Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 6, 2013

"MÂY TRẮNG BÊN TRỜI" HOÀI VỌNG - Võ Văn Luyến giới thiệu tập thơ mới của Nguyễn Văn Trình

Hình bìa tập thơ Mây Trắng Bên Trời 



Thơ, ở khía cạnh nào đó, là sự trở về bản ngã hồn nhiên nhất của con người. Trần Mạnh Hảo bồi thấn một xác quyết, “thơ chính là tuổi thơ của loài người”. Người làm thơ mang con mắt trần gian thanh lọc những che khuất rối nhiễu, trả lại nguyên khôi điều ước trong veo như trời xanh mây trắng. Đấy là cái nhìn của tôi khi đọc Mây trắng bên trời của nhà giáo – thi sĩ Nguyễn Văn Trình. Chưa vội bàn câu chữ, chỉ dừng lại ở tình cảm cảm xúc xuyên suốt trong thơ anh không thôi đã thấy lấp lánh một tinh cầu ấm áp, một tươi rói yêu thương và chia sẻ. Đã ngoài cái tuổi tri thiên mệnh, người thơ nuôi dưỡng được trạng thái chồi non lộc biếc đến nhường ấy thật đáng để bầu bạn cùng trang lứa như chúng tôi thán phục.

Võ Văn Luyến và Nguyễn Văn Trình
Tổng quan thì như thế, nhìn sâu hơn lại không hẳn. Thơ anh không thiếu những miên trường thao thức, những băn khoăn day dứt, và tất nhiên, lắm khi ta bắt gặp những chiêm nghiệm đúc ra từ cuộc sống. Dầu vậy, ta vẫn yêu hơn những câu thơ sáng trong lặng lẽ của anh. Đó mới thực sự là những tín hiệu tâm hồn nhấp nhánh nguồn sáng dịu êm đính lên khung trời hoài niệm:



Nhớ mùa xanh lá vẫy môi chào 
Ôi hồn nhiên nắng ngọt chiêm bao

             (Hoài niệm)

Hay:

Em về buốt tím hoa mua 
Đường côi mấy nẻo gió lùa hồn anh

                (Em về bên ấy) 

Có thể nói, nội cảm hóa thế giới thực tại làm nên hồn vía và sức sống câu thơ. Gần gũi hơn, làm cho cuộc sống thêm phần thi vị bởi trên dòng đời lũ cuốn làm ta tỉnh thức những nhớ quên giữa ngổn ngang sấp ngửa.

Không gian tự tình trong Mây trắng bên trời mang những ảnh hình thân thương, thân quen, thân thuộc với nghề cầm phấn, với nõn mây thấp thoáng dưới bóng phượng hồng, với cánh bướm bâng khuâng chập chờn vẫy gọi ở một nơi xa nào, với những bông hoa chớm nở vội rã rời trước nắng mưa cuộc đời dội xuống… Tất thảy được người thơ nâng niu, trân trọng trong cảm thức miên man trăn trở thường trực.

Lặng lẽ viết, lặng lẽ tự tình với những con chữ tí tách nẩy mầm yêu thương và khát vọng, Nguyễn Văn Trình đến với thơ bằng hiển tâm của người mang sứ mạng chở đạo. Chính thiên chức nhà giáo – thi sĩ đã giúp anh hái được những bông thơ sắc thắm bên trời. Và bạn đọc sẽ thấy nhiều vẻ đẹp khi dạo vườn thơ của anh. 

Tác phẩm thơ, tự thân nó làm nên một định nghĩa; mỗi chủ thể sáng tạo, đến lượt mình, cũng có thể được xem như vậy. Người đọc có quyền đòi hỏi người thơ nhiều thứ nhưng không thể không ghi nhận một tấm lòng trải ra trên trang giấy. Đấy là cái định nghĩa lung linh sinh động bằng sự sáng tạo lại vẻ đẹp thế giới của riêng mình. Riêng điều ấy thôi, thơ của nhà giáo – thi sĩ Nguyễn Văn Trình đủ để gầy dựng một một sẻ chia với người đọc, tôi tin như thế.

                                                VÕ VĂN LUYẾN

* Nguyễn Văn Trình: Mây trắng bên trời (tập thơ), NXB Thuận Hóa, 2011

Võ Văn Hoa gởi đăng.
READ MORE - "MÂY TRẮNG BÊN TRỜI" HOÀI VỌNG - Võ Văn Luyến giới thiệu tập thơ mới của Nguyễn Văn Trình

Độc Hành - VÁN KIA ĐÃ ĐÓNG THUYỀN RỒI



Khi xưa hai đứa cùng trường
Thưở còn thơ ấu bãi dương đầu cầu
Thời gian nghỉ học chăn trâu
Trò chơi căng cú bịt đầu bắt dê
Ổi, xoài, hoa mít, khế, me
Ngọt bùi cay đắng cùng chia nhau xài
Ước mơ về chuyện tương lai
Chiến tranh nổi dậy “bảy hai”* phân tình
Nghe đâu em ở Vĩnh Linh
Còn anh Đà Nẵng một mình nhớ thương
Bảy lăm giải phóng quê hương
Tìm em khắp nẻo cuối đường không ra
Buồn thầm bỏ xứ đi xa
Hôm nay về lại quê nhà gặp em
Chuyện đời chia sẻ nhau xem
Tình anh vẫn đợi, còn em thế nào?
Ngập ngừng nàng mới thở phào
Ngày anh xa vắng trúc đào vào ra
Chờ anh đã mấy đông qua
Xuân tàn hạ đến bước qua thu vàng
Tin dài tin ngắn trông chàng
Bao năm chờ đợi mộng vàng vỡ tan
Tuổi lên hương xuống sắc tàn
Ông tơ bà nguyệt dẫn đàng xe duyên
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Lưỡi câu cá cắn, chim quyên vào lồng
Tháng sau em gửi thiệp hồng
Mời anh dự tiệc rượu nồng vu quy.

* Năm 1972 - mùa hè đỏ lửa Quảng Trị

ĐỘC HÀNH
READ MORE - Độc Hành - VÁN KIA ĐÃ ĐÓNG THUYỀN RỒI

ĐỢI MÒN - thơ xướng họa của Ngọc Tình, Đặng Quang Long, HL, Nguyễn Gia Khanh, Phương Hà


Bài xướng

ĐỢI MÒN

Mỗi bước chân đi lại ngập ngừng
Biết mình không thể nắm tay chung  
Phải chăng hè đến mang oi bức
Nên khiến người quen đỡ lạnh lùng
Cứ tưởng tình nồng chan ngọt nắng
Làm sao muối nhạt thấm say gừng?
Hồn ai trĩu nặng trong nhung nhớ
Kẻ đợi tim mòn, kẻ dửng dưng. 

TN 3-5-2013
Ngọc Tình

Các bài họa :

1-LẼ NÀO

Trời khuya gió lạnh vẫn không ngừng
Một bóng mơ hồ giấc mộng chung
Mỏi mắt đêm dài say kiếm chọn
Cuồng chân dốc mỏi mải săn lùng
Sao đành để nhớ cay lòng ớt
Chẳng lẽ cho thương đắng vị gừng
Đã chót đem tình dầm muối mặn
Nỡ nào mặc kệ tựa người dưng..

04-5-2013.
Đặng Quang Long




2-HÃY NHƯ NGƯỜI NHẬT

Người Nhật tĩnh thiền chẳng ngắt ngừng
Trước cơn nguy biến thảm buồn chung
Không nôn nóng đợi tin sinh lộ
Chỉ thản nhiên chờ bọn sát lùng
Dẫu trộn dấm chua hay mặn muối
Dù rang lửa nóng hoặc cay gừng
Ngồi xem đá mọc nên thơ viết
Sẽ hóa cầu vồng lúc bỗng dưng…

HL


3-SÁM HỐI

Sông vẫn ngàn năm chảy chẳng ngừng
Người ơi ! xin ngắm một trời chung.
Dám so nghĩa đặng thân tùng bách,
Đâu gửi hồn theo ngọn cỏ lùng.
Muối mặn ba năm còn mặn muối,
Gừng cay chín tháng vẫn cay gừng.
Nên khôn ai đó không lần dại,
Nỡ để thân bằng hóa kẻ dưng ?

Nguyễn Gia Khanh



4-THÌ THÔI !

Đang nói mà sao lại bỗng ngừng ?
Phải chăng vì chẳng ý tình chung ?!
Bàn tay nồng ấm nay hờ hững
Đôi mắt thân quen bỗng lạ lùng !
Vết xước liền da, còn xát muối
Món cay xé lưỡi, cố nêm gừng !
Thôi, chờ chi nữa người không hẹn
Ngoảnh mặt như là gặp kẻ dưng !...

Phương Hà

READ MORE - ĐỢI MÒN - thơ xướng họa của Ngọc Tình, Đặng Quang Long, HL, Nguyễn Gia Khanh, Phương Hà

NGHÈO - thơ Thương Yến Tử

Thương Yến Tử và phu nhân tại một buổi giao lưu thơ ở Hội An



bao năm buôn bán chẳng ra chi
tro bụi lem nhem mặt mốc xì
khói lửa mịt mùng trơ mắt hí
tháng ngày cặm cụi bước chân đi
ngọt bùi lưỡi nếm đà tê lụy
cay đắng thân dầm hóa ngốc si
phải trái thiếu phần đưa mặt dị
quanh năm nghề quán quách ra gì

ra gì mẹ nó cứ đeo theo
gẫm lại mà xem thật chán phèo
cái cảnh nợ nần bu ngất nghéo
cái khung thuế khóa đóng tròng treo
buồn mình tay rế khoanh xèo xẹo
thương vợ đường ngôi lệch tréo hèo
ước được mưa vàng đêm lạnh lẽo
áo đời rũ bớt bụi leo nheo

                     thương yến  tử
READ MORE - NGHÈO - thơ Thương Yến Tử

THƠ VỀ BIỂN: ĐẤT BIỂN QUÊ TA, TRƯỜNG SA CÒN HẸN, TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO - Trúc Thanh Tâm



   ĐẤT BIỂN QUÊ TA

   Thương lắm đời trái ngang
   Lời mẹ ru chan chứa
   Chìm nổi giữa gian nan
   In sâu hồn đất Việt


  Ta góp vào lời thơ
  Theo người đi giữ nước
  Máu ngọt dòng phù sa
  Cây lúa mãi mượt mà

  Ta hướng về biển đông
  Trời Việt Nam yêu dấu
  Vùng đảo của non sông
  Hiên ngang đợt sóng gào

 Ta đánh giặc ngoại xâm
 Ta thề không trở bước
 Đất còn, người còn mơ
 Muôn thuở vẫn đậm đà

 Hoa cũng tàn héo úa
 Tình bất hạnh, khổ đau
 Khi mất người, mất đất
 Đời còn là cây khô

 Nên làm người phải biết
 Quê hương là thiêng liêng
 Sống làm người phải nhớ
 Tổ quốc mình Việt Nam !


         
  TRƯỜNG SA CÒN HẸN

  Chiều nay nắng rớt ngoài hiên
  Em ngồi nhặt lá, đếm riêng nỗi buồn
  Long lanh từng giọt lệ thơm
  Trôi vào anh, mở ngõ hồn nhớ em

  Treo tình lơ lửng trăng đêm
  Nghe từ trong gió phút thiêng liêng về
  Mắt, môi một thuở đợi chờ
  Biển ru sóng giạt giữa hồ trái tim

  Nửa bên anh, nửa bên em
  Gom bên nhớ, trả bên quên lại đời
  Cho nhau những nụ môi cười
  Trường Sa còn hẹn, nói lời yêu thương !


        
  TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

   Trường Sa, biển hiền đến lạ
   Mặt trời từng hạt long lanh
   Anh nghe lòng mình se thắt
   Em ơi, nhớ quá quê mình

   Hoàng Sa, mây đan tơ mỏng
   Sóng dồn từng nhịp yêu đương
   Thư em nồng nàn hương cũ
   Tình anh gởi lại phố phường

   Em vẫn làm duyên tóc tết
   Biển đông đẹp lạ lùng chưa
   Nụ hôn theo từng cơn gió
   Bên em tháng đợi, năm chờ

   Lâu rồi, anh chưa về phố
   Đường xưa, áo trắng xôn xao
   Giọt buồn trong anh rất khẽ
   Hồn mưa tí tách đời nhau

   Biển ơi, biển đừng hờn dỗi
   Như em ngày đó, yêu anh
   Chiều nay, mình anh nghe sóng
   Như em cứ muốn dỗ dành !

   TRÚC THANH TÂM
    (Châu Đốc)
READ MORE - THƠ VỀ BIỂN: ĐẤT BIỂN QUÊ TA, TRƯỜNG SA CÒN HẸN, TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO - Trúc Thanh Tâm

ĐỐI NGẪU TRONG THƠ ĐƯỜNG - Nguyễn Văn Thụ - Ngọc Tình sưu tầm và gởi đăng

ĐỐI NGẪU - LÀ MỘT VẺ ĐẸP ĐẶC SẮC, LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

*

Tôi được biết, người sáng tác thơ luật Đường khi bắt gặp một cảnh huống thơ, hồn thơ đang dào dạt, bao nhiêu ý tứ cứ trào ra, vội phô diễn nó lên giấy mực. Chưa xong. Người sáng tác thơ còn phải cô đúc, dồn nén, sao cho số câu, số chữ phải đúng theo luật; số chữ trong bài có thanh trắc phải xấp xỉ số thanh bằng. Nếu ta gọi chữ có thanh bằng là số (+), chữ có thanh trắc là số (-), thì luật âm dương này thăng giáng bù trừ sát sao đến từng liên thơ, đến cả bài thơ. Đó chính là điều hé mở khái niệm về sự cân bằng, có ý nghĩa triết học cổ phương Đông nằm trong hình thức thơ Đường luật.

*

- Ý nghĩa triết học nêu trên còn thể hiện rõ ở phép đối ngẫu.
Trong một liên thơ (hai câu) được gọi là có đối, thì câu trước, nó như tung, câu sau nó như hứng, nó nương vào nhau làm cho ý thơ thêm mạch lạc.

Vậy hèn chi, người ngàn xưa đã chả đưa đối ngẫu vào thể thơ này như một điều bắt buộc.

*

Từ đầu thế kỷ trước, đối mặt với sự thắng thế của phong trào thơ mới, Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ thành danh, không nỡ bỏ hẳn thơ Luật Đường, ông đã sáng tác nhiều bài thơ không đối, chỉ giữ lại có luật hạn câu, hạn chữ, hạn vận, hạn bằng trắc. Vũ Hoàng Chương xem những bài thơ đó chỉ là một thực nghiệm. Sau đó, song song với việc sáng tác thơ mới, ông còn sáng tác nhiều bài thơ luật nghiêm chỉnh khác (như bài đa thủ “Giấc mơ tái tạo”).

*

Chúng ta nay một khi đã gửi hồn cho thể thơ luật Đường thì đừng có bao giờ bực bội giữa khi đang có hồn thơ lai láng, lại bị nghẽn bởi hai cặp đối ở hai câu thực, luận và nóng vội cho rằng: làm gì mà phải đối chặt chẽ vậy.


*

- Đối ngẫu trong thơ đường luật bát cú, thất ngôn, ngũ ngôn nói tổng quát là có 2 phép: Phép chỉnh đối và phép khoan đối.

Dưới đây chúng tôi xin được trao đổi về 2 phép đối này. Các ví dụ được nêu ra để phân tích, chúng tôi lấy từ một số bài thơ đã in trong “Thơ Đường quê lụa” tập 5, NXB Văn hóa Dân tộc, 2008.

*
PHÉP CHỈNH ĐỐI

Nguyễn Thu Hà, người trẻ tuổi nhất của CLB, trong bài “Duyên quê”, cặp thực, đối như sau:

Anh nắm bàn tay thon ấm áp,
Em cười đôi mắt sáng long lanh.

Thật là chỉnh, thật là chính danh: anh với em, bàn tay với đôi mắt (Danh từ đối với Danh từ), Thon với sáng (Tính từ đối với nhau), ấm áp với long lanh (Trạng từ láy đối nhau). Hai câu thơ tình đằm thắm đến thế mà lại không thấy lả lơi. Thu Hà đã huy động phép đối rất nghiêm để đạt hiệu quả.

*
Hạnh Anh (Đỗ Biện), trong bài “Đêm thu” câu 5,6 đối như sau:

Hoa cúc bâng khuâng ly rượu ngát
Hoa nhài thao thức chút hương phôi.

Cặp đối chính danh này rất nghiêm về thể thức, nhưng lại rất hào hoa.

*

Cụ Tạ Đăng Viên, ngoại 80, có bài “Tự thọ” rất hóm hỉnh, cụ có cặp luận:

Kính mắt gà đeo tròng chấp chới
Gậy càng cua chống bước lon ton.

Bằng hai câu đối chặt chẽ, như vẽ nên, như trông thấy một cụ đại thọ nhanh nhảu hồn nhiên trước mắt ta.

"
PHÉP KHOAN ĐỐI

Để cho một chùm thơ, một tập thơ không bị đơn điệu về hình thức đối ngẫu, người xưa đã đưa ra nhiều phép đối ngẫu linh hoạt hơn.

*

Phép lưu thủy đối:

Ví dụ:
Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
Hay đã tàn theo ánh lửa đèn.

*

Theo quy tắc chiếu chữ thì hai câu này là bất đối. Nhưng lại xét: Hai câu thơ có cấu trúc ngữ pháp giống nhau; mạch ý câu trên trôi chảy như nước, được tràn sang câu dưới làm lọn nghĩa cho câu trên. Đó là phép Lưu thủy đối.

*

Tất cả các liên thơ mà câu trên bắt đầu bằng mấy chữ tương tự như: còn chăng…, đã sinh…, bỗng dưng…, ứng với đầu câu dưới là các chữ tương tự như: hay đã…, phải có…, để mà…, v.v. thì liên thơ đó đã theo phép đối nói trên.

*

Phép tá tự đối:

Ví dụ:

Nghèo sạch, thanh danh nên gắng giữ
Giầu sang, khó tính chớ nên chơi.

*

Câu trên, “thanh danh” là danh từ, câu dưới “khó tính” là tính từ, xét thế thì quả là bất đối. Nhưng nếu theo tiếng (không theo nghĩa thật), thì chữ “khó”, chữ “thanh” lại là tính từ; Chữ “danh” và chữ “tính” lại là danh từ. Xét theo cách này thì chúng lại đối chặt chẽ với nhau. Phép đối này người ta lợi dụng sự đồng âm dị nghĩa để Tá tự đối (như: hai mái trống tung đành chịu dột/ tám giờ chuông điểm phải nằm co – của Tú xương).

*
Phép số tự đối gắn với Tá tự đối:

Ví dụ: 

Học bẩy nghề còn lo thất nghiệp
Làm ba vụ vẫn đói tư mùa.

*

Hơi tiếc, ở câu dưới viết: ba vụ đối với tư mùa, tuy là đúng có nội đối ở trong câu, nhưng không hay bằng câu trên: bẩy cái nghềthất (mất) cái nghiệp. Câu dưới, nếu không vì luật bằng trắc, mà viết là: “Làm tư vụ vẫn đói tứ mùa”, thì câu đối này được xếp vào hạng tuyệt diệu. Phép dối này được xem như là phép số tự đối có kèm theo lối chơi chữ (có thể liên hệ đến: nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc - của bà Huyện Thanh Quan).

*
Phép cú trung đối:

Ví dụ:

Màn trời chiếu đất con người khổ
Nước vật thuyền xơ cá biển nghèo

*

Nếu câu trên, câu dưới cứ chiếu từng chữ lên nhau, thì hai câu này cũng bất đối. Nhưng xét nội bộ từng câu, thì lại thấy: màn trời đối với chiếu đất; nước vật đối với thuyền xơ; đuôi câu trên (con người khổ) đối rất chặt với đuôi câu dưới (cá biển nghèo). Lấy câu có nội đối để đối nhau thì lại rất cân bằng. Đây là cú trung đối.

*

Tuy nhiên còn một số phép đối khác chúng ta ít vận dụng, xin được dẫn ra đây để cùng tham khảo.

a) Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ?
Xương gà da cóc, có đau không?
               (Nguyễn Khuyến)
*
b) Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
               (Hồ Xuân Hương)
*
c) Công đức tu hành, sư có lọng
Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
               (Tú Xương)

*

Chúng ta để ý: Cụ Nguyễn Khuyến cũng như nữ sỹ Xuân Hương đã tổ chức từ ngữ ở từng câu, để câu nào cũng có tiểu đối, nhưng ta không xếp hai liên đối a,b nêu trên vào phép Cú trung đối, vì ngoài phần có tiểu đối, trong từng câu còn có phần bất đối. Do đó hai liên thơ a, b trên chúng ta quy vào phép Tựu cú đối.

*

Trong câu của Tú Xương, ông Tú đã đem cả hai cụm từ như hai thành ngữ để chọi nhau: công đức tu hành chọi với xu hào rủng rỉnh. Mặt khác đuôi của từng câu lại đối rất chặt với nhau: sư có lọng đối với mán ngồi xe. Phân tích đặc điểm này để kết luận: đây cũng là phép Tựu cú đối như a và b. Cú trung đối và Tựu cú đối, có dạng thức ngữ pháp của câu văn na ná như nhau, nên còn có tên chung là Đương đối.

*

Phép giao cổ đối:

Cụ Trần Tuấn Ngọc, trong bài “Tự nhủ”, (Bạn và thơ là xuân – NXBVHDT, Hà Nội 2004), có câu luận:

Chân bước vững, đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp, trúc vươn cao.

*

Đây chính là phép Giao cổ đối: chân bước vững đối chéo xuống với trúc vươn cao, và rừng cây rậm rạp đối chéo lên với đường chiều khấp khểnh.

*

Phép bất đối chi đối:

Trong buổi lễ tế “Trận vong tướng sỹ” thế kỷ 19, quan tổng trấn Nguyễn Văn Thành có sai trưng câu đối chữ Hán (nay dịch nghĩa) như sau:

Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.

*

Câu trên lấy từ thơ Thôi Hiệu, bài Hoàng Hạc Lâu. Câu dưới lấy từ thơ Vương Hàn, bài Lương Châu Từ.

Cái hay của đôi câu đối này là: Ghép hai câu thơ khác nhau của hai tác giả mà câu đối vẫn hiệp chung một tình ý. Câu 1 có đại ý là cảm thán tình cảnh, câu hai có đại ý là an ủi vong linh. Thật là quá hợp với nội dung Tế Trận Vong Tướng Sỹ. Đây là phép bất đối chi đối, lấy cái không đối để đối, không lệ thuộc vào mặt chữ mà chỉ chú trọng đến ý. Ý phải đối nhau, cấu trúc ngữ pháp phải song song đồng dạng với nhau.

*

Những bậc cao niên khuyên rằng, nếu một khi ta chưa thật thạo về các phép đối, thì chỉ nên sử dụng các phép chỉnh đối, lưu thủy đối, cú trung đối. Còn các phép đối khác, chúng ta hãy chỉ làm quen, giúp chúng ta nhận biết được các dạng thức đối khác nhau.

*

Vẫn phải thưa thêm: các phép đối thơ, dù ở dạng thức nào đều phải hội đủ 3 đặc điểm:

- Đối ý. Ý câu trên và câu dưới, hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau.

- Đối thanh âm. Chí ít là các chữ nằm ở vị trí 2, 4, 6, 7 (Thơ thất ngôn) và 2, 4, 5 ( Thơ ngũ ngôn) nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc.

- Đối từ loại, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ. Phải nắm được các phép biến đổi từ loại ở các ngữ cảnh khác nhau. Tuy nhiên, cũng có phép đối không yêu cầu đối từ loại như theo phép chiếu chữ, mà ở đó lại có sự xoay chiều để đối chéo cho nhau.

*

Viết bài này tôi chỉ nhằm mục đích trao đổi thêm về vấn đề đối ngẫu trong thơ Đường luật. Trong một bài thơ, những cặp đối ở các câu thực, luận chính là vẻ đẹp đặc sắc, và là một trong những điều kiện cần và đủ để nhận ra đó là một bài thơ Luật đường. Đọc thơ Đường luật mà không có đối thì chẳng khác gì “Ăn bánh nướng trung thu mà không có nhân thập cẩm” thật là nhạt nhẽo và vô vị.

*
Trong bài này, việc đặt vấn đề của tôi là chắc chắn đúng nhưng việc lấy ví dụ để phân tích thì có thể có chỗ còn nông cạn, thậm trí có chỗ còn thiếu sót. Để góp một chút lửa thắp sáng cho thơ Đường đất Việt, rất mong bạn đọc rộng lượng và cùng đồng hành.

*

NGUYỄN VĂN THỤ
Chủ nhiệm CLB thơ đường Hà Nội
READ MORE - ĐỐI NGẪU TRONG THƠ ĐƯỜNG - Nguyễn Văn Thụ - Ngọc Tình sưu tầm và gởi đăng

SUY NGHI VỀ THƠ LUẬT ĐƯỜNG THỜI @ - Ngọc Châu



Đường Thi hay thơ viết theo luật thơ Đường có thể ví như là một dòng sông văn chương khởi nguyên từ đất Hán, tạo ra những biển hồ bao la nhưng cuối cùng lại thu nhỏ thành sông và đang có trào lưu ra biển ở đất Việt. Tuy xuất xứ từ đời nhà Đường bên Trung Hoa nhưng người Việt chúng ta đã từng có hàng nghìn năm thưởng thức và sử dụng nó để chuyển tải nhiều vấn đề, không chỉ trong khía cạnh văn chương đơn thuần.

Hiện tại chính người Trung Hoa viết nó còn khó khăn và thậm chí không hay bằng người Việt mình viết ra, vì tiếng Tầu (Mandarin Chinese) ngày nay đã thay đổi rất nhiều về âm sắc lẫn hình thái, nhằm khắc phục nhược điểm của thứ ngôn ngữ tượng hình, để họ dễ tiếp cận với thế giới. Trong khi ngữ pháp và âm sắc tiếng Việt ta tuy được nâng cao và bổ sung nhiều, nhưng không có sự rẽ ngang đột ngột nào.

Chúng ta đều biết thơ luật Đường  đã bị xếp xó từ những năm 30 của thế kỉ trước, nhường chỗ cho Thơ Mới nhưng bất cứ trào lưu gì cũng đều chuyển động theo hình sin, khác nhau chăng là về biên độ. Ngày nay trình độ dân trí của người Việt ta đã được nâng lên một mức khá cao so với ngày đó, nên mới có hiện tượng hàng triệu người làm thơ, yêu thơ - trong đó nhiều người là hội viên của CLB Unesco thơ Đường Việt Nam, bao gồm rất nhiều Chi nhánh trên toàn quốc.

Phải thừa nhận một thực tế là đại đa số người làm Đường thi hiện nay thuộc về lớp người cao tuổi. Các cụ rất tâm đắc với Đường thi, sáng tác nhiều, duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ đều đặn, thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các vùng miền khác nhau để học hỏi và tạo nguồn thi hứng. Một cố gắng chung của CLB thơ Đường Việt Nam cũng như của các Chi nhánh là luôn có ấn phẩm mới, từ những tập Đường thi mỏng vài chục trang của cá nhân các thi lão tới những tập hàng trăm trang của chi nhánh vùng miền; Đặc biệt là nhiều tập Thơ Đường luật Việt Nam do CLB Unesco Việt Nam chủ trì tuyển chọn với độ dày hàng ngàn trang, có dung lượng hàng ba bốn ngàn bài thơ mỗi tập, in ấn theo giấy phép của các Nhà Xuất bản gạo cội (Văn Học, Hội nhà văn...) đã đem lại sự kính nể cho người đọc, là thú vui tao nhã cho người yêu văn chương khi đọc cũng như bàn luận chuyện văn chương-thế sự.

Tuy nhiên cũng sẽ không quá hàm hồ khi nêu ra vấn đề, rằng đại đa số Hội viên mới chỉ coi Thơ Đường luật Việt nam là một "Sân chơi của Tuổi già", chưa quan tâm tới việc nâng cao và tạo sự hấp dẫn hơn nữa đối với mọi giới - nhất là giới  trẻ - để ít nhất duy trì được truyền thống "tre già măng mọc", nhiều hơn nữa là nâng tầm tác động và hiệu năng của thơ luật Đường lên ngang với các loại hình thơ ca khác trong tâm hồn con người cũng như với đờì sống xã hội.

Thực trạng hiện nay là ngoài các "thi hữu nghiệp dư" cao tuổi, các nhà thơ mang tính chuyên nghiệp ít người thích làm thơ luật Đường, không kể tới những "nhà thơ trẻ" với "hậu hiện đại", sợ thơ luật Đường như con khỉ Tôn Ngộ Không sợ vòng Kim cô, vì ngay việc vào trạn lục bát đựng mấy câu ru trẻ con cũng đã thấy ngại với nhiều thứ vướng víu!

Phải chăng có hiện trạng đó một phần (nhưng có lẽ là phần quan trọng nhất) do quan niệm và yêu cầu về niêm luật trong thơ Đường hiện nay còn quá cứng nhắc. Chính vì cứng nhắc nên ngay các bài thơ hay của các cụ để lại cũng không nhiều, xưa đã thế và nay đang thế. Cả ngàn năm người Việt làm thơ Đường mà số bài hay, đáng cho đời sau ngâm ngợi có được bao nhiêu đâu! Xem trích dẫn của nhiều học giả viết tham luận về Đường thi, ai cũng thấy là ngoài một số bài của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... ra nếu không trích mượn của các thi sĩ Tầu chính hiệu như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... thì đành chấm hết!

Người viết bài này hiện đang có may mắn là được tham gia biên tập Đường thi cho ba Website văn chương là Vanthoviet.com, Vandanviet.net và Thoduongdatviệt, cũng là hội viên của Chi nhánh Unesco thơ Đường Hải Phòng nên tin rằng nhận xét của mình không sai cho lắm. Chọn trong một tập Đường Thi bìa cứng, dày cộp do các nhà xuất bản đáng trọng (cỡ Văn Học, Hội Nhà Văn...) chịu trách nhiệm cho ra lò mà chỉ tìm được non trăm bài có thể giới thiệu lên các Website văn chương mà thôi.

Để có thể làm sống lại mãi mãi Thơ Đường luật Việt Nam và nâng tầm hiệu quả cho Đường thi ngang với các loại thơ khác, tôi trộm nghĩ phải có sự đổi mới và cách tân một cách hợp lí. Điều này lại phải chính do lớp người có tuổi (bị coi là bảo thủ và ngại thay đổi) tiến hành nên sẽ là một chuyện khó, nhưng vẫn có thể làm được vì thơ và người làm thơ xưa nay vốn "không có tuổi". Không hiếm các cụ "ấu-vờ tám chục" vẫn viết thơ tình, thậm chí là thơ thiếu nhi khá hay.

Non một thế kỉ trước thơ luật Đường đã bị xếp vào góc nhà, vì cái khung của nó không chứa nổi lượng tri thức cũng như hoài bão của "Người Tân Thời" hồi đó. Ngày nay công nghệ thông tin lại phát triển đến mức số lượng tin tức-tri thức chúng ta có thể tiếp nhận trong một ngày bằng cả trăm năm trước đây. Nếu moi thơ Đường ra để coi là cổ vật hoặc chỉ để các bô lão ngâm ngợi lúc trà dư tửu hậu thì lại là một chuyện, tùy theo ý thích của mỗi người vì đó đang là một nhu cầu thực tế.

Nhưng cũng có nhiều người viết thơ Đường luật ngày nay muốn thổi được luồng gió mới vào nó, nâng tầm cho nó với nguyên tắc cái gì hay giữ lại, cái gì dở hoặc trói buộc tư duy mĩ cảm của thời @ thì phải chỉnh lí, thậm chí nhích rào cho không gian rộng rãi hơn.

 Tôi trộm nghĩ rằng đã là thi sĩ thì phải trọng tứ thơ, ý thơ hơn so với từ ngữ. Ví như trong một xưởng chế tác đồ mĩ nghệ thợ giỏi có thể chế tác được khá nhanh những mỹ vật tinh xảo mang tính hàng hóa nhưng vẫn chỉ là thợ giỏi thôi. Chỉ có nghệ nhân mới có thể sáng tạo ra mẫu mã mới, thậm chí có thể sửa lại một vật phẩm bị hỏng, gãy thành một tác phẩm mới, mang vẻ đẹp mới, trở thành mẫu cho thợ trẻ chế tác theo.

Nếu không có đầu óc cách tân, không dám cách tân để loại cái dở, bổ sung cái hay (cũng là đặc trưng cơ bản của sự phát triển của xã hội loài người) vào bất cứ môn nghệ thuật nào thì có cho ra sản phẩm tinh xảo đến đâu cũng vẫn chỉ là thợ làm thơ mà thôi, chưa thể được coi là Thi nhân. Điều này thể hiện bằng những bài thơ đọc xuôi đọc ngược đều có nghĩa, tốn rất nhiều thời gian để tìm và xếp từ nhưng tiếc thay, không có ý thơ nào đọng được trong lòng người nghe!

Mặt khác cũng phải thấy rằng dù với cái khuôn lề luật rất gò bó vẫn có thể làm được những bài Đường thi nghe được, tải được mọi tư tưởng và tình cảm của thời @. Xin phép được nêu một vài ví dụ:

Khi tả cảnh:                                       

HẠ LONG

Biển đẹp nên rồng hạ xuống đây 
Người xinh khiến khách luyến nơi này 
Lang thang khói biếc, tàu rời bến 
Đứt đoạn trời xanh, núi đỡ cây 
Cát ước vào tim thành ngọc sáng 
Ta mơ hòa gió động mi gầy 
Đường thi gửi tới em nơi đó 
Liệu có bao giờ chạm tóc mây?



TIẾNG GỌI CỒN VÀNH

Em hãy về đây Tiên cá ơi 
Đến nơi nước biếc thắm cây đời 
Vui hòa nắng mới, cồn nghiêng ngả 
Say quyện trăng tà, sóng lả lơi. 
Mở túi càn khôn đong vị biển 
Mang bầu tâm sự ướp hương trời 
Tri âm quên hết sầu nhân thế 
Thức với yên bình giữa gió khơi...

( Tạ Thị Mai - Hải Phòng)


Khi tả tình:

XIN NHAU MỘT NGÀY

Chỉ một ngày thôi muốn có anh 
Dù tình xưa ấy đã tan tành 
Buồn đau thả bớt theo mây buốt 
Hận uất san phơi dưới gió lành 
Cộng lại hai ta thành lửa bỏng 
Chia riêng mỗi đứa hóa trăng thanh 
Xa nhau để chẳng gây bão tố 
Chỉ một ngày thôi đến với tình... 


Viết về Lễ hội:

VẤP 


Bạn đã bao giờ vấp bóng chưa? 
Như lần đến dự hội trời mưa. 
Say câu quan họ em mời gọi
Trượt bã trầu vương tôi thẩn thơ 
Nhớ khúc giao duyên người để lại 
Buồn câu tiễn biệt khách xa đưa 
Về Lim dự hội ai không vấp 
Vấp phải mình ngay giữa giấc mơ! 


Khi viết về đề tài thời sự-xã hội:

LẤY CHỒNG XA XỨ

Xa xứ người xưa giã biệt rồi 
Ngàn trùng cách trở lắm em ơi! 
Quê hương để lại niềm thương nhớ 
Bến nước còn lưu gót dấu ai 
Ruột thắt theo chồng sang đất buốt 
Lòng đau gửi mẹ chốn trời oi 
Nghèo hèn phải đổi tình ra bạc 
Kiếp bướm mơ tìm cõi Liêu Trai!



ĐỒNG LỘC HÈ 2010

Đồng Lộc nghẹn ngào câu khấn nguyện, 
Trường Sơn thổn thức tiếng ru hời. 
Gương trong chục chiếc mong soi tỏ, 
Cúc trắng mười bông ước ngậm cười. 
Dâng nén hương thơm trào nước mắt, 
Nhìn  khung di ảnh vẫn vui tươi 
Xin về chải tóc làm duyên nhé 
Nước đã yên bình các chị ơi!

(Trần Quốc Hùng)



ANH NẰM ĐÓ

Đất mẹ anh về một sáng nao 
Dế giun làm bạn - cỏ xanh đầu 
Gió sương ủ ấp lờì ru thoảng 
Mưa nắng vỗ về giấc mộng sâu 
Đau đớn dâng tràn lên bạn hữu 
Hận thù trả lại vớí trăng sao 
Nghĩa trang hiu hắt - chiều hoang lạnh 
Lặng lẽ hoàng hôn - nắng uá mầu 

(Khánh Chân-Biên Hòa)

 Có thể dùng Đường thi viết rất thoáng về tôn giáo:


Ở CỔNG THIÊN ĐƯỜNG

Đã tưởng sắp vào nước Chúa Lời 
Vậy mà chỉ liếc mắt nhìn thôi 
Linh hồn thoắt cái đi về đất 
Thể xác trơ ra đứng giữa trời 
Cứ nghĩ đời này không thấy được 
Nào hay người ấy có đây rồi 
Thôi vậy đành ngược đường tìm kiếm 
Nơi có nàng thì ắt có tôi. 


Và đây là đề tài nude hót và rất @


BẤT NGỜ

Thật bất ngờ khi chợt thấy em 
Khoe mình giữa suối nước thân quen 
Anh thành Từ Thức đang mơ mộng 
Em hóa Nàng Tiên đã hẹn duyên 
Ốc đảo hồng tươi như trái cấm 
Đào nguyên xanh ngắt tựa lâm tuyền 
Anh hư chỉ muốn làm ma quỉ 
Để xiết ghì nhau thỏa khát thèm! 


Hoặc như bài:

GHEN

Nhà thơ đứng lạnh đợi bên thềm 
Muốn được cùng ai nhóm lửa lên 
Láo xược trăng len nhòm ngó thử 
A dua gió thổi hất tung rèm 
Tiên nương say ngủ nào đâu biết 
Bồng đảo mơ màng vẫn lộ thiên 
"Hen" quá thi nhân liều động cửa 
Ngờ đâu "cún" đợp mấy răng liền!! 


Tình cảm tuổi teen hoàn toàn có thể dùng Đường thi diễn tả:


ĐÂU RỒI HOA TÍM

Bằng lăng héo lá trước hè nhà 
Tím ấy theo cùng suốt tuổi hoa 
Bão đã khùng điên lay bật rễ 
Người còn xao nhãng chẳng nhìn qua 
Mình em ứa lệ nhìn cây chết 
Lũ bạn cười trêu mải thét la 
Cúi lượm thơ ngây mang sắc tím 
Ép cùng nỗi nhớ tháng năm xa...



Chỉ cần nêu một số ví dụ trên đã có thể chứng minh rằng Đường thi sẽ sống động và có đủ sức mạnh để đi vào lòng người khi không quá gò bó vào từng câu chữ. Nói vậy nhưng cả người khắt khe nhất cũng khó bắt lỗi về niêm luật của những bài Đường thi nói trên, ngoại trừ các tác giả đã dùng một qui định để du di nhưng đã được các bậc Nho gia tiền bối áp dụng từ vài thế kỉ trước đây, đó là nhất tam ngũ bất luận, nhị thập tứ phân minh, có nghĩa là những từ thứ nhất, thứ ba và thứ năm trong một câu thơ bẩy chữ có thể tùy ý dùng thanh bằng hay thanh trắc. Còn những từ thứ hai, thứ bốn và thứ sáu hoàn toàn phải theo đúng qui định về luật bằng trắc của Đường thi.

Người mới học làm thơ luật Đường thường chỉ biết là phải chọn từ để đối (càng chan chát càng tốt) cho các cặp câu 3&4 và 5&6, cố gắng sao cho danh từ đối bằng danh từ, động hoặc tính từ thì phải đối bằng động hoặc tính từ. Đây là một việc khó nên người làm thơ còn chưa cao tay thường rơi vào trường hợp khi đặt được những câu như vậy, bài thơ sẽ trở nên khô như ngói vừa ra lò, hoặc chẳng còn giữ được ý hay tứ gì đặc biệt. Thực ra còn khá nhiều kiểu đối như phép đối Lưu thủy, Khoan đối, Chỉnh đối, Tá tự đối, Cú trung đối... mới nghe tưởng là khó nhưng với người yêu thơ thực sự lại trở thành tên lửa tầm xa hoặc vũ khí laze, chỉ khẽ bấm nút là Nàng Thơ phải thả hồn vào bài thơ của mình ngay.

Quay lại hai câu:

Tiên nương say ngủ nào đâu biết 
Bồng đảo mơ màng vẫn lộ thiên   (bài GHEN)


Hoặc hai câu 3&4 của bài LỐI CŨ dưới đây:


Lối cũ ngày xưa mình díu dan 
Giờ đây cỏ lạ mọc xen đan 
Còn không giữa cát cây đàn ấy 
Hay nát vùi trong bụi gió ngàn 
Tim vỡ, cầm bung theo nhát đập
 Lòng sầu, hóa thạch với thời gian 
Nàng còn nhớ tới ta không nhỉ 
Vết vẫn còn ghi dấu nát tan.

Dễ dàng nhận ra là tác giả đã dùng phép Lưu thủy đối nên chẳng phải quan tâm gì đến chuyện danh từ đối danh từ, động từ đối động từ mà vẫn giữ được ý thơ và độ mềm mại cho câu thơ.

Tuy nhiên giá như yêu cầu về đối này thoáng hơn một tí (có nghĩa là được phép lấn rào một chút) thì nhiều bài thơ sẽ hay hơn.

            Ví dụ hai câu 5&6 trong bài Hạ Long mà được chấp nhận để giữ theo nguyên tác ban đầu là:

            Cát ước vào tim trai hóa ngọc 
            Ta mơ hòa gió động mi bay

Thì ý thơ trọn vẹn và hình ảnh cũng hay hơn, ý nghĩa hơn.

            Viết đến đây đã dài nên không dám làm mệt đầu người có lòng ghé mắt đọc bài này hơn nữa. Chỉ muốn bày tỏ rằng nên chăng ở một nơi nào đó hoặc tổ chức nào đó (có thể là Câu Lạc Bộ thơ Đường Việt Nam cùng với Website THODUONGDATVIET) đứng ra tổ chức một nhóm tác giả viết "Đường thi thời @" để có thể bạo gan tìm những cách tân cần thiết với hi vọng sẽ trình làng được một số bài Đường thi "hay và dễ làm", để càng ngày càng có nhiều người (kể cả tuổi teen) tham gia vào sân chơi thơ Đường luật, ngõ hầu lưu lại cho hậu thế một di sản văn hóa xứng đáng với tầm vóc và thời đại của người Việt chúng ta.

       Tất nhiên sau đó còn phải rửa tai lắng nghe thẩm định của độc giả cũng như sự mòn xói của thời gian ra sao.

                                 Nhà văn-dịch giả Ngọc Châu

                                (Hội Nhà văn Hải Phòng)

Ghi chú: Do còn ít thời gian để tìm và lựa chọn nên những bài Đường thi sử dụng trên đều dùng bài của tác giả viết ra, ngoại trừ ba bài của bạn bè, có ghi rõ tên tác giả ở dưới mỗi bài)

Theo http://vanvn.net/Details/ly-luan-phe-binh/suy-nghi-ve-tho-luat-duong-thoi-/32/0/3366.star


Bài gởi từ hộp thư của Bích Nguyễn Ngọc: ennoxehaiphong@yahoo.com.vn 
giới thiệu liên kết đến trang 
CLB UNESCO VĂN HỌC-ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM 
CHI NHÁNH ĐẤT VIỆT: thodatviet.vnweblogs.com
READ MORE - SUY NGHI VỀ THƠ LUẬT ĐƯỜNG THỜI @ - Ngọc Châu