Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 22, 2020

MÙA CƯỚI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

 

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân


MÙA CƯỚI

Truyện ngắn

Lê Hứa Huyền Trân


Cứ mỗi lần đến cái mùa này là lòng chị cứ như thắt lại và nỗi cô đơn như dài thêm ra mỗi đêm trường. Thậm chí, người ta hay bảo cái nghề trông trẻ của chị ít ra phần nào an ủi nỗi cô đơn của chị chỉ càng làm cho chị thêm khao khát cảm giác có một gia đình và một đứa con do chính mình rứt ruột đẻ ra. Chị yêu thương những đứa trẻ mà chị chăm bẵm, chị coi chúng như con đẻ, nhưng cuối cùng cuối mỗi ngày chúng lại về với gia đình thực của mình, còn chị mãi mãi chỉ là một “ người mẹ tạm thời” không hơn không kém. Cuối làng có nhà vừa giăng rạp, cạnh bên tiếng nhạc đám cưới mở thử ì xèo, xe gắn hoa đỏ chạy khắp ngõ. Mùa cưới về. Da diết quá! Ôi sao lòng chị trở nên da diết quá!

Chị khẽ đẩy nhẹ cái cửa bước vào trong căn nhà u tối cạnh con kênh nhỏ. Kì, ở giữa Sài Gòn rộng lớn lại có cái xóm nghèo bốn bề trôi nổi như thế này. Thậm chí giữa đất xô bồ, những con người này cũng có cuộc đời trôi nổi như chính nơi mà họ sống vậy. Ngót nghét chị ở Sài Gòn cũng đã hơn hai mươi năm, cái tuổi xấp xỉ bốn mươi như gặm nhấm sức khỏe chị và gặm nhấm cả niềm vui trong chị đến mức nó bị bào mòn không còn một chút gì. Đôi khi, chị thấy chị trở nên thật giả tạo với nụ cười mỗi ngày chị giành cho những đứa trẻ và cha mẹ của chúng, việc đứng trước gương để tập cười như thế nào đã trở thành thói quen thường nhật trong cuộc sống của chị. Người ta lên Sài Gòn rồi gửi được tiền về nuôi cha mẹ, còn chị, chị thậm chí còn không lo nổi cho chính mình. Ngày chị mới đôi mươi lên phố thị với biết bao hoài bão, ngày ấy trong làng có ai lên phố làm là cha mẹ người đó hãnh diện lắm, với cả nghĩ họ sẽ kiếm được nhiều tiền, lâu dần, cha mẹ chẳng còn mong mỏi gì nơi chị. Những năm đầu mỗi khi chị về họ còn hỏi han, rồi họ cũng chẳng còn buồn hỏi, chị tồn tại như một cái bóng nên ngày tháng đi về cứ thưa dần. Chị bám trụ luôn tại nơi này.

            -Dì Anh ơi, dì có nhà không? Con mới được cho mấy củ lang ngọt lắm. Dì ra lấy hộ con với.

Tiếng thằng Sa gọi í ới trước cửa nhà làm chị như bừng tỉnh. Chị lúi húi vén tấm màn 

nhỏ dưới bếp chạy lên. Trên bậc thềm của căn nhà nhỏ một thằng nhóc đen đúa đang đứng chờ chị. Vừa thấy chị, nó vội kéo cái áo, bên trong đầy những khoai hì hục chuyền sang tay chị. Vừa đưa chị nó vừa gục gặc:

            -Con chạy đám trong quận Năm, người ta cho con đấy dì. Con để trong áo mang chạy về liền sợ nguội. Tay con bẩn quá nên con đựng cả ra áo.

Tự nhiên nghe thằng tiếng thằng Sa bao nhiêu suy nghĩ của chị vụt tan thành mây khói.

Nó lúc nào cũng khuấy động cuộc sống chị không cho chị kịp suy nghĩ điều chi. Thằng Sa sống ở cuối xóm với bà nó, ba mẹ nó mất trong một lần đi lượm nhôm nhựa, nó lại là con một không có anh chị em thân thiết. Ngày đám tang, bà nó lặn lội xuống Tiền Giang rước nó lên Sài Gòn ở cùng, khổ nỗi nhà bà nó cũng nghèo, sống bằng nghề bán thuốc, bán nước ở chợ cũng chẳng lời được bao nhiêu nên nó phải nghỉ học từ sớm để đi phụ việc. Chừng mười tuổi mà đã trông rắn rỏi, nó được người ta giới thiệu làm chân chạy vặt phụ giúp bếp núc ở mấy cái đám cưới. Ngày nó mới vô xóm, chẳng ai chơi, bà nó lại thân với chị, cứ nhờ chị giúp nó quen nơi, với bản chất nghề nghiệp của mình, chị hay quan tâm nó, lâu dần, lúc nào rảnh rỗi là nó lại quấn quýt chị.

           -Hôm nay con phụ nhiều đám cưới lắm dì. Đúng là mùa cưới có khác. – Rồi nó chưng hửng như đang suy nghĩ gì, đột nhiên nó hỏi – Sau này dì mà cưới con sẽ phụ cưới không công luôn.

Lời con nít không có lỗi nhưng nó không biết vô tình chạm vào nỗi đau nơi tim chị. 

Ngày còn trẻ chị cũng từng yêu tha thiết lắm, ngày mười tám chị yêu anh trai làng,và cũng vì anh ấy mà chị mới lên phố. Hai người hứa hẹn trăm năm đủ điều, rồi anh đi công tác, anh hứa rồi anh sẽ về để chị chờ mòn mỏi. Cứ mỗi tháng thư về chị lại thấy anh nói chị đợi, nhưng thực trong lòng chị chưa một lần nào chị cảm thấy sự chờ đợi ấy mỏi mòn nhường nào vì tình yêu mà chị giành cho anh nhiều hơn thế nữa. Những người bạn của chị vẫn hay nói với chị:

           -Tao thấy anh Hạ đi khó về. Chẳng phải ảnh đã đi năm năm rồi đấy sao? Năm năm với đàn ông thì không sao chứ với con gái thì đã mất xuân thì rồi đấy. Đi công tác gì mà ở luôn ngoài đấy? Có khi chẳng muốn về.

Chị chẳng nói gì chỉ luôn nghĩ phải tin anh. Thế rồi năm chị tròn hai mươi ba, anh về. Anh về nhưng dẫn theo một người con gái khác và những lời xin lỗi chị tràn ngập. Chị đau đớn tới mưc chẳng thể trách cứ anh mà chỉ hứa sẽ không bao giờ quên nỗi đau với mối tình đầu tan vỡ. Người con gái đã đánh mất năm năm tuổi xuân, xa cả gia đình lên miền đất lạ vì yêu thương anh mà anh cũng nỡ lãng quên cho được. Nhưng chị cũng hiểu tình đã hết khó mà níu kéo được. Ngày anh chia tay, đất Sài thành cũng vào mùa cưới.

Năm chị hai lăm, chị lại yêu. Một anh chàng được giới thiệu, công tử con nhà giàu. Dù anh giàu nhưng ở anh có sự khiêm tốn và chưa bao giờ anh thể hiện ra với chị anh là con nhà quyền thế. Hai người cũng hẹn yêu và cũng hứa hẹn đủ điều nhưng tuyệt nhiên anh chưa bao giờ nhắc đến chuyện cưới xin. Chị đợi anh nhưng đồng thời cũng nhận ra tuổi xuân qua đi rất nhanh. Hai năm trôi qua biết bao mùa cưới xin lại đến nhưng cứ mỗi lần chị định gợi chuyện: “Ba má em cũng dặn dắt anh về ra mắt, con gái lớn rồi, lỡ thì…” thì anh lại lảng sang chuyện khác. Cho đến một ngày khi mùa cưới lại về, lại bộn bề và khát khao hạnh phúc dâng trào, chị hỏi thẳng anh liệu có muốn lấy chị không. Ngày đó cũng là ngày hai người chia tay. Cuộc tình này làm chị đau khổ và hối tiếc nên chị ra sức níu kéo nhưng anh chỉ phũ phàng và nói với chị: “Tình yêu suy cho cùng cũng chỉ là một câu hứa, nên lắm người quên, em nhớ đề làm gì?”. 

           -Con nhắc chuyện gì làm dì buôn sao? Con lỡ lời. Ngoại đã dặn con đừng bao giờ nhắc với dì chuyện cưới xin.

Chị chỉ bật cười. Đôi khi thấy nó chị cảm thấy như an ủi vì có thêm một đứa con, nhưng đôi lúc nhìn nó chị lại đau lòng. Nhất là với công việc nó đang làm, cứ thấy nó bận là chị lại biết mùa cưới lại về, lòng chị càng nôn nao. Năm chị ba mươi, chị khát khao một đứa con hơn là một người chồng. Vì thế tình yêu tuổi ba mươi của chị cứ như là một cơn mưa rào, yêu vội vàng để có một gia đình. Anh là một người hết mực yêu thương chị, một người đàn ông góa vợ, nhưng chị lại là một người đàn bà không còn biết đến yêu thương. Ngày chị gặp anh, chị cũng bắt đầu một mối tình nhưng với chị bây giờ, chị chỉ muốn có con để an ủi lúc sau này, và anh, anh đủ từng trải để hiểu chị không hề yêu thương anh. Lúc anh cầu hôn chị để bước vào mùa cưới cũng là lúc anh nhận ra sự thật ấy. Và dù vô cùng yêu thương chị, anh cũng xa chị. Và kể từ đó tới giờ cũng đã tám năm trôi qua, chị đã gác lại hạnh phúc mơ ước gia đình nhỏ nhoi. Chỉ thỉnh thoảng mùa cưới về lòng chị lại dấy lên những đau thương không rõ.

Mùa xuân năm chị bốn mươi mùa cưới lại về. Ba mẹ không còn thúc hối chuyện cưới xin nhưng cũng làm chị thêm chạnh lòng mỗi khi nhận thiệp cưới. Cảm giác thúc bách khi tuổi xuân qua đi mau chóng và sự dèm pha mỗi khi về làng khiến chị gần như trở nên bực bội trong người. Lúc chị mệt mỏi nhất thì thằng Sa qua, nó không biết chị đang mệt nên cứ nhí nhố bên cạnh chị, chẳng biết vì lẽ gì chị lại bực tức:

         -Dì không phải mẹ của con đâu mà lúc nào cũng có thể ở bên con được. Trong mắt dì con cũng chỉ là một đứa trẻ như bao đứa khác thôi, nên không thể lúc nào cũng ở bên hay chơi với con được đâu.

Thằng Sa không nói gì, đôi mắt nó như buồn hẳn, cuối cùng nó nói:

           -Dù dì không xem con là con nhưng con lúc nào cũng muốn ở bên dì và xem dì là mẹ hết. Con xin lỗi.

Rồi nó quay đi. Lúc đó, trong trái tim chị dấy lên một cảm xúc nhiều hơn cả sự đau nhói. Lời nói ngây thơ của một đứa trẻ khiến chị như bừng tỉnh bao nhiêu là cảm xúc mà chị những tưởng đã ngủ quên, nó như là tình mẫu tử mà chị nghĩ chị không bao giờ biết. Thật buồn cười khi một người chừng này tuổi đầu lại được khai sáng bởi lời của một đứa trẻ chỉ mới mười tuổi. Rõ ràng là chị thương nó, rõ ràng là chị cũng xem nó như con, chỉ là chị cứ mong mỏi một đứa con ruột quá đỗi nên không nhận ra hạnh phúc đang ở cạnh mình. Chị thấy mình sai quá đồng thời cũng thấy mình hạnh phúc quá, đột nhiên chị vỗ nhẹ vào đầu mình một cái, mùa cưới lại về, chị chợt không cảm thấy cô đơn nữa, vì giờ đây chị đã có một gia đình, một gia đình mà chị nhận ra từ lời nói của một đứa trẻ. Hạnh phúc, đâu bao giờ là quá muộn, đúng không?



Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


READ MORE - MÙA CƯỚI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

CHÙA HÀ, LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN - Đặng Xuân Xuyến

Chùa Hà. Ảnh: vi.wikipedia.org
 

CHÙA HÀ - LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN


Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước kia thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Có hai truyền thuyết về chùa Hà.

Truyền thuyết thứ nhất:

Vào thời Lý, khi vua Lý Thánh Tông trị vì,lúc đã 42 tuổi mà vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này (chùa Hà) còn có tên là Thánh Đức tự.

Truyền thuyết thứ hai:

Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phế bỏ Lê Nghi Dân để phò tá ông lên ngôi vua vào năm 1460.

Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà.

Kiến trúc của chùa được quy hoạch trong một khoảng không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.

Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông

Chùa Hà nhìn ra hướng tây, kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế. Lớp thứ hai: là ba pho tượng Tam Thánh. Phía dưới tượng A Di Đà: tượng A Nan Đà, Đức Ông.

Phía ngoài chính điện giáp với đại bái là tượng Thích Ca sơ sinh. Lớp tượng ở nhà bái đường nổi bật nhất là tượng Thiên Tướng Hộ Pháp cao lớn mặc áo giáp vàng ngồi trên con sấu. Hai bên đầu hồi còn đặt 8 vị Thần Vương Hộ Pháp.

Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ. Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng các cô, các cậu. Đặc biệt là bức phù điêu Bát Tiên treo bên trái hồi rất sống động.

Bàn thờ phía dưới cùng của Điện Mẫu là Ngũ Hổ thần quan, hay gọi nôm là Quan Năm Dinh, biểu tượng bằng 5 mãnh hổ với màu sắc khác nhau.

Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ ông cụ bà, đến lễ bái, thì chùa Hà được đông đảo học sinh, sinh viên tìm đến để cầu tình yêu.

Dân gian tín rằng chùa Hà rất linh nghiệm với những cầu nguyện về thi cử, học hành và tình duyên. Rất nhiều nam thanh nữ tú (nhất là những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình) đầu xuân đến chùa Hà để cầu xin sớm gặp được người chồng (vợ) như ý, hoặc cầu xin tình yêu sớm đơm hoa kết trái, hạnh phúc gia đình được viên mãn.

Dân gian cũng tín rằng: Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”.

.....................

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

*

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHÙA HÀ, LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN - Đặng Xuân Xuyến

NHỚ QUÊ - Thơ Nhã My, nhạc và trình bày Phan Ni Tấn.



                             Nhà thơ Nhã My


NHỚ QUÊ

Tháng ba hoa đào rơi rơi từng cánh mỏng
Trải ven đường trên thảm cỏ rợp một màu hồng non
Em lại đi trong nỗi nhớ bồn chồn
Về một chốn đồng
quê có hoa cau hoa bưởi
Có luống rau xanh mà mẹ vừa mới tưới
Có trái non trái chín trĩu trên cành
Em vẫn nhớ về một ký ức xanh
Với ruộng lúa
rì rào gió đưa lượn sóng trong trời chiều ngập nắng
Ngan ngát hương quê bông súng nở trong đầm
Nơi ấy em vẫn
hướng về dù rất đổi xa xăm
Giờ đã xa mất rồi cái tuổi mười lăm
Vẫn ao ước nắm tay ai cùng về trong những chiều tan học
Chia nhau từng nụ cười hồn nhiên
Hoặc trách móc giận hờn nhau trong nhửng ngày chờ đợi
Nghe tiếng bìm bịp kêu mà lòng phơi phới
Biết nước lớn về
người sẽ qua thăm
Con sông quê với bao kỷ niệm ngập lòng
Với bên lỡ bên bồi như tình yêu san sẻ
Ngày nhớ thương người mà đêm vẫn thích nằm trong vòng
tay của mẹ
Ơi ngọt ngào nghe những tiếng ru êm

Bây giờ tóc mẹ đã hết xanh
Cả người xưa cũng xa rồi không còn gặp lại
Có phải chăng hồn em đang đợi
Xa lắc chiều thương quá chân quê...
                                                 
                                                                              Nhã My


  

Thơ: Nhã My.

Nhạc và trình bày: Phan Ni Tấn.


READ MORE - NHỚ QUÊ - Thơ Nhã My, nhạc và trình bày Phan Ni Tấn.