|
Tác giả TRẦN HỮU THUẦN |
Tôi là người Quảng
Trị. Điều này chắc chắn còn hơn bài toán một cộng một thành hai vì bài
toán đó có thể dùng phép vi phân hoặc ngụy biện để nói không phải thế, một cộng
một có khi không thành hai mà là thành một, ví như ta với mình tuy hai mà một.
Điều tôi là người Quảng Trị nhất định phải thế vì giấy Thế vì khai sinh của tôi ghi rõ tôi sinh năm 1941,
nguyên quán An Do tây, Vĩnh
Linh, Quảng Trị. Đã ghi rõ như thế thì bút
sa gà chết, chẳng còn cách nào cựa quậy được. Mà sao bút sa, gà lại chết?
Cây bút gì mà nặng đến nỗi sa xuống làm cho con gà phải chết? Nhất định con gà
chết không phải do cây bút đè lên hoặc đâm trúng. Rứa thì tại răng nó chết?
Thôi,
nó chết cách nào mặc kệ nó. Tôi chỉ biết tôi nhất định là người Quảng Trị
không cách nào chối cãi được. Thế nhưng, nếu có ai cắc cớ hỏi vậy ông làm ơn cho biết chút ít về
Quảng Trị quê cha đất tổ của ông thì
tôi chỉ có nước ậm ự làm thinh. Tôi chẳng biết gì nhiều về nơi gọi là quê hương
tôi, kể cả làng An Do tây, kể cả tỉnh Quảng Trị. Tôi còn giữ được trong trí
làng quê An Do tây của tôi có con đường đất đỏ mà lúc bé tôi cho là rộng thênh
thang chạy ngang qua nhà ông mệ ngoại tôi. Từ khi ba mạ tôi thành vợ thành
chồng, cho đến khi sinh ra tôi và hai đứa em tôi, gia đình tôi chung sống với
gia đình ông mệ ngoại cho đến khi ba mạ tôi ra
riêng tậu vườn dựng nhà. Xin
thưa rõ lúc đó tôi và các em tôi không gọi cha mẹ chúng tôi bằng ba mạ mà bằng
cha mạ. Trong khi chung quanh phần lớn gọi cha mẹ là bọ mạ, chúng tôi gọi cha
mạ là đã “cao” hơn một bậc rồi. Về sau, khi vào thành phố, tôi mới tự động đổi
lại gọi bằng ba mạ cho “bằng ta bằng người” rồi các em tôi gọi theo tôi! Gọi là
cha mạ hoặc ba mạ thực sự chẳng thay đổi gì trong kí ức tôi về quê nhà tôi. Con
đường đất đỏ vẫn chạy ngang qua, vẫn tiếp tục gần gủi tôi vì nhà ba mạ tôi cách
nhà ông mệ ngoại không xa, chỉ chừng vài trăm mét. Ấy là lúc này khôn lớn, tôi
ước chừng như thế, chứ ngày còn thơ bé đó chẳng nơi nào có thể gọi là quá xa
đến nỗi đi bộ không tới. Thời đó chẳng xe chẳng cộ, xe bò xe ngựa cũng không,
cuốc bộ là phương tiện di chuyển duy nhất bằng đôi chân trần dẫm trên đất.
Chẳng ai đi giày đi guốc. Quan viên hoặc cô bà nào đến ngày lễ ngày giỗ cần
mang guốc mang giày—giày hạ—đều xách theo đến cổng nhà dự đám dự tiệc
mới xỏ chân vào.
Con
đường đất đỏ gần gủi như thế nhưng vì còn bé quá nên tôi chỉ còn nhớ được
một đoạn ngắn vượt quá nhà ông mệ ngoại tôi vài căn nhà ở một đầu, đầu kia chạy
ngang qua nhà ba mạ tôi tạo thành một ngã ba mà một nhánh chạy đến đâu tôi không
biết. Nhánh đâm ngang chạy một đoạn ngắn rồi quẹo góc vuông trước nhà lầu ông
xạ Thiện để tiếp tục chạy qua nhà thờ làng tôi. Quá nhà thờ, nó lại bị cắt
ngang trỗ thành ngã ba, một đầu chạy ra chợ về hướng đông, đầu kia chạy qua xóm
nhà về hướng tây rồi ra nghĩa trang, nơi về sau chôn cất ông ngoại tôi. Tôi mơ
hồ nhớ sau khi vượt qua chợ và giếng làng, đầu chạy theo hướng đông cắt qua
“đường quan” rồi tiếp tục chạy đến làng An Do đông, quê nội của mệ ngoại tôi.
Còn đầu theo hướng tây sau khi qua nghĩa trang chạy đến tận đâu, tôi chẳng có
chút ý niệm vì chưa hề đặt chân đến đó. Tôi nhớ được như thế vì đoạn từ nhà ba
mạ tôi đến nhà thờ hầu như tuần lễ bảy ngày tôi đều đi lại, đoạn từ nhà thờ ra
chợ vì lâu lâu ba tôi dẫn tôi ra tắm ở “chiếng” làng, đoạn xa hơn đi đến
làng đông là vì năm đôi lần tôi theo mệ ngoại tôi về thăm quê nội của mệ.
Ngay
ngã ba đầu tiên, xeo xéo nhà ba mạ tôi góc bên này góc bên kia là nhà mệ nội
tôi. Mệ nội tôi sống với ông
nội sau của tôi và người con
trai tôi gọi bằng chú, em cùng mẹ khác cha với ba tôi. Chú lớn hơn tôi năm
tuổi. Chú là con mệ nội tôi, dĩ nhiên rồi. Tôi là cháu đích tôn của mệ nội tôi,
cũng dĩ nhiên rồi vì ba tôi là con trưởng của mệ tôi. Nhưng mệ nội tôi chỉ cưng
chiều chú tôi, còn hình như không bao giờ để mắt đến tôi. Tuy vậy, không hiểu
lí do tình cảm nào thúc đẩy, hàng ngày trước khi đến trường, tôi đều tạt qua
nhà mệ, đứng lưng lẻo nhìn mệ chăm sóc chú tôi, cho chú tôi tiền để đi học ăn
quà vặt. Tôi thường lấp ló ở nhà mệ có lẽ vì mơ ước tình mệ nội yêu thương để
khoe với lũ trẻ cùng trang lứa như chúng vẫn luôn mồm khoe mệ nội của chúng với
tôi. Tôi không nhớ đã có lần nào mệ để ý đến sự có mặt của tôi, càng không bao
giờ cho tiền, ngoại trừ một lần duy nhất không hiểu nghĩ sao mệ đã cho tôi một
“trự tiền” mua được một nắm cốm bắp. Quê tôi thời đó dùng tiền đồng của nhà
Nguyễn, gọi là “trự” tiền gồm “trự ăn sáu, trự ăn tám” xâu thành từng xâu
gọi là “quan tiền” như trong câu ca dao một quan là sáu trăm đồng. Cũng
vì dùng loại tiền đồng như thế nên vào năm 1954 di cư vào Nam, nhiều người làng
tôi đã thành trắng tay khi mấy “trự tiền” đem theo chẳng đổi ra được đồng tiền
giấy nào, thứ mà các vùng khác đang dùng để mua bán trao đổi.
Ông
nội tôi mất sớm; mệ nội tôi tái giá bỏ bê ba tôi từ lúc mới lên bảy tám tuổi
gì đó. Hiển nhiên tôi không cách nào biết được vì chưa có mặt trong vũ trụ
này, còn ba tôi thì chẳng bao giờ nhắc tới quãng thời gian đó. Không phải ba
tôi muốn quên đi quá khứ không vui, nhưng đó là bản tính của ba tôi, không bao
giờ nhắc lại chuyện xấu của người khác, nói chi đến chuyện về người đàn
bà đã sinh ra ba tôi. Tôi chỉ biết loáng thoáng qua lời mạ tôi kể và qua
người này người khác to nhỏ với nhau. Mạ tôi thực sự cũng không biết được gì
nhiều vì trước hết ít tuổi hơn ba tôi sau nữa chẳng quan tâm đến “chuyện của
người khác.” Ba tôi lúc đó chắc chắn vẫn còn là “người khác” chẳng liên quan gì
đến mạ tôi.
Nói
cho đúng, khi tôi đủ tuổi khôn lớn, có một chuyện riêng tư của
mệ nội tôi mà ba tôi đã tiết lộ cho tôi. Ba tôi tiết lộ không phải để tôi mất
lòng kính trọng mệ tôi mà duy nhất chỉ vì sợ ảnh hưởng luân lí cho tôi và anh
em tôi về sau này. Đó là chuyện mệ tôi trước khi tái giá với ông nội sau đã có
một người con gái không được mệ tôi nuôi dưỡng. Khi đủ khôn lớn tự lập, ba tôi
đã đích thân tìm người em cùng mẹ khác cha đem về tự tay nuôi dưỡng dù lúc đó
ba tôi chưa lập gia đình. Cho dẫu chẳng phải phiền hà gì trong việc nuôi nấng
cô tôi, mệ nội tôi vẫn không tiếc lời la mắng chưởi bới ba và cô tôi có lẽ vì
sợ tai tiếng xấu hổ. Ở thôn quê thời đó, chuyện vụng trộm như thế là một tội
tày trời. Người phạm tội sẽ bị trừng phạt cả hai “mặt” đạo đời. “Mặt đạo” sẽ
bắt người phạm tội “thú phạt” trong nhà thờ trước mặt cộng đoàn và bị “đền tội”
công khai vì đó là “tội phạm tỏ tường” làm thành gương mù gương xấu. “Mặt đời”
có thể bị “nọc” ra đánh đòn, và bị “phạt vạ” bằng tiền hoặc bằng “lễ vật” heo
gà tùy theo nhà giàu nghèo Ba tôi không cho biết mệ tôi đã bị hoặc đã không bị
án phạt của làng và của họ đạo. Nếu không, mệ tôi đã thoát khỏi bằng cách nào,
có lẽ chính ba tôi cũng không biết vì còn quá nhỏ.
Bị
mắng chửi, cô tôi lúc đó mới chừng mười hai tuổi đã buồn rầu và một lần nữa
trốn ba tôi ra đi, không biết có phải trở về với cha mẹ nuôi lúc trước hoặc
trôi giạt đến phương trời nào. Ba tôi buồn lắm vì dù đã cố công vài lần sau đó
vẫn không tìm ra cô tôi tại chỗ ở lúc trước. Có lẽ cô tôi đã lánh không cho ba
tôi gặp mặt vì biết sẽ lại không yên nếu quay về sống với ba tôi. Phải chi ba
tôi lúc đó đã “xuất chánh” có lẽ tình hình xoay chuyển đã khác đi. Tôi cũng buồn
khi nghe câu chuyện về người cô tôi không bao giờ gặp mặt. Ba tôi nói rõ cô tôi
đẹp gái lắm làm tôi tưởng tượng ra hình ảnh một cô gái mĩ miều thanh thoát yểu
điệu dễ thương. Ba tôi dặn dò tôi:
“Tên
cô là …, nếu về lại với cha mẹ nuôi thì ở Thuận An, Huế. Con và các
em con sau này nếu có thương yêu đứa nào gốc gác ở vùng đó thì phải dè chừng
hỏi tên tuổi của người mẹ để hi vọng các con không thành hôn với em con cô con
cậu ruột trái đạo làm người.”
Vâng
lời ba tôi, và để nhắc nhở chính mình cũng như các em tôi,
tôi đã đề nghị lấy tên người cô chưa hề biết mặt đặt cho em gái út tôi khi
mạ tôi sinh ra em không lâu sau khi ba tôi cho tôi biết câu chuyện đó. Ba tôi
lập tức đồng ý đề nghị của tôi, vì đó là cách nhắc nhở anh em tôi hay nhất, nhờ
đó cho đến lúc này gần trọn đời người tôi vẫn không thể nào quên được.
Đi học
trong giai đoạn này là đi học vừa “chữ quốc ngữ” vừa giáo lí tại nhà thờ trong
các lớp do các “mụ o” Mến Thánh Giá Di Loan dạy. Dòng Mến Thánh Giá là dòng nữ
địa phương chỉ được các giáo xứ và giáo phận địa phương thừa nhận. Tên gọi
chung là dòng Mến Thánh Giá nhưng địa phương tự trị, địa phương nào lập ra thì
thêm tên địa phương đó vào để phân biệt, không dòng nào liên hệ với dòng nào.
Vì thế, các dòng Mến Thánh Giá Di Loan, Phủ Cam, Kim Luông, Đồng Hới vân vân
tuy cùng thuộc địa phận Huế, giờ gọi là giáo phận, nhưng không liên quan gì đến
nhau. Tu phục đều là áo chùng đen, khác nhau ở hình thức miếng choàng trắng ở
cổ, tấm tròn tấm vuông. Các địa phương gọi các nữ tu đó bằng các tên gọi khác nhau,
hoặc “o” hoặc “cô” hoặc “dì,” không địa phương nào gọi bằng “xơ.” “Xơ” Việt hóa
từ ngữ soeur tiếng Pháp, chỉ có nghĩa là chị,
nhưng lại được dùng với hàm ý trân trọng đến nỗi có nữ tu tỏ vẻ phật lòng nếu
không được gọi như thế. Ngoại trừ một dòng ở Đà Lạt mà các nữ tu đều được gọi
là “mẹ” dù chẳng là “mẹ” thực sự bao giờ nếu tu trì đắc đạo, cách xưng hô xơ không biết do tập tục nào chỉ dành
riêng để gọi các nữ tu thuộc các dòng từ nước ngoài đưa vào như dòng Phaolô,
dòng Phanxicô…. Cũng một cách, các nam tu dòng Lasan được gọi là frère—không Việt hóa thành phe, trong khi các nam tu dòng
địa phương như dòng Thánh Tâm, dòng Giuse và các nam tu trước khi trở thành
linh mục chỉ được gọi bằng thầy. Frère cũng chỉ có là nghĩa anh, nhưng gọi
các nam tu đó bằng anh thì lại không được phép. Sau năm 1975, các dòng vốn xưng
“xơ” đều tự mình Việt hóa xưng hô thành “dì” thành “chị” thành “cô,” trong khi
các dòng vốn xưng hô bằng “o, cô, dì” lại tự Pháp hóa thành “xơ.” Cũng là một
chuyện ngược dòng.
Gọi
các nữ tu bằng “o” là trước mặt. Sau lưng, người ta gọi các bà bằng “mụ
o.” Người Quảng Trị như tôi, và nguyên vùng bắc Trung phần gọi các bà lớn tuổi
và các nữ tu là “mụ” với đầy vẻ kính trọng, không như người cách gọi “mụ” đầy
khinh miệt của người các miền Bắc miền Nam ví như khi gọi “mụ ăn mày.” Cách gọi
“mụ” kính trọng này còn sót lại trong cụm từ “bà mụ” để chỉ người đàn bà đỡ đẻ
và vị thần linh dân gian đã “nắn bắt, dạy dỗ” trẻ sơ sinh. “Mụ” là từ để gọi
người đàn bà như cô dì, hoặc vợ của ông bác ông chú ông cậu của cha mẹ, hoặc
các bà chẳng liên hệ máu mủ gì cả nhưng ngang vai vế với mệ nội mệ ngoại không
hẵn chỉ về tuổi tác. Nhưng từ “mụ” cũng có khi được dùng để gọi cách ác ý ví
như trong câu ca dao của người quê mình:
Một
trăm ông chú không lo,
Chỉ lo
cái miệng mụ o “giọn” mồm.
Hoặc
khi có người trề môi bĩu miệng nói:
“Sá
làm chi thứ mấy con mụ nớ. Ra chợ thì ăn hàng trôốc cúi cao hơn trôốc, về nhà thì ăn hiếp giôông mắng bọ chưởi mạ, túi ngày ai đụng tới là chưởi bới đập chắc chẳng nễ nang ai.”
Vì
thế các nữ tu cũng có khi bị người không đồng ý gọi
là “mụ o giọn mồm.” Tội nghiệp, các bà các cô làm ơn làm phước thì có
chứ có làm hại gì ai bao giờ đâu mà bị chê là nhọn mồm? Các nữ tu dạy chữ “quốc
ngữ” cho lũ trẻ chúng tôi bằng cách viết vần trên một tấm vải treo lên tường,
bên dưới có mấy câu thơ theo bài vần đó. Lũ trẻ chúng tôi ngồi bệt trên nền
gạch, không phải gạch hoa mà là gạch đỏ xây tường, chỉ nhà thờ và nhà cha sở
mới lát gạch hoa, ngân nga đọc theo cây que chỉ trong tay của chị nữ tu:
A
Ă Â E Ê I
O
Ô Ơ U Ư
Lời
Chúa dạy phải giữ
Đừng
kết bạn kẻ dữ.
Vì
ngày nào cũng lê lết trên nền gạch, áo quần tay chân của chúng tôi lúc nào cũng
hoe hoe đỏ. Không riêng lũ trẻ chúng tôi mà cả làng ai cũng áo quần hoe hoe đỏ.
Thời buổi đó không có xà phòng, người ta giặt quần áo bằng nước tro ngâm để
lắng hoặc dùng trái bồ hòn chẻ ra chà lên trên cho nổi bọt, không cách nào tẩy
trắng được. Vải vóc hiếm hoi, người khấm khá may ra có vài bộ; người nghèo nhất y nhất huỡn. Vải hiếm,
chẳng ai dám chà xát vò quần áo mạnh tay sợ mau mòn mau rách. Thế nên trong nhà
ngoài ngõ làng trên xóm dưới quần áo của ai cũng đo đỏ nhờ nhờ, chẳng ai cười
ai vì có ai khác ai đâu.
Cả
làng tôi áo quần người nào cũng hoe hoe đỏ vì làng An Do tây của tôi là
vùng đất đỏ của núi phun lửa nằm giữa các vùng đất trắng chung quanh. Vì thế,
làng tôi còn mang tên là làng Đất Đỏ. Tại sao chỉ làng tôi có đất đỏ? Chẳng lẽ
ngọn núi lửa nào ngày xưa chỉ phun một dải đất làng tôi? Hoặc có làng nào khác
chung quanh cũng đất đỏ mà tôi không biết đến vì còn bé quá lúc ở làng? Cho đến
nay tôi vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào trả lời cho thắc mắc của tôi. Chung
quanh làng tôi, chẳng có núi non gì cả. Muốn thấy núi, phải lên vùng Liêm Công
đông tây và Phú Mĩ. Phú Mĩ mới thực sự là quê nội của tôi. Ông nội tôi từ đó
phiêu bạt đến nhập tịch làng An Do và lập gia đình với bà nội tôi. Về Phú Mĩ,
tôi chẳng có một kí ức nào dù ba mạ tôi đã đôi lần dẫn tôi về đó lúc tôi còn để
chỏm ngoài cái tên gọi mà ba tôi lúc sinh tiền ghép với tên An Do để thành bút
hiệu An Phú khi ông làm thơ viết văn viết nhạc. Tôi mang một nỗi ân hận lớn
trong lòng vì không còn giữ lại được bất cứ văn thơ nhạc nào của ba tôi kể cả
một bài thánh ca bốn bè ba tôi viết về Đức Mẹ Lavang mà đến nay tôi dù cố nhớ
để viết lại cũng chỉ nhớ được mỗi một câu đầu.
Học hết
lớp các “o” và xưng tội “vỡ lòng” xong, ngày nay
Giáo hội Công giáo gọi là xưng tội chịu lễ lần đầu, nghĩa là lần đầu tiên được
nhận lấy bánh thánh và được xưng thú tội của mình ra trước Thiên Chúa mà linh
mục là người được Đức Giêsu trao quyền ngồi đó nghe thay cho Người, tôi được ba
mạ cho đi học lớp năm, tức
lớp một ngày nay, tại trường thuộc làng An
Do nam. Quê nội của mệ ngoại tôi là An Do đông, cậu họ tôi ở An Do bắc, tôi
sinh ra lớn lên tại An Do tây, giờ đây đi học tại An Do nam. Thế là đủ cả đông
tây nam bắc. Tôi “mở mang” kiến thức biết có đến bốn làng An Do, lòng thắc mắc
tại sao lại thế. Cho đến nay tôi vẫn còn thắc mắc vì chưa tìm thấy tài liệu nào
giải thích tại sao phân chia, và làng nào là làng có trước hết. Trong bốn An
Do, hai làng đông và tây là “toàn tòng” nghĩa là tuyệt đại đa số dân làng theo
Công giáo, có nhà thờ, có cha xứ, làng bắc thì pha, còn làng nam thì “toàn
lương” nghĩa là chẳng ai theo Công giáo cả. Chẳng lẽ các làng được phân chia vì
lí do tôn giáo? “Ngôi trường” đầu tiên của đời học sinh thực sự của tôi không
đáng gọi tên là một ngôi trường vì chỉ là một túp lều tranh ngang chừng bốn
lần, và dài chừng bảy tám lần một chòi giữ vịt. Nghĩa là một túp lều nhỏ và
nghèo nàn không còn bút mực nào tả lại được. Bàn ghế học sinh là các thân cây
tròn to bằng cổ tay nguyên vỏ sần sù, mắt chưa đẽo sạch, cột chặt với nhau trên
những thanh ngang, và đặt trên các khúc cây tương tự cột chéo thành hình chữ X
làm chân. Giấy hiếm hoi, mực tím viên pha nước đổ vào bất cứ loại chai nhỏ có
thể dùng làm “bình mực,” nghĩa là miệng chai đủ rộng để chấm ngòi bút “lá tre”
vào. Ngòi bút được gắn trên cán bút bán sẵn nếu nhà có tiền mua, hoặc cột vào
một khúc cây hoặc khúc tre ngắn nhỏ chừng đầu đũa lớn. Cán bút bán sẵn có nút
bằng kim loại bên trong chặn không cho ngòi rơi ra. Chai mực có sợi dây buộc ở
miệng để xách theo. Không ai bảo đảm lũ trẻ chúng tôi viết bằng chai mực như
thế mà không vấy bẩn. Vì thế, ngày nào như ngày nấy, tay chân mặt mũi quần áo,
và cả tập vở của chúng tôi đều lấm lem mực. Tập vở cũng không đáng gọi tên như
thế vì chỉ là một tập giấy khổ lớn mà ba mạ tôi dùng thước kẻ để kẻ hàng. Hàng
kẻ không bảo đảm nằm ngay ngắn trên tấm giấy, nhất là khi do tay chúng tôi tự
kẻ lấy. Hàng ngày, tay xách “mo” cơm mạ tôi gói sẵn với muối đậu muối mè, tay
kia ôm tập giấy, ngón tay xỏ vào dây bình mực, tôi theo lũ trẻ làng tôi chừng
năm bảy đứa rủ nhau lội bộ đến trường mà giờ đây tôi không thể đoán được là bao
xa. Chúng tôi lội chân trần trên đường đất xuyên qua các xóm. Sáng lội bộ đến
trường; trưa ăn cơm mo cau tại chỗ; chiều lội bộ về. Chúng tôi chẳng cách nào
biết thế nào là đi về đúng giờ vì chẳng nhà nào có đồng hồ. Cả làng tôi hình
như chỉ cha sở, gia đình ông xạ, và vài gia đình giàu có khác có loại đồng hồ
“đứng” lên dây cót bằng cách kéo các dây xích tòng teng, điểm giờ bằng tiếng
gáy của con cu đất, đến giờ thòi ra, gáy xong thụt vào. Một lần nhá nhem tối,
trên đường đi học về, lũ trẻ chúng tôi chạy thục mạng hú hồn hú vía khi bất
chợt nhìn thấy các đầu lâu khô máu cắm trên đầu ngọn tre chôn hai bên đường
xóm. Tây bắn Việt Minh bêu đầu làm lệnh.
Trường
chỉ có một thầy giáo, dạy ba lớp năm tư ba gọi là sơ học yếu lược. Tôi chẳng còn
ấn tượng nào về ông thầy thân yêu đầu đời đã dẫn tôi vào thế giới văn chương
chữ nghĩa đó. Giờ đây dù mơ ước thế nào tôi cũng không thể gặp lại thầy vì chắc
chắn thầy đã vào thế giới sau thế giới này lâu lắm rồi chẳng biết từ lúc nào.
Thưa thầy, ước gì con được gặp thầy một lần trong đời. Chúng con vô tình khi
trẻ dại, khi lớn lên mới biết kính trọng và thương thầy thì thầy không còn trên
thế gian này nữa. Không biết chúng con có sẽ may mắn gặp lại được thầy ở một
nơi nào đó trong thế giới bên kia khi chúng con đi hết con đường thầy đã đi
qua. Còn tội chúng con vô tình lúc trẻ dại, chúng con xin thầy tha tội. Quí anh
chị nào đã từng học cùng thời với tôi lúc đó cũng như các lúc về sau, xin giúp
tôi biết chút ít về thầy chúng mình, vị thầy quê mùa nhưng đáng kính đáng yêu
đến biết chừng nào. Thưa thầy, con không hề gặp lại thầy, nhưng chữ nghĩa thầy
dạy vẫn khắc đậm trong con:
Tan
buổi học mẹ ngồi tựa cửa,
Mắt
trông con đứa đứa về dần,
Xa
xa con đã tới gần,
Các
con về đủ quây quần bữa ăn.
Cơm
dưa muối khó khăn mới có,
Của
không ngon, nhà khó cũng ngon,
Khi
vui câu chuyện thêm dòn,
Chồng
chồng vợ vợ con con một nhà.
Thầy
ơi, bài học thuộc lòng thầy dạy lúc đó đi vào lòng con rồi ở lại đó không bao
giờ phai mờ đi được nữa. Con không hề biết ai là tác giả bài học thuộc lòng đó
là ai cho đến khi lớn lên mới biết bài thơ nôm na mà thanh thoát đó là của Tản
Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Biết bao nhiêu bài học thuộc lòng đã đi qua đời học trò
của con mà sao con chỉ nhớ bài thầy đã dạy con. Không, thưa thầy, con không dám
dối thầy. Con con nhớ như in một bài nữa không phải do thầy đã dạy con, bài “Tôi
đi học” của Thanh Tịnh: Hàng
năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây
bàng bạc…. Có phải vì bài thơ
bài văn như thế quá thân thiết qua gần gũi, như vẽ ra cảnh thực quen thuộc của
không riêng của gia đình con mà có lẽ của bất gia đình nào có hạnh phúc, phải
không thưa thầy?
Tôi
học trường làng đó hai lớp năm và tư. Lên lớp ba, ba tôi không còn ở
quê nữa. Vì thế, khoảng năm 1948, 1949, tôi theo ba tôi lên phủ Vĩnh Linh học lớp ba.
Trường khang trang hơn, không còn là túp lều chăn vịt ở quê nữa, có đủ từ lớp
năm đến lớp nhất. Hình ảnh duy nhất còn sót lại trong tôi là thầy giáo lớp ba
của tôi. Thầy mập mạp, bệ vệ, nhưng ghiền thuốc phiện. Mạ và các em tôi còn ở
quê nên cha con tôi phải ăn “cơm tháng” cùng với nhiều công chức và thầy giáo
khác không sống với gia đình, kể cả thầy lớp ba của tôi. Hằng ngày tôi được
phái đi mời thầy xuống ăn cơm. Thầy không ở gần nhà nấu cơm tháng mà trọ trong
căn phòng do trường ngăn ra, cách nhà nấu cơm tháng một đỗi đường khá xa, trong
khu đồn bót lính Tây. Trưa chiều, tôi đi chân đất cuốc bộ đến mời thầy. Mỗi lần
nghe tiếng tôi đứng ngoài cửa nói vọng vào Con
mời thầy đi dùng cơm, thầy liên vo vo ve ve viên thuốc phiện trét vào tẩu,
châm đóm vào ngọn đèn dầu tù mù bên cạnh, kê đóm vào tẩu, rồi co quắp rít hơi
thuốc phiện cuối cùng, nhả khói mờ mịt căn phòng. Nhả hết khói xong, thầy chậm
rãi khoan thai đứng dậy mặc áo the, mang giày hạ, thò chân bước ra bên ngoài
ngạch cửa phòng thầy. Một lần như mọi lần, không lần nào tôi không tò mò nhìn
thầy co quắp rít thuốc, ngửi thấy mùi thuốc ngai ngái, rồi tự hỏi trong khói
thuốc đó có gì là niềm vui sướng mà thầy phải co quắp trông thiểu não tội
nghiệp đến thế. Sau đó, tôi nhìn lên mấy con thằn lằn, tức con thạch sùng, nằm
không nhúc nhích trên các bức tường và trần phòng thầy. Có lần tôi tò mò hỏi,
ba tôi cho biết chúng nằm yên bởi vì chúng đã ghiền khói thuốc phiện của thầy.
Thầy bước ra, tôi nép qua một bên, chờ thầy đi trước mới lạch bạch theo sau.
Tôi không nhớ có lần nào thầy đưa mắt nhìn tôi, đừng nói thầy cám ơn tôi, thằng
bé lội bộ mưa như nắng đến báo thầy biết giờ cơm đã đến, trong lúc bụng tôi
đang réo cồn cào. Thầy đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau như thể thầy chẳng hề
biết có tôi đang nối gót chân thầy. Có lẽ thầy cho rằng việc tôi mời thầy đi ăn
cơm là một bổn phận của tôi, một vinh dự dành riêng cho tôi nữa là khác, nên
chẳng có gì để thầy phải quan tâm đến. Cũng nên nói rõ tôi được đảm nhiệm vinh
dự này vì tôi là đứa học trò duy nhất ăn cơm tháng. Khi mạ tôi rời quê lên phủ,
cha con tôi chẳng còn phải ăn cơm tháng nữa, tôi cũng chẳng quan tâm biết ai
sau tôi sẽ tiếp tục công việc đi mời thầy. Thêm vào đó, tôi chẳng nhớ đã học
được những gì với thầy, và cũng chẳng nhớ thầy còn ở đó hay đã đi nơi khác khi
gia đình tôi rời phủ Vĩnh Linh. Điều tôi còn nhớ trong thời gian ở Vĩnh Linh là
những đêm Việt Minh tấn công đồn, không nghe súng bắn mà chỉ nghe reo hò la hét
và tiếng trống tiếng kẻng thùng thùng leng keng rộn cả góc trời. Điều khác tôi
còn nhớ là học được cách tính giờ trên đồng hồ, không phải nhờ thầy tôi dạy mà
nhờ chú lính gác. Chú biết tôi là con ba tôi, còn tôi chẳng biết chú là ai. Chú
đứng gác, tôi lân la đến làm quen và thấy chú mang đồng hồ đeo tay, của hiếm
vào thời đó, nên hỏi và được chú dạy cho cách tính giờ tính phút. Chẳng biết
tại tôi thông minh vốn sẵn
tính trời hoặc nhờ chú có sư
phạm nên tôi chỉ học một lần là áp dụng được ngay. Tôi không thể nhớ thầy tôi
có lần nào đã dạy tôi coi đồng hồ như vậy.
Sau
đó, gia đình tôi theo ba tôi vào Cam Lộ. Tôi không nhớ đã đi
học ở Cam Lộ vì hình như ba tôi chỉ ở đó
vài tháng rồi đổi xuống Đông Hà. Kí ức về Cam Lộ còn lại
trong tôi là một đoạn suối nước trong veo mát lạnh đáy toàn
là đá cuội nhỏ. Cam Lộ không đào được giếng nên phải lấy nước suối
về dùng. Tôi cũng không nhớ tôi đã đi học ở Đông
Hà. Kí ức tôi về Đông Hà là sức nóng cháy da thịt và khô khốc của luồng gió Nam
Lào thổi đến mỗi mùa hè. Cho đến nay, sống gần hết cuộc đời đất thì gần mà trời
thì xa, tôi chưa hề thấy nơi đâu có luồng gió nóng khô khốc kinh khủng như vậy.
Sức nóng mùa hè ở Đông Hà làm chảy nhựa đường nổi bong bóng mà những đứa bé như
tôi dậm chân xuống nghe nổ lóc bóc làm trò vui, không quan tâm gì đến sức nóng
của nhựa đường đang nóng chảy. Hơi nóng lúc cao nhất làm mái tranh bốc hơi và
bật cháy khi cọ xát vào nhau. Cháy nhà ở Đông Hà là một nỗi kinh hoàng. Thời đó
chưa có xe chữa lửa, cũng chẳng có toán chuyên phòng cháy chữa cháy. Khi nhà
cháy, người Đông Hà không cách nào biết ngọn lửa kế tiếp sẽ ụp xuống khu vực
nào để đề phòng. Đang cháy cuối xóm, gió Lào bốc tàn vút lên đến tận mây. Tàn
rơi xuống nhà nào xóm nào, nhà đó xóm đó sẽ tiếp tục làm mối cho thần lửa. Tàn
lửa đốt cháy một vài căn ở đây, đốt cháy một vài căn ở kia, rồi quay trở lại
chỗ cũ hoặc tan biến vào sông rạch đâu đó, chẳng ai biết đâu mà lần như một trò
đùa tai quái. Cháy nhà trở thành một nỗi kinh hoàng đến nỗi chính quyền địa
phương lúc đó ra lệnh cấm các gia đình nấu cơm trưa vào mùa hè. Nấu sáng lúc
trời chưa nổi gió đủ để ăn trưa, trời dịu gió mới được phép nấu cơm chiều.
Những
năm tiểu học, tôi theo ba tôi và gia đình đi nơi này nơi khác
như thế nên không năm nào tôi có đủ thì giờ để kết
bạn. Thêm vào đó, gia đình tôi lúc nào cũng ở trong “cư xá” tại
thị xã thị trấn cách biệt với bên ngoài. Vì thế, ngoài
giờ chơi tại trường học, tôi không có bạn bè để tụ tập chơi
các trò thường chơi như đánh bi đánh khăng đánh đáo. Lại càng không
có chuyện leo trèo bắt chim bắt bướm, hái trộm trái cây nhà người
khác, hoặc câu cá bắn chim tát đìa tát ruộng. Vì thế khi
lớn lên, tôi không có kỉ niệm về tuổi thơ, và thường thèm
thuồng khi nghe người khác kể chuyện cùng bạn bè “nối khố”
phá làng phá xóm cách này cách khác. Thay vào đó, tôi “tập
làm người lớn” nên có vẻ chững chạc trước tuổi, và say mê âm
nhạc văn chương chịu ảnh hưởng của ba tôi. Ba tôi chơi đàn violon,
đàn orgue, viết nhạc, làm thơ, viết văn. Tôi cũng bắt chước các thú tiêu
khiển đó, mặc dù chẳng làm nên trò trống gì khi lớn lên.
Sau
Đông Hà, ba tôi đổi vào Diên Sanh, Hải Lăng. Tại Diên Sanh, Hải Lăng, tôi
học lớp nhì, lớp nhất, và được vinh danh khi tôi đậu bằng … Tiểu học năm 1951!
Thời đó, thi tiểu học nghiêm chỉnh lắm. Học sinh các trường phủ huyện phải tập
trung về trường tỉnh để thi. Học sinh thi bài viết môn luận, toán, và các môn
khác. Tôi đặc biệt nhớ bài thi địa lí, vẽ hình bằng sơn nước và ghi tên các
tỉnh miền Trung. Chẳng cần tỉ lệ tỉ liếc gì cả, thằng bé vẽ hình miền Trung
cong cong, gạch đường ngang cong cong phân chia các tỉnh. Giờ đây nghĩ lại, tôi
chắc hình vẽ kì quặc và lem luốc lắm, không cách nào tránh khỏi dây mực màu nhòe
nhoẹt vì tôi vốn kém cõi trong chuyện vẽ hình. Nhưng, tên các tỉnh thì thằng bé
thuộc nằm lòng, đến nay già rồi vẫn còn thuộc: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,
Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa
(lúc đó chưa có tỉnh Phú Yên), Phan Rang, Phan Thiết. Tên các tỉnh miền Trung
thời đó chỉ thế là hết, cho dẫu diện tích đất đai chẳng gì khác với ngày nay.
Đậu thi viết mới được vào kì thi miệng, trang trọng gọi là thi vấn đáp. Tôi
không nhớ rõ phải thi những gì trong kì thi miệng ngoại trừ có thêm môn nhạc.
Thằng bé coi trời bằng vung, cất cao giọng hát bài “Khỏe vì nước” (Khỏe vì nước
kiến thiết quốc gia, Đoàn thanh niên…) được thầy khen nức nở nào giọng tốt, nào
hát đúng, nào hùng dũng. Thằng bé cười toe toét khoan khoái trong lòng vì lần
đầu tiên được khen là hát hay! Thế nhưng vinh dự đó chỉ riêng thằng bé và thầy
giáo biết (có lẽ có thêm vài đứa bé khác đang có mặt lúc đó trong phòng thi).
Vinh dự “to lớn” hơn có được khi tôi đậu bằng tiểu học. Nguyên trường hơn sáu
mươi học sinh lớp nhất, khóa một năm 1951 chỉ đậu bốn người, trong đó gia đình
tôi chiếm hai chỗ, chú tôi, tức người em khác cha của ba tôi đã nói trên, và
tôi. Tôi thực tình chẳng thấy gì là to lớn cho lắm nhưng ba mạ tôi thì hể hả
thực sự. Cứ nhìn nụ cười tủm tỉm của ba tôi thì biết, vì ba tôi vốn nghiêm nghị
ít khi cười lớn. Về sau tôi mới hiểu ba mạ tôi cảm thấy vinh dự là vì dư âm của
bằng Primaire thời Pháp
còn vang vọng lại. Thời Pháp, ai đậu Primaire là cả một hãnh diện cho gia đình,
có nơi còn rước xách võng lọng, vì người đậu bằng đó đã có thể đi làm thầy
thông thầy kí.
Hải
Lăng đã để lại trong tôi vài dấu ấn ngoài “vinh quang” đậu bằng Tiểu học
đó. Đó là nơi, vào cái Tết năm học lớp nhì, tôi đã vô tình uống li bia đầu tiên
trong đời mà không biết, và say bí tỉ. Bia Pháp quen gọi là bia Bông hồng vì bên ngoài vẽ hình bông hồng. Không
đá cũng chẳng ngâm lạnh. Ba tôi không uống rượu, nhưng tiếp khách Tết vẫn rót
bia cho khách và cho cả ông. Khách về rồi, li ba tôi vẫn còn nguyên. Đi chơi
Tết đâu đó ngoài chợ về khát nước, thấy li cối để sẵn trên bàn, thằng bé ngữa
cổ nốc một hơi. Chẳng hiểu tại sao lúc đó tôi không thấy đắng. Chếnh choáng,
thằng bé lên gác nằm ngủ thẳng cẳng. Chiều tối, không thấy tôi về ăn cơm, cả
nhà tá hỏa đi tìm khắp các nhà quen biết. Chẳng ai đã thấy tôi. Cuối cùng,
chẳng biết nghĩ sao, chú tôi lên gác đến chỗ ngủ của hai chú cháu và thấy tôi
đang ngáy khò khò! Hải Lăng còn là nơi đã đãi tôi vài món ăn lạ và ngon. Nấm
tràm đen bóng, đắng nghét, nấu canh rau lang, ăn quen sinh ghiền. Bánh canh bột
gạo nấu cá tràu cá thát lát nêm ớt thật cay, trời mùa đông vừa ăn vừa suýt xoa,
tháng đôi tháng không ăn thấy nhớ. Bánh canh này khác bánh canh quen thuộc của
miền Nam. Bánh canh miền Nam làm bằng bột khoai mì trong veo. Tô bánh canh có
giò heo. Bánh canh Hải Lăng làm bằng bột gạo. Nguời ta sú bột, nhồi thế nào cho
bột dẽo, không phải ai cũng nhồi được mà phải có một nghệ thuật sao đó, vo
thành cục tròn rồi dùng cái chai hoặc cái chày cán mỏng cỡ nửa bề dày chiếc
đũa, thế nào đừng cho bột dính vào đồ dùng để cán, sau đó cắt bột cho rơi ngay
vào nồi nước lèo đang sôi để bột kết dính thành sợi không tan rã ra, nghĩa là
không thể cắt thành sợi như sợi mì rồi cho vào nồi luộc sau. Sợi bánh chín
không trong nhưng dẽo là ăn được. Hải Lăng còn có cây nưa, thân như thân khoai
môn, nhưng lá chia thành nhiều nhánh răng cưa. Củ cũng như củ môn ăn ngứa,
nhưng mài thành bột lại có hương vị khác lạ. Thân nưa muối dưa chua, kho cá, ăn
rồi khó quên trừ phi gặp cây ngứa quá chịu không nỗi.
Sau
đó, tôi vào Huế học khi gia đình ba mạ tôi sống tại thị xã Quảng Trị. Hàng năm,
tôi chỉ về nhà kì nghỉ tết và nghỉ hè. Vì thế, kí ức của tôi về thị xã Quảng
Trị cũng chỉ loáng thoáng lỗ chỗ. Thị xã Quảng Trị với nhà sách Văn Hóa, tiệm
chè Lục tào xá, cô gái lai Trung Hoa ở góc chợ, nhà thờ Thạch Hãn với mái mang
phong cách phương đông, chùa Tỉnh hội Phật giáo trên đường xuống chợ Sãi. Sông
Nhan Biều đoạn chảy từ cầu ga ngang qua thị xã với con đường bờ sông lộng gió
mà chiều chiều tôi và đám con trai như tôi đạp xe đạp đi “nghễ” gái. Long Hưng
với thổ âm nặng đặc biệt khó hiểu. La Vang với đài kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra có
những cây đa đắp bằng ximăng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tạc hình mà tôi tưởng
tượng như là những cây nấm khổng lồ. Đó là tất cả những gì còn sót lại về thị xã
Quảng Trị trong tôi, cho dẫu tôi đã học một năm đệ tứ tại trường Thánh Tâm.
Không, nói cho đúng, tôi còn kỉ niệm một mối tình thơ ngây của tuổi mới lớn,
với một cô gái Thạch Hãn, mối tình được vun xới bằng thư tình ngọt lịm. Tôi
không nhớ tôi đã có lần nào đủ can đảm nắm tay nàng, nói chi đến hôn nàng. Từ
ngày xa nhau, tôi không hề gặp lại nàng. Nghe đâu nàng cũng không may mắn trên
tình trường. Tại sao hầu như tất cả các người con gái nào đã đi qua đời tôi đều
không gặp may mắn sau khi chúng tôi xa nhau. Đó là số phận, hoặc đó là vì họ
không tìm được tình yêu nào khác nồng nàn hơn tình tôi đã trao cho họ? Chẳng có
gì chắc chắn, ngoại trừ một điều chắc chắn là tôi đã quá tự cao tự đại khi suy
nghĩ như vậy.
Sau
năm 1957, gia đình tôi rời Quảng Trị vào Hội An, Quảng Nam. Tôi tiếp tục học ở
Huế. Lâu lâu, vào kì nghỉ hè nghỉ tết, tôi về thăm ngoại tôi ở An Đôn thượng,
biết thêm những đồi sim ngọt lịm. Và yêu thêm một người con gái trong khu vực
đồi sim đó. Một lần sau khi hai đứa hôn nhau dưới gốc chanh trong vườn nhà
nàng, nàng dịu dàng bảo tôi khi tôi có chút sàm sỡ muốn tiến xa hơn:
“Anh
ơi, chanh còn non quá, rán đợi ít nữa cho chanh đủ già nghe anh.”
Cô
gái mới mười sáu tuổi năm đó. Tôi vào Huế và quên bẵng đi tôi có một quả chanh
đang chờ chín tới. Chúng tôi không gặp nhau lại, thậm chí đến nay cố gắng vẫn
không còn nhớ được tên nàng. Sao tôi lại có thể vô tình đến thế?
* * *
Kí ức về quê cha
đất tổ của tôi lỗ chỗ như thế đó. Nhiều lúc tôi nghĩ tôi không có quê
hương đích thực, và không có cả kỉ niệm tuổi thơ. Ngoại trừ thời gian khôn lớn
học hành ở Huế, tuổi thơ tôi không ở một nơi nào lâu quá hai năm. Vì thế, tôi
biết Huế nhiều hơn biết quê hương tôi.
Thế
nhưng, không ai có thể nói tôi không phải là người Quảng Trị,
và tôi tự hào tôi là người Quảng Trị. Giọng nói của tôi đã
pha giọng Huế, và pha cả giọng chẳng phải Quảng Nam chẳng phải miền Nam. Dù pha
chế thế nào, tôi vẫn còn lưu lại âm hưởng giọng Quảng Trị nằng nặng. Pha giọng
Huế là chuyện phải đến, vì tôi lớn lên ở đó. Pha giọng Quảng giọng Nam thì
không phải vì tôi muốn mà vì tôi nằm vào thế phải pha như thế. Đó là vào năm
tôi xin được hiệu trưởng cho phụ trách lần đầu tiên lớp quốc văn đệ thất. Tôi
muốn nhìn thấy nét mặt thơ ngây của các em đệ thất lúc bắt đầu bước chân vào
tuổi “người lớn.” Dạy các lớp trên, tôi không cảm thấy các em có khó khăn gì
với giọng Huế pha Quảng Trị của tôi. Vào lớp đệ thất đầu tiên, đọc bài chính tả
đầu năm để biết sức học của các em. Tôi không thể nhớ đích xác bài văn cho học
sinh viết năm đó tên gì của tác giả nào, chỉ nhớ nói về chuyện trẻ em đi học,
trong đó có câu trên những con
đường độc đạo xuyên sơn. Tôi không thể quên được câu văn đó vì do nó mà tôi
phải thay đổi giọng nói. Học sinh của tôi người Quảng Nam, từ bé học trường địa
phương nghe thầy cô giảng bài và người chung quanh trò chuyện bằng giọng Quảng
Nam, và có lẽ chưa lần nào tiếp xúc với người nói giọng khác. Lớp lên đến hơn
sáu chục em vừa nam vừa nữ, nghĩa là hơn một trăm hai mươi cặp mắt thơ ngây
đang chằm chặp nhìn và nghe tôi đọc rồi cúi xuống cắm cúi viết. Đi qua đi lại
giữa hai hàng bàn ghế, tôi đọc câu đó ba lần như khoa sư phạm dạy. Lần thứ nhất
cho học sinh nghe, lần thứ hai cho học sinh nhớ và bắt đầu viết, rồi lát sau
đọc lần thứ ba nhắc lại cho em lỡ quên. Đọc xong câu trên lần thứ hai, tôi đưa
mắt nhìn quanh lớp. Không mấy em cắm cúi viết. Nhiều em cắn bút đưa đôi mắt
nhung nai nhìn tôi như muốn nói điều gì nhưng sợ thầy nên không dám nói. Tôi
phá lệ, đọc lại hai lần nữa. Vẫn chẳng thấy mấy em viết. Chẳng lẽ trình độ các
em kém đến thế sao? Các em viết chính tả nhiều lần ở cấp tiểu học, sao giờ lại
cắn bút? Suy nghĩ một thoáng, tôi giật mình nhận ra không phải lỗi các em mà
lỗi tại tôi. Các em không nhận ra được giọng Huế pha Quảng Trị của tôi. Tôi vội
chỉnh giọng, đọc lại câu trên nhái theo giọng Quảng Nam, trên những (ưng) co
(o)n(g) đường (ường) độc “đợu” xuyên(g) sơn(g). Mắt các em sáng lên. Các em
cắm cúi viết. Có em xì xầm, “Thầy đọc dễ hiểu quá!” Cứ thế, tôi bắt đầu “sửa”
giọng Huế-Quảng Trị của tôi thành giọng pha quảng Nam để có thể tiếp tục giúp
cho các em học sinh thân yêu của tôi hiểu tôi muốn thêm điều gì vào kiến thức
của các em. Các em học sinh năm đó giờ đã thành ông bà nội ngoại, không biết có
em nào biết chính vì các em mà tôi phải “pha” tiếng không. Tôi đã gạt bỏ ngoài
tai câu tục ngữ quen thuộc chửi
cha không bằng pha tiếng. Không cách nào tôi không phải pha tiếng nếu tôi
muốn làm tròn trách nhiệm thầy giáo đem kiến thức lại cho các em đang tin tưởng
vào tôi. Tôi truyền đạt thế nào được khi các em không hiểu tôi đang nói gì?
Dài
dòng như thế để xin ai nếu lỡ quen biết tôi đừng trách tôi
bội bạc với giọng nói quê hương. Chẳng vì lí do trên,
tôi đã nhất quyết giữ lại giọng nói Huế-Quảng Trị của tôi
vì tôi vốn là người … cứng đầu. Dù gì, tôi cũng xin
tạ tội với quê hương vì … đã phạm cái tội pha tiếng tày
trời. Dù biết quá lam nham ít ỏi về quê hương, dù giọng nói không còn nguyên
thủy Quảng Trị, tôi nhất quyết xác định tôi là người Quảng Trị. Tôi đang hẹn
với lòng tôi phải tìm dịp trở về làng cũ để nhìn lại quá khứ đang ẩn kín trong
thâm tâm tôi, cho dẫu tôi biết làng cũ An Do tây nơi chôn nhau và chôn giữ răng
sữa của tôi giờ đến cái tên cũng không còn trên bản đồ, nói chi đến cảnh cũ
người xưa.
Tôi
là người Quảng Trị, và xin làm người Quảng Trị. Quê hương ơi,
xin đừng chê bỏ con.
Kentwood,
Michigan, Hoa Kì ngày 05 tháng 10 năm 2012
Trần Hữu Thuần
jbtranthuan@hotmail.com