Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 26, 2014

Triệu Lam Châu - VIDEO NHẠC “NGÀY TẢO MỘ TRÊN QUÊ HƯƠNG”

LỜI TÂM SỰ CỦA TÁC GIẢ TRIỆU LAM CHÂU:

Đối với các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam,
đặc biệt là hai dân tộc Tày, Nùng – thì NGÀY MÙNG BA THÁNG BA ÂM LỊCH hàng năm, là một ngày lễ hết sức trọng đại và thiêng liêng. Đó là ngày Tảo mộ tổ tông, ông bà, cha mẹ… của cả dòng họ và của mỗi gia đình.

Tác giả Triệu Lam Châu
Vào ngày ấy trên các ngả đường núi, dân chúng các dòng họ rủ nhau nao nức cùng đi tảo mộ, làm xao động cả núi ngàn. Hồi trước còn được phép đốt pháo, thì trong ngày tảo mộ ấy, tiếng pháo cứ nổ giòn râm ran, quyện với khói hương nghi ngút… Và mỗi người như thể được gặp lại hồn tổ tiên từ Mường Trời bay về gặp cháu, con, chút, chít…Thật là cảm động vô vàn…

Được đi tảo mộ trên núi cao cùng họ hàng, là một diễm phúc thiêng
liêng về mặt tinh thần.

Mùa tảo mộ năm nay Triệu Lam Châu tôi lại bận công việc chung ở Tuy Hoà, Phú Yên xa xôi – không thể về cố hương Cao Bằng tham gia tảo mộ cùng họ hàng ở Khuổi Phước – Khau Mi-à – P’ò D’eng – Khau Lỷ - Đông Kho… nữa rồi. Lòng hụt hẫng vô cùng ở nơi quê người đất khách xa vời, tôi lại nhớ một kỷ niệm cũ máu thịt của đời mình: Đầu tháng mười Âm lịch năm 1996, tôi từ Phú Yên về quê Cao Bằng chịu tang mé (mẹ). Sau khi mai táng mé, theo phong tục quê nhà, chiều nào tôi cũng lên Khuổi Phước, Khau Mi-à thắp hương thắp đèn ở nhà mồ. Mộ mé nằm trên núi cao, cách nhà ngót bốn cây số đường rừng. Tôi cứ nghẹn ngào ngồi bên mộ mãi… Và khi trăng lên, tôi mới lủi thủi một mình trở về nhà ở bản Nà Pẳng theo đường Lăng Đông Bó Toòng, Roỏng Hẩu…

Đến Lăng Đông Bó Toòng, tôi cảm thấy lòng mình như có gì níu kéo, không muốn trở về nhà nữa. Và tôi đã ngồi lại rất lâu, đưa mắt nhìn về phía ánh đèn leo lét sáng từ mộ mé trong sương mờ. Ánh đèn hay ánh mắt mé níu gọi con ở lại bên mình trên núi vắng giữa đêm trăng? Lòng cứ miên man mãi… Rồi chợt nhìn xuống đất, tôi bỗng thấy bóng mình đẫm ánh trăng soi. Muộn quá rồi, mé ơi, mé hãy yên nghỉ nhé! Con xin phép về thôi, để ngày mai xuôi Thị xã và lại trở vào miền Nam xa xăm…

Tình mẫu tử nghẹn ngào đã làm nảy mầm trong tôi một tứ thơ:

Bản thơ tiếng Tày:

MÉ PHÁC HAI D’JỀU…
Rủp đăm, khửn tẻm hương mạ mé
Lủc t’oỏc p’uồn, khôm khỏ khau slung
Mé phác hai d’jều nưa kéng bjoóc
Chỏi rủng t’àng lủc t’jẻo rườn chương…
                         Nà Pẳng, gẳm 19/12/1996
                             Triệu Lam Châu

Bản thơ tiếng Việt:

MẸ GỬI TRĂNG LIỀM…
Đêm buông, lên thắp hương mộ mẹ
Một mình buồn tủi, núi chon von
Mẹ gửi trăng liềm lên tán lá
Soi bước đường con trở về thôn…
                      Nà Pẳng, đêm 19/12/1996
                           Triệu Lam Châu

Dẫu đã đi vào cõi âm rồi, mé vẫn lo cho con, trời tối thế này làm sao con trở về nhà được. Còn một chút sức tàn trong lòng đất, mé cũng cố gửi lên một ánh trăng liềm mảnh gầy như dáng hình của mẹ, để soi đường cho con trở về nhà. Ánh trăng càng mờ ảo bao nhiêu, thì tình mé lại càng ràn rụa và sâu nặng bấy nhiêu. Nghĩ vậy mà lòng đầm đìa nước mắt… Mùa tảo mộ năm 2014 này con lại không thể về quê được nữa rồi. Kính mong mé và các bậc tổ tiên rộng lòng tha lỗi cho con…

Xin mời Quý thính giả cùng thưởng thức video nhạc Ngày tảo mộ trên quê hương của Triệu Lam Châu.

Kính chúc Quý thính giả sức khoẻ, an lành, hạnh phúc và thắng lợi.

Tuy Hoà, lúc ba giờ 46’ sáng 22 tháng 3 năm 2014.
Triệu Lam Châu
Đường trời: trieulamchau@gmail.com
Số nối:  0983 825502



Mời Quý thính giả thưởng thức video “Ngày tảo mộ trên quê hương” của Triệu Lam Châu, theo các đường dẫn sau đây:

http://youtu.be/cYv_IxTwDRc   (Ngày tảo mộ trên quê hương (1) – Video nhạc Triệu Lam Châu)

http://youtu.be/OWgJ-mEDf-Q  (Ngày tảo mộ trên quê hương (2) – Video nhạc Triệu Lam Châu)

http://youtu.be/78-ipI8btMI   (Ngày tảo mộ trên quê hương (3) – Video nhạc Triệu Lam Châu)
READ MORE - Triệu Lam Châu - VIDEO NHẠC “NGÀY TẢO MỘ TRÊN QUÊ HƯƠNG”

TÂM NGUYỆN – thơ Nguyễn Trung Gíang

Kính tặng thầy Lê Quang Thái

Thầy Lê Quag Thái đang tiếp học sinh cũ  nhân ngày NGVN 20/11/2012.
Từ trái: Anh Lê Văn Hải, thầy Lê Quang Thái, chị Trần Văn Hảo, cô Lê Thị Tránh (phu nhân của thầy Thái)
Ảnh từ nguyenhoang6471.blogspot.com



Con mãi là đứa học trò thơ dại
Thầy dẫn lối đi từ bước ban đầu
Phấn trắng bảng đen tấm lòng nhân ái
Tình thầy trò ấm áp nghĩa ơn sâu

Lòng vẫn giữ tinh tươm hồn áo trắng
Dầu lớp áo đời vướng bụi trầm luân
Con sóng chênh chao bãi bờ lận đận
Trắng tóc mây sách vở vẫn trong ngần

Con chữ thầy cho còn nguyên màu mực
Nét son xưa nở đẹp cánh tâm hồn
Giữa trùng vây con biết mình vẫn thức
Đọc trang đời bằng mẫu tự yêu thương

Năm mươi năm bồng bềnh trong nỗi nhớ
Mong gặp thầy dù chỉ một lần thôi
Để nghe tin yêu tràn vào hơi thở
Thắp ước mơ trong lớp học trường đời

                            Nguyễn Trung Giang
                                 01648892257


READ MORE - TÂM NGUYỆN – thơ Nguyễn Trung Gíang

ĐÓNG ĐINH - thơ Trần Hữu Khả

  


hào phóng  ta cho không
những chiếc đinh tẩm độc..
Hai ngàn năm trước
những nhát búa u mê tự tôn
những chiếc đinh hằn học ghen ghét
đường đường chính chính tiền hô hậu ủng
đóng đinh câu rút
Giêsu
con Thiên Chúa
trần trụi đơn thân trên thập giá ô nhục..
những nhát búa tự cao tự đại
vô tình hữu ý vung lên hạ xuống nhịp nhàng
những chiếc đinh
lởm chởm trong tiếng cười khinh bạc
bắn ra trong tia nhìn điếng hồn rắn độc
phủ chụp trong lời nói tai bay vạ gió
Ta
vị quan tòa quyền uy độc tôn cần mẫn
sẵn sàng tuyên án
tất cả
đấng Tạo tác
bậc sinh thành
tào khang thê tử đầu ôm tay gối
anh em thủ túc cùng mâm chung chiếu sinh tử đồng hành
thiên hạ gần xa chưa lần gặp mặt không thù không oán
những chiếc đinh
buốt sắc định kiến
những nhát búa cật lực
hả hê vị kỷ
đều đều hồn nhiên
đóng xuống
ghim chặt.

Mùa chay 2014
Tác giả: Trần Hữu Khả
Sinh năm: 1961
Địa chỉ: K95/10 Bà Huyện Thanh Quan- Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Tự do
Số ĐT: 0903507075

tranhuukhaat@gmail.com
READ MORE - ĐÓNG ĐINH - thơ Trần Hữu Khả

TẠM TRÚ - thơ Trúc Thanh Tâm



Chim soải cánh nhìn ráng chiều hấp hối
Lát nữa đây, đêm xuống phải về đâu
Cũng như ta từ dạo xa cố thổ
Nhớ lũy tre ao cá với giàn bầu !

Ta ở đồng bằng nhiều sông ít núi
Em ở vùng cao nhiều núi ít sông
Những yêu thương cả trời quê bát ngát
Chợt em nhớ sông ta lại nhớ rừng !

Lúc nào đó hai đứa cùng tới biển
Nhìn xa xa từng đợt sóng vỗ bờ
Ai hiểu được trong nỗi đau trắng xóa
Cho cuối cùng tan mãi với hư vô !

Chúng ta sinh ra, lớn lên từ đất
Mồ mả tổ tiên, chòm xóm bên nhau
Bởi quê hương là con người, cây lúa
Là dây trầu luôn quấn quýt bên cau !

Nên muốn trái tim nhịp tình chân thật
Nào ngờ đâu đầy cạm bẫy, dối gian
Mới vui sáng, chiều xuôi tay nhắm mắt
Éo le thay những hạnh phúc phũ phàng !


Nghe và nói sao nhiều điều phiền phức
Những trò đời chuyện nhớ lại muốn quên
Thế giới nầy chẳng có ai thường trú
Ta một đời tạm trú để yêu em !

TRÚC THANH TÂM
(Tháng 3/ 2014 )
READ MORE - TẠM TRÚ - thơ Trúc Thanh Tâm

ĐỂ ĐỜI VẪN VUI HƠN - thơ Phan Minh Châu

Tác giả Phan Minh Châu



Một cái vẩy tay một cái nhìn thân thiện
Đủ để tôi chìm trong giấc ngủ sâu hơn
Đủ để tôi tìm lại bóng trăng non
Trôi xa lắc nơi dòng sông ký ức
Tôi tìm lại những gì thân thuộc nhất
Chảy mù mờ trong suốt những đêm đen
Thành phố kia hoang dại đã chong đèn
Con mắt điện thổi bùng bao ánh sáng
Tiếng sóng biển xô ngang
Tiếng còi tàu đang rạn
Thổi tình yêu lên chót đỉnh non xa
Tôi lang thang từ độ … không nhà
Đi di trú nơi cánh đồng bão nổi
Những mùa xuân rãi hoa lên bóng tối
Lên cuộc đời ngân ngấn nỗi oan khiên
Còn không anh trái tim lửa không đèn
Trái tim lửa đã bao thời cháy đỏ
Tôi vuốt mặt bên tháng ngày sương gió
Ngẫn ngơ nhìn nơi đó thoáng hương bay
Gió mùa thu còn lạnh đến bao ngày
Những chiếc lá trong một lần sống vội
Đứng bên anh tôi nghĩ mình vô tội
Trước cái nhìn nghiêm khắc của quê hương
Bao năm dài nơi ấy vẫn tai ương
Vẫn tiếng hét vẫn giọng cười ngạo nghễ
Xin anh đó vầng trăng xưa vừa hé
Trên khu vườn lấm láp hạt sương khô
Bao mùa xuân những cái chết không mồ
Những cái chết trôi qua vùng đất chết
Tôi chợt hiểu tôi vẫn còn thấm mệt
Trước trận đòn vô nghĩa đánh nơi xa.

                      Phan Minh Châu
READ MORE - ĐỂ ĐỜI VẪN VUI HƠN - thơ Phan Minh Châu

NỖI ĐAU THƯƠNG QUÁ BẤT NGỜ - Nguyễn Hồng Trân



Ôi, nỗi đau thương quá bất ngờ em Sao Mai ơi!

Biết tin em qua đời vào một buổi sáng mùa xuân năm Giáp Ngọ (2014), vào ngày Mậu Tý (18), Tháng Đinh Mão (T 2). Cái ngày em vĩnh biệt trần gian về với Tổ tiên, thật quá bất ngờ, làm anh chị Nguyễn Hồng Trân, Thái Lê Phương và các cháu Phong Lan, Phong Ly đều sững sờ, tuôn trào nước mắt, đau thương vô cùng!...

Em là một giáo viên dạy Toán trường THPT Thành Cổ Quảng Trị, đã sát cánh, kề vài với người bạn đời đồng nghiệp, đồng môn, cùng quê, thôn Quy Thiện. Đã bao năm em vất vả cuộc đời giáo viên gắn bó với quê hương và tận tình chăm sóc chồng, nuôi dạy con chu đáo. Đồng thời em đã hết lòng gắng bó với nghề nghiệp trồng người cho xã hội.

Bao nhiêu lứa tuổi học trò của em đã trưởng thành rồi đi làm việc khắp nơi đều rất quý mến cô, thương nhớ cô như người mẹ hiền vui tính. Và cứ mỗi lần học sinh cũ về quê hương Quảng Trị, đều ghé thăm cô tỏ lòng tri ân, quyến luyến…

Ánh mắt, nụ cười thiện cảm, vui tươi; giọng nói nhẹ nhàng của cô giáo Sao Mai đã để lại ấn tượng thân thiết, kỷ niệm sâu sắc trong lòng học sinh không bao giờ phai nhạt. Mặt khác, cô Sao Mai giàu lòng nhân ái, cô luôn có tình thương với nhiều người, nên được nhiều người cũng thương yêu, quý mến cô.

Hỡi ơi! Giờ đây cô Sao Mai không còn nữa, để lại bao thương tiếc cho gia đình, bà con, bạn bè, thân thuộc và học sinh khắp mọi xứ.

Tại lễ tang cô Sao Mai, đoàn người đã xếp hàng dài dài đến viếng suốt ngày tới tận đêm khuya. Có tới gần 80 vòng hoa và mấy chục bức trướng, liễn kính viếng, thương tiếc tiễn đưa cô thật trang trọng.

Tiếng sụt sùi khóc than trong từng đoàn người đến viếng làm cho anh chị em ruột thịt chúng tôi tuôn trào thêm nước mắt.

Ngày tiễn đưa cô giáo Sao Mai về nghĩa địa Đồng Rầm thôn Quy Thiện, đoàn xe tang nối đuôi nhau đưa linh cữu cô chạy chậm qua các trục đường chính của thị xã Quảng Trị rồi vòng đến trước cổng trường THPT Thành Cổ và dừng lại vài phút để linh hồn cô ghé lại thăm trường chào vĩnh biệt. Các lớp học trò mặc đồng phục và các thầy cô giáo chủ nhiệm đứng hai bên đường tiễn chào cô Sao Mai rồi theo nhau đi bộ theo đoàn đưa tang về đến nơi an nghỉ cuối cùng của cô.

Ôi, số phận em Sao Mai của chúng tôi thế là xong. Em đã về với suối vàng, sang kiếp khác. Từ nay, chồng em sẽ cô đơn vắng người vợ hiền chăm lo sức khỏe, chia sẻ tâm tình; Các con cháu sẽ vĩnh viễn vắng bóng người mẹ, người bà đôn hậu đã hết lòng thương yêu con cháu.

Sao Mai em ơi! Anh Nguyễn Hồng Trân đây chỉ là người anh rể (chồng chị BS.Thái Lê Phương), nhưng em đã coi anh như là người anh ruột. Lúc nào em đối xử với anh cũng rất chân thành, tình cảm. Em đã hiểu lòng anh lúc vui buồn và chia sẻ, cảm thông thực lòng. Mẹ của anh và em gái ruột của anh cũng coi em như người con trong gia đình. Điều đó làm cho anh rất ấm áp tình thân Sao Mai à.

Từ nay, em không còn trên đời nữa, anh đau buồn lắm, thương tiếc em vô cùng, em ơi!...

Cầu mong siêu thoát hồn em
Thiên thu cực lạc nơi miền cõi âm…

                                   Nguyễn Hồng Trân




READ MORE - NỖI ĐAU THƯƠNG QUÁ BẤT NGỜ - Nguyễn Hồng Trân

CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐỜI” CỦA THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch




ĐỜI

Vét sạch sành sanh dạo phố chơi
Đi tìm cái thú để yêu đời
Banh chưa tới đích, liền buông thở
Ngựa mới nâng chân, đã ngã rồi
Giữa chợ, bóng người hiu hắt đổ
Ven đường, chiếc lá dật dờ rơi
Chợt cơn dông đẩy mây đùn xuống
Những hạt mưa tuôn đẫm góc trời

                         Atlanta, Mar. 17, 2014
                         Thái Quốc Mưu

Châu Thạch cảm nhận:

Nhà thơ Thái Quốc Mưu
Chủ đề của bài thơ nói về đời nhưng toàn bộ bài thơ từ câu mở đến câu kết chẳng nói chi trực tiếp đến đời mà lại nói lông bông chuyện đá banh, đua ngựa, đi chợ rồi kết luận bằng cơn mưa xối xả.

Đó là một trong những phong thái Đường thi của Thái quốc Mưu, cái phong cách tưởng như tưng tưng khác với đời xưa và trái với thời nay làm cho khi đọc ta cứ tưởng Nhà thơ cười cười diễu cợt mà té ra càng ngẫm nghĩ càng thấy trường đời, ý vị và thâm thúy ẩn sau nụ cười.

Tác giả Châu Thạch
Ví như bài thơ “Đời” ở trên, tác giả làm thơ như mở cửa nhà cười hóm hỉnh với ta, nhưng sau đó lại dẫn dắt ta vào tham quan một khung cảnh u trầm với những bức tranh đời nghiệt ngã. Thử trích từng câu thơ để thảo luận hầu tìm cho nhau một vài giây phút vui thi phú, dẫu đúng hay sai xin lượng tình tha thứ.

1- “Vét sạch sành sanh dạo phố chơi”:

Câu thơ tỏ ý vào đời bằng tất cả vốn liếng của mình, là sự dấn thân nhưng với một phong cách thư thái như đi dạo phố chơi, nghĩa là không bôn ba, không cập rập đua chen . Đây là phong cách nhập thế thường là của các vị đức cao hay của những người chân tu thoát tục.

2. “Đi tìm cái thú để yêu đời”:

Đi tìm cái thú để yêu dời có nhiều cách. Người thì bôn chen làm giàu, kẻ lại tranh đua danh vọng..v.v, thậm chí các vị nhà tu cũng vì mục đích tuy có cao cả nhưng cũng là mục đích yêu đời. Nhà thơ Thái quốc Mưu thì không như thế, bởi ông “Vét sạch sành sanh dạo phố chơi” cho nên phố ở đây chính là hình ảnh cuộc đời mà ông chính là người rong chơi nhìn ngắm, không hề tham gia vào thị trường cạnh tranh trên đường phố. Sự nhập thể của nhà thơ ở đây thư thái và thanh thoát như một người đi dạo phố chơi.

Qua các câu thơ sau cuộc đời liền được diễn tả bằng những hình ảnh sống động khác như sân banh, cởi ngựa… và trong đó mỗi hình ảnh kèm theo thân phận bi đát của con người.

3- “Banh chưa tới đích, liền buông thở”:

Banh thì phải được dẫn tới cầu môn và đá tung vào lưới mới ghi bàn. Ở đây banh chưa tới đích liền buông thở là bỏ cuộc nửa chừng, là thất bạị thảm thương. “Buông thở” ở đây có thể  hiểu là mất banh rồi dừng lại đứng thở nhưng nên hiểu là đức hơi thở hay là sự chết thì hay hơn. Không một ai đi qua cuộc đời nầy mà làm tròn bao ước vọng của mình giống như dẫn được banh vào lưới. Thân phận con người khi lìa đời ai cũng giống như cầu thủ dẫn banh chưa tới cầu môn.

4- “Ngựa mới nâng chân, đã ngã rồi”:

Hình ảnh bi đát thứ hai của cuộc đời là hình ảnh con ngựa vừa nâng chân lên đã ngã quỵ. Đó là hình ảnh của sự thất bại xảy ra trong chớp nhoáng, cũng là hình ảnh thể hiện cho cả một đời người từ kẻ thành công nhất cho đến phường vô danh tiểu tốt, vì khi đến cuối cuộc đời mà ngoảnh lại thì chỉ thấy mình như vừa lên ngựa đã ngã ngay vào sự chết u minh. Đời người trăm năm như bóng câu qua cửa sổ, chưa làm được gì mà quỵ ngã ngay trong lưởi hái tử thần, khác chi con ngựa vừa nâng chân đã liền bị ngã!

5- “Giữa chợ, bóng người hiu hắt đổ”:

Đây là hình ảnh ảm đạm nhất. Dưới con mắt trần tục thì giữa chợ là nơi đông đúc nhưng dưới cái  nhìn vĩnh hằng của Phật, của Chúa thì giữa chợ đời từng lớp người, từng thế hệ thi nhau gục xuống. Bao nhiêu người đi lại giữa chợ đời hôm nay sẽ “hiu hắt đổ” không chừa một ai.

6- “Ven đường chiếc lá dật dờ rơi”:

Đây là nỗi cô đơn của cuộc đời. Hình ảnh cuộc đời bây giờ như một con đường mà sự chết con người cô đơn như chiếc lá rơi. Ở cuối cuộc đời con người lặng lẽ đi như chiếc lá dật dờ. Tác giả dùng bức tranh tĩnh ở cặp luận như khép lại một quảng đời sôi động đá banh, cởi ngựa ở tuổi thanh xuân để lui vào trong bóng tối của tuổi già nua.

Và rồi ở hai câu kết, cái cuối đời ảm  đạm đó phải nhận chịu sự cuồng nộ, bi đát phủ lên:

7 và 8: “Chợt cơn dông đẩy mây đùn xuống
               Những hạt mưa tuôn đẫm góc trời”

Sự chết được báo động bằng cơn dông đẩy mây đùn xuống hay thực tế hơn là bệnh tật và cô đơn và nuối tiếc và bao hệ lụy của tuổi già phủ trên ngày tháng. Khi “những hạt mưa tuôn đẫm góc trời” là lúc linh cửu con người được đưa xuống đất và linh hồn con người run rẩy như lạnh dưới cơn mưa.

Nếu không chú ý ta có thể nghĩ rằng qua bài thơ nầy Nhà thơ Thái quốc Mưu có tâm trạng bi quan yếm thế. Thật ra không phải như thế! Vì, những điều ông nói cũng chỉ là những điều nằm trong triết lý tôn giáo có từ xa xưa của những bậc giác ngộ giáo hóa con người. Các vị ấy ở trên con người, ở chốn siêu thoát không dính dấu vết con người, ở chốn hạnh phúc mà báo động cho con người biết thảm họa của mình.

Thái quốc Mưu không phải là bậc giác ngộ nhưng bài thơ hay ở chỗ ông dùng cái cốt cách thoát tục trong lời thơ để diễn tả sống động và trọn vẹn nỗi bi đát của cõi nhân sinh hay của cuộc đời trong đó có cả Nhà thơ.

Suy nghiệm về bài thơ tôi nhớ đến câu chuyện đức Phật lần đầu tiên ra khỏi thành Ca-tì-la-Vệ. Ngài chứng kiến được hình ảnh sinh, lão, bệnh, tử diễn ra giữa đời từ đó, sau nầy Ngài xuất gia tìm đạo. Mấy ngàn năm sau, có một Nhà thơ “dạo phố chơi” cũng thấy cảnh bi thương gần như thế, nhưng không biết bao giờ mới chịu xuất gia?                                                    

                                                                Châu Thạch
                                                          (Đà Nẵng 24/3/2014)


READ MORE - CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐỜI” CỦA THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch

THẰNG NÀO ĐÂY - thơ Bình Địa Mộc




thằng nào đây, giống thằng nầy
ồ không, nhìn kỷ hơi gầy chút thôi
ở xa thì giống thằng tôi
lại gần, chết mẹ, sinh đôi hổng chừng

thằng nào đây, cũng được nhưng
đừng ăn trộm cũng như đừng ăn gian
dám làm, dám chịu đàng hoàng
có cho, có nhận, có ngoan ngoãn ừ

thằng nào đây hả, hình như
mới bữa qua đói xin từ hạt cơm
áo quần rách tã rách tươm
hôm nay sạch sẽ và thơm lừng lừng

thằng nào chân bước ngập ngừng
tay ôm chặt bóng chiều dưng dửng chào
rằng thưa tự chốn xao lao
nửa khôn dại nửa lạc vào cõi em

bây giờ còn mỗi cái tên
mua ba vạn bán lại hên ba đồng
thằng nầy đích thị đàn ông
giữa trăm con nhất định không, tôi người ...

Sài Gòn, 23.03.2014

Bình Địa Mộc
READ MORE - THẰNG NÀO ĐÂY - thơ Bình Địa Mộc

BÀI THƠ NĂM THÁNG - Hoàng Yên Lynh


Tác giả Hoàng Yên Lynh



Một mình quanh quẩn một mình
Sáng ra đốt thuốc buồn tênh gốc nhà
Bạn bè cứ mãi bôn ba
Cố nhân cũng đã bỏ ta lâu rồi
Thời gian hay chiếc lá rơi
Đã nghe tím cả mây trời quạnh hiu
Đã nghe sương trắng tóc chiều
Là trăm năm gọi ngậm ngùi bến mê
Một mình quạnh vắng sơn khê
Thác reo vọng tiếng tỉ tê lá rừng
Đôi khi buồn nhớ mông lung
Nỗi đau nhân thế , đỉnh chung vuông tròn
Nguyễn Du ơi chút lòng son
Ba trăm năm nữa biết còn nhớ không ?
Ở đây rừng núi mênh mông
Chim kêu vượn hú chiều không khói chiều
Thì ra đời vốn cô liêu
Đa đoan thế sự sớm chiều cứ trôi
Dòng đời tựa áng mây thôi
Lúc trong lúc đục lở bồi vây quanh
Được thua cũng chỉ hư danh
Sao vòng danh lợi kẻ tranh người tìm
Ước mơ đời tựa cánh chim
Lượn bay tung cánh giữa nghìn hương hoa
Núi rừng rộn tiếng chim ca
Có vầng trăng cũ có ta mộng tràn
Hương trầm nhắc lại cố nhân
Để câu lục bát lạc vần nhớ thương
Quẩn quanh rồi cũng cuối đường
Từ trong sâu thẳm chương buồn ... gọi ta .

HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - BÀI THƠ NĂM THÁNG - Hoàng Yên Lynh