Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 25, 2018

THIỆP HỒNG -Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân
                            
THIỆP HỒNG
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

     Hắn cầm chiếc thiệp hồng mà nàng mới đưa chiều nay trên tay, miệng hắn tự động nở một nụ cười chẳng rõ khinh bạc hay vui vẻ. Hắn đốt điếu thuốc hút và khẽ gẫy tàn thuốc văng tứ tung, xong như chực nhớ ra đang cầm trên tay tấm thiệp, hắn vội dụi điếu thuốc. Rồi bỗng dưng hắn bật cười rõ to, nụ cười giống như cay đắng nhất mà hắn từng có:” Tại sao tới lúc này tôi vẫn sợ em thấy tôi làm những điều em đã cấm tôi?”. Bốn năm rồi, đã bốn năm rồi kể từ lúc nàng và hắn chia tay, thời gian đủ lâu để hắn có thể yêu thêm một ai khác và cũng đủ lâu để hắn có thể quên đi một mối tình từng làm hắn vò xé tâm can.  ý thế mà giờ hắn vẫn thấy ngai ngái trong lòng, cái nỗi đau thỉnh thoảng nhói lên từng cơn trong tim hắn, hắn chẳng rõ là vì lòng hắn còn thương hay bởi vì con người vốn vô cùng ích kỉ, dù đã chia tay rồi vẫn muốn người ta mãi yêu và thương mình.
     Hắn và nàng học chung lớp đại học. Trong khi nàng là cô sinh viên giỏi nhất lớp luôn sống hết mình theo chuẩn mực thì hắn lại là một kẻ hơi ngông và bất cần đời. Thậm chí đôi khi hắn vẫn hay tự hỏi tại sao hắn lại đậu được đại học, mà theo nàng là “ tuy hắn ngông nghênh nhưng rất thông minh”. Những tưởng hai con người vốn chẳng thể nào ưa nhau được ấy thế mà lại quyến luyến nhau lúc nào không hay. Cho tới tận bây giờ hắn vẫn thầm tự hỏi mối quan hệ của hắn và nàng là gì, liệu có thể khi xa nhau gọi là chia tay được không khi chẳng có một mối ràng buộc nào rõ ràng ngoại trừ danh xưng “ bạn thân”. Nàng và hắn bắt đầu là “ bạn thân” từ giữa năm một, lúc đó phải nói cả lớp đều ú òa trong ngỡ ngàng, vì rõ ràng hai người khác nhau là thế, và cũng vì vốn theo thói chọc của mọi người giữa nam nữ thì làm gì có tình cảm nào gọi là bạn thân. Hơn nữa, ở cái lứa tuổi này, bạn thân chỉ như một bước để chờ “ tiến thêm bước nữa”. Mặc kệ những gì người ta nói, mỗi ngày hắn và nàng vẫn đi cạnh nhau, cái tướng dong dỏng cao của hắn, áo lúc nào cũng bỏ ngoài quần, tai lúc nào cũng gắn headphone, còn bên cạnh là nàng, thấp bé, đôi kính cận dày cộp, quần áo chỉnh tề, trông hắn hệt như đang đi cùng người mà mình bắt nạt.
     -Tôi nghĩ là từ giờ bà đừng có đi cạnh tôi nữa. Trông tôi vốn đã như kẻ xấu rồi mà đi cạnh bà càng giống kẻ xấu hơn.
     Và thể nào nàng cũng phụng phịu giãy nãy:
     -Nếu tôi mà không đi học cùng ông thì thể nào ông cũng sẽ lại trốn học cho coi.
     Hắn chỉ biết thờ phào. Kì lạ một điều là dù không thích học nhưng lần nào điểm hắn cũng cao, có lẽ bởi thế, hắn không cảm thấy chênh lệch quá nhiều về trình độ khi ở bên cạnh nàng. Có điều kì thực là hắn hay trốn học, nhưng nếu nàng bắt được hắn, thì hắn sẽ lại lò dò theo nàng đến lớp. Đôi khi, nàng cũng để cho hắn trốn học vì cuộc sống mà hắn đang có thực sự đôi lúc cần được “ nghỉ ngơi”. Nhiều lúc hắn nghĩ có lẽ vì vô tình biết được gia cảnh hắn mà nàng cảm thương, vì kí thực nàng vốn rất thương người, cứ như nàng sinh ra để ban phát tình thương cho kẻ khác, và rồi luôn ở cạnh hắn: từ nhỏ hắn đã ở với bà nội- những người luôn chối bỏ sự tồn tại của hắn, ba mẹ hắn lại luôn ở xa không biết hắn thiếu thốn tình thương, vì thế hắn luôn sống theo kiểu bất cần đời mà như nàng nói” sống bất cần đời chỉ để được người ta chú ý và quan tâm, vậy thì từ giờ có tôi quan tâm ông rồi đấy”.                  
     Hắn hay say, cái say của kẻ hay uống. Người đời nhìn vào hắn và thế là thêm đủ chuyện thêm thắt, Hắn không chối vì quả thật hắn hay cùng đi uống với những người anh em trong văn nghệ, tụ tập đàn hát rồi vài lon bia, nhưng chưa bao giờ hắn không kiếm chế nổi mình, có điều, những con người ngoan hiền khi nhìn người khác có chút bia rượu trên người thì cũng cho đó là tiền để để đánh giá. Nàng hay đón hắn đi học tại quán mà hắn hay uống, những lúc đó nàng sẽ là người là người đèo hắn trên cái xe đạp cọc cạch giữa trưa nắng , để rồi lúc nào đến lớp,áo nàng cũng thấm đẫm mồ hôi. Những lúc ấy hắn hay nói với nàng:
     -Tôi cảm thấy tôi không phải là người tốt, có khi nào sau này bà hối hận khi có người bạn thân nhất là tôi không?
     -Ông đừng có ở đó mà ngốc nữa, dù ông có bỏ rơi tôi, tôi nhất định cũng không bao giờ xa ông đâu.
     Những mối quan hệ của con người thường không rõ những nguồn cơn. Hắn tồn tại bên cạnh nàng như một người bảo vệ, mà như nàng hay nói:” nếu sau này chúng ta có xa nhau, tôi sẽ nhớ những lúc ông say rượu gọi cho tôi nói rằng ông nhớ tôi, tôi sẽ nhớ những chai nước mát ông đưa cho tôi sau giờ tập thể dục, nhớ những lúc qua đường ông luôn đi bên phía có xe, nhớ lúc mà chỉnh lại quần áo cho tôi, nhớ lúc ông nhìn tôi khen tôi dẽ thương (lúc đó nhìn mặt ông ngu lắm), dù biết rằng tôi ko có dễ thương nhưng nghe ông nói thế vân thấy rất vui,nhớ những lúc mình vui vẻ và cả những khi mình dõi hờn…”.Nghe những câu đó, hắn thậm chí còn không biết mình đã làm được nhiều điều cho nàng như vậy, vì tính hắn vốn là người lầm lì ít nói, ít khi thế hiện ra ngoài nhưng nàng luôn cảm nhận được.
     Thế giới mà hắn đang sống và thế giới mà nàng đang sống kì thực rất khác nhau, nhưng nàng luôn nói:” Cứ từ từ từng chút một thôi, hãy để tôi bước vào thé giới của ông, tuy tôi có cuộc sống vô cùng đơn giản và không hiểu hết những gì ông chịu đựng nhưng hãy đợi tôi nhé?”. Nhưng hai người vẫn cứ thế, vẫn chỉ gọi nhau là những người bạn thân dù qua thời gian, những câu thể hiện tình cảm đã nhiều dần từ “ tôi thương ông/bà” sang “ ông/bà là người khác giới quan trọng nhất của tôi”. Nhưng tình cảm cứ ngầm hiểu vậy thôi, chứ chẳng bao giờ rõ ràng.
     Cho tới khi, thân thiết với nhau quá cũng là lúc những tổn thương dần đến. Cuối năm một, hắn và một thằng cùng lớp đánh nhau, nàng hết sức can ngăn, nhưng trong lúc nóng giận nhất hắn đã nói điều không nên nói:” Vì bà là lớp phó nên bà lúc nào cũng muốn điêu tốt cho lớp chứ chẳng bao giờ nghĩ đến cảm xúc của tôi”. Hắn biết nàng tổn thương vì câu nói đó nhưng rồi nàng vẫn ở bên hắn, thế nhưng lâu dần, khi ở cạnh nhau nhiều quá, với tính nóng nảy của hắn và tính nhẫn nhịn giấu mọi cảm xúc của nàng mọi tổn thương cứ ngày càng đè nén. Thậm chí, có lần khi hắn lên nhà nàng chơi, (cha mẹ nàng thậm chí còn cùng hắn đi hái đậu vì đã quá thân thiết), vào buổi sáng sớm khi hai người cãi nhau nàng đã vừa khóc vừa nói với hắn:
Tôi không rõ chúng ta ở cạnh nhau có sai không nữa. Ông là người làm tôi tổn thương nhiều nhất nhưng cũng là người tôi yêu thương nhất. Tôi muốn rời xa ông nhưng lại ở cạnh ông như môt chân lí. Nhiều khi tự dặn lí trí phải ngừng lo cho ông nhưng rồi lại đến bên ông.
     Có một điều những kẻ mụ mị vẫn hay hiểu sai, khi người ta nói thế nghĩa là người ta đã tổn thương quá nhiều rồi, nhưng lúc đó trong đầu hắn chỉ nghĩ nàng thương hắn nhiều hơn hắn nghĩ, và hắn, lại cứ làm tổn thương nàng. Sang những năm cuối đại học, khi cuộc sống gia đình làm hắn trở nên chật vật, hắn hay nghỉ học hơn và hắn và nàng liên tiếp cãi nhau to giận nhau suốt mấy ngaỳ. Cả hai cứ nghĩ giận rồi quay lại nhưng ngày này nối tiếp ngày kia và cứ thế dần dần hai người bắt đầu có những khoảng trống không nhau mà không biết. Hắn giấu nỗi buồn của hắn, nàng giấu nỗi lo của nàng. Và khi người ta chợt nhận ra họ không hiểu nhau họ dễ xa nhau. Rồi hắn chợt nhận ra sự thất vọng của nàng lớn dần trong mắt, cũng như cuộc sống của hắn bắt đầu không có những nỗi lo của nàng. Hai người lại cãi nhau, và câu cuối cùng hắn nghe được từ nàng đó là:
     -Có lẽ chúng ta nên rời xa nhau thôi. Sau này khi gặp lại, có lẽ sẽ có một cảm giác yêu thương mãnh liệt dấy lên, nhưng cả hai chúng ta đều biết nó không đủ sức để đưa chúng ta quay trở lại.
     Và rồi, bốn năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, không một tin nhắn, không một tin tức, chỉ có giờ, sau từng ấy năm nàng gửi cho hắn một cái thiệp hồng, và cái thiệp hồng ấy như một trang nhật kí nhắc hắn nhớ lại toàn bộ những cảm xúc mà hắn đã từng quên. Cái thiệp hồng ấy rốt cuộc chẳng hiểu đến tay hắn để làm gì, phải chăng như để nhắc nhở nàng vẫn luôn xem hắn như “một người bạn thân” suốt mấy năm qua nên khi ngày trọng đại của cuộc đời mình nàng vẫn nhớ tới hắn. Hay để nhắc cho hắn nhớ, nàng đã từng, là đã từng rất-thương-hắn?

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.




READ MORE - THIỆP HỒNG -Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

HÓA QUỲNH ĐỎ - Chùm ảnh- Chu Vương Miện









READ MORE - HÓA QUỲNH ĐỎ - Chùm ảnh- Chu Vương Miện

PHẠM NGỌC THÁI VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG THA THIẾT - Bùi Văn Dong




PHẠM NGỌC THÁI
            VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG THA THIẾT
                   . Trích tiểu luận "Phạm Ngọc Thái -
                   Con người và thi ca" - Tập sách sắp xuất bản




    Tôi biết Phạm Ngọc Thái từ thuở còn chiến tranh, cùng là anh lính chiến ăn rừng ngủ rú trên mặt trận Tây Nguyên – Nam Bộ. Suốt chặng đường chinh chiến ấy, Thái ham viết nhật ký và làm thơ. Nhiều đêm nằm với nhau bên võng giữa rừng, anh thường đọc thơ cho chúng tôi nghe. Được biết những cuốn nhật ký đó đã bị mất trong chiến tranh, tác giả chỉ còn nhớ lại ít bài tản mạn, cũng là một điều đáng tiếc.
     Bọn lính Hà Nội cùng trong tiểu đoàn chúng tôi ra đi hồi đó, hết chiến tranh kiểm lại chỉ còn mươi đứa sống sót trở về. Chẳng ai có thể ngờ rằng: cái anh chàng lính trận rất ham thích thơ thuở đó, nay đã trở thành một nhà thơ nổi danh trên văn đàn. Thái cho xuất bản cũng đến gần chục tập thơ và bình, qua các tác phẩm đó và nhiều chùm thơ anh cho quảng bá trên mạng - Không khỏi ngỡ ngàng về tâm lý, tình cảm Phạm Ngọc Thái hôm nay khác xưa nhiều quá?

      Nếu đọc ở mảng thơ tình ta nhận thấy một tâm hồn tha thiết yêu nhưng hoang dã, mà phần nhiều đều là những mối tình dang dở hoặc tan vỡ, tác giả nuối lại những kỷ niệm xa xưa.Trong số bài thơ khác, ta lại thấy một cái bóng bảng lảng, quanh quất cõi thiền của một con người vào tuổi hoa niên. Có lẽ không phải chỉ là vấn đề tuổi tác, còn do khách quan cuộc sống và thời thế… đã làm thay đổi những suy nghĩ và tâm hồn tác giả - như trong tựa đề của tập thơ Người Đàn Bà Trắng:
                           
Tiếng chuông chùa bốn phía âm vang
                           Mình lễ cả ba thiên toà phật
                           Người có vận! Thôi đừng oán trách
                           Chuyện thơ văn vừa thực, vừa chơi...
    Phảng phất nỗi u hoài, tìm đến nơi cửa Phật. Còn tựa đề tập Rung Động Trái Tim, thì tâm tư nhà thơ lại hoà trộn vào cát bụi cuộc đời:
                          Con sẻ hót mênh mông đồng nước
                          Người hát rong hát vui sân ga
                          Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát
                          Anh hát cho đời...
                          Anh hát em nghe...
      Phạm Ngọc Thái lớn lên khi đất nước chìm ngập bởi chiến tranh. Mới bước qua ngưỡng cửa thời niên thiếu, anh đã rời bỏ cuộc đời sinh viên đại học - Từ giã Hà Nội vào chiến đấu trên chiến trường miền Nam, tới tận ngày chiến tranh kết thúc. Khi đó tâm lý cũng đã mệt mỏi đường chinh chiến,  Phạm Ngọc Thái rời khỏi quân ngũ trở về thành phố quê hương, tiếp tục theo học trường Đại học Ngoại thương, để trở thành anh cán bộ ngành ngoại thương quốc tế.
     Diễn biến tư tưởng và tình cảm cuộc đời tác giả, những năm hoà bình trở lại đây khá phức tạp: Có lúc anh rơi vào sự chán chường thời thế, chẳng khác nào một người đi ở ẩn, sớm hôm sống lẩn khuất hoặc phiêu lãng với bạn bè, vui thú thơ văn. Tâm trạng ấy đã được tác giả bộc lộ ở nhiều bài:
                               Ta đã sống phần đời sau chót
                               Trong ngôi nhà ẩn khuất bóng nhân gian
                               Một cuộc sống bình thường bầu bạn
                               Nửa trăng hồ, nửa gã hiền nhân.
                                          (Trên nấm mồ truyền thuyết)
     Khi lại rơi vào sự cô đơn đến gai người:
                              Hãy vứt ta lên chiếc giường
                              Phủ đệm, chăn, màn...
                                                 làm bằng những tế bào đói khát
                              Ta không đói khát tình em?
                              Mà đói khát bầu trời.
     Hay là:
                              Một thứ ma người
                              Quen hút khí đêm thay cho sữa mẹ
                              Chơi với hoa, với cá, với chim
                                                             (Cô đơn)
     Tha thẩn với trăng sao:
                              Ta! Anh thi sĩ của nhân gian
                              Tạc thù với cả khối sao trăng
                              Hồn hoa nâng cốc xin dốc cạn
                              Dẫu chỉ mình thôi vẫn mê man
                                                             (Tối quán)
     Cuộc đời tác giả trải qua bao phong trần, phải chấp nhận không ít những mất mát về cuộc sống và tình yêu? Tất cả những sâu sắc ấy đều được dội vào trong thơ. Bởi vậy, một mảng lớn thi ca Phạm Ngọc Thái đầy ắp tính hiện thực. Nó bao chứa tính nhân sinh xã hội cùng thế giới quan của nhà thơ.

     Thơ Phạm Ngọc Thái rất hàm súc, kể cả những bài viết dưới dạng triết lý đến những bài trải theo dòng cảm xúc tự nhiên. Từ nhận thức về tình yêu và cuộc sống được trải nghiệm qua đường đời, thấm tháp chảy vào thơ. Thơ tình thì huyền diệu, có sức rung cảm trái tim người yêu thơ! Thơ đời lại ôm bọc những giá trị hiện thực xã hội sâu sắc. Đặc điểm cơ bản trong tính triết lý thơ đời của tác giả, là vận từ đời sống dân gian, nỗi kiếp con người. Thơ được chắt ra từ tim óc nên đọc không bị gò ép, mà tạo thành bản sắc riêng của thơ anh. 
      Nhiều bài thơ của Thái bắt nguồn từ đời thường. Cái đời thường ấy được khái quát sâu sắc giữa con người với xã hội, cá nhân và thế giới, tuỳ theo cảnh tình mà tạo thành vóc dáng thơ ca. Nó chẳng những có giá trị hiện thực, còn mang theo tính triết học, một nhân sinh quan sâu sắc cùng thế giới quan phong phú, cô đúc đến mức điển hình. Như những bài: Nỗi trăn trở người đi tìm vàng, Em bán xoài, Làm ma em vợ, Khoảng trời phía sau, Những kỷ niệm bên con, Đêm trung thu và đứa ăn mày v.v...
      Trên đây tôi chỉ nêu ra một số nét để dẫn dắt cuộc bình luận, giờ xin đi vầo chủ đề cụ thể.
  


                 PHẠM NGỌC THÁI VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG THA THIẾT
     Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Phạm Ngọc Thái được Bộ ngoại thương biệt phá ra nước ngoài công tác, quản lý những người đi xuất khẩu lao động, đồng thời kết hợp làm kinh tế gia đình. Những năm tháng xa nước ấy, anh đã viết nhiều thơ về quê hương:
                        Có một khoảng trời để thương, để nhớ
                        Là khoảng trời ở đó có em
                        Những bóng cây in trên đường phố thân quen
                        Đêm đêm chiếc lá nhớ lại bay về, xào xạc...
                                                (có một khoảng trời)
     "Có một khoảng trời" cũng là nhan đề của tập thơ đầu tay, mà anh đã cho xuất bản sau thời gian đó. Thơ chan chứa những kỉ niệm yêu thương. Tiếng hát từ trong tâm khảm, trái tim nhà thơ bay lên! Nó mang hơi thở nơi dân dã, tình cảm đầm ấm chốn đời thường. Những sự việc, hình ảnh, ta thường gặp trong các mái nhà nơi phố nghèo; trên một bến ga thân quen hay bên bờ hồ trăng thanh, gió thổi. Đôi khi tiếng hát ấy vẳng lên cô quạnh, lẻ loi, lầm lụi hoà vào trong cát bụi cuộc đời.
      Như bài “Khúc hát người tha phương”:
Đi về đâu cuối chiều
Khi xung quanh vắng lặng
Con thú nào lạc bạn
Hoảng hốt giữa đồi nương

Suối róc rách bìa rừng
Cứ kêu hoài chân vực
Một thành phố quê hương
Hiện lên trong đáy mắt.

Ôi, cuộc đời nghèo xác
Nằm chết giữa tình thương
Có người vợ hiền lành
Với con tôi ở đó...

Chiều nay trong nắng đỏ
Bước lang thang mình tôi
Khúc buồn như chim bay
Hỡi người tha phương ơi?

Đi về đâu cuối chiều
Đời xa nước cô liêu!

                        Nước Đức
                         4/9/1988
     Thơ của Thái về nơi chôn rau cắt rốn ấy, bộc lộ những tình cảm rất máu thịt. Trong chủ đề về “Tình yêu quê hương” này, tôi xin phân tích đôi ba bài để thấy rõ điều đó.

1/.         TRỞ VỀ 
Đôi cánh chim trời quạt gió mây
Ta về non nước nước non đây
Nghe thu xào xạc rung mùa lá
Đông cũng hương đông lạ chưa này?

Ở chốn quê nhà bụi cát bay
Hoà bình mà tan mộng trăng say
Ta về bầu bạn cùng mưa nắng
Lưu lạc người ơi! Gió cuốn thôi…

Ta về trọn cuộc đất cố hương
Với mộng ngàn thu gửi nhân gian
Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác
Bốn bể chân trời lạc khói sương.
      Bài thơ được tác giả sáng tác ở nước ngoài vào cuối năm 1990, khi Đông Đức mất vào tay Tây Đức, kéo theo một loạt nước XHCN Đông Âu bị sụp đổ. Sau những năm ra ngoại quốc, lúc này anh đang chuẩn bị rời khỏi Đức trở lại quê nhà. Tuy hoàn cảnh thời thế bắt buộc phải trở về cố hương trước thời hạn, nhưng lòng anh lại vui mừng khôn xiết. Ta hãy nghe nhà thơ thổ lộ:
                          Đôi cánh chim trời quạt gió mây
                          Ta về non nước, nước non đây
     Lấy hình ảnh cánh chim quạt vào trong mây gió, để nói lên nỗi lòng xốn xang:
                          Nghe thu xào xạc rung mùa lá
                          Đông cũng hương đông, lạ chưa này?
     Lá mùa thu thì xào xạc vì vui, còn mùa đông lạnh lẽo khô khốc… thế mà người lại cảm thấy ngào ngạt hương hoa trái? Quê huơng, xứ sở đã chắp cánh để hồn thơ bay! Thời kỳ đó để mưu cầu cuộc sống, có biết bao người tìm cách ở lại, hoặc chạy sang Tây Đức. Mặc dù anh biết ở quê hương vẫn đang trong cảnh nghèo túng, khó khăn, như đã mô tả:
                          Ở chốn quê nhà bụi cát bay
                          Hòa bình mà tan mộng trăng say
     “…tan mộng trăng say”: câu thơ nói lên sự tan vỡ trong lòng tác giả, sau một cuộc chiến tranh trở về. Những hy vọng, ước mơ về cuộc sống cũng thành mây khói… vậy mà giờ đây khi nghe tin trở lại quê nhà, thái độ của anh vẫn rất dứt khoát:
                         Ta về bầu bạn cùng mưa nắng
                         Lưu lạc người ơi! Gió cuốn thôi...
     Hay là:
                         Ta về trọn cuộc đất cố hương
                         Với mộng ngàn thu gửi nhân gian
    Mộng và hồn của tác giả bài thơ "Trở về" này, quả thật là gắn bó máu thịt với quê hương.

 2/.  “TIẾNG HÁT ĐỜI THƯỜNG” - cũng được tác giả sáng tác ở nước Đức vào năm 1989. Bài thơ viết về người vợ hiền với đứa con thơ ở nơi quê nhà đang mong mỏi đợi chồng:
                         Trong một phố nghèo có người vợ trẻ
                         Vẫn đón con đi, về... như thường lệ
                         Vóc em thanh cũng thể mùa xuân
                         Đôi mắt em, đôi mắt ấy màu đen.
     Đôi mắt màu đen là đôi mắt người phụ nữ Á Đông, mà người ta thường gọi là đôi mắt đen huyền. Nhưng ở đây, đôi mắt đen mà tác giả gợi lại của người vợ trẻ trở nên yêu dấu và tha thiết biết bao: Đôi mắt em, đôi mắt ấy màu đen /- Đó là đôi mắt của quê hương, ngày đêm vẫn ngước nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm chờ anh. Lời thơ tha thiết, khó có bút nào tả hết.
     Nếu Xuân Diệu viết:
                         Mắt em thăm thẳm như màu gió
                         Thơ cũng vàng trong như nắng hanh
     Đó là đôi mắt hẹn hò của tình yêu trai gái. Còn trong bài thơ này, đôi mắt lại chứa đựng một nỗi niềm của người vợ gần gũi bên chồng: buồn vui và sướng khổ trong cuộc sống. Ngày ngày nàng vẫn đón con đi, về... nơi quê nhà. Thơ tả bình dị nhưng vẫn đọng.
     Đó chính là cái phố nghèo mà nhà thơ đã từ biệt để ra đi đất khách, quê người. Quê hương, còn ở đâu thân thiết hơn thế nữa! Nàng là tình yêu trái tim của cuộc đời anh. Hình ảnh thành phố thân thuộc được tác giả gợi ra:
                        Ôi quê hương!
                        Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội
                        Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi
                        Chưa tối đã khêu đèn, bê mẹt thuốc rao đêm
                        Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội.
     Đứa cháu gái bé bỏng ấy cứ tối tối phải bê mẹt thuốc rao bán kiếm sống, đến nỗi không còn đoán ra được tuổi đời của nó? Con phố nhỏ thân quen thì mỗi cơn mưa xuống lại ngập úng, lầy lội - Ở đó, vợ con anh: Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội /- Tất cả cứ thế, cứ thế chảy trào trong cảm xúc của nhà thơ. Lời thơ không cầu kỳ mà vẫn tạo dựng những hình ảnh quê hương thân thiết. Ngay ngôi nhà vợ con anh đang sống, cũng được miêu tả bằng những hình ảnh gần gũi mà đầy ý nghĩa:
                        Ngôi nhà nhỏ bên đền
                        Gốc đa, quán báo
                        Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (1)
                        Đêm hồ ước trăng soi
                        Chiều lá me, lá sấu
                        Cung thành xưa dấu đại bác còn. (2)     
-  Chú thích (1) ý rằng: Ngôi nhà nhỏ ngày đêm soi mình lên bóng nước, với câu chuyện xa xưa: Nàng Thị Lộ đi bán chiếu gon ở Hồ Tây đã gặp ông Nguyễn Trãi, cùng câu chuyện đối đáp giữa hai người đã trở thành truyền thuyết lưu tụng đến ngày nay.
      Nguyễn Trãi ướm hỏi Thị Lộ rằng:
                       Ai ở Tây Hồ bán chiếu gon?
                       Chẳng hay chiếu hết hay còn
                       Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
                       Đã có chồng chưa được mấy con?
     Nàng Thi Lộ đáp lại:
                       Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
                       Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
                       Xuân xanh chừng độ trằng tròn lẻ
                       Chồng còn chưa có, hỏi chi con.
-  Chú thích (2): Là hình ảnh Thành Thăng Long Cửa Bắc, còn in dấu đạn đại bác khi quân Pháp đổ bộ vào đánh chiếm cố đô. Thăng Long thất thủ, quan tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ để tuẫn tiết.
     Bài thơ thật sâu sắc, ý tình chan chứa vô cùng. Chính cái thành phố quê hương ấy và  những người thân, từng một thời đã theo anh ra mặt trận của cuộc chiến tranh xưa:
                       Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn
                       Hành quân rừng già võng treo sườn gió
     Giờ lại theo anh trong cuộc sống tha phương nơi đất khách, quê người:
                       Ai biết chiều nay người vợ trẻ
                       Đứng mong chồng bên đứa con thơ
                       Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!  
     Nó heo hút tựa con chim sẻ hót trên cánh đồng mênh mang nước, lại thân thương trong tiếng của người hát rong trên sân ga. Ta cảm thấy như nhà thơ đã khóc! Nước mắt anh chảy tràn trong bể tình nhân thế này. Giọt lệ ấy đẫm tình người mà xanh sắc mùa thu quê hương. Bài thơ muốn nhắn nhủ cùng những ai khi rời xa tổ quốc, luôn hướng về nơi chôn rau cắt rốn của mình:
                       Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau...
                       Đi đâu, đến đâu: Nhớ về phố ấy!
     "Tiếng hát đời thường" là một bài thơ quê hương hay! 

3/. Bài “NGƯỜI CON GÁI SÔNG XƯA” - Nhớ về những tháng năm, khi đất nước vẫn còn trong chiến tranh đánh Mỹ. Có một chiều trên đường ra mặt trận, nhà thơ đã cùng đơn vị dừng chân nghỉ lại ở một thôn xóm nhỏ. Khi ấy, làng quê Việt Nam rất yêu thương với những người chiến binh ra đi, vào nơi chiến trường đánh Mỹ. Lúc đó, Phạm Ngọc Thái là một anh lính trẻ, chàng trai tuổi mười chín, đôi mươi, với một trái tim đang khát vọng và cháy bỏng tình yêu.
      Chính trong tối đó, anh gặp một thiếu nữ làng. Làng em ở bên con Sông Hồng, cuồn cuộn phù sa… màu son sắt, thủy chung:
                        Sông Hồng chảy muôn năm vẫn đỏ
                        Bãi ngô non xanh gió chân mây
                        Người con gái anh gặp thời chinh chiến
                        Cái buổi qua làng lâu bấy đến nay.
     Tuổi trẻ hồn xuân phơi phới. Cô thiếu nữ làng lại xinh xắn, dễ thương. Thế là, chỉ giây lát của tình quân dân thắm thiết, anh và nàng đã đã dan díu với nhau. Hẳn người con gái ấy phải để lại trong anh nhiều nỗi cảm thương - Bởi vậy, dù  mấy mươi năm qua, khi mái tóc trên đầu đã ngả bóng, nhà thơ vẫn bồi hồi nghĩ về những kỉ niệm xa xưa. Bài thơ được ra đời như thế! Lòng anh giữa trời sao mênh mông nỗi nhớ:
                        Lá tre rụng bao mùa, trôi dĩ vãng
                        Và quê em, đời sống có nâng cao?
                        Người năm ấy, em ơi! Giờ tóc trắng
                        Đang bồi hồi thao thiết giữa trăng sao.
     Tác giả kể lại: Tối đó, người con gái ngồi bên anh trong ánh bếp lửa hồng. Tháng năm, bóng em vẫn còn soi mãi vào cuộc đời anh với tình quê đằm thắm:
                        Làng em luỹ tre xanh bất tử!
                        Mới gặp một đêm mà đã thấy thương thương
                        Bóng nhìn anh, mắt theo giờ còn biếc
                        Như phù sa cứ bồi mãi khôn cùng...
     Phạm Ngọc Thái là một con người của quê hương bình dị, thân thương. Khi cuộc đời nhà thơ sau này đầy những đắng đót, xa xót... thì những kỷ niệm ngọt ngào xưa lại càng da diết trái tim anh. Lời thơ viết về hồi ức mà thật rung cảm, tưởng như có cả lệ chảy ở bên trong. Tình em quyện với tình quê hương máu thịt, tha thiết mà vô biên. Tất cả theo thời gian, như bóng câu bay qua để không bao giờ còn quay lại - nhưng vẫn còn đây, tấm tình thuỷ chung, in dấu trong thơ của thi nhân:
                        Người con gái sông xưa, ơi có biết!
                        Một thời trai bão táp cuộc hành quân...
                        Đêm thành phố nhớ em buồn da diết
                        Em bây giờ, có hạnh phúc không em?
    Bài  thơ đầy ắp tính nhân văn.     
                                                                      
               BÙI VĂN DONG
     Nguyên GV Trường ĐH Quốc gia                                                                                
    NR: 35 phố chợ Gia Lâm, Hà Nội
.
READ MORE - PHẠM NGỌC THÁI VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG THA THIẾT - Bùi Văn Dong

BÌNH MINH TRÊN PHỐ MỚI / EM VỀ TRONG CƠN GIÔNG / ĐƯA CON VỀ QUÊ NGOẠI - Thơ - Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng


Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Bình minh trên phố mới
Đêm bức bối, vầng trăng đi lạc
Giữa phố phường, chật chội đèn hoa
Như choáng ngợp, dòng xe ngơ ngác
Thẩn thờ rơi, vệt sáng nhạt nhòa ...
                     *
Em bước trong sắc màu rộn rã
Bỏ quên vầng trăng mộng ngày xưa
Vô tư “giữa đám đông xa lạ” ...
Lẫn khuất cười lơi lã, đẩy đưa
                     *
Làng lên phố, ngổn ngang tất bật
Bao phận đời đổi nghiệp vần xoay
Cuộc sống xô bồ, điều được mất
Cuốn theo chiều gió lộng vờn lay
                    *
Cứ hối hả đón ngày tươi mới
Tơ non trong, bên những con đường
Xanh ngăn ngắt, điều gì mong đợi
Ngai ngái mùi bùn đất lưu hương ...
                    *
Làng lên phố bao điều quyến rũ
Cạm bẫy đời giăng mắc quanh đây
Em hớn hở bước qua ẩn dụ
Rạng rỡ treo, nắng mới đong đầy ...
                                           VII/17


Em về trong cơn giông
Chợ chiều, bến vắng đìu hiu
Mỏng manh dáng nhỏ liêu xiêu nẻo về
Giông chiều, ngập sóng chân đê
Bâng quơ trăm nổi bộn bề chiều xa


Đưa con về quê ngoại
Bến sông xưa, em lại về giặt áo
Mênh mông trong chiều, trên sông Cà Ty
Ơi con sáo sang sông rồi, con sáo
Em đi lấy chồng xa xứ mà chi ...
                         *
Dòng sông trôi em, dường bao năm cũ
Bên lỡ, lỡ rồi, lỡ mãi sông ơi!
Lâu lắm đưa con về thăm ngoại
Ríu rít đường quê, rộn tiếng con cười
                        *
Lời yêu cũ như còn trong cây cỏ
Ánh vàng trăng hao khuyết nửa góc sân
Hoa cúc nở, như bâng khuâng một thuở
Buổi hẹn đầu đời, bối rối bước chân
                        *
Thời con gái với bao nhiêu bè bạn
Bến sông xưa, con nước vẫn xuôi dòng
Như ngưng đọng, lắng phù sa dĩ vãng
Gió ở đâu về, thổi lộng bến sông?
Lê Thanh Hùng

   Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - BÌNH MINH TRÊN PHỐ MỚI / EM VỀ TRONG CƠN GIÔNG / ĐƯA CON VỀ QUÊ NGOẠI - Thơ - Lê Thanh Hùng