Chế Cẩm Đình
PHẦN BỐN - NGÔN
NGỮ BẮC TRUNG BỘ
1. Dải địa lý
ngôn ngữ miền Trung
Miền Trung kéo dọc
theo bờ biển Đông từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận hơn 1.500km, phía tây là dãy
Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên chồng lên các tỉnh duyên hải từ Quảng Nam trở
vào. Trên dải đất ấy có nhiều “vùng ngôn ngữ” như Thanh, Nghệ, Bình Trị Thiên,
Quảng, Nẫu, Nam và Tây Nguyên. Trong mỗi vùng ấy mỗi tỉnh có một “giọng” riêng
đặc trưng, lại trong từng tỉnh thì có nhiều “giọng” nhiều “tiếng” khác nhau mà
phải người ở đó mới sử dụng, hiểu hoặc nhận ra được.
2. Xứ Thanh
Vùng đất ba bề
núi một bề bể này có tục danh “khu bốn đẩy ra, khu ba đẩy vào” tự được hiểu rằng
nó là vùng giữa hai miền Bắc – Trung có ngôn ngữ rất riêng. Ai nghe người Thanh
nói sẽ thấy họ nói giọng hơi Bắc nhưng dùng tiếng miền Trung. Là vì, từ đấy ra
kinh chỉ hơn trăm cây số, hơn nghìn năm qua, người đi kinh từ Thanh rất nhiều,
và về lại thì đem theo chất giọng ngoài ấy. Mặt khác, người Kinh xứ Thanh lại
chung sống hàng ngàn năm với người Mường là dân tộc dùng tiếng Việt cổ, chính
là tiếng (từ) mà người vùng khu bốn dùng phổ biến, nên thành ra xứ Thanh có
ngôn ngữ giọng miền Bắc tiếng (từ) miềnTrung là vậy. Ngày nay vẫn còn nhiều vẫn
còn nhiều thôn nhiều làng trong tỉnh ấy dùng thổ âm và thổ ngữ của người xưa
như Cổ Định thuộc Triệu Sơn, Hoa Trung thuộc Hậu Lộc…
Vệt ngôn ngữ xứ
Thanh kéo dài từ Tam Điệp ngoài Ninh Bình vào đến hết Quỳnh Lưu thuộc Nghệ An.
Từ đất Diễn Châu vào đến bắc đèo Ngang là vùng ngôn ngữ Nghệ Tĩnh.
3. Nghệ Tĩnh
Vùng này nói tiếng
miền Trung với giọng miền Trung, phát âm nhỏ nhưng giàu điệu tính hơn bất cứ
vùng ngôn ngữ nào ở Việt Nam. Xứ Nghệ có nhiều từ ngữ riêng như “choa” thay cho
“tau”, con bê gọi là con me, con gà gọi là con ca, cái gàu (múc nước) thì gọi
là cái đài, mà người Nghi Lộc còn gọi là “đai” – mất dấu – vì tiểu vùng này nói
chỉ 3 - 4 thanh điệu.
So với tiếng ngôn
ngữ Bắc Trung Bộ nói chung thì Nghệ Tĩnh rất giống về tiếng và giọng, nhưng so
về ngữ điệu thì khác nhau hẳn. Điều này có lẽ do Thanh – Nghệ - Tĩnh ngày xưa
là nơi thường trú của người bản địa cổ xưa nói tiếng đa âm. Mà ngôn ngữ đa âm
có đặc trưng chính là không (ít) dấu, tức chỉ có thanh ngang. Khi người Kinh
(Việt) từ phía Bắc xuống trung châu rồi lấn dần vào trong đem theo tiếng nói độc
âm át dần tiếng đa âm của người bản địa, thì điệu tính, từ láy và hư từ của tiếng
nói vùng này được bổ sung vào nhằm giảm chấn từ đa âm xuống độc âm. Rất dễ thấy
một người Nghệ Tĩnh thường nói “chơ bây mần cấy chi rửa bây hầy” so với người Bắc
nói đơn giản “sao lại thế” để cảm thán một việc gì đó mà họ không hài lòng. Hoặc
người Bắc chỉ nói “rung rinh” thì người Nghệ Tĩnh thường nói là “rùng rung rình
rinh”.
4. Bình Trị Thiên
a. Tổng quan
Khu vực này bao gồm
3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sáp nhập vào nhau năm 1976 và lại
tách khỏi nhau từ năm 1989. Đi ra miền Bắc, người vùng này khi giao tiếp thì được
hỏi là dân Bình Trị Thiên à? Còn đi vào Nam khi cất giọng lên người ta hỏi ở
ngoài Huế hở? Bỏ qua yêu tố lịch sử và chính trị thì những câu hỏi đó cho thấy
người xứ khác hoàn toàn không phân biệt được đâu là giọng riêng của mỗi tỉnh,
mà chỉ phỏng đoán chung chung là Bình Trị Thiên hay Huế.
Người Bình Trị
Thiên sẽ nói “chi rứa hè” hoặc là “rung rinh, rung rinh” theo hai ví dụ trên, tức
là ít điệu tính hơn hẳn so với người xứ Nghệ, dù cùng nói tiếng miền Trung và
giọng miền Trung. Đặc điểm lớn nhất của tiếng nói khu vực này là tiếng thì biến
âm thanh ngã sang thanh nặng, còn nói chỉ 5 thanh điệu vì không phát âm được
các âm có thanh hỏi mà hầu như đều chuyển sang thanh ngã. Vì phát âm sai nên
khi viết cũng thường sai theo, nhưng ngược lại là năng dùng dấu hỏi thay cho dấu
ngã, thật kỳ lạ.
Ví dụ:
Nói: cục mợ (mỡ),
suy nghị (nghĩ), lạo (lão) làng …
Viết: cục mở, suy
nghỉ, lảo làng …
Nếu ai tinh ý thì
họ dùng luôn quy luật biến âm này để viết đúng chính tả, tức là từ nào không biết
phải dùng dấu hỏi hay dấu ngã thì nói trại qua dấu nặng mà vẫn cùng nghĩa thì
đa phần phải bỏ dấu ngã vào, còn lại thì đánh dấu hỏi trừ các chữ bắt đầu bằng
phụ âm “c” thì phải dùng dấu hỏi dù cũng có biến âm như cửa – cựa là do trong
tiếng Việt âm có phụ âm “c” không nói được với thanh ngã.
b. Các làng có thổ
ngữ khác biệt
Bình Trị Thiên có
nhiều làng có thổ ngữ hết sức đặc trưng, với giọng nói khác biệt so với trong
vùng. Ở Quảng Bình có làng Cảnh Dương nói giọng nửa như người Thanh Hóa, nửa
như giọng Nam; làng Lý Hòa nói như chim hót, chỉ dùng ba thanh điệu; các làng Cự
Nẫm, Diêm Điền cũng vậy. Quảng Trị có các xã, thôn như Gio Châu ở Gio Linh, An
Trú ở Triệu Phong, Đại An Khê ở Hải Lăng, hai xã Vĩnh Thái và Vĩnh Tú ở Vĩnh
Linh nói giọng trại rất khó nghe. Thừa Thiên Huế có làng Mỹ Lợi nói gần giống
giọng Quảng, biệt ngữ hoàn toàn so với cả tỉnh. Đây là bằng chứng cho sự di cư
theo làng từ miền ngoài vào và có sự tồn tại các làng người Chăm pa cổ trên
vùng đất này kể từ khi Chiêm Thành phải nhường đất cho Đại Việt, chứ không phải
là người Chăm pa bỏ đi hết khi thất thế. Và để sinh tồn trong lãnh thổ thuộc về
chủ nhân mới, họ bắt buộc phải học nói tiếng Kinh nhưng họ không hòa nhập hoàn
toàn vào thời kỳ ấy nên suốt mấy trăm năm về sau vẫn nói giọng lơ lớ ấy, đời
này truyền lại đời kia.
c. Phân biệt tiếng
Việt cổ với tiếng địa phương
Người ta thường
nhầm lẫn Bình Trị Thiên là vùng nói rặc tiếng địa phương chứ ít ai biết người ở
đây vừa nói tiếng địa phương chen lẫn với từ Việt cổ rất nhiều, tạo ra một vùng
nói tiếng nghe rất “quê mùa” nhưng ẩn chứa nhiều lớp trầm tích lịch sử đang được
khai quật lên từ từ.
Mi (mày), tau
(tôi), răng (sao), ri (thế này), tê (kia), mô (đâu/ở đâu), rứa (thế đấy) là từ
(tiếng) địa phương, có gốc gác từ người Chàm để lại sau khi lưu dân bắc Việt
tràn vào sinh sống chung với người Chàm:
Hư, cau > mi,
tau
Pả t(h)ế > tê
Pả ni > ni
(này)
Ía nanh ứa > rứa
đó
Khác với các từ
ngữ: Ló (lúa), lả (lửa), nác (nước), trốôc cúi (đầu gối), cươi (sân), côi
(trên), đưới (dưới), đàng (đường) … là những từ (tiếng) Việt cổ - tiếng nói từ
xa xưa của người bản địa mà đến nay người Mường vẫn đang dùng nhiều. Ở vùng
nông thôn Bình Trị Thiên, từ Việt cổ với từ địa phương được dùng chen lẫn nhau
trong giao tiếp hằng ngày.
d. Quảng Bình, Quảng
Trị
Tiểu vùng ngôn ngữ
này ngoài các làng có giọng đặc trưng cũng được chia ra nhiều giọng khác nhau.
Từ đèo Ngang vào đến Quảng Ninh nói một giọng, ưa dùng từ láy hoặc cảm thán kép
kiểu như “ua chầu chầu”, “răng rứa hè, răng rứa hè” như trong các tản văn của Bọ
Lập. Từ Lệ Thủy vào đến giáp Diên Sanh đồng một giọng và tiếng (từ), nói rất “nặng”
– người miền Nam hay miền Bắc đánh giá như vậy. Vùng này không phát âm được từ
“anh”, mà đọc là “ênh”, cũng như không phân biệt được “in” hay “inh”.
e. Tiếng Huế
Vệt ngôn ngữ tiếng
Huế kéo dài từ nam Hải Lăng (Quảng Trị) vào đến chân đèo Hải Vân. Ngoài những
“răng, ri, tê, mô, rứa” được dùng nhiều như tiếng khu bốn nói chung thì tiếng
Huế biến âm nhiều so với cả vùng Bắc Trung Bộ:
Nói > noái
Coi (xem) >
coai /quai
Anh > ănh (gần
như “ăn”)
Một khác biệt
hoàn toàn giữa tiếng Huế với tiếng Quảng Bình (trừ làng Bảo Ninh) và Quảng Trị
(trừ một số cư dân buôn bán quanh chợ Đông Hà - cũng nói như người Huế) là hậu
tố “n” bị biến thành “ng”, “t” thành “c” trong các vần/vận có “n”, “c”:
Bùn > bùng
Bạn > bạng
Cân > câng
Tiền > tiềng
Sắt > sắc
Mặt mũi > mặc
mủi
Tất > tấc
Ớt > ớc
Việc biến đổi hai
hậu tố đó xảy ra đối với toàn bộ khu vực ngôn ngữ miền Nam kể từ Đà Nẵng trở
vào. Điều này (được phỏng đoán) là do Đàng Trong trước đây tiếp xúc sớm với người
Tàu từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu qua buôn bán và sinh sống ở các thị tứ
bên mình, lâu dần người từ Huế trở vào bị ảnh hưởng bởi tiếng nói lơ lớ của họ,
trong đó các hậu tố “n” và “t” bị chệch thành “ng” và “c”.
Chế Cẩm Đình