Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 19, 2017

LỤC BÁT MỖI NGÀY - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



        Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn



LỤC BÁT MỖI NGÀY Gói đầy một túi gió đồng Đem về thành phố biếu không bạn bè Mở ra đầy ắp tiếng ve Cứ như lửa cháy đốt hè nóng lên.

Nguyễn Lâm Cẩn


READ MORE - LỤC BÁT MỖI NGÀY - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 5; 6


              Nhà thơ Chu Vương Miện



CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 5

thanh liêm rồi cũng thác
tham nhũng cũng ra ma
làm thơ hay thác sớm
làm thơ xoàng chết già
còn sống là người
thác rồi là ma
có ma đàn ông
có ma đàn bà
có ma bùn
có ma gà
thương xót chúng sinh
niệm A Di Đà


Những bài thơ làm ra
để dành đó
lâu lâu mang ra đọc
không hài lòng không xúc động
quăng nay thùng rác
những tình cảm xa xưa
phơ phất tàu dừa
không chút nhớ thương
khăn gói gió đưa
cũng không còn ai mong
cũng không còn ai nhớ
y  thơ Quang Dũng
thương nhớ ơ hờ
lòng thì y như vậy ?

chỉ là một giấc mơ


CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 6

đời đáng chán hay không đáng chán
trên thì răng dưới đạn nhẹ hều
vỉa hè chiêu bát bún riêu
nghiệm ra thôi đủ trăm chiều xót xa
thân tứ chiếng mặt hoa da phấn
phận tép tôm chấy rận mà thôi ?
phô trương cái kiếp con ruồi
ngàn năm đáng nửa nụ cười hay không
hư danh lắm lòng tong mặt nước
cái thân già lội ngược mà bơi
bon chen trong chốn nhọ nồi
nghêu ngao mãi cái cõi đời có không


trên thì trời
dưới thì đất
loanh quanh là loài người
xen kẽ là thú vật
vật dưỡng sinh
không vật thì nhai cỏ
không cỏ 
cạp đất

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 5; 6

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 7) - TS. Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ


               Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 7) 
  
Số này chúng tôi tiếp tục giới thiệu một số bài TÁI THƯỢNG KHÚC và TÁI HẠ KHÚC của các tác giả Nhung Dục, Chu Phac, Lí Bạch, Đới Thúc Luân, Trương Trọng Tố…

NHUNG DỤC (TRUNG ĐƯỜNG)
Nhung Dục 戎昱 (Trung Đường) người Kinh Nam (nay thuộc Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ. Khi Vệ Bá Ngọc giữ Kinh Nam, ông làm tòng sự. Năm Kiến Trung, ông làm thứ sử Thần, Kiền Châu. Thơ có 5 quyển, biên thành 1 quyển trong "Toàn Đường thi".
                                                         (Theo thivien.net)

塞上曲  - 戎昱  
胡風略地燒連山, 
碎葉孤城未下關。 
山頭烽子聲聲叫, 
知是將軍夜獵還。

Phiên âm:
TÁI THƯỢNG KHÚC - NHUNG DỤC
Hồ phong lược địa thiêu Liên Sơn, 
Toái Diệp cô thành vị hạ quan. 
Sơn đầu phong tử thanh thanh khiếu, 
Tri thị tướng quân dạ liệp hoàn.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN ẢI – NHUNG DỤC
Gió Hồ thổi vào đài phong hoả ở Liên Sơn 
Thành Toái Diệp trơ vơ cửa chưa đóng 
Tiếng ngọn lửa ở đài phong hoả đầu núi đang reo phần phật 
Biết rằng đó là lúc tướng quân đi săn về

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN ẢI – NHUNG DỤC
Gió Hồ thổi Liên Sơn phong đài
Toái Diệp thành trơ cửa chẳng cài
Phần phật lửa reo nơi đầu núi
Đi săn tướng đã về đấy thôi.

CHU PHÁC (VÃN ĐƯỜNG)
Chu Phác 周樸 (?-878) tự Kiến Tố 見素 (có nơi nói Thái Phác 太樸), người Ngô Hưng. Theo "Đường tài tử truyện", ông năm sinh không rõ, mất vào năm Càn Phù thứ 5 đời Đường Hy Tông (878). Ông chú trọng làm thơ, ẩn cư ở núi Tung Sơn, thường qua lại cùng với bạn thơ là sư Quán Hưu 貫休, không đoái hoài công danh. Sau ông lánh nạn tới Phúc Châu, ăn nhờ ở chùa núi Ô Thạch. Hoàng Sào chiếm đất Mân, muốn dùng ông. Ông trả lời: "Tôi là xử sĩ, không có con trai, có thể yên tâm theo giặc?", Sào sai giết đi. 

        Thơ ông cực điêu trác, thời đó được gọi là "Nguyệt đoán niên liên" 月煅年鏈 (Tháng nung năm nấu), không được biên thành tập, chỉ truyền miệng. Sau khi ông mất, thơ của ông được sưu tầm trên trăm bài, biên thành 2 quyển truyền trên đời.
                                                        (Theo thivien.net)

塞上曲 - 周朴 
一陣風來一陣沙 
有人行處沒人家 
黃河九曲冰先合 
紫塞三春不見花 

Phiên âm:
TÁI THƯỢNG KHÚC – CHU PHÁC
Nhất trận phong lai nhất trận sa 
Hữu nhân hành xứ, một nhân gia 
Hoàng hà cửu khúc băng tiên hợp 
Tử tái tam xuân bất kiến hoa 

Chú thích: 1/ Hoàng hà cửu khúc, quan ải đóng trên thượng nguồn sông Hoàng hà, khi đó mới là chín con suối nhỏ. 2/ tử tái, quan ải đời Tần khởi xây bằng gạch màu tía, đời Đường vẫn giữ như vậy. 


Dịch nghĩa: 
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI – CHU PHÁC
Mỗi trận gió tới là một trận bão cát. 
Chỉ có người tới [bổ sung quân số] quan ải chứ không có người được về nhà, 
Chín khúc suối [thượng nguồn] sông Hoàng hà đã đóng băng, 
Đã ba năm nay ở quan ải màu tía này chưa có hoa nở. 

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI – CHU PHÁC
Bão cát cùng mỗi trận phong ba 
Người đi quan ải, chẳng về nhà
 Hoàng hà chín khúc băng đông đặc
Ải tía ba năm chẳng nở hoa.

塞下曲 - 周朴
石國胡兒向磧東, 
愛吹橫笛引秋風。 
夜來雲雨皆飛盡, 
月照平沙萬里空。

Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC – CHU PHÁC

Thạch quốc Hồ nhi hướng thích đông, 
Ái xuy hoành địch dẫn thu phong. 
Dạ lai vân vũ giai phi tận, 
Nguyệt chiếu bình sa vạn lý không.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI
Trai Hồ Thạch quốc hướng sang đông 
Thổi sáo dẫn theo ngọn gió thu 
Đêm đến mây mưa bay đi hết 
Trăng soi sa mạc vạn dặm quạnh không.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI

 Trai Hồ Thạch quốc hướng sang đông 
Thổi sáo gió thu dẫn theo cùng 
Đêm đến mây mưa đều bay hết 
Trăng soi sa mạc vạn dặm không

塞上曲其一  李白
大漢無中策, 
匈奴犯渭橋。 
五原秋草綠, 
胡馬一何驕。

Phiên âm:
TÁI THƯỢNG KHÚC KÌ I – LÍ BẠCH
Đại Hán vô trung sách, 
Hung Nô phạm Vị Kiều. 
Ngũ Nguyên thu thảo lục, 
Hồ mã nhất hà kiêu.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I) – LÍ BẠCH
Nhà Đại Hán mưu chước không giỏi 
Quân Hung Nô phạm đến Vị Kiều 
Gò Ngũ Nguyên cỏ thu xanh 
Ngựa rợ Hồ sao hung hăng quá thế.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I) 

Đại Hán không mưu lược
Hung Nô chiếm Vị Kiều
Ngũ Nguyên cỏ thu biếc
Ngựa Hồ sao quá kiêu! 

ĐỚI THÚC LUÂN (TRUNG ĐƯỜNG)
Đới Thúc Luân 戴叔倫 (732-789) tên chữ là Ấn Công 幼公, người Giang Tô, làm quan đến Phủ Châu thứ sử.
                                                       (Theo thivien.net)


寒上曲 二首其一 - 戴叔倫 
漢家旌幟滿陰山 
不遣胡兒匹馬還 
愿得此身長報國 
何須生入玉門關 

TÁI THƯỢNG KHÚC KÌ I – ĐỚI THÚC LUÂN 
Hán gia tinh xí mãn Âm sơn 
Bất khiển Hồ nhi thất mã hoàn 
Nguyện đắc thử thân trường báo quốc 
Hà tu sinh nhập Ngọc Môn quan 

Chú thích: 1/ Âm sơn, tên núi, nay ở trung bộ Nội Mông. 2/ Ngọc Môn quan, tên cửa ải trọng yếu trên đường buôn bán tơ lụa sang các nước phía tây nước Tàu, cố chỉ nay tại xã Sa châu, huyện Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc. 2/ Hán, thi nhân đời Đường muốn viết về Đường, thường phải nói tránh sang Hán để được yên thân. 

Dịch nghĩa: 
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I) – ĐỚI THÚC LUÂN 
Bài 1/2 
Cờ xí nhà Hán cắm đầy trên núi Âm, 
khiến không một con ngựa nào của người Hồ dám trở lại. 
Nếu nguyện đem thân báo đền tổ quốc lâu dài, 
thì [nơi đâu chẳng được] đâu cần cứ phải tới Ngọc Môn quan ! 

Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I)
Nhà Hán cờ xí rợp Âm Sơn
Ngựa Hồ muốn lại sợ hết hồn
Nếu thề đem thân mà báo quốc
Đâu cần phải tới ải Ngọc Môn!

TRƯƠNG TRỌNG TỐ (TRUNG ĐƯỜNG)
Trương Trọng Tố 張仲素 tự Hội Chi 繪之, người Hà Gian 河間, giữc hứcHàn lâm học sĩ đời Đường Hiến Tông.
                                                             (Theo thivien.net)

塞下曲其一 -   張仲素
三戍漁陽再渡遼, 
騂弓在臂劍橫腰。 
匈奴似若知名姓, 
休傍陰山更射雕。

Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 1 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ 
Tam thú Ngư Dương tái độ Liêu, 
Tinh cung tại tí kiếm hoành yêu. 
Hung Nô tự nhược tri danh tính, 
Hưu bạng Âm Sơn cánh xạ điêu.

Dịch nghĩa: 
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I) – TRƯƠNG TRỌNG TỐ

Ba lần đi trấn Ngư Dương, lại theo dòng sông Liêu mà đến, 
Cưỡi ngựa lông đỏ, lưng đeo cung, ngang hông đeo kiếm đi tuần. 
Giặc Hung Nô có lẽ đã nghe danh tiếng, 
Nên chỉ nghỉ ngơi bên mạn bắc núi mà bắn chim điêu chơi.

Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I)
Tam trấn Ngư Dương xuôi dòng Liêu
Cưỡi ngựa hồng,  cung kiếm mang theo
Hung Nô dường đã nghe danh tiếng
Nghỉ mạn bắc núi bắn chim điêu.

 塞下曲其二 -   張仲素
獵馬千行雁幾雙, 
燕然山下碧油幢。 
傳聲漠北單于破, 
火照旌旗夜受降。

Phiên âm: 
TÁI HẠ KHÚC KÌ  2 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ

Liệp mã thiên hàng nhạn kỷ song, 
Yên Nhiên sơn hạ bích du tràng. 
Truyền thanh Mạc Bắc Thiền Vu phá, 
Hoả chiếu tinh kỳ dạ Thụ Hàng.


Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 3) -  TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Ngựa chiến vạn bầy nhạn có mấy hàng
Yên viên lưu chuyển bích du đây
Tin truyền Mạc Bắc Thiền Vu phá
Cờ xí chiếu sáng rực ban đêm ở Thụ Hàng.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 3) -  TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Nhạn mấy đôi ngựa chiến vạn bầy 
Yên viên lưu chuyển bích du đây
Tin truyền Mạc Bắc Thiền Vu phá
Cờ xí rực đêm Thụ Hàng này.


塞下曲其三 -   張仲素
朔雪飄飄開雁門, 
平沙曆亂卷蓬根。 
功名恥計擒生數, 
直斬樓蘭報國恩。
 Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 3 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Sóc tuyết phiêu phiêu khai Nhạn Môn, 
Bình sa lịch loạn quyển bồng căn. 
Công danh sỉ hử cầm sinh sổ, 
Trực trảm Lâu Lan báo quốc ân.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 3) -  TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Tuyết phương bắc rơi xuống ải Nhạn Môn tới tấp, 
Cát trên đất bằng bay loạn xạ, cuốn phăng cả gốc cỏ bồng. 
Nghĩ tới công danh mà xấu hổ vì bắt nhiều tù binh quá, 
Từ nay sẽ chém thật nhiều giăc Lâu Lan để báo đền ơn nước.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 3)-  TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Tuyết bắc rơi dày ải Ngọc Môn
Cát bay loạn xạ cuốn cỏ bồng
Công danh thẹn bắt nhiều binh tướng
Chém hết Lâu Lan để lập công


塞下曲其四 -   張仲素
隴水潺湲隴樹秋, 
征人到此淚雙流。 
鄉關萬里無因見, 
西戍河源早晚休。

TÁI HẠ KHÚC KÌ 4 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Lũng thuỷ sàn viên Lũng thụ thu, 
Chinh nhân đáo thử lệ song lưu. 
Hương quan vạn lý vô nhân kiến, 
Tây thú Hà nguyên tảo vãn hưu.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 4)-  TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Ở đất Lũng này, sông chảy lừ đừ, cây cối đã vào thu, 
Lính xa nhà ai đến đây cũng buồn rơi hai hàng lệ. 
Quê hương xa vạn dặm không cách gì thấy được, 
Trấn thủ phương tây đầy kênh rạch này không biết đến bao giờ!


 Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 4)-  TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Đất Lũng sông chậm cây đã thu
Xa nhà lính chiến mắt lệ mờ
Quê hương vạn dặm bao xa cách
Trấn thủ phương Tây đến bao giờ.

塞下曲其五 
陰磧茫茫塞草肥, 
桔槔烽上暮雲飛。 
交河北望天連海, 
蘇武曾將氣節歸。

Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 5 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ 
Âm thích mang mang tái thảo phì, 
Kết cao phong thượng mộ vân phi. 
Giao hà bắc vọng thiên liên hải, 
Tô Vũ tằng tương khí tiết quy.

Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 5) – TRƯƠNG TRỌNG TỐ 
 Đất thảo nguyên mênh mông cỏ béo 
Ngọn hoả phong gọi réo mây chiều 
Sông Giao, vọng bắc trời liền với biển 
Tô Vũ đã từng mang khí tiết về.

Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN TÁI – TRƯƠNG TRỌNG TỐ 

Bát ngát thảo nguyên cỏ béo phì
Hỏa phong réo gọi mây chiều đi
Sông Giao vọng bắc trời liền biển
Tô Vũ từng mang khí tiết về

                                                            Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 7) - TS. Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

HỌP TIỂU HỘI - Truyện ngắn của Thủy Điền


  
                       Tác giả Thủy Điền


HỌP TIỂU HỘI
(Hay SỰ THẬT VẪN LÀ SỰ THẬT)

24 giờ khuya. Vừa về đến nhà, hắn đi ngay vào nhà bếp, mở tủ lạnh lấy chai bia, khui cái “Bụp “ Nốc một hơi và nói: Mình cứ ngỡ hôm nay về nhà gương mặt ; bộ quần áo sẽ toàn trứng gà hay ít nhất là hai con mắt bị bầm xanh. Nhưng không ngờ ! Ông Chủ tịch hôm nay lại còn khen mình nữa chứ. Đả thật là đả.

      Bà nhà thức dậy, mon men hỏi ?
-Ông làm gì mà có vẻ vui sướng thế.
-Vâng, có vui mới cười đây, buồn ai cười làm gì phải không bà?
-Ông được bầu làm Chủ tịch sao mà hớn hở thế ?
-Nếu được thì quí, đàng nầy vẫn là hội viên dự khuyết đấy bà ạ.
-Có thế mà cũng vui.
-Tôi vui vì chuyện khác.
-Vậy chuyện gì ?
-Dần hồi bà sẽ rỏ thôi.
- Tôi đi ngủ tiếp đây.
-Ừ.

      Cứ vào độ tháng bảy hàng năm, chờ lúc mọi người được nghỉ phép thường niên là người ta tổ chức ngay một đại hội người Việt, chủ đề “Hướng Về Quê Hương “ Với những ngày nầy, năm nào cũng thế, hắn đều có mặt cả như: Phụ giúp Ban tổ chức làm khán đài, tiếp khách và những vấn đề linh tinh. Nói chung là hắn rất nhiệt tình với cộng đồng người Việt nơi hắn đang sinh sống. Để đáp lại tấm chân tình, mọi người ai ai cũng đều thích hắn. Thiết nghĩ nếu hắn có trình độ một chút thì hắn sẽ được bầu vào Ban chấp hành lâu rồi. Nhưng tiếc thay vì trình độ văn hóa quá kém nên hắn vẫn còn lèn xèn phía bên ngoài.

      Trước giờ Đại hội khai mạc ông Chủ tịch tìm đến hắn bảo:
-Thịnh nầy ! Đại hội kỳ nầy tôi muốn chú nên có vài lời phát biểu. Chú nghĩ thế nào?
-Không được đâu anh ba ơi.
-Cả chục năm nay chú là người đã hiến dâng công sức lẫn tinh thần cho hội nầy nhiều quá, chẳng lẽ chú cứ ngồi nghe và gật đầu hoài sao ? Chú phải mạnh dạng đóng góp ý kiến với người ta chứ. Biết đâu, ý kiến của chú mọi người thấy đúng, còn sai thì thôi, anh em sửa chữa, góp ý. Ai làm gì chú mà chú sợ.
-Anh ba à, mấy lần trước có người phát biểu xong ra bị chọi trứng gà vào người, thậm chí còn bị đụt xưng cả mặt mày nữa đó anh.
-Tôi biết việc nầy, nhưng đã có thương lượng với họ rồi, tôi bảo; Nếu quá khích thì hội sẽ tan rã thôi và họ đã đồng ý nhượng bộ và hứa với tôi rồi. Chú yên tâm đi, có tôi bên cạnh đây.
-Ừ thế cũng được, em tin anh.

      Hắn nghĩ ông Chủ tịch vì thương hắn, động viên nói qua loa vậy thôi, nên hắn chẳng màng tâm. Không ngờ ! Khi Đại hội khai mặc, qua mấy lượt người phát biểu. Hắn hết hồn, khi anh ba giới thiệu tên mình. Hắn đứng dậy lên khán đài mà tứ chi run như cầy sấy. Vài phút sau, hắn lấy lại bình tĩnh và nói:

      Thưa quí vị

 Thật tình thì tôi cũng chẳng có ý kiến chi, cộng tôi chẳng hiểu gì thời sự nhiều. Nhưng ông Chủ tịch muốn tôi phát biểu thì tôi phải đành và thú thật tôi cũng chưa bao giờ đứng trước một lượng người khá đông Tiểu hội ba bốn chục người như thế nầy nói chuyện bao giờ. Nếu có gì thiếu sót mong quí vị thông cảm và tha thứ.

      Tiếng vỗ tay cả hội trường thật to để ủng hộ hắn “Nói đi, nói đi Thịnh “

      Kính thưa Quí vị

Tôi xin phát biểu vài điểm như sau:

1-ở Xã hội nào cũng thế, quốc gia nào cũng thế, đều có bề mặt, bề trái của nó, có cái tốt, cái xấu, cái đáng khen và đáng trách, chứ chưa có ai hoàn toàn cả. Gần nhất là chính bản thân ta cũng vậy. Qua mười bốn năm nay khi tham gia hội và tham dự mười bốn Tiểu hội nầy  với chủ đề hàng năm là “Hướng về quê hương “ Tôi chưa bao giờ nghe quí vị khen ai hoặc Việt nam mình gì cả, mà toàn là chỉ trích và chê bai. Tôi thấy rất là buồn, vì nghĩ rằng chúng ta chưa thật sự công bằng và một khi nhận xét không công bằng tôi thiết nghĩ Tiểu hội của chúng ta không có ý nghĩa.

2-Muốn chỉ trích, phê bình người khác ta phải tự hỏi mình đã làm được gì và đóng góp được những gì cho quê hương Việt nam chưa?

3-Ta nên nhìn nhận vào sự thật với hai chữ tự do và không tự do khi hàng năm hàng triệu người về Việt nam du lịch, thăm gia đình mà trở ra bình thường trong đó có chính ta và gia đình ta nữa.

      Thưa Quí vị

Với trình độ giới hạn tôi chỉ phát biểu thế thôi, nếu có gì quá đáng, sai sót, không hài lòng, mong Quí vị bỏ qua và thông cảm như tôi vừa nói ở phần trên.

      Vừa vứt lời, hắn thấy sao cả hội trường im ru, không tiếng vỗ tay, không lời chống đối. Hắn nói thầm trong bụng (Khó khăn rồi, nhanh chân chạy ra sau khán đài níu chân anh ba).

      May quá, anh ba đứng chờ phía sau chận lại. Thịnh nầy !
-Chú nói rất đúng, nhưng anh xin chú không nên phát biểu những lời ấy ở đây, lần sau cẩn thận, khéo lời một chút nha Thịnh.
-Em đã từ chối lúc đầu mà anh vẫn cứ giới thiệu, giờ anh trách em.
Thôi được, cảm ơn chú.

      Thấy ông Chủ tịch không nặng lời, hắn mừng quá và tìm cách vọt về nhà, trên đường ra bãi xe, hắn nhìn xung quanh, nhưng chẳng thấy con ma nào đeo theo chân. Thế là mình thoát nạn. Và, anh ba đã giữ đúng lời hứa.

                                                                         Thủy Điền
                                                                        14-06-2017

READ MORE - HỌP TIỂU HỘI - Truyện ngắn của Thủy Điền

LẠI BÀN VỀ KỊCH BẢN XẠO TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì

    
                 Tác giả Phạm Đức Nhì



LẠI BÀN VỀ KỊCH BẢN XẠO TRONG THƠ

Bài viết Một Kịch Bản Thơ “Xạo” mới xuất xưởng được hơn nửa ngày thì tôi nhận được tin nhắn qua Messenger của cô giáo Diên Hồng Dương:

Anh Nhi Pham kết bạn em đi rồi đọc bài phản hồi ạ. Cảm ơn anh. Có gì đừng buồn nha.”

Chưa biết bài phản hồi mạnh bạo đến cỡ nào, nhưng đọc tin nhắn lịch sự dễ thương như thế tôi đã có cảm tình. Sau khi đọc bài Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’” của cô giáo, tôi càng có cảm tình hơn vì thái độ hiền dịu, lời lẽ nhẹ nhàng, nhã nhặn, và đặc biệt, một tấm lòng yêu mến văn chương tha thiết.

Vì thế tôi viết bài này không để tranh biện thắng thua mà chỉ để làm rõ một số khác biệt trong cách nhận xét, đánh giá thơ ca giữa cô giáo và tôi. Và dĩ nhiên kết luận sau cùng sẽ là của độc giả.

Sự Xuất Hiện Của Kịch Bản

Đã làm thơ, khi chữ nghĩa cùng với cảm xúc tuôn ra, chúng phải “chảy” về một hướng nào đó, bằng một “con kênh” nào đó. Con kênh có thể có trước, cũng có thể xuất hiện cùng thời điểm lúc chữ nghĩa và cảm xúc tuôn ra. (Trường hợp sau thì thơ dễ có hồn hơn). Trong thực tế, ít ai từ lúc cầm bút viết những chữ đầu tiên của bài thơ cho đến khi buông bút là có “đứa con tinh thần” chào đời. Có khi ngày hôm sau, tuần sau, nhiều trường hợp còn lâu hơn nữa, phải quay trở lại tiếp tục công việc đang bỏ dở. Lúc ấy, đoạn sau phải viết sao cho ăn khớp với đoạn trước và phải phù hợp với bức tranh toàn cảnh của bài thơ.

Có điều chắc chắn rằng khi bài thơ hoàn tất, cả thi sĩ và người đọc sẽ nhận ra – có thể độ hiển thị khác nhau - hình ảnh của con kênh đó. Đó chính là bố cục mà riêng tôi có khi gọi là thế trận chữ nghĩa, hoặc kịch bản của bài thơ.
Để bạn đọc mới tiện theo dõi, tôi xin lập lại một đoạn trong bài viết trước:

Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là một người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy. Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được.
Nhưng đôi khi có những kịch bản bị xê dịch quá nhiều, đi đến chỗ không hợp tình, hợp lý. Độc giả sẽ cho rằng thi sĩ “xạo”, và bài thơ thất bại.

Một Số Trường Hợp Xạo Gần Giống Kịch Bản “Tình Yêu Không Lời”

 Bài Học Đầu Cho Con

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...
(Đỗ Trung Quân)

Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?

và:

Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé. 

Nhưng nhìn lại cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” - có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc.

Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.

Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí  bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero.  (Lời Bình Ngắn, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com

Chú thích

Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại.

Thư Cho Vợ Hiền

Nhạc sĩ Song Ngọc (trước năm 75) có sáng tác bản nhạc Thư Cho Vợ Hiền nói về tâm tình của một người lính VNCH – qua lá thư - gởi về người vợ ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Nỗi nhớ thương rất thật của người chồng, người cha khiến nhiều khán thính giả thời đó mủi lòng thương cảm. Nhưng trong lúc “điều chỉnh” nội dung câu chuyện của bản nhạc, nhạc sĩ đã đi quá lố khi ông viết:

“Còn nhớ con mình ngày đó tháng chưa tròn anh đặt tên chúng mình. Giờ con biết đọc hay chưa? Hay nhắc tên ba hoài để em nhớ thương thêm.”

Ở miền Nam lúc ấy ngoài địa phương quân, nghĩa quân – trú đóng ở địa phương, gần nhà, việc về phép thăm gia đình khá dễ dàng – còn có những đơn vị chủ lực – vùng hoạt động rộng lớn hơn, phép tắc cho binh sĩ hạn chế hơn (vì xa xôi, đi lại khó khăn). Nhưng mỗi người lính, theo quy định, mỗi năm đều có phép thường niên – 7 ngày phép, 2 ngày đường. Ngoài ra, còn có phép thưởng, phép đặc biệt vào những dịp ốm đau, hiếu hỉ, tang chế trong gia đình. Cũng có khi vì chiến trận, hành quân, việc đi phép bị trì hoãn, nhưng sau đợt hành quân quyền lợi phép tắc của người lính lại được thực hiên.

Nhạc sĩ muốn kéo dài thời gian xa cách để nỗi nhớ thương thêm sâu nặng, bản nhạc thêm phần tha thiết. Nhưng từ lúc “tháng chưa tròn” cho đến khi “bìết đọc hay chưa?” dài khoảng 6, 7 năm – quá xa cách với thực tế. Ông đã mắc lỗi “xạo với khán thính giả”  
Nghe đến đoạn này một người bạn cùng đơn vị (với tôi) buột miệng nói đùa “Cũng may lão chỉ nói ‘biết đọc’ chứ nếu cũng vần ấy mà dùng chữ khác thì ‘bỏ mẹ’. Đúng là lão này muốn nâng bi chế độ mà nâng không khéo nên thành bóp dế.’”
(Lời Bình Ngắn, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com)

Cô DHD thấy đấy! Ngay cả những thi sĩ, nhạc sĩ nổi danh, nếu không cẩn thận, cũng mắc phải cái lỗi Xạo như nhà thơ Phạm Trung Dũng của chúng ta.

Về Bài Viết Của Diên Hồng Dương

Trở lại bài viết “Có Cái Gì Đó Sai Sai …” DHD, thể hiện chức năng cô giáo - chỉ ra rất nhiều điểm liên quan đến “kỹ thuật thơ” - đặc biệt trường hợp thi sĩ nói “khoa trương (thậm xưng)” không phải vì xạo mà vì thể hiện một biện pháp tu từ, một thủ pháp nghệ thuật nào đó.

khi sáng tạo nghệ thuật, người ta dùng các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, khoa trương ( thậm xưng), nói giảm, ước lệ, tượng trưng... để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật.

Sau đó DHD đặt câu hỏi:

 “Hà cớ gì anh Nhi lại xâm phạm quyền tự do sắp xếp bố cục cho bài thơ anh Phạm Trung Dũng rồi bình là thời gian và tình tiết không hợp lý, nói nặng hơn là xạo ? Anh có chủ quan quá không vậy?”

Và đưa ra nhận xét.

“trong mắt tôi thì anh có vẻ ác cảm với bài thơ của Phạm Trung Dũng và nhận xét có gì sai sai..về cách viết của nhà thơ lẫn cô giáo phê bình cho bài thơ”.

Trả Lời Câu Hỏi

Nhà thơ Phạm Trung Dũng, khi sáng tác Tình Yêu Không Lời, có toàn quyền sắp xếp bố cục bài thơ. Không ai, vì bất cứ lý do gì, có thể xía vào, xâm phạm cái quyền tự do ấy của anh. Nhưng khi bài thơ, bằng cách này hay cách khác, được ra mắt người đọc thì nó như một cô gái giữa chợ. Ông đi qua, bà đi lại đều có quyền ngắm nghía, buông lời bình phẩm. Cô giáo Diên Hồng Dương thích bài thơ và đã viết một bài bình với những lời khen đầy ưu ái. Đó là quyền của cô giáo. Đến lượt tôi đọc bài thơ thấy ý chính của kịch bản thơ không hợp tình hợp lý - đến mức có thể nói là xạo – viết mấy lời nhận xét thì đó cũng là quyền của tôi
.
Nhưng nhận xét của tôi đâu đã phải là kết luận chung cuộc. Tác giả hoặc những người đọc khác, nếu không đồng ý, có thể thoải mái nhảy ra lên tiếng. Cô giáo DHD chất vấn tôi, cho là tôi “chủ quan quá” khi “xâm phạm quyền tự do sắp xếp bố cục của bài thơ” là cô đã hơi bị sai – không, phải nói là sai rất lớn – vì đã không nắm vững điểm sơ đẳng nhất nhưng là then chốt trong mối tương quan giữa Sáng Tác và Phê Bình.

Có Thủ Pháp Ẩn Dụ, Thậm Xưng, Ước Lệ, Tượng Trưng Trong Bài Thơ TYKL?

Theo cô giáo DHD thì trong khá nhiều trường hợp, nói quá lố, nói xạo trong thơ không những không thể bị chê trách mà còn đáng được tuyên dương vì đã sử dụng một biện pháp tu từ nào đó “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật.” Tôi hoàn toàn đồng ý với cô giáo về điểm này. Nhưng hình như cô giáo đã quên chỉ ra cái biện pháp tu từ nào đó được sử dụng trong bài thơ Tình Yêu Không Lời để chứng minh luận điểm của mình. Báo hại tôi đã phải đọc lại bài thơ một cách chậm rãi hai lần nữa đễ tìm giùm cô giáo. Nhưng đáng buồn là tôi đã phí công vô ích.

Tôi hoàn toàn không thấy bóng dáng của ẩn dụ, thậm xưng, ước lệ, tượng trưng … trong bài thơ. 

Tôi chỉ thấy đây là một bài thơ tự sự. Tác giả đã kể lại lớp lang mối tình lãng mạn của mình (đại danh từ Tôi) với cô gái câm điếc. Có điều khi tứ thơ đang tuôn chảy chàng đã vô tình để kịch bản của bài thơ xô lệch đến chỗ bất hợp tình hợp lý. 

Cũng như cô giáo, tôi ngưỡng mộ cái lãng mạn, dễ thương của tứ thơ trong Tình Yêu Không Lời. Nhưng khác với cô giáo, kịch bản thơ xạo, với tôi, là một lỗi rất nặng của thi sĩ, làm giảm giá trị của bài thơ rất nhiều – và trong trường hợp này, bài thơ không những thất bại thảm hại mà lại còn ít nhiều có tính xúc phạm vì đã xạo một cách trắng trợn, xem thường người đọc.

Với Bài Học Đầu Cho Con, chỉ cần thay cái tựa (như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã làm khi phổ nhạc bài thơ) là bóng dáng của chữ Xạo biến mất và bài thơ trở thành những bức tranh thơ tuyệt đẹp. 

Với Thư Cho Vợ Hiền, chỉ cần thay chữ “đọc” bằng chữ “bò” hoặc quá lắm là chữ “chạy” thì chúng ta sẽ có một bản nhạc tình đằm thắm thiết tha.

Nhưng trường hợp Tình Yêu Không Lời thì khác. Nhà thơ Phạm Trung Dũng đã sử dụng gần như toàn bộ bài thơ (24 trên tổng số 26 câu) để tạo nên cái kịch bản xạo đó. Nó đã trở thành cái giá chống của bài thơ. Đụng đến cái giá chống đó bài thơ sẽ sụp đổ hoàn toàn.                                                                


Về Nhận Xét Của Cô Giáo

Cô giáo viết:

trong mắt tôi thì anh có vẻ ác cảm với bài thơ của Phạm Trung Dũng và nhận xét có gì sai sai..về cách viết của nhà thơ lẫn cô giáo phê bình cho bài thơ”
.
Tôi không biết nhà thơ Phạm Trung Dũng là ai và bài thơ Tình Yêu Không Lời tôi chỉ được đọc mới đây qua bài viết của cô giáo. Sau khi đọc bài thơ, nhận ra cái kịch bản xạo trắng trợn của nó, tôi không có chút ấn tượng và nghĩ sớm muộn gì nó sẽ đi vào quên lãng. Nhưng đọc lời bình rồi lại xem qua tiểu sử, học vấn và nghề nghiệp của cô giáo, tôi bắt đầu thấy … sợ. Một người có kiến thức rộng, được làm việc đúng chuyên môn lại hết lòng yêu thích văn chương như cô giáo mà lại lẫn lộn giữa sự giả trá bình thường và cách nói thậm xưng (khoa trương) đầy nghệ thuật, rồi đem “vòng nguyệt quế” trao cho Tinh Yêu Không Lời thì nguy hiểm quá. Càng nguy hiểm hơn nữa là cô giáo đã dùng khả năng diễn đạt và nhiệt tình của mình – qua bài bình - truyền cái sự lầm lẫn ấy cho lớp trẻ.  
Đọc Một Kịch Bản Thơ “Xạo” của tôi trên FB, bạn Le Tran đã viết một bình luận như sau:

Đúng là một kịch bản thơ vụng về. Tác giả bài thơ cố ý gây 'bất ngờ" trong thi phẩm "cô gái câm" này nhưng hoàn toàn thất bại khi người đọc đã soi đôi mắt "chiếu yêu" vào câu chuyện tình. Cám ơn chú Nhi Pham đã vạch rõ chân tướng kỹ xảo 'đà đao' vô lối của bài thơ mà rất ít người đọc để ý.

Kết Luận

Khi cô giáo Diên Hồng Dương - người đã học ngữ văn tại Đại Học Sư Phạm TPHCM và giảng dạy tại CĐSP Tây Ninh – viết “Vậy nên tôi vẫn khẳng định Tình Yêu Không Lời là một bài thơ hay” tôi hiểu ngay đó không phải là lời phát biểu hời hợt, thiếu chín chắn. Cô đã có lý do, có chỗ dựa vững chắc nào đó, để tin như thế. Bởi vậy tôi xin dùng phần kết luận – cũng là mục đích của bài viết này - để nhắn với các bạn trẻ yêu thơ mấy lời tâm huyết.

 Tôi có đứa cháu họ lấy phải thằng chồng “nói dối như cuội” lại có tính trăng hoa, có lần dan díu với người đàn bà khác bị vợ bắt gặp. Nó tâm sự: Cháu chán lắm, muốn bỏ ngay lập tức nhưng lại sợ khổ lây đến con cái. Rồi còn tài sản, công việc làm ăn đang thuận lợi …, chia tay là đổ xuống sông, xuống biển hết.

Bỏ rơi một bài thơ dở không nhiêu khê và đau đớn như cắt đứt một cuộc tình. Nếu bạn có đủ kiến thức để nhận biết bài thơ mình đã một thời hết lòng yêu mến là bài thơ dở, hãy mạnh dạn “nghỉ chơi” với nó. Hãy dành chỗ trống trong tâm hồn – thường là có giới hạn - để chứa những bài thơ hay hơn, đẹp hơn, độc đáo hơn đang chờ bạn ở phía trước. Trình độ thưởng thức thơ của bạn qua mỗi lần “nghỉ chơi” như vậy sẽ được tăng tiến và tâm hồn bạn, nhờ thế, sẽ tự bay lên một tầm cao mới.

Phạm Đức Nhì

PHỤ LỤC

CÓ GÌ ĐÓ SAI SAI...TRONG BÀI PHÊ BÌNH "MỘT KỊCH BẢN THƠ " XẠO"
 _______________________________________
Hôm nay là sinh nhật con gái tôi. Đang post ảnh, tình cờ lướt qua face book đọc được một bài bình khá thú vị của nhà phê bình Phạm Nhi. Vấn đề là bàn đến bài thơ của nhà thơ Phạm Trung Dũng và có liên quan đến một phần bài bình thơ của tôi cho tác phẩm rất hay: " Tình yêu không lời". Tôi xin phép anh Phạm Nhi cho tôi góp vài lời nhận xét. Nếu có chi không hài lòng mong anh bỏ qua. Chúng ta cùng nhau xác định: góp ý là để tiến bộ cho việc cảm nhận văn chương trong sáng cả hai phía nhé! 

Thứ nhất, tôi rất thích cách nói thẳng suy nghĩ của anh thể hiện ở tựa đề: " Một kịch bản thơ xạo". Tựa đề rất hút độc giả nha. Nếu ai đi qua mà không dừng lại thì đúng là vô cảm. Nó buộc người đọc phải tò mò đi vào bài viết và phải đọc đến hết bài xem kịch bản nào xạo? Tại sao xạo ? Và xạo như vậy có hại ai không? Nhân nói chữ Xạo thì tôi cũng chợt nhớ Vũ Bằng. Ông có viết một quyển sách nói về nghề Văn và người viết Văn qua kinh nghiệm của mình: " Bốn mươi năm nói láo", không biết anh Phạm Nhi đã đọc quyển này chưa? Nếu nhìn chữ láo, hay xạo theo quan điểm của Vũ Bằng thì cũng không có gì quá đáng, bởi lẽ Vũ Bằng xem việc hư cấu trong nghệ thuật xét cho cùng là không giống y chang cuộc đời.

Thường một tác phẩm nghê thuật có giá trị cao bao giờ nó cũng gợi cho bạn đọc suy nghĩ, liên tưởng và có một cái nhìn đẹp và mở rộng về cuộc sống. Cuộc sống vốn dĩ mang lại cho người ta sự đơn điệu về vòng quay của thời gian 24h, hết ngày này qua ngày khác, hay đơn điệu về không gian theo kiểu đùa" Vân Tiên cõng mẹ trở ra... rồi cõng mẹ trở vô...", quanh quẩn đến chóng mặt... nên khi sáng tạo nghệ thuật, người ta dùng các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, khoa trương ( thậm xưng), nói giảm, ước lệ, tượng trưng... để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết về nỗi nhớ có câu:
 
" Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê" 

Ba thu làm sao dọn lại trong một ngày? Thời gian này là thời gian phi lý tính, thời gian của tâm trạng, lấy ý từ một câu trong Kinh Thi: " Nhất nhật bất kiến như tam thu hề". Hổng lẽ đọc Truyện Kiều đến đây, phán cho Nguyễn Du một câu là miêu tả xạo? Thơ vốn dĩ cô đọng, đâu cần phải nói chi tiết đến từng mi li mét để làm rõ tại sao tác giả viết thế này mà không viết thế kia cho logic. 

Câu chuyện trong thơ cũng vậy, đâu phải nhất nhất phải theo kịch bản thực tế. Câu chuyện là cái cớ để bộc lộ tâm tình. Nó có thể hợp lý, có thể phi lý và lãng mạn đến bất thường vẫn chấp nhận được vì nó là nghệ thuật chứ không phải đời thực. Xem tranh cách điệu hổng lẽ phán cho một câu: " Họa sĩ vẽ thiếu nét?"Xem một vở diễn trên sân khấu thấy diễn viên cầm cái roi mà bảo con ngựa không lẽ cho diễn viên bị tâm thần? Mọi sự quy ước nằm trong ý tưởng của nghệ thuật nhằm diễn tả một hiện thực cách điệu mang tính nhân văn đi kèm sắc thái biểu cảm có giá trị thẩm mỹ cao.
 
Quay trở lại " Tình yêu không lời" của Phạm Trung Dũng, những vấn đề mà nhà phê bình Phạm Nhi thắc mắc tôi thấy anh quá chi li và cảm nhận quá đơn giản theo kiểu máy móc của Toán học, một cộng một phải luôn bằng hai. Đó là sự áp đặt xúc phạm đến sáng tạo cá nhân của nhà thơ Phạm Trung Dũng. Anh đã hiểu hết dụng ý người sáng tác chưa mà phán cho người ta là xạo? Bất kỳ ai khi họ viết một cái gì họ đều đủ trình độ phản biện những ai công kích họ. Tôi nghĩ về điều này nhà thơ Phạm Trung Dũng dư sức trả lời. Và cũng dễ trả lời bởi vì Phạm Trung Dũng rất giỏi về Lý luận văn chương. Hà cớ gì anh Nhi lại xâm phạm quyền tự do sắp xếp bố cục cho bài thơ anh Phạm Trung Dũng rồi bình là thời gian và tình tiết không hợp lý, nói nặng hơn là xạo ? Anh có chủ quan quá không vậy? Anh có nhớ một bài ca dao xưa:"lổ mũi em mười tám gánh lông..." không? Trên đời có cái lổ mũi nào như vậy không? Vậy mà thơ cũng có vậy. Chuyện yêu đương thi vị thì phải tạo cho chàng trai ở trọ cạnh nhà cô câm sự ngờ nghệch, trong sáng đến phi lý để dẫn đến tình yêu lãng mạn là một thủ pháp vẽ mây nẩy trăng thôi. Nói vòng vo để tạo chất kịch tính, để thoát ly cái quy trình đời thường là chuyện thường thôi mà..
. 
Thứ hai, anh cho rằng tôi dũng cảm khi bình bài thơ xạo là anh lại sai. Tôi yêu cái chất nhân văn của tình yêu không lời và tôi bình. Tôi hoàn toàn biết đó là kịch bản nghệ thuật mà anh. Và có lẽ anh không hiểu được nỗi khổ của người câm nên anh cho rằng bài thơ giống như chuyện yêu đương bình thường, chỉ khác chút nhân vật cô gái bị câm. Tôi từng sống gần người câm một thời gian dài mà không biết họ câm. Tôi dạy ở nhà máy Việt Nam Mộc bài, gặp nhiều cô câm được nhận vào làm. Các cô chỉ cười không nói... đến lúc sau này gọi đứng lên phát biểu thì mới bật ngửa... Họ không có tình yêu vì đâu có ai yêu người câm, dù họ rất đẹp, lại siêng nữa... Nên khi đọc bài thơ, tôi xúc động ở tình cảm thánh thiện của chàng trai. Đưa một người ngố đến với một người câm, sự cách điệu nghệ thuật đã tạo ra một đôi lứa lý tưởng và hoàn hảo.

Vậy nên tôi vẫn khẳng định " Tình yêu không lời " là một bài thơ hay. Trong mắt anh Phạm Nhi có thể tôi bị sập hầm nhưng ngược lại trong mắt tôi thì anh có vẻ ác cảm với bài thơ của Phạm Trung Dũng và nhận xét có gì sai sai..về cách viết của nhà thơ lẫn cô giáo phê bình cho bài thơ " Tình yêu không lời"
. 
Cảm ơn anh Phạm Nhi đã giúp tôi nhớ lại một bài thơ hay.

Diên Hồng Dương

READ MORE - LẠI BÀN VỀ KỊCH BẢN XẠO TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì