Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 16, 2022

THƠ, HOA & NGƯỜI (3) - Nguyên Lạc


Hoa dã quỳ
 
(Có một số đoạn ở 2 bài trước được lập lại ở đây cho các bạn chưa đọc qua được hiểu)
 
HOA
 
Khi vui hay khi buồn, hoa luôn luôn là bạn trung thành của ta. Ta ăn uống, ta ca vũ, ta ve vãn đùa cợt với hoa. Ta kết hôn, làm lễ rửa tội với hoa. Ta không dám chết mà không có hoa. Ta thờ phượng với Bách hợp, ta mặc tưởng với Sen, ta bày trận với Hồng với Cúc. Ta lại còn muốn nói bằng ngôn ngữ của hoa. Không có hoa, làm sao ta có thể sống được?  (Trà Đạo / Chado - Okakura Kakuzo)
 
HOA TRONG U MỘNG ẢNH CỦA TRƯƠNG TRÀO
 
Trương Trào tự Sơn Lai, hiệu Tâm Trai và Trọng Tử, người tỉnh An Huy, sinh năm 1650 (năm Thuận Trị thứ tám, đời Thanh), không rõ năm mất. Ông sáng tác không nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là “U Mộng Ảnh” (bóng mờ trong cõi mộng). U Mộng Ảnh chỉ là một tập sách nhỏ gồm 222 mục gồm những cách ngôn đầy thi vị trong văn phong bay bướm của Trương Trào, phác họa ra một thế giới thơ mộng được nhìn qua đôi mắt tài hoa của một nghệ sĩ lớn, và nó đã làm say mê nhiều thế hệ văn nhân thi nhân Trung Quốc.
Trương Trào viết về hoa:
"Trong thiên hạ có được một người tri kỷ, thì có thể không còn ân hận gì nữa" (Thiên hạ hữu nhất nhân tri kỷ, khả dĩ bất hận. Bất độc nhân dã)  
(U Mộng Ảnh - Trương Trào)
 
Nhưng ở đời có thể tìm được chăng một người tri kỷ? Tấm lòng tri âm giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ, tình bạn tri kỷ giữa Quản Trọng và Bão Thúc Nha có lẽ chỉ còn là huyền thoại. Bạn tri kỷ chỉ do cơ duyên mà gặp, không thể gượng gạo mà cầu.
 
Không riêng gì người với người, mà cả người với hoa cũng có thể là tri kỷ để gửi gắm tâm sự:
 
"Như cúc lấy Uyên Minh làm tri kỷ, mai lấy Hòa Tĩnh làm tri kỷ..."(Như cúc dĩ Uyên Minh vi tri kỷ; mai dĩ Hòa Tĩnh vi tri kỷ...)
(U Mộng Ảnh - Trương Trào)
 
.............
 
Giải thích:
 
Bài 2 đã nói về Uyên Minh và Hòa Tĩnh rồi, ở đây xin thêm về Trương Chi Hạc "tri kỷ" với hoa mai:
 
Trương Chi Hạc đời Thanh, tự Vân Giai, có hai câu đối cũng đáng để ta nói: “Mai lấy Trương Chi Hạc làm tri kỷ.”
 
Tứ hải luận giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
 
       劍;
      花。
 
(Bốn biển luận giao tìm kiếm cổ
Một đời, đầu cúi, lạy hoa mai)
 
Đi khắp bốn biển bàn chuyện giao du, giống như đi tìm cây kiếm cổ. Suốt một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai. Câu đầu tràn đầy hào khí mà vẫn thanh cao, câu sau bộc lộ ngạo tâm mà vẫn vô cùng tĩnh dật.
 
Ở Việt Nam, hai câu này thường được gán cho nhà thơ Cao Bá Quát, với bốn chữ đầu “Tứ hải luận giao” đổi thành “Thập tải luân giao”.
 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
 
Dịch nghĩa:
 
Mười năm giao du trong thiên hạ để cầu thanh gươm cổ
 Một đời cúi đầu bái phục hoa mai!
 
 
Có tư liệu cho rằng đây là câu đối của tri phủ Hà Dương tặng cho Nguyễn Tư Giản (1823- 1890), khi ông này đi sứ Trung Hoa vào năm 1868. Nhưng hầu như rất nhiều người khẳng định tác giả hai câu trên là nhà thơ Cao Bá Quát, và ca ngợi đây là hai thơ thuộc loại thần bút, nói lên cốt cách của họ Cao.
 
HOA DÃ QUỲ
 
Tìm hiểu chung về hoa Dã quỳ:
 
 Tên thường gọi: Hoa Dã quỳ
 Tên gọi khác: Hoa cúc dại, cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe
 Tên tiếng Anh: Wild sunflower, Mexican Sunflower weed, Landscape Yellow Flowers
 Tên khoa học: Tithonia diversifolia
 Tên tiếng Nhật: Nitobegiku ( Cúc Nitobe: vì loài này được Nitobe Inazo đưa vào Nhật Bản) Nitobe Inazō (1862 – 1933): nhà giáo dục , nhà kinh tế nông nghiệp,  chính khách...
 Họ Cúc: Asteraceae
Tháng 11 là khoảng thời gian mà những hoa Dã quỳ khoe sắc rực rỡ nhất. Chính vì thế, Dã quỳ được xem là loài hoa đại diện cho tháng 11.
Hoa dã quỳ mang vẻ ngoài trông giống với hoa cúc và hoa hướng dương và nó là sự dung hòa giữa hai loại hoa này.
Màu vàng của hoa dã quỳ không phải là thứ màu vàng của sang trọng, quý phái, mà là màu vàng dân dã dễ khiến người đắm say.
 
Truyền thuyết hoa Dã quỳ:
 
Dã quỳ gắn liền với một truyền thuyết cảm động về tình yêu đôi lứa:
 
"Sự tích về loài hoa dã quỳ này xuất phát từ bộ tộc Lasiêng sinh sống ở vùng Tây nguyên xa xôi. Trong bộ tộc có nàng H’Linh đang tuổi con gái, xinh đẹp và hoang dã như đất trời Tây Nguyên. Nàng đem lòng yêu chàng K’Lang. Hàng ngày, K’Lang vào rừng săn bắn, hái lượm, còn H’Linh sẽ ở nhà se tơ, dệt chăn kiêu chồng theo đúng tục lệ của người con gái khi về nhà chồng. Đến tối, hai người sẽ cùng dân làng ca hát, đốt lửa và hạnh phúc bên nhau. Cuộc sống vui vẻ như vậy cứ tiếp diễn, chỉ trực chờ cho đến ngày họ thành vợ, thành chồng. Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu của họ vấp phải một cách trở lớn đến từ chàng LaRihn, con trai của tộc trưởng, người cũng ngày đêm hết lòng mong nhớ H’Linh. Tuy nhiên, vì không được nàng đáp lại tình cảm nên LaRihn nảy sinh ghen ghét, đố kị với K’Lang.
Một ngày nọ, K’Lang vào rừng săn bắt như thường lệ, nhưng mãi đến tối khuya vẫn không thấy về. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày vẫn không thấy bóng dáng người thương, H’Linh nghi ngờ có chuyện chẳng lành, bèn vào rừng tìm K’Lang. Đi qua mười mấy con suối, mười mấy cánh rừng mà không thấy tung tích, nàng thiếp đi vì quá mỏi mệt. Trong giấc mơ, nàng nghe thấy K’Lang gọi và thúc giục nàng đi thêm một con suối nữa. Qủa nhiên, H’Linh tìm thấy K’Lang, lúc này đang bị người của bộ tộc trói chặt và đâm bằng những mũi tên nhọn. Nàng chạy vọt tới ôm lấy chàng khiến LaRihn trở nên điên cuồng và mũi tên cuối đã vô tình đâm thẳng vào trái tim người con gái mà LaRihn hằng đêm nhớ mong.
H’Linh chết cùng K’Lang trong tư thế quỳ và ôm lấy chàng không rời. Về sau, tại nơi H’Linh chết đã mọc lên một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ tràn đầy sức sống mãnh liệt thể hiện cho một tình yêu chung thủy, người đời đã đặt cho một cái tên là lạ và mỹ miều đó là hoa "Dã quỳ". Người xưa giải thích rằng:“Dã” có nghĩa là hoang dã; “Quỳ” có nghĩa là quỳ gục xuống. Từ đó, loài hoa dã quỳ trở thành biểu tượng cho một tình yêu thủy chung, son sắt và không bao giờ rời bỏ."
(Nguồn: hoatuoivannam. com)
 
 
Dã quỳ trong thi ca:
 
Vẻ đẹp của loài hoa Dã quỳ đã đi vào thơ ca:
Cũng chính bởi câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng bi thương, nét đẹp mạnh mẽ lại tinh tế, đóa hoa này đã được giới văn nhân, nghệ sĩ hết mực chiều chuộng và yêu mến. Hoa Dã quỳ cứ như vậy mà đi vào thơ ca, văn học với những cái tên đầy thi vị khác như: hoa nắng, hoa báo mùa, hoa chờ em,…
Đà Lạt, Tây Nguyên, Ba Vì, Sơn Tây,… đều là những khu vực nở rộ cánh đồng hoa dã quỳ mà mọi người có dịp đều nên tới và chiêm ngưỡng. Ngắm nghía vẻ đẹp của loài hoa, hòa mình vào câu chuyện xưa của H’Linh và K’Lang, cảm nhận một tâm hồn đầy lãng mạn và trữ tình trong chính con người mình. Đó chính là điều đặc biệt nhất mà loài hoa dã quỳ dành cho bạn.
 
Ý nghĩa của hoa Dã quỳ:
 
Cũng như nhiều loài hoa khác, hoa Dã quỳ cũng mang trong nó những ý nghĩa và thông điệp sâu sắc về tình yêu đôi lứa.
 
1. Tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh:
Dã quỳ hoa rất dễ mọc, phát triển rất nhanh ở những nơi có điều kiện vô cùng khắc nghiệt; nên nó tượng trưng cho sức sống và tình yêu mãnh liệt: luôn khát khao để vương lên trong mọi hoàn cảnh bất chấp những khó khăn.
 
2.  Tượng trưng cho sự chung thủy và sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu:
Dã quỳ gắn liền với một truyền thuyết cảm động về tình yêu đôi lứa. Vì tình yêu nàng H’Linh sẵn sàng hy sinh bản thân mình, từ đó hoa Dã quỳ được xem là biểu tượng cho lòng chung thủy và hy sinh trong tình yêu. Nó cũng là loài hoa thể hiện lòng kiêu hãnh khó khuất phục của nàng H’Linh.
 
3. Tượng trưng cho sự yêu mến, quý trọng:
Không chỉ là biểu tượng cho tình yêu và sự chung thủy hoa Dã quỳ còn thể hiện sự yêu mến quý trọng những người có nội tâm phong phú. Những người được tặng Dã quỳ được xem là kiên cường, vượt qua những khó khăn mà người tặng rất ngưỡng mộ.
 
4. Hoa Dã quỳ báo hiệu mùa đông:
Dã quỳ thường đơm hoa và nở rộ vào đầu mùa đông (tháng 11) vì vậy khi màu hoa Dã quỳ vàng rực nổi bật khắp triền đồi và thảo nguyên, thì có thể coi đó như sự báo hiệu cho mùa đông đã đến.
 
THƠ VỀ HOA DÃ QUỲ
 
Xin được ghi ra đây bài thơ nỗi niềm về hoa Dã Quỳ Đà Lạt.
 
NỖI NHỚ DÃ QUỲ
 
Khói thuốc lam bay vướng hồn cô lữ
Đã bao năm rồi không thấy hoa xưa
Cali phố người đèn xanh đèn đỏ
Tôi nhớ Đà Lạt thành phố mộng mơ
 
Bao năm lưu đày chiều nay muốn khóc
Mà khóc làm sao nước mắt đã khô?
Góc vắng cà-phê khói cay vương mắt
Tôi nhớ người ơi Đà Lạt sương mù!
 
Tôi nhớ người ơi vàng biếc dã quỳ
Rực rỡ ngàn hoa đường mộng mê si
Mùa đã đến rồi em ơi có nhớ?
Đà Lạt thương yêu, nụ hôn Cam Ly [1]
 
Tôi nhớ người ơi ngày ấy phân ly
Sẽ rồi em ơi không thấy dã quỳ
Thôi nhé từ đây chắc rồi mãi mãi...
Vĩnh biệt Cam Ly, Đà Lạt xuân thì
 
Tôi nhớ người ơi vàng biếc dã quỳ
Màu hoa tôi yêu màu áo tình si
Đã bao năm rồi vẫn màu hoa ấy
Đà Lạt sương mù trong hồn người đi
 
Quán vắng đèn vàng thành phố Cali
Đáy cốc in mơ sầu khúc thầm thì
Nỗi nhớ mông lung hồn bay theo khói
Bay về  Đà Lạt nồng nàn Cam Ly
 
"Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Đồi núi buồn xin gởi lại cho em
Và con đường mù sương giăng mắc
Hai đứa hôm nào lạnh buốt trong tình yêu" [2] 
"Đà Lạt ơi, thôi giã từ em nhé
Ôi Lâm Viên, ôi thác cao, đồi xa
Ôi thông reo, ôi suối Vàng run rẩy
Có nghe ước thề hẹn về trong bước ai đi?" [3] 
 
Mùa đã đến rồi mùa của dã quỳ
Mùa của vàng hoa màu áo tình si
Tôi nhớ trời ơi sương mù Đà Lạt!
Nhớ lắm người ơi nụ hôn Cam Ly!
 
Đà Lạt tôi ơi, ngàn năm thương nhớ
Cam Ly thương yêu môi đó xuân thì
Em có nghe chăng tiếng lòng nức nở?
Của người phương xa mây gió gởi về?
 
                                                Nguyên Lạc
 
.......................
 
Nguồn:

U Mộng Ảnh - Trương Trào, Huỳnh Ngọc Chiến dịch và chú thích trên Talawas
[1] Thác Cam Ly nằm kề bên thành phố Đà Lạt, trên dòng suối Cẩm Lệ. (Cam Ly đọc trại từ K’Mly - tên người tù trưởng của bộ tộc Lạt trong truyền thuyết).
[2] Tình Yêu Như Bóng Mây - Lời nhạc Song Ngọc
https://youtu.be/pCfMCg5AeqM
[3] Giã Từ Đà Lạt - Lời nhạc Duy Khánh
https://youtu.be/T-h6_Bb21KQ 

READ MORE - THƠ, HOA & NGƯỜI (3) - Nguyên Lạc