Khi còn nằm trong nôi, tôi đã
được Cha nuôi nấng và chưa bao giờ tôi cảm thấy mình thiếu thốn tình mẫu tử.
Cha của tôi vừa làm Mẹ, làm chị, làm bạn của tôi. Khi tôi lớn lên một chút, Cha
dạy tôi theo giáo điều của Đức Khổng Tử. Và tôi đã lớn lên trong khuôn phép
này.
Cha tôi là người đa cảm. Tôi
nhớ như in những lần Cha đưa tôi ra phố, mỗi khi gặp đám tang, Cha ngã mũ đứng
chào. Khi đám tang người trẻ tuổi đi qua, tôi thấy Cha buồn hẳn, len lén lau
nước mắt. Tôi rụt rè hỏi:
_ Người quen của Cha, hở Cha? Cha tôi lắc
đầu nói:
_ Không phải người quen, Cha thấy thương
cho gia đình, cha mẹ của cậu ấy (cô ấy) sẽ cô quạnh trong tuổi già.
Khi gặp một đám tang người
già, Cha cũng lặng người, mắt dâng ngấn lệ, rồi nắm chặt tay tôi, thở dài. Tôi
lại hỏi:
_ Bác ấy là bạn của Cha hở Cha? Cha tôi
cũng lắc đầu, giọng nghèn nghẹn:
_ Cha thấy thương cho con, cháu của bác ấy
thiếu đi sự nâng đỡ, chở che...
Cha tôi có hàng ngàn lý do để
yêu thương, tha thứ cho người khác.
Cha là Người tôi kính yêu
nhất. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn nhận rằng tôi chưa phải
là người con hiếu thuận của Cha tôi.
Cách đây 14 năm, tình cờ tôi
đọc một bài thơ, không biết bạn trẻ ấy làm từ lúc nào. Thật đơn sơ khi mỗi
người chúng ta biết tìm về với Cha:
VỀ VỚI BA
Cuộc sống của con toàn những
màu hồng
Con thường nói với ba như vậy
Con vô tư để bây giờ mới thấy
Những vết hồng rạn nứt trong
con
Ở với ba củ ấu cũng tròn
Ở với đời quả bồ hòn cũng méo
Con phải tập nói những lời
khôn khéo
Nhiều khi ngỡ không phải của
mình
Cuộc sống của con không toàn
những màu hồng
Con lại về với ba tâm sự
Ba con mình thì dễ dàng tha
thứ
Không như đời cắn đắng phải
không ba
Trần Sao Mai
Và tôi thật xúc động khi nhớ
về Cha của tôi! Cha của tôi không cho tôi cuộc sống toàn màu Hồng, Nhưng Cha đã
thắp sáng trong tôi ngọn lửa Đỏ. Thật ấm áp khi tôi mang lửa cho đời.
Bạn ơi! Tôi cũng lặng người
khi đọc câu truyện "cổ tích thời nay" của thi sỹ Ngưng Thu:
BÓNG MÁT CỦA CHA
Gió quất vào không gian những
trận roi giận dữ
Cơn bão chiều nay
Đánh cắp của con rồi … bóng
mát yêu thương
Cây trứng cá Cha trồng gãy
rạp trong mưa
Bỗng nghe thương những ngày
nắng
Buổi học chiều con đứng chờ
xe bus chuyến trưa
Tàn trứng cá không đủ vừa che
nắng
Cha tưới cây trứng cá từng
chiều
Mong cánh lá tốt thêm mỗi
chút
Bóng mát cho con nhân rộng
thêm nhiều
Đã bao lần con đọc thơ về Mẹ
Tình yêu thương con hiểu đến
vô bờ
Nhìn cây ngã con bỗng dưng
rơi lệ
Dòng cho cha con chưa viết
bao giờ
Ví sao được công ơn Người như
biển
Những trang thơ sao viết hết
tình cha
Sợ so sánh sẽ trở nên khập
khiễng
Con dấu lòng trong sâu thẳm
trái tim
Cơn bão đã qua... Con còn mãi
đi tìm
Bóng mát cha cho bây giờ
không còn nữa
Nhưng còn đó trong con điểm
tựa
Cha dành cho con…
Tình yêu của Người hơn cả núi
non.
Ngưng Thu
Mỗi chúng ta nhận biết bao
che chở của Cha? Tôi bật khóc khi đọc bài thơ tràn đầy hạnh phúc này! Cũng như
Ngưng Thu, tôi yêu cây trứng cá ấy biết bao! Và tôi thấy chúng ta thật hạnh phúc
khi nhận quá nhiều "Bóng Mát" tương tự như thế từ Cha của mình, đó cũng
chính là những Điểm Tựa quý báu trong cuộc đời mình, phải không bạn?
Cách đây không lâu, tôi đã
rưng rưng khi nhà thơ Châu Thạch tâm sự:
NHỚ THÂN PHỤ
Khuya thức giấc nghe ngoài
kia trở gió
Trời đổi mùa như có tuyết
trong da
Khoác cánh mùng, lần bước đến
phòng Ba
Sợ đêm lạnh người già chăn
chiếu lệch.
Phòng vắng ngắt, giường trơ
ra bạc thếch
Ôi nhớ ra, Ba đã mất lâu rồi
Con sững sờ, đêm trống quá đi
thôi
Trời thổn thức ngoài kia mưa
lắc rắc.
Đâu còn nữa tiếng Ba ho húc
hắc
Tiếng Ba mơ khuấy giấc ngủ
gia đình
Tiếng ngày xưa là tiếng ấm
thân sinh
Con đâu biết! nên ngày nay
nuối tiếc!
Con ngồi đợi tiếng ho từ thân
thiết
Lắng tai nghe tiếng mớ trắng
trên giường
Không, vô tình, lặng ngắt,
phẳng như gương!
Đêm rộng quá, chỉ nghe toàn
hơi đá.
Châu Thạch
Tôi ước gì những khi tiếng
ho, tiếng ngáy, tiếng mớ của người già không khuấy động gia đình, mà nó trở
thành những âm thanh thân thiết, đánh động lòng hiếu kính với Cha Mẹ trong tâm
can mỗi người con.
Tôi cũng không quên cảm tác
tràn đầy cảm xúc của nhà thơ Quỳnh Hoa, viết tặng cho nhà thơ Châu Thạch:
Mười năm cha cách biệt dương
gian
Để lại lòng con suối lệ tràn
Nghe tiếng tắc kè thêm khắc
khoải
Chạnh lòng nỗi nhớ lại miên
man.
Thật vậy, nói về Cha ai cũng
tràn đầy cảm xúc. Tôi yêu tất cả những tác phẩm viết về Cha của rất nhiều thi
sỹ, văn sỹ. Tôi nhớ đến bài thơ đã làm tôi không kiềm chế được nước mắt:
RU CHA
Kính tặng cha
Ru cha quên giấc muộn phiền
Phất phơ sợi bạc lạc miền âu
lo
Con ngồi canh giữ cơn ho
Mong mùa đông ấm giấc mơ ban
ngày
Ngủ yên lồng ngực hao gầy
Xòe tay con nắm… trắng tay
đời người
Trong mơ thoảng giọng cha
cười
Nhẹ tênh sợi khói một đời phù
du
Con còn mắc nợ lời ru
Cha đi bỏ lại sắc thu lỡ làng
Cha ơi! Thương nhớ muộn màng
Con về ru nhớ mênh mang bóng
người.
Võ Tấn Cường
Tôi thấy thấm thía quá chừng.
và tôi hiểu tất cả chúng ta ai cũng:
Con còn mắc nợ lời ru
Cha đi bỏ lại sắc thu lỡ làng
Cha ơi! Thương nhớ muộn màng
Con về ru nhớ mênh mang bóng
người
Khi tôi còn nhỏ, mỗi độ Vu
Lan về, đoàn Học Sinh Phật Tử chúng tôi gây quỹ từ thiện bằng cách làm rất
nhiều hoa hồng. Chúng tôi hân hoan cài hoa màu vàng, màu hồng dành cho những ai
đang còn Mẹ, màu trắng lên áo những ai đã mất mẹ mà lòng bùi ngùi thương cảm.
Rồi mùa Vu Lan đầu tiên không
có Cha bên cạnh, tôi lên chùa đội sớ cầu siêu cho Người, duy nhất một lần. Sau
này, mỗi khi chìm trong thương nhớ về Cha, tôi hay cầu nguyện, tôi trò chuyện
với Cha mỗi ngày. Nhất là những lúc tôi bị đời đá lăn long lóc, tôi thì thầm
với Cha, và tôi như được Cha bổ sức, tôi lại mạnh mẽ trở lại, đương đầu với
cuộc sống bằng tấm lòng độ lượng hơn.
Tôi thầm nghĩ trong mùa báo hiếu,
sao người ta lại không có biểu tượng gì dành cho Cha? Và tôi ngồi lặng lẽ, đọc
những tác phẩm văn học về Cha với nhiều ấn tượng, rất hay, tôi xem như nén
hương trầm tưởng niệm về Cha.
Tôi muốn cảm ơn những tác giả
hướng lòng về Cha của mình, để viết nên những áng văn, những tứ thơ thật tuyệt,
làm động lòng trắc ẩn của những người con.
Tôi muốn chúc mừng cho những
ai đang còn có Cha, dù ở xa hay ngay bên cạnh. Xin các bạn hãy hướng lòng về
Cha, hãy phụng dưỡng cha mình trong từng khoảnh khắc, bởi vì tuổi hạc vô thường,
để sau này các bạn không hối tiếc.
Và tôi muốn thưa với Cha tôi
rằng:"Cha ơi! Con kính yêu và con thương nhớ Cha biết bao!"
Tôi tin không phải chỉ đến
mùa báo hiếu, mà bất kỳ lúc nào, ở đâu tất cả chúng ta ai cũng yêu quý, kính trọng
Cha của mình.
Lê Liên
(Đà Lạt, mùa báo hiếu 2014)