NHỚ NHÀ
Nguyễn Thị Liên Hưng
Lạ thật! Đã sống qua trên 60 năm
dâu bể, lăn lóc từ nơi này đến nơi khác rồi trạm dừng cuối là một miền đất
phương Nam hiền hòa trên 40 mùa thu rồi, vậy mà sao tôi cứ nhớ nhà - nhớ mãi về
ngôi nhà xưa - nơi tôi chỉ sống chừng 10 năm kể từ lúc chào đời nhỉ? Nhớ, nhớ
và mắt lại vướng khói như bây giờ đây, nhớ đến quặn thắt ruột gan. Nhớ quá! Nhớ
quá nhà xưa ơi! Nỗi nhớ làm tôi không thể nuốt vào lòng nên phải viết ra, viết
ra rồi biết đâu lòng sẽ nhẹ đi đôi chút.
Thỉnh thoảng tôi lại nằm mơ “về nhà”, mơ về
nhà mà lại là ngôi nhà thời thơ ấu. Tôi không hiểu tại sao những ngôi nhà tôi
đã sống qua hơn nửa đời người về sau tôi lại không hề nằm mơ, kể cả ngôi nhà hiện
tại. Giấc nghỉ trưa ngắn ngủi hôm nay lại đưa tôi trở về căn nhà xưa - ngôi nhà
giữa khu vườn cây đầy hoa trái mà ba mạ tôi xây dựng sau khi hòa bình lập lại
(1954). Ba mạ tôi thường nhắc là để xây nhà mới, ba đã tận dụng không ít gạch,
táp-lô rơi vãi từ ngôi nhà lớn cũ của ông bà nội để lại - ngôi nhà đã bị giặc
Pháp chiếm đóng làm bản doanh và khi rút đi chúng bắt dân làng gánh rơm rạ chất
đầy nhà để đốt, lửa cháy trong suốt trong mấy ngày đêm vẫn chưa hết.
Từ đống tro tàn sau chiến tranh, ba mạ tôi đã
bắt tay dựng lại nhà, lập lại vườn. Ba tôi là người đam mê cây trái nên ông đã
tìm tòi, đem về trồng trong vườn đủ thứ: từ cây ăn trái đến những loài hoa, cây
kiểng lạ mà người dân quê trong vùng ít ai biết tới. Mạ tôi ngoài việc lo ruộng
vườn, nhà cửa, con cái thì thú đọc sách và chăm sóc hoa là niềm vui của bà, vì
thế vườn nhà tôi hoa trái bốn mùa khoe sắc. Thuở ấy tôi còn nhỏ mà sao cảnh cũ
nhà xưa lại in dấu vào trí nhớ rõ ràng để sau này luôn hiển hiện ra trước mắt,
không bỏ sót chi tiết nào. Tôi nhớ hàng sầu đông chen với những nhánh hoàng anh
vàng ngăn đường đi với cái sân rộng; cái sân mà mỗi vụ mùa không chỉ vàng ươm
màu thóc lúa nó còn đỏ chót với ớt chín đổ đầy hay trắng sân khoai, sắn xắt lát
phơi nắng. Tôi nhớ hàng cau thẳng tắp đầu hè với những buồng nặng trĩu, giống
cau lửa trái tròn vo, vỏ cau nửa trái phía cuống xanh còn nửa trái đến ngọn màu
gạch tươi trông rất đẹp mắt. Loại cau này các mệ, các o, các thím rất thích vì
nó vừa ngọt vừa mềm. Tôi nhớ mãi căn nhà ba gian rộng rãi mà gian giữa là gian
thờ tổ tiên. Căn nhà ngang tiếp giáp với nhà trên là chỗ sinh hoạt của phụ nữ. Ở
đó, bên cạnh cái chồ to đùng đựng lúa là chiếc võng tre - nơi tôi thường nằm
đong đưa mỗi khi không chạy chơi, cao hứng lại đọc vanh vách cuốn Bé học vần từ
trang đầu đến dòng chữ cuối dù chưa đủ tuổi đến trường, vui miệng con bé ấy còn
cất tiếng hò học lỏm, hò say mê từ câu này sang câu khác bằng cái giọng trẻ con
non nớt khiến người lớn không nhịn được cười. Nơi đó còn có đủ vật dụng để xay
lúa giã gạo. Bộ nia, sàng, dần... dùng để "làm xáo" đan bằng tre cật
lâu ngày lên nước láng cóng gác trên giàn bếp. Bộ giàng xay dùng để xay lúa cho
tróc vỏ dềnh dàng chiếm một góc nhà, bên cạnh là bộ cối chày để giã gạo và giã các
thứ nông sản khác. Chày có 2 loại đều làm bằng gỗ: chày dài đứng để giã còn
chày tròn giã khi ngồi gọi là chày vồ - đó là một loại nông cụ làm bằng khúc gỗ
lớn, tròn, nối với tay cầm. Những đêm trăng, người lớn đem chày cối ra sân giã
gạo, thường 4 người ngồi bốn góc thay nhau giã lên xuống nhịp nhàng, khi nào
không đủ "tay" thì 3 hay 2 người cũng được nhưng giã chày vồ tôi chưa
hề thấy giã 1 người. Họ vừa giã gạo vừa trò chuyện râm ran, có khi cùng nhau cất
tiếng hò, giọng hò ngân nga trong đêm vắng đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm và chắc
là làm rung động cả vầng trăng.. Chày trên những bàn tay lâu lâu lại xoay đều -
để giã cả hai đầu chày - như làm xiếc mà không hề vướng vào chày của người
khác, trong khi tiếng nện xuống cối thình thịch mà gạo chỉ mấp mem tai cối, chỉ
cần đưa tay quơ là số gạo tràn ngoan ngoãn trở về chỗ cũ, không hề văng ra
ngoài. Chiếc cối ấy bằng đá rất nặng - là vật sót lại từ thuở nảo thuở nào. Khi
muốn di chuyển phải mấy người đàn ông “vần” chứ không khiêng được - mà chỉ “vần”
từ nhà ra sân hoặc từ sân vào nhà thôi. Vì thế qua mấy cuộc chiến tranh, dù bị
đạn pháo bắn sứt sẹo nhưng nó vẫn làm tốt nhiệm vụ, không chỉ cho chủ nhà mà
còn cho bà con chòm xóm ai cần đến nó.
Hàng năm, cứ ngày rằm tháng Mười là mạ tôi
cúng cơm mới. Tục lệ cúng cơm mới là dùng gạo, nếp mùa trái vừa thu hoạch để nấu
cơm, làm bánh. Nếp mùa trái hạt to mây mẩy, trắng đục vừa thơm vừa dẻo. Gạo mùa
trái có màu tím hồng, khi nấu chín thành cơm ít nở, mềm, dẻo, ăn rất ngon.
Nhưng gạo, nếp mùa trái năng suất thấp nên chỉ trồng để ăn hoặc làm quà biếu,
ít khi bán.
Đầu mùa đông năm 1966, mạ tôi cũng
chuẩn bị mọi thứ cho lễ cúng cơm mới, vậy mà chưa kịp đến ngày rằm thì một cuộc
xáp lá cà giữa đội quân hai bên Nam - Bắc đã nổ ra. Súng đạn, pháo kích đã xóa
sạch cái xóm Bắc Tả nhỏ bé. Khi hai bên đã rút quân, chỉ để lại những xác người
và máy bay tải thương gầm rú ngoài đồng ruộng, tôi cùng đoàn người chạy loạn
len lách tre đổ choán đường đi vào xóm để
tìm về nhà thì than ôi: ngôi nhà thân yêu của gia đình tôi đã tan tành, số chén
bát kiểu truyền đời mạ chất đầy mấy lu chôn dưới nền nhà cũng bị xáo lên, mảnh
bay tứ tung, vườn cây ngỗn ngang, những cành hoa cháy xém một cách tức tưởi.
Tôi khóc òa lên và tiếng khóc ấy khiến mạ tôi bên kia đống đổ nát chạy vội tới,
mạ ôm chặt tôi trong đôi tay, vừa khóc vừa kêu: con tôi còn sống, con tôi còn sống…
Vì khi chạy tìm cái sống giữa 2 làn đạn trong xóm, tôi đã lạc mạ. Không ngờ tôi
thoát được ra ngoài còn mạ tôi và em gái Vĩnh Phước thì bị kẹt trong trận chiến
ấy, mạ cứ tưởng tôi chết đâu đó rồi. May mà cả nhà tôi đã bình an.
Tôi xa làng quê Lam Thủy từ dạo đó. Về ở tạm tại
quê ngoại Quy Thiện, đến làng Thạch Hãn, rồi Huế, Đà Nẵng, Khu Thị Tứ hồi cư,
xã Hải Trí trên bãi cát Diên Sanh mồ chen cát trắng… Rồi gia đình tôi cũng quay
về chốn xưa sau ngày 30/4/75. Mạ tôi lập lại khu vườn hoa trái dù không được
như thuở trước nhưng cũng ấm lòng hơn những tháng ngày lưu lạc. Những tưởng sẽ
an phận trong cuộc sống điền viên nơi chôn nhau cắt rốn cho đến cuối đời nhưng
rồi tôi phải ra đi tìm đất sống khi vừa rời ghế nhà trường. Tôi yêu làng quê có
lũy tre già bao bọc, yêu cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay, yêu bến nước,
con đò đưa khách sang ngang trên dòng sông hiền hòa trong mát, yêu khu vườn cây
trái bên những người thân… Yêu cả ngày nắng khắc nghiệt, cả chiều đông lạnh
giá,… Nhưng những kỳ thị ấu trĩ của lớp người nhân danh cách mạng lúc ấy đã khiến
tôi không thể thở nổi, cho nên tôi phải đi tìm không khí… để thở. Mấy năm sau mạ
tôi cũng đành phải gạt nước mắt rời quê vào Nam, vì các con mạ không còn ai ở
quê nữa.
Trưa nay tôi nằm võng, trong không gian yên
tĩnh tôi phóng tầm mắt nhìn ra ngoài không suy nghĩ, để trí óc thảnh thơi. Bầu
trời thu nắng nhạt, gió mơn man, mây trắng nhẹ nhàng trôi. Tôi chìm vào giấc ngủ
lúc nào không hay. Trong giấc mơ ấy, những nếp nhăn ký ức nằm sâu trong đầu đã
đưa tôi về quá khứ. Tôi không biết mình ở khoảng thời gian nào, cũng không gặp
ai, chỉ thấy căn nhà xưa và vườn hoa trái rực lên trong nắng sớm. Thứ ánh nắng
lành lạnh rất dễ chịu cuối đông sau những ngày mưa dầm. Trên cây sào dài ở góc
sân vắt đủ thứ mùng mền, chăn gối… Tôi tự hỏi không biết những thứ đó vừa được
giặt hay mạ đem ra ngoài để chờ ban vệ sinh địa phương đến xịt thuốc trừ muỗi
trong nhà. (Đó là ký ức những năm 60, 61; lúc ấy tôi còn bé tí mà sao lại nhớ rất
rõ). Một mình tôi đi lui đi tới - chỉ một mình. Tôi loanh quanh khắp vườn mà
không vào nhà, vẫn hàng cau, vẫn cây chanh giấy đầy trái góc này, cây quýt Hồng
Diễu trĩu quả chỗ kia…và những tia nắng sớm xuyên qua hàng sầu đông trước ngõ.
Chợt một âm thanh rộ làm tôi giật mình, tỉnh giấc. Tôi bàng hoàng nhìn quanh, một
hồi lâu mới xác định được thời gian, không gian hiện tại. Tiếng ồn phá bĩnh vừa
rồi là tiếng rú xe ngoài đường của tên nhóc nào đó. Tôi bật khóc, tôi nhớ, nhớ
nhức nhối ngôi nhà xưa, nhớ ba mạ, nhớ chị, nhớ em, nhớ tuổi thơ êm đềm,.. Nhớ
bầu trời yêu thương ngày nào đã đi vào dĩ vãng.
Ngày tháng trôi
Cuộc đời như giấc mộng
Tỉnh giấc rồi
Chỉ còn nước mắt rơi
LH (08/09/2020)