Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 3, 2022

THIÊN DI – Thơ Trần Mai Ngân





THIÊN DI
 
Sau những bộn bề tất bật ngày
Là tôi cùng bóng mình lặng lẽ
Đêm rất dài âm thầm chia sẻ
Vết lăn trầm đi qua - đi qua…
 
Rồi tôi như cánh chim Di mỏi
Bay đến cuối chân trời xanh ngọc
Ở đó… tôi mơ loài người sẽ học
Lẽ ở đời biết gánh vác cùng nhau…
 
Tôi mơ - ở đó đẹp những sắc màu
Để nhẹ tênh như mây trời lãng đãng…
 
Trần Mai Ngân

READ MORE - THIÊN DI – Thơ Trần Mai Ngân

NGỠ NGÀNG – Thơ Lê Phước Sinh


 
          Nhà thơ Lê Phước Sinh

 
NGỠ NGÀNG 
 
Phố giật mình thức ngủ
Hàng xóm vẫn lơ mơ
Rải rác người đi chợ,
thói quen tự thường giờ...
 
Ngoại Ô ngày xơ xác
Ổ gà ấp ổ voi
Hôm qua mưa nước đọng,
hạt tóe vướng chân người.
 
Chủ Nhật buồn đến nổi
chỉ mở hé cửa nhà
dẫu cái Dịch đã chạy,
 đồng Tiền lại trốn xa...
 
Lê Phước Sinh

READ MORE - NGỠ NGÀNG – Thơ Lê Phước Sinh

ĐỌC “ĐI THEO THỜI GIAN”, THƠ PHAN THẠCH NHÂN - Châu Thạch

 
 
 

ĐI THEO THỜI GIAN  
 
Đêm Nhan Biều
Nằm nghe
Tiếng gà gáy khuya giữa trời đêm lạnh
Tiếng gió vi vu giá rét lạnh trong lòng
Tiếng thạch sùng chắp lưởi giữa buổi tàn đông
Tiếng tơ lòng nơi quê nhà ray rứt phận đời lữ thứ
Chỉ một thoáng qua
Tôi chỉ dừng chân bên dòng đời muôn nẻo
Có chị tôi già
Ngồi nhắc chuyện một thời xa
Ngày tháng phôi pha
Tuổi thơ tôi đâu mất giữa quê nhà
Xa lắm rồi!
Ôi! Một thời giông bão
Trời đang xuân mà một chút tàn đông còn lưu lại
Gặp vội bạn bè
Gặp lại người quen
Mình chẳng nhận ra nhau
Nhưng câu chuyện xưa vẫn chưa quay về hồi kết.
 
Đêm Nhan Biều
Đêm suy tư ngồi lắng nghe mà ngẫm
Năm mươi năm xa quê
Ngồi bên chị tối nay
Khi quay về chân em còn mười ngón
Nhìn hai bàn tay mình, em còn đủ bộ ngón thong dong
Dù bao phen roi đời quất lên phận người chua chát
Nếm đắng nuốt cay xa xót cả nỗi lòng.
 
Đêm Nhan Biều
Tôi đến rồi đi thật vội vã
Một thoáng quê hương bên góc nhỏ cuộc đời
Dấu chân người ra đi
Tìm nơi xa vời vợi
Vuốt mắt nhìn trời xa xót một niềm riêng
Tôi thao thức
Cứ triền miên đêm không ngủ
Cũng muốn ghé thăm ai
Nhừng F0 đang chặn kín cửa nhà
Cửa đóng then cài
Nằm im đêm thị trấn
Buồn tênh.
 
Thôi tạm biệt
Tạm biệt sông quê
Tạm biệt quê nhà để bay về bên phố lớn
Có con đường tha hương gió bụi
Số phận nối dài theo kiếp người vùng vẫy giữa trời Nam
Xin tạm biệt
                      
                                                  Phan Thạch Nhân
 
 
Nhà bình thơ Châu Thạch
 

ĐỌC “ĐI THEO THỜI GIAN” THƠ PHAN THẠCH NHÂN       
                                                        Châu Thạch
 
 Phan Thạch Nhân là nhà thơ trong nhóm thơ Sông Quê, nhóm nầy chỉ có ba người: Phạn Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng và Nguyễn Thị Vĩnh Phước. Họ là người Quảng Trị, đồng môn trường Nguyễn Hoàng, ngôi trường bị tan nát và mất tên sau trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thơ của nhóm nầy thường viết về quê hương yêu dấu và ngôi trường tuổi thơ của họ. Gần đây, ba nhà thơ đã gia nhập thêm vào THI VĂN ĐOÀN GIỚI TUYẾN - QUẢNG TRỊ do nhà thơ Lê Mai Lĩnh chủ trì. 
  
Thi Văn Đoàn Giới Tuyến - Quảng Trị thành lập đầu năm 1960, đa số là học sinh tại trường Nguyễn Hoàng, nhiều người dã thành danh như Phạm Văn Bình,  Lê Mai Lĩnh, Chu Vương Miện, Thạch Nhân… trên văn thi đàn nước Việt. Ngày nay giới tuyến không còn nữa, nhưng nhà thơ Lê Mai Lĩnh muốn dòng văn chương quê hương còn lung linh mãi, nên ông tiếp tục điều hành và mời thêm những cây bút mới cộng tác.
  
Bài thơ “Đi Theo Thời Gian” của nhà thơ Phan Thạch Nhân viết về một đêm quay lại làng Nhan Biều, quê nhà của ông và nơi ông có đầy những kỷ niệm đẹp tuổi thơ. Làng Nhan Biều nằm ở bờ bắc sông Thạch Hản. Đối diện với làng Nhan Biều, phía  bờ nam sông Thạch Hản là Thị Xã Quảng Trị (tỉnh lỵ thời ấy) có cổ thành với 81 ngày đêm chiến trận đã phá nát thị xã nầy thành ra bình địa.
 
Châu Thạch tôi có một bài thơ “Em Nhan Biều” với khổ thơ đầu như sau: “Gió tự Nhan Biều gió thổi qua/ Thơm hương hoa cúc hương hoa cà/ Thuyền ai tách bến ngang sông Thạch/ Áo trắng đi về chung với hoa”.  Thơ viết như thế chắc ai đọc cũng hình dung được làng Nhan Biều rất đẹp. Làng có dải đất phù sa chạy dọc theo bờ bắc sông Thạch Hãn, được trồng toàn rau củ và hoa. Rau củ và hoa thu hoạch được chở qua chợ tỉnh ở bờ nam là thị xã Quảng Trị, tức tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị thời bấy giờ. Sau năm 1975, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị được dời ra thành phố Đồng Hà. Các cô gái bên kia sông thời ấy, đi học mặc áo dài trắng, ngồi chung với hoa lên bến Nhan Biều qua sông Thạch Hãn đến trường Nguyễn Hoàng, Bồ Đề, Phước Môn. Ngày nay cảnh ấy không còn nữa. Bởi thế nhà thơ Phan Thạch Nhân quay về một đêm nằm nghe trong lòng trĩu nặng:
 
Đêm Nhan Biều
Nằm nghe
Tiếng gà gáy khuya giữa trời đêm lạnh
Tiếng gió vi vu giá rét lạnh trong lòng
Tiếng thạch sùng chắt lưỡi giữa buổi tàn đông
Tiếng tơ lòng nơi quê nhà ray rứt phận đời lữ thứ
   
Có lẽ đêm Nhan Biều với “Tiếng gà gáy khuya giữa trời đêm lạnh”“Tiếng gió vi vu giá rét”“Tiếng thạch sùng chắt lưỡi” đã có từ thuở xa xưa, khi nhà thơ còn tuổi thơ ở đó. Đáng ra nhà thơ nằm nghe những tiếng ấy, thấy lòng mình ấm lại bởi kỷ niệm xưa quay về trên chính quê hương yêu dấu. Nhưng không! Nhà thơ thấy “lạnh trong lòng”, thấy “ray rứt phận đời lữ thứ”! Vì sao? Rõ ràng vì dấu xưa nền cũ đã mất đi quá nhiều, không có gì đem lại cho nhà thơ niềm vui thưởng thức hương vị ngày xưa trở lại trong lòng mình.     
   
Thế rồi, dòng thơ được tiếp tục với câu chuyện về ngày tháng phôi pha với người chị già:
 
Chỉ một thoáng qua
Tôi chỉ dừng chân bên dòng đời muôn nẻo
Có chị tôi già
Ngồi nhắc chuyện một thời xa
Ngày tháng phôi pha
Tuổi thơ tôi đâu mất giữa quê nhà
Xa lắm rồi!
Ôi! Một thời giông bão
Trời đang xuân mà một chút tàn đông còn lưu lại
Gặp vội bạn bè
Gặp lại người quen
Mình chẳng nhận ra nhau
Nhưng câu chuyện xưa vẫn chưa quay về hồi kết.
 
Không có gì để bình ở những câu thơ trên vì nó rất rõ nghĩa, thế nhưng đọc nó cảm xúc tràn vào lòng ta bởi hình ảnh người chị khác chi người mẹ đã già, hình ảnh tuổi thơ đã mất đi biền biệt, hình ảnh người quen không nhận ra nhau, tất cả làm cho tâm hồn trở nên lạc lỏng, bơ vơ, hụt hẩng trong dự định tìm về nơi quá khứ vàng son để nhìn, để ngăm, để ngửi cảnh, vật, hương, vị  của một thời tuổi thơ yêu dấu.
  
Có ai như nhà thơ Phan Thạch Nhân không? Về với quê xưa chỉ được một đêm, nhưng một đêm không tận hưởng niềm vui trở lại. mà là một đêm “suy tư” và “ngẫm”. Chính đó là nỗi đau của người quay lại:
 
Đêm Nhan Biều
Đêm suy tư ngồi lắng nghe mà ngẫm
Năm mươi năm xa quê
Ngồi bên chị tối nay
Khi quay về chân em còn mười ngón
Nhìn hai bàn tay mình, em còn đủ bộ ngón thong dong
Dù bao phen roi đời quất lên phận người chua chát
Nếm đắng nuốt cay xa xót cả nỗi lòng.
  
Ngồi với chị nhưng không nghe hơi ấm truyền sang, ngồi với chị nhưng không thấy tiếng động trong vườn ngày xưa đêm hò hẹn, ngồi với chị nhưng chỉ mừng vì còn đủ chân tay. Đọc thế, ta thấy dòng thơ đủ nói lên cuộc đời nhà thơ phong trần biết là bao và quê hương chừ xa lạ biết là bao! 
   
Cuối cùng nhà thơ thổ lộ thật sự tâm trạng của mình trong đêm quay về ngủ lại trên mảnh đất thân yêu năm xưa: Thao thức, buồn tênh!.   
 
Tôi đến rồi đi thật vội vã
Một thoáng quê hương bên góc nhỏ cuộc đời
Dấu chân người ra đi
Tìm nơi xa vời vợi
Vuốt mắt nhìn trời xa xót một niềm riêng
Tôi thao thức
Cứ triền miên đêm không ngủ
Cũng muốn ghé thăm ai
Nhừng F0 đang chặn kín cửa nhà
Cửa đóng then cài
Nằm im đêm thị trấn
Buồn tênh.
 
Thôi tạm biệt
Tạm biệt sông quê
Tạm biệt quê nhà để bay về bên phố lớn
Có con đường tha hương gió bụi
Số phận nối dài theo kiếp người vùng vẫy giữa trời Nam
Xin tạm biệt
  
Tôi yêu bài thơ nầy của tác giả vì nó giống tôi. Tôi cũng đã từng quay về Quảng Trị và tôi cũng đã từng hụt hẫng bằng những câu thơ sau đây: “Tôi bật khóc quay về trong ảo não / Chiều đang lên bóng tối xóa đôi bờ / Cảnh đâu còn hồn cũ, hóa bơ vơ / Đêm sắp xuống chốn xưa, người ngơ ngác!”
  
Đọc bài thơ “Đi Theo Thời Gian” của Phan Thạch Nhân viết về một đêm quay lại với quê hương Quảng Trị, ngủ lại một đêm trong làng Nhan Biều, một làng đẹp như thơ như mơ và như mộng mà ngày xưa hương hoa của nó nơi bờ sông Thạch Hãn bên kia, theo gió bay qua bờ sông Thạch Hãn bên nầy, tôi cảm động như chính tôi là tác giả. Tôi đã tỏ lòng mình trên trang facebook của ông bằng mấy câu thơ sau đây:
  
“Đêm Nhan Biều”
Một bài thơ tâm sự
Kỷ niệm xưa và chốn cũ bây giơ
Tiếng gió đêm buồn trong cả bài thơ
Có tiếng chảy sông khuya dòng Thạch Hãn
Tôi đọc nó nên lòng tôi nhớ bạn
Nhớ trường xưa và nhớ tuổi thanh xuân
Cảm ơn nhà thơ, cây bút đã từng
Sống nơi ấy, nơi tôi hằng vui sống!
 
Cảm ơn quý vị đã đọc và chúc quý vị nhiều niềm vui an lạc!
                                                                                                               Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “ĐI THEO THỜI GIAN”, THƠ PHAN THẠCH NHÂN - Châu Thạch