Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 19, 2012

CHÙM THƠ ĐƯỜNG NHÂN NGÀY LỄ TÌNH YÊU - Sông Thu, Võ Làng Trâm, Văn Thanh, Thu Vân, Như Thiền


Cáo lỗi: Chùm thơ Đường nhân ngày Tình Yêu do anh Lê Sông Thu gởi đến đã bị lạc vào hộp Spam  đến nay tình cờ mới tìm thấy. Xin anh Lê Sông Thu và các bạn thứ lỗi.

HÃY SỐNG VÀ YÊU            
         (Nhân ngày Tình Yêu 2012)

Hãy sống và yêu,các bạn ơi
Ngày xuân ngắn ngủi sắp qua rồi!
Bao lâu còn được,thì vui hưởng
Đến lúc lực tàn,mới phải xuôi!
Tràn ngập mến thương,lòng rộng mở
Xả buông hờn giận,dạ luôn tươi.
Tình nhân đâu chỉ khi son trẻ
Hạnh phúc dành cho khắp mọi người.
                                          Sông Thu

Bài họa

            MÃI NHỚ

Hỡi chàng thi hữu mến thương ơi
Nhắc nhở làm chi biết quá rồi !
Khuynh quốc nghiêng thành bao đứa bám
Dung tàn nhan nhạt mấy ai xuôi ?
Vô duyên đeo mãi thêm đời héo
Có nợ cam đành vẫn sống tươi
Tình nghĩa một thời bao luyến ái
Làm sao giữ trọn đạo làm người  . . .
                                   Võ Làng Trâm


LỜI CUỐI CHO TÌNH YÊU
                     
Tình yêu cuộc sống hỡi tình ơi?
Ảo ảnh phù du héo hắt rồi
Lá thắm chồi xanh thay nếp mới
Cành khô, hoa úa rụng buông xuôi
Thương cho, phận bạc lòng hiu quạnh
Đau xót, hồng nhan mặt kém tươi
Chẳng oán buồn than ai đàm tiếu
Chê bai gièm xiểm thị phi người...
                                        Thu Vân

NGÀY TÌNH NHÂN

Tình yêu liều lỉnh lắm ai ơi
Dẫu biết yêu nhau chết tí rồi
Mấy kẻ si tình mà tránh khỏi
Bao người dang dở phải đành xuôi
Hẩm hiu số phận gan dù héo
Trắc trở tình duyên dạ cố tươi
Trần thế cuộc vui đâu mấy chốc
Tình Nhân ngày đẹp của bao người
                                     Văn Thanh 

CA NGỢI TÌNH YÊU

Tin ở tình yêu,bạn quí ơi,
Dẫu thời thơ mộng đã xa rồi.
Xưa còn sức trẻ,mê say đắm
Nay lúc tuổi già, chớ bỏ xuôi!
Ngày tháng bên nhau,lòng rộn rã
Phút giây xa bậu,dạ không tươi.
Sắt son,chung thủy,đời luôn đẹp
Hạnh phúc thăng hoa tại cõi người.
                                      Như Thiền

READ MORE - CHÙM THƠ ĐƯỜNG NHÂN NGÀY LỄ TÌNH YÊU - Sông Thu, Võ Làng Trâm, Văn Thanh, Thu Vân, Như Thiền

MỘT PHIÊN TÒA ĐẶC BIỆT - Nguyễn Thanh Xuân


Truyện kiều có ba vụ án. Vụ thứ nhất: Vương Ông bị vu oan phải chịu tội. Vụ thứ hai: Thúc Ông kiện con trai và Kiều. Vụ thứ ba: Kiều xử Hoạn Thư trong cuộc báo ân, báo oán.

Vụ thứ nhất được xử êm thấm bằng ba trăm lạng. Sau này cụ Tam Nguyên Yên Đổ hạ một câu thế sự: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Ngày trước làm quan cũng thế a?”. Cụ Nguyễn Tiên Điền và cụ Nguyên Yên Đổ nhắc lớp sau này đừng xử kiểu như thế nữa. Vụ thứ ba, Kiều xử Hoạn Thư. Giữa họ có nhiều ân oán. Ân ít, oán nhiều, nhưng cái tâm, cái đức của con gái nhà “thường thường bậc trung” lại lớn hơn cái tâm, cái đức của con gái quan Thượng thư Bộ Lại nên Hoạn Thư được tha bổng. Vụ án thứ hai quả là một vụ xử án đặc biệt ly kỳ, đặc biệt kịch tính, tôi xin đề cập vụ án thứ hai.

Cụ Nguyễn ơi! Lời đầu tiên xin chúc mừng Cụ là Cụ đã có được ông quan tài ba, lỗi lạc. Tình cũng đậm mà tâm cũng dày.

Ta thử xem diễn biến của phiên tòa. Một quan tòa chính trực oai nghiêm, mặt sắt đen sì (thiết diện) ngồi ghế chánh án. Ông ngồi ngay ngắn, chỉnh tề. Hai bên nha lại sẵn sàng đợi lệnh. Quan liếc nhìn bị cáo đi vào, họ đi song song, dáng đi uyển chuyển, thong thả gắn bó nhau, tự tin không chút sợ hãi đến trước sân quỳ lạy. Họ không cúi đầu gầm mặt mà bình thản ngẩng nhìn quan tòa. Quan nhìn rõ bị cáo và như bị thôi miên, quan lúng túng muốn nói một câu gì đó nhưng không cất nên lời. Người mà ta sắp xử họ là thế này ư? Ông nghĩ. Để giữ lại vi thế cân bằng, quan liền “Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời”. “Lập nghiêm trước đã” cũng cho ta hiểu, sau đó sẽ bớt nghiêm, hoặc không cần nghiêm nữa, “ra uy nặng lời” trước đã, sau đó có thể không cần “uy”“nặng lời” nữa.

Xưa nay, công đường vốn là nghiêm và uy, sao hôm nay quan tòa phải “lập nghiêm”“ra uy”? Phải chăng bị cáo đã hớp hồn ông? Nếu không lập được nghiêm, ông sẽ không ngồi nổi trên ghế chánh án. Nặng lời với bị cáo (Kiều) “Mà còn người thế”. “Uy nặng lời” mà nghe như tiếng thương tâm, tiếc nuối, đau xót cho con người hồng nhan bạc mệnh. Chỉ bốn tiếng “mà con người thế” cũng đủ cho ta thấy con mắt tinh đời của vị quan tòa. Tuy mới gặp lần đầu và thời gian ngắn ngủi, ông đã thấy ở họ giá trị đích thực của tình yêu nên đã dành cho họ những nhận xét sâu sắc và ân tình. Thúc Sinh yêu Kiều là thế, sống hết mình và đậm tình với Kiều là thế, mà khi đứng trước linh sàng bài vị thờ Kiều cũng chỉ gào lên “con người thế ấy, thác oan thế này”, phải chăng đó cũng là lời tiếc thương của quan tòa hôm xử án.

Ông quan tòa tài ba này chỉ cần suy và luận để đưa ra hình phạt mà không cần cao giọng căn cứ điều này, khoản nọ, mục kia. Ông thấy bên nguyên đang ở trong tình trạng khó xử “bề nào thì cũng chưa yên bề nào”, nghĩa là bắt chúng cắt đứt quan hệ cũng chưa dứt khoát, mà cho chúng lấy nhau cũng chưa hẳn. Ông lại luận về phép công (phép chứ không pháp – pháp luật), rồi tuyên bố có hai cách giải quyết. Ông khẳng định hai chứ không một cũng không ba.

Ơ! Lạ lùng chưa: quan tòa lại giao cho bị cáo chọn một trong hai hình phạt một cách thoải mái và tin cậy “muốn sao mặc mình”. Sao quan tòa lại gọi bị cáo là “mình”? Thân thiết đến mức ấy ư? Đến đây, ta thấy ông không “nghiêm” nữa rồi. Phải chăng, quan tòa mơ hồ muốn dính một tý gì đó với giai nhân? Giữa công đường ban ngày ban mặt mà bạo gan riêng tư đến vậy, quả là: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”

Mình” chọn rồi “ta” nghe theo thôi. Ông quay lại dạy cho sai nha thi hành. Dạy chứ không phải lệnh. Sai nha hiểu ý quan, ngầm bảo: nhẹ tay thôi. Ta thấy ông ngẩn ngơ: Rồi ta sẽ cho họ sum vầy bằng cách nào đây nếu Thúc Ông không đồng ý? Giá như ta có điều xử thứ ba là cho ai đó lấy Kiều làm vợ mà không ai kiện tụng. Không, không thể được, vì họ yêu nhau đến thế kia mà! Đầu óc ông rối bời, trống rỗng không thấy gì, nhớ gì. Giữa cái ồn ào huyên náo của pháp đình, văng vẳng bên tai ông (hay chính lòng ông) tiếng kêu oan cho bị cáo. Ông bình tĩnh gạn hỏi kỹ càng. Ông cho dừng hình phạt và bỗng nghe tiếng ông cười. Quan tòa cười. Tiếng cười nhẹ nhàng, sảng khoái làm cho không khí pháp đình trong trẻo, sáng sủa như sau cơn bão. Sau đó, pháp đình trở thành nơi bình thơ xướng họa. Quan tòa và bị cáo như đôi tri kỷ. Ông nâng thi phẩm Kiều sánh vai cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ (đời Đường). Có lẽ ông muốn chứng tỏ cho Thúc Ông tự hào có người con dâu tài sắc vẹn toàn, làm cứu cánh cho ông mở đường lay chuyển nguyên cáo thay đổi mà cho chúng kết nghĩa Châu Trần.

Tâm lý ông vừa được giải tỏa, nhân lúc vui vẻ, ông lựa lời vừa tình vừa lý, vừa sử dụng kiến thức âm nhạc sành điệu để phân bua, dàn hòa và cả áp đặt:

Thôi đừng rước dữ cưu hờn
Làm chi lỡ nhịp cho đờn ngang cung
Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lẽ song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nổi bất bình là xong”

Rồi không đợi Thúc Ông có phản ứng, ông quyết định một việc “động trời” là xuất công quỹ làm lễ vu quy cho Kiều thật quý phái:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao
Bày hàng cổ xúy xôn xao
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”

Thật to gan! (1) và thi đàn sôi nổi được chuyển làm hôn trường ấm áp tình thương.

Vừa nể lời quan phủ có lý, có tình, vừa thương vì hạnh, trọng vì tài mà Thúc Ông quên phéng đi uy quyền của quan Lại Bộ Thượng thư – thông gia của ông, để cho:

Huệ lan sực nức một nhà
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa”

Cụ Nguyễn ơi! Cụ viết hai câu cuối này lúc mấy giờ đêm? Chắc đã quá canh ba và Cụ không ngủ nữa!


Tôi muốn nói về chữ “mình” mà quan tòa xưng hô với bị cáo. Tuy chưa đọc nguyên tác bằng chữ Hán của Thanh Tâm tài nhân, nhưng chắc chắc tác giả dùng chữ (nỉ – tiếng Trung Quốc; nhĩ – tiếng Việt) để chỉ ngôi thứ hai. Quan tòa ngôi thứ nhất, bị cáo ngôi thứ hai. Dịch giả dịch ra vị thư như thế nào tùy thuộc thái độ của tác giả với nhân vật. ở trường hợp này, bị cáo là phái yếu. Nếu giận thì gọi là “mày”, lịch sự một chút thì gọi là “bà”, thương cảm với cô gái trẻ trung thì gọi là “nàng”, nhưng ở đây, Cụ cho quan tòa gọi Kiều là “mình”. “Mình” đã hóa thân thành “ta”. Ngôi thứ hai biến vào ngôi thứ nhất. Xin chịu Cụ!

Tôi có đại ngôn không khi cho rằng vụ án này có một không hai trên thế giới từ xưa đến nay? Thật vậy, ông quan tòa độc diễn vụ án, tôi tin trăm phần trăm không ăn hối lộ bên nguyên cũng như bên bị và cũng hết sức công tâm. Thế mà ông cho ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bên nguyên, bên bị đều hân hoan, phấn khởi. Ông quan tòa có lúc đa tình, những đã nhanh chóng nhường chỗ cho tình yêu chân thật. Một bị cáo đáng thương trở thành một cô dâu sáng giá.

Nguyễn Thanh Xuân
nhuxuan29@gmail.com
READ MORE - MỘT PHIÊN TÒA ĐẶC BIỆT - Nguyễn Thanh Xuân

HÃY CỨU LẤY TRÁI ĐẤT - Nguyễn Nguyên An


Càng chạy càng tìm càng mất
Mệt bã người đứng lặng im
Và, thấy một điều rất thật
Điều cần tìm phía không tìm
(N.N.A)


Tất cả mọi người, mọi loài, mọi thứ trên hành tinh này đều đi về phía chết, phía không tìm, phía mà khi đang sống không mấy ai quan tâm. Trái đất không là ngoại lệ dù nó to lớn đến đâu và quay đều như thế, cho dù sự đi về của nó vượt ngoài thời gian hạn hẹp, ngoài phạm vi hiểu biết của con người nhưng nó cũng phải đi về trên hành trình, quy luật của nó, không mảy may sai khác.

Loài người không sinh ra trái đất nhưng có thể hủy hoại, giết chết trái đất. Loài người cũng có thể cứu sống trái đất, giúp trái đất trường thọ hơn, như đứa con hiếu thảo giúp bà mẹ vĩ đại của mình vượt trở ngại, ốm đau, bệnh tật; giúp trái đất xanh hơn, của để dành tươi tốt, ấm cúng yên bình, chốn dung thân các thế hệ kế tiếp của hằng ngàn ngàn sau. Đừng là những đứa con hư, cướp bóc, tàn phá mẹ mình đến khánh kiệt sức lực, tàn úa vì dục vọng hư huyễn, nhu cầu thái quá của chính mình.

Phía chết là phía không tìm, nhưng nó vẫn hiện hữu một cách bất di dịch, bất khả tư nghị, bất khả chối từ, bất khả buông bỏ, nó lừ lừ đến với tất mọi người, mọi loài, nhanh chậm, quằn quại đau khổ hay bình yên tự tai đều do nghiệp quả của chính họ. Ta phát lòng yêu thương rộng khắp, ta sẽ có một cuộc đời sau đẹp hơn cuộc đời nầy. Bảy tỷ người trên trái đất này đều phát lòng yêu thương chúng sinh, ươm trồng, gìn giữ chỉ một cây xanh cho mỗi năm, cho một người, trong mười, hai mươi năm, ba mươi năm trái đất rực rỡ lộng lẫy đích thị là thiên đường hạ giới không phải chạy tìm đâu xa. Nữ Oa vá trời trong truyền thuyết Trung Hoa, chúng ta cũng có thể vá tng zone đang thâm thủng vì hiệu ứng nhà kính, vì những nhu cầu, tiện nghi quá hiện đại thừa mứa của thế kỷ này, vì chiến tranh, vì lòng thù ghét, đố kỵ...

Nếu như mỗi ngày, bảy tỷ người ghen ghét nhau, thù hận nhau, tìm cách giết hại nhau, sẽ phát ra bảy tỷ ý niệm xấu làm vẩn đục hư không, bao phủ trùm trái đất một lớp sương mờ u ám, trái đất sẽ buồn! Sẽ ra sao? Câu trả lời đã hiện hữu từ những trận hồng thủy, lũ lịch sử, những trận động đất kinh hồn, càng về sau càng mạnh mẽ và khủng khiếp, chiến tranh càng ác liệt, tinh vi, sức hủy diệt bọc nhung nhưng tàn khốc, rộng lớn hơn nhiều. Giả dụ, bạn đi vào một hội trường, trong hội trường ấy hàng ngàn người đang muốn giết bạn, tôi tin, bạn sẽ choáng, sẽ bất tỉnh khi chưa tới cửa, bạn không thể vào hội trường bởi hàng ngàn ý niệm muốn cấu xé bạn, không cần bạn có giác quan thứ sáu, bạn sẽ cảm nhận như vậy. Ngược lại, khi bạn đến với một nhóm người yêu thương bạn, bạn sẽ hưng phấn, yêu đời, linh hoạt hơn nhiều.

Trước đây, những khi tôi mệt, tôi thường vào nhà trẻ, chụp ảnh, cho quà và chơi với các em, tôi khỏe lên. Ngay cả những trẻ thơ trong sáng, ngây thơ, vô ưu cũng giúp chúng ta nhiều hơn chúng ta giúp trẻ. Chỉ cần một người mỗi ngày gieo vào trái đất một niệm thiện, biết tiết kiệm năng lượng, dùng đủ nhu cầu cần thiết, niệm thiện ấy và sự tiết kiệm ấy bay quanh trái đất với màu sắc tươi sáng, phủ trùm trái đất một hạnh phúc mênh mông, trái đất xanh hơn, trường thọ và sẽ bao bọc nuôi dưỡng chúng ta bình yên mạnh khỏe hơn.

Đừng nghĩ rằng trái đất là một quả cầu vô tri. Trái đất biết lắng nghe, biết thở dài, biết cự quậy... Trái đất đang sống, đang thở, đang thương yêu, giận dữ... đang thiết tha chung sống với chúng ta trong một tổ ấm tràn đầy không khí hòa bình, thiện nguyện. Chúng ta hãy gìn giữ tổ ấm của mình. Hãy cứu lấy trái đất bằng khả năng sẵn có, góp phần giúp trái đất biêng biếc ngàn tỷ năm...

Mọi hoài bão trên đời, dẫu có đạt đến, sẽ chỉ là tro bụi nếu không cứu lấy trái đất không gì thay thế này.

Huế, 11 tháng 11 năm 2011
N.N.A

READ MORE - HÃY CỨU LẤY TRÁI ĐẤT - Nguyễn Nguyên An

Lê Cảnh Biểu - THƠ VIẾT ĐẦU TAY



Lê Cảnh Biểu
Quê quán: Triệu Đông, Triệu Phong
Đơn vị công tác: Trường THCS Triệu Thành.




NHỚ MÙA HOA CẢI

Một buổi chiều đông, nắng ngả mềm
Anh về quê ngoại, chuyến tàu đêm,
Rét buốt bầm da, lòng ấm lại,
Dặm đường xa ngái, giọng hò êm.


Thao thức bên thềm, tóc bạc phơ
Mẹ ngồi tựa cửa mắt mong chờ
Đăm chiêu nhìn bóng đêm sâu thẳm
Đêm cuối năm hay mắt mẹ mờ?


Trời bổng mưa, mắt mẹ tuôn mưa,
Nhớ lại ngày xưa, khổ quá lưa
Gánh gạo nuôi con, nghèo một kiếp
Nhớ mùa hoa cải, mẹ muối dưa


Gánh nặng bờ vai buổi sáng mai,
Bước thấp, bước cao dặm đường dài,
Tần tảo gánh dưa đi Chợ Tỉnh,
Mẹ khổ vì con, vì kế nhai.


Một sáng mai xuân, đi chợ Đình,
Lầy lội đường trơn, đất úng sình
Tim con sống lại miền ký ức
Cái thuở ngày xưa sống nhục vinh.


Nhớ hình bóng mẹ, lưng cõi còm
Xới đất tỉa mầm buổi sớm hôm,
Gắng để cho đời thêm thắm mãi,
Cuộc sống hồi sinh, đất trường tồn.


Nhân thương khó thì có quả lành
Hoa cải non tơ thắm màu xanh
Mân mê cành lá, hương đồng nội,
Phơi phới niềm vui với công thành.


Cho con, cho đời, cho tất cả,
Chỉ một trái tim, túp lều tranh,
Câu chuyện cổ tích đời của mẹ,
Là mùa hoa cải, là mầm xanh.


Bích La-Tháng 12/ 2008




NGÀY XƯA ẤY

Cái rét ngày đông tím bầm da,
Đất trời mãi đẹp nét xuân qua.
Đó đây sơn thủy hữu tình lạ,
Say đắm nhìn đời em ngỡ hoa,


Cái rét chiều đông xứ Bích La,
Dòng sông, bến nước cứ ngân nga,
Lòng người chạnh nhớ ngày xưa ấy,
Một cỏi đi về dưới mưa sa.


Cái rét đêm đông lạnh lòng ta,
Chăn gối đơn sơ một mái nhà
Chiếu thời một mảnh không đủ ấm,
Nhớ mãi khó khăn, thuở mẹ cha.


Cái rét ngày xưa, tấm áo hoa
Mẹ ngồi với dáng vẻ hiền hòa
Đường kim khâu vội manh vải rách
Mắt nhìn sâu thẳm phía trời xa…


Viết xong ngày 23.11.2011
Lê Cảnh Biểu
lebieutt@gmail.com

READ MORE - Lê Cảnh Biểu - THƠ VIẾT ĐẦU TAY