Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 20, 2017

BUỒN TÀN THU - thơ Cao Minh Lục


Tác giả Cao Minh Lục


BUỒN TÀN THU


Rồi cứ thế thăm thẳm bóng chiều tôi,
Khi hương phai sắc úa đã lâu rồi!
Chim còn hót sau cơn mưa trời tạnh?
Nắng còn vương khi chiều xuống sau đồi?
***
Em nhìn tôi giờ đôi mắt xa lạ,
Tôi thấy mình như thằng bé mồ côi!
Chim gì hót hót nghe hay chi lạ,
Sao mình buồn buồn muốn chết đi thôi?
***
Nắng đã tắt bên thềm xao xác lá,
Gió vừa về đùn đẩy áng mây bay...
Con đò đã sang ngang rồi chuyến cuối!
Tiếc chi còn ngong ngóng đợi chiều nay?
***
Ta thấy em mắt nai hiền ngấn lệ,
Trên đôi môi nứt nẻ gió heo may...!
Buồn tàn thu hoàng hôn đầy ân hận,
Cho nhau chi, chỉ có ở lúc nầy!...

Cao Minh Lục
READ MORE - BUỒN TÀN THU - thơ Cao Minh Lục

TUNG HÊ - Thơ Lê Mai

   
        Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)



TUNG HÊ

Gió bị nhốt trong thung nên rú gào cuồn cuộn
Em bị trói trong  hôn nhân nên lặng lẽ phá rào.
Thôi, thì ta tung hê tất cả
Cho gió lại mơn man
Cho em lại dịu dàng
                      Chinh phục tình yêu!
                                       
                                         Lê Mai

READ MORE - TUNG HÊ - Thơ Lê Mai

TÌNH XUÂN YÊU THƯƠNG - Thơ Nhật Quang





TÌNH XUÂN YÊU THƯƠNG

Xuân yêu thương, tình xuân đẹp quá !
Lộc mơn xanh, chồi lá non tơ
Dập dìu ru khúc nhạc mơ...
Đong đưa gió thoảng câu thơ ngọt mềm

Khúc tháng giêng êm đềm hơi ấm
Gió lay cành liễu đẫm sương mai
Xuân mơ trở giấc đêm dài
Vội khoe áo mới trang đài làm duyên

Nắng xuân vàng trải nghiêng lối nhỏ
Bước em về trước ngõ đơm hoa
Xinh xinh dáng lụa ngọc ngà
Mắt môi lúng liếng, điệu đà thanh tân


Áng mây hồng gió lâng lơi lả
Bướm, ong vờn nghiêng ngả làn hương
Tơ hồng dệt mộng vấn vương
Xòe tay em hứng niềm thương dâng đầy.
                    
                                       Nhật Quang
                                        (Sài Gòn)

READ MORE - TÌNH XUÂN YÊU THƯƠNG - Thơ Nhật Quang

PHIM THÚ VẬT, Q.TÊ - Thơ Chu Vương Miện



                          Nhà thơ Chu Vương Miện



PHIM THÚ VẬT

Trên thảo nguyên
Nai trâu hươu voi sống chung
Cùng nhai chung bãi cỏ
Cùng uống một dòng nưóc
sống rải rác
có sư tử cọp và beo gấm
voi từng đàn
nai từng đàn
mạnh ai nấy ăn cỏ
mạnh ai nấy uống nưóc
lâu lâu bị cọp rượt
là mạnh con nào con nấy chạy
hưou nai chạy nhanh nhất
cọp chạy theo chồm lên lưng trâu
cắn cổ ngã vật xuống
những con còn lại
trơ mắt đứng nhìn
đồng loại nằm xuống
cop hút máu nhai da nhai xương
mới đầu là con kên kên
sau là một đàn kên kên đến chia xác
cọp ăn chán bỏ đi
bầy kên kên nhào vào
xé xác
rỉa thịt nhai xác
đồng loại nai trâu
vẫn đứng trên cỏ biếc
vẫn nhai cỏ bình thường
hoạt cảnh nhai xác nhau
thường ngày
vẫn chỉ là chuyện bình thường
ngày nào cũng có
những con nhỏ con yếu
là miếng mồi ngon
cho con lớn con mạnh
vẫn dướí ánh mặt trời
vẫn từng ngày
thú với thú

và người với người ?

Q.TÊ

đời đáng vui hay là đáng chán
cũng toàn là lưụ đạn nổ chơi
chém cha cái kiếp dời mồi
toàn là nông cạn suốt đời kiêm nhau
bờ sông hẹp toàn lau với lách
nưóc đục ngầu con rạch quanh co
đôi ta sao giống tò vò
tình tang con  nhện lượn lờ qua sông
lúa con gái đòng đòng đang trổ
thuyền neo dòng sóng vỗ nghe vui
ca xong cười khóc khóc cười
y chang cút rưọu ngọt bùi trộn nhau
giang sơn đó long đầu hí thủy
cũng lại là tri kỷ tri âm
thói đời còn chiếc thân không
thì thôi hồ thỉ tang bồng mà chi ?
thôi cái chuyện bấc chì cũng nhẹ
thì vô tình cũng khỏe tấm thân
Trăm năm trong cuộc cởi trần
Cái thân phù thủng cũng ngàn ấy sao ?
Đơì thất thế thuốc lào thuốc lá
Toàn chuyện ruồi lấp bể xẻ non
buồn sừng dê mới cỏn con
dậu thưa từng lớp hàng hàng dậu thưa
làm thân ngựa trâu lừa ưa nặng
làm thân diều bay bổng tầng không
mớ tình toàn rối bòng bong
y như liễu phủ bên sông bơ phờ
ôi cái kiếp làm thơ làm thẩn
áo tàng đâu mang vận vào thân
vòng vo toàn chuyện phong thần
thưong vay khóc tạm xoay vần quanh năm
mấy chục bó lần khân xa xứ
ôi chuyện chừ vô tự vô ngôn
sóng xa rồi lại sóng gần

        Chu Vương Miện

READ MORE - PHIM THÚ VẬT, Q.TÊ - Thơ Chu Vương Miện

WILLIAM STAFFORD: ĐI QUA BÓNG TỐI- Nguyễn Đức Tùng



William Stafford.
(Ảnh từ en.wikipedia.org.)


WILLIAM STAFFORD: ĐI QUA BÓNG TỐI
Nguyễn Đức Tùng

Nhiều năm trước, khi đi thực tập nội trú về cấp cứu trong một bệnh viện ở Mỹ, tôi ngạc nhiên thấy trên tường và sàn nhà khắc nhiều câu thơ của một tác giả xa lạ. Các sách giáo khoa mà tôi đã học không đề cập đến tên ông. Sau này tôi mới biết đó là một nhà thơ được nhiều người yêu mến. Ngày nay nếu cần chọn những bài thơ tiêu biểu cho nền thi ca Hoa Kỳ trong vòng mấy chục năm qua, có lẽ tôi sẽ chọn bài “Đi qua bóng tối” (Traveling through the dark), của William Stafford trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1962. 

William Stafford thuộc thế hệ của John Berryman, Elizabeth Bishop và Robert Lowell, sinh năm 1914, mất năm 1993, lớn lên ở tiểu bang Kansas, học Đại học Kansas. Tại đây, anh bắt đầu chọn con đường viết văn, tham gia vào cuộc vận động của sinh viên chống phân biệt chủng tộc. Trong thời gian thế chiến thứ II, anh bị tập trung vào trại lao động vì phản đối chiến tranh, thời đó gọi là các conscientious objectors (người phản đối chiến tranh vì lương tâm). Anh lập gia đình trong thời gian này, được trả tự do vào năm 1946, và hoàn tất chương trình tiến sĩ năm 1954. Stafford làm nhiều công việc khác nhau, từ lao động trên các cánh đồng củ cải đường, nhà máy lọc dầu, công việc xây dựng, ngành rừng và cuối cùng là giáo sư Anh văn tại Portland, Oregon. Ngoài các tập thơ, W. Stafford còn viết nhiều truyện ngắn, tiểu luận.

Có vẻ như ông không có một cố gắng nào để nói về các đề tài lớn lao có tính xã hội; và hình như ông chỉ làm thơ để làm vui thú chính mình, mặc dù thế, người đọc bao giờ cũng bắt gặp trong những thơ ông một cuộc chiến đấu gian nan đẹp đẽ của một lương tâm bền bỉ, tuy dịu dàng nhưng cương quyết không thoả hiệp, không ngừng tra vấn.

Đi Qua Bóng Tối

Lái xe trong đêm tôi nhìn thấy con nai
chết nằm bên vệ đường
Tốt nhất là lăn nó xuống mương
Đường hẹp, tránh nhau thường nguy hiểm chết người.
Theo ánh sáng đuôi xe, tôi đi vòng lại.
Đứng bên cái chết còn mới nguyên
Mình con nai cứng lại, gần lạnh giá.
Tôi lật nó ra, da bụng phồng lên.
Khi chạm tay vào một bên tôi chợt hiểu
Da bụng ấm, báo hiệu bào thai còn sống
Còn đợi chờ, nhưng không thể sinh ra
Tôi đứng qua lề đường suy nghĩ ngẩn ngơ
Ngọn đèn chiếu thấp mờ dần phía trước;
Tiếng máy nổ rì rầm êm dịu dưới mui xe.
Tôi đứng im trong quầng lửa hồng đỏ rực;
Quanh lũ chúng tôi, thiên nhiên cùng thức lắng nghe.
Tôi suy nghĩ rất lung cũng vì tất cả chúng ta
Rồi đẩy nó qua bờ, lăn xuống bến sông xa.
(1)

Giọng thơ giản dị, có tính chất mô tả, ít ngôn ngữ mơ hồ như thường gặp trong nhiều bài khác của ông, mời người đọc đi vào cuộc đối thoại trực tiếp giữa họ và ông, giữa con người và thiên nhiên. Ngôn ngữ của Stafford hàm súc và mặc dù ông ít dùng các biểu tượng, thơ ông chất chứa sự đa nghĩa, không phải là sự đa tuyến của lối thơ hậu hiện đại, mà là sự đa nghĩa xuất phát trực tiếp từ một triết lý thâm trầm nằm dưới những hiện thực được ghi nhận bằng cặp mắt trong suốt.

Đây là một bài thơ tự sự tiêu biểu: một câu chuyện kể có đầu có đuôi. Ngoài đời, việc dừng lại bên một con nai hay hươu bị chết, có lẽ do bị xe cán, và lăn nó xuống hố không phải là một hành động ngoại lệ hiếm hoi. Nhiều người sẽ bỏ qua trường hợp này. Nhưng tác giả đã ngồi xuống, đặt tay lên bụng con nai, và vì vậy ông nhận ra hơi ấm, nhận ra sự sống. Bắt đầu từ đây có một mối xung đột khởi đi. Anh có muốn cứu con nai con trong bụng mẹ không?

Chúng ta phải làm gì trong trường hợp này?

Ai là người đưa ra quyết định cuối cùng? Càng suy nghĩ ta càng thấy rằng người tạo ra quyết định không phải chỉ là nhà thơ/nhân vật mà là “our group” (nhóm chúng tôi, lũ chúng tôi). Lũ chúng tôi tức là ai? Tại sao tác giả lại dùng đến nhiều câu như thế để miêu tả chiếc xe hơi đang rì rì nổ máy, như thể đó là một vật biết suy nghĩ và đang suy nghĩ? Nhóm của chúng tôi gồm có: người lái xe, con nai mẹ đã chết, con nai con hãy còn nằm trong bụng mẹ chờ sinh ra, chiếc xe hơi và cảnh vật xung quanh.

Tóm lại, một thế giới.

Bài thơ nói với chúng ta về sự phân vân của một người đi giữa cuộc đời, đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nghĩ đến bài thơ, tôi yêu mến hơn phẩm chất cao đẹp của người trí thức: sự hoài nghi trước những quyết định cá nhân và lịch sử. Những người không có đức tính hoài nghi, tuyệt đối tin tưởng vào một thứ sự thật, một thứ chân lý duy nhất, là những kẻ đáng nghi ngờ về trí tuệ và phẩm cách cá nhân. Hơn thế nữa, đôi khi đó là những kẻ rất đáng sợ. William Stafford thường mở ra những cuộc đối thoại nhân sinh gay cấn như thế trong những bài thơ mang vẻ ngoài giản dị (deceptively simple), với giọng điệu từ tốn, dịu dàng của mình.

Hỏi Tôi

Đôi khi dòng sông băng giá hỏi tôi
Những lỗi lầm mắc phải. Hỏi rằng có phải
Việc tôi làm là cuộc đời tôi. Những người
Hiện ra trong tâm trí tôi chậm rãi
Một số chở che, một số người mưu hại
Hỏi tôi thế nào là sự khác nhau
Gây nên bởi tình yêu, bởi căm hận thương đau
Bạn nói đi tôi sẵn sàng nghe
Bạn và tôi có thể quay đầu
Nhìn lại dòng sông im lìm, trôi đi, chờ đợi. Chúng mình
Hẳn biết dòng nước ngầm kia chảy xiết, và nó
Đã tới rồi đó đây, và trôi đi ngàn dặm
Giữ gương mặt dịu dàng phẳng lặng
Trước chúng ta, sông nói gì chăng, đó là điều tôi muốn nói ra

(2)

Bài thơ gồm có hai khổ. Khổ thơ trước bắt đầu với chữ đôi khi, với đời sống như thể là đã xuất hiện, đã qua trong quá khứ được chiếu ánh sáng soi rọi từ hiện tại, những kinh nghiệm, những thành công và thất bại, sự sáng suốt và lỗi lầm, trung thành và phản bội, sự thỏa mãn và lòng hối hận.

Khổ thơ thứ hai nói về sự lắng nghe, nhìn nhận lại sự vật từ góc nhìn của người khác. Bạn lắng nghe tiếng nói của người khác, lắng nghe tiếng nói của dòng sông, nhưng dòng sông không có tiếng nói. Nó im lặng. Nhưng đó là sự im lặng bên ngoài, sự vận động là bên trong. Hay ngược lại sự im lặng là hiện tại. Sự vận động là quá khứ. Hay khác hơn nữa sự im lặng của một người này là sự thay đổi của một người khác. Thơ Stafford thường là những câu hỏi không có câu trả lời. Tình trạng không có câu trả lời dẫn người đọc đến trạng thái dễ chấp nhận, và do đó dễ tha thứ, sự ước muốn được lắng nghe và chấp nhận những bí mật vĩnh viễn. Ngôn ngữ phóng khoáng nhẹ nhàng, giọng điệu lặng lẽ, là những tính cách đặc biệt của Stafford. Nhiều nhà thơ Hoa Kỳ nổi tiếng với cách tiếp cận từ các sự vật nhỏ bé, nhưng Stafford ở trong số những người lừng lẫy hơn cả. Khi ông nói về kiến, chúng ta không chỉ thấy sự quan sát, cũng không chỉ là triết lý, mà sự là sự hài hước toát ra của cuộc đời rất thực.

Những con kiến đi vội trên đường
Gặp nhau nhường lối tránh qua bên phải
(3)

Các bài thơ của ông thường có một hay vài chữ quan trọng. Âm điệu xô đẩy âm điệu, những chữ được sử dụng đi sử dụng lại với tác dụng khác nhau. Có một vài yếu tố siêu thực trong thơ ông nhưng không rõ ràng: đó có thể là sự phóng túng tràn bờ của các thi ẩn hơn là một lập trường thi pháp. Có một sự liên hệ, liên kết mạnh mẽ (association) rất khó giải thích giữa nhiều chữ và nhiều hình ảnh khác nhau. Stafford gần như có một tập hợp các từ vựng riêng, mặc dù ông không cố gắng làm cho chúng tối nghĩa lại. Việc sử dụng nhiều chữ lập đi lập lại như thế làm cho chúng biến thành một thứ biểu tượng, với nghĩa biểu tượng (symbolic meaning). Tuy vậy người đọc không nên để các ý nghĩa biểu tượng này hay các ý nghĩa của ẩn dụ che mờ mắt, thu hẹp lối nhìn, đóng khung các ý nghĩa, vốn là cách mà Stafford quyết liệt chống lại. 

Có một cố gắng đều đặn trong ông để trở đi trở lại với khu vườn cũ, căn nhà xưa, mối tình đầu, gõ cánh cửa thời gian, chiến đấu với sự mất mát. Quá khứ chỉ tồn tại trong ký ức, thời gian chỉ tồn tại khi có quá khứ. Thời gian là một dòng chảy đều đặn chuyên chở những sự kiện của đời sống, muốn chặng đứng thời gian lại nhà thơ phải dựa vào ký ức, dựa vào những phút giây thức tỉnh của ký ức, như một hoạt động đầy ý thức. Có thể thấy thơ Stafford không đặt nặng lắm vào việc sắp xếp vần điệu, ông sử dụng nhiều hơn các loại vần lỏng lẻo và vần gián tiếp. Trong cuốn sách You Must Revise Your Life, Bạn Phải Tu Sửa Cuộc Đời Mình, nhà thơ nhấn mạnh đến việc sửa thơ như một quá trình căn bản nhất của sáng tạo. Stafford cho rằng không có một hình thức căn bản nào dành cho thơ, không tin tưởng vào một thể thơ cụ thể nào, và các câu thơ cũng như các khổ thơ chỉ là một đơn vị của xúc cảm và tư tưởng không phải là một đơn vị có tính kỹ thuật. Sự ngắt dòng trong thơ Stafford cũng không quá bất ngờ và phức tạp, tuy vậy vẻ giản dị của chúng vẫn đầy bí ẩn. 

Đây là sự ngắt câu tiêu biểu của Stafford, tinh tế, tự nhiên, nhưng ẩn chứa nhiều sức mạnh:

Lái xe trong đêm tôi nhìn thấy một con nai
chết (trên vệ đường…)

(4)

Sự chuyển tiếp, sự ngắt đoạn, sự ngắt câu trong thơ Stafford, đối với tôi không còn là một thứ kỹ thuật thuần túy (craft) thậm chí không còn là một thứ nghệ thuật (art), mà là một luồng chảy triết học, một ý tưởng xao xuyến chảy đi giữa hai bờ ý thức và tiềm thức, nói cách khác là động lực của sáng tạo.

Tự do không chảy theo dòng sông
Nhưng tự do sẽ chảy theo dòng

(5)

Và chú thích:

Dù vậy, nếu như bạn muốn.
(6)

Trong thời đại của Stafford nền phê bình ở Mỹ có nhiều chuyển biến, ví dụ trường phái phê bình mới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại, và giải cấu trúc, ảnh hưởng của Jaques Derrida. Các nhà phê bình thời đó không chú ý nhiều đến Stafford, vì thơ ông không thích hợp dễ dàng cho các phương pháp phê bình của họ. Sự tiếp cận giản dị về ngôn ngữ, sự thư thả thậm chí buông thả dẫn đến sự đọc không đầy đủ. Stafford quan tâm hơn đến đông đảo độc giả, cố tránh để làm thơ theo lối khó hiểu. Ông nổi tiếng là người không chịu biên tập lại các bài thơ khi đã viết xong. Đó là những bài thơ về sự sống sót trong một xã hội tan rã và một thiên nhiên đầy đe dọa. Năm 1947 ông xuất bản tập hồi ký đầu tiên, Trong Trái Tim Tôi, Down In My Heart, nói về thời kỳ ông ở trong trại giam, thời kỳ đệ nhị thế chiến. Tập thơ đầu tiên xuất bản mười ba năm sau đó, 1960, tập Phương Tây Của Thành Phố, West of Your City. Vào tuổi bốn mươi sáu, Stafford bắt đầu sự nghiệp thơ ca một cách muộn màng. Quê hương, nơi chốn, căn nhà, cố xứ, huyền thoại trở thành chủ đề của tập thơ và về sau chủ đề ấy thường trở đi trở lại.

Thế giới xuất hiện một đôi
Lần đầu như ta nhìn thấy
Lần thứ hai nó để lại vậy
Chuyện truyền kỳ theo cách của nó thôi

(7)

Sự vật như nó là và sự vật như chúng ta thấy là. Càng đọc nhiều thơ Stafford càng nhận ra rằng có những giây phút trong cuộc đời ở đó một số sự thật xuất hiện, nhưng đó không phải là sự mặc khải dành cho một số người có khả năng đặc biệt.

Trễ quá rồi bạn ơi tìm lại ngày xưa
Chờ ta, vài con đường khác nữa
Nhưng chỉ một mà thôi - đầu hàng, tan rữa

(8)

Có một sự bất ngờ thú vị khi thấy trong thơ Stafford sự trộn lẫn giữa ngôn ngữ quan phương và ngôn ngữ bình dân, lối kết hợp vần điệu chặt chẽ và sự buông thả bất ngờ. Có một sự do dự thường trở đi trở lại, từ chối các phán đoán, các lời tuyên bố, sự định vị. Stafford quan tâm rất nhiều đến các vấn đề thời sự chính trị. Thật ra cái nhìn của ông đối với chiến tranh và các vấn đề tương tự cũng không ra ngoài thông lệ của các trí thức ủng hộ dân chủ và tự do nhưng sống trong một xã hội thịnh vượng, chưa có dịp nhìn ra mặt trái của các phong trào chiến tranh, lật đổ, cách mạng, bạo loạn, được che giấu đẹp đẽ bởi các danh từ hoa mỹ. Mặc dù vậy với sự mẫn cảm của một nhà thơ tài năng, thơ ông là tiếng nói của lương tâm, tự nó không thể sai lầm, trong chừng mực mà nó không phục vụ cho các mục đích cụ thể.

Hãy nhìn xem: không ai hứa
Chúng ta rồi sẽ hát. Vì vậy thôi dành
Thời gian than khóc nữa

(9)

Thơ là ẩn dụ nhưng không phải là ngụ ngôn. Sự thật trong bài thơ có khi là việc đã xảy ra, đúng như thế, chúng xuất hiện như những sự kiện. Càng đọc thơ Stafford tôi càng tin rằng nhà thơ phải đuổi theo các sự kiện, và đến lượt chúng các sự kiện phải đuổi theo vần điệu của ngôn ngữ.

Đi được nửa đường, cha tôi chết
Ông ngước mắt nhìn tôi. Rồi nhắm lại
Thế giới lặng tờ. Mãi đến hôm nay tôi vẫn giữ
Trong lòng những gì cha tôi nói, đời sống các con –
Bất cứ ánh sáng nào. Ôi, bất cứ ánh sáng nào

(10)

Nhiều năm dạy học, Stafford thường để lại những lời khuyên quý giá cho việc đọc và sáng tạo.

Và nghệ thuật sống. Khi còn cắp sách tới trường, những ngày học hành thi cử lo toan đời sống khó khăn nhất, tôi nhớ:

Any light

Ôi bất cứ ánh sáng nào cũng tốt

Ông làm nhiều thơ về nghệ thuật làm thơ. Đây là lối làm việc theo thói quen kỷ luật:

Mỗi sáng tôi đều dậy sớm, mở cửa ra ngoài
Trước khi trời rạng, chạy dọc con đường
Mờ sương, mặc bàn chân tìm ra nhịp điệu
Dịu dàng mang bước tôi đi. Nào ai đâu hiểu
Một mình con đường dài, khởi đầu ngày mai

(11)
(Run Before Dawn)

Và đây là niềm cảm hứng, hoặc chống lại cảm hứng:
Tôi bỏ đi một ngày, để mặc người đàn bà
Bị cột vào đường rầy xe lửa.
Nhưng điều gì xảy ra sau đó nữa?

(12)

Vì người đàn bà bị bỏ lại trên đường rày xe lửa, nên bài thơ phải trở lại như một nỗi ám ảnh, và vì thế người đàn bà phải trở đi trở lại trong bài thơ như một hình ảnh. Nếu có một lời khuyên nào của ông mà tôi nhớ nhất, đó là lời khuyên sau đây, và không chỉ trong thơ mà cả trong đời sống và công việc và nghĩa vụ và tình yêu.

Chỉ có thế giới này hướng dẫn tôi.
Thời tiết đẩy xô, hay những lúc
Nó cuốn tôi đi, tôi liền chạy tới
Từ trường chạm vào mình khi tôi đang bước
Thong thả trong rừng chẳng chút nghĩ suy

(13)

Càng về sau nhà thơ càng có khuynh hướng đi tìm những mối liên hệ nhân quả, hay sự liên kết lạ lùng giữa các sự vật, không phải chỉ vì để giải thích mà còn xuất phát từ một ấn tượng mơ hồ về tính toàn vẹn và tổng thể của tồn tại.

Ở xứ sở kia, một giọt mưa tình cờ
Làm vỡ một cái đập to
(14)

Mổi tiếng với thói quen dậy sớm, làm thơ đều đặn, giờ sớm tinh sương là phút sáng tạo, ông đi tìm sự cô đơn như một người bạn, săn đuổi chúng hệt như tìm kiếm một tấm gương, như một người nhìn vào gương để soi sáng sự trung thực của mình.

Mặc dù từ ngữ trong thơ là những chữ giản dị, cấu trúc văn phạm của chúng thì không. Stafford thường viết những câu thơ, dựng nên những hình ảnh đứt quãng, gãy đổ lác đác.

Some time when the river is ice ask me

Khi sự liên kết giữa các chữ không tuân theo các nguyên tắc về ngữ pháp, trật tự của chúng, trước sau, gần nhau hay xa nhau có những ý nghĩa khiêu gợi, mở ra, thay đổi cách nhìn đối với hiện thực, làm tính chất phân vân lưỡng cực thêm chập chùng. Trong một chừng mực nào đó Stafford là một nhà thơ thể nghiệm. Những bài thơ hay bao giờ cũng bao gồm một thứ ngôn ngữ có liên hệ mật thiết đến hiện thực và thể nghiệm, tức là sự tỉnh thức.

Giờ đây trên tay tôi chiếc xẻng còn rung cảm giác
Dội từ đất, đá, sỏi, cát

(15)

Mỗi ngày ông đều dậy sớm, viết một bài thơ trước lúc rạng đông, kể từ lúc thanh niên cho đến cuối đời, đều đặn. Thật là một tấm gương cần mẫn. Có nhà báo thắc mắc hỏi ông làm cách nào mà ông làm được thơ mỗi ngày, và nếu gặp những ngày không có cảm hứng, chỉ làm ra toàn những bài thơ dở thì sao? Stafford trả lời: “lúc đó tôi liền hạ tiêu chuẩn của tôi xuống”. Tôi hình dung khi nói thế, ông đang tủm tỉm cười. Nhưng thật ra những tiêu chuẩn đã hạ xuống ấy vẫn còn quá cao so với nhiều người khác.

Mặc dù là một người làm việc chuyên cần, Stafford không phải là một người khuyến khích sự làm việc căng thẳng, sự cố gắng tận thiện tận mỹ, trái lại lối sống và cách viết của ông phảng phất đạo lý phương đông, dìu dặt, thư thả, không tìm kiếm một điều gì như sự thành công, tiền bạc, danh vọng, sự công nhận của dư luận, mà chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu nội tại. Có lẽ vì vậy mà thơ ông đầy riêng tư, tính ngẫm nghĩ, lối tư lự, như con đường mòn đi qua cỏ dại, bào nhẵn bởi bước chân của một người bộ hành. Trước khi mất vào ngày 28 tháng 8 năm 1993, Stafford viết bài thơ cuối cùng của đời mình. Một ngày trước đó, một nhân viên hãng bảo hiểm gọi điện thoại cho nhà thơ, tìm một người tên là William Stafford, sau đó mới nhận ra rằng chỉ là sự trùng tên tình cờ. Bài thơ cuối cùng ấy mở đầu như sau:

“Có phải William Stafford là ông?”
“Thưa đúng, ồ nhưng không”

(16)

Ai đã gọi nhà thơ? Thần chết chăng. Hay một thiên thần, hay một sức mạnh? Bài thơ của Stafford muốn nói điều gì, hay chẳng nói điều gì cả.

Sống một cuộc đời lặng lẽ nhưng vui tươi giữa bạn bè, vợ con thương mến, thơ ông ám ảnh bởi sự cô độc, nhưng đó là sự cô độc chọn lựa, không dễ dàng.

Bạn không một mình đâu nếu bạn lắng nghe sâu
Tiếng động mùa thu im lặng bước ban đầu

(17)

Có một sự liên kết mãnh liệt giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và thiên nhiên, giữa hạnh phúc cá thể và vô thức cộng đồng, tóm lại một thứ tình thương yêu rộng lớn, gần như vị tha, một sự khiêm tốn lãng mạn, sự lãng mạn ấy không thể có trong một xã hội độc tài tan rã, mỗi khi tôi nghĩ về ông như người dẫn đường, hay hơn thế nữa, người bạn đường. William Stafford thức dậy sớm, trời mờ sương, pha cà phê, nhìn qua cửa sổ, khiêm tốn, riêng tư, nhưng như một thí dụ, như một gợi ý, như một tín hiệu. Có lúc dừng lại, chậm lại, phân vân, ngẫm nghĩ, chờ đợi một giải thích, một nhấn mạnh, một khúc quanh, hay sự chấm hết giản dị.

Khi tôi chết, lòng tôi muốn ra đi
Trong chiều xuống

(18)

Thơ Stafford không làm người đọc ngạc nhiên hay sợ hãi, trái lại chúng kéo dài, triển hạn đời sống của chúng ta, như phong tục kỵ giỗ của người Việt Nam làm nối dài những số phận cá nhân trong tấm lưới cộng đồng của gia tộc và làng xóm. Có lẽ vì thế mà ông cho tôi cảm giác về một người thân gia đình. Tôi tưởng tượng ông vừa viết xong những câu thơ trên đây bên cửa sổ căn nhà thôn quê yên tĩnh, lắng nghe ngoài sân vẳng lại tiếng cười đùa trẻ con trong buổi chiều ấm áp, khói lam lên, rồi sắp xếp lại giấy tờ trên bàn, chuẩn bị bước ra đường.

Nguyễn Đức Tùng

(1)
Traveling Through The Dark
Traveling through the dark I found a deer
dead on the edge of the Wilson River road.
It is usually best to roll them into the canyon:
that road is narrow; to swerve might make more dead.
By glow of the tail-light I stumbled black of the car
and stood by the heap, a doe, a recent killing;
she had stiffened already, almost cold.
I dragged her off; she was large in the belly.
My fingers touching her side brought me the reason -
her side was warm; her fawn lay there waiting,
alive, still, never to be born.
Beside that mountain road I hesitated.
The car aimed ahead its lowered parking lights;
under the hood purred the steady engine.
I stood in the glare of the warm exhausted turning red;
around our group I could hear the wilderness listen.
I thought hard for us all - my only swerving -,
then pushed her over the edge into the river.
(2)
Ask Me
Some time when the river is ice ask me
Mistakes I have made. Ask me whether
What I have done is my life. Others
Have come in their slow way into
My thought, and some have tried to help
Or to hurt: ask me what difference
Their strongest love or hate has made.
I will listen to what you say
You and I can turn and look
At the silent river and wait. We know
The current is there, hidden; and there
Are comings and goings from miles away
That hold the stillness exactly before us
What the river says, that is what I say.
(3)
Ants, when they meet each other,
Usually pass on the right
(4)
Traveling through the dark I found a deer
dead (on the edge…)
(5)
Freedom is not following a river
Freedom is following a river
(6)
Though, if you want to.
(7)
So, the world happens twice
Once what we see it as;
Second it legends itself
Deep, the way it is.
(8)
It is too late now for earlier ways
Now there are only some other ways
And only one way to find them – fail
(9)
Look: No one ever promised for sure
That we would sing. We have decided
To moan.
(10)
Halfway to here, my father died.
He looked at me. He closed his eyes.
The world stayed still. Today, I hold in mind
The things he said, my children’s lives –
Any light. Oh, any light.
(11)
Most mornings I get away, slip out
The door before light, set forth on the dim, gray
Road, letting my feet find a cadence
That softly carries me on. Nobody
Is up – all alone my journey begins.
(12)
I gave out one day and left a woman
Tied to a railroad track.
And what happened next?
(13)
Only the world guides me
Weather pushes, or when it entices
I follow. Some kind of magnetism
Turns me when I am walking
In the woods with no intentions.
(14)
In the backcountry a random raindrop
Has broken a dam
(15)
Even now in my hands the feel of the shovel comes back,
The shock of the gravel or sand.
(16)
“Are you Mr. William Stafford?”
“Yes, but…”
(17)
You will never be alone, you hear so deep
A sound when autumn comes.
(18)
If I ever die, I’d like it to be
In the evening


READ MORE - WILLIAM STAFFORD: ĐI QUA BÓNG TỐI- Nguyễn Đức Tùng

EM CHỈ CẦN - thơ Thủy Đièn

Ảnh tác giả


Em Chỉ Cần
Em đâu cần ai biếu vàng, tặng ngọc
Hoặc giàu sang hay lầu đài nhung lụa
Em đâu mong ai gọi mình công chúa
Giữa muôn người để mặt được dênh dang
Mà chỉ cần vào những lúc trường tan
Có ai đó đứng chờ và đưa đón
Em chỉ trông đêm về bên nến ngọn
Ngồi bên nhau ta cạn chén trà tình
Và nhìn trăng đang óng ả lung linh
Rồi ví dụ: Em Hằng anh chú Cuội
Choàng tay ngang thả hồn trong đắm đúi
Dưới trăng thề đầm thắm một nụ hôn
Em chỉ cần lời nói dịu - ngọt ngon
Lòng chân thật người mình từng mơ mộng
Em chỉ cần ai trao làn hơi ấm
Giữa đêm buồn giá lạnh chốn phòng không. 
Thủy Điền
17-01-2017 Điền
READ MORE - EM CHỈ CẦN - thơ Thủy Đièn

ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT THÁI QUỐC MƯU - Bình thơ của Châu Thạch


   
           Nhà bình thơ Châu Thạch



           ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT THÁI QUỐC MƯU
                                                                 Châu Thạch

Thơ Tứ Tuyệt đã có trước cả thơ Đường Luật. Đầu tiên tứ tuyệt được giải nghĩa “tứ” là bốn, “tuyệt” là tuyệt diệu. Đến thời thơ Đường Luật phát triển thì chữ Tuyệt được hiểu là ngắn hay chấm dứt nên thơ Tứ Tuyệt từ đó có nghĩa là thơ làm chỉ có bốn câu thôi.

Dầu hiểu thế nào thì thơ Tứ Tuyệt cũng dễ làm mà khó hay. Dễ làm vì chỉ có bốn câu. Khó hay vì chỉ có bốn câu mà phải tóm tắt được nội dung và đầy đủ tính chất của một bài thơ. Do vậy, người làm thơ tứ tuyệt mà để lại cho đời nhớ thường là những thi sĩ trí thức, có kiến thức sâu rộng và có khả năng cô đọng suy tư của mình hay, gọn trong kết cấu bài thơ ngắn.

                    
                      Nhà thơ Thái Quốc Mưu

Trong những người làm thơ Tứ Tuyệt ngày nay, tôi có vinh dự được đọc thơ của Thái Quốc Mưu, một huynh trưởng trên các diễn đàn thơ văn. Những bài thơ gọn nhẹ của ông đem đến cho tôi nhiều bất ngờ khi thưởng thức và lý thú với những sự đột phá của ý, tứ và nghệ thuật diễn đạt.

Thường nhà thơ Thái Quốc Mưu ít làm thơ tình nam nữ. Thơ tình của ông là thứ tình cao rộng với tha nhân, với quê hương, với những thăng trầm của cuộc đời nhiều hơn là thứ tình nam nữ. Dò trong tập thơ tứ tuyệt của ông, tôi chỉ tìm ra hai bài thơ, một nói về “Đàn Bà” và một nói về “Mái Tóc Phụ Nữ” mà tôi tạm gán ghép là thơ tình nam nữ, chỉ vì nó có hình ảnh người nữ trong thơ:

Đàn bà
Rực rỡ xinh hơn vạn cánh hồng
Đã từng làm lệch núi nghiêng sông
Nụ cười phượng vĩ bừng sương sớm
Dưới nét kiêu sa cuộn sóng thần
Atlanta, Aug. 30, 2008

Mai tóc phụ nữ
Khi làn sóng lượn lúc mây bay
Như suối thong dong chảy miệt mài
Gặp cơn gió giật liền bung rối
Tóc chẳng khác chi với cuộc đời
Atlanta, Jan. 9, 2009
Thái Quốc Mưu

Trong bài thơ “Đàn Bà”, Thái Quốc Mưu ca tụng quyền lực của người phu nữ. Ông đem cái uy vũ của sắc đẹp được ca tụng ngàn xưa lồng trong cái cốt cách của người đẹp ngày nay. Người đẹp xưa thì “lệch núi nghiêng sông”, người đẹp nay thì “phương vĩ bừng sương sớm”, và cả hai sắc đẹp đó thì “kiêu sa cuộn sóng thần”. Bốn câu thơ của ông đánh giá, bao trùm hình tượng sắc đẹp của người đàn bà xưa và nay. Cuối cùng tác giả dựng hình tượng “cuộn sóng thần” như lọn tóc để tôn vinh sức mạnh vô biên trong sắc đẹp thanh nhã của người phụ nữ. Qua bài thơ “Mái Tóc Phụ Nữ” tác giả lại nhấn mạnh ở câu kết một quan niệm đột phá về mái tóc phụ nữ: “Tóc chẳng khác chi với cuộc đời”. Quan niệm nầy có được đồng ý, hay không đồng ý là tùy mỗi người, nhưng phải nói rằng nó rất sống động, diễn tả trọn vẹn thăng trầm của đời lên trên mái tóc bung rối của người đàn bà trong bão táp.

Tình yêu tha nhân trong thơ tứ tuyệt Thái Quốc Mưu có nhiều. Nhà thơ thường bày tỏ lòng mình qua những hình ảnh sự hay vật trong đời. Để tỏ rõ cái ước vọng giúp đời bằng nghĩa cử thanh cao của mình ông đã gởi tiếng lòng mình vào bài thơ cây cầu:

Cây cầu 2
Vươn mình qua đến bến kia sông
Nối vạn vòng tay, vạn tấm lòng.
Nối vạn nẻo đường trong bốn hướng,
Cả đời chân rửa giữa dòng trong!
Atlanta Aug. 3, 2008

“Cả đời chân rửa giữa dòng trong”: Một câu kết tuyệt hay đã nâng cao giá trị cây cầu, biến cây cầu có một nhân cách. Đọc bài thơ ta thấy được tất cả sự cao trọng của một tâm hồn, sự vĩ đại của  những việc làm vị tha nhân, sự chân thành của một tấm lòng mở rộng vòng tay giúp đời. Đọc bài thơ không ai trong ta không hình dung được sự nhộn nhịp trên cây cầu, và không ai không biết cây cầu ấy đại diện cho mẫu người đáng kính, đem hạnh phúc cho tha nhân bằng tấm lòng thiện nguyện của mình.

Tình yêu quê hương thì ai mà không có. Nhà thơ Thái Quốc Mưu có những bài thơ Thất Ngôn Bát Cú tuyệt vời bày tỏ tấm lòng ông đối với quê hương. Riêng thể thơ Tứ Tuyệt, trong những câu thơ ngắn, ông thường rất linh hoạt, dùng sự so sánh ta và người để thổ lộ hết cái tình cảm sâu thẳm chất chứa trong lòng:

Quê người, quê ta.
Họ bảo quê người quá đẹp xinh
Quê ta chỉ có chút chân tình
Nét đẹp xứ người, vui ánh mắt
Quê mình, nhân nghĩa kín tâm linh.
Atlanta Aug. 24, 2008

“Chút chân tình” của quê ta là gì? Là “nhân nghĩa kín tâm linh”. Bài thơ cho biết cái đẹp của xứ người là đẹp vật chất mà cái đẹp của quê ta là đẹp ở tinh thần. Một chút mà ta hơn người đó, không ở trong tâm hồn mà nó là “tâm linh”, nghĩa là trong phong tục, tập quán, luân lý và tôn giáo. Quê người, quê ta có thể so sánh vài trang giấy chưa hết. Qua thơ tứ tuyệt, Thái quốc Mưu đề cập đến cốt lõi của sự khác biệt. Từ đó người đọc tự suy diễn, thấy được thứ hạnh phúc khác nhau giữa hai chân trời cũng như biết đâu là chân hạnh phúc. .

Nỗi nhớ quê hương canh cánh bên lòng nhà thơ Thái Quốc Mưu. Ông chỉ dùng cái bông tuyết thôi, nhưng gởi được linh hồn của nỗi nhớ trong ông vào trong bao la của vũ trụ, tạo được một bức tranh nên thơ cho nỗi nhớ của mình:

Tuyết
Bông tuyết bay bay vẻ thướt tha
Cho trời thêm sắc, đất thêm hoa
Đâu ngờ trong nét kiêu sa ấy
Khơi gợi trong ta nhớ nước nhà!
Atlanta, Aug. 26, 2008

Thơ Thái Quốc Mưu thường thuộc loại “văn dĩ tải đạo”. Ông hay nhắc nhở đến cái đạo lý sống ở đời. Ông quan niệm sống phải ra Người (viết hoa), nghĩa là phải sống đầy nhân cách:

Cây thông
Ta đứng thẳng lên giữa đất trời
Bốn mùa, mưa, nắng mãi xanh tươi
Mặc cho sấm sét gào giông tố
Vẫn lớn cao lên giữa giống người
Atlanta, Aug. 17, 2008

Bức tranh
Không là sông núi chẳng là mây
Bốn biển thu gom ở chốn nầy
Đền, miếu, cung đình, thôn xóm nhỏ
Sang hèn, vinh nhục ở trong tay.
Atlanta, July  30, 2008

Bài thơ “Cây Thông” khẳn định phẩm giá của mình. Bài thơ cho ta nhớ đến hai Câu thơ bi quan của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nhà thơ xưa chán làm người nên muốn làm thông cho thanh thản. Nhà thơ nay không chán làm người, muốn làm người như thông để đấu tranh với nghịch cảnh, cao lên vòi vọi giữa cuộc đời.

Qua bài thơ “Bức Tranh” nhà thơ Thái Quốc Mưu không những quy hết vũ trụ mà còn quy hết vận mệnh trong bàn tay của mình. Tác giả đưa ra một triết lý sống tích cực và một suy nghiệm siêu việt về sự biến hóa trời đất trong ảnh hưởng của lòng bàn tay mình. Tất nhiên đây không phải là toán số. Đây là một triết lý nhân sinh khẳng định ý chí của con người hòa nhập vào cõi vô vi mà thành quả hay không do bàn tay con người quyết định.

Nhà thơ Thái Quốc Mưu rất ghét cái xấu, nhất là cái xấu của quan quyền. Ở những thể thơ khác ông dùng lời cay nghiệt đã phá thói hư tật xấu của bọn người mà ông cho là “ngợm người” hay “người ngợm”. Trong thơ tứ tuyệt, nhà thơ ôn hòa hơn. Ông phủ dụ bằng lời khuyên nhẹ nhàng mà chí lý.

Hát tuồng. Bài 2:
Cũng là áo, mão, cũng râu ria
Quan chức - Thầy tuồng chọn cắt, chia (*)
Hò hét, oai phong… trông lẫm liệt
Đến khi hát vãn cũng ra rìa.
Atlanta, Aug. 19, 2008
* Thầy tuồng (Đạo diễn): Người toàn quyền cắt vai, chia vai cho diễn viên.

Thái Quốc Mưu cũng bi quan trước sự ngắn ngủi của đời người, nhưng ông có một phong cách sống Lão giáo, hòa nhập cùng vô vi đất trời để sự tự nhiên đem đến bình an cho sự sống:

Đường sinh, tử.
Sinh, tử rõ như bóng với hình
Đời người bệnh lão hãi hùng kinh
Soi gương mái tóc màu sương tuyết
Nhớ chuyện sinh ly bỗng giật mình!
Atlanta, Aug. 20, 2008


Cầu bình an.
Hôm nay chợt nhớ hôm qua
Trăng trên đỉnh núi vụt sa giữa dòng
Mặc đời gạn đục, khơi trong
Từ tâm, tĩnh mặc cho lòng thảnh thơi
Atlanta, Aug. 20, 2008

 “Đường sinh, tử” rất rõ nhưng không bao giờ không đem đến sợ hãi. Muốn tránh sợ hãi phải “Cầu bình an”. Muốn cầu được bình an thì ta phải quán thấy sự an nhiên của trời đất như vầng trăng vụt sa giữa dòng sông nhẹ nhàng không một âm thanh, không một tiếng động. Suy nghiệm đó không phải dễ có, nhưng có thì chứng được, định được “Từ tâm, tỉnh lặng cho lòng thảnh thơi”. Cách cầu bình an của thái Quốc Mưu vượt qua tâm linh do tôn giáo  dẫn dắt, vượt qua suy tư về luân hồi hay quyền năng tối thượng, bày con người tan vào cõi siêu nhiên như bóng trăng, như dòng nước trong veo thì đạt được chân lý.

Tứ tuyệt của Thái Quốc Mưu còn nhiều bài thơ hay đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống. Đọc thơ ông ta tìm thấy ở đó một triết lý sống cao đẹp, một phong cách sống an nhiên, một sự đối nhân đầy yêu thương và một tâm hồn lãng mạn thanh cao.

Thơ tứ tuyệt của Thái Quốc Mưu có ngôn từ phóng khoáng, sáng tạo được những tứ thơ hay để lột tả hình ảnh, khai thác chi tiết, so sánh, liên tưởng phong phú và cô đọng trong bốn câu trọn ven ý thơ mà tác giả muốn nói.

Ước mong rằng thơ ông được đi vào lòng xã hội, vì nó có tính thiện, hướng dẫn được tình cảm con người nghĩ đến cái tốt, đem đến sự thư thái cho tâm hồn người đọc bởi những vần thơ thâm thúy, lắng đọng, nhiều khi rất dí dỏm ./.                             

                                                                         Châu Thạch
                                                               (Đà Nẵng, Việt Nam)

READ MORE - ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT THÁI QUỐC MƯU - Bình thơ của Châu Thạch