Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 23, 2017

BÔNG BUP CANADA - Chu Vương Miện






 



 



 


READ MORE - BÔNG BUP CANADA - Chu Vương Miện

BÁCH KẾ, LỤC BÁT CVM - Thơ Chu Vương Miện



   Nhà thơ Chu Vương Miện



BÁCH KẾ

Trầm tư bách kế
bất như nhàn
Khổng Phu Tử một đời ngược xuôi vất vả
Nhưng chưa bao giờ thốt lời than
Danh vọng trần gian 
giống lũ chuồn chuồn
lúc bay đậu
đến rồi đi 

thấy Trang Tử 
lúc nghĩ mình là Trang Sinh
lúc lại nghĩ mình là Hồ Điệp
không biết đâu mà lường

thấy Lão Tử
ngồi trên bồ đoàn
nhìn bốn hướng
toàn là vô vi
rồi không nhìn lại
cưỡi trâu mà đi ?
không rõ là đi đâu ?

Đức Phật phương Tây
Thì quay đầu về
hiền triết phương Đông thì ra đi 
ôi chân lý hai nẻo
đi và về ?

Chu Vương Miện


LỤC BÁT CVM

Hoá ra chớp bể mưa nguồn
Người xưa để lại nỗi buồn cho nay
Gió Lào tiếp gió heo may
Sa cơ sao cứ chốn này mà than ?
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Vàng tan ra nước, đá còn trơ trơ

Sông buồn người có vui đâu ?
Mà đây là khúc giang đầu nước trôi
thuyền xuôi thì đã xuôi rồi ?
ngó theo thì cũng ngậm ngùi đời nhau
vừa rồi tháng bảy mưa ngâu
xưa sau vẫn chỉ qua cầu gió bay ?
hôm xưa rồi lại hôm rày 
người xưa bến cũ nơi này còn ai ?

                    Chu Vương Miện


READ MORE - BÁCH KẾ, LỤC BÁT CVM - Thơ Chu Vương Miện

LÊ MAI CẢM THƠ NGÔ MINH BẰNG …THƠ - Nguyễn Ngọc Kiên


            

            LÊ MAI CẢM  THƠ NGÔ MINH BẰNG…THƠ

Nhà thơ Lê Mai viết cảm nhận thơ Ngô Minh bằng… thơ.
Đó là cách làm hết sức độc đáo!
Có thể coi đây là “lí lịch trích ngang” của nhà thơ Ngô Minh!
Nhà thơ Lê Mai dường như rất hiểu Ngô Minh và cả thời đại của ông. Vì vậy, cái đầu đề của bài thơ là “Nương  theo nước mắt mà đi” cũng rất gợi.
Thật vậy, Ngô Minh sinh ra từ nước mắt, lớn lên cùng nước mắt. Khổ thơ thứ nhất nói về bi kịch cuộc đời Ngô Minh.
Mẹ con anh là cát giữa mắt ĐƯỜI…
Sao lại là “giữa mắt ĐƯỜI”? Thôi thì ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Ngô Minh phải trải qua những bi kịch - bi kịch của cuộc đời ông, bi kịch của thời đại ông. Thơ của ông có những câu xúc động lòng người. Chẳng hạn:
Ba ra đi một sáng hãi hùng
Máu quằn quại máu ròng cọc xử bắn
                               (Cát vọng)
Hay trong bài “Khuya bên mộ Ba”:
Biển lập lòe nhang sám hối
Con về tay trắng tay
Thơ làm sao cứu rỗi
Hoặc trong bài “Thơ khác trên bia mộ Mạ”:
Con xin dựng tim con làm bia mộ
Tạc câu thơ đời mạ đau buồn
Trái tim nhỏ ước là quả chín
Trên cát nhèo trắng xóa thời gian
Thời đại của ông, với gia cảnh của ông sống được cũng là một kì tích. Có nhiều cái biết đấy mà không dám nói ra. Muốn sống được, muốn tồn tại được đã khó, đằng này ông lại phấn đấu học tập để trở thành nhà thơ danh tiếng trong cả  nước; vậy nên đành phải:
Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.
Ông chịu ơn nước mắt:
Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Nước mắt trong văn vắt tình người.
Cho anh những câu thơ vùi sâu trong cát đỏ
Tím lịm lòng người, hoảng loạn những giấc mơ…
Và đây nữa, ông đã phải tự vươn lên. Cũng may mà một lũ người ngu dốt khi không chia những quyển sách của cha ông làm “quả thực” và ông còn được thừa hưởng:
Làm sống những câu thơ mà gượng dậy
Nương theo nước mắt mà trôi
Cho con chữ rạo rực sinh sôi trong cát nín
Gia sản cha dành chỉ còn có thế thôi
 (Lê Mai - Nương theo nước mắt mà đi)
Cuộc đời ông rất nhiều tâm trạng. Nó giống như người có cái dằm lớn ở đầu ngón tay. Nhổ ra thì không được mà để thì nhức nhối khó chịu. Chính điều này đã chi phối toàn bộ sáng tác của Ngô Minh mà chúng tôi sẽ nói dưới đây.
Ở khổ thứ hai, Lê Mai viết:
“Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Nước mắt trong văn vắt tình người.”
Nói đến sáng tác của  Ngô Minh, chúng tôi đặc biệt chú ý đến thể loại lục bát của ông. Thơ ông có mấy đặc điểm nổi bật sau: 
1) tôn vinh nước mắt, 
2) chịu ơn nước mắt, 
3) nương theo nước mắt mà đi, 
4) thơ ông không có âm hưởng rộn rã reo vui.
Như trên đã nói, do hoàn cảnh, ông không dám đi đến tận cùng. Thơ của Ngô Minh hầu như bài nào cũng có câu hay, tứ thơ đẹp, lấp lánh. Ta dễ dàng nhặt ra những câu hay, dễ đi vào lòng người. Chẳng hạn, bài thơ viết tặng vợ:
Nhâm Thìn giờ giáp niên tròn
Bi bô cháu, rộn ràng con ấm lòng 
Bao năm mặn ngọt vợ chồng
Xuân này anh níu đuôi rồng lại bay
                       (Nhâm Thìn em)
Trong bài “Tường ơi…” tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường có những câu thật  thông minh, thật trí tuệ:
Tường nằm điện thoại và nghe
Tiếng cười xa ngái sơn khê mây mù
Rồi khóc cười đẫm câu thơ
Rượu không còn uống vẫn thừa men say.
…..
Tường ơi
Không đứng thì nằm
Nghê nga cùng lũ dế buồn gáy mưa
Trong bài “Lục bát mùa đông” có những câu thật lấp lánh: 
Mùa đông lục bát cơ hàn
Từng cơn gió lạnh thổi tràn tâm tư
Đặc biệt, có những chi tiết rất bình thường cũng đi thẳng và thơ Ngô Minh và có thể gây ấn tượng mạnh:
May mà mình có Miền Đông
Tuổi hai mươi ấy thật không dễ tìm
Chiều  ra quán xép không tên
Tiết canh lòng lợn…
                      nhớ quên chuyện buồn. 
                         (Gặp lại miền Đông)
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Duy Khoát nói với chúng tôi rằng: “Cứ ở đâu có thơ Ngô Minh là ông tìm đọc cho bằng được”. Đó chẳng phải là hạnh phúc của người sáng tác hay sao?
Thơ ông đầy ắp tình bè bạn. Ông ca ngợi những bậc tiền bối như các bài “Lạy cụ Nguyễn Du”, “Nhớ ông Nguyễn Tuân”, “Điềm Phùng Thị”, “Cõi lặng Trần Dần”…., ông viết về những người đương thời “Tiễn NGuyễn Khắc Thạch lên tàu đi học trường viết văn Nguyễn Du”, “Khuya uống với bạn thơ Cà Mau”, ở đâu cũng có thơ tặng bạn bè: “Dưới đỉnh Mu Rùa tặng nhà thơ Hà Nhật”, “Chiều cùng nhà thơ Hải Kì qua đèo Hải Vân”, “Thơ đề tranh Trương Bé”…v.v…Rồi ông làm thơ tặng “thành phố người mới đến”, làm “thơ tặng người bán mặt nạ”. Nhiều lắm, không thể kể hết ra đây. Bài nào của ông cũng thấm đẫm tình người, ấm áp tình quê!
Nhưng phải nói thật là chưa có bài nào đạt đỉnh cao tầm cỡ như “Tây tiến” của Quang Dũng. Mặc dù chúng tôi đánh giá không thấp về trình độ của Ngô Minh.
Ngô Minh làm thơ với thái độ hết sức nghiêm cẩn. Nhưng nếu chỉ nói về cái tài tình khi Ngô Minh dùng từ, hay ngắt câu, bẻ chữ như các nhà phê bình vẫn làm thì mới nói chung chung chứ chưa nói được đặc trưng của thơ Ngô Minh. Thơ ông định nói một cái gì đấy mà không dám. Vậy nên thơ ông nhất là lục bát, nói mà như không nói, không nói mà như nói. Nó mang màu sắc : sắc sắc không không của Đạo Phật, nhiều khi như vô vi của Đạo Lão. Chẳng hạn:
một đời có có không không
đều về với cỏ phiêu  bồng người ơi
nằm nghe lục bát gọi đôi
một anh
             một bóng
                            một người
                                               một không
                                    (Lục bát gọi đôi)
Thực vậy, người đọc không khỏi đặt dấu hỏi khi ông viết: “con đi tìm giặc cho đến ngày bạc tóc.” 
Thơ Ngô Minh không chỉ là tiếng nói nội tâm, khi ông dành cho bạn bè, quê hương và những người xung quanh. Ông còn dành một mảng lớn để Thưa Cha, Thưa Mẹ, Thưa Em. Đọc đến đây bất giác tôi nhớ đến bài “Dặn con” của thi sĩ Lục Du đời Tống:
  Vốn biết thác rồi mọi việc qua, 
            Chín châu chưa hợp xót lòng ta. 
            Bao giờ bắc chiếm Trung Nguyên được, 
            Ngày giỗ đừng quên cáo lão gia.
                         ( Lục Du - Mai Lăng dịch)
……………………….
Như đã nói, Lê Mai rất hiểu Ngô Minh, hiểu cả thời đại của ông và đã viết Nương theo nước mắt mà đi. Không hiểu Lê Mai có trải qua  hoàn cảnh tương tự như Ngô Minh hay không hoặc chí ít ông từng trải qua thời kì Cải cách ruộng đất  “long trời lở đất”, cái thời kì tàn khốc nhất trong lịch sử của dân tộc!
                                                                         Nguyễn Ngọc Kiên

  
            Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)



NƯƠNG THEO NƯỚC MẮT MÀ ĐI
(Đôi điều cảm nghĩ về thơ Ngô Minh)

Làng Thượng Luật của anh toàn cát
Mẹ con anh là cát giữa mắt ĐƯỜI…
Sống sao đây khi đã mất tính người?
Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.
Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Nước mắt trong văn vắt tình người.
Cho anh những câu thơ vùi sâu trong cát đỏ
Tím lịm lòng người, hoảng loạn những giấc mơ…
Làm sống những câu thơ mà gượng dậy
Nương theo nước mắt mà trôi
Cho con chữ rạo rực sinh sôi trong cát nín
Gia sản cha dành chỉ còn có thế thôi
Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.
Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Những câu  thơ bay ra từ cát trắng
Lấp lánh tình đời, nồng ấm tình quê
Cứ nương nước mắt mà đi…
Cát vọng!
                              Lê Mai

READ MORE - LÊ MAI CẢM THƠ NGÔ MINH BẰNG …THƠ - Nguyễn Ngọc Kiên

LỠ HẸN MÙA XUÂN - Thơ Trần Vũ Minh


              Tác giả Trần Vũ Minh




LỠ HẸN MÙA XUÂN
(Cho những người xa quê)


Đi trong mưa phùn một mùa xuân muộn
Gío sớm mai se, biết lỡ ngày về
Chân líu ríu, bên đường cỏ mượt
Có ngọn cỏ nào từ hạt giống đất quê?


Em thút thít - Khói nhà ai nồng ấm
Chẳng có em - xuân vơi chút nồng nàn
Mùa xuân gọi, em không về được
Nhớ em gió buồn nên gió tha phương


Đi chợ hoa, em mua hoa xứ lạ
Ngậm ngùi thương đồng cỏ quê nhà
Dẫu thị thành hương thơm không vướng vất
Buồn chi em, hoa vẫn cứ là hoa!


Vẫn cứ nở khi xuân về trong giá rét
Vẫn cứ duyên như một nét môi cười
Xa đồng nội, hoa vẫn làm xuân đẹp
Có em, xuân thành phố thêm tươi.


                              Trần Vũ Minh

READ MORE - LỠ HẸN MÙA XUÂN - Thơ Trần Vũ Minh

"MƯỜI NĂM" TIẾNG LÒNG CỦA NHÃ MY - Lê Ngọc Trác

    
                     Lê Ngọc Trác & Nhã My


          "MƯỜI NĂM" TIẾNG LÒNG CỦA NHÃ MY
                                                                   Lê Ngọc Trác  

     Lâm Ngọc Sương sinh ra và lớn lên ở xứ dừa Bến Tre, từng theo học bậc trung học ở Kiến Hòa, đại học ở Cần Thơ và Sài Gòn. Ngay từ những ngày còn theo học bậc Trung học, với lòng say mê văn chương, Lâm Ngọc Sương đã từng tập tành sáng tác thơ, văn. Đến khi lên học Đại học, may mắn gặp được Nhà văn Viên Linh và các cây bút tên tuổi tận tình khuyến khích, Lâm Ngọc Sương đã có những tác phẩm được đăng trên tạp chí Khởi Hành, Tư Tưởng, Thời Tập…và một số báo và tạp chí văn học ở miền Nam. Nhưng, sau này, vì hoàn cảnh phải bôn ba mưu sinh ở xứ người, mộng ước theo nghiệp văn chương của cô nữ sinh ngày nào đành phải tạm gác lại. Mãi đến năm 2014, Lâm Ngọc Sương mới trình làng thi phẩm "Khơi xa" được NXB Văn học xuất bản, với bút danh Nhã My. 
      Ngay sau khi xuất bản, "Khơi xa" của Nhã My đã được Kha Tiệm Ly, Nguyễn Khôi - hai nhà thơ ở hai đầu đất nước giới thiệu đến người yêu thơ. Ở hải ngoại, được nhà thơ Du Tử Lê viết bài nhận định. Các nhà thơ : Du Tử Lê, Kha Tiệm Ly, Nguyễn Khôi… đều dành những tình cảm tốt đẹp cho "Khơi xa".
Thơ Nhã My không mới, không tân kỳ, bay bổng. Nhã My sáng tác thơ bằng cảm xúc chân thật, thấm đẫm tình cảm. Có ai lại đi "cân đong đo đếm" những câu thơ được viết từ trái tim?! Đọc thơ Nhã My người đọc bắt gặp tâm sự của những người sống xa quê hương với nỗi buồn vọng về miền cố thổ :

"Em lạc mấy mùa trăng cố xứ?
Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa
Nhớ thương một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa trĩu lòng.
Trời viễn xứ buồn trông quê cũ
Để nỗi buồn ủ rũ chiều mưa
Đâu rồi một tiếng gà trưa
Gáy bên hàng dậu lưa thưa bồi hồi.
Em ngày cũ xa xôi cách trở
Đường tương lai vạn thuở lao đao
Chuyện tình một giấc chiêm bao
Dung nhan đã héo nhạt màu áo phai?
Trăng đã úa bên trời quan ngoại
Mây giăng đầy mấy ải non cao
Bước chân ghềnh đá chênh chao
Khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương..."

Người yêu thơ dễ dàng đồng cảm với tâm sự của Nhã My "khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương". Đây là bài thơ được Nhã My chọn làm tựa đề chung cho tập thơ "Khơi xa", "Tâm cảm" và "Mười năm" (bài 1, bài 2)... là những bài thơ tạo nên diện mạo thơ và tâm hồn thơ của Nhã My:

"Ta về bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao
Về đâu muôn dặm đời hoang hoải
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau.
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau
Mười năm lặng lẽ em giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu.
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu
Bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẻo xa.
….
Người đi hoa bưởi hoa cau rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song.
Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong.
Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau..."

Mười năm là thời gian mang tính ước lệ trong thơ. "Mười năm" của Nhã My gần với tâm sự của T.T.KH trong bài thơ "Hai sắc hoa Ti gôn" và "Bài thơ cuối cùng" trong thế kỷ trước. Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, những người con gái gặp nghịch cảnh tình yêu trong cuộc đời đều thấy mang tâm sự tình buồn, nghe tiếng lòng mình trong "Mười năm" của Nhã My. Phải chăng Nhã My viết cho mình mà cũng viết cho người? Qua thơ, người đọc cảm nhận dường như Nhã My rút ruột mình ra để viết lên tâm sự "Mười năm". Lòng người đọc bỗng chùng xuống:

"Mười năm dâu bể
Mười năm hư không
Mười năm lá rụng
Xa trời mênh mông"

    Khi tạm khép bài viết nhỏ này, chúng tôi chợt nghe rung lên câu thơ của Nhã My:

"Gió lùa trêu khóm lá
Anh nghe hồn đong đưa..."

Và, chúng tôi chợt nghĩ, với vốn sống và những trải nghiệm trong cuộc đời, nếu tiếp tục con đường sáng tạo, Lâm Ngọc Sương - Nhã My sẽ có những tác phẩm thơ ngân rung, vang vọng, vượt xa "Khơi xa".
                                                           Phố biển La Gi, 22/2/2017
                                                                   LÊ NGỌC TRÁC

READ MORE - "MƯỜI NĂM" TIẾNG LÒNG CỦA NHÃ MY - Lê Ngọc Trác

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



   Nhà thơ Chu Vương Miện



BAN ĐÊM

Ban đêm thì trăng sáng
Ban ngày thì mặt trời
hết mọc rồi lại lặn
hết ngày lại tới đêm
hết ngày lại tới tuần
hết tuần lại tới tháng
hết tháng lại tới năm
năm này qua năm khác
trăm năm là một kỷ

con tườu vẫn con tườu
con khỉ vẫn con khỉ
lưu manh vẫn lưu manh
đĩ điếm vẫn điếm đĩ
anh hùng vẫn anh hùng
thổ phỉ vẫn thổ phỉ


SONG THẤT LỤC BÁT

Con chó lớn đớp con chó nhỏ
chuyện củ giềng, bát mẻ lá mơ
ối giời thơ lẫn vào mơ
chưa cũ vừa mới chưa vừa lòng ai 
thơ cụt ngủn lại dài chi lạ
hết bảy câu tám chữ loanh quanh
hết tràng thiên lại tràng hành
lại thơ hài kú để dành đọc chơi 
con chó nhỏ hết đời con chó
kể cũng xong đời lọ mắm tôm
râu dê trộn với râu xồm
tài bàn chắn cạ tổ tôm một lò

                Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN