Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 24, 2012

MAI ANH VỀ - Thơ Nguyễn Quý

Đồng lúa làng Lệ Xuyên - Ảnh Lê Đức Dục

mai anh về Bồ Bản
gió lạnh tái tê người
mùa xuân kìa: đến rồi
sao vẫn còn băng giá
những đoạn đường anh qua
em vương hồn trong gió
anh ngẫn ngơ ngẫn ngơ
em ở đâu đợi chờ
sao em không lên tiếng...

mai anh về Lệ Xuyên
tìm em mà ngã nghiêng
đông vẫn còn xào xạc
mắt buồn nghe lác đác
lá rơi chiều úa tàn
em còn ở xa ngàn
tình anh chưa với được.

mai anh về sơn cước
ghé phố núi Khe Sanh
ghé thăm em nhỏ hiền
nhìn anh đôi mắt biếc
tình tưởng còn vẹn nguyên...

mai anh ghé Quảng Điền
em đẹp thuở trinh nguyên
một thời tim anh đã
theo em trọn lời nguyền...

rồi anh ghé Lưỡng Kim
đêm lặng câm lặng câm
sông còn chảy âm thầm
trôi về đâu biển cả
để tình không bến ngả
thế nên đã chia xa.

mai anh ghé Đông Hà
em giữa phố thiết tha
chiếc áo dài trắng xoá
em cười rất mặn mà
anh đi xa đi xa
tình còn không hay đã
về với kiếp băng hà...

thôi anh ghé về nhà
quê anh làng Vĩnh Lại
tìm em em là ai?
đừng để Xuân tê tái
anh xin yêu miệt mài
em cô gái đôi mươi
trong hư vô em cười
anh biết đời thôi đã
dừng chân suốt từ đây??? 

Nguyễn Quý 
quycali@gmail.com
READ MORE - MAI ANH VỀ - Thơ Nguyễn Quý

TÌNH VÀ NGHĨA: CHẤT KEO GẮN CHẶT HÔN NHÂN - Trần Hữu Thuần


Nếu định nghĩa rộng, có lẽ không ai trên cõi đời thoát khỏi hai chữ tình yêu. Đặt định nghĩa tình yêu trong phạm vi rung động giới tính, có lẽ cách này cách khác người nào cũng vướng lưới tình ngay cả các bậc chân tu. Nếu bậc chân tu nào lỡ vướng mà vượt thắng thì thành chân chân tu, còn thua ngã thì thành giả chân tu. Nếu thua cuộc luôn thì từ biệt nhà Chúa nhà Phật, “con về cõi tục con theo tiếng đời.”

Tình yêu giới tính gồm một chủ thể và một khách thể, hoặc có khi nhiều khách thể. Nếu khách thể không biết chủ thể đang để ý đến mình thì gọi là tình đơn phương. Dĩ nhiên đã là đơn phương thì không mong có đáp trả. Nếu không đơn phương, nghĩa là chủ thể cách nào đó cho khách thể biết mình đang “ngắm nghía” đối tượng thì khách thể sẽ có hai thái độ, hoặc chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu tự ý không chấp nhận, hoặc không thể chấp nhận do trở lực bên ngoài, thì mối tình của hai người thành tình tuyệt vọng:

                Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
                Mà người gieo thảm như hầu không hay.
(Khái Hưng, Tình tuyệt vọng)

Hai thứ tình đơn phương và tuyệt vọng thường gây đau đớn cho chủ thể, lắm khi đến chủ thể tự hủy hoại bản thân. Tình không thể chấp nhận do trở lực bên ngoài còn gây đau đớn nhiều hơn, cho cả đôi bên chủ cũng như khách thể. Thứ tình đau đớn này thường lại là chủ đề của biết bao bài thơ sầu cảm.

                Em ơi lửa tắt bình khô rượu
                Đời vắng em rồi say với ai.
                (Vũ Hoàng Chương, Đời vắng em rồi say với ai)
                Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
                Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
                 (Thế Lữ, Lời than thở của nàng mĩ thuật)
                Chị ba con
                 Em tìm thấy lá
                Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
                Từ thuở ấy
                 Em cầm chiếc lá
                 Đi đầu non cuối bể.
               (Hoàng Cầm, Lá diêu bông)

Nhạc sĩ Vũ Thành An trước khi bước chân lên bàn Thánh lãnh nhận chức Phó tế vĩnh viễn đã sửa lại lời một ca khúc của ông, từ “Con đường em đi đó … đúng hay sai em ơi?” thành “Con đường em đi đó … đúng đấy em ơi!” Điều kỳ lạ không thấy ai bàn tới là, nếu “con đường” “người ấy” đi là đúng thì đâu cần nhạc sĩ phải vất vả ca hát lên làm gì! Phải có cái gì “không đúng” thì nhạc sĩ mới phải đau buồn nhỏ lệ than khóc. Do đó, dù sửa hay không, tâm sự của nhạc sĩ cũng đã quá rõ ràng. Và việc sửa chữa lời ca khúc sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống chứng tỏ tận đáy lòng, nhạc sĩ vẫn chưa quên được chuyện cũ người xưa, vẫn “cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể” như thi sĩ Hoàng Cầm. Đồng thời, người thưởng ngoạn vẫn không cho chuyện sửa lại là đúng, vì sửa làm sao được một cuộc tình đã đổ vỡ, hốt làm sao được chén nước đã đổ đi? 

Nếu giữa chủ thể và khách thể, hay nhiều khách thể như trường hợp của ông già sáng lập báo Playboy với ba cô tình nhân chưa đáng tuổi con ông, rồi với hai cô khác chỉ đáng tuổi cháu, thỏa thuận trao đổi tình yêu và đi đến hòa hợp chung sống, lại xẩy ra hai trường hợp: chung sống hạnh phúc và không hạnh phúc. Chẳng có vấn đề gì để thảo luận khi cuộc tình chung sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Có vấn đề để nói đến là ở chỗ tại sao cuộc tình thỏa thuận đến chung sống lại không có hạnh phúc để phải chia tay tan vỡ? Thống kê cho thấy con số li dị của xã hội Mỹ khá cao. Theo tạp chí divorcemagazine.com trên mạng, năm 2005 tại Mĩ đã có 2.230.000 người li dị, tức là 3,6% dân số. Tỉ lệ này giảm xuống so với trước đó, có thể vì tỉ lệ hôn nhân cũng giảm từ 7,8% theo mỗi ngàn người xuống còn 7,5% trong năm đó. Những vụ li dị ầm ĩ nhất thường xẩy ra trong giới tài tử ca sĩ tại Holywood gọi chung là giới celebrities (tài danh), như vụ của Britney Spears, hoặc trong giới chính trị có danh phận, gần đây nhất là của cựu Thống đốc California Schwarzenegger. Tại sao những người tài danh này yêu nhau đắm say đến thế mà khi chia tay nhau cũng đau đớn đến thế? 

Không phải chỉ trong cuộc sống có văn minh mới có tình yêu. Một chương trình về một bộ lạc Nam Mỹ Amazon trên kênh Discovery trình bày một cô dâu tóc xoắn da màu đồng đất mười sáu tuổi cho biết cô bị mẹ cô buộc phải lấy một người anh em con bạn dì ruột ở làng kế cận, trong khi cô đã có người yêu “có thể xem như là chồng” tại quê quán cô. Anh chồng tương lai mười bảy tuổi của cô dâu đó, chẳng yêu thương gì cô em họ anh ta sắp cưới, cũng nói, “Cứ nghe lời mẹ lấy cô ta đi rồi sau này hẵng kiếm người yêu khác!” Như thế cho thấy chuyện yêu đương không phải chỉ là sản phẩm của thế giới văn minh mà có lẽ là căn tính của con người. Khi đến tuổi, hai người khác phái nào đó gặp nhau tự nhiên cảm thấy rung động muốn xáp lại gần nhau. Đó cũng là một đặc tính phân biệt tình yêu con người với việc truyền giống của các loài khác. Tình yêu của con người không hoàn toàn chỉ để truyền giống. Nó là một sự rung động mà không ai định nghĩa được, như câu thơ của Xuân Diệu, quen thuộc trở thành gần như ca dao, Làm sao định nghĩa được tình yêu.

Trong các ngôn ngữ mà tôi được biết, có lẽ không có từ ngữ nào nói đến sự tương quan giữa hai người yêu nhau và chung sống với nhau chứa đựng nhiều ý nghĩa cho bằng cụm từ tình nghĩa vợ chồng của tiếng Việt chúng ta. Tình là tình yêu đôi lứa; nghĩa là nghĩa vợ chồng. Hai thứ tình và nghĩa trộn lẫn lại làm thành phân bón, làm thành lương thực nuôi sống cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân không tình yêu không thực sự là hôn nhân vì đã thiếu yếu tố không thể thay thế khi tuyên lời hôn ước: yếu tố tự do. Nếu có tự do, không hai người nào chẳng hề có chút tình ý với nhau lại có thể thành hôn với nhau. Nếu thành hôn không vì tình yêu, chắc chắn cuộc hôn phối đó chỉ vì một lí do nào khác: tư lợi, tiền bạc, cưỡng bức vv. Những cuộc hôn nhân cưỡng ép ngày xưa, và bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn, có thể tồn tại vì những ràng buộc khác: tai tiếng như khi có thai với nhau ngoài chủ ý, uy thế của gia đình đôi bên, uy lực của xóm làng vv. Không có những ràng buộc ngoại tại đó, chắc chắn người ở phía bị cưỡng bức sẽ vùng thoát khỏi cuộc hôn nhân ngay từ lúc ban đầu. 

Hôn nhân giữa đối thể và khách thể trong văn hóa Việt Nam chúng ta như thế khởi đầu bằng “tình” và gắn bó bằng “nghĩa.” Nàng Kiều khi phải bán mình chuộc cha biết “tình” nàng với chàng Kim giờ đây đã dứt, chỉ còn lại chút “nghĩa” cũng phải phụ phàng, nên đã nhờ cha nàng trả nghĩa:

                Lậy thôi, nàng lại thưa chiềng,
Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Chút “nghĩa” đó chính là nét đặc trưng trong nền văn hóa dân tộc chúng ta. Cha mẹ chúng ta thường khuyên bảo con cái, “Vợ chồng sống với nhau phải có tình có nghĩa.” Khi bình thường, an vui cũng như sầu khổ, vợ chồng sống với nhau bằng “tình.” Khi một trong hai người bệnh hoạn tai ương, hoặc gây nên lầm lỗi, nếu tình yêu phôi pha hoặc không còn nữa, vợ chồng vẫn sống bên nhau bằng “nghĩa.” Nói cách khác, tình là phần việc của con tim, nghĩa là phần việc của lí trí. Con tim và lí trí đi chung với nhau để cuộc sống vợ chồng bền chặt. Cũng vì thế, mức độ li dị ngày trước trong hôn nhân Việt Nam gần như không có. Người chồng có thể hời hợt khi gặp người vợ không như ý bằng cách chung chạ với người khác, vợ lẽ nàng hầu, nhưng vẫn không bỏ bê người vợ đang làm buồn lòng mình. Người vợ khi gặp phải chồng không ưng ý, vẫn sống chung trong một mái nhà, cho dẫu nhiều khi không còn chung chăn chung gối, để gia đình không bị đổ vỡ, nhờ vào chút “nghĩa phu thê.”

                Chàng ơi phụ thiếp làm chi,
                Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng.
(Ca dao)

Tình nghĩa vợ chồng Việt Nam là thế đó. Người vợ bị chồng bỏ bê, mang lấy chút nghĩa cùng chồng, đành cam chịu số phận làm “cơm nguội” chỉ để chờ khi chồng “đói lòng” ngó ngàng đến. Dĩ nhiên, trong thời đại nam nữ bình quyền này, không còn ai chấp nhận cực đoan “chồng chúa vợ tôi” này nữa. Thay vào đó, người ta dùng sách lược “ông ăn chả, bà ăn nem,” cũng là một cực đoan khác. Khi một trong hai người của một đôi vợ chồng gây nên bất cứ điều gì không thuận ý cho người kia, hai người hết “tình” nhưng lại không chút ràng buộc nào về “nghĩa” để cùng nhau tìm một bài thuốc dù tạm bợ hầu nuôi dưỡng cuộc sống gia đình. Mà cho dẫu hai người có muốn hòa giải để sống với nhau vì “nghĩa,” xã hội cũng không cho họ có thì giờ suy nghĩ để giải quyết với nhau. Xem trường hợp gần nhất của gia đình vợ chồng Schwarzenegger thì rõ. Khi đổ bể chuyện lăng nhăng của người chồng, truyền thông không để cho người vợ, bà Maria Shriver, kịp thì giờ tính toán chuyện gia đình riêng tư. Báo chí, truyền thanh, truyền hình đã nhao nhao đặt “cày trước trâu,” thi nhau đưa ra câu hỏi liệu họ có đem nhau ra tòa li dị hay không? Chẳng một ai thắc mắc  liệu họ có làm hòa với nhau được không, có tha thứ lỗi lầm cho nhau được không, có giữ với nhau chút “nghĩa” dù nay “tình” có thể đã hết rồi không? Cùng một hoàn cảnh như vậy với vụ việc hai vợ chồng Dân biểu Weiner. 

Khác biệt giữa văn hóa Tây và Đông một phần ở chỗ đó. Cha mẹ chúng ta phần lớn đều hết sức ngăn chặn các cuộc tình đổ vỡ bằng lời khuyên, “Thôi thì một sự nhịn, chín sự lành, nhường nhịn nhau đôi chút để phúc lại cho con cho cháu.” Con cháu chúng ta sống tại quê hương thứ hai này ngày nay chỉ biết chữ “tình” mà không hề biết đến chữ “nghĩa.” Vì thế, khi không còn vui vẻ chung sống với nhau, họ li dị nhau dễ dàng không một chút xót xa. Văn hóa Việt Nam không nằm ở chỗ gặp khi con gái gốc Việt lập gia đình với con trai gốc Mĩ hay ngược lại, cha mẹ người gốc Việt buộc phía bên kia phải mặc trang phục Việt cũng áo thụng khăn đóng, mang lễ vật kiểu Việt mâm lớn mâm nhỏ, cau trầu, trà rượu, heo quay. Văn hóa cũng không nằm ở chỗ buộc phía bên kia phải “lạy giàng thờ” để chứng tỏ phía bên kia đã thuận lấy phía Việt làm mực thước. Nó nằm ở chỗ làm sao cho cả đôi bên biết được hôn nhân theo văn hóa Việt Nam chúng ta là vợ chồng lấy nhau vì “tình,” chung sống vì “nghĩa.” Hiểu được hai chữ này theo ý nghĩa thâm sâu của nó là sống trọn vẹn tình vợ chồng theo văn hóa chúng ta. Một khi đã có “tình” và có “nghĩa,” các cuộc hôn nhân sẽ không bao giờ “hết thuốc chữa” đến nỗi phải chia tay không hề quay mặt lại. Mà cho dẫu tệ hại đến chỗ phải chia tay, hai người đã một thời chung chăn chung gối chắc chắn cũng không đến nỗi trở nên hai kẻ thù “không đội trời chung,” “nhìn mặt nhau không thẳng,” mà vẫn còn giữ với nhau một chút “nghĩa” nào đó, không thể “cạn tàu ráo máng” với nhau.

                Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
                Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
                                                                (Ca dao)

Thế đấy, vợ chồng như “gừng cay muối mặn” luôn luôn khắng khít bên nhau, như chim với rừng không thể có bên này không có bên kia:

                Chim xa rừng thương cây nhớ cội,
                Người xa người tội lắm người ơi,
                Thà rằng không biết thì thôi,
                Biết nhau mỗi đứa một nơi sao đành.
                                                                (Ca dao)

Chất keo gắn bó cuộc sống vợ chồng trong nền văn hóa Việt Nam chúng ta chính là hỗn hợp “tình” và “nghĩa.” “Tình” để yêu thương nhau và “nghĩa” để chịu đựng nhau. Mất đi một hợp chất, keo không còn dính nữa, khác gì xi măng không có nước. 

Nhưng, làm sao giải thích được ý nghĩa thâm sâu của hai chữ “tình” và “nghĩa” cho thế hệ trẻ đang quay cuồng như thác đổ trong bão tố của chủ thuyết vật chất và thế tục đang tìm cách chế ngự mọi ngóc ngách của cuộc sống ngày nay trên toàn thế giới, cách riêng trên đất nước Mĩ quê hương thứ hai này?


Trần Hữu Thuần 
jbtranthuan@hotmail.com
READ MORE - TÌNH VÀ NGHĨA: CHẤT KEO GẮN CHẶT HÔN NHÂN - Trần Hữu Thuần

ĐÌNH THU - Vọng cổ NƠI CÒN LẠI YÊU THƯƠNG: 4.HIỀN LƯƠNG - KHÚC HÁT NGÀY VỀ


4. Hiền Lương khúc hát ngày về
Sáng tác: Đình Thu

Huế:

Hò ơ….ơ ơ… Miền Trung khúc ruột chia lìa
Dòng sông vĩ tuyến ngăn chia đôi miền
Mẹ ngồi chờ suốt bao đêm
Đợi ngày thống nhất nối liền ước mong

Cầu Hiền Lương vẫn đứng hiên ngang những ngày đêm đánh Mỹ, cùng miền đất thép Vĩnh Linh trung dũng kiên cường.

1/ Đất nước chìm trong cuộc chiến đau buồn, dòng nước mắt chảy tràn lòng mẹ, nhịp tim như ngừng đập bởi khúc ruột chia hai. Bao nhiêu năm trời chia ly, vợ ngóng tin chồng tháng năm biền biệt. Căm giận quân thù dày xéo đất ông cha, gây nên cảnh chia lìa người Nam kẻ Bắc…

Mẹ bồng con ra ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu
Bao giờ nguyệt xế, trăng lu,
Nghe
chim quyên kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng

2/ Nhớ chuyện ngày xưa trên chuyến đò vĩ tuyến, người chị bồng con lặng lẽ tiễn đưa chồng, dồn nén nhớ thương đợi đất nước thanh bình. Thuở quê hương chìm trong khói lửa. Nghe câu hò mà ruột thắt, lòng đau.

Câu hò trên bến Hiền Lương
Vẫn luôn vang vọng nỗi niềm cách xa
Hoà bình thống nhất hoan ca
Cung đàn xưa nối lại tháng ngày ước mong

trăng soi:
Ơi Hiền Lương bao tháng năm vơi đầy
Như lòng ta nhớ thương đêm ngày
Cho dù bảo giông, luôn sắt son tươi màu
Đôi bờ xa thuyền ai thấp thoáng trong bóng hoàng hôn
Chở giùm ta thương nhớ … nhớ thương
Xao xác canh trường, con sóng gọi trùng dương ….

5/ Nắng sớm mai lung linh bầu trời xanh Hồ Xá. Dòng Bến Hải mênh mang con sóng vỗ tung bờ. Em gái Tùng Luật nôn nao đón đợi người về. Nỗi nhớ thương chạy dài theo hình đất nước, theo bước chân anh đi khắp nẽo chiến trường xa. Giấu nỗi mừng vui sau nụ cười bẽn lẽn, ngày anh trở về đất nước trọn niềm vui, cùng nhau xây dựng quê hương, tình xưa nghĩa cũ nên duyên vợ chồng.

6/ Về thăm Hiền Lương sau những tháng năm xa biền biệt, chạm bước chân lên mảnh đất làng yêu dấu Trung Sơn. Như vòng tay mẹ đôi bờ ôm trọn đất quê hương . Cho khúc ruột miền trung gắn liền dòng Bến Hải, về Cửa Tùng nghe câu hò ngày xưa em hát, quê mẹ đẹp giàu qua rồi thời máu lửa đạn bom. Bên này Dốc Miếu, Cồn Tiên, bên kia Hồ Xá thiêng liêng đất anh hùng.

Từ nơi xa con gửi về quê mẹ
Câu vọng cổ buồn mang nặng nỗi nhớ quê
Là nhịp cầu thương nối lòng ai cách trở
Hiền Lương ơi ! Ta giữ trọn câu thề.

Đình Thu
dinhthubank@yahoo.com.vn


READ MORE - ĐÌNH THU - Vọng cổ NƠI CÒN LẠI YÊU THƯƠNG: 4.HIỀN LƯƠNG - KHÚC HÁT NGÀY VỀ

PHẠM NGỌC THÁI VỚI NHỮNG TÌNH THƠ ÁO TRẮNG - Đình Bồng

      Có thể nói “Chùm thơ tình áo trắng” của Phạm Ngọc Thái là một chùm thơ gối đầu đối với lớp sinh viên, đặc biệt là các nữ sinh. Trong đó có hai bài được trích ra từ tập “Rung động trái tim” – NXB Thanh niên 2009, còn bài Cô Áo Trắng nghe tác giả giới thiệu trên Việt Nam Thư Quán thì ở trong tập “Hồ Xuân Hương tái lai” mà anh đang chuẩn bị cho xuất bản tới. Đó phải chăng là những  hoài vọng của ký ức nhà thơ về kỷ niệm tình yêu thưở ban mai hay cảm xúc trước một mối tình nữ sinh xa xưa nào đấy? Tôi xin bắt đầu bình bài thơ thứ nhất:

A-   THỜI ÁO TRẮNG




                Trả lại cho anh một thời áo trắng
                Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
                Những bông hoa mùa xuân thôi không nở
                Đi dưới bóng điện đêm lòng sẽ rất buồn.

     
Vào đầu bài ta đã thấy tiếng gọi của nhà thơ như muốn níu kéo một thời nào đó của tình yêu?  Đó là "thời áo trắng" - Cái thưở tình ban mai trong trắng như pha lê, trinh khiết và  thơm mát. Tiếng vọng từ trái tim về một khoảng xa xăm, mỗi khi nghĩ lại lòng anh lại quặn lên đau xót. 
      
" Em đi rồi "!  Hình ảnh ra đi của người con gái - Nhưng cái sự đi ở đây nó không phải là cuộc chia tay bình thường như một cuộc tan vỡ tình yêu? Đứng bên bờ của sự hẫng hụt, mất mát…lòng anh vẫn say đắm nồng nàn, tha thiết yêu em. Câu thơ bật ra nghe thảng thốt. Bóng người thiếu nữ cùng anh bao buồn vui, hạnh phúc , giờ đã khuất xa. Tiếng của nhà thơ trong sự nuối tiếc:

                     Trả lại cho anh...

     Cái thời yêu ấy đã quá xa với anh rồi, nhưng ta cảm thấy như nhà thơ vừa mới bị mất thôi. Đến cả đất trời cùng luyến tiếc: hoa mùa xuân thì thôi không nở, anh chỉ còn biết lang thang trong những ánh đèn đêm thành phố mà thương nhớ! Tình yêu để lại trong anh bao nhiêu kỉ niệm ngọt ngào tựa như những giọt sương mai, động mạnh vào là có thể vỡ tan. Đoạn sau đó nhà thơ đã thốt lên:
                    Ôi! Yêu dấu cái thời còn cắp sách
                    Mắt em cười mùa thu xanh lên! 

      Thực ra sự đi này là sự rời bỏ tình yêu tuổi thanh xuân của người con gái với cuộc đời anh khi đã về chiều. Người thiếu nữ đi để lại cả một  thành phố hiu hắt vì buồn:

                     Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
     Cái thành phố có trái sấu rụng , lá me rơi với bao tháng năm tuổi trẻ anh đã từng sống êm đềm trong  tình yêu, nhưng nó vừa là thành phố tượng trưng trong hoài niệm. Thành phố của cuộc đời anh! Giờ em đã bỏ đi chỉ còn lại mình anh trống vắng. Câu thơ hiện lên vừa thực, vừa ảo. Nghĩa là, cái thành phố ấy cũng cô đơn như trái tim chàng! Một thành phố của tình yêu mà không có bóng của người yêu? Hai câu thơ đầu như một khúc tình ly biệt - Đó là sự ly biệt  bởi thời gian, quy luật của sự tàn úa, già nua trong cuộc đời.
      Những lá vàng theo tuổi tác thi nhau rụng xuống, rêu phong nhoà nhoạt phủ lên trên cả trái tim tình vẫn tha thiết yêu thương. Hai câu thơ đó cũng đã là cả một bài thơ, để đến cuối cùng còn được nhà thơ hạ xuống làm câu thơ kết:
                    Trả lại cho anh một thời áo trắng
                    Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
      Khi xưa còn em thơ mộng biết bao. Thế mà hôm nay: 
                    Những bông hoa mùa xuân thôi không nở
                    Đi dưới bóng điện đêm lòng sẽ rất buồn.

     
Ta thấy bóng của nhà thơ đang lang thang với những ngày tháng  hắt hiu, lạnh lẽo. Cái thời áo trắng của người yêu sẽ không bao giờ còn quay trở lại với anh nữa dù những kỉ niệm xưa vẫn trở về:
                    Mắt em cười mùa thu xanh lên!
                    Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học
                    Tà áo trắng động vào...khe khẽ nát tim anh!

         
" khe khẽ nát"  -  Ta nghe trái tim như những mảnh thuỷ tinh đang tan vỡ. Khi tà áo trắng của em động vào là trái tim ấy bồi hồi, xao xuyến. Âm thanh phát ra “khe khẽ”… nhưng chính là lòng anh thổn thức.
      "...khe khẽ nát tim anh " là hình ảnh của câu thơ hay! Hé ra những ham muốn, khao khát được tìm tòi, lần cởi những gì có bên trong người con gái. Đó là những cảm giác yêu đầu tiên của cuộc đời.
      Đoạn thơ ba  nỗi thơ đã được đẩy cao lên để nói về sự mất mát khi cái thời trong sáng, mộng mơ đã trôi đi, lòng anh không khỏi choáng váng, bàng hoàng: 
                    Trả lại cho anh một thời áo trắng
                    Đã đi qua và...đã đi qua...
                    Với cả dòng sông trôi mơ mộng
                    Lá lá rụng vàng, tóc tóc hoá sương pha.
       Trên con đường đời tóc cũng bạc dần, anh không thể níu kéo lại cái thời áo trắng cho mình được nữa… và,  những người con gái trẻ xinh cứ dần rời xa anh mãi mãi. Chỉ còn lại những mùa thu tàn, những chiếc lá vàng ngày ngày rơi phủ dày mãi lên cuộc đời cũng đang về chiều của anh. Đoạn thơ đã kết ở đó!
              Nhà thơ Chế lan Viên cũng từng thốt lên: “ Chiều rồi! Phải, chiều rồi!...” . Bài thơ “Thời áo trắng” đã được viết ra trong cái cảnh vào chiều của đời người như thế! Những câu thơ thảng thốt bay ra từ trong tâm trạng bàng hoàng và trái tim rỉ máu vẫn còn khao khát, tưởng như lệ cũng đẫm cả hồn thơ.
                                                                            

B-  PHỐ THU & ÁO TRẮNG


      Nếu như bài Thời Áo Trắng là sự hoài cảm kỉ niệm của một thời, thì Phố Thu & Áo Trắng (PT&AT) – tâm trạng nuối tiếc, xa xót của tác giả lại bồng lên như xé ruột, xé  gan mà cào cấu trong tim. 
     
Có một buổi nhà thơ đang đi trên phố bỗng nhiên anh bắt gặp những tà áo trắng các nàng thiếu nữ phấp phới bay lướt qua anh. Trái tim anh xôn xao tưởng chừng chỉ muốn vỡ tan ra: 
                     Tà áo trắng em đi qua phố
                     Mùa thu rơi phủ mắt anh
                     Tà áo trắng của người sinh nữ
                     Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng.

     
Đó là những chiếc áo dài trắng của các nữ sinh mặc trong buổi khai trường vào mùa thu. Nhà thơ nhìn những cánh hoa phượng đang rụng rơi xuống đất, lòng anh chạnh nhớ lại những ngày được cùng em đến trường mà khóc. Câu thơ :
                      Anh nhìn xác phượng khóc rưng rưng…
     Đã ra đời như thế! Vậy tà áo trắng này là tà áo trắng thực và phố này cũng là phố thực. Nó khác với thành phố và tà áo trắng ở bài thơ Thời Áo Trắng chỉ là những hình ảnh mang màu sắc tượng trưng. Chàng kêu lên! Mà không, chàng nấc lên: 
                    Chỉ còn lại con tim rớm đỏ
                    Áo quệt vào máu rỏ hai tay...
                    Ôi mùa thu, mùa thu êm ả
                    Sao lòng anh tơi tả thế này?

     
Nếu như trong Thời Áo Trắng, khi:
                    Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh!
     
Thì ở bài PT&AT này mức độ xao xiết lên trái tim người thi sĩ đã mạnh hơn. Anh bàng hoàng nhớ về một thưở đã yêu thương ngọt ngào những người thiếu nữ, giờ như con dao cứa vào cào nát trái tim anh! Mặc dù mùa thu vẫn đang êm ả trong xanh nhưng cũng còn đâu được yên lành nữa: 
                Áo trắng in ngang trời, sét đánh!
                Lưỡi dao nào cào nát tim thu?
     
Đến đây hình tượng thơ lại trở thành thơ tượng trưng. Hình ảnh lưỡi dao cào nát cả trái tim mùa thu là một hình tượng đã được thăng hoa, nó đẩy nỗi thơ cao lên! Có một đoạn quyện giữa mùa thu và tà áo trắng như một bức hoạ in trên nền trời làm cho hình ảnh thơ thêm sinh động và rất bay: 
                Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc
                Lang thang vài cánh bướm bơ vơ...

      
Cái cảnh có vài con bướm vàng bay bơ vơ, chính là hồn của nhà thơ cũng đang bơ vơ trong những làn mây bạc ấy - Nó bộc lộ khát vọng yêu đương vô biên của một con người khi bước vào tuổi hoa niên. Tuổi trẻ qua đi, nhưng tâm hồn và trái tim thi sĩ thì cứ trẻ mãi, khát vọng mãi với tình yêu trai gái ấy. Người ta nói “nhà thơ không có tuổi” là vậy, dường như nó còn mãnh liệt hơn. Những giây phút anh bồi hồi tưởng lại năm tháng đã từng được ân ái bên người con gái:
                Anh cũng có một thời bên áo trắng
                Cũng bế bồng và cũng đã ru em
                Cái thời ấy chìm vào xa vắng,
                Phút gặp lòng đâu hết ngổn ngang...
     Tình yêu cuồng nhiệt và nóng bỏng, nhưng giờ thì chỉ còn những năm tháng lạnh tanh, nhạt nhoà của đời chàng. Chàng nghĩ đến cái thời từng ôm tấm thân thiếu nữ mềm mại, ấm áp trong vòng tay. Khoảnh khắc ấy bỗng trở thành như kỉ vật thiêng liêng… mà theo thời gian nay đã trôi vào tàn úa, qua đi không thể còn có thể lấy lại được nữa. Nó lý giải cảnh ngộ vì sao khi gặp những tà áo trắng đi qua lòng anh lại rạo rực, cảm xúc mãnh liệt đến thế!
   
Nhà thơ phác hoạ lên sự đối nghịch của lòng mình với cảnh thiên nhiên đang thanh bình quanh anh, như Nguyễn Du đã viết: 
                    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
       Phút gặp lại lòng trăm mối ngổn ngang…để anh kết lại đoạn thơ cuối cùng: 
                    Thêm một mùa thu, một mùa thu vỡ
                    Câu thơ nấy những bông hoa buồn
                    Thôi, đừng hát để ướt lòng trinh nữ
                    Em đi rồi, anh chết cả mùa đông!

     
Tác giả chỉ than như thế thôi, cũng vô vọng mà. Nói là: " thôi đừng hát..." -  thực ra nhà thơ muốn hát mãi về em. Câu thơ mang ý ẩn dụ, bộc lộ một tình cảm mạnh mẽ của nhà thơ với khát vọng tình yêu trai gái! Mỗi một mùa thu đến lại thêm một lần trái tim anh tan nát, anh đi trong mùa đông càng cô đơn hiu hắt vì buồn.


     Tôi xin bình sang bài:

C-     CÔ ÁO TRẮNG

      Riêng bài “Cô áo trắng” này lại không phải tình thơ thưở ban mai, mà là một bài thơ tình trong buổi hoàng hôn cuộc đời – Như anh đã viết:
                     Anh lại có một cô áo trắng
                     Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời
                     Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm
                     Bàu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi...
     Tôi không biết người đó còn là một thiếu nữ hay đã là thiếu phụ? Chỉ biết rằng anh cảm xúc người đẹp mà nảy ra tình thơ chỉ qua một bức ảnh. Nghe nói bức ảnh đó cô em mặc một chiếc áo cánh trắng mỏng bó sát lấy tấm thân thon thả của một thục nữ thành phố Sàigòn.
     Vào một mùa xuân muôn hoa đua nở, nhà thơ thương nhớ người đẹp ở trong mơ:
                     Đất Sàigòn mùa xuân đến trong mơ
                     Có em tôi đi giữa đêm dài thành phố
                     Em ơi em… những khi trời trở gió
                     Có thấy bóng anh về thao thức bên em?
     Tình thơ chứa chất một tình cảm lãng mạn xen lẫn sự ham muốn về thân thể của người yêu. Tình thơ được khai thác khá sâu sắc.  Tác giả diễn tả về cái thế giới bên trong người đẹp như cả vũ trụ:
                     Đêm Sàigòn khi ấy sẽ như mơ
                     Em bọc trong anh không cần quần áo
                     Ôi! Nguyệt của em đây một động sâu huyền ảo
                     Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong
     Hình ảnh thơ mang màu sắc triết học càng làm cho tình thơ trở nên huyền thẳm. Ngôn ngữ sắc bén, sinh động tựa lưỡi dao cứa ngọt vào trái tim làm ta tê tái, kết hợp với giọng thơ uyển chuyển du dương. Tuy  là thơ tự do mà cảm xúc không chê vào đâu được.
                      Anh nhè nhẹ hôn thầm ở dưới ánh đêm
                      Em khoả thân mình để hoá thành nữ thánh!
                     Áo em trắng hay là da em trắng
                     Có em rồi cuộc sống sẽ vô biên…
     Hay là:
                      Ta mặc cho năm tháng chảy, nghe em!
                      Chỉ có anh và em, chỉ có trời và đất
                      Thế giới văn minh ta không cần gì hết
                      Em dẫn anh vào buổi hoang muội nguyên sơ…
     Cô Áo Trắng là một tình thơ sâu sắc & gợi cảm. Tuy có nơi, có chỗ tác giả đã sử dụng hình ảnh thân thể như “bàu vú nàng”, hoặc “nguyệt của em đây…” – Nhưng đọc lên không làm cho tình thơ trở thành dung tục. Nó chỉ cốt tăng thêm sự hấp dẫn, đáng yêu hơn, hay hơn & viên mãn.
        Nói chung thơ Phạm Ngọc Thái viết theo cảm xúc được tung toả ra nhiều khía cạnh của cuộc đời. Tác giả thường đi hết gam để đẩy nỗi thơ đến tận cùng mà vẫn giữ được sự hồn nhiên trong trẻo. Nhà thơ như thể bóc cả trái tim mình cho thơ tuôn trào ra như suối vẫn không kém phần khúc triết - Qua đó mà bật lên toàn bộ tình cảm trái tim thơ!
        Áo Trắng là một chùm thơ có tầm vóc và hay. Chúc mừng anh!

           Đình Bồng
Giáo viên Trường THPT  Ba Đình - Hà Nội

nguyenbong34@gmail.com

READ MORE - PHẠM NGỌC THÁI VỚI NHỮNG TÌNH THƠ ÁO TRẮNG - Đình Bồng