Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 13, 2019

BÔNG QUỲ - Tùy bút - Hoàng Long Hải


Bông Quỳ


Tùy bút của Hoàng Long Hải


            Cuối con đường đi về nhà ngoại tôi, gần ngã ba gặp đường Cửa Hậu, có một cây cầu đúc bằng xi-măng. Bên dưới cầu là một con hói khá lớn, nối từ bốn cái hồ chung quanh Thành Cổ Quảng Trị với sông Thạch Hãn. Mỗi năm, khi tới mùa lũ, theo thời tiết ở miền Trung thì “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”, nước nguồn đổ về tràn lên hai bờ sông thì nước sông cũng theo con hói nầy mà vào các hồ chung quanh thành cổ. Nước hồ lên cao.

            Ngược lại, vào mùa hè, nước sông rất cạn, bờ các hồ và con hói bày ra gần hết, cỏ xanh mọc lên, cây dại cũng lên đầy, hoa dại nở ra, rất nhiều loại, nhiều nhất là hoa hổ ngươi.

            Bờ hói sát chân cầu đúc trên đường về nhà ngoại tôi, có một đám Bông Quỳ lớn bằng sân bóng chuyền. Những đóa bông vàng chen chúc nhau, vươn cao lên, làm như bông nào cũng gắng đón nhận một chút ánh sáng mặt trời. Màu vàng rực rỡ lôi cuốn tôi dữ lắm nên mỗi khi về thăm ngoại, đi ngang cầu, tôi dừng lại ở đoạn giữa, nơi thành cầu làm bằng sắt, không xây gạch như ở hai đầu, để tôi có thể nhìn rõ hàng trăm đóa Bông Quỳ nở rộ ở dưới kia.

            Hồi đó, có lẽ tôi mới ba, bốn tuổi, nên khi tôi đứng sát thành cầu, thường bị mẹ hay chị gọi giựt lui, không cho tôi đứng sát thành cầu, sợ tôi bị té xuống hói.

            Thích coi bông quỳ, lại bị ngăn cản, việc ấy làm cho
thời thơ ấu của tôi in lại trong lòng một ấn tượng khó quên.

            Những ngày cúng kỵ, cậu (thân phụ tôi) thường sai anh tôi sang “Nhà Giây Thép” ở bên cạnh xin một ít Phượng Tây để chưng trên bàn thờ. Không mấy khi người ta dâng cúng bằng Phượng Ta, cũng như không chưng Bông Quỳ trên bàn thờ bao giờ.

            Sau biến cố chiến tranh đầu năm Đinh Hợi (1947), gia đình tôi “chạy tản cư” khỏi thành phố. Hai năm sau, “hồi cư”, bà ngoại tôi qua đời, nhà bà ngoại bị Tây đốt. Trong khu vườn cũ nhà ngoại, mẹ tôi dựng một ngôi nhà tranh. Nhà nầy, ngó ra con hói cũ, nhưng phía đầu cầu đúc, đám Bông Quỳ cũng không còn. Chiến tranh cũng tàn phá luôn cả những cây bông dại mà tôi yêu mến?! Rồi tới những ngày hè, không thấy những bông hoa vàng ngày cũ, lòng tôi vướng vất tiếc nuối một nỗi buồn về một đám bông dại qua rồi bên bờ hói nay đã không còn.

            Hồi ấy, tôi chỉ thấy tiếc cho những bông hoa ấy, không có gì khác.

            Nhưng rồi một hôm, mở cuốn “Chinh Phụ Ngâm” do cụ Vân Bình Tôn Thất Lương chú giải, đọc tới câu:
 
                        Hướng dương lòng thiếp như hoa,
                        Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.

                        Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,
                        Hoa để vàng bởi tại bóng dương.
                        Hoa vàng hoa rụng quanh tường,
                        Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.

            Cái tên nôm na của quê tôi là “Bông Quỳ” thì trong văn chương, nó có một cái tên văn vẻ hay hơn: “Hoa Hướng Dương”.

            Ca dao có câu:
                       
                        “Lòng em như hoa hướng dương,
                        Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời!”

            Tại sao Bông Quỳ có tên là “Hướng Dương”.
            Hoa Hướng Dương buổi sáng nghiêng về phía mặt trời mọc, phía Đông; buổi chiều, đóa hoa nghiêng về phía Tây, phía mặt trời lặn. Nó có nghĩa rằng suốt ngày, mặt đóa hoa bao giờ cũng “Hướng” tới mặt trời (Dương).

            Theo ý nghĩa của người Tầu xưa thì mặt trời tượng trưng cho vua, hoa là thần tử. Thần tử bao giờ cũng hướng về vua, phụng sự vua, hy sinh vì vua để giữ lòng trung: “Quân khiến thần tử, thần bất tử bất trung”. Đó là “tư tưởng phong kiến” ràng buộc quan, quân, dân chúng, để ngai vàng vua được vững bền.

            Trong văn chương Việt Nam cổ, tôi chưa tìm được một câu ca dao, hay thơ văn nào nói rằng vua là mặt trời mà hoa hướng dương là thần tử. Câu thơ Bà Đoàn Thị Điểm trích dẫn ở trên nói lên tấm lòng của người vợ, hướng về người chồng đi đánh giặc ở xa: “Hướng dương lòng thiếp như hoa”, nôm na là lòng người chinh phụ như hoa hướng dương mà lòng chàng thì lẩn thẩn e tà bóng dương. Bóng dương là bóng mặt trời, là người chồng!

            Trong ý nghĩa đó, hoa Hướng Dương tượng trưng cho người vợ; Mặt Trời, gọi là Dương, tượng trưng cho người chồng. Hoa Hướng Dương và mặt trời như trong câu ca dao của người Việt Nam “Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời” là muốn nói lên lòng Yêu Thương và Chung Thủy, về phía người đàn bà, chinh phụ, là người Vợ.

            Trong thực tế, trong cuộc đời, chúng ta, người vợ cũng như người chồng, có giữ được lòng chung thủy với nhau không? E rằng không, vì bấy lâu nay, từ khi tôi khôn lớn, chiến tranh lan tràn, dữ dội, gây nên bao nhiêu cảnh chia lìa, ly tán, chết chóc, đau khổ, người ở nhà, người đi xa, khó giữ được lòng chung thủy với nhau như trong câu ca dao.

            Ngay trong thời bình, đời sống tương đối yên ổn, người ta còn không giữ được lòng chung thủy với nhau nữa là!

            Trong bài thơ “Hai Lòng”, Nguyễn Bính than thở: 

                        Lòng em như quán bán hàng
                        Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi.
                        Lòng anh như mảng bè trôi
                        Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều.

                        Lòng anh như biển sóng cồn
                        Chứa muôn con nước nghìn con sông dài
                        Lòng em như thể lá khoai
                        Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu

                        Lòng anh như hoa hướng dương
                        Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.
                        Lòng em như cái con thoi
                        Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành!
                                                                                    1940

            Nguyễn Bính tự ví ông là người chung thủy, còn người đàn bà, người tình hay người vợ, không giữ được tấm lòng như thế.

            Ông là mảng bè, trôi theo một dòng, về một bến sông. Còn em như một quán hàng, ai đến ai đi, chẳng được.

            Lòng anh như biển, bao nhiêu nước cũng đổ về đấy, chỉ một nơi mà thôi. Lòng em như ngọn lá khoai, chẳng bao giờ “đọng” lại một giọt nước nào! Không một tình yêu nào còn lại ở lòng em. Phải chăng em chẳng yêu thương ai bao giờ!

            Rồi ông mượn câu cao dao để nói lên tấm lòng của ông, nhưng đổi ngược vai trò. Anh là hoa hướng dương mà em là mặt trời!

            Việc yêu thương nhưng thiếu chung thủy thường là chuyện buồn. Tản Đà trong bài thơ “Ngọn Gió Thu Phong”, ông viết như sau:

                        Trận gió thu phong rụng lá vàng
                        Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
                        Vàng bay mấy lá năm già nửa
                        Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!

                        Trận gió thu phong rụng lá hồng
                        Lá bay tường bắc, lá sang đông
                        Hồng bay mấy lá năm hồ hết
                        Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không!

            Phụ nhau là vì “hờ hững” hay có chủ ý, hay tình đã cạn rồi. Ở đời, người ta phụ nhau là vì tình không còn, lòng người “hờ hững”.

            Trong bài hát “Hoa Trinh Nữ”, người Nam gọi là “Cây Mắc Cở”, xứ tôi gọi là “Bông Hổ Ngươi”, Trần Thiện Thanh so sánh loài “hoa đơn sơ” nầy với Dạ Lý, với Hoa Hồng. Hồng thì kiêu sa. Dạ lý thì bán buôn. Đêm đêm “bán hương thơm trong vườn”. Dùng chữ “bán hương thơm” thì có khác chi ví Dạ Lý với cô gái làng chơi.

            Bông Quỳ không có gai như bông hồng. Phải có gai để gai giữ cho bông không bị côn trùng tàn phá, không phải để ngăn cản người hái hoa. Ai hái hoa mà bị gai đâm chảy máu là người vụng về. Hoa đẹp thường có gai, như hoa hồng. Phan Khôi nói: “Không hoa chỉ có gai mà ai chơi. Ta thương hồng lắm hồng ơi.”
            Trong tác phẩm “Le petit prince”, tác giả, Saint-Exupéry viết về một loài hoa có gai:

            “Ngày thứ năm, vẫn là nhờ ở con cừu, tôi biết được cái bí mật ấy trong cuộc đời ông hoàng bé nhỏ. Bất ngờ em hỏi tôi, không cần mào đầu, y như đó là kết quả của một vấn đề được âm thầm suy nghĩ từ lâu rồi:
            -Một con cừu, nếu nó ăn cây non, tất nó cũng ăn hoa chứ?
            -Cừu thì gặp cái gì nó ăn cái ấy.
            -Cả những bông hoa có gai ư?
            -Phải. Cả những bông hoa có gai.
            -Thế thì gai dùng để làm gì nào?
           
            Tôi không biết. Tôi bấy giờ đang bận tháo một đinh ốc vặn quá chặt trong động cơ của tôi. Tôi đã rất lo lắng vì thấy cái máy có vẻ hỏng nặng lắm, mà nước uống thì cạn dần làm cho tôi sợ xảy ra điều tệ hại nhất.
            -Những cái gai, chúng dùng để làm gì?

            Ông hoàng nhỏ không bao giờ chịu bỏ một câu hỏi, một khi đã nói ra. Tôi thì đang bực quá với cái đinh ốc, và tôi trả lời bừa:

            -Gai, nó chẳng dùng được vào việc gì sất. Nó chỉ là cái tính độc ác của hoa thôi!
            -ồ!

            Nhưng sau một lát im lặng em kêu lên một cách giận dỗi:
            -Tôi không tin! Loài hoa yếu đuối lắm. Chúng ngây thơ lắm. Chúng cố tự làm cho chúng được vững tâm. Chúng cho là với những cái gai, chúng đã ghê gớm lắm...

            Tôi không trả lời gì cả. Lúc ấy, tôi tự nhủ: “Cái đinh ốc này mà còn ngoan cố, ông sẽ cho mày một búa văng xương.”

            Ông hoàng nhỏ lại làm sao lãng những suy nghĩ của tôi:
            -Còn ông, ông tưởng rằng hoa...
            -Không! Không! Tôi có tưởng gì đâu! Tôi trả lời đại thế thôi. Tôi đang bận những việc hệ trọng!

            Cậu nhìn tôi ngạc nhiên:
            -Những việc hệ trọng!

            Cậu em nhìn thấy tôi tay cầm búa, các ngón đen thui vì dầu máy, cúi xuống một vật mà em xem ra thật là xấu xí.

            -Ông nói như các người lớn ấy!

            Câu ấy làm tôi hơi xấu hổ. Nhưng không thương xót, em nói thêm:
            -Ông lẫn lộn hết... ông xáo trộn hết!

            Cậu em thực sự bực tức. Mái tóc của em vàng xoã tung ra trước gió:
            -Tôi biết có một tinh cầu, trên đó có một ông mặt mũi đỏ gay. Ông ta không hề ngửi một bông hoa. Không hề ngắm một vì sao. Không hề yêu một người nào. Ông ta chẳng bao giờ làm cái gì khác những bài tính cộng. Và suốt ngày ông ta cứ lặp đi lặp lại như ông: “Tôi là một người đúng đắn! Tôi là một người đúng đắn!”, và cái đó làm ông ta vênh vang hợm hĩnh. Nhưng ông ta đâu có phải là người, ông ta là một cái nấm!

            -Một cái gì?
            -Một cái nấm!

            Ông hoàng bé nhỏ lúc này tái xanh vì giận.
            -Đã hàng triệu năm nay, hoa làm ra gai. Hàng triệu năm nay, cừu vẫn cứ ăn hoa. Vậy mà tìm hiểu xem vì sao hoa lại cứ khổ sở làm ra những cái gai vô tích sự ấy, lại là chuyện không đúng đắn hay sao? Chiến tranh giữa cừu và hoa là chuyện không quan trọng hay sao? Không đúng đắn hơn, không quan trọng hơn những bài tính cộng của một cái ông to tướng mặt mũi đỏ gay hay sao? Và nếu như tôi, tôi biết một cái hoa duy nhất trên đời không có ở đâu ngoài tinh cầu của tôi, thế mà một con cừu nhỏ có thể hủy hoại nó bằng cách táp một cái mà thôi, vào một buổi sáng nào đó, mà không hề biết là mình vừa làm cái gì, chuyện đó không quan trọng hay sao!

            Em đỏ mặt rồi nói tiếp:
            -Khi một người yêu một đoá hoa duy nhất trong hàng triệu triệu ngôi sao, thì chỉ nhìn những ngôi sao là đủ làm cho anh ta hạnh phúc. Anh ta nghĩ: “Đoá hoa của mình ở đâu đó trên kia...” Nhưng nếu con cừu mà ăn đoá hoa đi, thì anh ta sẽ thấy như là tất cả các ngôi sao tự nhiên tắt lịm! Và chuyện đó không quan trọng hay sao! (chương 7)

            Bông Quỳ không có gai. Giữa là nhụy vàng lớn. Chung quanh là những cánh hoa màu xanh nhỏ, trông giống như mấy cái lá mọc đều quanh nhụy hoa. Cuống hoa mềm, loại thân thảo nên bông hoa có thể ngoảnh qua đông buổi sáng, nhìn thẳng lên mặt trời vào buổi trưa, rồi ngoảnh về tây vào buổi chiều. Khi mặt trời sắp lặn, trông hoa có vẻ buồn, không tươi và đẫm sương như khi mặt trời mới lên.

            Buổi chiều thường buồn. Tôi từng trải qua nhiều buổi chiều buồn ngồi bên bờ sông Thạch Hãn, nhìn mặt trời chìm xuống sau dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tôi buồn một cách tự nhiên, vì tuổi thiếu niên nhiều mơ mộng, không phải vì “Chiều ơi hãy xuống thăm ta với…” hay “Chiều lên dần dần, chiều không xuống…” Tôi không cảm nhận được sự tàn tạ của thời gian, hay buổi chiều là phần cuối của một ngày, như phần cuối của một đời người. Tôi còn trẻ, tôi không bi lụy vì cuộc đời dài hay ngắn, qua nhanh hay qua chậm. Nhưng những Bông Quỳ trông có vẻ buồn, như tôi nhận xét là vì gì? Vì người chồng đi xa lâu chưa về, làm cho người vợ mòn mỏi chờ chồng đó hay chăng? Cũng như “Đá Vọng Phu” đó chăng? Nếu đời như thế thì đời đáng buồn thật.

            Mùa Hè năm 1972, sau khi bị đổi về Gò Công, vài tuần một lần tôi về Saigon thăm gia đình. Đầu tuần, tôi trở lại đơn vị.

            Qua khỏi “bót” Cảnh Sát Ký Thu Ôn, ngay ranh giới Quận 6 với quận Cần Giuộc tỉnh Long An, tôi thẳng “ga” cho chiếc xe Honda Dame thẳng một lèo trên Liên Tỉnh Lộ 81 (tên cũ trước 1975) về “bắc” Cầu Nổi. Con đường không “ngon lành” như bây giờ - tên mới là Quốc Lộ 50 -, cũng đủ cho tôi vui “đường trường xa” cho một ngày đầu tuần. Qua khỏi “Thánh thất Cao Đài” Cần Giuộc bên tay trái, tôi vào đị phần quận Cần Đước. Tên thì nôm na như vậy, nhưng đây là “vùng lịch sử”, nơi quân của Trương Định cầm gậy tầm vông đánh nhau với bọn Tây mấy lần bất phân thắng bại. Trong “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu viết:

. . . . . . . .
            “Khá thương thay
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo giòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi,
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mả tà, mả ái hồn kinh.
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.

Những lăm lòng nghĩa sau dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây;

Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xá đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
. . . . . .

            Vốn là thầy dạy sử, đi qua những vùng “địa linh nhân kiệt”, tôi thường có lònh kính trọng những người “vị quốc vong thân”. Huống chi đây là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu từng:

                        “Nhớ linh xưa,
                        Côi cút làm ăn
                        Riêng lo nghèo khổ

rồi vì Vua, vì Nước, những nông dân chân lấm tay bùn đã đứng lên.

            Nhưng tôi chợt thấy những “bông hoa ngày cũ” như một niềm vui rộn rã bừng dậy trong lòng tôi. Nhiều bông hoa Quỳ nở ra rất sáng rõ, hướng về phía Đông - phía con đường tôi đang đi.

            Bông Quỳ ở đây lớn lắm, bằng cái dĩa bàn lớn, không như Bông Quỳ ở quê tôi, khi tôi còn nhỏ, chỉ to bằng cái dĩa trà. Rồi những câu thơ cũ, những “hướng dương lòng thiếp như hoa” làm tôi rộn ràng nhớ tới những ngày cầm phấn bảng đứng trên bục giảng, giảng cho học trò về một loài hoa chung thủy, “trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.”

            Không tránh khỏi tính yêu thích và tò mò, một hôm, tôi dừng xe lại bên đường, đi vào một ngôi nhà tranh bên đường, hỏi chủ nhà: “Sao Bông Quỳ để to vậy mà không hái?” Ông già chủ nhà trả lời: “Để lấy hột bán! Hột Bông Quỳ béo không thua gì đậu phụng!”

            Tôi bỗng thấy buồn. Tôi đã từng vài lần cắn hột Bông Quỳ. Nhưng dù nó có béo có thơm như thế nào, cũng không thơm, béo bằng lòng chung thủy của người với người!

            Có phải tôi không phải là người thực dụng như… người Mỹ.

            Nơi xa xôi nầy, không ít lần tôi nhớ quê cũ, dĩ nhiên, tôi không thể không nhớ những Bông Quỳ thời thơ ấu của tôi. Đôi khi tôi quên mất ý nghĩa chung thủy của nó. Trong cuộc chinh chiến tàn bạo nầy, nhắc chi chuyện chung thủy với thủy chung cho thêm đau vì đời. Quảng Trị thì tôi vẫn nhớ, và cũng nhớ Liên Tỉnh Lộ 81 có những Bông Quỳ rất to làm tôi thích thú một thời.

            Những gì chúng ta yêu mến rồi cũng mất, dù chỉ là một đám Bông Quỳ bên bờ con hói nhỏ, hay những Bông Quỳ rất lớn ở Cầm Giuộc, Cần Đước mà một thời tôi đã đi qua.

            Nhưng quê hương thì còn đó, ít nhất là Quảng Trị, ít nhất là của Trần Quang Lộc qua bài hát “Về đây nghe em” vì nhạc sĩ cùng quê với tôi. Tôi không mơ như nhạc sĩ, về quê hương để đi “đi guốc mộc”, “kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai”, mà tôi rất muốn “nghe lại tiếng xưa”, khi ngồi bên bờ sông Thạch Hãn mà tưởng như “Chở hồn người vào dòng suối mát” với nỗi niềm thiết tha.

            Một mai tôi qua đời, tôi sẽ dặn các con hãy đặt lên quan tài một đóa Bông Quỳ mà không cờ xí gì cả. Tôi muốn nhắc cho kẻ đi sau nhớ rằng tôi đã tìm lại tuổi thơ ấu của tôi, và giữ lòng chung thủy với đời, mặc dù Trần quang Lộc không nhắc lại một đóa hoa nào trong bài hát của ông.

            Không lẽ Quảng Trị chỉ có khoai sắn mà không có hoa?! Có lẽ ông cũng biết rằng khi bông hoa dâng cao lên thì “hận thù người người lắng xuống.” như ông từng hy vọng./

Hoàng Long Hải
Worcester MASS
Lập xuân 2019

           








READ MORE - BÔNG QUỲ - Tùy bút - Hoàng Long Hải

TÌNH THU - Thơ Phạm Hòa Việt

Tác giả Phạm Hòa Việt


TÌNH THU

Đã nửa mùa thu em biết chưa?
Tuổi đời chồng chất mấy cho vừa
Mây chiều chưa xoả tóc trên gối
Mà dáng em như gió đong đưa...

Em vẫn chưa về in dấu xưa 
Tình thu thức dậy sóng quanh bờ
Tìm chi trong suốt thời dĩ vãng
Để chốn the phòng nhạt tiếng thơ...

Để mấy mùa thu nhẹ hạt mưa
Áo choàng che nửa trái tim hờ
Nửa kia em dấu chờ đông đến
Sưởi ấm đêm dài trọn ước mơ...

Em vẫn là em của tháng ngày
Trăng thu sưởi ấm thoáng heo may 
Em hoà nhan sắc trong tình ái
Trong cả lòng anh với chén say...


PHẠM HÒA VIỆT
READ MORE - TÌNH THU - Thơ Phạm Hòa Việt

CỬA KHÔNG - Truyện ngắn MacDung

                                
         
Cửa Không
                                                            Truyện ngắn
MacDung
Lão cố gắng với tay về phía ngọn đèn nhưng hoàn toàn bất lực. Sức lực nội tại như tan biến, hòa vào hư không, bỏ trơ lại tấm thân tàn tạ vì mấy tháng trời rong ruổi cùng chiếc xe đạp. Lão nhớ rất rõ tai nạn đã xảy ra như thế nào, mặc dù không chắc lắm hồi ức của kẻ vừa thoát khỏi tay thần chết sẽ hoàn toàn chính xác. Sự chính xác mà theo lão nghĩ, là một phạm trù ước lượng hơn là một định lượng rõ ràng. Như thế nhưng con người vẫn thích nói “chính xác”, và không hiểu rằng muốn đạt được nó cần phải có nhiều sự chính xác hơn nữa, để biến mớ hỗn độn mơ hồ trở thành một thứ chân thực, hiện hữu, có thể cân đo đong đếm được...
Lão cố đưa cái chân lên trước mặt và muốn biết “chính xác” nó còn lành lặn, để có thể cùng lão lao vào cơn bão điên khùng nhất mà mình từng đối mặt. Cơn bão của lòng tự trọng bị tổn thương, đau đớn, ngoắc ngoải, rên xiết và giận dữ. Sự giận dữ mà lão chỉ có thể tóm tắt với định nghĩa “tột cùng” của sự tột cùng không thể nào khác hơn. Có ai nghĩ rằng, một lão già ngót sáu mươi tuổi lại có thể trải qua những điều lão đang chịu đựng. Cái đau đớn bên ngoài nào có sá gì so với sự thiêu đốt bằng lửa địa ngục mà lão từng nghe các thiền sư luận giải. Tám đứa con của lão sẽ nghĩ gì, nếu biết lão nằm đây, không người thân thích, với những vết thương... cũng chỉ là vết thương, có thể lành trong nay mai, hoặc không bao giờ hồi phục... Bọn chúng ở xa lắm, đều bên nước người, và không thể nào hiểu được điều gì đang âm ỉ trong trái tim người cha bất hạnh.
Quá khứ nào mà chẳng đẹp! Nếu không như vậy, tại sao con người phải mất thời gian để nhớ đến. Theo cách nghĩ của lão, cái đẹp trong quá khứ phải gắn mình cùng hiện thực. Hiện tại đau khổ mà quá khứ vàng son chỉ làm cho con người dễ dàng rơi lệ. Còn nếu như hiện tại vui thì quá khứ chẳng nghĩa lý gì. Chính vì điều này mà lão rơi lệ, nước mắt lai láng...
Cô gái đôi mươi ngày nào đã trở thành người vợ hiền bên cạnh ông chủ tàu cá, rồi tiếp theo là những đứa con... Chúng lớn lên cùng biển và cũng chính biển đem chúng đi xa... Tám đứa con đều thành đạt tại nước ngoài. Tiền bạc không thiếu. Cơ ngơi khang trang. Ấy vậy mà lão bị vợ “cắm sừng”. Chuyện không thể tin và không thể nào “chính xác” hơn chuyện ấy! Điều này khiến lão tổn thương, đau khổ lẫn thẹn thùng, bởi chính người đàn bà đã cùng chung sống suốt mấy mươi năm. Làm sao có thể giải thích minh bạch và tận tường một hệ quả đau khổ, bắt đầu bằng những tốt đẹp hằng đêm lão ấp ủ, yêu thương, lẫn cả sự trân trọng... Và mọi chuyện đã thay đổi đến thảng thốt, choáng ngợp mà ngay cả những người thân nhất cũng sửng sốt trước hung tin: “Lão đã bị bỏ rơi!” Bỏ rơi một cách không thương tiếc và lạnh lùng ở cái tuổi gần đất xa trời. Điều này thật khó chấp nhận...
Nếu như ngày còn trẻ, cuộc sống chung đụng có thể đưa đến bất hòa, ly hôn, hoặc ly thân là chuyện bình thường. Nhưng... lão bị vợ cho “rơi” vào lứa tuổi ngót sáu mươi. Một việc không thể tin nhưng chẳng cách nào “khước từ” khi chuyện vợ chồng luôn bắt đầu từ hai phía. Có thể lão muốn níu lại chút hy vọng nào đó, nhưng mọi cái trở nên bỉ ổi và đáng khinh, khi nghĩ đến hành động van xin hay cầu khẩn trước người vợ trẻ nhỏ hơn mình mười mấy tuổi...
Cuộc sống vốn đẹp khi mọi cái thật hoàn hảo, và sẽ trở thành địa ngục khi hiện thực trở thành ảo ảnh. Một thứ ảo ảnh không thể sờ nắm, chỉ dùng mắt nhìn nó xuất hiện rồi tan biến tận trời xa. Lão nghĩ mình đang bị quả báo của tiền kiếp nên mới gặp cảnh ngộ này. Bi thương, uất hận, khinh bỉ, xuất hiện trong lão như một cơn bão dữ, và lão bị cơn bão ấy lôi đi xa mà không có hành động nào cưỡng lại. Tài sản, cơ ngơi không còn quan trọng! Đối với lão chỉ là sự trốn chạy, thoát ly, tránh xa cõi trần tục mà tự thân luôn là nỗi sầu đau giam hãm con người. Lão nguyện lên núi, đến chùa xin xuống tóc quy y cửa phật. Và trong cơn phẫn nộ, nếu bị chối từ lão sẽ tìm đến cái chết, như sự giải thoát thiết yếu không phải cãi bàn.
Mọi cái lại cay đắng hơn khi cõi tục vẫn là cõi tục. Tự thân những ngôi chùa đã bị loài người biến thành nơi mưu sinh không tổn chút mồ hôi. Mớ tóc trên đầu lão vẫn còn đó, bởi lẽ nó không thể rơi xuống cho một ước nguyện đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Đâu phải ai, cứ muốn là được, quỳ xuống chân phật thí phát, rồi bỗng chốc trở thành hòa thượng, trút bỏ mọi đau khổ của nhân gian. Đi tu cũng phải có giá của nó, nếu không, khắp thiên hạ chắc dẫy đầy hòa thượng... Điều này khiến lão đau khổ cực cùng, chao đảo như cánh chim giữa gió ngàn mất  hướng...
Sườn núi phía tây không có chiếc xe đạp, phương tiện duy nhất trong cơn phẫn uất lão đã mang đi. Khi con người sầu khổ, bế tắc lại muốn hành hạ thân xác đến kỳ cùng, và lão đã dùng nó vượt qua mấy trăm cây số để đến được nơi này. Một địa điểm đã được lựa chọn, một kết cục đã phơi bày. Thế mà quyết định sau cùng là sườn núi phía tây, hướng về quê Phật, lão tự quyết số phận chính mình...
Ai có thể thấu hiểu tâm trạng của lão trong sự nhếch nhác, rã rời bởi những đêm không ngủ. Hành trình như kẻ mộng du. Bước đi trong vô thức chẳng rõ ràng đích đến. Râu tóc lổm ngổm vì trí nhớ bỏ quên. Và từ trên thân thể cáu bẩn bốc lên cái mùi khăm khẳm, ràn rụa mồ hôi bởi những tháng ngày rong ruổi mê muội. Nhìn những kẻ thoáng qua trên đường dâng hương lễ phật, trong bóng tối mù đen phủ đầy tri giác bỗng bừng lên một hy vọng. Ngọn lửa bừng lên từ tâm khảm hướng bước chân ngoắc ngoải, thương đau, lần tìm về thánh địa giải thoát. Chỉ cửa phật mới chứa chấp con người cùng khốn. Chỉ phật môn thanh tịnh mới giúp lão nguôi ngoai nỗi khổ đang thống trị mình...
Thế nhưng lão bị từ khước! Khước từ bởi nhiều lý do mà trong phẫn nộ lão vẫn thấy được... Lão trở thành kẻ vô gia cư đang tìm nơi lánh ẩn hơn là một kẻ chán ngắt cảnh phàm trần muốn trốn chạy thế nhân. Sự từ chối lạnh lùng thay cho cách giải thích thỏa đáng... Và lão tìm đến sườn núi phía tây như một cứu cánh cho sự giải thoát yên bình...
Lão chưa thể chết vì cái trượt chân trong bóng tối. Ý định chỉ còn một nửa khi lão lăn mình xuống sườn dốc đầy cỏ dại. Mở mắt ra, lão thấy mình nằm đấy, trơ trọi, hiu hắt, và tự hỏi tại sao mình vẫn sống... Sống trong nỗi chết, sống trong ký ức kinh hoàng về một gia đình bỗng chốc nát tan, vỡ vụn từng mảnh, vô vọng cứu vớt. Ấy vậy mà lão vẫn sống... Sống thừa và ô nhục...
Cái chết đã từ chối thân xác mỏi mòn, khô héo. Cái chết thật bất công khi chẳng ra tay cứu rỗi một linh hồn nhỏ bé đang tự nguyện dâng mình... Lão nằm đấy với tri giác hỗn loạn, bất định, với hơi thở đứt đoạn từng nhịp, nhưng... vẫn cứ sống...
Hấp lực trái đất đã kéo lão lăn xuống một căn chòi bỏ không thay cho địa ngục. Và khi tỉnh lại, lão nguyền rủa sự may mắn của chính mình. Bây giờ lão muốn tiếp tục được rơi xuống nhưng thân xác lại đông cứng không thể cưỡng cầu. Số phận đã có tiếng nói quyết định về một con người đang cố tìm chết. Số phận đang mỉm cười, trong khi lão là kẻ khóc than...!
Cái chết là một phần của sự sống. Cái chết đưa linh hồn vào vòng sanh tử của thuyết luân hồi. Lão đã nghe và đọc nhiều điều đó trong kinh sách, nhưng vẫn không hiểu được kết quả của chính mình. Bố thí tạo phước lão đã làm không ít. Đi chùa lễ phật là công việc thanh thản mỗi tháng lão đều làm... Ấy vậy mà mọi thứ đều quay lưng. Quay lưng trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất của một con người lạc lõng không nơi bám tựa. Sự lạnh lùng đó có phải do tiền kiếp lão đã gieo nhân - một suy nghĩ lâu nay lão vẫn nghi ngờ nhưng lại trở thành hiện thực. Thế thì công đức bao lâu nay đi về đâu trong khung cảnh thương hải tang điền? (biển cả biến thành nương dâu) Lão muốn la to trong nỗi thống khổ nghẹn lời. Muốn gào thét vang vọng thấu trời cao. Nhưng... trong thâm tâm hiểu rằng đó là sự vô ích dại khờ. Không ai có thể cứu lão! Không ai đổi hướng để “quay đầu” (Đáo đầu thị ngạn) Mọi sự đều quay lưng... Cái chết là sự cứu rỗi cũng quay lưng. Lão buồn trong sự sống và lẫn cả cái chết...
Mưa ư? Ồ, mưa từ mắt lão! Vị mưa mằn mặn chảy trên đôi môi nứt nẻ, bỏng rát... Mưa được định nghĩa là nước trên cao rơi xuống. Mưa tự nhiên và mưa nhân tạo. Lão cười vì mình có tài làm mưa. Mắt lão làm ra mưa! Gọi là mưa tự nhiên hay nhân tạo nhỉ?...
Trăng non trên sườn núi phía tây xuyên qua mái tranh lỗ chỗ. Ánh đèn lay lắc vì những ngọn gió va đập vào vách núi... Tất cả điều này báo hiệu sự sống khi nhận thức quay về. Thế mà lão đâu có vui... Ý lão ra sao...!?
“Chú tỉnh rồi à?”
Trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn, lão cố giương đôi mắt mỏi mệt để nhìn..
“Chú là ai?”
“Tôi là người dọn dẹp.”
Lão lấy làm lạ lắm. Trên đời có nghề dọn dẹp ư?
“Chú dọn dẹp cái gì?”
“Bất cứ thứ gì mà con người muốn. Tôi làm họ trả công. Có khi làm không công nữa ấy!”
Lão muốn ngồi dậy lắm, nhưng không sao thực hiện được.
“Có việc ấy sao?”
“Có đấy! Những việc không phí sức biết tính làm sao? Hoặc giả khi gặp kẻ nghèo khó thì giúp giùm. Như thế là không công.”
Lão muốn cười lắm nhưng đầu lại choáng. Lời nói người này làm lão nhớ đến một việc.
“Chú muốn tạo phước bằng cách bố thí công sức ư?
Vẫn là tiếng nói nhẹ nhàng ấm áp vang lên.
“Bố thí không phải là tạo phước. Bố thí chỉ có ý nghĩa như hành vi san sẻ giữa con người với nhau. Việc này lâu ngày sẽ giúp ta xem thường ngoại vật mà xuất tâm từ bi.”
Dù sao lão vẫn cố cười trước lời nói này.
“Các nhà sư vẫn nói “bố thí là tạo phúc” kia mà?
“Đó là một nhầm lẫn có khối người tin theo. Chú cứ nghĩ mà xem, nếu bố thí là tạo phúc thì bao trùm trong thiên hạ ai nhiều tiền bằng vua chúa, quan lại... Những quan chức, kẻ giàu sang, phúc sẽ to như Thái Sơn. Còn người nghèo, không có tiền bố thí lại vô phúc ư?”
Đến đây thì lão thở dài. Lão vẫn thường bố thí kia mà! Nhưng... kết quả...
“Vậy làm sao để có phúc?”
“Phúc đến do duyên. Họa đến cũng tùy duyên.”
“Thế “duyên” từ đâu mà có?”
“Duyên không có hình hài nhưng phúc họa lại có. Vậy, nhìn phúc họa thì được “duyên”. Muốn thì thấy, không muốn lại trở về không.”
Trong lòng lão cực kỳ kinh ngạc.
“Chú là... nhà sư...?”
Tiếng cười thoảng trong gió.
“Tôi là người dọn dẹp. Chú quên rồi à?”
“Cách nói chuyện này là của nhà sư kia mà?”
“Ngôn ngữ là của chung. Chẳng lẽ tôi không được nói?”
Lão bắt đầu tôn trọng người này.
“Ai thường thuê chú dọn dẹp?”
“Nhà cửa bề bộn không có đường đi thì thuê tôi. Cây cối rậm rạp cản trở tầm nhìn thì thuê tôi.  Tâm trạng ngổn ngang thì...”
“Thì... sao...?”
“Thì dọn dẹp.”
“Chú giúp được sao?”
“Cái đó thì tôi không giúp được. Ngay cả hiền giả Thích Ca cũng không giúp được.”
Lão bắt đầu giận dữ.
“Người ta thường nói: “Phật độ chúng sinh” kia mà? Thật là vô lý...”
Vẫn giọng nói bình thản ấy vang lên.
“Nếu nói “Phật độ chúng sinh” cũng chưa gọi là đúng. Phải nói rằng “chúng sinh độ Phật” để được bình đẳng hơn. Hiền triết Thích Ca đã nói rằng: “Ta chỉ là người phát hiện ra chân lý chứ không phải là kẻ sáng tạo ra chân lý. Ta có thể chỉ ra con đường giải thoát nhưng không thể nào đi thay cho các người được...” Như vậy khi ta coi đây là một tiên đề thì rõ ràng Phật không thể nào độ được chúng sinh, mà chúng sinh lại độ được Phật ấy. Khi còn trẻ Thích Ca sống trong chúng sinh và thấy được kiếp người khốn khổ mới quyết tâm tầm đạo “giải thoát”, cuối cùng đắc nguyện. Vậy, nếu không có chúng sinh thì ngài làm việc ấy để mà chi? Hiện tại các bậc chân tu tại chùa chiền, nếu ngày nào đó đắc ngộ chân lý, cũng đã được chúng sinh độ trì chén cơm manh áo. Như vậy chúng sinh đã độ được Phật thì phải tự độ cho chính mình, bởi hiền giả Thích Ca nói, không thể nào đi thay cho ta được...”
“Vậy người ta đi tu, lạy phật để làm gì?”
“Tất cả chỉ là phương tiện. Ngay cả thân xác ta cũng là phương tiện để tìm hiểu về “chân lý giải thoát”. Sở dĩ hiền giả Thích Ca không lập văn tự, vì sợ rằng các học trò sẽ cho lời nói của mình là chân lý, thay vì là phương tiện nên mới vậy! Chú có thấy vầng trăng kia không? Đó chính là “chân lý giải thoát” mà hiền giả Thích Ca đã từng nói. Thế nhưng con người cứ cho ngón tay của ngài là chân lý chứ không chịu nhìn về ánh trăng. Ngón tay chỉ là phương tiện. Ngũ giới cũng là phương tiện. Tụng kinh niệm phật cũng là phương tiện. Đã là phương tiện thì có nhiều cách thay thế. Giống như muốn qua sông thì phải dùng đò, không đò thì thay thế bằng bè, hoặc giả bơi qua vậy.”
“Vậy làm sao để giải thoát nếu không vào chùa tu tập?”
“Nhà chùa cũng là phương tiện. Nếu không đến chùa ta có thể truy tầm chân lý qua con đường nhận thức. Mọi khổ đau trong thiên hạ vốn xuất phát từ tâm. Ta chấp trước, ta tham dục, ta vọng tưởng, ta tham ái, đó là mảnh đất mầu mỡ cho tam độc trỗi dậy khơi gợi khổ đau. Vô thường là sự thay đổi. Hai người đi chung lâu ngày tất bị chi phối bởi quy luật thành hoại, hợp ly, có sự chết và sống. Nếu cả hai thay đổi theo hướng giống nhau là hợp, còn khác nhau lại ly. Ly lại phát triển theo một hướng mới rồi hợp ở một nơi khác. Giống như ngọn lửa, tắt nơi này lại cháy tại nơi kia...”
“Hiện tại tôi đau khổ cùng cực, phải làm sao để giải tỏa?”
“Đau khổ là hạt giống. Tâm tư là mảnh đất gieo trồng. Giữ cho tâm tĩnh lặng như hư không, khổ đau bám vào đâu.”
Trời đêm lạnh lắm, lão trở mình nằm suy nghĩ. Nếu tâm trống rỗng thì thành người chết mất rồi. Người chết khổ hết. Nhưng lão muốn chết cũng đâu có được!
“Làm sao để có tâm không?”
“Mây bay nước chảy, con người cho rằng bình thường. Mặt trời lặn, mọc chẳng ai quan tâm. Con người chỉ quan tâm những điều liên hệ đến thân mà thôi. Vậy quên thân thì được “tâm không”.
“Trời ạ! Làm sao có chuyện đó?”
“Có đấy thôi. Chú hành hạ thân xác và ra tận sườn núi phía tây, nơi nguy hiểm để làm gì? Chú không màng sự sống, sao để tạp niệm nhiễu phiền. Mọi cái là “không” thì muôn việc bình thản. Tạp niệm, vọng tưởng tiêu tan, gọi là đắc ngộ Niết Bàn vậy.”
“Thế thì Niết Bàn có hay không? Phật có hay không?”
“Có và không chính là vọng tưởng. Bặt hết mọi vọng tưởng mọi cái đều là “Không”. Người đời thường nói: Khi mê thì ở bờ bên này. Khi ngộ thì ở bờ bên kia. Như thế là chấp trước. Lúc ngộ rồi là “lìa cả đôi bờ”. Như vậy cũng là “Không”.
Ánh sáng ngọn đèn nhòe đi trước mắt lão. Hình ảnh người nói không thể phân định rõ ràng.
“Chú tên gì vậy?”
“Tôi không có tên.”
“Lời nói của chú, tôi thấy lạ lắm!”
“Không gì là lạ. Tự thân chân lý đã sẵn có, chỉ tại con người chưa gặp duyên đối diện với chính mình.”
Lão thấy đôi mắt mình trĩu nặng. Lời nói người kia lơ mơ trong tâm thức lẫn lộn tỉnh mê. Lão muốn tranh luận tiếp nhưng sức lực đã đến hồi cạn kiệt. Chỉ có giấc ngủ mới khiến con người tỉnh táo và khỏe mạnh hơn sau những lao lực miệt mài. Thế là lão thiếp đi, êm ái như đứa trẻ thỏa mãn cơn khát sữa trong đôi tay dịu dàng của mẹ hiền. Gió núi cất điệu ru hời. Trời làm chăn màn. Đất thay chiếu manh. Hạnh phúc ngắn ngủi chợt đến như cơn mưa xóa tan oi bức của hạ mùa nóng bỏng...
                                                                  
                                                            ***


Tiếng chim hót lảnh lót trong nắng mai khiến lão choàng tỉnh. Lão nằm im, hồi tưởng tất cả sự việc đã xảy ra. Biết đâu đây là một thế giới khác chào đón lão từ cái trượt chân trong đêm tối. Và linh hồn lão đang lang thang đâu đó trong địa ngục thâm u tại cửu tầng. Lão dụi mắt để trông mọi vật rõ ràng hơn với những hồi ức liên tục hiện về. Căn chòi lá với những cơn gió núi. Tiếng nói ấm áp của người lạ trong ánh sáng nhập nhoạng bởi ánh đèn... Tất cả những việc ấy thoáng qua như cơn mơ đã được kết dính tự thuở nào. Lời kinh, tiếng kệ, những đoạn minh triết từ các luận sư lưu lại trên các trước tác của mình. Tất cả lung linh đến huyền ảo trong mắt lão...
Chậm rãi và khoan thai, lão đứng dậy trên đôi chân ngập đầy vết xước. Cái đau đã bị chôn vùi và chết lặng trong thân xác lãng quên. Bỗng chốc mọi cái vụt tan biến, mất tăm như hòn đá được ném vào biển cả... Tiếng nói trong đêm tối. Ánh đèn. Lời kinh. Tiếng kệ. Chúng đang tan ra, hòa vào không gian và mất dần trong mắt lão...
Sườn núi phía tây không có ánh mặt trời. Mặt trời sau lưng, để lại bóng chiếu hướng về tây, như ngón tay của hiền giả Thích Ca nhắn nhủ cùng nhân loại. Lão tiến dần xuống núi trong bóng râm hòa dịu, không còn bận tâm đến con người kỳ lạ đã chuyện trò cùng mình trong đêm tối khổ đau. Mọi cái đều không thật! Trong lòng lão chỉ còn một niềm tin không gì lay chuyển: Theo hướng bóng chiếu của mặt trời, cuối cùng lão sẽ bước vào vùng sáng rực rỡ của ngày mới. Không môn đang mở. Lúc ấy, mọi sự đều biến mất. Và xác thân lẫn tinh thần này đều hòa vào vĩnh viễn Cửa Không...


                                                                           Saigon 30.3.2015
                                                                                 MacDung


Lời bạt: Câu chuyện được hư cấu trên một phần của sự thật, nhân chuyến hành hương về núi Bà Đen, Tây Ninh cách đây hơn hai mươi năm. Người đàn ông trong truyện là có thật, với số phận tương tự mà tôi cố gắng lột tả tâm trạng qua khả năng thô thiển của bản thân. Tinh thần câu chuyện đã mượn triết học Phật giáo làm nền tảng, với tư tưởng sâu sắc của hiền triết Thích Ca, người sáng lập ra Phật giáo, của sơ tổ Đạt Ma và lục tổ Huệ Năng, cùng các trước tác của nhiều học giả được thể hiện qua trí nhớ. Nếu trong tác phẩm có đoạn nào trùng lặp hay giống ý, chẳng qua là sự thống nhất về cách nhìn nhận thông qua quan điểm cá nhân. Suy nghĩ của nhân vật tự thân đã có ngoài đời, chứ không nhằm vào cá nhân hay bất cứ tổ chức nào hiện hữu.
Và tôi viết tác phẩm này nhân cảm hứng từ bài viết của một người bạn biết nhau qua văn hóa mạng. Người bạn ấy, tôi chưa từng hỏi tên, sinh nghiệp ra sao, gia cảnh như thế nào... Chỉ biết rằng đó là người bạn “tinh thần” được tôi trân trọng viết tặng câu chuyện này, với niềm tin mọi sự đều hòa vào... “Cửa Không”...

25.3.2015    
MacDung: Kính Bút.


READ MORE - CỬA KHÔNG - Truyện ngắn MacDung