Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 10, 2013

Trần Thị Quỳnh Hoa - VIẾT CHO NHỮNG THIÊN THẦN

Tác giả TRẦN THỊ QUỲNH HOA
(Mến tặng các anh, chị điều dưỡng,
 những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân)


Tôi đã thấy ánh mắt em nồng ấm
Lấp lánh hồn nhiên đẹp nét xuân ngời
Hái đóa yêu thương em tặng cho đời
Bàn tay nhỏ xoa nỗi đau trần thế

Có ai biết trong đêm dài thăm thẳm
Có bao người tranh giữa tử - sinh
Lòng nhân từ đâu nỡ cảnh phân ly
Nên cố giữ cho người từng phút sống.

Viên thuốc nhỏ gói ân tình sâu nặng
Lời yêu thương sưởi ấm lòng người
Đêm trong đêm mình em lạnh vắng
Vẩn âm thâm khâu kết đau thương

Thương biết mấy giữa dòng đời tất bật
Những tâm hồn tỏa sáng lương tri
Màu áo tinh khôi tươi đẹp xuân thì
Em hiền dịu cho mùa xuân vĩnh cửu.

Trần Thị Quỳnh Hoa
Bác sĩ CK1 chuyên ngành YHCT
Hiện cư ngụ tại Tây Ninh
Email: quynhhoa_tran62@yahoo.com

READ MORE - Trần Thị Quỳnh Hoa - VIẾT CHO NHỮNG THIÊN THẦN

TÍNH CÁCH NHÂN BẢN TRONG VĂN CHƯƠNG - Nhã My


 
NHÃ MY - SƯƠNG LAM
Tên thật: Lâm thị Ngọc Sương
Sinh năm: 1953
Quê quán: Bến Tre (Kiến Hòa)
Làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu và tên thật có bài đăng rải rác trên các 
các tạp chí văn học trước và sau năm 75 như Nghệ Thuật, Gia Đình, Khởi Hành, Thời Tập, Tư Tưởng, Tuổi Trẻ chủ nhật. 
Nghỉ viết một thời gian dài, các bài sau này khi viết lại đăng trong trang blog cá nhân ( suongLam-NHAMY) và đăng thơ trong Thư Quán Bản Thảo, Blog Tiếng Thơ Tình Người, tạp chí Tiếng Quê Hương
Hiện đang sống tại Washington USA.



TÍNH CÁCH NHÂN BẢN TRONG VĂN CHƯƠNG                                                                      -  Phiếm luận                                                                                       
        Từ  "nhân bản" (humanisme) hiểu theo nghĩa thông thường và dễ hiểu là những câu chuyện, đề tài có liên quan tới con người, lấy con người nói chung làm gốc. Con người tức bản ngã cá nhân của chính ta (cái ta, tôi) và tha nhân (người khác) tức những người ở xung quanh ta, có mối liên hệ (bà con giòng họ) với ta hay chỉ là người xa lạ (nói chung là nhân loại). Đã là con người thì ai cũng phải có thể xác và tâm hồn. Con người ngoài bản năng sinh tồn (vật chất ăn, uống, ngủ , nghỉ) còn có khả năng suy nghĩ, cảm xúc thuộc về  tâm linh (chính  đây mới là điều đặc biệt quan trọng của con người khác với thú vật ) .
        Văn chương là sản phẩm của con người, do đó hầu hết các đề tài, tác phẩm văn học đều ưu tiên viết về con người. Các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, biên kịch, viết nhạc ngoài tài sử dụng chữ nghĩa lưu loát tuyệt vời còn có một tâm hồn nhạy cảm, cảm mảnh liệt và dồi dào. Từ những hình tượng tầm thường, những đồ vật vô tri vô giác, hay cảnh sắc ở xung quanh, đã được nhân cách hóa tạo nên những áng văn hay, bài thơ đẹp, khúc nhạc vui (hoặc buồn) để cho chúng ta thưởng thức. Nghe tiếng ve kêu "nức nở buồn hơn tiếng lòng’", "hôm nay buồn mặt trời đi ngủ sớm’",  "cái cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao, ông ơi ông vớt tôi nao, tôi có lòng nào ông hãy xáo măng, có xáo thì xáo nước trong , đừng xáo nước đục đau lòng cò con"
        Với văn tài của người viết, khi thể hiện về những đề tài con người thì xúc cảm và nhận xét càng tinh tế, ý nhị hơn. Cái "ta không còn là ta tầm thường ( ăn diện, tức tối, ganh tỵ, thích chửi bới, hiềm khích,…) mà trở nên cái ta dễ thương, khiêm tốn , biết lắng nghe, biết hòa hợp vào thiên nhiên, cái ta dạt dào tình cảm "một mảnh tình riêng ta với ta""người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"… Từ những "bức tranh sống động" tả cảnh cô bé  “Đi chùa Hương” ( Nguyễn Nhược Pháp) đến cảnh chợ tết (Bàng Bá Lân) hay cảnh đoàn tàu (Tế Hanh) với những tiếng còi  "Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ. Lòng của người đi réo kẻ về đã khiến cho người đọc đắm chìm vào trong những cảm xúc buồn, vui, rạo rực, hay xót xa thương cảm… Khi đọc những tác phẩm văn xuôi khác, mặc dù có là tiểu thuyết (hư cấu) hay tùy bút, ngay cả ký sự thì ít nhiều tâm sự của tác giả (là tha nhân, người lạ hoàn toàn không quen biết với ta) cũng như dễ dàng hòa hợp, được người khác (người viết cũng không biết người đọc là những ai) đón nhận một cách ưu ái (hay khó chịu). Từ những hoàn cảnh giàu sang, phú quí, cao sang tốt đẹp cho đến  khổ sở, bần hèn, nghèo đói dốt nát, tất cả như đều hiện ra trong văn chương, truyện ký. Những con người thật sự với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố với những sinh hoạt tập quán như một bức tranh xã hội hỗn độn đầy sức sống lấn lượt đi vào văn chương bằng những nét chấm phá vô cùng linh hoạt, rõ ràng. Ta đã gặp một nàng Kiều mà cuộc đời truân chuyên, cay đắng hay một nàng kỷ nữ (ở bến Tầm Dương của Bạch cư Dị) buồn khi nhan sắc về chiều hoặc cũng là kỷ nữ, một người mà (cái nghề) với chế độ phong kiến thời ấy bị xã hội khinh rẻ nhưng cũng là một con người được tác giả vẽ nên với chất người được bình đẳng như muôn ngàn con người khác, cũng có những tình cảm, phút giây “khách không ở lòng em cô độc quá”(Xuân Diệu). Rồi gặp được Chí Phèo, Thị Nở hay những kẻ nghèo hèn khác (trong tác phẩm Sống mòn của Nam Cao), còn nhiều nhiều nữa… Khi mà những mảnh đời rách nát, khổ đau, những con người được coi là ở tận đáy của xã hội đã được các tác giả dựng nên thì trong ý nghĩa tích cực, tự do và bình đẳng văn chương đã nói lên được tính cách nhân bản, nói lên quyền (được sống không có sự phân biệt đối xử) của con người. Rồi khi ta đọc Quốc văn giáo khoa thư, Cổ học tinh hoa, Tâm hồn cao thượng, Ngụ ngôn của La Fontaine thì không phải là biết về con người và  học được những kinh nghiệm làm người hay sao. Một tác giả nổi tiếng khác người Trung Quốc là Lỗ Tấn tuy không khẩu hiệu sách động, không "dao to búa lớn nhưng chỉ với những tác phẩm bình thường, những chuyện kể có khi nhỏ nhặt mà đã có một ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi tư duy của một thế hệ, như vậy không phải là tác dụng nhân bản của văn chương sao. Rồi Đoạn tuyệt  (Nht Linh) nói về cuộc xung đột giữa cũ và mới hay Tố Tâm (Hoàng ngọc Phách), một tiểu thuyết tình cảm lảng mạn đã khiến cho có người thương cảm nhảy hồ tự tử , sau này những tác phẩm tiểu thuyết xã hội của Quỳnh Dao (tác giả Đài Loan, dịch giả Liêu quốc Nhỉ) tuy vẫn biết là hư cấu nhưng cũng đã từng làm đắm say cả một thời, và còn nữa, nhiều nhiều nữa, thế giới của văn chương tiểu thuyết thật vô cùng phong phú và hấp dẫn.
        Cũng vì sự hấp dẫn của thế giới văn chương, truyện ký và ngày nay là phim ảnh đã ảnh hưởng rất lớn, sâu đậm đến sinh hoạt tình cảm của con người nên cũng có người phản đối cho là dạy hư giới trẻ con mới lớn. Nhưng nhìn chung, ngoài những ‘’dâm thư’’, truyện kinh dị có hại tới thần kinh, những loại văn tục tĩu vô văn hóa, những chuyện xàm xí bậy bạ  có ảnh hưởng không tốt cho trẻ con mới lớn thì văn chương, thi phú, trong tác dụng tích cực vẫn là một món ăn tinh thần bổ ích và cần thiết cho con người.
        Mà đã là “món ăn” thì thiết nghĩ cũng có nhiều “khẩu vị” khác nhau. Cùng một câu chuyện, một vấn đề có khi được hiểu (mổ xẻ) theo nhiều cách khác nhau. ( Bằng chứng là chỉ có một nàng Kiều mà có biết bao ý kiến, phê bình, tốn hao không biết bao thời gian và bút mực … nói cho vui có khi … tác giả cũng chẳng biết đâu mà rờ!). Có thể tôi thích đọc ký sự du lịch còn bạn thì mê tiểu thuyết người khác lại "kết" chuyện kiếm hiệp …vv… Do đó các cuộc tranh luận về văn chương, triết học thường không có điểm dừng và mọi kết luận cũng ít khi đúng một cách tuyệt đối.
        Cả một khu rừng văn chương hoa lệ đầy sắc màu quyến rũ thì xin mời mọi người cứ tự do bước vào và tự do thưởng thức.


                                               NHÃ MY - SƯƠNG LAM
READ MORE - TÍNH CÁCH NHÂN BẢN TRONG VĂN CHƯƠNG - Nhã My

Sông Thu - CHO NHAU MỘT ĐỜI



                            Thay lời M

Cho anh một thời cam khổ
Mồ hôi, vai áo bạc phơ
Gom máu tạo thành dòng sữa
Chắt chiu nuôi nấng con thơ.

Cho anh tháng ngày chờ đợi
Gian nan thử thách lòng son
Anh xa biền biệt trên non
Em vừa làm cha làm mẹ.

Ru con từng đêm khe khẽ
Lắng nghe mưa dội ngoài hiên
Nhà mình mái dột, tôn vênh
Sáng mai em làm thợ mộc

Cho con một dòng nước mắt
Dòng kia em cất trong tim
Mai đây anh về với em
Ta sẽ hòa chung dòng lệ !…

 ***

Thời gian sao mà nhanh thế
Em giờ tóc bạc lưng cong
Mắt nhìn xa vắng mênh mông
Đã qua một thời tuổi trẻ

Em còn đợi gì thêm nữa
Niềm tin tắt lịm lâu rồi
Biết đến bao giờ gặp lại
Cho nên dòng lệ đã vơi…

Đã nguyện cho nhau cuộc đời
Giờ chỉ còn trong ý nghĩ
Phía trước, đường đi chỉ thấy
Gập ghềnh sỏi đá chông chênh.

Em biết làm gì hở anh
Những đêm cô đơn giá lạnh
Những buổi hoàng hôn hiu quạnh
Giữa căn nhà vắng mênh mông

Cho nhau cả đời, cũng không
Tất cả chỉ còn dĩ vãng
Thời gian không là năm tháng
Mà là giây phút, anh ơi !..

SÔNG THU
songthu195@yahoo.com.vn

READ MORE - Sông Thu - CHO NHAU MỘT ĐỜI

TẬP THƠ "ĐÔI HỒN" VÀ MỘT THIÊN DIỄM TÌNH - Phạm Ngọc Thái

Tập thơ "Đôi hồn" là sản phẩm thi ca của một mối tình đã được thăng hoa giữa thi nhân Hàn Mặc Tử (HMT) cùng nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình (MĐ), mối tình ấy diễn ra cũng như thơ của cả hai người đều đã được viết từ trước đây hơn nửa thế kỷ. 


Nữ sĩ MAI ĐÌNH

      Bây giờ ở trên đỉnh cao Gành Ráng, Qui Nhơn bên bờ biển Đông, mộ của thi nhân HMT quanh năm sóng phủ. Thơ của Người đang được nhân gian truyền tụng như những vì sao sa sáng láng. Đúng như lúc đương thời Người viết: 

                Với sao sương, anh nằm chết như trăng

     Nhưng khi còn trong cõi sống, Người đã phải chịu bao nhiêu khổ hạnh vì bệnh tật. Tạo hoá đã cướp đi một tài hoa lúc đương độ rực rỡ, khi cuộc đời Ông mới chỉ vừa 28 tuổi. Ngẫm thế: kiếp người có khác gì kiếp nợ! Phải chăng muốn hoá siêu nhân... thì trước hết con người phải chịu đựng những sự đầy đoạ ở phàm trần? Nhưng thế giới sinh linh này cũng thật huyền diệu và bí ẩn, chính thiên diễm tình ấy lại nẩy nở trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống. Khi mà thi nhân lâm vào căn bệnh phong ác nghiệt, thì nàng Mộng Cầm (người con gái quê Phan Thiết đã từng một thời yêu thi nhân) lại bỏ đi lấy chồng... đẩy thi nhân thêm vào cảnh đau đớn, cô đơn. 


    Trời đất đã cho một ái nữ khác đến với Người. Theo như lời kể của Đắc Trung (trên báo Phụ nữ Việt Nam số 28 ra ngày 11-1-1994), thì ái nữ ấy:

     "Xuất thân trong một gia đình quan lại quê Nông Cống, Thanh Hoá. Thân phụ nhận chức tại Phan Thiết, mười sáu tuổi sống bên cha, sau này vào ở Sàigòn. Cô thiếu nữ ngây thơ xinh đẹp, rất được cưng chiều..."

   Chính là nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình. Nàng lại còn thông tuệ về văn thơ cùng với Người để tạo nên một thiên bi tình khả ái, với tập thơ "Đôi hồn" lai láng yêu đương. Tập thơ ấy được thi nhân cùng người nữ sỹ giao lưu trong mối tơ duyên và viết suốt ba năm (1937-1940): gồm 54 bài (kể cả hơn chục bài thơ mà bà Mai Đình viết sau này, khi HMT đã qua đời ngày 11-11-1940). 


     Đến nay năm tháng trôi qua, cuộc đời riêng chung biết bao biến đổi, nhưng lòng người nữ sỹ vẫn: 

                Nói sao cho xiết nỗi buồn?
                Một trời binh lửa, một hồn cô liêu.
                Hồn tôi theo đám mây chiều,
                Tìm chàng trong một túp lều tranh con. 

                                        (Âm thầm - MĐ) 

      Đó chính là cái túp lều tranh ở Gò Bồi trên một khu cát rộng phía Tây thành phố Qui Nhơn. Cách đây trên nửa thế kỷ (1939) người nữ sỹ đã đến thăm thi nhân khi ông mắc bệnh hiểm nghèo, phải sống lẩn tránh cả chính quyền địa phương. Vì bệnh lây nên chính quyền buộc gia đình phải đưa HMT vào bệnh viện "cùi" Qui Hoà để chữa bệnh và ẩn náu, cách biệt tất cả mọi người. Đó cũng là lần đầu tiên Nàng mới gặp mặt người yêu, vì trước đó đôi năm tình yêu của hai người chỉ trao đổi qua các áng thơ, như Nàng kể lại: 

 -    Đến trước túp lều tranh xơ xác, xiêu vẹo... vén tấm mành che cửa... một người đàn ông nhỏ bé, gầy yếu, ngồi trên chiếc giường chõng, cạnh bàn viết. Bàn là một tấm gỗ thùng đặt trên khung chân cũ. Người đàn ông ngước đôi mắt đen sáng long lanh nhìn tôi dò hỏi. Tôi đứng lặng đi. Hàn Mặc Tử đấy ư? ... 


     Nàng tả về đôi mắt trong sáng như hai ngôi sao của thi nhân, tấm thân thì ốm yếu tàn tạ, nhưng thông minh và cám dỗ. Vâng, nàng đã yêu trong hoàn cảnh ấy: 

                Em theo mây gió anh ơi,
                Em đi đi mãi vào nơi vô hình...
                Yêu anh trên bước phiêu linh,
                Để lòng bớt khổ, để tình bớt đau. 

                                        (Biệt ly - MĐ) 

      Mặc dù chỉ là một nữ nhi khuê các nhưng sức mạnh tình yêu của nàng không gì ngăn cản nổi, hoàn cảnh càng khắc nghiệt thì tình nàng càng đằm thắm, thiết tha: 

                Yêu anh trong lúc anh lâm chung,
                Mới thấy tình em yêu lạ lùng. 

                                  (Anh hứa đi anh - MĐ) 

     Vượt lên trên tất cả sự chỉ trích của người đời: 

                Kịp nghĩ miệng đời hay mỉa mai,
                Tảng lờ ngừng bước và im hơi,
                Mộng hồn em gửi theo chiều gió
                Để được gần anh ngỏ ít lời. 

                                    (Biết anh - MĐ) 

 Ta cảm thấy rợn tóc gáy, không thể không khâm phục ý chí quyết liệt trước lời tuyên bố của nàng: 

                Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khổ,
                Tôi không kiêng thứ da thịt khác người 

                                        (vì HMT mắc bệnh hủi)
                Vì lòng tôi, tôi chỉ biết yêu thôi !... 
                                           (Tuyên bố - MĐ) 

      Hoàn cảnh bi ai, sầu thảm thế nhưng tình nàng không chỉ đằm đìa mà còn trong sáng, mộng mơ một cách lạ kỳ: 

                Yêu anh chết nửa cõi lòng,
                Gửi hồn bay bổng mấy tầng mây xanh. 

                                            (Tơ sầu - MĐ) 

      Còn thi nhân HMT, người yêu của nàng cũng mộng mơ không kém: 

                Dưới túp lều tranh, trên chõng tre,
                Tứ bề cửa khép với phên che,
                Kéo mền ủ kín toàn thân lại,
                Để thả hồn bay gửi mộng về. 

                               (Hãy đón hồn anh - HMT) 

      Cảnh ngộ thì khổ sở, nghèo hèn nhưng tâm hồn họ thật thanh tao, hoành tráng biết bao. Đúng là: "Một túp lều tranh, hai trái tim vàng"! Mai Đình đáp lại: 

                Bây giờ em đã bên anh
                Đói nghèo em chịu, rách lành cũng vui. 

                               (Em vẫn bên anh - MĐ) 

      Tuy vậy, nhưng nào họ có được ở bên nhau! Chỉ thăm người yêu ít ngày rồi nữ sỹ lại phải chia tay về gia đình tận Sàigòn. Hàn Mặc Tử với bệnh tình đành nằm lại trong túp lều tranh ở Qui Nhơn, người phương Bắc kẻ phía Nam. Hoàn cảnh đã khắc nghiệt mà không gian ly biệt thì xa vời, nhớ nhau cũng chỉ biết: 

                Anh đứng cách xa hàng thế giới
                Lặng nhìn trong mộng miệng em cười. 

                               (Lưu luyến - HMT) 

      Nhưng theo dõi hồn thơ ta có cảm nhận như đang gặp một cuộc tình duyên nơi chốn cung động thiên thai nào đó, chứ không phải ở trần tục đời thường. Thi nhân viết: 

                Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
                Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt. 

      Hay là: 

                Quí như vàng, trọng như ngọc trên đời
                Mai! Mai! Mai! Là Nguyệt Nga tái thế... 

                                (Thắm thiết - HMT) 

      Nàng thì ví mình như Ngọc Nữ còn chàng là Kim Lang: vì để rơi chén vàng cho nên Ngọc Hoàng đẩy xuống trần thế, mặc dù nay đã hết hạn họ vẫn quyết ở lại bên nhau không về tiên giới:

                Ta đã ở bên chàng nơi cõi tục,
                Quyết không về điện ngọc sống cô đơn! 

      Để rồi: 

                Bốn bàn tay cùng chung xây hạnh phúc,
                Túp lều tranh hơn cõi thiên đường. 

                                 (Hạnh phúc - MĐ) 

      Và tình yêu ấy đã đạt đến độ say đắm, giông bão khôn cùng:
                Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi! 
                                 (Thắm thiết - HMT)

      Nữ sỹ Mai Đình kể lại khi họ gặp nhau: 

-   Vì sợ lây bệnh cho người yêu, nên Hàn Mặc Tử không dám đụng vào người Mai Đình... 

      Nàng nói: 

-   Những phút ấy mặt Hàn Mặc Tử đỏ rần lên rồi tím đi, còn Mai Đình cũng chết cả ruột gan không biết phải xử trí làm sao? 

      Thật là đau khổ và hy vọng: 

                Anh lành anh sẽ tặng em chi ?
                Tặng cả đời anh cả hồn thi,
                Với tất những gì anh ước vọng,
                Cả hồn, cả xác, cả tình si. 

                              (Anh hứa đi anh - MĐ) 

      Nhưng cũng như tình thường của bao đôi trai gái khác, tình yêu không chỉ có quấn quít "đôi hồn" mà cũng có lúc ghen tuông: 

                Em muốn thu anh thành vật nhỏ
                Để em nắm kín ở trong tay...
                Cho các cô nường hết ngất ngây.

                                           (Ghen - MĐ) 

      Trong bài "Ghen với Mộng Cầm" ta còn nhận thấy mặc dù Mộng Cầm là người con gái đã đến trước, được hưởng đầy đủ khoái lạc của tình yêu lúc thi nhân đang lành lặn, mà lại ruồng bỏ khi Người lâm bệnh. Nhưng với tư cách của Mai Đình vẫn tỏ ra là người tao nhã, trang trọng: ghen đấy mà không phỉ báng còn cảm thông với lẽ đời thường của một tấm lòng nhân hậu, khoan dung độ lượng:

                Mộng Cầm hỡi, nàng là tiên rớt xuống,
                Hay là vì tinh tú giáng trần gian?
                Diễm phúc thay, sung sướng biết bao vàn,
                Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu? 

                                  (Ghen với Mộng Cầm - MĐ) 

      Đã bộc lộ tình cảm day dứt của một người con gái tha thiết yêu mà tâm sinh lý không được thoả mãn. Hàn Mặc Tử có lúc cũng không ra khỏi sự nghi kỵ, dằn vặt đời thường. Có lúc ông nghi oan người yêu có tình ý với người khác, buông ra những lời thơ hờn giận: 

                Mai tiên nữ! Đọc hồn ta cho rõ:
                Đau không rên, chết cũng mặc mình thôi!
                Mối tình si đã lỡ vỡ tan rồi,
                Ta chỉ biết lặng nhìn thiên hạ khóc... 

      Hay là: 

                Tim hồn ta quằn quại giữa lầm than
                Để trở lại những ngày đầy huyết lệ! 

                                   (Thầm lặng - HMT) 

      Sự mặc cảm đó cũng dễ hiểu: bản thân ông bệnh tật, người yêu thì trẻ đẹp lại ở cách xa...
      Hôm nay trong lẽ sống thường tình trước mọi sự đổi thay, thăng trầm nhân thế... ta thưởng thức những tri âm, tri kỷ ấy càng thấy thiên tình duyên trác tuyệt này như một sự lạ cõi đời. Trong thời buổi kinh tế thị trường chi phối cả trong tình yêu trai gái và những mối quan hệ xã hội khác, thì cuộc tình xưa hẳn như một đài thơ diễm lệ, cho ta ngưỡng mộ và cảm phục! 

    Có phải chăng duyên ấy, phận này cũng đã là tiền định như khi nữ sỹ khóc bên mộ Người vào tháng 4-1941 (khoảng nửa năm sau khi thi nhân tạ thế): 

                Em đã về đây bên mồ cát trắng
                Túp lều tranh muôn thưở đã chung đôi
                Tự nghìn năm thượng đế định cho rồi... 

                                     (Em đã về đây - MĐ) 

      Hay cảm vì phận mỏng, tình dở dang, nàng than: 

                Anh ơi, xin hãy chờ em với!
                Hết nợ rồi em sẽ trở về. 

                                    (Chắp lại đôi hồn - MĐ) 

      Ta chạnh nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du khi nàng Kiều than ở sông Tiền Đường: 

                Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây! 

      Về thơ của thi nhân HMT thì chúng ta đã biết nhiều. Ở đây, qua tập thơ đôi hồn" còn cho chúng ta thưởng thức tài hoa của nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình... như Kiều Văn đã nhận xét trong lời giới thiệu tập thơ: 

-   Đó là một giọng thơ giản dị, chân thực mà sâu sắc, nồng nàn... Là thứ thơ huyết lệ. Hàm chứa những tình cảm cao quí thiêng liêng, thuỷ chung...Xứng đáng là tiền bối của thơ tình Xuân Quỳnh và các nữ sỹ khác sau này. 

      Nói thế có lẽ vẫn chưa đủ, bút pháp thơ của nữ sỹ Mai Đình có lúc quặn thắt, đau đớn như Nàng viết: 

                Nguyện để tang anh suốt một đời! 

      Nhưng trước tình yêu non sông đất nước, ta lại còn chứng nhận một phong cách cũng thật hào khí: 

                Chút nợ ân tình trả chưa xong
                Đành mang tâm sự mãi bên lòng
                Sắt son đã chẳng cùng nhau trọn
                Em phải đem mình gửi núi sông. 

                                     (Trăng cũ - MĐ) 

       Gợi ta nhớ tơi âm hưởng những câu thơ đầy hùng khí, trác tuyệt của nữ sỹ Ngân Giang trong bài "Trưng nữ vương": 

                Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
                Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi,
                Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!
                Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi. 


      Vào năm 1996 - Báo chí đã đưa tin về nữ sỹ Mai Đình... khi đó Bà bước vào tuổi thọ 80, Bà đã đến Gành Ráng, Qui Nhơn một lần nữa để thăm lại mộ của cố nhân. Một lần nữa, những giòng lệ xót thương lại chảy tràn trên đôi mắt Bà như thưở còn con gái, như câu thơ Bà đã viết: 

                Tóc trắng, tình xanh mộng chửa tàn. 

      Khi đó tuy tuổi đã già, cũng theo lời kể của Đắc Trung: 

-   Nữ sỹ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, quí phái. Mái tóc dài bạc trắng chải rất mượt, búi rất gọn. Da hồng, mắt sáng, miệng tươi. Giọng nói nhỏ nhẹ mà đầy âm hưởng. Khăn hoa áo lụa hảo hạng... 

     Để kết thúc bài viết về thiên tình ca trác tuyệt có một không hai này, tôi xin trích dẫn những lời thơ trăng trối của thi nhân Hàn Mặc Tử viết để lại cho người yêu. Đấy cũng là những bút tích cuối cùng, trong thi phẩm cuối cùng của Ông lưu lại cõi trần gian - Người đã "Trút linh hồn" trước lúc đi xa: 

                Ta trút linh hồn giữa lúc đây
                Gió sầu vô hạn nuối trong cây,
                - Còn em, sao chẳng hay chi cả?
                Xin để tang anh đến vạn ngày!
                          

                  Phạm Ngọc Thái
thai_quanthanh@ymail.com



READ MORE - TẬP THƠ "ĐÔI HỒN" VÀ MỘT THIÊN DIỄM TÌNH - Phạm Ngọc Thái