Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 19, 2015

ĐỌC “GIẤC NGỦ CỦA ĐÁ” THƠ MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH - Châu Thạch

      
Chùa Huyền Không


ĐỌC “GIẤC NGỦ CỦA ĐÁ”
THƠ MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
                                  Châu Thạch

Tôi đọc bài  “Giấc Ngủ Của Đá” thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh đăng trên trang web haibogiay.net. Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức, một trong những người sáng lập ra chùa Huyền Không (Huế). Ngài là vị sư giỏi văn, am tường hội hoạ, một kỳ thủ cờ tướng, một bậc tài hoa về thư pháp. Bài thơ đem đến cho tôi cảm xúc sâu xa
  
Hãy đọc vế thơ đầu tiên:
          
Giấc ngủ xuống
giữa triền non vắng lặng
bóng ai về lạnh buốt cả ngàn dâu
tay chạm khẽ
vào mong manh của gió
bỗng trần gian va động những cung sầu

Tất nhiên vế thơ nầy không dùng để tả cảnh. Tuy cảnh ở đây là đêm xuống “giữa triền non vắng lặng” nhưng đêm ở đây là hình ảnh của bóng tối trần gian và “triền non vắng lặng” là sự cô đơn của tác giả khi nhìn ra cuộc đời. “bóng ai về lạnh buốt cả ngàn dâu” chỉ có thể là thời gian mang bóng tối về mà thôi. Sự rung động nhạy bén trong câu thơ “tay chạm khẽ/ vào mong manh của gió/ bỗng thời gian va chạm những cung sầu” chính là sự rung động trong tâm hồn tác giả khi đối diện, khi tiếp xúc với thế gian nầy. Trong triết lý nhà Phật, mọi sự “động” là ở từ tâm ta mà ra, cho nên sự “mong manh của gió” chính là hiện tượng từ nội tâm tác giả và “trần gian va động những cung sầu” cũng là sự va động xảy ra trong tâm hồn nhà thơ vậy.

Bảy câu thơ ở vế thơ đầu cho ta nhận biết hình ảnh trống vắng, u buồn, mong manh và va động trùm lên trên thế gian mà thời gian đưa đi trong bóng tối. Bởi sự vọng động trong tâm hồn, con người nhìn cảnh vật hay nhìn cuộc đời cảm thấy cô đơn làm sao! lạc lõng, nhỏ bé làm sao trước “thời gian va động những cung sầu!”

Ta đứng lên
gọi đò
bên bờ sông lau lách
lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa
lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc
chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta

Tiếng gọi đò là sự tìm kiếm một con đường giải thoát. “Bờ sông lau lách” là trần gian, con sông là sự ngăn cách giữa ta và chân lý, đò chính là đạo, là con đường đưa ta đến bờ giải thoát bên kia. Nhà thơ gọi đò trong vô vọng. Bởi vì gọi đò mà tác giả không thấy đò đâu, lại thấy “lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa” nghĩa là thấy sự chết chờ ta ở cuối cuộc đời để cho “lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc” nghĩa là quán được tác động của thời gian trên mọi biến đổi của đời. Từ đó tác giả thốt lên một câu nói bi quan: “chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta”. Không bao giờ thấy hết cõi người ta bởi vì cõi người ta đang nằm trong giấc ngủ triền miên mê muội, là ở trong bóng tối của đêm đương xuống “giữa triền non vắng lặng”, “bên bờ sông lau lách”,“lạnh buốt cả ngàn dâu”, là ‘mong manh của gió”,“va động những cung sầu”, là “tử sinh ở cuối ghềnh xa”. Vế thơ cho ta thấy con đường cụt của cuộc đời. Tác giả đứng đây bên dòng sông ngăn cách, nhìn bờ giải thoát  bên kia, biết có con đò đưa ta qua bên ấy nhưng tiếng gọi đò vọng lên trong cô quạnh, làm va động thời gian, làm hiện thấy lá tử sinh cháy đỏ ở cuối ghềnh xa, hay đúng hơn thấy hoảng sợ vì sự chết, sống của ngàn kiếp con người nhiều như lá cây cháy đỏ cuối rừng.

Bởi vì đâu con đò không hiện ra? Tác giả chưa thể nào qua sông được. Xin đọc ở vế thơ sau:

Chừ bẻ kiếm đi vào sơn cốc
chợt hôm kia
đầu đá
mọc thành hoa
nỗi vinh hiển như bóng trăng chẳng thực
giọt sương trời, rơi vỡ cánh hà sa

Rõ ràng tác giả còn mang theo bên mình cây kiếm. Chính cây kiếm làm cho con đò không thể hiện ra. Cây kiếm là hiện thân của vũ lực, là trở ngại khi con người còn mang nó bên thân hay mang nó trong lòng khi muốn qua con thuyền từ ái để đến bến bờ chỉ chứa có yêu thương. May thay, tác giả đã “bẻ cây kiếm đi vào sơn cốc” để ở đó tịnh tâm chờ con đò mà mình mong ước. Rồi thì “chợt hôm kia/ đầu đá/ mọc thành hoa/ nỗi vinh hiển như bóng trăng chẳng thực/ giọt sương trời, rơi vỡ cánh hà sa””. Ấy là cái ngày sự kiện xảy ra trong linh hồn tác giả.  Đầu đá mọc thành hoa chỉ là hình ảnh ánh trăng chiếu trên đá, tức thì tác giả chứng ngộ được tất  cả sự vinh hiển của đời nầy chỉ là phù phiếm mà thôi. Sự vinh hiển của trần gian kia cũng chỉ có như sự long lanh trên đầu cục đá, nhận từ bóng trăng chẳng thực. Chính giọt sương nhỏ nhoi kía khi rơi trên đá cũng làm cho ánh trăng nhoà đi, làm cho sự vinh hiển giả tạo rơi vỡ. Hoa sen là biểu tượng chân lý cứu độ của đời. Theo Hán tự “hà sa’ là sen rụng. Sen là loài hoa tượng trưng cho đạo Phật, cho sự giác ngộ phật pháp, giác ngộ được những chân lý tốt đẹp. Ỏ đây sự vinh hiển giả tạo của hợp duyên trăng và đá bị sự nhỏ nhoi như giọt sương làm cho vỡ nát, kéo theo cánh hoa sen rơi rụng, nghĩa là làm cho chân lý tốt đẹp tan ra mây khói bởi sự vinh hiển giả tạo kia vấy bẩn chân tâm.

giấc ngủ xuống
giữa hoang liêu của núi
Vượn rừng sâu mê mãi cây cành
Ta hát khẽ
Vang vang bầu vọng tưởng
Trái nhân tình
Muôn thuở chẳng màu xanh!

Trong bóng đêm của trần gian khác chi trong chốn núi rừng hoang liêu, loài người khác chi những đàn vượn từ đời nầy qua đời kia luẩn quẩn trên cây, cành. Đến đây cái tâm nhà thơ đã ở ngoài biến động của cảnh giới, đã vượt qua hỉ, nộ, ái, ố của tình người muôn thuở không bao giờ tốt đẹp. Đến đây nhà thơ không còn là người lặng ngụp trong bóng đêm khổ đau đó, nên người đã bình tâm cất tiếng hát khẽ về những điều kia, về bầu vọng tưởng, về trái nhân tình biến sắc đã ở ngoài cõi tâm linh của mình.

Bây giờ tâm đã tịnh, hồn đã thanh, tác giả không cần đến con đò mà vẫn qua sông:

ta chống gậy
qua sông
không bè bạn
cọng cỏ bên đường lất phất trông theo
mỗi câu thơ là mỗi trang cao sĩ
thoảng hương trầm
trong nỗi nhớ trong veo

Người đã qua sông một mình trong thanh tịnh. Cảnh bây giờ không còn cô liêu lạnh giá nữa, cho đến cọng cỏ bên đường cũng trở nên thân mật “lất phất trông theo”. Tác giả đã được giải thoát khổ đau, chứng nhiệm được thơ chính là hương vị giải thoát dậy lên trong tâm hồn tác giả. Thơ bây giờ ở trong vạn vật, thơ bao trùm không gian với hương trầm, thoảng ý nghĩa cao siêu, với nỗi nhớ không dằn vặt, không ưu tư về quá khứ, bình tịnh trong tâm hồn được tác giả diển tả bằng hai chữ “trong veo”. Như thế thơ chính là nguồn sáng của chân lý mà tác giả đã chứng ngộ được. Và khi đã chứng ngộ được thơ thì dòng sông ngăn cách đến chân lý không còn:

chừ với đá, ba đời giấc ngủ
viễn khách ơi!
viễn mộng nào đây?
phù phiếm quá,
con sông không chảy
và bờ kia,
hiển hiện bờ nầy!

Không còn dòng sông nghĩa là không còn ngăn cách giữa hiện thực và cứu cánh, giữa ngục tù trần gian và cõi giải thoát viên mãn. Tác giả thấy được hằng hằng kiếp kiếp đời người là viễn khách miệt mài trên con đường viễn mộng. Con người vì u mê, suy tư không chánh niệm thì cũng giống như đầu đá không có suy tư, cho nên thấy dòng sông phù phiếm chảy muôn đời ngăn cách ta và chân lý. Sự thật “con sông không chảy/ và bờ kia/ hiển hiện bờ nầy”. Khi con mắt nhìn thấy chân lý tinh tường thì nghịch cảnh, trở ngại, khổ đau tan biến. Bấy giờ bến mê và bờ giải thoát ở cạnh bên nhau, chỉ cần “chống gậy” bước đi thì sẽ “qua sông”.  

Suốt bài thơ tác giả không dùng từ cao siêu nhưng ý nghĩa thì sâu nhiệm triết lý thâm sâu Phật pháp.

Tiếng thơ như tiếng đàn rung động giữa trời trăng bao la, bên sườn non vẳng lặng, cạnh dòng sông bát ngát. Đó là hình ảnh cuộc đời được mô tả trong cái đẹp phù phiếm của trần gian. Hình ảnh người thơ “bẻ kiếm vào sơn cốc”, “chống gậy qua sông” như bức tranh hùng vĩ của người cô đơn đi tìm chân lý trên đời. Và “ bờ bên kia/ hiển hiện bờ bên nầy!” là niềm vui cao siêu, là bờ giải thoát tuyệt vời cho ngàn kiếp nhân sinh trôi lăn trong vòng tối tăm ảo ảnh.

 Thơ như tiếng chuông đồng vọng vào lòng người, càng nghe càng thấy an vui, êm ái, bình tịnh trong tâm hồn ./.
                                                                           Châu Thạch

 Giấc Ngủ Của Đá
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Giấc ngủ xuống
giữa triền non vắng lặng
bóng ai về lạnh buốt cả ngàn dâu
tay chạm khẽ
vào mong manh của gió
bỗng trần gian va động những cung sầu
 
ta đứng lên,
gọi đò,
bên bờ sông lau lách
lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa
lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc
chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta
 
chừ bẻ kiếm đi vào sơn cốc
chợt hôm kia
đầu đá
mọc thành hoa
nỗi vinh hiển như bóng trăng chẳng thực
giọt sương trời, rơi vỡ cảnh hà sa
 
giấc ngủ xuống,
giữa hoang liêu của núi
vượn rừng sâu mê mải cây cành
ta hát khẽ,
vang vang bầu vọng tưởng
trái nhân tình
muôn thuở chằng màu xanh!
 
ta chống gậy,
qua sông,
không bè bạn
cọng cỏ bên đường lất phất trông theo
mỗi câu thơ là mỗi trang cao sĩ
thoảng hương trầm
trong nỗi nhớ trong veo
 
chừ với đá, ba đời giấc ngủ
viễn khách ơi!
viễn mộng nào đây?
phù phiếm quá,
con sông không chảy!
và bờ kia,
hiển hiện bờ này!


READ MORE - ĐỌC “GIẤC NGỦ CỦA ĐÁ” THƠ MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH - Châu Thạch

MAI NỞ GIỮA LÒNG NHAU - thơ Trúc Thanh Tâm





MAI NỞ GIỮA LÒNG NHAU

Em từng đêm bình yên trong giấc ngủ
Ta yên lòng lang bạt cánh chim bay
Trân trọng biết bao những người đi trước
Giữ quê mình vì thế hệ ngày mai

Em có thấy mây chiều nghiêng bóng nắng
Phía trời xa cò trắng rủ nhau về
Cuộc đời nầy nhiều điều không nói được
Tâm sự buồn chỉ nói để em nghe

Những cánh én dệt mùa xuân mơ ước
Mộng đời bay theo làn sóng âm thanh
Đêm ba mươi nhớ hoài nồi bánh tét
Thương cha mẹ mình thời tuổi còn xanh

Phút giao thừa nghe tình người rạng rỡ
Nối vòng tay cho quên hết niềm đau
Tiếng quê hương những câu hò điệu lý
Khi vẫn còn mai nở giữa lòng nhau !

 18.01.2015
TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )

 tructhanhtaam@yahoo.com
READ MORE - MAI NỞ GIỮA LÒNG NHAU - thơ Trúc Thanh Tâm

QUẨN QUANH CŨNG CHỈ VỚI RỪNG - thơ Hoàng Yên Lynh





QUẨN QUANH
CŨNG CHỈ VỚI RỪNG 

Ta với rừng - rừng với ta
Tỉ tê suối gọi sương sa lưng đồi
Túp lều vắng ánh trăng soi
Người xưa có nhớ có ta bên đời
Thôi thì năm tháng đầy vơi
Ta con chim lạc lẽ loi cuối trời
Tóc đời cũng đã trắng rơi
Mà tin xuân cứ chơi vơi chốn nào
Nẻo đi mòn gót lao đao
Lối xưa níu gọi nôn nao chốn về
Cuối trời còn có cố quê
Cuối đời ta vẫn đam mê vọng tình
Với vầng trăng cũ chông chênh
Hỏi ai, ai nhớ hỏi mình - thôi quên ...

                        HOÀNG YÊN LYNH
                             B,Lao 01.2015
                       hoangmylinh@live.com





READ MORE - QUẨN QUANH CŨNG CHỈ VỚI RỪNG - thơ Hoàng Yên Lynh

HOA MIỀN ĐÔNG - thơ Trần Ngọc Hưởng






Hoa miền đông…

Cúc vàng sứ trắng đâu rồi,
Còn mường tượng dáng em cười với hoa.
Một thời tuổi nhỏ chưa xa,
Bao dư ảnh của quê nhà miền đông…


Màu hoa tím phút đói lòng,
Nước lưng chén, thắp đèn chong tìm người.
Sim, cùng ăn nửa trái thôi,
Chát chua san sớt, ngọt bùi xẻ chia.


Màu hoa điểm trắng ơ kìa,
Trái gùi Bến Cát nghìn khuya gợi sầu.
Hồn quê đổ bóng về đâu,
Chiêm bao mắc võng hai đầu nắng mưa


"Hoa mua ai bán mà mua”,
Ong chao cánh lượn đợi mùa bên cây.
Màu hoa tím nhạt thơ ngây,
Đâu đêm thao thức đâu ngày vấn vương?


Chợt về dỗ giấc vô thường,
Bao màu hoa của quê hương đây rồi.
Dạt trôi gần hết nửa đời,
Rạng ngời vẫn dáng em cười với hoa


 Trần Ngọc Hưởng
READ MORE - HOA MIỀN ĐÔNG - thơ Trần Ngọc Hưởng

Thơ Phan Minh Châu: CHIỀU CUỐI CHẠP NƠI MỘT THÀNH PHỐ TRẺ, VÔ ĐỀ





CHIỀU CUỐI CHẠP  NƠI MỘT THÀNH PHỐ TRẺ
 (Tặng thành phố Tuy Hòa tròn 400 năm tuổi)

Phố ngửa mặt đón mùa xuân trẩy hội.
Cánh đồng quê xuống tóc trả ơn người
Tiếng máy tuốt kêu khan chiều cuối chạp
Đêm giao thừa hối hả gói niềm vui
Nước sông Chùa thổn thức chảy về xuôi
Khi dáng tháp còn neo lời của biển
Kè Bạch Đằng ấm vầng trăng kỷ niệm
Chén rượu mời còn khuyết một niềm riêng
Quán tối đèn phố xá bổng lặng yên
Xe với cộ ngổn ngang hồn viễn xứ
Rừng hoa dại sống đầu non cuối bải
Chiều ba mươi hương sắc bổng tượng hình
Phố tuy hòa đang ấm một vầng trăng
Và đang nhã chút hương thầm cỏ nội
Mưa với gió để riêng mùa một cỏi
Nhánh Phong Lan âu yếm ngã vai người
Bốn trăm năm vành vạnh lể thôi nôi
Hay kỹ niệm một thời hương thiếu nữ
Chiếc eo thon ấm bao vầng trăng củ
Nay tơ non lịch lãm tuổi xuân thì

              
VÔ ĐỀ

Có lẽ tết này em đã tuổi ba hai
Ba hai tuổi hồn nhiên và mộng mị
Em biết giận, biết hờn, biết yêu thương và biết khóc.
Biết tự hành hạ mình,biết thách thức ngày mai
Từ Phú Yên ra Nam Định xa xôi
Đường xa quá chập chùng…. xa dịu vợi
Đành nói thật ước gì anh có lỗi
Dẫu đèo cao núi cả cũng tìm ra
Nhớ ngày xưa … cái tuổi học trò
Anh một thuở đã từng yêu gái Bắc
Đêm lén nghe đài trong này kêu là giặc
Đu cây đu đủ còm thân lá chẳng buồn cong
Lén nghe những bài thơ đọc tối mùa đông
Sao lại sáng trong anh những ngày hè rưc lửa
Những bài thơ phát ra từ chiếc radio buồn vốn không có tội
Vẫn chui nhũi hàng ngày trong góc khuất đời anh
Anh đâu biết rằng lớp chúng em những người sống bên kia
Trong sáng quá những tâm hồn tươi đẹp
Biết vượt trường sơn biết đi tìm tổ quốc
Khi Tổ quốc neo đơn trong mỗi trái tim người
Anh bây giờ cũng chớm sáu mươi
Sáu mươi tuổi hẳn không còn trẻ nửa
Chợt nhớ lại ngày xưa nghe bài thơ Bếp Lửa

Bổng ấm lòng cho suốt những ngày đông.

Phan Minh Châu
READ MORE - Thơ Phan Minh Châu: CHIỀU CUỐI CHẠP NƠI MỘT THÀNH PHỐ TRẺ, VÔ ĐỀ

CUỐI NĂM VỀ QUẢNG NGÃI - thơ Huy Uyên




Cuối năm về Quảng-Ngải

Vườn mía nhà người xanh mật ngọt
Quảng-Ngãi dòng trôi, Trà-Khúc tôi về
dốc Thiên-Ấn xa trên đồi mưa rớt
ngôi chùa xưa chìm màu sương mây .

Em Bình-Đê vốn nghèo ruộng đồng
đám lúa quanh năm đổ đèo thoai thoải
tình gởi ai cát trắng Sa-Huỳnh
nghe người có về ghé qua dốc Sỏi .

Tóc em một thời bay cùng gió
biển dài theo từng xóm nhỏ quanh co
phía nam An-Tân em đi từ đó
để riêng Chu-Lai chín đợi mười chờ .

Thuyền từ Sa-Kỳ một sớm ra khơi
em rao cá phía chợ chiều Cỗ-Lũy
những lần lên Cà-Đam xa lắm quê người
năm tháng chiến trường đạn bom Sông Vệ .

Đường xưa ôm ngang lưng phố
gởi tình ai ở lại Bình-Sơn
em xa áo chị phơi đầu ngõ
mẹ bước lần qua chợ Cẫm-Thành  .

Tình trao người ra đảo Lý-Sơn
núi đồi ôm rừng dừa,rừng chuối
ngày tôi tiễn em (Lý-Sơn) nắng tím  phi-trường (*)
lặng buồn cầm tay em hờn tủi .

Má em có duyên màu da bánh mật
bao năm rồi không quên được môi hôn
mang tim về đâu cuối rừng Gia-Vực
để tới hôm nay cảm thấy thêm buồn   .

Dạo cuối năm theo tàu xuôi Quảng-Ngãi
vẫn dịu hiền phố chợ ngày xưa
đứng bên cầu đợi người hoài mãi
bao năm qua đi sao chẳng thấy về !

Huy Uyên
1-2015
(*) sân bay nhỏ Lý-Sơn trước 1975.


READ MORE - CUỐI NĂM VỀ QUẢNG NGÃI - thơ Huy Uyên

CHIẾC ÁO DÀI NỮ VIỆT NAM THẬT TUYỆT VỜI! - Nguyễn Hồng Trân

       CHIẾC ÁO DÀI NỮ VIỆT NAM THẬT TUYỆT VỜI!
                             Nguyễn Hồng Trân

Chiếc áo dài xuất hiện ở Việt Nam từ ngày xưa lần đầu tiên vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, tức chúa Vũ Vương(1738 - 1765). Thời đó có quy định về kiểu cách chiếc áo dài nam và áo dài nữ. Áo dài nam thì đơn giản ta không bàn đến. Chỉ có áo dài nữ thì càng ngày càng phong phú về kiểu cách, màu sắc, hoa văn… đã gây ấn tượng quý mến, yêu thích cho mọi người dân Việt. hình dáng chiếc áo dài nữ đầu tiên đã ra đời do một họa sĩ có danh hiệu Cát Tường lấy cảm hứng từ mẫu chiếc áo dài tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi.Vì thế nên đến thời Pháp thuộc người ta thường gọi là áo dài nữ là áo lơ-mue (Le mur-là bức tường- ẩn ý tên ông Tường).



  Mỗi chiếc áo dài Việt Nam có một màu riêng, như xanh, đỏ, tìm, vàng, nâu, trắng v.v… Qua nhiều thời kỳ, phụ nữ Việt sử dụng chiếc ào dài đã được cải tiến dần dần nên đẹp hơn trước và thuận lợi hơn áo dài ngày xưa. Dáng dấp chiếc áo dài thì vẫn thế, nhưng có một số chi tiết thay đổi cho phù hợp với dáng người mặc như cổ áo mở rộng không bo, vạt áo thêu thùa cành hoa, chim thú… (do bà Trần Lệ Xuân nghĩ ra năm 1957); áo dài cúc bấm, áo dài cúc khuy vải; áo dài tay bó hoặc tay loe; áo dài thêu chim, thuê hoa, đính kim tuyến, áo dài tà,  áo ngắn tà, áo dài tay, không tay, v.v… Có thể nói rằng, ngày nay áo dài phụ nữ Việt Nam rất đa dạng kiểu cách, hoa văn và đẹp hơn nhiều so với ngày xưa. Chiếc áo dài nữ Việt Nam không những chỉ phụ nữ Việt ưa thích mà cả những phụ nữ nước ngoài cũng ưa thích.

Người phụ nữ Việt Nam khi mắc áo dài trông rất duyên dáng, thanh lịch. Ngày xưa, ở thành phố cũng như nông thôn thì đi chợ, đi chùa, đi nhà thờ, đi dự việc họ, việc làng… phụ nữ đều mặc áo dài đàng hoàng, nhìn rất dịu dàng, lịch sự.

Tại cố đô Huế, phụ nữ thường thích mặc áo dài màu tím. Các du khách đến thành phố Huế khi nhìn thấy trên cầu Trường Tiền, trên các đường phố từng tốp học sinh, sinh viên mặc áo dài thướt tha đi nhẹ nhàng ung dung trông rất dễ thương, trìu mến.

Ngày xưa, gia đình tôi ở kinh thành Huế, mỗi lần tôi đi ngang trường nữ Đồng Khánh, lúc tan trường là gặp từng đoàn nữ sinh mặc áo dài xanh, tím, trắng thướt tha đi trên đường phố, trông thật đẹp đẽ, dịu dàng  dễ thương quá!...  Bây giờ mỗi lần cứ hình dung lại những ngày niên thiếu ở Huế là trước mắt tôi lại hiện lên những hình ảnh các cô gái dịu hiền, xinh tươi đang ung dung trên đường phố dọc bờ sông Hương và cầu Trường Tiền như một bức tranh thanh bình mơ mộng….

Ôi, áo dài phụ nữ Việt Nam đã ghi sâu bao niềm nhớ nhung lưu luyến của bao thế hệ học trò và thầy cô cũng như bao người dân Việt!...
                                           Hà Nội tháng 1, năm 2015

                                                          NHT
READ MORE - CHIẾC ÁO DÀI NỮ VIỆT NAM THẬT TUYỆT VỜI! - Nguyễn Hồng Trân