Tác giả Phạm Đức Nhì
LỜI BÌNH NGẮN TẬP 3
Lời Nói Đầu
1/ Hồn Thơ
Và Cảm Xúc
2/ Bài Thơ
Tuyên Ngôn Độc Lập
3/ Câu Chuyện
Thưởng Thức Thơ Của Bác Nguyễn Bàng
4/ Chọn Thể
Thơ
5/ Về Cái Tựa
Niềm Tin
6/ Tiến
Trình Nâng Cấp Trình Độ Thưởng Thức Thơ
7/ Và Bởi Vì
Âm Hộ Nàng Trong Suốt
8/ Đoạn Kết
Bài Thơ Niềm Tin
9/ Về Cái Tựa
Bài Học Đầu Cho Con
10/ Chân Thật
Trong Thơ
Lời Nói Đầu
Đây là những
Lời Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm
vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi khi cũng bàn đến một điểm nhỏ
(rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình Ngắn cũng có khi được trích từ
một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về Lý Thuyết Thơ. Mục đích của việc
“cắt nhỏ” như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang
bước đầu tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi
“Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn,
một bài thơ dở?” Một đôi khi cũng có Lời Bình Ngắn hơi “dài”. Lý do: người viết
muốn bàn sâu về một điểm đặc biệt nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí
quan trọng để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Xin nhắc các bạn trẻ - đối tượng chính của những bài viết như thế này – nên
luôn để mắt vào Cái Đẹp Tổng Thể Của Bài Thơ. Có những câu thơ đứng riêng một
góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp,
có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ. Nhận biết được một
câu thơ, đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ ,
đoạn thơ đó vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem xét những tiêu chí khác - đặc
biệt là dòng chảy của tứ thơ, hơi thơ và hồn thơ - để sau cùng đi đến kết luận
chung cuộc, có tính tổng hợp về giá trị nghệ thuật của bài thơ.
1/ HỒN THƠ VÀ CẢM XÚC
Một Chút Ví Von Cho Dễ Hiểu
Thể thơ: Con
mương (kênh, dòng sông).
Ngôn ngữ thơ
(chữ, câu) + kỹ thuật thơ ca: Dòng nước chảy trong mương.
Tứ thơ: Con
thuyền được dòng nước đưa đi.
Hồn thơ: Gió
(xuôi), đẩy con thuyền tứ thơ đi nhanh hơn. Gió không được “sinh ra” từ dòng nước
mà đến từ bên trên, bên ngoài dòng nước. Gió càng mạnh bài thơ càng có hồn.
Bài Thơ Không Hồn Có Cảm Xúc Hay
Không?
Dù không có
gió con thuyền tứ thơ vẫn trôi, và có thể cũng trôi tới bến. Nhưng người đọc
sành điệu sẽ chê bài thơ không có hồn. Xin quý vị đừng hiểu lầm bài thơ không hồn
là không có cảm xúc. Dù không hồn nhưng đã gọi là thơ thì ít nhiều cũng có cảm
xúc. Gặp trường hợp này, nếu tác giả yếu tay nghề, bài thơ sẽ khô khốc, đọc
chán phèo. Nhưng nếu thi sĩ khéo tay, nhuần nhuyễn kỹ thuật thơ ca thì bài thơ
cũng có chữ “đắt”, câu hay, hình ảnh đẹp và cũng có thể khơi dậy một lượng cảm
xúc đáng kể trong lòng người đọc. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm xúc từ ngôn ngữ thơ,
từ kỹ thuật thơ mà tôi gọi là cảm xúc nội
tại của bài thơ. Nó khác xa với thứ cảm xúc có được từ hồn thơ. Hồn thơ
tươi mát hơn, đằm thắm hơn, gây cảm giác sảng khoái hơn.
Hồn Thơ
Tôi đã xem
những trận túc cầu mà tài nghệ của hai đội quá chênh lệch. Thật tẻ nhạt. Đội mạnh
vờn đội yếu như mèo vờn chuột. Họ ghi một vài bàn thắng rồi vờn bóng giữa sân để
dưỡng sức cho những trận sau. Những trận đá giao hữu cũng thế. HLV đưa ra đội
hình chỉ để thử nghiệm độ ăn ý, chỗ yếu, chỗ mạnh của đội mình. Thắng cũng tốt
mà thua cũng không sao. Xem những trận như vậy chỉ phí thời gian và phí tiền
mua vé.
Chỉ có những
trận được ăn cả, ngã về không, thắng đi tiếp, bại “go home” là hấp dẫn. Lúc ấy
cả 2 đội sẽ dồn hết thể lực, kỹ thuật và tinh thần vào trận đấu. Nếu đó lại là
những trận bán kết, chung kết của những giải lớn quốc tế, khán giả cổ vũ cuồng
nhiệt thì mọi người sẽ được thưởng thức một bữa “tiệc túc cầu” vô cùng ngoạn mục.
Vâng, đúng vậy! Khi các cầu thủ đồng loạt bừng lên, quên mình, chơi xuất thần,
hoàn toàn ngẫu hứng cái đẹp của túc cầu mới được đưa lên hàng nghệ thuật. Cái
“chất nghệ thuật” đó không phát xuất từ kỹ thuật cá nhân, từ đấu pháp toàn đội
mà từ cảm hứng trong trong tâm hồn của mỗi cầu thủ. “Đội của bạn hôm nay đá hay
quá” chỉ là một lời khen bình thường; “Đội của bạn hôm nay đá xuất thần, có hồn
quá” mới làm huấn luyện viên, cầu thủ mát lòng, hả dạ.
Gió không đến
từ dòng nước chảy trong mương; “chất nghệ thuật” trong túc cầu, không đến từ kỹ
thuật cá nhân của cầu thủ hoặc đấu pháp, chiến thuật toàn đội. Hồn thơ cũng
không đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca trong bài thơ mà đến từ trạng thái rung
động mãnh liệt của thi sĩ khiến chàng (nàng) như cuồng, như điên; cuồng điên vì
quá vui, giận, yêu, ghét, đau thương, sung sướng, sợ hãi, cuồng điên vì tham ái
trong lòng: tham đẹp, tham ngon, tham dâm … đã dâng cao đến đỉnh điểm.
Trong trạng
thái phấn khích, cuồng nhiệt, hứng khởi đó, tác giả đưa vào, thổi vào bài thơ một
luồng hơi nóng bỏng, một luồng cảm xúc đặc biệt, khác hẳn với thứ cảm xúc nội tại
đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca. Vâng, luồng
hơi nóng bỏng ấy chính là hồn thơ. Người đọc không thể nắm bắt, nhận biết
nó bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng
tâm hồn.
Phạm Đức Nhì
2/
BÀI THƠ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
NAM QUỐC
SƠN HÀ
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định
tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai
xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ
bại hư.
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
(Trần Trọng
Kim dịch)
Năm 1076, hơn 30 vạn quân nhà Tống (Trung Quốc) do Quách Quỳ
chỉ huy xâm lược Đại Việt (tên nước Việt Nam thời đó). Lý Thường Kiệt lập phòng
tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến
sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây
nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ
viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần
đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao.
Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh
thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Đại Việt đang lên,
quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt
liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giữ vững
bờ cõi nước Đại Việt. (1)
Ý và tứ của
bài thơ giống nhau và rất rõ ràng, một người dân bình thường cũng có thể hiểu
được, không cần giải thích. Lúc ấy ý niệm về Luật Quốc Tế (International Law)
còn rất xa lạ. Tác giả đã khéo léo lồng ý tứ bài thơ – quan niệm về chủ quyền
quốc gia - vào thuyết thiên mệnh, một học thuyết gần gũi với suy nghĩ của người
dân. Ý thơ hay và đầy sức thuyết phục nên binh sĩ đã hết lòng chiến đấu và đã
đánh thắng quân Tống, giữ vững cõi bờ Đại Việt. Nhờ ý tứ mới lạ và độc đáo đó
bài thơ đã được xem là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nuớc. Hơn một ngàn
năm trôi qua nó được tôn xưng là bài thơ có ý tưởng hay nhất của văn học Việt
Nam và tôi tin rằng ngày nào nước Việt còn tồn tại bài thơ Nam Quốc Sơn Hà sẽ
không bao giờ đi vào quên lãng.
Chú Thích:
3/
CÂU CHUYỆN THƯỞNG THỨC THƠ CỦA BÁC NGUYỄN BÀNG
Bác Bàng kể rằng:
Sang nhà ông bạn già hàng xóm
chơi, thấy cô giúp việc vừa lau nhà vừa khe khẽ hát:
Hoa chanh nở
giữa vườn chanh.
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Được biết cô giúp việc này
người dưới quê Nam Định nhưng nom không thấy một dấu vết chân quê nào còn đọng
lại ở người đàn bà đã ngoài 50 tuổi.
Khi đã được ông bạn mời vào
nhà lại thấy cô giúp việc đem phích nước sôi từ nhà bếp lên để chủ nhân pha trà
mời khách, bèn hỏi cô:
- Ban nãy nghe cô hát rất
hay. Cô có biết bài hát đó của ai làm ra không?
- Dạ thưa, không ạ! Mà thưa
với hai ông, biết ai làm ra bài hát này cũng chẳng để làm gì. Khi rỗi việc cháu
hay nghe đĩa nhạc ở phòng riêng, thấy bài nào hay hay thì cháu bắt chước hát
theo, lâu dần thì thuộc ít nhiều thôi ạ!
- Thế cô có thích nghe ngâm
thơ không?
- Dạ có! Hồi còn ở quê, bố
cháu hay nghe đài về đêm, mỗi khi thấy các cô trên đài ngâm thơ cháu rất thích
và cũng học lỏm được ít câu.
- Cô đã bao giờ làm thơ chưa?
- Dạ, ông cứ đùa cháu. Cháu
sao mà làm thơ được. Phải là những thần đồng như Trần Đăng Khoa hay những người
tài giỏi như Hồ Chủ Tịch, như ông Tố Hữu thì mới làm thơ được chứ ạ. Cháu chỉ
thích thơ thôi. Hồi học cấp 1 cấp 2, các thày cô dạy nhiều thơ của ông Tố Hữu
lắm, dạy xong bài nào bắt chúng cháu phải học thuộc lòng bài đó. Cháu sợ bị
kiểm tra, học như chó gặm xương mãi mới thuộc nhưng ít lâu sau thì quên béng
luôn. Nghe thơ trên đài thích hơn vì mình không phải đọc mà giọng ngâm lại hay,
thêm nữa chẳng lo phải học thuộc lòng, thấy bài nào hay hay thì cố học cho nhớ
được vài câu để khi thấy hợp lòng mình thì ngâm ngợi lại cho thích.
- Những bài thơ hay hay mà cô
thích là thế nào?
-
Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ
dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!
Và bác Nguyễn Bàng hiên ngang
kết luận:
Đọc
thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp,
không cần phải biết Thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết Tu từ học với
những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà
bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho
các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con
chữ rất đời thường kia.
Sau đây là ý kiến của tôi về
câu chuyện trên:
Một bài thơ có 3 chức năng
như sau:
1/ Chức năng truyền thông:
chuyển tải thông điệp (tứ thơ) đến người đọc.
2/ Chức năng thẩm mỹ: truyền
đến người đọc cái đẹp của văn chương gồm câu chữ, hình ảnh, thế trận chữ nghĩa,
các biện pháp tu từ. Cái đẹp ở đây do kiến thức, kỹ thuật, nói chung là “tay
nghề” của tác giả trong “chế tạo thơ ca” mà có.
3/ Chức năng nghệ thuật: hồn
thơ. Thi hứng càng cao, càng dạt dào thì hồn thơ càng lai láng. Nhiệm vụ lớn
nhất, cao cả nhất của bài thơ là truyền được cái cảm xúc dạt dào trong lòng tác
giả đến người đọc, để mong có được sự đồng cảm với người đọc.
Bởi thế nếu không “bắt” được
tứ thơ, không hiểu được nét đẹp của văn chương chữ nghĩa mà chỉ “mang máng” rồi
“nghe hơi bắc nồi chõ” thì làm sao cảm được hồn thơ. Còn nói như chị giúp việc:
“Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm
tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!”
thì
cái thích ấy, cái sướng ấy chỉ là “cái tự sướng” của những kẻ “ngu si hưởng
thái bình”. Chúng ta không trách gì chị giúp việc ấy và hàng vô số những người
thưởng thức thơ như chị. Trong thế giới thi ca họ là những kẻ tội nghiệp, đáng
thương. Chúng ta thương họ vì do hoàn cảnh, tầm hiểu biết của họ chỉ có thế.
Nhưng còn biết bao người yêu thơ khác, bước vào vườn thơ với tư thế khác, đẳng
cấp khác, hàng triệu học sinh bước vào giờ Việt Văn để tìm học nét đẹp của văn
chương thi phú với đủ loại trình độ khác nhau. Họ không bằng lòng với trình độ
thưởng thức đang có mà muốn học hỏi để vươn lên. Mà vườn thơ thì mênh mông.
Muốn viết một câu thơ, một lời bình lắm khi phải tra cứu mỏi tay, mỏi mắt, phải
dựa vào những nhà phê bình tiếng tăm, uy tín. Bác Nguyễn Bàng viết “Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công
chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết thi pháp là cái quái
gì, cũng không cần biết tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố
hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp
mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không
phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ
những con chữ rất đời thường kia.” nghĩa là bác không cần phân tích xem cách nhìn của người này, người nọ đúng sai thế
nào mà lại dè bỉu, chê trách chính công việc phê bình. Theo tôi, câu cuối
phải viết: “Nhà
thơ, làm ra thơ để ai thích đọc thì đọc và ai thích phê bình thì cứ việc phê
bình” mới hợp lý lẽ và thực tế. Như vậy, đoạn văn trên của bác Bàng
hơi bị sai. Không! Phải nói là sai hơi bị nhiều mới đúng. Mà lại là cái sai
lớn, cái sai căn bản trong việc đối thoại văn chương mới đáng tiếc.
4/
CHỌN THỂ THƠ
Làm thơ, có người chuyên về một thể
loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi
cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi
thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần
với thơ ‘bà kia’ hơn.”
Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy
Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên:
“Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó; có thích, có tự tin thì
làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông
tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm
thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:
Trên
trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ,
nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại
thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài
thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.
Chọn thể thơ nên lưu ý một số điểm
sau:
1/ Số chữ trong câu có thể tùy tiện,
thoải mái, không bị luật lệ bó buộc.
2/ Không bị hội chứng nhàm chán vần
nhưng cũng nên có vần thoang thoảng, tạo vị ngọt thơ ca vừa phải.
3/ Nếu bài thơ hơi dài, tránh thể
thơ trường thiên vì tứ thơ sẽ bị phân mảnh, đứt đoạn, chọn cách gieo vần để bài
thơ nhất khí, liền mạch.
4/ Đường Luật rất gò bó; song thất lục
bát sẽ “giúp” bài thơ chết sớm; lục bát là con dao hai lưỡi: coi chừng thành vè hoặc “ầu ơ”; thơ mới vần liên tiếp dễ “ầu ơ”; thơ mới trường thiên: tứ thơ
phân mảnh, đứt đoạn, nếu trên 4 đoạn cũng dễ “ầu ơ”; thơ kiểu văn xuôi không vần:
trúc trắc, khó đọc, tứ thơ gập ghềnh, khi đọc lý trí phải làm việc cật lực, mất cơ hội để
tâm hồn giao cảm
5/
VỀ CÁI TỰA NIỀM TIN
NIỀM
TIN
Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời
Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở
vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian
Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc
Hồi hộp đợi tin ai
Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều
Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc
Dựa vào nỗi
niềm thương nhớ sâu đậm của tác giả - một người lính xa nhà - đối với người yêu
ở hậu phương Đà Lạt, có thể nói Niềm Tin là một bài thơ, một bản nhạc tình. Tuy đoạn cuối có nhắc đến việc cầu
nguyện:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
nhưng mục
đích chính vẫn là:
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh.
Tạm giã từ
giai điệu êm đềm, dễ thương của Anh Linh để trở về nguyên bản bài thơ của Nhất
Tuấn tôi thấy khi phổ nhạc Anh Linh đã bỏ đi một đoạn:
Radio (Ra đi ô) mở sẵn
Đón Thánh Lễ truyền thanh
Xin Chúa ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Việc bỏ đi
đoạn thơ ấy làm bản nhạc hay hơn hoặc dở đi tôi sẽ bàn ở phần sau. Nhưng dù trở
lại bài thơ nguyên gốc – có cả 2 đoạn cầu nguyện - Niềm Tin vẫn là bài thơ
tình, nặng về nỗi nhớ thương của người lính với người yêu. Lời cầu nguyện không nhằm mục đích nhấn mạnh vào niềm tin tôn giáo mà
chỉ tô đậm thêm cho chữ Tình của con người. Một nhà thơ đã viết, đại ý: tựa để là một chữ hay một nhóm chữ “chỉ
ra cái cốt tủy của toàn bài”. Vì thế
theo tôi, cái tựa Niềm Tin của bài thơ có vẻ hơi xa cách, hơi lạc với nội dung
của tứ thơ.
6/ TIẾN TRÌNH
NÂNG CẤP TRÌNH ĐỘ THƯỞNG THỨC THƠ
Tùy trình độ kiến thức và độ nhạy bén trong cảm nhận thơ
tiến trình nâng cấp có thể mỗi người mỗi khác. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi
thấy sự nâng cấp tiến triển theo trình tự như sau:
1/ Tiếp xúc với đám đông mới, tiếp cận thơ ở “đẳng cấp” mới
Nghe nhiều người nói nó hay, đọc những bài bình khen nó thấy
cũng có lý nhưng lòng vẫn nửa tin, nửa ngờ.
2/ Vẫn khoái thơ ở “đẳng cấp” cũ, gắng đọc nhưng chưa thích
thơ ở “đẳng cấp” mới
3/ Vẫn còn “lưu luyến” thơ ở “đẳng cấp” cũ; bắt đầu thích
thơ ở “đẳng cấp” mới
Những lời đồn, những lời khen, những bài bình đã bắt đầu thấm;
đọc thơ đẳng cấp mới với sự chú tâm nhiều hơn.
4/ Thích thơ ở “đẳng cấp” mới; chán thơ ở “đẳng cấp” cũ.
Khi cái mớ lý thuyết về thơ chất chứa trong người lâu ngày
chầy tháng đã trở thành “nội công thâm hậu” của chính mình, để rồi một ngày nào
đó đọc một bài thơ “cao cấp” mình bỗng nhiên “ngộ” ra cái hay của nó. Như thế
là đã đến chỗ “lý sự dung thông”; ta đã ung dung an vị ở đẳng cấp mới.
7/ VÀ BỞI VÌ ÂM HỘ NÀNG TRONG SUỐT
Trên sông Tiền Đường bình lặng, Thúy Kiều ngồi ở đầu
thuyền gởi khúc hồng nhan bạc mệnh vào thiên cổ. Nàng đã vứt vào sọt rác những
con cu thối và trở về. Trong ánh sáng khai nguyên của các thần linh, âm hộ nàng
trong suốt. Và reo vui. Không phải vì trái tim nàng đã được lau chùi bằng nước
mắt và tóc. Không phải vì sự đền đáp của hư vô. Nàng vui vì non tơ xanh rợn
chân trời (của lông). Không có máu. Không có nước nhờn và trứng. Không có bất
cứ điều gì. Nhưng bởi vì âm hộ nàng trong suốt, nó phản chiếu bầu trời ráng đỏ,
những đám mây hình thù cổ quái và một ngọn gió vừa lướt qua mang theo hơi thở
của muôn vàn sinh linh. Tởm lợm. Và bởi vì âm hộ nàng trong suốt, tất cả thế
giới được nhìn thấy. Những người đàn ông đi lộn ngược. Và bóng họ khuất sau một
khe nước. Thúy Kiều nói: “Con người đang say ngủ”. Không một ai nghe tiếng
nàng. Chỉ có âm hộ nàng rung động. Nước sông Tiền Đường mênh mang và thấu hiểu
nhưng nước sông Tiền Đường không để rửa lành những vết thương. Hai bàn chân
nàng lạnh. Âm hộ nàng cũng đã ở trong nước và dường như tan biến. Nàng tự hỏi:
“Phải chăng đây là cuộc hạnh ngộ cuối cùng?” Không, âm hộ nàng vẫn trong suốt
và nó chứa một dòng sông đầy. Nàng thích thú với những con cá bơi ra - vào.
Nàng bảo: “Thật là vô tội”. Khi những con cá cũng trở nên trong suốt như âm hộ
nàng, chúng sinh sôi nảy nở nhanh chóng và bơi lội tung tăng cả trên bầu trời
ráng đỏ. Bơi vào trong những đám mây cổ quái và tạo ra sấm chớp. Chúa lòng lành
vô cùng, người bảo: “Hãy trở về”. Nhưng sãi Giác Duyên thì hoang mang. Bà ôm
lấy Thúy Kiều và đem lên bờ. Âm hộ nàng đen trở lại. Lóng lánh như kim cương.
Chung quanh sặc mùi con cu thối.
25.2.2013
Nguyễn Viện
(tienve.org)
Lời
Bình:
Cũng như bài Sự Chờ Đợi của Võ Phiến, bài này tôi cũng lấy
từ tienve.org, một trang văn học đứng đắn được tạo ra để “mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả
công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.”(1)
Nguyễn Viện là một nhà thơ đã có rất nhiều bài đăng trên Tiền Vệ nghĩa là thơ
của ông đã đi đúng hướng, đã vươn tới một trình độ nghệ thuật nào đó và đã được
trang web chấp nhận. Tôi rất cảm kích nghĩa cử của những người như ông Nguyễn
Viện, dấn thân vào cuộc thử nghiệm đầy khó khăn, gian khổ để tạo ra những vần
thơ mới.
Nhưng những vần thơ mới ấy đối với tôi còn ở một khoảng cách
quá xa. Đọc bài thơ VBVAHNTS tôi thật không hiểu ông muốn nói gì và không cảm
được cái hay của nó. Theo cách nhìn của tôi thì chức năng truyền thông của bài
thơ thất bại. Hơn nữa, hình thức thơ của ông không vần và cũng không nhịp điệu
nên thiếu cái cái vị ngọt, cái “thuốc dẫn” để đưa đưa độc giả đi theo dòng chảy
của thơ. Kết quả là lý trí phải “bao” hết mọi việc và không có chỗ để “hồn ta
gặp hồn người”. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu ông, hoặc những người cùng đẳng
cấp (level) với ông, tình cờ đọc những dòng chữ này sẽ cười khẩy và nghĩ thầm
“Chú mày cứ luyện nội công đi, khi nào đủ sức bay qua dòng sông nghệ thuật thì
lúc ấy may ra mới hiểu thơ của (chúng) ta.”
Dù sao đối với những bài thơ mới như VBVAHNTS tôi vẫn một
lòng kính trọng. Nhưng kính nhi viễn chi. Chỉ hy vọng một ngày nào đó sẽ có cây
cầu đủ dài để người thơ trong quá khứ và hiện tại có thể gặp gỡ và thông cảm
với người thơ đang hướng đến tương lai.
Phạm Đức Nhì
Chú Thích:
1/ tienve.org (trang
đầu)
8/ ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NIỀM TIN
Đoạn kết cũng là một tiêu chí để thẩm
định giá trị một bài thơ.
Có những đội bóng, từ khi phát bóng
cho đến lúc qua phần đất đối phương ở khoảng giữa sân cầu thủ chơi rất hay.
Nhưng hễ tiến vào khu vực 16 mét 50 thì cầu thủ lạng quạng, hoặc để mất bóng,
hoặc đá ra ngoài, hoặc đá vào cầu môn nhưng quá nhẹ, thủ môn bắt được một cách
dễ dàng. Nói tóm lại, không có khả năng phối hợp để cuối cùng sút dứt điểm tung
lưới đối phương, ghi bàn thắng. Với thơ cũng vậy. Có những bài thơ có đoạn kết
hay, vừa xác nhận thông điệp của tác giả một cách trang trọng, khéo léo vừa tạo
ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nhưng cũng có những bài thơ có đoạn kết nhạt nhẽo,
bình thường, đôi khi còn “xa lạ” hoặc “ngược dòng” với tứ thơ. Cho nên làm thơ,
phải chú ý đến đoạn kết. Nếu không, sẽ bị nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc
chê là “Đánh cờ mà không biết chiếu tướng”.
NIỀM
TIN
Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời
Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở
vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian
Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc
Hồi hộp đợi tin ai
Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều
Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc
Chỗ hay nhất
của bài thơ là đoạn kết. Tâm sự của người lính xa nhà, nhớ người yêu – dù được
chuyên chở bằng ngôn ngữ đã vươn tới mức khá sang, khá đẹp - vẫn không có gì mới
mẻ, độc đáo. Tuy nhiên, bài thơ thật bất ngờ bừng sáng ở 4 câu cuối:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
Lời cầu nguyện
cho hạnh phúc riêng tư của người lính đã được khéo léo ghép chung với – nhưng
được khiêm tốn đặt ở phía sau - ước vọng hòa bình cho toàn thế giới. Trong
không khí “đất với trời se chữ đồng” (1) của mùa Giáng Sinh – lúc “Thiên Địa
Nhân quy nhất” (2) - dòng cảm xúc chân thật, cao đẹp ấy đã thấm rất nhanh vào
tâm hồn độc giả. Thi sĩ, một người trai thời loạn, đã chọn được cách hành xử tối
ưu; ông không thể tự cởi bỏ chiếc áo lính nhưng đã rất tài tình đặt bên dưới lớp
vải kaki một trái tim đầy lòng nhân ái.
Phạm Đức Nhì
Chú Thích:
1/ Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night), nhạc: Franz
Xaver Gruber, lời Việt: Hùng Lân
2/ Trời, đất
và con người hợp nhất
9/ VỀ CÁI TỰA BÀI HỌC ĐẦU CHO CON
Bài Học Đầu Cho Con
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...
(Đỗ Trung Quân)
Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2
câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
và:
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường
đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ
của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được
tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích
rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một
lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất
tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé. Nhưng để ý
đến cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” có nghĩa là
đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một
bậc.
Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi
“nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một
cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con
để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm
hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.
Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con
tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý
trí bước vào đạo diễn một kịch bản “ba
xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là
cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero.
(1)
Chú thích
1/ Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc
sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa
Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà
thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê
tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài
thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố
láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại.
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
10/ CHÂN THẬT TRONG THƠ
Việt Nam ta có câu tục ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”.
Tại sao vậy? Vì trẻ con không biết nói dối. Trong kinh thánh Chúa Giê-Su cũng từng
nói: “Này ta bảo thật cùng các ngươi, nếu không trở lại như con trẻ thì sẽ
không vào được nước trời đâu.” Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến sự chân thật. Người
đời, trong đó có cả các thi sĩ, thường gian dối. Cầm bút lên là đã muốn vơ cái
hay, cái đẹp về mình. Nhà thơ nào cũng vỗ ngực là yêu nước, thương dân, hiếu thảo
với cha mẹ, tình nghĩa với anh chị em, chung thủy với vợ (chồng), hết lòng vì
con, tốt bụng với bạn bè. Ngay cả khi kể một vài điều “không tốt” về mình cũng
là muốn chứng tỏ mình thành thật. Có nhiều mức độ dối trá trong thơ:
Có người nói dối lộ
liễu trong thơ; vừa liếc mắt vào cái “tâm sự” của hắn bày tỏ trên trang giấy,
không cần suy luận hoặc kiểm chứng, người đọc đã biết là tên này xạo, vì nó rõ
ràng ràng như 2 với 2 là 4. Nhưng vì ham sống sợ chết, mê bả vinh hoa phú quý,
mê mồi danh lợi nên hắn cũng cố bôi mặt, nhắm mắt mà viết. Chỉ cần một, hai câu
thơ kiểu này hắn sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ suốt đời.
Có người, để biểu lộ tinh thần chống cộng quyết liệt, làm
bài thơ tuyên bố, đại ý: “Ta là người biết bảo toàn sĩ khí, tiết tháo, nhất quyết
không về Việt Nam với giặc, dù ở đó vẫn còn những người thân yêu nhất”. Nhưng ít
lâu sau ông ta - một nhà thơ có vai vế - lại sáng tác một bài thơ khác tả cảnh
“Sài Gòn Bây Giờ” và cũng ngênh ngang phổ biến. Hai bài thơ vô phúc bị độc giả
khám phá, vạch ra. Lúc ấy nhà thơ “trong
thơ hứa một đàng, ngoài đời làm một nẻo” thì ôi thôi ê mặt. Không những bài
thơ dối trá bị tẩy chay mà cả những bài thơ khác (cùng tác giả) có khi cũng bị
“văng miểng”.
Một số đông khác
không nói thật lòng mình nhưng lại khéo
léo che dấu bằng kỹ thuật thơ điêu luyện nên đọc giả không có bằng chứng để
vạch trần sự dối trá; tuy nhiên trong lòng họ đã gợn lên một chút nghi ngờ.
Trong lãnh vực pháp luật, không đủ bằng chứng buộc tội một nghi can thì nghi
can đó phải được coi là vô tội. Còn trong thơ ca, đọc giả đã nghi ngờ sự thật
lòng của tác giả thì bài thơ coi như “đi đoong”, hết đời, không còn giá trị.
Có bài thơ từ đầu
đến cuối đều rất thật, rất hợp lý, không có chi tiết nào, điểm nào dối trá
nhưng lại được viết trong lúc “tỉnh” quá,
không có dấu hiệu đặc biệt nào để người đọc biết là tác giả đang “lên cơn”, để
cảm ngay được sự chân thật của tác giả. Chân tình trong thơ phải được bày tỏ
(show) chứ không phải chỉ cần nói đến (tell). Thơ loại này đem phân tích thì
không thấy cái sai, cái dở nhưng đọc lên thấy thiếu cái hơi nóng của cảm xúc,
thiếu cái hồn thơ.
Cuối cùng, chỉ có một số rất ít nhà thơ đặt bút làm thơ trong lúc “lạc thần trí”, trong lúc
“lên cơn” (cơn giận, cơn ghen, cơn say tình …), lúc lý trí bị khối cảm xúc
đầy ắp trong tâm hồn che phủ. Dòng thơ trải trên giấy chính là dòng cảm xúc, và
chỉ có cảm xúc, cuồn cuộn từ trong lòng tác giả tuôn ra. Nếu chọn được thể thơ
thích hợp tâm hồn đọc giả sẽ bị cuốn theo cái dòng cảm xúc đó, sẽ cảm nhận ngay
tấm chân tình của nhà thơ. Và đọc giả sẽ tự nhủ “ta đã bắt gặp hồn thơ của tác giả”.
Lúc đó, bài thơ đã đạt được mục đích cao đẹp của thơ ca: là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng cảm.
Phạm Đức Nhì
Blog chuyên bình thơ
Phamnhibinhtho.blogspot.com