Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 26, 2018

BÊN KHE NƯỚC NGỌC TUYỀN - Thơ: Trần Yên Thảo - Diễn ngâm: La Thuỵ



Từ thập niên 1960, tạp chí Bách Khoa đã đăng truyện ngắn MẮC CẠN của Trần Yên Thảo. Tưởng rằng ông sẽ theo đuổi nghiệp văn, thế mà lạ lùng thay ông lại chuyển sang nghiệp thơ. Hầu như Trần Yên Thảo chuyên về thơ lục bát, như đã thể hiện trong các thi phẩm mà ông đã xuất bản : QUÀ TẶNG NGƯỜI XƯA (1997), RỪNG SƠ NGUYÊN (1999). Vì vậy, càng lạ lùng hơn, khi ông tặng chúng tôi bài thơ BÊN KHE NƯỚC NGỌC TUYỀN (bản chép tay), bài thơ này không làm bằng thể thơ lục bát mà bằng thể thơ mới (mỗi câu 7 chữ) gồm 4 khổ thơ. 
      Đọc BÊN KHE NƯỚC NGỌC TUYỀN, chúng tôi hình dung một ẩm giả đang ngất ngưỡng giữa hai bờ mộng thực, tuý xuất thi ngôn. Xin mời thưởng thức!


  


      BÊN KHE NƯỚC NGỌC TUYỀN

       Mộng dắt ta về lúc nửa đêm
       Chờ tia nắng cũ rọi qua thềm
       Có ai xô lệch hai vành gối
       Vì lá còn rơi ta nhớ em

       Ta chợt cười vang giữa cô miên
       Ý thơ vừa động mảnh hoa tiên
       Ngàn năm một đoá sen vàng cũ
       Vẫn nở bên khe nước ngọc tuyền

       Từ đó ta về thăm đất lạ
       Dạo chơi gần khắp cõi u minh
       Và nghe tiếng hót bầy chim lạ
       Nhởn nhơ trên bãi cát phù sinh

       Khi ngọn đông phong chao ánh đèn
       Tình cờ gặp lại giấc mơ quen
       Đâu còn ai khóc trong tình sử
       Vì giữa đời ta đã có em
                      
                           Trần Yên Thảo

       * Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ đã phổ nhạc bài thơ này

READ MORE - BÊN KHE NƯỚC NGỌC TUYỀN - Thơ: Trần Yên Thảo - Diễn ngâm: La Thuỵ

TÂY NGUYÊN... EM ĐI TÌM ANH - Thơ Trần Mai Ngân



                         Nhà thơ Trần Mai Ngân

  TÂY NGUYÊN... EM ĐI TÌM ANH

   Y-Ben ơi! Em đi tìm anh
   Tây Nguyên chiều nay trời lộng gió
   Cái nắng vàng hoe hoe nỗi nhớ
   Em gọi anh, gọi anh, gọi anh...

   Y-Ben ơi! tháng ba trời xanh 
   Nhuộm hết tình em rất thật thà
   Trắng xoá cà phê hoa trên rẫy
   Thơm ngát nồng nàn dấu Ban Mê

   Y- Ben! Y-Ben hãy quay về
   Em trách núi cớ chi cao lắm 
   Che khuất anh, che khuất tình em
   Để xa rồi đời sẽ buồn thêm! 

   Y-Ben ơi! Anh có nghe chăng
   Thác Dray Sap tiếng gọi thì thầm
   Lời yêu của em là vĩnh cữu
   Cõi trăm năm... Sê Rêpok ngược dòng! 

   Chuyến thăm Tây Nguyên 22-3-2018 
                             Trần Mai Ngân

Sêrêpôk - dòng sông chảy ngược...
Không theo qui luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác, dòng sông Sêrêpôk của vùng Tây nguyên lại chảy ngược lên hướng thượng nguồn và sang đất Campuchia

READ MORE - TÂY NGUYÊN... EM ĐI TÌM ANH - Thơ Trần Mai Ngân

HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM - Nguyên Lạc

              
       
                  Tác giả Nguyên Lạc


         HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM
                                              Nguyên Lạc  
                                                          
SƠ LƯỢC VỀ HÒ

Hò là một trong những thể loại âm nhạc dân gian miền nam Việt Nam, được du nhập bởi những đợt di dân từ đất ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, từ vùng ngoài đưa vô vùng đất mới phía cực nam của đất nước ta.
Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá… hành trang mang theo của những cư dân mới có cả những câu hò, điệu lý… làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Trên bước đường bôn ba, lênh đênh sông nước, những hành trang tinh thần này được các tiền nhân sáng tác, phổ biến, cách tân cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. 

Hò rất được ưa chuộng ở miền Nam. Nó có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.
*
Hò chèo ghe Bạc Liêu (có thể xem như đại diện cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long) là một làn điệu dân ca mang hình thức diễn xướng của cư dân Bạc Liêu, hình thành trong môi trường chèo xuồng, ghe trên sông nước; có từ thời khẩn hoang nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên.

 Vùng đất Bạc Liêu đã lưu hành nhiều loại hò của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh, hò Vĩnh Long; nhưng mỗi loại hò khi được sử dụng đều có pha trộn, giao thoa tiết tấu hay giai điệu để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế.

Hò chèo ghe Bạc Liêu có 2 loại là hò đơn và hò đôi.

1. Hò đơn: Có 2 giọng là hò chậm và hò nhanh.

- Hò chậm:  Nội dung hò đơn lẻ, hầu hết mang tính tự sự, gửi gắm tâm trạng xa xôi với thiên nhiên. Giọng hò mênh mang, chậm rãi trải dài trên sông nước, rồi lan toả, tan biến trong không gian vô tận…

Hò ơ ớ ơ ơ …
Bạc Liêu là xứ quê mùa – 
Dưới sông cá chốt (ơ ơ ơ) trên bờ Triều Châu (ơ ơ).

- Hò nhanh:  Tuy vẫn mang tính tự sự nhưng có chủ ý, có đối tượng cụ thể để gửi gắm tâm trạng; thời gian hò nhiều hơn, một phần nhắn nhủ cho con người, một phần gửi vào thiên nhiên sông nước vô tận để san sẻ nỗi lòng. Câu hò gồm một hoặc nhiều câu song thất lục bát hay lục bát biến thể dài để có đủ dung lượng ngôn ngữ mà bày tỏ nỗi lòng. Lời kể đều có ngân hơi:  Hơi hò đầu cần cao giọng (ơ ớ ơ) và hơi hò sau ngang giọng một chút (ơ ơ ơ). Giai điệu và tiết tấu nhạc cũng như lời kể nhanh hơn phù hợp với điều kiện con nước chảy nhanh, ghe xuồng đi nhanh hơn.

Hò ơ ớ ơ ơ …
Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai (ớ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ …
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi (ơ ơ) 

2. Hò đôi: 

Giọng hò lúc này không còn mang tính tự sự đơn giản nữa, mà mang đậm nét trữ tình, giao lưu, trao đổi tình cảm. Hình thức hò này nhanh chóng trở thành sinh hoạt tập thể như đối đáp, huê tình và được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ của cộng đồng. Cũng giống trên, nó có hai loại: Hò đối đáp chậm và hò đối đáp nhanh

a. Hò đối đáp chậm:  

Mỗi người (nam hoặc nữ) thường chỉ dùng một câu ca dao lục bát hoặc lục bát biến thể ngắn đối đáp nhau.

Nam:

Hò ơ ớ ơ… 
Gió năm non thổi lòn hang chuột 
Tui thấy cô Ba chèo xuồng (ớ ờ) đứt ruột ... đứt gan (ơ ơ)…

Nữ:

Hò ơ ớ ơ… 
Gió năm non thổi lòn hang chuột 
 Tui thấy anh chèo xuồng (ớ ờ) tui cũng đứt ruột … bầm gan (ơ ơ)…

b. Hò đối đáp nhanh: 

Mỗi người (nam hoặc nữ) thường dùng một hoặc nhiều câu song thất lục bát hay lục bát biến thể dài để có đủ dung lượng ngôn ngữ mà bày tỏ nỗi lòng đối đáp nhau

b1.

Nam:

Hò ơ ớ ơ …
 Thấy em có cái gò má hồng hồng
Phải chi em đừng mắc cỡ (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ …
Đừng mắc cỡ, thì anh xin bồng...  anh hôn (ơ  ơ)

Và đây là câu của nữ  hoà theo:
Hò ơ ớ ơ …
Chuyện vợ chồng đâu có khá bôn chôn
Anh thương em nên dè dặt (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ …
Nên dè dặt, chớ để thiên hạ đồn không hay (ơ  ơ)

b2.

Nữ:

Hò ơ ớ ơ …
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời 
Sao trên trời mấy cái, nhái ngoài ruộng mấy con, 
đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ … 
Anh mà đối đặng ... gái má đào thương anh (ơ ơ)… 

Nam:

Hò ơ ớ ơ … 
Thấy em đố tức, anh nói phức cho rồi 
Sao trên trời sao vua chín cái, nhái ngoài ruộng bắt cặp hai con, 
đât Ba xuyên một mẫu mười sào (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ ơ… 
Anh đà đối đặng… gái má đào tính sao ? (ơ ơ)…

Hò chèo ghe Bạc Liêu có những nét tương đồng và giống với tiếng hò sông Hậu, song phần lấy hơi hò (ơ ớ ơ ơ ơ) của Sông Hậu thường kéo dài hơn để phù hợp với điều kiện sông nước mênh mông trên dòng sông Hậu và không nhiều tiếng ngân hơi ờ ơ như hò Bạc Liêu.

HÒ MIỀN NAM

Xin được ghi ra đây bài hò: ĐÊM TRÊN SÔNG VẮNG - Nguyên Lạc  

ĐÊM TRÊN SÔNG VẮNG 

Hò ơ ớ ơ …
Vũng nước trong con cá lòng tong bơi lội
Vắng bạn rồi tội lắm người ơi
Chẳng thà không gặp thì thôi (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ …
Gặp nhau quấn quýt... một đời nhớ thương!(ơ ơ)…

Hò ơ ớ ơ …
Sâm thương hai ngả đôi đường
Cảm thương phận bạc lệ rưng lưng tròng
Nước buồn chẳng lớn chẳng ròng (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ …
Mỏi tay chèo chống mà lòng xót đau (ơ ơ ) 

Hò ơ ớ ơ …
Ngẩng đầu tìm một ánh sao
Mây mù giăng phủ phuơng nào sao mai?
Sương rơi thấm lạnh vai nầy (ơ ờ) 
Hò ơ ớ ơ …
Môi cười mắt liếc biết ngày nào quên! (ơ ơ)… 

HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM

Xin được ghi ra đây vài câu hò đối đáp giữa nam và nữ.

1. Cô gái hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Ghế mất một chân nên gọi là ghế gẫy
Người lạc tâm hồn  bạn hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
Cái lu cái tỏ ... cái nao riêng mình? (ơ ơ )

Chàng trai hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Trách ai quên hai chữ nghĩa tình
Quên câu thề hẹn đôi mình trăm năm
Chống chèo theo nước lớn ròng (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
Dò tìm bóng bạn ... cõi lòng nát tan (ơ ơ )

Hò ơ ớ ơ ơ …
Bìm bịp kêu con nước giọng khàn
Rạch sông mù lối khói sương mù trời
Biết tìm đâu hỡi bạn ơi (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bóng chiều dần xuống  mưa rơi mịt mùng (ơ ơ) ...

Hò ơ  …
Tìm người như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc (ơ ơ ơ )  tôi tìm biển Nam (ơ ơ )  (1)

2. Cô gái hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái (ớ ờ)
 Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô (ơ ơ) 

Chàng trai hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Chèo vô chẳng thấy em đâu!
Nước ròng sông cạn (ớ ờ)
Nước ròng sông cạn lòng đau thấu trời (ơ ơ) 

Hò ơ ớ ơ ơ …
Ước gì như áng mây trôi
Tôi bay đi kiếm (ớ ờ)
Tôi bay đi kiếm tìm người tôi thương!(ơ ơ) 

3. Cô gái hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Trượt chân em té xuống bùn
Mình em lấm hết (ớ ờ)
Mình em lấm hết anh hun chỗ nào? (ơ ơ) 

Chàng trai hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Chỗ nào anh cũng muốn hun
Em mà trượt té (ớ ờ)
Em mà trượt té anh nhảy xuống bùn anh bồng lên! (ơ ơ) 

4. Chàng trai hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám dở mùng chun vô (ơ ơ) 

Cô gái hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Chun vô lẹ lẹ chun vô
Nhẹ nhàng anh nhé  (ớ ờ)
Nhẹ nhàng anh nhé  mẹ ho kia kìa!(ơ ơ) 

5. Cô gái hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai (ớ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ …
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi (ơ ơ) 

Chàng trai hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Giậm chân anh réo ông trời
Gây chi bao cảnh sầu đời thế ni ...ớ ờ
Thuận tay nhổ một cây mì *(ớ ờ)
Gõ vào đầu ba cái...ớ ờ
Hò ơ ớ ơ ơ …
Gõ vào đầu ba cái tội gì nhớ thương! (ơ ơ) 
------
(*)  Cây khoai mì (phương ngữ miền Nam) hay Sắn (phương ngữ miền Bắc)
Vàm Tấn là quê Nguyên Lạc tôi đó các bạn. 

LỜI KẾT
Qua trên là sơ lược về hò đối đáp miền nam, hy vọng các bạn tìm được một vài điều hữu ích và hiểu biết thêm chút về vùng sông nước thân yêu nầy. Hãy cùng nhau bảo vệ và bồi đắp nó - nó đã và đang bị "hăm doạ" từ phía thượng nguồn. Hãy đọc "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch" của BS Ngô Thế Vinh thì rõ [*].

Tặng các bạn thêm một bài ca dao lục bát vui để kết thúc bài viết.

ANH HÙNG LỠ VẬN
(Nguyên Lạc)  

"Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than"
Con chim ngứa cổ hát vang
Anh đang ngứa cổ... nhưng đành lặng thinh
Chu Du ói máu Khổng Minh
Anh đang nhức nhối tức mình vì ai?
Con chim tiếng hót vui vầy
Riêng em chì chiết điếc tai buốt người!
Con chim ngứa cổ hát chơi
Anh đang ngứa cổ than trời vì em!

*
Nguyên Lạc  
-----------------------------------------------------
@. Phụ chú:
Trong lúc mạn đàm với các bạn thơ về hò đối đáp, tôi có sưu tập và xin ghi ra đây vài câu đối đáp vui để các bạn đọc thêm được vài nụ cười.

HÒ ĐỐI ĐÁP VUI

1. 
Hò ơ ớ ơ ơ …
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám dỡ mùng chun vô (ơ ơ) 

Du My hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Dỡ mùng không dám đâu mô
Thò tay nhè nhẹ (ớ ờ)
Thò tay nhè nhẹ anh rờ được không ?(ơ ơ) 

Nguyên Lạc hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Có rờ thì nhè nhẹ thôi
Kẽo không em nhột (ớ ờ) em la trời à nhe! (ơ ơ) 

Du My hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
La trời thì em cứ la
Nhưng em lại khoái (ớ ờ)  để anh rờ ba "bốn lần "(ơ ơ) 

Nguyên Lạc hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Mấy lần em cũng không "khe" (care)
Anh mà dừng lại em đè anh ra
Anh la mặc kệ anh la! (ớ ờ) 
Hò ơ ớ ơ ơ …
Anh la em xiết "cái mả cha" cho nó chết dầm ( ơ ơ) (2)

2. 
Hồ Chí Bửu hò:

Chàng: 

Hỡi em đang cấy giữa đồng
Cớ sao em lại chổng mông lên trời? 

Nàng: 

 Anh ơi chớ hỏi làm chi
 Mông em không chổng lấy gì anh ăn..hơ hơ!*
----
* Tội nghiệp các nàng, phải dang lưng ra làm việc nặng nhọc để nuôi thằng "dài lưng tốn vải/ ăn nó lại nằm" (trong đó có tui).
Thôi lấy lòng các nàng để các nàng vui vẻ tiếp tục "phục vụ cách mạng", dang lưng ra làm việc, tui "nịnh" các nàng đây:

@. Nguyên Lạc hò đáp (vui với các bạn Quảng Nam)
(Đây chỉ đùa vui với các bạn thân Quảng Nam, có gì không phải xin bỏ qua)
Nguyên Lạc đùa 
Mông em không chổng lấy gì anh "en"

Chẳng thà anh chịu "nhen reng"
Em mà mông chổng tội "en" quá trời! 

Laiquangnam

Chẳng thà chịu đói nhen reng 
Bây chừ em chổng đêm nằm ngáy kho 
Trở mình kiếm cái dật dờ
Lăn qua lăn lại ... chẳng ngờ "cù đum"* 
-----
* Nằm "cù đum" là khu ngữ Quảng Nam:  Người phụ nữ nằm co đầu gối chạm khủy tay - Ý nói: Tôi cần ngủ!


Du My 

Anh nằm anh ngủ cù đum
Em nhìn em thấy một đùm phía sau
Anh ơi , thức dậy cho mau
Em mà thiếu " hén " em sầu đó nghe .

 Nối vận Cù Đum:

Thà ta nằm ngủ cù đum
Hơn là khác mộng mà chung một giường

Laiquangnam 

Buồn phiền nằm trất cù đum 
Chổng mông buổi sáng 
Bụm Đùm ban đêm 
Chồng con sáng tối say mềm 
Thất chí Thiếp hiểu, lem nhem Thiếp rầu 
Đi học con đói đã lâu 
Chổng mông bán mặt, giọt châu đêm về

Qua các cầu hò trên của Laiquangnam, chắc các bạn đã thấy rõ cảnh "chồng chúa vợ tôi" như thế nào rồi. Cực khổ lo toan con cái và việc nhà...trong khi ông chồng vô tích sự "sáng xỉn chiều say". Hủ tục này phát xuất từ ông KHỔNG của ĐẠI HÁN đấy!

----------------------------------------------------
Ghi chú:
(1) Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam (ca dao)
(2) Cô Gái Hái Chè 
Hôm qua em đi hái chè 
Gặp thằng phải gió nó đè em ra 
Em lạy mà nó chẳng tha 
Nó đem đút "cái mả cha" nó vào

---

Tham khảo: baclieu.gov.vn, Giáo sư Trần Văn Khê, Trần Trọng Trí ...
[*] Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch
http://vietmessenger.com/books/?title=mekongdongsongnghenmach
.
@. Mời xem
Hò Cần Thơ – Đinh Thanh Huyền: Đoạn mở đầu của bài hát
https://www.youtube.com/watch?v=WJzfD45L5QY
Hò Miền Nam – Chí Tâm & Ngọc Đan Thanh:
https://www.youtube.com/watch?v=D490NO47CFA
Hò Đối Miền Nam - Linh Phượng, Xuân Thưởng
https://www.youtube.com/watch?v=dSL112jAlh8
Nhớ Câu Hò Đồng Tháp
https://www.youtube.com/watch?v=YbsAjbHTL3E

READ MORE - HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM - Nguyên Lạc

ĐỌC “NHƯ HẠT BỤI ĐAM MÊ” TẬP THƠ THỤY SƠN - Châu Thạch




ĐỌC “NHƯ HẠT BỤI ĐAM MÊ” TẬP THƠ THỤY SƠN
                                                               Châu Thạch

Tôi và nhà thơ nữ Thụy Sơn chắc cũng hữu duyên nhưng không năng tương ngộ vì chỉ gặp nhau một lần trong dịp thầy Kim Tâm Thích Hạnh Niệm mời họp mặt ra mắt tập Đường thi xướng họa “Giao Khúc Mừng Xuân” tại chùa Pháp Bảo Hội An. Tập thơ “Như Hạt Bụi Đam mê” được trao từ tay Thụy Sơn qua Tâm Nhiên rồi từ tay Tâm Nhiên trao lại cho tôi. Tập thơ được trao dưới mái hiên, bên sân chùa, cạnh những luống hoa cao tới ngực có nhiều màu rực rỡ. Nhìn người phụ nữ duyên dáng với chiếc váy dài bên anh chàng thi nhân bụi đời tóc dài, mũ rộng, áo thùng thình tôi thấy lạ thay, trong cái đối nghịch ấy lại thấy một sự hòa hợp diệu kỳ. Về nhà đọc thơ của Thụy Sơn tôi mới phát hiện họ đều là con Phật. Nếu thơ của Tâm Nhiên khẩu khí ngút trời, âm ba đồng vọng như tiếng trống chùa dộng mạnh, lay động cả không trung thì ngược lại, thơ của Thụy Sơn như tiếng chuông êm đềm len qua ngàn cây cỏ. Nếu có ai đem hòa nhập tiếng thơ họ lại thì sẽ làm tâm hồn ta dồn dập một nguồn vui an tịnh. 

           
                Nhà thơ Tâm Nhiên và nhà thơ Thụy Sơn

Với tôi cụm chữ “hạt bụi đam mê” của Thụy Sơn không phải là thứ hạt bụi “hóa kiếp thân tôi” để rồi một mai than thở “ôi cát bụi phận này/vết mực nào xóa bỏ không hay” của Trịnh Công Sơn. Hạt bụi của Thụy Sơn là hạt “bụi đam mê”, là cái nhân của niềm tin. Từ cái hạt bụi Đam mê của Thụy Sơn cho tôi nhớ đến một câu trong Kinh Thánh: “nếu đức tin bằng hạt cải thì các ngươi có thể dời non lấp biển”. “Hạt cải đức tin” trong Kinh Thánh và “hạt bụi đam mê” trong thơ Thụy Sơn đều có một ý nghĩa giống nhau. Nó là sức mạnh của tinh thần. Sức mạnh ấy có thể diệt khổ trong tâm hồn ta và dời nỗi đau lớn như núi, rộng như biển của ta. Hạt bụi ây cũng có thể giác ngộ được cả cho tha nhân nếu họ nghe ta, kiến tánh được niềm tin ấy. Thế nhưng khi hạt bụi đam mê đó chưa đạt sự tinh tuyền thì cửa thiên đường còn đóng lại, linh hồn sẽ trôi nổi mãi:

Sang sông … lở rớt lời kinh sám
Gợi giấc…mơ qua sỏi đá mềm
Hạt bụi đam mê vàng sợi nắng
Thiên đường cổng khép một lần thêm

                              (Hạt Bụi Đam Mê)

“Sang sông” là xuống bến mê qua bài giác ngộ. “Rớt lời kinh sám” là làm mất niềm tin chân lý, quên đi sám hối tội lỗi mình. “Gợi giấc” là một phút yếu lòng. “Mơ…qua sỏi đá mềm” là ước vọng những điều phù phiếm của trần gian. Tất cả điều ấy sẽ làm cho “hạt bụi đam mê vàng sợi nắng” nghĩa là làm cho yếu đuối đức tin và kết quả là thiên đường khép cổng thêm một lần nữa trong vạn kiếp luân hồi. Chỉ qua bốn câu trong tám câu Đường thi mở đầu tập sách, ta cũng thấy được ở thơ của Thụy Sơn, sâu đậm những suy nghiệm về triết lý Phật giáo và qua những suy nghiệm đó, hình ảnh sống động của đời, lung linh của đạo được chăm chuốt nở ra những đóa hoa đẹp trong vườn thơ tịnh độ.
Thơ của Thụy Sơn diễn đạt định luật vô thường, sắc sắc không không trong Phật giáo một cách thanh thoát, nhẹ nhàng:

Sương trăng về đậu trắng sông
Đò ai không ngủ ngược dòng tịnh bơi
Nước trôi cầu nhẹ nhàng trôi
Bến bờ cố xứ không tôi… không đò…

                                              (Đêm)


Bài thơ đề cập đến một vấn đề mà cho chí những vị thiền sư cũng phải dùng Hán tự để giảng luận lâu dài. Ở đây Thụy Sơn chỉ dùng hình ảnh vạn vật hiện lên trong cơn say cho ta ngộ ngay được sợi dây khắn khít của nghiệp duyên như sương đợi nắng, như con đò trăm năm đứng đợi một bóng tà huy ở cuối một bến sông nào đó. Những chung rượu của thụy Sơn thật là tuyệt vời, nó không lôi con người vào cõi đam mê trần tục mà nó thăng hoa con người vào tiền kiếp của mình khi nói “bên trời muộn bóng vân du”, để từ đó thấy cả được trần duyên của mình từ thuở hồng hoang.Ta tưởng tượng bóng vân du là bóng của linh hồn ta lang thang từ muôn kiếp trước. Thơ có thể truyền tâm ấn, thơ có thể trực chỉ nhân tâm là ở chổ nầy đây! 

Thụy Sơn cũng rất tài tình khi viết về niềm vui của đạo pháp:

Chút nắng vàng hanh của cuối ngày
Vô tình để lại giọt nồng bay
Ta trong vô thức ngàn xưa dậy
Mở trái tim hoang ngập gió đầy…

                                        (Gió)


Khổ thơ không nói gì về giáo lý, nhưng đọc thơ ta liên tưởng ngay thứ gió mà đạo pháp mang lại cho con người, nó làm thức tỉnh vô thức tự ngàn xưa, nó làm tràn ngập niềm hoan lạc trong trái tim ta. 

Trong “hạt bụi đam mê”, ngoài những bài thơ sâu xa về đạo, còn có nhưng bài thơ cho đời, Thụy Sơn thường viết ngắn gọn nhưng chất chứa, tiềm ẩn, gói gọn một thứ tình trong vắt của một tâm hồn đa cảm.
Để nhớ về kỷ niệm một thời, tác giả viết:

Xưa một thời mơ mộng
Đuổi bắt áng mây xa
Nay từng giây tỉnh thức
Nắng ấm trước hiên nhà…

                    (Nắng Ấm)

Để nói về những điều đọng lại trong ký ức, tác giả viết:

Trời còn nhớ đất lệ tràn mưa
Trăng nhớ hàn giang thức trắng mùa
Cỏ nhuộm tương tư vàng vỏ úa
Lạnh lùng đá cũng nhớ rêu xưa…

                                (Rêu Xưa)


Để nói về một cuộc tình của tuổi học trò tan vỡ tác giả viết:

Đêm nay mây nước hữu tình
Sao trăng khuya vẫn một mình đi hoang
Hạ vàng sao vội sang ngang
Có con bướm trắng để tang cuộc tình

                                         (Hạ Vàng)


Chỉ đơn cử một vài khổ thơ viết về đời ta cũng thấy được tiếng thơ viết cho đời của Thụy Sơn cũng mẫu mực, điềm đạm, lung linh từ trong những câu ngắn gọn một thứ ánh sáng tỏa ra cho ta liên tưởng và hình dung được ý nghĩa tổng thể mà nhà thơ gởi tâm tình mình vào đó. Hình ảnh khi “Đuổi bắt áng mây xa” thì “nắng ấm trước hiên nhà’’ cho ta trọn vẹn sự ấm áp lúc tâm hồn nhớ nhung về quá khứ. Hình ảnh “lạnh lùng đá cũng nhớ rêu xưa” cho ta trọn vẹn sự thê thiết trong lòng bởi những quá khứ không vui. Và bức tranh “Trăng khuya vẫn một mình đi hoang” cho con “bướm trắng để tang cuộc tình” chiếu trọn vẹn bước chân lang thang và niềm đau lặng lẽ trong lòng kẽ thất tình. 

Đọc trọn vẹn tập thơ “như hạt bui đam mê’ của Thụy Sơn thú thật tôi không tìm được một bài để chê. Thơ chị cho tôi có cảm tưởng lúc thì đi vào một vườn hoa thanh tịnh bên một sân chùa, khi thì lại thấy mình như đứng nơi một thạch động nghe tiếng âm vang từ xa xôi dội lại, khi thì lại thấy trăng, thấy nước, thấy con thuyền lửng lờ trôi trên một dòng sông yên tịnh. Thơ Thụy Sơn không có sự cao siêu của thơ thiền, cũng không có sự ôm đồm giáo lý để dạy đời của thơ đạo, mà chính hiệu nó là nguồn trong trẻo của thơ, thoảng hương thơm của đạo và tiềm ấn một chút lạc vị của vô vi, khiến cho càng đọc ta còn bình tịnh tâm hồn, làm cho ta yêu mọi cái quanh ta.

Tôi cũng vài lần viết cảm nhận thơ của các vị sư. Tôi hình dung các vị cười một nụ cười hiền hòa, tha thứ cho sự múa riều trước mắt thợ của mình. Tuy thế tôi cũng có nhận được lời khen khích lệ làm cho tôi vui mừng, an tâm múa tiếp. Hy vọng lần nầy tôi cũng nhận được nụ cười ấy từ tác giả và từ bạn đọc am tường giáo lý và đạo pháp. Kính cảm ơn ./.

                                                                 Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “NHƯ HẠT BỤI ĐAM MÊ” TẬP THƠ THỤY SƠN - Châu Thạch