắm. Người tò mò xem cũng nhiều!

Nghe đâu ba chiếc máy khâu điện hẳn hoi với những tay thợ chiến, may ròng rã suốt mấy ngày đêm vẫn không kịp đủ áo quần, khăn tang cho anh em bà con nội ngoại, cùng bốn chục bà vợ chứ không phải là mười lăm bà như người ta hay kháo ở chợ Chàm và non trăm đứa con cháu của Thầy Dài từ khắp nơi kéo về!

Tiếng trống, tiếng kèn xen lẫn tiếng khóc lóc, kể lể, than van dậy cả một góc làng.

Đứt cả ruột gan!

VŨ HÙNG

 

* Nhân viên đánh máy.

READ MORE - Truyện ngắn THẦY DÀI - Vũ Hùng